Nội Dung Chính
HỎI ĐÁP CÙNG THIỀN SƯ NYANAVUDHA 8/8/2021
(bản text do đạo hữu Phương Nhã đánh máy)
Kính thưa Ngài thời gian vừa qua chúng con được biết Ngài đã nhiễm covid và Ngài đã vượt qua, hiện nay thì Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rất là nặng nề bởi covid và nhiều thiền sinh trong khóa thiền cũng là F0. Kính mong Ngài từ bi chia sẻ kinh nghiệm hành thiền trong quá trình điều trị covid và Ngài có thể có lời khuyên gì đối với chúng con.
Cũng giống như hôm bữa Ngài có chia sẻ với mọi người đó là để chiến đấu lại với dịch bệnh thì chúng ta cần có một hệ miễn dịch tốt, khi có một hệ miễn dịch tốt có nghĩa là khả năng kháng cự sức mạnh của cơ thể, lúc này mình dễ dàng vượt qua được căn bệnh và vi rút không thể nào gây ra những triệu chứng nặng nề trên cơ thể của mình, có nghĩa là một người có hệ miễn dịch tốt thì sẽ ít bị ảnh hưởng hơn với căn bệnh. Tuy nhiên nếu một người có hệ miễn dịch yếu thì sẽ gặp khá là nhiều vấn đề khó khăn với covid, ở đây nếu muốn có một hệ miễn dịch tốt thì một người nên ăn uống phù hợp, nỗ lực ăn uống nếu mình lỡ mắc covid cũng vậy, đừng để nhịn đói và ăn uống phù hợp đầy đủ dinh dưỡng, cũng như mình nên bổ sung thêm các loại thực phẩm, thuốc, vitamin, thực phẩm chức năng… thì ăn uống phù hợp cũng như có những dưỡng chất thì hệ miễn dịch của mình nó cũng mạnh lên và từ đó nó có thể chiến đấu lại với con vi rút.
Tiếp theo chúng ta nên ăn những thức ăn hoặc đồ uống ấm hoặc nóng, không nên ăn những đồ lạnh, không nên uống những nước đá, nước mát, ngay lúc mà chúng ta vừa mới vượt qua khỏi cơn bạo bệnh, có nghĩa là đang khỏe lên thì chúng ta cũng nên dùng những đồ nóng, đồ ấm, không nên sử dụng những thức ăn và những thức uống lạnh.
Tiếp theo chúng ta cũng cần có sự vận động cũng như tập luyện, chẳng hạn như cử động nhẹ nhàng nhưng nên duy trì sự vận động cũng như tập luyện đối với cơ thể thì nó cũng giúp nâng cao hệ miễn dịch.
Ở đây trạng thái của tâm nó là quan trọng nhất, thì Ngài vừa nói về những trạng thái của thân thì chúng ta vẫn cần phải tập luyện, tập luyện nhẹ nhàng, những sự hơi thở của chúng ta cũng như cho cái phổi của chúng ta. Cũng như hệ miễn dịch cần phải mạnh mẽ, sự ăn uống cũng như tập luyện, hơi thở cũng như phổi của chúng ta thì tâm cũng rất quan trọng. Khi chúng ta dương tính với covid thì có những trạng thái tâm căng thẳng, áp lực, lo âu nó hay sanh khởi thì ở đây chúng ta phải lưu ý sức khỏe của tâm nó cũng rất quan trọng và nó quan trọng hơn cả hệ miễn dịch. Chúng ta phải phát triển được những trạng thái tâm như là kiên nhẫn, nhẫn nại, suy nghĩ tích cực thì lúc này chúng ta phải phát triển được những trạng thái đó và không để tâm mình nó rơi vào trạng thái lo âu căng thẳng. Tâm chúng ta phải rất mạnh mẽ để có thể đương đầu với căn bệnh và để được điều này thì thứ nhất chúng ta phải ngưng đọc hay nghe những tin tức xấu, chẳng hạn như quý vị có thể bị dương tính rồi nhưng ngày nào cũng lên coi hôm nay có bao nhiêu người mất, hôm nay có bao nhiêu ca mới thì điều đó nó không hay, mình không nên nghe hay đọc những tin tức đó nữa. Ở đây chúng ta hướng tâm mình tới sự tích cực và không để mình tiếp nhận những thông tin làm cho tâm mình nảy sinh sự lo lắng tiêu cực. Và trong vấn đề này thì thiền giúp chúng ta rất là nhiều, sự thiền tập nó sẽ giúp cho tâm của quý vị trở nên mạnh mẽ và có như lý tác ý thì suy nghĩ chơn chánh sanh khởi và tâm nó tích cực, cũng như phát triển được những trạng thái tâm mạnh mẽ, kiên nhẫn, nhẫn nại. Và sự hành thiền qua sự quan sát phồng xẹp thì nó cũng hỗ trợ hơi thở, có nghĩa rằng là nó hỗ trợ hơi thở chúng ta, hệ tuần hoàn nó tốt hơn, cũng như phổi, rồi hơi thở nó làm việc một cách tuần hoàn tốt đẹp. Khi mà những trạng thái tâm xấu như là căng thẳng áp lực thì hơi thở của mình nó không được điều hòa. Ở đây thiền nó cũng sẽ hỗ trợ cho hơi thở của quý vị nó được tốt đẹp.
Ở đây chúng ta phải hiểu là để chống chọi lại với dịch bệnh thì chúng ta có hai hệ thống miễn dịch: thứ nhất là hệ thống miễn dịch của thân và thứ hai là hệ thống miễn dịch thuộc về tâm. Muốn cho hệ thống miễn dịch về thân nó mạnh mẽ thì chúng ta phải ăn uống phù hợp, cũng như chúng ta phải dùng những thực phẩm có dinhh dưỡng, bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất, cũng như không ăn những đồ lạnh và tập luyện cho phổi nó hoạt động tốt và hơi thở. Thì chúng ta cũng cần phát triển tốt về hệ miễn dịch của tâm, để tâm nó không rơi vào những trạng thái căng thẳng, tiêu cực, áp lực, lo âu, buồn rầu thì chúng ta phải hướng tâm chúng ta về những phương diện tích cực, kiên nhẫn, thư thái thì chúng ta có thể phát triển những điều này thông qua việc là không tiếp nhận những thông tin tiêu cực qua việc nghe, đọc những thông tin tiêu cực về căn bệnh của mình. Và chúng ta nên phát triển hành thiền bởi vì thông qua thiền thì có thể phát triển được những sức mạnh của tâm, tuy nhiên thiền không phải là phương pháp duy nhất, mà chúng ta có thể nghe pháp, nghe pháp thoại, hoặc chúng ta niệm tưởng về những phẩm tính của Đức Phật, phẩm tính của giáo pháp, phẩm tính của chư Tăng. Và lúc này thì tâm nó trở nên mạnh mẽ, kiên cố, phát sinh nhiều trạng thái tâm thiện, và lúc này nó sẽ khởi sinh lên sự tự tin, tự tin vào bản thân mình, không còn lo âu sợ hãi căn bệnh nữa.
Sau khi quý vị đã vượt qua được, dương tính rồi, cơ thể đã phục hồi và test đã thấy âm tính rồi thì lúc này cơ thể của mình có thể sẽ không phục hồi như ban đầu, nó khỏe mạnh một cách hoàn toàn được, cơ thể nó vẫn còn yếu và chưa có khỏe hẳn thì mình cũng không nên lo lắng, mình cứ tiếp tục giữ sự ăn uống phù hợp, cũng như là bổ sung các dưỡng chất cho cơ thể như các loại vitamin, hay không ăn uống những đồ lạnh, giữ sự tập luyện thì chúng ta vẫn lưu ý là sau khi âm tính thì cũng nên cố gắng giữ như vậy để duy trì sức khỏe, phát triển sức khỏe của mình. Và cũng có thêm một lưu ý nữa là chúng ta nên đi kiểm tra thử máu để chắc chắn là âm tính và có những vấn đề ảnh hưởng của máu, coi máu chúng ta có bị ảnh hưởng gì không để kịp thời chúng ta điều trị.
Ngài chỉ có một vài lời khuyên như vậy.
(*) Ngài nói rằng đầu tiên nghe tiếng nước chảy, lá rơi, gió thổi hay tiếng sóng trong lúc chúng ta ngồi thiền thì đều không nên, không nên mở những âm thanh đó trong lúc ngồi thiền và trong hằng ngày không ngồi thiền thì cũng không nên, trong lúc chúng ta giữ 8 giới cũng không nên luôn. Bởi vì những âm thanh này tuy nó không thuộc về dạng âm nhạc, nhưng mục đích khi chúng ta mở nó thì thường là do chúng ta thích thú, hưởng thụ tiếng âm thanh du dương của nó, thì nó sinh lên những trạng thái tâm dính mắc, thích thú và ở đây thì nó cũng không có cần thiết trong việc thực tập của chúng ta, đặc biệt là trong việc hành thiền. Chúng ta hành thiền với mục đích thanh lọc tâm khỏi những phiền não, thì ở đây những trạng thái âm thanh êm dịu, thoải mái, chúng ta không nên phát triển những trạng thái tâm tham, dính mắc vào các âm thanh đó.
Người thiền sinh phải hiểu được mục đích của việc tại vì sao chúng ta giữ giới là không nghe nhạc? Bởi vì âm thanh nó du dương thì nó thuộc vào những dục lạc giác quan, những khoái lạc giác quan, và khi chúng ta thích thú vào những âm thanh du dương êm dịu này thì tâm nó dính mắc tham ái và lúc đó nó phát triển những trạng thái tâm phiền não này ở trong tâm của mình, do đó nó không có giúp chúng ta phát triển được giới, định, tuệ, đó là lý do vì sao chúng ta giữ giới trong 8 giới là có giới không nghe nhạc, không nghe đờn kèn hay không tự mình hát, không tự mình đàn, thổi kèn. Ở đây cũng vậy mình phải coi tại sao mình nghe những âm thanh này? Có phải mình đang chìm đắm vào cảm giác âm thanh du dương của những âm thanh này hay không? Nếu như vậy thì nó không có nên. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp là người thiền sinh thấy tâm của mình quá căng thẳng và khi nghe những âm thanh này như là tiếng nước chảy, tiếng sóng, cảm thấy tâm bình tĩnh, trong trường hợp này thì cũng được, nó không có phạm giới bởi vì thật ra những âm thanh này nó không có thuộc về âm nhạc, chẳng hạn như chúng ta ở gần một con suối thì có những tiếng nước chảy, hay ở trong rừng có thường xuyên tiếng gió hay tiếng lá rơi thì nó cũng là một âm thanh tự nhiên, nó không phải là một giai điệu của âm nhạc cho nên lúc này để với mục đích như vậy là để thư giãn tâm nó quá căng thẳng thì đó cũng là một lựa chọn có thể xảy ra đối với thiền sinh. Tuy nhiên thiền sinh chỉ nên nghe những âm thanh này trong thời gian hằng ngày, chứ không nghe trong lúc ngồi thiền, cũng không nên nghe trong lúc đi kinh hành. Ngài nói nghe những âm thanh này nó cũng có phạm giới nếu với mục đích là để giải tỏa tâm khỏi sự căng thẳng.
Mình tập nhảy như nhảy ngoài công viên để tập thể dục như aerobic có phạm giới hay không?
Ngài giảng rằng khi chúng ta nhảy và múa thì chắc chắn chúng ta đã phạm giới vào 8 giới rồi, tuy không phạm ngũ giới nhưng phạm 8 giới. Ở đây Ngài nói để tập luyện cơ thể được khỏe mạnh thì có rất nhiều cách, không cần gì phải nhảy.
Ngài giảng rằng trong 8 giới nếu chúng ta thấy chỗ ngồi mà nó sang trọng quá thì chúng ta cũng nên tránh, những chỗ ngồi bình thường thì được nhưng nếu chúng ta cảm thấy nó quá sang trọng, quá là xinh đẹp thì chúng ta nên tránh bởi vì với mục đích là diệt trừ sự dính mắc vào những thứ sang trọng và xinh đẹp thì chúng ta nên tránh ngồi những cái ghế quá sang trọng. Nếu chúng ta xem những tin tức hay xem phim nếu nó có những cái nhạc múa thì chúng ta nên tránh bởi vì khi xem múa, xem hát như vậy thì nó cũng phạm vào giới thứ 7.
Về giới không ăn chiều thì Ngài nói rằng mình không ăn sau 12 giờ trưa, sau 12 giờ trưa thì chúng ta không sử dụng bất cứ thực phẩm gì nữa và trước 12 giờ trưa thì chúng ta có thể sử dụng bao nhiêu lần cũng được, có thể là 2, 3, 4, 5 lần gì cũng được thì trong giới hạn thời gian là từ buổi sáng tới buổi trưa 12 giờ thì chúng ta có thể ăn trong khoảng thời gian đó. Và từ 12 giờ trưa cho đến sáng ngày hôm sau, rạng sáng ngày hôm sau thì chúng ta không sử dụng bất cứ thực phẩm gì. Có nhiều thiền sinh mới thực tập cứ nghĩ là chúng ta không ăn từ 12 giờ trưa đến 12 giờ đêm thì điều đó không đúng, nếu 12 giờ đêm chúng ta ăn thì lúc đó cũng phạm vào giới này, chúng ta đợi vào rạng sáng ngày hôm sau lúc ánh sáng mặt trời bắt đầu xuất hiện thì lúc đó chúng ta có thể bắt đầu ăn và tới buổi trưa thì chúng ta ngưng, đó là giới về ăn. Ngài hy vọng thiền sinh có thể nắm được hướng dẫn của Ngài.
Con đi kinh hành ở giai đoạn thứ ba dỡ, bước, đạp. Con đi rất là chậm, và tâm thì có xu hướng ghi nhận tác ý, có nghĩa là muốn dỡ, muốn bước, muốn đạp, ghi nhận tác ý rất là chi tiết, do đó con bị xao lãng việc ghi nhận cảm giác của bàn chân, có nghĩa là tâm nó cứ chăm chú vào ghi nhận tác ý, xong nó lỡ mất ghi nhận chuyển động và cảm giác. Cũng vậy trong hoạt động hằng ngày tâm chú ý ghi nhận tác ý quá nhiều nên không bám sát được chuyển động hay các cảm giác trong những hoạt động. Con xin Ngài hướng dẫn.
Ngài giảng rằng cái tác ý mà thiền sinh ghi nhận thì không có ghi nhận trong lúc đang cử động thì thiền sinh phải ghi nhận tác ý trước khi cử động nó diễn ra, còn trong tiến trình nó đang cử động thì chúng ta không ghi nhận tác ý.
Chẳng hạn khi ghi nhận bước chân mà người thiền sinh muốn ghi nhận tác ý thì có thể ghi nhận như sau:
_ Trước khi sự dỡ nó bắt đầu thì người thiền sinh ghi nhận tác ý muốn dỡ, sau đó dỡ lên thì quan sát sự dỡ. Và khi sự dỡ dừng lại thì người thiền sinh ghi nhận sự muốn đưa chân tới, khi ghi nhận muốn bước như vậy thì lúc này cái chân nó chưa có bước tới, chưa có đưa tới và khi ghi nhận tác ý xong thì lúc đó mới có xuất hiện cái cử động. Thì đạp cũng vậy, ghi nhận tác ý muốn đạp trước, sau đó mới có cái cử động đạp chân xuống. Thiền sinh ghi nhớ điểm quan trọng này nhất đó là ghi nhận tác ý trước khi hành động, thì lúc chúng ta ghi nhận tác ý thì lúc đó cơ thể nó vẫn còn đứng yên chưa có chuyển động.
Và trong hoạt động hằng ngày cũng vậy, thiền sinh phải ghi nhận tác ý trước khi hành động nó diễn ra và khi hành động diễn ra rồi thì chúng ta không ghi nhận tác ý nữa mà chỉ chăm chú quan sát chuyển động và cảm giác. Thiền sinh ghi nhận tác ý khi có sự ghi nhận sát sao đề mục, khi ghi nhận đề mục mặc dù sát sao thì sẽ thấy được trước mỗi hành động nó sẽ có cái tác ý.
Ở đây nếu có một tình huống như sau: khi hành động nó đang diễn ra thì tự nhiên tác ý nó sinh lên, mình thấy tác ý nó xuất hiện ở trong tâm. Thì ở đây Ngài đưa ra một ví dụ để thiền sinh dễ hiểu là trước khi cái chân mình dỡ lên thì chúng ta niệm tác ý muốn dỡ và khi dỡ chân lên thì chúng ta tập trung quan sát sự dỡ chân, tuy nhiên khi quan sát dỡ chân một cách chăm chú và cẩn trọng như vậy thì thiền sinh thấy nó có rất nhiều tác ý muốn dỡ chân nó sanh khởi trong quá trình đang dỡ như vậy và nó sanh khởi hàng loạt những tác ý muốn dỡ, muốn dỡ, muốn dỡ rất là nhiều, thì ở đây thiền sinh cứ tập trung vào cái sự dỡ chân và không cần phải hướng tâm về sự tác ý, có nghĩa là không cần phải niệm thầm hay là ghi nhận nó, mà cứ để tâm nó hay biết và chúng ta tập trung vào tiến trình của sự dỡ chân, những cảm giác ở bàn chân. Và khi sự dỡ chân nó đang diễn ra như vậy mà tác ý nó sanh lên thì thiền sinh chỉ cần hay biết, chúng ta biết nó đang xuất hiện như vậy, chúng ta không có niệm thầm, mà chúng ta dồn tâm ý hay sự tập trung của mình vào trong tiến trình dỡ chân. Trong quá trình hoạt động đang diễn ra thì thiền sinh không nên niệm thầm hay là quan sát tác ý, nó xuất hiện thì mình chỉ cần biết biết như vậy, rồi mình tập trung vào cử động, thiền sinh chỉ ghi nhận tâm tác ý trước hành động mà thôi. Ngài hy vọng câu trả lời của Ngài sẽ giúp thiền sinh giải quyết được vấn đề.
Dạ thưa Ngài khi ngồi thiền, mỗi khi con gia tăng sự tinh tấn để theo sát đề mục phồng xẹp hoặc các cảm giác căng cứng ở bụng một cách liên tục thì con thấy hơi thở của mình mạnh lên và nhanh hơn bình thường. Một số thời thiền sau khi quan sát như vậy con cảm thấy mỏi và áp lực ở bụng. Con có nên giữ sự quan sát liên tục như vậy và giữ sự tinh tấn của mình hay không? Hay phải điều chỉnh?
Ngài hướng dẫn rằng chúng ta không cần thay đổi cách thực tập, cứ tiếp tục thực hành như vậy với nỗ lực tinh tấn và ghi nhận liên tục. Thì dù chúng ta phát triển sự tinh tấn thì tự nhiên hơi thở nó thay đổi, đôi khi nó sẽ thay đổi nhanh hơn, đôi khi nó chậm đi, đôi khi nó trở nên gấp, và trở nên cảm giác nó không được bình thường thì chúng ta cũng không nên thay đổi cách chúng ta thực hành, mà cứ giữ cái nỗ lực tinh tấn và sự quan sát liên tục.
Tiếp tục ghi nhận với sự tinh tấn và liên tục như vậy thì đôi khi hơi thở nó sẽ thay đổi lúc này lúc khác, đó là chuyện bình thường. Và thông qua quá trình thực hành liên tục thì người thiền sinh sẽ tự mình biết ra được, tự mình học ra được những tiến trình đó là nó tự nhiên và cách thực hành của thiền sinh ở đây thì Ngài hướng dẫn là cứ tiếp tục, cứ tiếp tục như vậy.
Ở đây nên có sự cẩn thận coi thử mình có cái tác ý thay đổi hơi thở hay không? Coi mình có điều khiển hơi thở hay không? Nếu mình thấy mình không có điều khiển hơi thở, mà nó thở nhanh thở gấp một cách tự nhiên thì chúng ta cứ tiếp tục thực hành như vậy, nó không có vấn đề gì ở đây cả. Và dù nó có bất cứ hiện tượng kỳ lạ nào là hơi thở nó thay đổi hay là những trạng thái nào mình cảm thấy nó khác bình thường thì chúng ta coi mình có kiểm soát hơi thở hay không? Nếu không thì chúng ta cứ tiếp tục ghi nhận bất cứ trạng thái nào sanh khởi, chúng ta cũng tiếp tục giữ sự tinh tấn và ghi nhận. Ngài hy vọng là anh sẽ nắm được hướng dẫn của Ngài.
Trong nghề nghiệp nếu như làm một nghề giúp người khác trốn thuế, dù mình không có cái tư lợi riêng ở trong đấy. Việc đấy có phải là phạm giới hay không ạ?
Nếu mình đang nỗ lực để trốn thuế, có nghĩa là thuế đó cần phải trả mà chúng ta cố gắng làm những cách thức nào đó để trốn không cần phải trả, lách luật, không hợp pháp, thì ở đây chúng ta đã phạm vào ngũ giới.
Có những cách hoạt động và khai thuế công ty thì Ngài không biết luật pháp Việt Nam thế nào nhưng ở Nepal thì có những công ty họ đăng ký và khai thuế, thì có những cách mà khai nó hợp pháp, mà nó lại giảm thuế cho công ty đó; nếu người đó không có khai thuế, không có đăng ký thì mức thuế đó nó cao. Ở đây nếu chúng ta làm hiểu đúng luật pháp, chúng ta thực hiện khai thuế nó đúng theo luật pháp mà nó có lợi cho ta thì điều đó nó không có sai. Nhưng nếu một người cố khai gian, có nghĩa là khai không đúng sự thật để trốn thuế thì đó là chúng ta đã phạm giới.
Con hành thiền trong ba, bốn ngày nay thì con bị vọng tưởng rất nhiều, mặc dù hiểu lời dạy của thiền Sư là cần có xả tầm và xả tinh tấn. Con đã thử nhiều cách như là khi mới ngồi xuống thì chú tâm ngay vào đề mục và tinh tấn, hoặc khi bị lôi cuốn quá thì mình thử cách là phồng xẹp, ngồi đụng nhưng vẫn không thể bám sát được đề mục. Khi muốn đi sát nhận biết tâm hoặc đề mục phồng xẹp thì chỉ có khoảng hai lần phồng xẹp là lại lôi cuốn, mặc dù mình vẫn nhận biết rằng là mình cần quay lại, quay lại nhưng mà không thể nào thoát ra được, không chìm sâu vô đề mục được. Mong thiền Sư hướng dẫn cách thực hành để con tiếp tục thực hành đúng đắn.
Ngài hướng dẫn rằng nếu mình hành thiền mà mình nhận ra mình có rất nhiều suy nghĩ sanh khởi thì đó không phải là một dấu hiệu xấu, nó không phải là một điều xấu, mà giống như những lần hướng dẫn trước đây Ngài đã nói là đôi khi chúng ta có sự tiến bộ phát triển được chánh niệm và định tâm thì lúc này mình cũng sẽ nhận ra được rất là nhiều những trạng thái suy nghĩ trong tâm một cách liên tục, thì đó là bản tính tự nhiên của tâm đó là trạng thái suy nghĩ. Vấn đề ở đây mình đừng có sợ chúng ta suy nghĩ nhiều, mà chúng ta phải nỗ lực có sự hay biết nó chính xác ngay lập tức khi nó sanh khởi.
Ở đây chị cũng đã ghi nhận tiến trình phồng xẹp đề mục rồi, bây giờ cứ thử ghi nhận như vậy có nghĩa là ghi nhận sự phồng xẹp khi có sự suy nghĩ xuất hiện mà nó nổi bật lên, chúng ta ghi nhận sự suy nghĩ đó. Nhưng nếu suy nghĩ không có nổi bật thì cứ bám chặt vào phồng xẹp và để suy nghĩ nó phảng phất phía sau sự ghi nhận của chúng ta, ví dụ chúng ta đang ghi nhận sự phồng xẹp như vậy mà nó có những suy nghĩ khởi sinh lên thì chúng ta biết có suy nghĩ đó, rồi chúng ta vẫn giữ sự quan sát phồng xẹp của mình và cứ để suy nghĩ đó nó phảng phất lãng vãng như vậy. Ở đây mình tập trung chuyên chú vào sự phồng xẹp và những suy nghĩ khởi lên, thì những suy nghĩ không mạnh, nó không cắt ngang sự ghi nhận của chúng ta thì cứ để cho nó hay biết và cứ tập trung vào sự phồng xẹp. Và những suy nghĩ nào mà nó nổi bật quá và nó làm chúng ta quên luôn sự ghi nhận phồng xẹp thì chúng ta cần ghi nhận suy nghĩ đó một cách chính xác ngay lập tức và ngay lập tức ghi nhận suy nghĩ xong thì quay trở lại phồng xẹp một cách nhẹ nhàng, chúng ta ghi nhận suy nghĩ suy nghĩ rồi quay trở lại phồng xẹp, cứ làm lặp đi lặp lại như vậy.
Ngài hướng dẫn là khi chánh niệm và định tâm của mình càng ngày càng phát triển thì đôi khi mình không thể nào ghi nhận được hai được ba phồng xẹp một cách liên tục, chỉ cần trong một cái phồng thôi thì người thiền sinh sẽ thấy trong cái phồng này có rất nhiều những trạng thái suy nghĩ nó sanh khởi lên, và trong tiến trình ghi nhận như vậy người thiền sinh thấy suy nghĩ nó sanh khởi, sanh khởi, sanh khởi rất là nhiều thì đó không phải là một dấu hiệu xấu, mà đây là một dấu hiệu tốt, đây là một tiến bộ trong việc thực hành. Khi người thiền sinh có thể nhận biết được sự sinh hoạt của tâm, những trạng thái của tâm đó là sự suy nghĩ. Thì chúng ta khi phát triển được chánh niệm và định tâm thì chúng ta mới có thể ghi nhận được, hay biết được nhiều trạng thái suy nghĩ như vậy. Ngài hướng dẫn rằng chúng ta cứ tập trung vào sự phồng xẹp và ghi nhận, còn suy nghĩ đó cứ để nó tiếp diễn. Chúng ta không nên lo lắng, lo sợ về tình huống này và khi suy nghĩ nào mà nó nổi bật lên, nó quá nổi bật thì chúng ta mới ghi nhận, còn suy nghĩ nào mà nó không nổi bật thì cứ để nó sẽ diễn như vậy. Nhiệm vụ của chúng ta là tập trung chuyên chú vào trong chuyển động phồng xẹp.
Trước đó thì con cũng đã quan sát được những suy nghĩ như vậy và những cái phồng xẹp, nghĩa là khi nó sinh nó diệt, rồi quay lại phồng xẹp thì những vọng tưởng đó tắt liền. Bản thân con cũng không lo lắng khi vọng tưởng nổi lên hay bất kỳ những trạng thái khác nổi lên. Nhưng ba ngày nay thực tập thì con cảm thấy nó mơ màng và mình không có đi sâu vô đề mục được, cũng không có quan sát rõ ràng được, từ cảm thọ thân tới những cái ở tâm nó sanh khởi ra con không có quan sát được và trạng thái rã rời người ra mình không kiểm soát được nó. Vẫn nhắc mình là quan sát, quan sát, hay nó như thế nào như thế đấy nhưng nó không đi sát vô được đề mục và không chìm sâu vô nên con không biết làm thế nào và vì con không có nhìn thấy rõ nó mặc dù con cố gắng, cố gắng rất là nhiều trong phồng xẹp đề mục hoặc là vọng tưởng.
Tình huống mà chị nêu ra ở đây có nghĩa là tâm nó mơ màng, không có rõ ràng, không chìm sâu được vào đề mục và rất nhiều trạng thái suy nghĩ sanh khởi và mình cũng không nắm bắt được nó, ghi nhận một cách kịp thời. Ngài nói lý do xuất hiện tình huống này đó là tâm sở tầm nó hướng không có chính xác đối tượng.
Ở đây khi tâm ghi nhận chánh niệm hay biết nó xuất hiện ghi nhận đề mục thì mình nghĩ là nó đang ghi nhận đề mục, nhưng thật ra nó đang ghi nhận đề mục không có chính xác, có nghĩa là tâm nó không nằm chính xác trọn vẹn trên đề mục. Tâm nó không nằm chính xác trọn vẹn trên đề mục như vậy thì nó có lý do đó là do tâm sở tầm, có nghĩa là sự hướng tâm và nhắm đề mục nó không có chính xác. Khi nhắm không có chính xác như vậy thì tâm nó tách rời đề mục ra, nó không rơi chính xác vào đề mục cho nên khi tâm không rơi chính xác như vậy thì chúng ta cảm thấy sự ghi nhận của mình nó được chính xác. Do đó người thiền sinh cần phát triển hai trạng thái tâm:
_ thứ nhất là tâm sở tầm, chúng ta phải nhắm cho chính xác.
_ thứ hai là tinh tấn nó phải vừa đủ, sự nỗ lực đưa tâm tới ghi nhận nó phải có đủ năng lực.
Khi hai tâm tầm và tấn đủ năng lực thì lúc đó tâm ghi nhận nó rất là chính xác và rất là rõ ràng. Khi ghi nhận đề mục thì mình đừng có nỗ lực một cách thái quá, thái quá là mình đừng giữ cái tâm là mình căng thẳng quá khi mình chụp bắt hay nhắm đối tượng. Mà mình phải giữ cái tâm nó quân bình, nó không có quá căng thẳng, nó phải thư thái. Ở đây trạng thái tâm thư thái khi ghi nhận đối tượng thì nó cũng giúp cho chúng ta giữ tâm nó nằm vững vàng trên đối tượng và nó dễ dàng chìm sâu vào đối tượng. Ngài hy vọng chị có thể nắm được hướng dẫn của Ngài.
Con hành thiền được 6 tháng, mà con cũng không có thầy hướng dẫn, ban đầu nhờ nhân duyên gặp được qua email là cần phải chánh niệm thì con cũng tập chánh niệm hằng ngày. Nhưng con không niệm thầm trong đầu mà chỉ biết và theo dõi đối tượng, đi theo nó cho nên khi thực hành phồng xẹp thì con nói thầm niệm phồng xẹp, phồng xẹp được một lúc thì tự tâm con nó bỏ đi nó không có phồng xẹp nữa nhưng con vẫn theo dõi và bám sát đối tượng và ngoài sự phồng xẹp ra thì cùng một lúc với phồng xẹp thì con có thể cảm nhận nhiều cảm giác khác ở các khu vực khác trong cơ thể nó đồng thời diễn ra nhưng nó không niệm thầm nữa. Còn khi tâm con hướng đến các đối tượng khác ví dụ như đang căng thì lập tức nó thư giãn ở khu vực đấy, nếu gió đang thổi đang lắc lư mà mình hướng đến thì nó cũng dịu đi. Con xin hỏi là nếu con không niệm thầm như thế thì có đúng hay sai?
Ở đây Ngài hướng dẫn là phải niệm thầm, cô phải cố gắng giữ sự niệm thầm và ở đây niệm thầm thì một thời điểm chỉ niệm vào một đối tượng thôi, chẳng hạn như lúc nãy cô có nói trong lúc quan sát sự phồng xẹp thì tâm đồng thời biết những cảm giác trong cơ thể, ở đây nếu mình chọn quan sát chăm chú sự phồng xẹp thì chúng ta chỉ cần niệm phồng xẹp thôi, không có niệm những cảm giác khác và khi nó hay biết thì cứ để nó hay biết, chúng ta thì tập trung ghi nhận sự phồng xẹp với sự niệm thầm từ đầu đến cuối tiến trình. Nhưng nếu cảm giác nó nổi bật lên thì chúng ta hướng tâm tới tập trung vào cảm giác ghi nhận và lúc này thì chúng ta cũng niệm thầm cảm giác đó luôn. Và khi niệm thầm cảm giác như vậy thì chúng ta cũng đừng quan tâm tới phồng xẹp, mà chỉ tập trung vào cảm giác đến lúc nào mà nó mất đi hoặc là nó yếu đi thì chúng ta mới quay lại phồng xẹp.
Ở đây nếu chị đang quan sát nửa chừng (phồng xẹp) như vậy tự nhiên sự niệm thầm tự động ngưng lại do thói quen, khi nhận biết như vậy thì ngay lập tức chị niệm thầm trở lại, và cứ quên niệm lại, quên niệm lại, cứ quay trở lại với sự niệm thầm như vậy, sau một thời gian nó trở thành thói quen và khi thành thói quen thì mọi thứ trở nên dễ dàng. Ở đây Ngài nói cần phải kiểm tra chính xác là sự niệm thầm của mình phải chính xác vào đối tượng, ví dụ phồng thì chúng ta niệm nó là phồng từ đầu đến cuối tiến trình, xẹp chúng ta niệm nó là xẹp từ đầu đến cuối tiến trình. Khi niệm chính xác như vậy thì nó cũng hỗ trợ cho tâm ghi nhận của mình bám sát vào đề mục từ đầu đến cuối tiến trình, nó hỗ trợ cho cái tâm quan sát ghi nhận.
Và điều lưu ý thứ hai đó là cái trạng thái tâm của mình trong khoảnh khắc đó nó như thế nào? Chẳng hạn như tâm của mình nó có nằm trên đối tượng đang niệm thầm hay không? Hay nó đang lang bạt đó đây? Nó đang phiêu bạt ở những cảm giác khác? Thì lúc này mình cần phải biết rõ. Khi chúng ta biết rõ được cái trạng thái tâm của mình, tâm của mình nó có đang ở trên đối tượng ghi nhận hay không? Chúng ta biết được điều đó cũng nhờ vào sự niệm thầm và sự niệm thầm này nó giúp cho chúng ta phát triển thêm sự tinh tấn, có nghĩa là khi niệm thầm chúng ta cần phải nỗ lực, nỗ lực vừa niệm thầm vừa quan sát ghi nhận và khi làm nhiều việc cùng lúc như vậy thì tâm nó phát triển sự tinh tấn. Đó là lý do vì sao chúng ta cần phải phát triển sự niệm thầm khi ghi nhận đối tượng.
Do những lợi ích như vậy mà Ngài thiền Sư sách tấn quý thiền sinh của mình là nên niệm thầm đối tượng, bất cứ đối tượng nào chúng ta cũng nên niệm thầm nó theo đúng tiến trình nó đang diễn ra.
Ngài hy vọng chị có thể nắm được hướng dẫn của Ngài.
???? Theo dõi Phật Giáo Theravāda trên youtube: Youtube.com/c/THERAVADAVN