Nội Dung Chính
Luận Giải Về Nghiệp Phần II
Đời Sống Bình Nhật
Chương Nghiệp (Kamma) Cho Quả Sự Lặp Lại Sẽ Cho Quả
Giả sử rằng các bạn muốn niệm câu “Namo tassa Bhavagato Arahato Sammāsambuddhassa” nhiều lần cho đến khi các bạn quen thuộc với nó. Sau khi tụng một lần, các bạn lặp lại. Các bạn nhận ra là nó dễ hơn. Sau lần thứ ba, sự tụng đọc của các bạn thông suốt hơn. Sau nhiều lần, thậm chí nếu các bạn bị đánh thức dậy khi đang ngủ và được bảo là hãy tụng đọc đi, các bạn cũng sẽ tụng được, không vấp gì cả.
Khả năng này là do sự lặp lại (āsevana1). Như vậy, thông qua sự thực hành mang tính lặp đi lặp lại, chúng ta sẽ đạt được kỹ năng. Bất cứ việc gì được làm hoặc xảy ra chỉ một lần thì sẽ không đưa đến kết quả gì nhiều – trừ khi nếu nó được thực hiện nhiều lần cho đến lúc nó trở thành như một cái nếp xếp trên tấm vải. Cái “nếp xếp” này trong tâm chỉ ra rằng khả năng hoặc tài năng đã thâu đạt được.
Trong lộ trình tâm, điều này được gọi là trùng dụng duyên (āsevana paccayo) khi những tâm (citta) tương tự sanh lên một cách lặp lại, với tâm (citta) đi trước truyền gửi năng lượng của nó đến tâm theo sau. Nếu không có sự truyền gửi này xảy ra, các bạn sẽ chẳng thể có được sự tiến triển nào trong việc học thuộc một câu kệ hoặc là việc học tập một kỹ năng nào đó. Các bạn thậm chí sẽ chẳng thể sinh hoạt hay thực hiện các công việc hằng ngày một cách bình thường được. Ví dụ, khi ăn cơm, các bạn sẽ không thể nhớ thủ tục ăn uống như thế nào chẳng hạn như thức ăn phải đi vào miệng, chứ không phải đi vào lỗ tai. Đây là vì trùng dụng duyên cho phép hay giúp các thói quen được hình thành. Từ đó, những hoạt động hằng ngày có thể được thực hiện theo thói quen hay theo quán tính mà không cần sự nỗ lực nhận thức.
Với trùng dụng duyên (āsevana), năng lượng và sự thuần thục tăng lên theo từng sát-na tâm (citta). Hãy lưu ý rằng tất cả những loại tâm khác nhau tham dự trong lộ tâm – ngoại trừ các tâm đổng lực (javana citta) – không thể phát triển về năng lượng và sự thuần thục thông qua sự lặp lại. Với những tâm (citta) thông thường này, chúng sanh lên chỉ một lần để thực hiện chức năng của chúng. Đây không phải là trường hợp của các đổng lực (javana), vì đối với các đổng lực, năng lượng gia tăng do sự lặp lại của loại tâm này.
Ngoại trừ đổng lực (javana) cuối, tức là đổng lực thứ bảy (J7), mỗi một trong số sáu đổng lực (javana) ở trước duyên cho tâm sanh lên kế tiếp thông qua năng lực của trùng dụng duyên (āsevana). Cho nên, năng lượng của tâm (citta) kế tiếp trở nên mạnh hơn năng lượng của tâm đi trước. Theo thứ tự của sự gia tăng năng lượng thì các đổng lực (javana) có thể được chia ra thành ba nhóm: nhóm thứ nhất bao gồm chỉ có đổng lực thứ nhất (J1), nhóm thứ hai bao gồm từ đổng lực thứ hai (J2) cho đến đổng lực thứ sáu (J6), và nhóm thứ ba chỉ có đổng lực thứ bảy (J7).
Thời điểm hết hạn là tại lúc kết thúc đời sống này
Là đổng lực đầu tiên trong chuỗi, J1 có năng lượng giới hạn, vì nó chỉ mới bắt đầu thu góp năng lượng. Tại sao như vậy? Đó là vì ở thời điểm trước lúc nó sanh lên, không có tâm (citta) nào sở hữu năng lực trùng dụng duyên (āsevana) cả. Tâm đi liền trước nó là tâm đoán định (voṭṭhabbana), tức là một loại tâm (citta) khác. Cho nên, J1 không thể được duyên bởi năng lực của trùng dụng duyên (āsevana). Do đó, nó không thể tạo sinh ra đời sống mới. Nó chỉ có thể hỗ trợ cho đời sống hiện tại. Đó là hiện báo nghiệp (diṭṭha dhamma vidanīya kamma), cho quả trong kiếp sống hiện tại. Vì năng lượng của nó không đủ, nó không thể vượt ra ngoài kiếp sống này để đi vào được kiếp sống kế tiếp. Tại lúc kết thúc đời sống này, nghiệp lực của nó trở thành hết hạn, tức là thành vô hiệu nghiệp (ahosi kamma), có nghĩa là nó không thể cho quả được nữa – giống như thuốc hết hạn vậy. Cho nên, nếu J1 không có cơ hội cho quả trong khoảng thời gian cho phép của nó, tức là kiếp sống này, thì nó sẽ trở thành vô hiệu nghiệp (ahosi kamma).
Đợi chờ thuận duyên để trổ quả trong kiếp sống kế tiếp
Vào lúc diệt đi, J1 truyền năng lượng của nó sang cho J2. Rồi năng lượng của J2 được truyền sang cho J3. Kết quả là J2 mạnh hơn J1, và J3 có năng lực nhiều hơn J2. Như vậy, có sự truyền gửi năng lượng giữa những tâm liền kề nhau như thế này. Đến lượt J6 thì đổng lực này có đầy năng lượng. Rồi năng lượng được tích lũy này được gửi sang cho đổng lực cuối cùng của chuỗi những đổng lực này. Theo cách này, tâm sở tư (cetanā) của J7 nhận được sự hỗ trợ từ tất cả những đổng lực (javana) đi trước. Năng lượng của nó đủ mạnh để tạo ra sự tục sinh vào lúc kết thúc đời sống này.
Tuy nhiên, để tạo ra quả tục sinh, nghiệp (kamma) không thể tự mình thực hiện được. Điều này chỉ có thể xảy ra khi các điều kiện hỗ trợ khác hội tụ. Chỉ lúc đó thì kết quả mới xảy ra. Như vậy, đối với J7 thì khi nào kết quả của nó xảy ra? Do mức năng lượng cao của nghiệp (kamma), nó xảy ra trong kiếp sống liền kề – tức là đời sống gần nhất có thể – chỉ khi có cơ hội và sự trợ giúp của các điều kiện. Sanh báo nghiệp (upapajjavedanīya kamma) này có thể được so sánh với cây đang đợi nảy mầm vào đầu mùa xuân: chúng “trốn” trong lớp sương lạnh, đợi những ngày ấm áp đến. Hoặc nó giống như những ứng cử viên trong danh sách đợi chờ việc. Với sự giúp đỡ của các điều kiện, nghiệp (kamma) này “phải” trổ quả trong kiếp liền kề. Nếu không có cơ hội cho nó trổ quả, thì nó sẽ trở thành vô hiệu1. Nó sẽ không đi tiếp đến kiếp sống thứ ba.
Mặc dầu có năng lượng được tích lũy từ những đổng lực (javana) khác, nhưng vì là đổng lực cuối cùng trong chuỗi đổng lực, J7 không thể là pháp làm duyên của trùng dụng duyên (āsevana). Tâm gì đi theo sau J7? Nó có thể là tâm na cảnh (tadārammaṇa) hoặc là tâm hữu phần (bhavaṅga) – cả hai đều thuộc bản chất khác. Cho nên, J7 không thể gửi truyền năng lực của nó cho tâm đó thông qua phương tiện của trùng dụng duyên. Sau khi diệt đi, nó chỉ có thể để lại phía sau năng lượng của nó cho tâm (citta) đi theo sau2.
Chó săn rượt đuổi trong vòng luân hồi (saṃsāra)
Rồi đối với những đổng lực (javana) còn lại, vì không thể cụ thể chỉ rõ tâm (citta) nào có liên quan, cho nên, chúng ta phải nhắc chung đến chúng là nhóm gồm năm đổng lực (javana) ở giữa. Chúng được gọi chung là hậu báo nghiệp (aparāpariya vedanīya kamma), có nghĩa là không có giới hạn thời gian. Bắt đầu từ kiếp sống thứ ba trở đi (ND: kể từ kiếp sống này), những nghiệp (kamma) này sẽ tiếp tục cho quả nếu chúng ta vẫn còn trong vòng luân hồi sanh tử. Cứ nếu có một đời sống mới thì chúng sẽ chờ đợi cơ hội trổ quả; một trong số chúng có năng lực tạo nên việc tục sinh. Mặc dầu chúng có thể được làm cho cô lập, nhưng chúng ta không thể tránh chúng được. Trong nhóm này, đổng lực nào có năng lực làm duyên mạnh nhất? Đó là J6 vì năng lượng được tăng dần từng bước một từ J3. Cụ thể là, năng lượng của J3 mạnh hơn của J2, năng lượng của J4 mạnh hơn của J3 và vân vân. Những năng lực làm duyên của chúng sẽ tiếp tục cho quả trong bất kỳ kiếp sống nào kể từ kiếp sống thứ ba.
Như vậy, đây là loại nghiệp (kamma) có tuổi thọ lâu dài nhất. Ngài Buddhaghosa đã so sánh nó với một con chó săn. Khi con chó săn thấy con hươu, nó sẽ rượt theo ngay. Nếu con hươu vấp ngã, con chó sẽ vồ lấy ngay. Cũng theo cách này, những nghiệp (kamma) này sẽ đi theo chúng ta trong suốt vòng luân hồi (saṃsāra) – thậm chí cho dầu nó có là một nghiệp xấu mà chúng ta đã thực hiện cách đây hàng trăm ngàn kiếp sống trong quá khứ.
Trong trường hợp của nghiệp thiện (kusala kamma), Đức Bồ-tát trong kiếp sống làm đạo sĩ Sumetha là một ví dụ điển hình. Khi gặp được Đức Phật Dīpaṅkara, Ngài đã được thọ ký rằng Ngài sẽ trở thành Phật một ngày trong tương lai. Từ lúc đó trở đi, đạo sĩ Sumetha đã bắt đầu tích lũy ba-la-mật (pāramī) trong vô lượng những kiếp sống cho đến kiếp sống cuối cùng của Ngài, tức là lúc Ngài thành Phật Gotama.
Bạn Hay Thù
Nghiệp (kamma) không chỉ tạo sinh ra đời sống mới với tư cách là sanh nghiệp (janaka kamma), mà thật ra còn ba loại nghiệp khác nữa với những chức năng khác nhau ngoài việc tạo nên sự tục sinh. Phương cách (làm việc) của nghiệp (kamma) là trong quá trình cho quả trong thời bình nhật (pavatti), nó sẽ giúp đỡ bằng cách hỗ trợ cho những nghiệp khác có cùng bản chất hay đặc tính như nó. Nếu không, nó sẽ can thiệp hoặc ngăn cản bằng cách làm yếu đi, làm trì hoãn, hoặc thậm chí phá hoại hay tạo ra khó khăn. Nếu năng lực của nó được phát triển đến mức cao, nó có thể hủy hoại hoặc cắt đứt. Đó là bản chất của nghiệp (kamma) trong thời bình nhật.
Chúng ta hãy lấy chính bản thân mình làm ví dụ: chúng ta sinh ra làm người do bởi sanh nghiệp (janaka kamma). Nó cũng tạo ra các căn quyền của chúng ta, như mắt, tai, vân vân. Đó là lý do tại sao có người thậm chí ở tuổi 80 vẫn không cần mang kính, trong khi nhiều trẻ em lại phải mang kính. Rồi khi chúng ta lớn lên, cha mẹ của chúng ta, sự nuôi dưỡng của họ, vật thực, thuốc men, và vân vân là các loại trì nghiệp (upathambhaka kamma). Chức năng của loại nghiệp (kamma) này chỉ là hỗ trợ cho công việc của sanh nghiệp (janaka kamma). Như vậy, sau khi sanh nghiệp đã làm xong việc của nó, trì nghiệp (upathambhaka kamma) sẽ nắm quyền để duy trì đời sống của chúng ta và ngăn chặn những sự đổ vỡ.
Rồi khi chúng ta lâm bệnh – cần sự chữa trị và thuốc men – đó là chướng nghiệp (upapīḷaka kamma) đang thực hiện việc của nó. Chức năng của chướng nghiệp là làm yếu đi, trì hoãn hoặc thậm chí phá hoại kết quả của những nghiệp (kamma) khác. Tuy nhiên, sự can thiệp của nó hoạt động theo cả hai chiều, tức là cả thiện (kusala) và bất thiện (akusala). Khi nghiệp thiện đang cho quả, nghiệp bất thiện xen vào phá hoại, và ngược lại.
Nếu bệnh tật của chúng ta là nan y, thì đó là do đoạn nghiệp (upaghātaka kamma hoặc upacchedaka kamma) khi chúng ta qua đời. Loại nghiệp này hủy hoại kết quả của nghiệp (kamma) khác thông qua việc ngăn chặn hay cắt ngang, giống như hỏa tiễn chống phi cơ. Theo Sớ Giải, nó cũng có thể cho quả của chính mình sau khi phá bỏ kết quả của nghiệp (kamma) khác.
Tại sao lại có những chuyện đó xảy ra? Đó là vì mọi người thực hiện cả việc tốt và xấu. Cho nên, các nghiệp tốt (kusala kamma) và nghiệp xấu (akusala kamma) của họ được tích lũy hằng ngày. Bất kỳ khi nào có cơ hội, một nghiệp (kamma) với năng lượng đầy đủ sẽ xen vào phá hoại (hoặc trợ giúp).
Bị quấy nhiễu bởi sự không may mắn
Giả sử có một người đã thực hiện lẫn nghiệp tốt và xấu trong đời sống của mình. Tại lúc tử, một trong những nghiệp thiện (kusala kamma) có cơ hội trổ quả đưa đến việc ông ta được tái sanh làm người trở lại. Các nghiệp bất thiện (akusala kamma) của ông ta nói rằng: “À, nghiệp thiện (kusala kamma) đó đã đến đó trước chúng ta.” Rồi chúng chờ đợi cơ hội. Mặc dầu sanh nghiệp (janaka kamma) tốt đã đưa ông ta đến cõi nhân loại, nhưng những nghiệp (kamma) xấu của ông nằm chờ đợi cơ hội thích hợp để tạo ra khó khăn cho ông. Lúc này lúc nọ, những chướng nghiệp (kamma) này sẽ tạo ra các bệnh hoạn. Lúc này lúc nọ, chúng sẽ làm cho ông phải vào bệnh viện. Ông sẽ bị tố cáo những chuyện vô lý, không xác đáng. Tài sản của ông sẽ bị hư hoại, và vân vân. Theo phương thức này, các nghiệp (kamma) xấu của ông tạo cho ông phải trải nghiệm đủ loại khổ đau (dukkha). Rồi một nghiệp xấu nào đó đủ mạnh trở thành đoạn nghiệp (kamma), chín muồi mang lại cái chết non cho ông trong một tai nạn.
Đời sống của một con chó may mắn
Giả sử có một người nào khác cũng thực hiện cả việc tốt và việc xấu. Một nghiệp bất thiện (akusala kamma) đã có cơ hội cho quả trước vào lúc kết thúc đời sống của ông. Ông đã tái sanh làm một con chó.
Nhìn thấy điều này, các nghiệp thiện (kusala kamma) của ông đã nói: “Ồ, nếu chúng ta có cơ hội, chúng ta đã đưa ông tái sanh về cõi nhân loại hoặc thiên giới. Chúng ta muộn rồi. Nghiệp bất thiện (akusala kamma) của ông đã đến trước. Cho nên, bây giờ ông đã có đời sống của một con chó. Nhưng chúng ta sẽ chăm sóc cho ông trong khả năng của mình.” Cho nên, các nghiệp tốt của ông đã đưa ông vào sống trong một gia đình giàu sang. Ở đó, con chó này sống như một con người, thậm chí được đi lại trong xe sang trọng. (Tôi có nghe rằng trong một vài gia đình, các thú cưng được ăn các đồ ăn thượng vị trong những cái đĩa bằng vàng.) Tiêu chuẩn sống của nó cao hơn nhiều người rất nhiều.
Cho nên, mặc dầu nghiệp bất thiện (akusala kamma) của người đó đã đến trước cho quả, nhưng các nghiệp thiện của ông ta với tư cách là trợ nghiệp đã chăm sóc cho ông.
Tuy nhiên, đối với những con chó vất vưởng, nghiệp (kamma) của chúng sẽ là loại chướng nghiệp bất thiện (akusala). Và thêm nữa, nghiệp bất thiện của chúng hoạt động với tư cách là trợ nghiệp hay trì nghiệp. Đó là vì sự trợ giúp có thể hoạt động theo cả hai chiều (giống như trường hợp của chướng nghiệp): hỗ trợ để tốt đẹp hơn hoặc hỗ trợ để xấu tệ hơn. Loại đầu tiên là thiện, trong khi loại sau lại là bất thiện. Nghiệp bất thiện (akusala kamma) được trợ giúp bởi sự bất thiện. Một người trở nên càng ngày càng hạnh phúc hơn hoặc một người càng ngày càng có nhiều sự khổ đau hơn. Nó giống như một kẻ thù và một người bạn luôn luôn đi theo sau. Nếu người bạn mạnh hơn, sẽ có sự trợ giúp. Nếu kẻ thù mạnh hơn, cái chết sẽ không tránh được.
Nhìn Bằng/Với Sự Phản Chiếu Của Nghiệp (Kamma)
Nghiệp (kamma) tạo sinh ra quả (vipāka1) của nó ở mọi cơ hội thuận lợi. Điều này xảy ra hai lần: một lần tại lúc đời sống bắt đầu ở thời điểm tục sinh (paṭisandhi). Lần khác là về sau đó. Khi đời sống đã được thiết lập, thì từ lúc đó trở đi cho đến lúc tử, nghiệp (kamma) sẽ tiếp tục cho quả của nó trong suốt thời bình sinh (pavatti). Đó là gì? Đó là tâm nhãn thức, tâm nhĩ thức, tâm tỷ thức, và vân vân, tức là các quả của nghiệp (kamma). Những tâm thức (viññāṇa citta) sanh lên do nghiệp (kamma) quá khứ vốn đã được tích lũy và bây giờ chín muồi.
Tuy nhiên, những tâm thức (viññāṇa) này sanh lên không chỉ đơn giản thông qua nghiệp (kamma). Lý do chúng xuất hiện là vì cảnh hay đối tượng tiếp xúc với vật. Chỉ lúc đó chúng mới có thể sanh lên. Vào những lúc khác, chúng không thể sanh lên. Trong trường hợp này, các bạn có thể tự hỏi rằng: “Vậy tại những lúc khác đó, những tâm thức (viññāṇa) này đi đâu?”
Tâm nhãn thức được cất giữ ở đâu?
Ngọn lửa được cất giữ ở đâu trong que diêm? Các bạn hãy thử cố gắng tự trả lời xem. Khi tìm ra câu trả lơi, các bạn cũng sẽ biết được tâm nhãn thức được cất giữ ở đâu. Như vậy, ngọn lửa được cất giữ ở đâu trong que diêm? Không có chuyện cất giữ đó. Nhưng vì do sự gặp gỡ của những điều kiện thuận lợi hay thích hợp, ngọn lửa sẽ sinh ra, đúng không? Đúng vậy. Chúng ta có thể nói rằng, tại đó có tiềm năng. Và tương tự cho việc thấy, các điều kiện để tâm nhãn thức sanh lên là gì? Chính nghiệp (kamma) tạo ra thần kinh thị giác (cakkhu pasāda). Cảnh sắc xuất hiện và phản chiếu lên đó. Đây thật ra là một tác động mặc dầu thông thường chúng ta không nhận thức sự tác động này. Sự va chạm của hai yếu tố này, tức là cảnh sắc và thần kinh thị giác, giống như sự cọ xát của que diêm với bề mặt rám; hoặc giống như hai đầu âm và dương của hai dây điện đụng vào nhau tạo ra sự xuất hiện đột xuất của ánh sáng.
Cho nên, tâm nhãn thức xuất hiện khi ngoại cảnh (ND: cảnh sắc) tác động lên thần kinh thị giác, như đã được Đức Phật thuyết giảng trong một vài bài kinh (sutta). Ngài đã không bao giờ dạy rằng tâm nhãn thức hiện hữu một cách liên tục, mà nó chỉ xuất hiện khi các điều kiện thích hợp hội đủ. Theo lời giảng dạy của Ngài, nó là kết quả của nghiệp (kamma), mặc dầu nó chỉ có thể xảy ra do sự xúc chạm giữa cảnh và vật. Ở ngoài tình huống này thì nó không sanh lên. Đây là bản chất của nghiệp (kamma) tạo sinh ra kết quả của nó (vipāka citta) trong thời bình nhật (pavatti). Tại sự gặp gỡ của các ngoại cảnh với các vật tương ứng của chúng, những tâm quả này sanh lên do bởi sự va chạm. Tuy nhiên, cái gì là nguyên nhân chính? Chỉ có nghiệp (kamma) mà thôi.
Đức Phật dạy rằng những tâm quả (vipāka citta) này rất im lặng và không có liên quan các hoạt động nào cả. Chúng có thể được so sánh như sự phản chiếu trong gương. Hình ảnh của một người trong gương chỉ di chuyển khi người đó di chuyển. Hình ảnh có thể tự di chuyển không? Không, điều đó không thể xảy ra. Như vậy, những tâm quả (vipāka citta) này là sự phản chiếu của nghiệp (kamma). Cho nên, không có hoạt động nào ở bên phía của chúng cả. Bản chất của chúng chỉ là phản chiếu lại bất kỳ hành động nào đó của nghiệp (kamma). Đây là cách nghiệp (kamma) cho quả trong đời sống.
Sáu Giọt Mật Cộng Với Một Giọt Dung Dịch Sắt
Chúng ta hãy lấy con mắt làm ví dụ. Chúng ta không thấy (hoặc nghe, ngửi, nếm, đụng và suy nghĩ) vật tốt đẹp và đáng hài lòng mọi nơi mọi lúc. Những gì chúng ta thấy không phải chỉ là thứ chúng ta thích. Chúng ta cũng tiếp nhận những thứ không tốt, không hài lòng. Tâm nhãn thức dựa trên cái gì khi nó sanh lên do nghiệp bất thiện (akusala kamma) tạo ra? Nó xuất hiện khi thấy một đối tượng không hài lòng (aniṭṭhārammaṇa1). Sự thấy ở đây là với sự không thỏa mãn, không hài lòng, không giống như việc thấy một cái gì đó đáng hài lòng với sự thỏa mãn.
Đối tượng tốt hoặc đáng hài lòng là iṭṭhārammaṇa. Khi tiếp nhận nó, tâm nhãn thức sanh lên đó là quả của thiện (kusala). Cho nên, có hai loại tâm nhãn thức (cakkhu viññāṇa). Điều này cũng giống như vậy cho lỗ tai trong việc nghe âm thanh ngọt ngào hoặc chát chúa, cho lỗ mũi trong việc ngửi hương thơm hoặc mùi hôi thối, cho cái lưỡi trong việc nếm vị thượng hảo hoặc vô vị, hoặc cho thân xác trong việc trải nghiệm sự đụng chạm êm dịu hoặc khó chịu. Ví dụ như khi vô tình đá chân vào vật cứng nào đó, sự trải nghiệm đó thật là đau đớn, phải không? Đó là dạng đụng chạm khó chịu điển hình nhất.
Điều các bạn thích lại có thể là điều tôi không thích
Khi mọi người thích một điều gì đó, nó là một đối tượng đáng được hài lòng. Nếu họ không thích nó, nó là không được khao khát. Nói chung, mọi người thường xem cái mình thích là tốt đẹp, đúng không? Tuy nhiên, đôi lúc thật khó để gán định cái gì là tốt (iṭṭha) hoặc xấu (aniṭṭha), hoặc để phân biệt giữa cái “tốt” và cái “xấu”. Điều các bạn không ưa thích có thể là điều được người khác ưa thích.
Đi ngang qua xác chết của một con chó, mọi người sẽ bịt mũi, rồi khạc nhổ trong sự ghê tởm. Trong khi đó, những con chim kên kên thì lại rất là vui mừng. Thậm chí từ xa, chúng sẽ bay lại khi đánh mùi và vô cùng hân hoan. Rồi đối với những người thích sầu riêng, trái sầu riêng là cảnh tốt (iṭṭhārammaṇa), nhưng đối với những người không thích thì sẽ cho mùi của nó là không đáng hài lòng.
Như vậy, làm sao định đặt ra các tiêu chuẩn? Điều này chỉ được thực hiện bằng cách trưng cầu dân ý hoặc theo mặt bằng chung, xem có bao nhiêu người cho là tốt hoặc xấu. Ví dụ, khi nhìn thấy một cái gì đó mà tạo sinh ra một cảm giác không vui, chúng ta có thể nói rằng đối tượng đó là không tốt. Nếu thay vào đó, cảm giác hạnh phúc sanh lên, thì nó có thể được xem là đối tượng tốt. Ngoại trừ những người có đầu óc không bình thường, đối tượng như vậy sẽ được hầu hết mọi người thích.
Sáu Giọt Mật Cộng Với Một Giọt Dung Dịch Sắt
Bây giờ chúng ta hãy nhìn xem quả của bất thiện (akusala) được tạo ra trong thời bình sinh. Bên cạnh tâm nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức và thân thức, còn có tâm tiếp thâu (sampaṭicchana) và tâm quan sát (santīraṇa): bảy tâm quả bất thiện (akusala vipāka citta) tất cả. Chúng có điểm gì chung?
Tính theo thọ (vedanā), thọ xả (upekkhā) là có hầu hết cho các trường hợp. Tuy nhiên, tâm thân thức lại được đi kèm với thọ khổ, không giống với những tâm còn lại có thọ xả (upekkhā), tức là thọ không lạc không khổ. Chính vì lý do này, tâm quả bất thiện với thọ khổ này được so sánh với giọt dung dịch sắt. Những tâm (citta) còn lại đi cùng với thọ xả thì giống như những giọt mật.
Sau khi cộng thêm giọt sắt ở thể lỏng vào sáu giọt mật, rồi đổ dung dịch đó lên lưỡi. Cảm giác đó là như thế nào? Nó có êm dịu không? Hương vị của mật có rõ ràng không? Giọt sắt ở thể lỏng đó có ở trong sáu giọt mật được so sánh với tâm thân thức với thọ khổ. Sự đau khổ (dukkha) trở nên vượt trội, lấn áp.
Điều này đặc biệt đúng cho trường hợp của những chúng sanh trong địa ngục. Đối với họ, không có giai đoạn giải tỏa, tức là giai đoạn mà những sự trừng phạt được ngưng lại. Khổ đau luôn thống trị.
Những chúng sanh địa ngục có thể trải nghiệm quả của thiện (kusala) không?
Thông thường thì những chúng sanh địa ngục chỉ trải nghiệm những đối tượng không được hài lòng, và rồi la hét, rên rỉ trong những nỗi đau đớn và sợ hãi. Tuy nhiên, trong thời Đức Phật còn tại tiền, ngài Moggallāna đôi lúc đã có viếng thăm địa ngục và có sử dụng thần thông của mình. Mục đích của ngài là để cho họ có cơ hội nhìn thấy và đảnh lễ bậc A-la-hán (Arahant) cũng như lắng nghe Pháp.
Đối với những chúng sanh mà luôn la hét trong sự đau khổ như “Hãy cứu tôi! Hãy giúp tôi!” thì ngài Moggallāna đã làm gì để làm sanh khởi thiện pháp (kusala) trong họ? Với thần thông của mình, ngài đã tạm thời dập tắt lửa địa ngục. Trong suốt thời gian đó, ngài hiện ra cho họ thấy ngài và giảng Pháp ngắn gọn đến cho họ. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó với lửa địa ngục được dập tắt, các chúng sanh địa ngục được làm dịu đi bớt những cơn đau khổ của họ; điều này cho phép họ chú tâm đến ngài và cung kỉnh ngài. Đây là cảnh tốt (iṭṭhārammaṇa). Một cảnh tốt nữa là âm thanh của bài Pháp do ngài giải và họ lắng nghe.
Như vậy, trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, các cảnh tốt (iṭṭhārammaṇa) đã có thể xuất hiện đến cho họ, những cảnh tốt này là kết quả của thiện (kusala).