Nội Dung Chính
BÀI GIẢNG NGÀY THỨ 8
Ngày thứ 8 đã qua, bây giờ, ta còn lại 2 ngày và trong 2 ngày này chỉ có một ngày để tu tập nghiêm chỉnh. Dù chỉ một ngày nhưng cũng đủ tốt nếu ta thật sự tu tập nghiêm chỉnh, làm đúng như phương pháp Thiền đòi hỏi. Ta sẽ gặt hái được rất nhiều lợi ích. Một điều quan trọng khác nữa là hãy tiếp tục hiểu đúng đắn phương pháp Thiền này. Để khi về nhà, ta sẽ thực hành và áp dụng đúng đắn phương pháp Thiền trong đời sống hằng ngày. Nếu không, dù có tu tập chăm chỉ và nghiêm chỉnh nhưng không đúng đắn, ta sẽ bỏ lỡ các lợi ích đáng lý phải thu nhận được nhờ phương pháp Thiền này.
Hai yếu tố quan trọng là Ý thức và Sự bình tâm
Hãy tiếp tục hiểu rõ hai khía cạnh quan trọng như nhau của phương pháp Thiền này. Đó là ý thức và sự bình tâm. Cả hai đi đôi với nhau như đôi cánh chim, cả hai đều có kích thước và sức mạnh bằng nhau, nếu không, chim sẽ không thể bay được. Như hai bánh xe do ngựa kéo, cả hai đều có kích thước và lực chịu bằng nhau, nếu không, chúng sẽ không thể chạy được. Cả hai đều quan trọng ngang nhau, ý thức cũng như là sự bình tâm. Nếu ta có ý thức nhưng ta không có sự bình tâm thì không đạt được mục đích. Và nếu có sự bình tâm nhưng ta không có ý thức thì cũng không đạt được mục đích.
Đức Phật Gotama dạy điều gì mới mẻ hơn các Vị Đạo sư khác?
Nếu ta ý thức được thực tại thô thiển biểu hiện ra bên ngoài, cũng tốt đấy, nhưng đó không phải là Vipassana. Ngay cả đến thực tại thô thiển thuộc về cơ cấu thân thể và cơ cấu tinh thần của mình. Về cơ cấu thân thể, tất cả các hoạt động của cơ thể, ta ý thức được. Về cơ cấu tinh thần, vài cảm xúc rất thô thiển chắc đặc đến trong tâm và ta ý thức được, điều này có ích lợi đấy.
Nhưng đây không phải là sự giảng dạy của Đức Phật, Ngài muốn ta làm việc với cảm giác trên thân thể. Hầu hết những Đạo sư trước thời, cùng thời và sau thời Đức Phật (ngoại trừ những ai có những hành động không có đạo đức) đều có cùng lời khuyên là ta đừng phản ứng lại những đối tượng của các giác quan.
Hình dáng, hình thể, màu sắc, ánh sáng, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm, ý tưởng, chúng có thể dễ chịu hay khó chịu, nhưng đừng phản ứng lại chúng, đừng sanh lòng ham muốn hay ghét bỏ chúng. Lời giảng này của Đức Phật Gotama không có gì mới mẻ cả, đây không phải là sự giác ngộ của Ngài. Sự giác ngộ của Ngài là đi sâu vào trong vấn đề, tất cả những người khác đều chú trọng đến sáu cửa giác quan và đối tượng của chúng, tưởng như là lòng ham muốn và ghét bỏ nổi lên là vì đối tượng của 6 cửa giác quan này.
Ở mức độ bề ngoài, điều này đúng, nhưng khám phá của Đức Phật là “Sáu cửa giác quan tiếp xúc với các đối tượng tương ứng của chúng; và vì sự tiếp xúc này nên sinh ra một cảm giác trên cơ thể, dễ chịu hay khó chịu; và sự ham muốn, sự ghét bỏ của mình bắt đầu xuất hiện sau khi ta đã cảm thấy cảm giác trên cơ thể”.
Mắc xích kết nối ấy đã bị bỏ quên cho nên người ta cứ tiếp tục tu tập để thoát khỏi ham muốn và ghét bỏ. Nhưng chỉ là ở bề mặt, còn cội rễ không bao giờ được đề cập tới, họ không nhận ra rằng, họ phải đi tới mức độ của cảm giác trên cơ thể để nhổ tận gốc rễ của bất tịnh. Đây là sự đóng góp của Đức Phật Gotama cho nhân loại, một phương cách để thoát ra khỏi khổ đau từ mức độ sâu thẳm. Nếu chúng ta thiếu sót điều này thì ý thức của mình không phải là ý thức trọn vẹn. Ý thức về cảm giác trên cơ thể và sự bình tâm trước những cảm giác này dù là dễ chịu hay khó chịu.Đây là 2 bánh của chiếc xe này, con chim này có 2 cánh, cả hai phải có kích cỡ bằng nhau, sức mạnh bằng nhau thì ta mới tiến bộ được.
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.
AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)