Nội Dung Chính
THUYẾT GIẢNG THỜI TỐI NGÀY THỨ 6 (31/07/2021)
(Thiền sư Nyanavudha thuyết Pháp, bản text do đạo hữu Nguyễn Tấn Phú đánh máy)
Ngài đã giảng cho tất cả thiền sinh chúng ta nghe về chủ đề làm thế nào để sự thực hành thiền của chúng ta có khả năng thanh lọc tâm ý, trở nên trong sáng và thoát khỏi phiền não của tâm. Khi sự tinh tấn và tâm sở tầm có mặt ngay trong khoảnh khắc hiện tại thì nó mang lại rất nhiều lợi ích. Tiếp nối chủ đề hôm qua, hôm nay ngài sẽ nói về chủ đề Chánh niệm (sati).
Chánh niệm (sati) giống như là một người bảo vệ, một người giữ cửa, và người bảo vệ, giữ cửa này có khả năng ngăn chặn không cho phiền não xâm nhập vào tâm. Đó là công năng và lợi ích thiết thực của chánh niệm. Một người bảo vệ tòa lâu đài hay một người giữ cửa cho một văn phòng sẽ không để cho một người có dấu hiệu khả nghi hoặc một người xấu đi vào tòa lâu đài hay văn phòng đó, và chỉ cho người tốt và người lương thiện đi vào mà thôi. Cũng vậy, khi chánh niệm có mặt trong tâm hành giả, những trạng thái tâm xấu sẽ không được dung nạp vào tâm, không xuất hiện trong tâm, không có cơ hội sinh khởi trong tâm, những trạng thái tham, sân, si, bất thiện, ô nhiễm, dơ bẩn sẽ không có mặt, khi chánh niệm đang có mặt trong tâm. Người bảo vệ không những có khả năng không cho kẻ xấu đột nhập vào tòa lâu đài mà còn có khả năng kháng cự, chống lại các thế lực xuất hiện và gây rối để bảo vệ tòa lâu đài. Cũng vậy, chánh niệm ngoài khả năng không cho những phiền não xâm nhập vào tâm thì chánh niệm còn có khả năng loại trừ những phiền não, tâm bất thiện bằng cách ghi nhận. Khi người thiền sinh hành thiền, quan sát sự phồng xẹp của bụng ngay trong khoảnh khắc hiện tại, thì người đó đang có chánh niệm, và khi người thiền sinh có chánh niệm ghi nhận, hay biết như vậy, tâm của người thiền sinh không có tham, sân, ngã mạn, ganh tỵ, và nhiều loại phiền não khác, tâm của người thiền sinh được trong sạch, vắng bóng phiền não trong từng khoảnh khắc ghi nhận, hay biết.
Khi chánh niệm có mặt, phiền não sẽ không có bất cứ cơ hội nào để sinh khởi. Khi người thiền sinh ghi nhận, chánh niệm trên bất kì một đề mục, đối tượng một cách liên tục, không ngừng nghỉ với một quyết tâm nỗ lực thì dần dần chánh niệm của người thiền sinh sẽ trở nên mạnh mẽ. Khi chánh niệm trở nên mạnh mẽ, trong nhiều khoảnh khắc người thiền sinh có thể phát hiện những phiền não đang chuẩn bị sinh khởi, và nhờ sự chánh niệm mạnh mẽ đó người thiền sinh ngay lập tức ngăn chặn được dòng chảy của phiền não, diệt trừ phiền não, không cho phiền não có khả năng sinh khởi. Trong nhiều trường hợp, người thiền sinh không phát hiện được khoảnh khắc phiền não đang chuẩn bị sinh khởi, và khi phiền não đã sinh khởi trong tâm, người thiền sinh mới nhận ra phiền não đã có mặt trong tâm. Do nhờ sự chánh niệm, người thiền sinh ngay lập tức hay biết tâm đang tham, sân, ngã mạn, ganh tỵ. Khi người thiền sinh có sự hay biết như vậy, người thiền sinh hướng tâm với tầm và tấn ghi nhận trạng thái tâm bất thiện đó, và ngay lập tức với chánh niệm, những tâm bất thiện đó sẽ bị diệt trừ, không còn khả năng sinh khởi tiếp diễn nữa. Khi mà những trạng thái tâm bất thiện tham, sân, si, ngã mạn, ganh tỵ, keo kiệt sinh khởi trong khoảnh khắc người thiền sinh có chánh niệm, hay biết, thì những trạng thái tâm bất thiện đó sẽ dừng lại. Đó là công năng, của chánh niệm, khả năng bảo vệ, ngăn chặn phiền não chưa sinh khởi và khả năng diệt trừ phiền não đã sinh khởi.
Khi có bất cứ phiền não nào sinh khởi trong tâm, dù người thiền sinh có nhận ra ngay lập tức phiền não đang sinh khởi trong dòng chảy tâm hay một lúc sau mới phát hiện thì người thiền sinh cần ngay lập tức hướng tâm tới, nỗ lực ghi nhận chánh niệm một cách tinh tấn, chính xác vào đề mục. Khi đó, phiền não sẽ bị suy yếu, tiêu diệt, loại trừ do trong khoảnh khắc tâm chánh niệm có mặt và chặn đứng những dòng chảy tâm bất thiện đó. Người thiền sinh có nhiệm vụ ghi nhận ngay lập tức những trạng thái tâm bất thiện đó dù có khủng khiếp, mạnh mẽ và đôi khi cảm giác khổ sở đối với những trạng thái tâm này. Người thiền sinh cần nỗ lực và tính tấn để hoàn thành nhiệm vụ này. Trong việc hành thiền của chúng ta thì ngăn ngừa phiền não luôn luôn là phương án tốt hơn công việc loại trừ phiền não, giống như phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Cách tốt nhất là những phiền não chưa sinh khởi thì nỗ lực chánh niệm liên tục để ngăn ngừa đừng cho sinh khởi, khi phiền não sinh khởi rồi thì ngay lập tức hướng tâm tới ghi nhận dù đó là tham, sân, si, ngã mạn, keo kiệt,v.v… Và bằng cách ghi nhận như vậy, thiền sinh sẽ loại trừ được ngay lập tức phiền não đó và tâm trở lại trong sáng. Khi chúng ta ghi nhận đề mục phồng xẹp của bụng một cách tinh tấn và liên tục thì phiền não không có cơ hội sinh khởi. Trong khoảnh khắc đó chúng ta đang ngăn ngừa những phiền não sinh khởi trong tâm. Tương tự với các đối tượng khác như trái bước, phải bước, đứng lên, ngồi xuống, hay các đề mục như cảm giác, suy nghĩ, tưởng tượng, những cơn đau, những cảm giác thích thú, v.v… chúng ta đều ghi nhận, chánh niệm. Như vậy phiền não sẽ được ngăn ngừa, không cho sinh khởi. Người thiền sinh phải luôn luôn trong tư thế sẵn sàng ghi nhận bất cứ trạng thái tâm nào, bất cứ cảm giác nào, sẵn sàng cho những phiền não sinh khởi để liên tục ghi nhận và loại trừ. Việc chúng ta chuẩn bị, ngăn ngừa phiền não rất là quan trọng, giống như tình trạng sức khỏe, chúng ta không nên để căn bệnh tới rồi mới lo chữa trị, mà chúng ta phải luôn có sự sẵn sàng, sự ngăn ngừa, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đó là cách sống đúng đắn. Nếu đợi căn bệnh trở nên trầm trọng mới lo chạy chữa thì lúc đó đã quá trễ. Cũng vậy, chúng ta nên ngăn ngừa bệnh của tâm trước, không nên để bệnh trở nên trầm trọng. Khi tâm đang trong sạch trong khoảnh khắc hiện tại thì chúng ta nên có sự chuẩn bị, bảo vệ tâm tránh khỏi sự lấm lem, dơ bẩn bởi phiền não.
Chúng ta phải liên tục quan sát và ghi nhận đề mục, dù đề mục đó là phồng xẹp, hay là các cảm giác, hay là những trạng thái tâm, âm thanh, màu sắc, mùi vị, v.v… thì chúng ta phải nỗ lực, tinh tấn và chú ý để ghi nhận liên tục cho bằng được những đối tượng đó. Khi chúng ta luôn luôn có sự phòng ngừa, ngăn ngừa như vậy, thì tâm sẽ được trong sáng, trong sạch, vắng bóng phiền não, cho dù phiền não trong khoảnh khắc đó có khởi lên thì chúng ta lập tức đưa tâm tới ghi nhận, chánh niệm. Và bằng chánh niệm, ghi nhận, người thiền sinh diệt trừ ngay lập tức những tâm phiền não. Khi những phiền não này trở nên mạnh mẽ thì nó sẽ gây đau khổ cho chúng ta, chúng ta phải diệt trừ ngay lập tức, ngay khoảnh khắc vừa sinh khởi, chúng ta phải chánh niệm liền không cho phiền não cơ hội gây đau khổ nếu để nó tồn tại trong tâm một khoảng thời gian. Ngài giảng rằng, chúng ta liên tục làm công việc ngăn ngừa và loại trừ phiền não trong từng khoảnh khắc, và chúng ta làm được điều đó là nhờ vào tâm chánh niệm. Khi có chánh niệm, tâm của người thiền sinh được bảo vệ khỏi sự ô nhiễm của phiền não, phiền não không có cơ hội để sinh khởi trong tâm, giống như người bảo vệ tòa nhà ngăn chặn không cho người xấu vào, nếu người xấu đã vào rồi thì mời họ ra, đó là nhiệm vụ của người bảo vệ. Cũng vậy, tâm chánh niệm ngăn ngừa những phiền não sinh khởi và nếu có sinh khởi thì ngay lập tức loại trừ. Khi người thiền sinh thực hành và phát triển được tâm chánh niệm trong một giờ thì trong một giờ đó tâm người thiền sinh được trong sạch, vắng bóng những phiền não. Nếu người thiền sinh chánh niệm được trong hai giờ, thì trong hai giờ đó tâm người thiền sinh được trong sạch, vắng lặng những phiền não.
Khi tâm người thiền sinh có chánh niệm thì trong tâm người thiền sinh sẽ không có những trạng thái tâm bất thiện. Trong từng khoảnh khắc người thiền sinh có chánh niệm, tâm người thiền sinh vắng bóng những bất thiện, phiền não không có mặt, những sự dơ bẩn của tâm không có mặt do khoảnh khắc đó người thiền sinh có chánh niệm. Khi tâm người thiền sinh trong khoảnh khắc hiện tại được tự do, thoát khỏi sự kìm kẹp của phiền não, thì lúc đó tâm được định tĩnh và được bình an. Nếu tâm của một người có phiền não thì người đó không thể nào có được sự định tĩnh hay bình an. Ngược lại tâm người thiền sinh đã được thanh lọc, không có dơ bẩn, phiền não thì lúc đó sự bình an, định tĩnh của nội tâm tự nhiên sinh khởi. Chúng ta có thể có kinh nghiệm về điều này, chẳng hạn như khi chúng ta nổi sân, bực bội, khó chịu thì lúc đó chúng ta làm sao mà bình tĩnh cho được trong khoảnh khắc mà tâm chúng ta đầy sự bực bội, khó chịu như vậy. Và khi tâm chất chứa những điều bất thiện thì không thể có được bình tĩnh, bình an, trong tâm người đó tràn đầy bất an, lo lắng, sợ hãi bởi những dấu vết của tâm bất thiện. Ngược lại, khi người thiền sinh có chánh niệm, nhờ có chánh niệm bảo vệ tâm và loại trừ được những tâm phiền não làm cho những phiền não không có mặt ở trong tâm, một cách tự nhiên tâm trở nên định tĩnh và bình an. Khi tâm an, tâm sẽ ghi nhận một cách định tĩnh, có sự chìm sâu. Do có sự định tĩnh như vậy, tâm định sinh khởi.
Đó là lý do vì sao chúng ta hay nghe trong kinh điển rằng chánh niệm làm khởi sinh định. Có rất nhiều lợi ích thiết thực ngay trong hiện tại này khi chánh niệm có mặt. Lợi ích đầu tiên trong tiếng pali được gọi là “ārakkhā”. “ārakkhā” nghĩa là sự bảo vệ, người bảo vệ. Chánh niệm không chỉ bảo vệ, mà còn ngăn chặn và diệt trừ phiền não. Lợi ích thứ hai mà trong tiếng pali chúng ta gọi là “nīvaraṇa” hay “āvaraṇa” nghĩa là chánh niệm có khả năng diệt trừ, chống lại, những tâm phiền não. Ngoài ra khi tâm chánh niệm đang có mặt thì người đó đang làm một việc phước thiện. Bởi vì tâm chánh niệm là một tâm thiện nên mỗi khi tâm chánh niệm sinh khởi, người thiền sinh lại có thêm phước thiện, công đức, việc thiện trong tâm. Lợi ích tiếp theo đó là khi người thiền sinh trong khoảnh khắc có chánh niệm thì người thiền sinh tự do, thoát khỏi mọi sự kìm kẹp của phiền não, trong tiếng pali được gọi là “santi”, có nghĩa là sự bình an, sự vắng lặng. Khi chánh niệm có mặt, phiền não không có mặt, do phiền não không có mặt, tâm trong sáng, tâm được định tĩnh và bình an.
Khi tâm người thiền sinh có đặc tính là “santi”, thì lúc đó tâm có sự tập trung và rất là định tĩnh, cho nên lúc này tâm định của người thiền sinh được phát triển và tâm định thông qua chánh niệm này được gọi là sự định tâm trên từng khoảnh khắc, từng thời điểm một cách liên tục, trong tiếng pali được gọi là “Khaṇika-samādhi”. Khi trong tâm người thiền sinh có tâm định sanh khởi liên tục trong từng sát na (“Khaṇika-samādhi”) thì tâm định này có khả năng loại trừ những phiền não, diệt trừ trong từng khoảnh khắc, hay còn được biết đến với thuật ngữ là sát na đoạn trừ. Chúng ta đã nói qua rất nhiều lợi ích của tâm tinh tấn, tâm sở tầm, tâm chánh niệm, và những lợi ích ngài nói ở đây đều có mặt trong hiện tại. Khi chúng ta có những trạng thái tâm này, thì ngay lập tức những lợi ích có mặt. Chẳng hạn khi người thiền sinh ghi nhận chánh niệm sự “phồng”, thì ngay lúc đó tất cả lợi ích đều có mặt, người thiền sinh hưởng được tất cả lợi ích của tầm, của tinh tấn, và của chánh niệm chỉ trong một niệm của mình, và trong sự “xẹp” cũng vậy, khi thiền sinh có chánh niệm sự “xẹp” thì người thiền sinh cũng có được tất cả những lợi ích này.
Người thiền sinh mới thực tập khó mà có thể nhận ra được những lợi ích này, chưa nhận ra, thấy ra một cách rõ ràng, nhưng điều đó không có nghĩa là người thiền sinh không hưởng được lợi ích, mà do tâm người thiền sinh chưa đủ nhạy bén để nhận ra những lợi ích này, người đó chắc chắn đang nhận được những lợi ích, và sẽ nhận được những lợi ích của chánh niệm, bởi vì mỗi niệm người thiền sinh thiết lập được trên đối tượng có vô vàn công đức, vô vàn lợi ích cũng như là khả năng loại trừ phiền não, rất nhiều lợi ích mà Ngài đã nhắc đến, cho nên đối với một người thiền sinh mới dù chưa nhận ra được những lợi ích như vậy, nhưng người thiền sinh vẫn đang nhận được những lợi ích đó và sẽ tiếp tục nhận được những lợi ích của chánh niệm. Người thiền sinh tiếp tục thực tập sự chánh niệm của mình từ yếu cho tới mạnh từ ít lên nhiều thì dần dần người thiền sinh đó sẽ thấy một cách rõ ràng công năng và đặc tính của tâm chánh niệm.
Người thiền sinh sẽ thấy rõ ràng trong mỗi khoảnh khắc mà người thiền sinh có chánh niệm thì lúc đó tâm của người thiền sinh được bảo vệ, không có phiền não, không có những dơ bẩn của tâm ô nhiễm và do tâm được bảo vệ như vậy cho nên sinh khởi sự bình an, tĩnh lặng. Đây là những lợi ích mà người thiền sinh qua quá trình thực tập tinh tấn dần dần thấy ra một cách rõ ràng bằng sự thực chứng, tự mình biết, tự mình thấy. Những lợi ích này không chỉ xuất hiện khi người thiền sinh chánh niệm “phồng,xẹp” mà khi người thiền sinh ghi nhận bất cứ đối tượng nào trong thân và tâm thì đều có đầy đủ những lợi ích này. Chẳng hạn khi người thiền sinh ghi nhận những trạng thái tâm, ghi nhận những sự đau, sự ngứa, sự khó chịu hay là ghi nhận khi đang đi kinh hành, khi đang làm những công việc sinh hoạt hằng ngày thì cũng có đầy đủ những lợi ích của tâm chánh niệm.
Ngài giảng rằng, dù chỉ là một giây người thiền sinh có chánh niệm thì người thiền sinh sẽ có đầy đủ tất cả những lợi ích mà Ngài vừa mới nêu, và khi người thiền sinh ghi nhận chánh niệm liên tục trong năm giây, thì người thiền sinh có được lợi ích gấp năm lần. Khi người thiền sinh chánh niệm liên tục một phút thì người thiền sinh đạt được sáu mươi lần những lợi ích này và trong một giờ người thiền sinh có chánh niệm thì sẽ có ba ngàn sáu trăm lần đạt được lợi ích này. Người thiền sinh thử tưởng tượng nếu chánh niệm liên tục suốt một ngày thì không biết bao nhiêu lợi ích, công đức đạt được mà tâm chánh niệm mang lại, ngược lại, nếu người thiền sinh thất niệm trong một giây thì trong một giây đó người thiền sinh mất đi lợi ích và nếu năm giây thì mất đi 5 lần lợi ích, và nếu là năm phút thì mất đi ba trăm lần, và trong một giờ người thiền sinh mất đi ba ngàn sáu trăm lần khoảnh khắc đáng lẽ người thiền sinh có được những lợi ích. Khi người thiền sinh mới bắt đầu thực hành, thì chánh niệm của người thiền sinh chưa có được mạnh mẽ, và do chánh niệm còn yếu ớt như vậy cho nên người thiền sinh chưa nhận ra được lợi ích của chánh niệm. Khi chánh niệm được vun bồi qua từng khoảnh khắc nỗ lực, cố gắng để duy trì thì chánh niệm từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác được nối tiếp liên tục và được kết nối với nhau, do sự kết nối liên tục của chánh niệm như vậy tâm chánh niệm trở nên mạnh mẽ.
Ngài ví dụ rằng, những sợi dây làm từ vỏ cây hoặc từ sợi dây nhựa nhỏ bé và mỏng manh thì nó rất là yếu ớt, nhưng khi những sợi dây nhỏ này được một người bện lại với nhau thì sẽ trở thành một sợi dây thừng cứng chắc và khó mà có thể làm đứt được, cũng vậy, một tâm chánh niệm thì yếu ớt và ít năng lực nhưng hàng loạt tâm chánh niệm liên tục, tiếp nối nhau thì có một năng lực mạnh mẽ và khủng khiếp có khả năng xuyên thấu vào đối tượng. Khi chúng ta có ba trạng thái tâm đó là tinh tấn, chánh niệm và định tâm được vun bồi và phát triển và trong khoảnh khắc ba trạng thái tâm được vun bồi như vậy thì trí tuệ sinh khởi, khi tuệ có mặt thì người thiền sinh thấy một cách rõ ràng những đặc tính của thân và tâm. Người thiền sinh sẽ nhận ra rằng thân này là gì, tâm này là gì, thân tâm này thực sự xảy ra như thế nào, bản chất hiện tượng của thân, của tâm là gì. Trí tuệ được ví như ngọn đèn, còn bóng tối được ví như si mê và tà kiến. Khi trí tuệ được phát triển thì bóng tối của si mê và tà kiến tan biến. Chúng ta tu tập tấn, niệm, định tuệ có nghĩa là chúng ta đang đi trên con đường bát chánh đạo, và con đường bát chánh đạo chính là con đường dẫn đến niết bàn. Bát chánh đạo có ba chi thuộc về giới, ba chi thuộc về định, và hai chi thuộc về tuệ. Ba chi thuộc về giới bao gồm chánh ngữ (sammā-vācā), chánh nghiệp (sammā-kammanta), và chánh mạng (sammā-ājīva). Khi chúng ta đi vào khóa thiền thì chúng ta đều giữ năm giới và tám giới, người xuất gia thì giữ giới của người xuất gia. Khi chúng ta giữ được năm giới thì chúng ta đã thực hành được ba chi thuộc nhóm giới của bát chánh đạo.
Khi thực hành trong khóa thiền, người thiền sinh được hướng dẫn nỗ lực, hướng tâm để ghi nhận, chánh niệm trên đề mục, lúc đó người thiền sinh có được tâm tinh tấn (sammā-vāyāma). Khi có tinh tấn người thiền sinh thiết lập được chánh niệm (sammā-sati), khi chánh niệm sinh khởi một cách liên tục, người thiền sinh phát triển được tâm định tĩnh (sammā-samādhi). Để có được chánh niệm, người thiền sinh phải liên tục vận dụng tâm sở tầm, đồng nghĩa với chánh tư duy (sammā-saṅkappa). Khi định tâm, tinh tấn, chánh niệm được vun bồi trở nên mạnh mẽ qua khóa thiền thì người thiền sinh phát triển được tuệ giác, có được trí tuệ, hiểu được sự vận hành của thân và tâm, lúc đó người thiền sinh có được chánh kiến (sammā-diṭṭhi). Qua một khóa thiền các thiền sinh thực tập ở đây, người thiền sinh đang vun bồi đầy đủ cả tám chi của bát chánh đạo, chính là con đường dẫn đến niết bàn, người thiền sinh đi trên con đường bát chánh đạo nghĩa là mỗi một khoảnh khắc chúng ta đang tiến gần hơn đến niết bàn. Ngài giảng rằng, đây chính là lợi ích to lớn nhất của việc phát triển chánh niệm trong khóa thiền. Lợi ích của sự tu tập cũng như sự rèn luyện kham khổ của người thiền sinh giúp cho người thiền sinh đạt được mục đích to lớn như vậy, và lợi ích này không phải đạt được chỉ trong một ngày, hai ngày mà trong từng khoảnh khắc người thiền sinh có được lợi ích, từng khoảnh khắc người thiền sinh đang bước đi trên con đường bát chánh đạo. Người thiền sinh vun bồi giới, vun bồi tinh tấn, chánh niệm, định tâm và phát triển trí tuệ thì người thiền sinh đang bước đi những bước vững chắc trên con đường bát chánh đạo. Ngài cầu chúc cho tất cả thiền sinh chúng ta có thể bước đi những bước vững chắc phát triển được tinh tấn, chánh niệm, định tâm và trí tuệ và vững bước trên con đường bát chánh đạo. Với sự tu tập như vậy mong các thiền sinh sớm thành tựu niết bàn.
Sādhu! Sādhu! Sādhu!