Nghiệp Báo

Nguồn Gốc Của Nghiệp Là Gì?

(Phỏng – dịch những bài Pháp của Đại Đức Narada Maha Thera thuyết tại Kỳ Viên Tự, Sài gòn, ngày 24, 25 – 10 và 1, 2 – 11 – 1959).

Nghiệp bắt nguồn ở đâu? Nói rằng giây phút trước lúc thọ thai thuộc nghiệp trước, khi thọ thai là nghiệp trước đã chuyển qua bào thai để tiếp tục trong kiếp này, đành. Nhưng nghiệp trước lại do nghiệp trước nữa, như vậy mãi mãi phăn lên, đành. Nhưng phăn như vậy đến chỗ nào khởi thủy, chỗ nào cái gốc, chỗ nào là bắt đầu? Không có nghiệp thì không có sanh, mà nếu không sanh tức là không có nghiệp. Như gà mái và trứng gà. Gà sanh ra trứng, trứng nở ra gà. Nếu không có trứng là không có gà, và nếu không có gà, tức không có trứng. Vậy bắt đầu gà sanh ra trứng hay trứng sanh ra gà? Cũng như nguyên do của hột là cây, rồi nguyên do của cây là hột. Vậy khởi thủy của hột là gì?

Đó là bao nhiêu câu hỏi, chánh đáng thật, do sự thắc mắc của trí tuệ con người bao giờ cũng đòi hỏi cho kỳ được sự giải đáp để thỏa mãn.

Cũng như vấn đề nguồn gốc của sự sống. Sự sống từ đâu mà ra? Kỳ thủy, sự sống là gì? Ai ai cũng ước ao được nghe trả lời, ai ai cũng ước ao trả lời cho được. Giải đáp bằng khoa học không được thì trở qua bằng thần bí. Miễn là có giải đáp, thế là yên lòng.

Có thuyết chủ trương rằng sự sống do sự sống mà ra. Sự sống hiện tại do sự sống trước mà ra, và sự sống hiện tại là đi kế tiếp sự sống trước.

Đến đây ta bước bào một yếu điểm. Sự sống này do cái gì mà sanh ra sự sống kia? Nói cách khác, sự sống trước do cái gì mà sanh ra cái sống sau? Có người tin rằng trong việc này có sự can thiệp của một đấng Tạo hóa có thể tự mình sanh vạn vật, từ cái không làm ra cái có, mà chính đấng Tạo hóa không bị ai sanh ra. Luận về thuyết này, nhà triết học Schopenhauer có viết: “Nếu có vị thần nào nghĩ rằng mình từ trong hư vô mà ra thì vị thần đó cũng phải nghĩ rằng rồi đây mình cũng sẽ trở về hư vô. Vì trước đời sống là quá khứ vô tận, vậy sau đời sống cũng phải có một vị lai vô tận và trong cái hư vô ở quá khứ cũng như trong cái hư vô ở vị lai, vị thần ấy vẫn tồn tại. Đó là một lối tư tưởng quái dị.

Vả lại nếu sanh là cái bước đầu tuyệt đối thì tử cũng sẽ là bước cuối cùng của tuyệt đối. Vậy nếu chủ trương rằng con người sanh ra là từ trong hư vô thì chắc chắn phải kết luận luôn rằng tử là cái mức cuối cùng của tuyệt đối vì sau đó là hư vô.

  • Tích Lan, một hôm, sau một thời Pháp thuyết trong một trường trung học, có một ông giáo sư đến hỏi bần tăng “vậy khởi thủy của vũ trụ là gì?”, bần tăng đáp:
  • Tôi không biết, nhưng có lẽ nhờ ông tôi sẽ được biết.
  • Khởi thủy của vũ trụ là Đấng Tạo Hóa
  • Vậy Đấng Tạo Hóa ở đâu? Và Tạo Hóa là như thế nào?
  • Tôi không biết.

Đoạn bần tăng mới kết luận: “Vậy thì ông với tôi cùng đứng chung trong một căn phòng tối om”.

Vậy tánh tò mò hay mơ ước một câu giải đáp thích đáng cho điều thắc mắc nó nung đốt lòng ta, ta có thể kết luận rằng phải có một Đấng Tạo Hóa toàn tri toàn năng đã sanh ra muôn loài và vạn vật. Và khởi thủy là Tạo Hóa? Nhưng tại sao ta không đặt một câu hỏi nữa tương tợ rằng: Khởi thủy của tạo hóa là nguyên nhân của vũ trụ, vậy nguyên nhân của nguyên nhân là gì? Và ta có thể hỏi như vậy mãi không cùng.

Theo giáo lý của Đức Phật thì mọi vật trong vũ trụ đều thuộc bốn loại:

1-  Loại có thủy có chung, có đầu có đuôi, như khi ta đóng xong một cái bàn, là bắt đầu có cái bàn, khi cái bàn hư nát là cái chấm dứt của cái bàn.

2-  Loại có thủy mà không có chung, có đầu mà không có đuôi, như con số 1 là bắt đầu của số, nhưng ta có thể đếm tới mãi mãi, không cùng tột bao giờ, cũng như ta chia số 10 cho số 3 cũng vậy.

3-  Loại không thủy mà có chung, không có chỗ bắt đầu mà có chỗ chấm dứt, như hột xoài chẳng hạn, hột xoài là do cây xoài sanh ra, mà cây xoài này lại do cây xoài trước nữa, cứ vậy phăn lên mãi không cùng là vô thủy, nhưng nếu ta đập nát hột xoài, tức sẽ không có cây xoài nữa, vậy là hữu chung.

4-  Loại không thủy và không chung, không chỗ bắt đầu mà cũng không chỗ cùng tận, như không gian, ấy là niết bàn. 

Trong vũ trụ, vạn vật đều nằm trong bốn loại vừa kể. Vậy ta không lạ gì nếu cái nghiệp là vô thủy mà hữu chung.

Đã là hoàn toàn đặt cho mình một mục đích thực tế, căn cứ trên thực tại, Phật giáo không quan tâm đến vấn đề căn nguyên hay khai tịch của vũ trụ và vạn vật, vì vấn đề này không can hệ đến kiếp nhân sinh của chúng ta. Nó chẳng qua là một đòi hỏi của trí thức vị trí thức mà thôi. Đức Phật không đề cập đến cái nhân đầu tiên mà chỉ đề cập đến cái quả cuối cùng của kiếp sống ta, sau khi nhận thức rõ ràng cái thực tại. Đức Phật là một vị lương y, tìm biết căn bịnh rồi chỉ thuốc cho lành bịnh, chớ không quan tâm tìm biết tông tích gốc gác người bịnh. Biết tông môn người bịnh không giúp ích gì cho sự chữa bịnh.

Thuở nọ có một vị Tỳ khưu tên Mālunkyaputta cảm thấy cách giải thoát từ bậc của đức Phật rất chậm chạp bèn đến bạch với đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn, Ngài chưa hề đề cập đến nguồn gốc của Nghiệp. Nếu Ngài không giải thích được cho tôi việc ấy, tôi sẽ từ bỏ đời tu sĩ của tôi để hoàn tục cho rồi”. Thản nhiên đức Phật hỏi: “Có phải ngươi đi tu để biết nguồn gốc của Nghiệp không?”. Thầy Tỳ khưu đáp: “Bạch đức Thế Tôn, không”. Đức Phật bèn dạy thầy Tỳ khưu không nên tốn công, lãng phí thì giờ quý báu vì những chuyện vu vơ ấy. Chẳng những không lợi ích mà còn hại đến sự tinh tấn tinh thần. Đoạn đức Phật thuật cho Mālunkyaputta nghe chuyện anh chàng bị mũi tên độc bắn vào tay mà không cho ai rút mũi tên ra trước khi kể cho anh ta biết tông tích kẻ bắn. Đức Phật nói tiếp: “Cũng y như vậy, người nào nói: Tôi sẽ không theo Như Lai để sống đời đạo hạnh và mong được giải thoát ngày kia nếu không được nghe Như Lai giải thích tường tận nguồn gốc của nghiệp, người ấy sẽ chết trước khi được Như Lai đề cập đến. Này, Mālunkyaputta, nếu ngươi tin rằng Nghiệp có nguồn gốc, điều đó có giúp cho đời đạo hạnh và sự giải thoát của ngươi không?” – Bạch Đức Thế Tôn, không. “Nếu người tin rằng Nghiệp không có nguồn gốc, điều đó có giúp cho đời đạo hạnh và sự giải thoát của người không?” – Bạch Đức Thế Tôn, không. – Trái lại, dầu nghiệp có nguồn gốc hay không có, điều chắc chắn là đời ta có sanh, có lão, có tử… Đó là việc quan trọng và ta chỉ đường lối làm cho những đau khổ phiền não đó tiêu diệt đi, được đến nơi sáng suốt và yên vui, há chẳng phải là hữu ích hơn ư?

Phật giáo không lấy sự giải thích hay giải quyết tất cả các vấn đề siêu thực hoặc vấn đề khai tịch và căn nguyên của vũ trụ làm trọng tâm, cũng không đòi hỏi hoặc bắt buộc người theo giáo lý của đức Phật phải hiểu như thế nào về nguồn gốc của Nghiệp, của không gian, thời gian cùng là vũ trụ. Giáo lý nhà Phật là một giáo lý thực dụng căn cứ trên thực tại, nhắm mục phiêu thực tế. Nhận định nhân sinh hữu khổ thì Phật chỉ con đường đi đến diệt khổ. Khổ là thực tại, phương châm diệt khổ phải thực tế, thoát ly khổ cũng phải là cứu cánh thực tiễn. Ngoài ra là những câu chuyện vui trí mà thôi, khôngbổ ích cho đời sống đạo hạnh là phải đưa về diệt khổ. Trái lại, Phật giáo khuyến khích ta phải mở trí ta ra ngày càng sáng suốt, phải nhận thức rõ ràng cái thực trước mắt ta là kiếp sống của ta nó như thế nào, để ta tự giác ngộ sự thực ấy để tự giải thoát lấy, để bước lần ra ngoài cái dòng luần lưu của Nghiệp mà không quan tâm đến căn nguyên của Nghiệp làm gì cho bận tâm thêm.

Giả như ta biết chắc rằng “X” là nguồn gốc của Nghiệp, sự hiểu biết đó có đem ta đến gần mục phiêu chính của ta là giải thoát không, hay nó chỉ thỏa mãn trí tò mò, lòng thắc mắc do trí ta tạo ra thôi? Thỏa mãn, như cuộc chơi cờ, ăn hay thua, cao hay thấp, kết cuộc cũng không ra khỏi bàn cờ. Ván cờ đời ta đang đánh, mục đích người hiểu rằng đánh cờ là quay quần phiền não trong khung cờ, mục đích ấy là làm sao chấm dứt lần cuộc cờ mơ mộng trong ăn thua cao thấp nhứt thời. 

Thế thì cần gì ta phải mài miệt trí óc trong bao điều tìm kiếm viễn vông. Dầu ta do loài thảo mộc sanh ra, hay do một đấng Tạo Hóa, hay một vị thần Brahma nào tạo ra, ta không thể nào phủ nhận một điều hiển nhiên là trong dòng kiếp dài đằng đẵng mà hiện kiếp ta là một đoạn, ta không tránh khỏi sanh, tử, bệnh, lão… là cái thực. Trong cuộc phiêu lưu vô tận mà ta cùng vô lượng chúng sanh đang cơ cực lang thang đây, ta phải làm thế nào cho cái trò phiền não này biến thành một trạng thái an vui, bước lần đến nơi siêu thoát.

Vậy ta không cần biết nguồn gốc của Nghiệp mà chỉ phải biết Nghiệp là gì. 

Như sẽ nói ở các đoạn sau, Phật giáo giải thích rằng sự chênh lệch sai biệt giữa muôn ức người trong xã hội về thể xác, tính tình, trí tuệ, nết na đều do chỗ sai khác trong nghiệp của mỗi người. Tuy nhiên, Phật giáo chỉ nói rằng nghiệp chướng là một trong những nguyên do chánh của sự sai khác chênh lệch vừa nói trên, chớ Phật giáo không nói Nghiệp là nguyên do duy nhứt, do đó tất cả cái gì cũng do Nghiệp mà ra. Lý Nghiệp báo chỉ là một trong 24 nhân duyên (Paccaya) mà thôi. Nếu lý Nghiệp báo là hoàn toàn chi phối đời ta, thì nghiệp báo há chẳng phải là đồng nghĩa với cái mà ta kêu là số phận, vận mạng rồi hay sao? Và như thế thì quyền tự do chuyển nghiệp của ta từ kiếp này và kiếp sau còn gì? – Lý Nghiệp báo không phải là một vị thần linh bất khả cưỡng đã sắp đặt trước mạng định của ta mà dầu muốn dầu không ta không thể nào thay đổi. Nhứt định không. Vậy ta không nên lấy Nghiệp báo làm chỗ dựa rồi mỗi mỗi đều gán cho nghiệp báo. Trong Đối Pháp Luận (Abhidammavatara) có phân biệt 5 định luật hay 5 lịch trình (Niyãma) chi phối sự tiến triển vật chất và tâm lý:

1-  Utu niyāma là định luật liên quan đến sự tiến triển của các vật chất không có cơ thể (inorganique) như hiện tượng gió mưa, thời tiết. Như xuân đã qua thì hạ đến, thu rồi đến đông. Hạ thì nóng, Đông thì lạnh, nguyên nhân của gió mưa, tánh chất nhiệt – hàn… Mai, liên, cúc, đào, tuần tự đua nở theo xuân hạ thu đông, xoay tròn như cây kim đồng hồ… Định luật này có máy móc không? Nó có tính chất bất cưỡng đối với ta không? Thật ra, nhờ sự luyện tập cơ thể ta cũng có thể thoát ra khỏi vòng chi phối của nó. Như mùa đông, trời lạnh buốt xương mà có hạng người nhờ luyện tập mà họ có thể nằm trần trong tuyết. Cũng như có người tập đi trên lửa, tắm nước sôi mà không hề gì.

2-  Bija niyāma là định luật chi phối sự tiến triển của những vật chất hữu cơ (organique) như cây cỏ, những vật có tế bào. Do định luật này thì dòng nào sanh giống ấy: lúa do hột lúa mà ra; vị ngọt do đường, mía, mật ong mà ra;… luật âm dương, trống mái, tế bào và phân tử genes trong việc thọ thai cũng do định luật này chi phối. Bija Niyãma cũng không phải là một định luật máy móc, bất cưỡng. Ta có thể xoay chuyển, kiểm soát nó được. Như trong thuật trồng tỉa, ta có thể chấp cành cây này qua cây kia để đổi phẩm hoặc lượng của giống. Định luật Mendel cũng thuộc vào định luật này một phần (loi de Mendel).

3-  Kamma niyāma là định luật hành và quả hay nhân quả. Nhân gieo thì quả trổ. Nhân lành đem lại quả tốt, nhân ác đem lại quả xấu. Đó là sự tự nhiên phải trổ sanh như vậy chớ không phải thưởng hay phạt. Kamma Niyãma tự nhiên nó tác động mà không cần sự kích thích, muốn hay không muốn bên ngoài. Đây là định luật chung của vạn vật trong vũ trụ. Ta thường nói thủy lưu tại hạ, bởi chất nước là luôn luôn kiếm cho được quân bình bằng phẳng. Luật nhân quả cũng vậy, đã có nhân thì do lý nghiệp báo, quả phải trổ ra như trả lại cho quân bình, không thể tránh được, cũng như không thể tránh cho nước chảy xuống chiều thấp trước khi nó đến mức quân bình, nó vận chuyển tự nhiên như sự xoay vần của mặt trời, mặt trăng vậy. Cũng như hai định luật trên, Kamma Niyãma không phải là một định luật bất cưỡng: ta có thể chuyển hướng cho nó được. Tuy rằng trên thế gian này cũng như trong Sa bà thế giới không có một nơi nào ta tránh khỏi tác động của nghiệp báo nhưng ta cũng không phải thọ lãnh trọn vẹn những cái gì ta đã mang theo trong nghiệp ta. Nhờ sự luyện tập, tu tâm dưỡng tánh mà một người vốn là đê hèn độc ác cũng có thể trở nên một người đạo hạnh thanh cao. Luôn luôn ta đang trở thành một cái gì, và cái gì ấy như thế nào là tùy nơi hành động, tư tưởng của ta. Mỗi lúc ta có thể trở nên tốt hơn hay xấu hơn. Dẫu người tội lỗi nhất cũng không nên tuyệt vọng. Dẫu người có được đạo hạnh nhất cũng không nên ẩu thả ỷ lại. Tốt hay xấu chỉ là một mức trở thành do hành động và tư tưởng mà thôi. Trở thành đường nào đều cũng có thể trong nháy mắt. Ai tốt hơn ai, xai xấu hơn ai, ai dám biết được? Ai biết được nghiệp mình đã tàng trữ bao nhiêu xấu, bao nhiêu tốt. Nếu suy theo hành động hiển hiện mà ta có thể đoán ngay cái quả, thì ai dám nghĩ rằng một người như Angulimalã là một tên giết người không gớm tay lại đắc được quả Alahán. Quả tốt này là nhân tốt ở kiếp trước của Angulimalã. Dọa xoa Alavaka, vua Asoka đều là những người tội ác, mà chính họ đã chuyển được nhân xấu ra quả tốt, nhờ ý chí của tâm họ xoay được chiều như thế. Vậy ta có thể chuyển định luật Kamma Niyãma do sự tu tập của ta.

4-  Dhamma niyāma là định luật của qui phạm, như những hiện tượng xảy ra khi một vị Bồ tát trở lại tâm phàm: như hấp dẫn lực, nhẹ bay lên, nặng rơi xuống, nhẹ hút vào nặng, nặng đẩy nhẹ, dị chất phản ứng, như âm dương phản ứng mà cảm sanh dịch hóa trong 64 quẻ trong Bát Quái theo Dịch Kinh… và các định luật khác tương tợ trong trời đất, đều nằm trong định luật này. Cũng như 3 định luật trên, Dhamma Nayãma cũng có thể chuyển được. Thuật nhu đạo của người Nhựt cũng là một cách áp dụng và chuyển chiều định luật này. Đạo ăn lành ở phải mà có được mãnh lực bất ngờ cũng là vào phạm vi Dhamma niyāma.

5-   Cittā niyāma là định luật tâm lý, như lịch trình diễn tiến của tâm thức, sự sanh, sự diệt của tâm niệm, những cơ cấu tác động của tâm linh. Những hiện tượng của thần giao cách cảm, dự giác, hồi thức, huệ nhãn huệ nhĩ, tha tâm thông… đều nằm trong Cittā niyāma cả. Chắc chắn ở đây ta đã thấy, ta có thể chuyển Cittā niyāma được không, được.

Như đã giải trên và 5 định luật Niyāma vừa kể, thì tất cả hiện tượng vật chất, tâm lý, luân lý, đổi chuyển được cùng chăng, ta có thể dùng một trong 5 định luật này mà giải thích. Vậy thì Nghiệp báo là một trong 5 định luật này thuộc Kamma niyāma chi phối vạn vật trong vũ trụ.

Và cũng như các luật thiên nhiên khác trong trời đất, luật nghiệp báo, nhân quả, không ai bày nó ra nó mới có. Nó có tự nhiên và tác động của nó cũng tự nhiên theo luật tuần hành tác động của nhân và quả. Nó là phi thiện phi ác. Điều ta cần nhấn mạnh là ta có thể chuyển chiều cho nó tùy hành động của ta. Đó là điều chính, là điểm tự do hoàn toàn của ta làm chủ hành động và tư tưởng của ta.

Vậy khi ta hỏi: nguồn gốc của nghiệp ở đâu, thì khác nào ta hỏi: nguồn gốc của hấp dẫn lực ở đâu? Nguồn gốc của điện ở đâu? Nên ta chỉ cần biết nghiệp là gì hơn là biết chỗ bắt nguồn của nghiệp.

 

 

—————————–

Bài viết được trích từ cuốn Nghiệp Báo – Nguồn Gốc Của Nghiệp Là Gì, tác giả Tỳ Khưu Narada Maha Thero

Link  cuốn Nghiệp Báo – Nguồn Gốc Của Nghiệp Là Gì
Link  tải sách ebook Nghiệp Báo – Nguồn Gốc Của Nghiệp Là Gì
Link  video cuốn Nghiệp Báo – Nguồn Gốc Của Nghiệp Là Gì
Link  audio cuốn Nghiệp Báo – Nguồn Gốc Của Nghiệp Là Gì
Link  thư mục tác giả Tỳ Khưu Narada Maha Thero
Link  thư mục ebook tác giả Tỳ Khưu Narada Maha Thero
Link  giới thiệu tác giả Tỳ Khưu Narada Maha Thero
Link  tải app mobile Phật Giáo Theravāda

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app