II-Akusalacetasika: Bất-thiện tâm-sở

Akusalacetasika: Bất-thiện tâm-sở là loại ác-tâm-sở, khi đồng sinh với tâm nào thì làm cho tâm ấy bị ô nhiễm, nóng nảy, tâm ấy trở thành bất-thiện-tâm.

Akusalacetasika: Bất-thiện tâm-sở có 14 tâm-sở chỉ đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm) mà thôi, không đồng sinh với tâm nào khác như 18 vô-nhân-tâm, 59 hoặc 91 tịnh-hảo-tâm.

Akusalacetasika: Bất-thiện tâm-sở có 14 tâm-sở chia ra làm 5 nhóm:

II.1- Mocatukacetasika: Nhóm si có 4 tâm-sở:

1- Mohacetasika: Si tâm-sở.

2- Ahirikacetasika: Không hổ-thẹn tâm-sở.

3- Anottappacetasika: Không ghê-sợ tâm-sở.

4- Uddhaccacetasika: Phóng-tâm tâm-sở.

II.2- Lotikacetasika: Nhóm tham có 3 tâm-sở:

1- Lobhacetasika: Tham tâm-sở.

2- Diṭṭhicetasika: Tà-kiến tâm-sở.

3- Mānacetasika: Ngã-mạn tâm-sở.

II.3- Docatukacetasika: Nhóm sân có 4 tâm-sở:

1- Dosacetasika: Sân tâm-sở.

2- Issācetasika: Ganh-tỵ tâm-sở.

3- Macchariyacetasika: Keo-kiệt tâm-sở.

4- Kukkuccacetasika: Hối-hận tâm-sở.

II.4- Thidukacetasika: Nhóm buồn có 2 tâm-sở:

1- Thinacetasika: Buồn-chán tâm-sở.

2- Middhacetasika: Buồn-ngủ tâm-sở.

II.5- Vicikicchācetasika: Nhóm vicikicchā 1 tâm-sở:

1- Vicikicchācetasika: Hoài-nghi tâm-sở.

Giảng giải 14 bất-thiện tâm-sở

II.1- Mocatukacetasika: Nhóm si có 4 tâm-sở: mohacetasika, ahirikacetasika, anottappacetasika, uddhaccacetasika, thì mohacetasika: si tâm-sở là gốc dẫn đầu, đều đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm.

II.1.1- Mohacetasika: Si tâm-sở là tâm-sở si-mê không biết rõ thật-tánh của các pháp đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma). 

Trạng-thái riêng của mohacetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Añāṇalakkhaṇo: Không biết thật-tánh của các pháp chân-nghĩa-pháp là trạng-thái của si tâm-sở.

2- Ārammaṇa sabhāvacchādanaraso: Làm che phủ thật-tánh của các đối-tượng là phận sự của si tâm-sở.

3- Andhakārapaccupaṭṭhāno: Tính chất làm tối tăm là quả hiện hữu của si tâm-sở.

4- Ayonisomanasikārapadaṭṭhāno: Do si-mê không biết đúng trong tâm mọi thật-tánh của các pháp là nhân-duyên gần phát sinh mohacetasika.

Mohacetasika: Si tâm-sở này còn gọi là avijjā: vô-minh trái nghĩa với vijjā: minh đó là paññā: trí-tuệ tâm-sở.

Mohacetasika: Si tâm-sở gọi là vô-minh không có nghĩa là không biết gì cả. Thật ra, vô-minh chỉ không biết thật-tánh của các pháp đúng theo paramatthadhamma: chân-nghĩa-pháp mà thôi. Avijjā: vô-minh không biết 8 pháp là:

1- Dukkhe añāṇaṃ: Không biết ngũ-uẩn chấp-thủ là khổ-đế.

2- Dukkhasamudaye añāṇaṃ: Không biết tham-ái là nhân sinh khổ-đế.

3- Dukkhanirodhe añāṇaṃ: Không biết Niết-bàn là pháp diệt khổ-đế.

4- Dukkhanirodhagāminīpaṭipadā añāṇaṃ: Không biết bát-chánh-đạo là pháp-hành dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn diệt khổ-đế.

5- Pubbante añāṇaṃ: Không biết ngũ-uẩn, 12 xứ, 18 tự-tánh đã sinh trong kiếp quá-khứ.

6- Aprante añāṇaṃ: Không biết ngũ-uẩn, 12 xứ, 18 tự-tánh sẽ sinh trong kiếp vị-lai.

7- Pubbantāprante añāṇaṃ: Không biết ngũ-uẩn, 12 xứ, 18 tự-tánh đã sinh trong kiếp quá-khứ và sẽ sinh trong kiếp vị-lai.

8- Idappaccayatā paṭiccasamuppannesu dham-mesu añāṇaṃ: Không biết các pháp nhân quả liên hoàn theo thập-nhị-duyên-sinh.

Mohacetasika: Si tâm-sở là nguồn gốc của mọi bất-thiện-pháp (ác-pháp).

* Mohacetasika: Si tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm, không đồng sinh với 77 tâm còn lại.

II.1.2- Ahirikacetasika: Không biết hổ-thẹn tâm-sở là tâm-sở tự mình không biết hổ-thẹn tội-lỗi khi thân hành 3 ác-nghiệp, khẩu nói 4 ác-nghiệp, ý nghĩ 3 ác-nghiệp.

Trạng-thái riêng của ahirikacetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Kāyaduccaritādīhi ajigucchanalakkhaṇaṃ vā) alajjālakkhaṇaṃ: Không chán ghét thân hành ác, v.v… hoặc không biết hổ-thẹn tội-lỗi là trạng-thái của không biết hổ-thẹn tâm-sở.

2- Pāpānaṃ karaṇarasaṃ: Tạo ác-nghiệp là phận sự của không biết hổ-thẹn tâm-sở.

3- Asaṅkocanapaccupaṭṭhānaṃ: Không thoái chí trong việc tạo ác-nghiệp là quả hiện hữu của không biết hổ-thẹn tâm-sở.

4- Atta agāravapadaṭṭhānaṃ: Không biết tự tôn trọng mình là nguyên-nhân gần phát sinh ahirikacetasika.

* Ahirikacetasika là tâm-sở không biết hổ-thẹn tội-lỗi, nên thân hành 3 ác-nghiệp, khẩu nói 4 ác-nghiệp, ý nghĩ 3 ác-nghiệp do tự mình không có tính tự trọng.

* Ahirikacetasika đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm, không đồng sinh với 77 tâm còn lại.

II.1.3- Anottappacetasika: Không biết ghê-sợ tâm-sở là tâm-sở không biết ghê-sợ tội-lỗi khi thân hành 3 ác-nghiệp, khẩu nói 4 ác-nghiệp, ý nghĩ 3 ác-nghiệp.

Trạng-thái riêng của anottappacetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Kāyaduccaritādīhi asārajjalakkhaṇaṃ (vā) anuttāsalakkhaṇaṃ: Không ghê sợ thân hành ác, v.v… hoặc không biết ghê sợ tội-lỗi là trạng-thái của không biết ghê-sợ tâm-sở.

2- Pāpānaṃ karaṇarasaṃ: Tạo ác-nghiệp là phận sự của không biết ghê-sợ tâm-sở.

3- Asaṅkocanapaccupaṭṭhānaṃ: Không thoái chí trong việc tạo ác-nghiệp là quả hiện hữu của không biết ghê-sợ tâm-sở.

4- Para agāravapadaṭṭhānaṃ: Không biết tôn trọng người khác là nguyên-nhân gần phát sinh anottappacetasika.

* Anottappacetasika: Không biết ghê-sợ tội-lỗi tâm-sở phát sinh, nên thân hành 3 ác-nghiệp, khẩu nói 4 ác-nghiệp, ý nghĩ 3 ác-nghiệp, do không biết kính trọng người khác, không biết sợ bậc thiện-trí chê trách, không biết sợ sa đọa 4 cõi ác-giới: cõi địa-ngục, cõi a-su-ra, cõi ngạ-quỷ, loài súc-sinh. 

* Anottappacetasika đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm, không đồng sinh với 77 tâm còn lại.

Ahirikacetasika và anottappacetasika là 2 tâm-sở có nhiều pháp tương tự nhau, nhưng tính chất riêng của mỗi tâm-sở khác nhau như ahirikacetasika là tâm-sở không có tính tự trọng, nên dám làm mọi ác-pháp; còn anottappa-cetasika là tâm-sở không biết kính trọng người khác, không sợ bậc thiện-trí chê trách, không biết sợ trong 4 cõi ác-giới, nên dám làm mọi ác-pháp.

Ahirikacetasika và anottappacetasika là 2 tâm-sở có nhiều năng lực trong sự tạo mọi ác-pháp.

II.1.4- Uddhaccacetasika: Phóng-tâm tâm-sở là tâm-sở không yên tịnh, bị động phóng-tâm theo đối-tượng.

Trạng-thái riêng của uddhaccacetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Avūpasamalakkhaṇaṃ: Không an tịnh là trạng-thái của phóng-tâm tâm-sở.

2- Anavatthānarasaṃ: Không trụ trong đối-tượng nào duy nhất là phận sự của phóng-tâm tâm-sở.

3- Bhantatta paccupaṭṭhānaṃ: Phóng tâm đến đối-tượng khác là quả hiện hữu của phóng-tâm tâm-sở.

4- Ayonisomanasikārapadaṭṭhānaṃ: Do si-mê không biết đúng trong tâm mọi thật-tánh của các pháp là nhân-duyên gần phát sinh uddhacca-cetasika.

* Uddhaccacetasika: Phóng-tâm tâm-sở là 1 trong 4 tâm-sở (mohacetasika, ahirikacetasika, anottappacetasika, uddhaccacetasika) đồng sinh với tất cả 12 bất-thiện-tâm.

* Ekaggatācetasika: Nhất-tâm tâm-sở là 1 trong 7 tâm-sở đồng sinh với tất cả 89 hoặc 121 tâm.

Như vậy, 2 tâm-sở: Phóng-tâm tâm-sở và nhất-tâm tâm-sở đều đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm, nhưng 2 tâm-sở này có trạng-thái trái ngược nhau. Vậy, nên hiểu như thế nào?

Theo trạng-thái của tâm với tâm-sở sinh rồi diệt liên tục không ngừng, mỗi tâm với tâm-sở chỉ có tiếp nhận 1 đối-tượng mà thôi.

* Uddhaccacetasika: Phóng-tâm tâm-sở chỉ đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm mà thôi, khi mỗi bất-thiện-tâm phát sinh tiếp nhận đối-tượng không vững chắc, bởi vì do năng lực của phóng-tâm tâm-sở.

* Ekaggatācetasika: Nhất-tâm tâm-sở đồng sinh với tất cả 89 hoặc 121 tâm, có trạng-thái định tâm trong đối-tượng. Tuy nhất-tâm tâm-sở có trạng-thái định tâm trong đối-tượng như vậy, nhưng khi nhất-tâm tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm thì nhất-tâm tâm-sở bị suy giảm, do năng lực của phóng-tâm tâm-sở, cho nên nhất-tâm tâm-sở đồng sinh với mỗi bất-thiện-tâm có định tâm không có năng lực nhiều, nên bị yếu kém trong mỗi đối-tượng.

Tuy nhiên, khi ekaggatācetasika: Nhất-tâm tâm-sở đồng sinh với thiện-tâm càng cao thì định-tâm càng có nhiều năng lực.

Thật vậy, nếu nhất-tâm tâm-sở đồng sinh với 5 sắc-giới thiện-tâm, hoặc 4 vô-sắc-giới thiện-tâm, hoặc 4 hoặc 20 siêu-tam-giới thiện-tâm thì định tâm có nhiều năng lực phi thường.

* Uddhaccacetasika: Phóng-tâm tâm-sở đồng sinh với tất cả 12 bất-thiện-tâm, hoàn toàn bị động, bởi vì phóng tâm luôn luôn thay đổi đối-tượng, tiếp nhận không vững vàng trong đối-tượng, do năng lực của phóng-tâm tâm-sở, nên bất-thiện-nghiệp bị yếu.

Thật vậy, trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau, chỉ có bất-thiện-nghiệp trong 11 bất-thiện-tâm (trừ si-tâm hợp với phóng-tâm) có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới.

Còn bất-thiện-nghiệp trong si-tâm hợp với phóng-tâm không có đủ khả năng cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) mà chỉ có khả năng cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, mà thôi. 

* Uddhaccacetasika: Phóng-tâm tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm, không đồng sinh với 77 tâm còn lại.

II.2- Lotikacetasika: Nhóm tham có 3 tâm-sở: lobhacetasika, diṭṭhicetasika, mānacetasika, có lobhacetasika là gốc dẫn đầu, chỉ đồng sinh với 8 tham-tâm mà thôi, tùy theo mỗi tâm-sở.

II.2.1- Lobhacetasika: Tham tâm-sở là tâm-sở tham muốn, chấp-thủ trong đối-tượng.

Trạng-thái riêng của lobhacetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Ārammaṇaggahaṇalakkhano: Chấp-thủ trong đối-tượng là trạng-thái của tham tâm-sở.

2- Abhisaṅgaraso: Chấp chặt trong đối-tượng là phận sự của tham tâm-sở.

3- Aparicāgapaccupaṭṭhāno: Không buông bỏ đối-tượng là quả hiện hữu của tham tâm-sở.

4- Saṃyojaniyadhammesu assādadassana-padaṭṭhāno: Cảm thấy hài lòng trong các pháp ràng buộc là nhân-duyên gần phát sinh lobhacetasika.

Trong bộ Paramatthadīpanīṭīkā trình bày 10 danh-từ đồng nghĩa với lobha như sau:

1- Taṇhā: Tham-ái.

2- Rāga: Yêu thương.

3- Kāma: Ham muốn.

4- Nandi: Hoan-hỷ.

5- Abhijjhā: Tham muốn. 

6- Janetti: Sinh mọi phiền-não.

7- Ponobbhavika: Dẫn dắt tái-sinh kiếp sau.

8- Icchā: Tham vọng.

9- Āsā: Hy vọng.

10- Saṃyojana: Ràng buộc.

* Lobhacetasika: Tham tâm-sở đồng sinh với 8 tham tâm, không đồng sinh với 81 tâm còn lại.

II.2.2- Diṭṭhicetasika: Tà-kiến tâm-sở là tâm-sở thấy sai chấp lầm nơi các đối-tượng, không đúng theo thật-tánh của các pháp.

Tà-kiến tâm-sở là hoàn toàn trái ngược với trí-tuệ tâm-sở thấy rõ, biết rõ thật-tánh của các pháp.

Trạng-thái riêng của diṭṭhicetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Ayoniso abhinivesalakkhaṇo: Tà-kiến chấp thủ do si-mê là trạng-thái của tà-kiến tâm-sở.

2- Parāmāsarasā: Chấp thủ sai lầm trái với thật-tánh các pháp là phận sự của tà-kiến tâm-sở.

3- Micchābhinivesapaccupaṭṭhānā: Chấp thủ theo tà-kiến sai lầm là quả hiện hữu của tà-kiến tâm-sở.

4- Ariyānaṃ adassanakāmatātipadaṭṭhānā: Không muốn nhìn thấy các bậc Thánh-nhân là nguyên-nhân gần phát sinh diṭṭhicetasika.

Diṭṭhi: Tà-kiến có 2 loại:

– Sāmaññadiṭṭhi: Tà-kiến phổ thông.

– Visesadiṭṭhi: Tà-kiến đặc biệt. 

1- Sāmaññadiṭṭhi: Tà-kiến phổ thông đó là sakkāyadiṭṭhi tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn cho là ta, người, đàn ông, đàn bà, chúng-sinh, v.v… đối với tất cả chúng-sinh còn là phàm nhân, gồm có nhân-loại, chư-thiên, chư phạm-thiên, v.v…

2- Visesadiṭṭhi: Tà-kiến đặc biệt đó là niyata-diṭṭhi tà-kiến chấp-thủ-cố-định, hoàn toàn không tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, có 3 loại:

– Natthikadiṭṭhi: Vô-quả tà-kiến.

– Ahetukadiṭṭhi: Vô-nhân tà-kiến.

– Akiriyadiṭṭhi: Vô-hành tà-kiến.

* Natthikadiṭṭhi: Vô-quả tà-kiến cố-định là tà-kiến thấy sai chấp lầm cố-định, không thay đổi rằng: “Không có quả của nghiệp.”

* Ahetukadiṭṭhi: Vô-nhân tà-kiến cố-định là tà-kiến thấy sai chấp lầm cố-định, không thay đổi rằng: “Không có nhân là không có nghiệp.”

* Akiriyadiṭṭhi: Vô-hành tà-kiến cố-định là tà-kiến thấy sai chấp lầm cố-định, không thay đổi rằng: “Không có hành ác, không có hành thiện.”

* Diṭṭhicetasika: Tà-kiến tâm-sở đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến, không đồng sinh với 85 tâm còn lại.

II.2.3- Mānacetasika: Ngã-mạn tâm-sở là tâm-sở tự đề cao mình hơn người, hoặc bằng người, hoặc kém thua người. 

Trạng-thái riêng của mānacetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Unnatilakkhaṇo: Tự đề cao mình hơn người là trạng-thái của ngã-mạn tâm-sở.

2- Sampaggaraso: Tự so sánh mình với người là phận sự của ngã-mạn tâm-sở.

3- Ketukamyatāpaccupaṭṭhāno: Mong muốn bậc cao như ngon cờ là quả hiện hữu của ngã-mạn tâm-sở.

4- Diṭṭhivippayuttalobhapadaṭṭhāno: Có tham-tâm không hợp với tà-kiến là nguyên-nhân gần phát sinh mānacetasika.

Người có tham-tâm hợp với ngã-mạn có tính tự cao, khinh thường người khác, cứng đầu khó dạy nên không có tính khiêm tốn.

* Mānacetasika: Ngã-mạn tâm-sở đồng sinh với 8 tham-tâm không hợp với tà-kiến, không đồng sinh với 85 tâm còn lại.

Nhóm tham có 3 tâm-sở: lobhacetasika, diṭṭhi-cetasika, mānacetasika, có lobhacetasika là gốc dẫn đầu, đồng sinh với 8 tham-tâm tùy theo mỗi tâm-sở.

II.3- Docatukacetasika: Nhóm sân có 4 tâm-sở: dosacetasika, issācetasika, macchariyacetasika, kukkuccacetasika có dosacetasika là gốc dẫn đầu, chỉ đồng sinh với 2 sân-tâm mà thôi. 

II.3.1- Dosacetasika: Sân tâm-sở là tâm-sở hung dữ, gây tai hại đối-tượng.

Trạng-thái riêng của dosacetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Caṇḍikkalakkhaṇo: Có tính hung dữ là trạng-thái của sân tâm-sở.

2- Attano nissayadahanaraso (vā)visappanaraso: Sự nóng nảy thiêu đốt trong tâm của mình hoặc sự bực bội, bực tức trong tâm là phận sự của sân tâm-sở.

3- Dussanapaccupaṭṭhāno: Gây tai hại đến đối-tượng là quả hiện hữu của sân tâm-sở.

4- Āghātavatthupadaṭṭhāno: Có đối-tượng hận thù (āghātavatthu) là nhân-duyên gần phát sinh dosacetasika.

Āghātavatthu: Đối-tượng hận thù có 10:

1- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đã từng gây tai hại cho ta.

2- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đang gây tai hại cho ta.

3- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy sẽ gây tai hại cho ta.

4- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đã từng gây tai hại cho người thân yêu của ta.

5- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đang gây tai hại cho người thân yêu của ta. 

6- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy sẽ gây tai hại cho người thân yêu của ta.

7- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đã từng làm lợi ích cho kẻ thù của ta.

8- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đang làm lợi ích cho kẻ thù của ta.

9- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy sẽ làm lợi ích cho kẻ thù của ta.

10- Hận thù do gặp phải rủi như vấp ngã đau, đạp gai đâm vào bàn chân đau, v.v…

Āghātavatthu có 10 loại là nguyên nhân gần phát sinh dosacetasika (sân tâm-sở) trong dosa-citta (sân-tâm) không hài lòng đối-tượng ấy, nên có trạng-thái khổ tâm, nóng giận, ghét bỏ, buồn khổ, khóc than, sợ sệt, v.v… tự làm khổ mình, làm khổ người, gây tai hại cho người, …

* Dosacetasika: Sân tâm-sở chỉ đồng sinh với 2 sân-tâm mà thôi, không đồng sinh với 87 tâm còn lại.

II.3.2- Issācetasika: Ganh-tỵ tâm-sở là tâm-sở ganh-tỵ không vừa lòng trong của cải tài sản hoặc sắc đẹp hoặc địa vị cao sang, chức trọng quyền cao của người khác.

Trạng-thái riêng của issācetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Parasampattīnaṃ ussūyanalakkhaṇā: Ganh tỵ của cải, danh vọng của người khác là trạng-thái của ganh-tỵ tâm-sở.

2- Tattheva anabhiratirasā: Tâm không có hoan-hỷ của cải, danh vọng của người khác là phận-sự của ganh-tỵ tâm-sở.

3- Tato vimukhabhāvapaccupaṭṭhānā: Tính ngoảnh mặt tránh xa của cải, danh vọng của người khác là quả hiện hữu của ganh-tỵ tâm-sở.

4- Parasampattipadaṭṭhānā: Của cải, danh vọng của người khác là nguyên-nhân gần phát sinh issācetasika.

Nếu không vừa lòng quả phước-thiện của người khác thì không có lỗi. Còn nếu không vừa lòng với ý nghĩ rằng: “Người ấy không xứng đáng có được như vậy” thì gọi là issā: ganh-tỵ, nên có lỗi.

Nếu tính issā: ganh-tỵ này có tính chất ràng buộc chúng-sinh trong kiếp tử sinh luân-hồi thì trở thành issāsaṃyojana: pháp-ràng-buộc do ganh-tỵ.

* Issācetasika: Ganh-tỵ tâm-sở chỉ đồng sinh với 2 sân-tâm mà thôi, không đồng sinh với 87 tâm còn lại.

II.3.3- Macchariyacetasika: Keo-kiệt tâm-sở là tâm-sở keo kiệt bủn xỉn trong của cải tài sản, hoặc sự hiểu biết của mình.

Trạng-thái riêng của macchariyacetasika có bốn pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Attanosampattīnaṃ nigūhanalakkhanaṃ: Tính giấu giếm của cải tài-sản của mình là trạng-thái của keo-kiệt tâm-sở.

2- Tasaṃ yeva parehi sādhāraṇabhāva-akkhamanarasaṃ: Có tính không muốn của cải tài-sản của mình làm của chung với người khác là phận-sự của keo-kiệt tâm-sở.

3- Saṅkocanapaccuṭṭhānaṃ (vā) kaṭakañcuka-paccuṭṭhānaṃ: Thấy người hành khất, nét mặt cau có, hoặc tâm keo kiệt bủn xỉn là quả hiện hữu của keo-kiệt tâm-sở.

4- Attasampattipadaṭṭhānaṃ: Của cải tài-sản của mình là nguyên-nhân gần phát sinh macchariyacetasika.

* Macchariya tính keo-kiệt bủn-xỉn có 5 loại:

1- Āvāsamacchariya: Keo-kiệt trong chỗ ở.

2- Kulamacchariya: Keo-kiệt trong gia đình.

3- Lābhamacchariya: Keo-kiệt trong của cải.

4- Vaṇṇamacchariya: Keo-kiệt trong sắc đẹp.

5- Dhammamacchariya: Keo-kiệt trong pháp.

Nếu macchariya tính keo-kiệt này có tính chất ràng buộc chúng-sinh trong kiếp tử sinh luân-hồi thì trở thành macchariyasaṃyojana: pháp-ràng-buộc do keo-kiệt.

* Macchariyacetasika: Keo-kiệt tâm-sở chỉ đồng sinh với 2 sân-tâm mà thôi, không đồng sinh với 87 tâm còn lại. 

II.3.4- Kukkuccacetasika: Hối-hận tâm-sở là tâm-sở ăn năn hối-hận khổ tâm vì đã tạo ác-nghiệp mà không tạo đại-thiện-nghiệp.

Trạng-thái riêng của kukkuccacetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Pacchānutāpalakkhaṇaṃ: Nóng nảy khổ tâm về sau là trạng-thái của hối-hận tâm-sở.

2- Katākatānusocanarasaṃ: Thường phát sinh tâm sầu não, ăn năn ân hận vì đã tạo ác-nghiệp mà không tạo đại-thiện-nghiệp là phận-sự của hối-hận tâm-sở.

3- Vippaṭisārapaccupaṭṭhānaṃ: Tâm nóng nảy hối hận là quả hiện hữu của hối-hận tâm-sở.

4- Katākatapadaṭṭhānaṃ: Đã tạo ác-nghiệp, không tạo đại-thiện-nghiệp là nguyên-nhân gần phát sinh kukkuccacetasika.

Sở dĩ kukkuccacetasika phát sinh là vì si-mê không biết quả khổ của ác-nghiệp, không biết quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp. Vì vậy, ác-nghiệp không nên tạo thì đã tạo, còn đại-thiện-nghiệp nên tạo thì lại không tạo.

* Kukkuccacetasika: Hối-hận tâm-sở chỉ đồng sinh với 2 sân-tâm mà thôi, không đồng sinh với 87 tâm còn lại.

II.4- Thidukacetasika: Nhóm buồn có 2 tâm-sở là thinacetasika và middhacetasika, có thina-cetasika là gốc dẫn đầu.

Nếu có 2 tâm-sở thinacetasika và middha-cetasika phát sinh thì 2 tâm-sở này đồng sinh với nhau (sahakadācicetasika) trong 5 bất-thiện-tâm cần tác-động:

– 4 tham-tâm cần tác-động.

– 1 sân-tâm cần tác-động.

II.4.1- Thinacetasika: Buồn-chán tâm-sở là tâm-sở làm cho tâm buồn-chán muốn buông bỏ đối-tượng, tâm không muốn tinh-tấn biết đối-tượng.

Trạng-thái riêng của thinacetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Anussāhalakkhaṇaṃ: Không có cố gắng là trạng-thái của buồn-chán tâm-sở.

2- Vīriyavinodanarasaṃ: Làm tiêu tan sự tinh-tấn là phận-sự của buồn-chán tâm-sở.

3- Saṃsīdanapaccupaṭṭhānaṃ: Sự thoái chí nản lòng là quả hiện hữu của buồn-chán tâm-sở.

4- Ayonisomanasikārapadaṭṭhānaṃ: Do si-mê không biết đúng trong tâm mọi thật-tánh của các pháp là nhân-duyên gần phát sinh thinacetasika.

II.4.2- Middhacetasika: Buồn-ngủ tâm-sở là tâm-sở buồn-ngủ làm cho tâm-sở đồng sinh buông bỏ đối-tượng, tâm không biết rõ đối-tượng nữa.

Trạng-thái riêng của middhacetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1-Akammaññatālakkhaṇam: Không có thích ứng trong công việc là trạng-thái của buồn-ngủ tâm-sở.

2- Onahanarasaṃ: Buông bỏ các pháp đồng sinh là phận-sự của buồn-ngủ tâm-sở.

3- Līnatāpaccupaṭṭhānaṃ (vā) capalāyikāniddā paccupaṭṭhānaṃ: Sự lười biếng tiếp nhận đối-tượng hoặc buồn ngủ là quả hiện hữu của buồn-ngủ tâm-sở.

4- Ayonisomanasikārapadaṭṭhānaṃ: Do si-mê không biết đúng trong tâm mọi thật-tánh của các pháp là nhân-duyên gần phát sinh middhacetasika.

* Thinacetasika: Buồn-chán tâm-sở làm cho tâm đồng sinh muốn buông bỏ đối-tượng.

* Middhacetasika: Buồn-ngủ tâm-sở làm cho các tâm-sở đồng sinh buông bỏ đối-tượng.

Hai tâm-sở này luôn luôn đồng sinh với nhau ví dụ: Ngọn đèn dầu gần tắt thì ánh sáng mờ dần đến tắt hẳn như thế nào, cũng như vậy, thinacetasika buồn-chán tâm-sở và middhacetasika buồn-ngủ tâm-sở là 2 tâm-sở đồng sinh với tâm có phận sự làm cho tâm với tâm-sở đồng sinh buông bỏ đối-tượng trong các lộ-trình-tâm, thỉnh thoảng rơi xuống hộ-kiếp-tâm (bhavaṅgacitta), ngủ gật.

Thinacetasika: Buồn-chán tâm-sở và middha-cetasika: buồn-ngủ tâm-sở cùng đồng sinh với 5 bất-thiện-tâm cần tác-động: 4 tham-tâm cần tác-động và 1 sân-tâm cần tác-động, không đồng sinh với 84 tâm còn lại.

II.5- Vicikicchācetasika: Nhóm vicikicchā 1 tâm-sở

Vicikicchācetasika: Hoài-nghi tâm-sở là tâm-sở hoài-nghi nơi các đối-tượng như hoài-nghi nơi 9 ân-Đức-Phật, 6 ân-Đức-Pháp, 9 ân-Đức-Tăng, hoài-nghi nghiệp và quả của nghiệp, v.v … Hoài-nghi tâm-sở này chỉ đồng sinh với si-tâm hợp với hoài-nghi mà thôi.

Trạng-thái riêng của vicikicchācetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Saṃsayalakkhaṇā: Hoài-nghi là trạng-thái của hoài-nghi tâm-sở.

2- Kampanarasā: Sự nghi ngờ trong đối-tượng là phận-sự của hoài-nghi tâm-sở.

3- Anicchayapaccupaṭṭhānā: Không quyết định được là quả hiện hữu của hoài-nghi tâm-sở.

4- Ayonisomanasikārapadaṭṭhānaṃ: Si-mê hiểu biết trong tâm không đúng theo thật-tánh của các pháp là nhân-duyên gần phát sinh vicikicchācetasika.

* Vicikicchācetasika: Hoài-nghi tâm-sở không phải là hoài-nghi các môn học hoặc hoài-nghi trong các pháp-chế-định (paññattidhamma), mà thật ra chỉ có hoài-nghi trong 8 pháp sau:

1- Hoài-nghi trong 9 ân-Đức-Phật.

2- Hoài-nghi trong 6 ân-Đức-Pháp.

3- Hoài-nghi trong 9 ân-Đức-Tăng.

4- Hoài-nghi trong 3 pháp-hành giới, định, tuệ.

5- Hoài-nghi trong ngũ-uẩn,… kiếp quá-khứ.

6- Hoài-nghi trong ngũ-uẩn,… kiếp vị-lai.

7- Hoài-nghi trong ngũ-uẩn,… kiếp quá-khứ và kiếp vị-lai.

8- Hoài-nghi trong pháp thập-nhị-duyên-sinh.

Ngoài hoài-nghi 8 pháp này ra, nếu có hoài-nghi về các môn học, các chế-định-pháp, v.v… vì chưa hiểu biết rõ thì không phải là hoài-nghi tâm-sở (vicikicchācetasika) đồng sinh với si-tâm hợp với hoài-nghi.

* Vicikicchācetasika: Hoài-nghi tâm-sở chỉ đồng sinh với si-tâm hợp với hoài-nghi mà thôi, không đồng sinh với 88 tâm còn lại.

Akusalacetasika: Bất-thiện tâm-sở có 14 tâm-sở chỉ đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm mà thôi, tạo mọi ác-nghiệp bằng thân, khẩu, ý, nên tự làm khổ mình trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai, làm khổ người và làm khổ chúng-sinh nữa.

Nếu không muốn tự làm khổ mình, cũng không muốn làm khổ mọi người, mọi chúng-sinh thì chỉ có cách giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn mà thôi, thậm chí chỉ cần giữ gìn ngũ-giới cho được trong sạch trọn vẹn thì tránh xa 10 ác-nghiệp bằng thân, khẩu, ý: tránh xa 3 thân ác-nghiệp, tránh xa 4 khẩu ác-nghiệp, tránh xa 3 ý ác-nghiệp, đồng thời tạo 3 thân đại-thiện-nghiệp, tạo 4 khẩu đại-thiện-nghiệp, tạo 3 ý đại-thiện-nghiệp, nên không tự làm khổ mình, không làm khổ mọi người, mọi chúng-sinh lớn nhỏ khác trong đời.

Thật ra, người thiện giữ gìn ngũ-giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn, tạo đại-thiện-nghiệp giữ-giới, đó là việc rất dễ dàng đối với tất cả mọi người trong đời, bởi vì trong khả năng bình thường của mọi người. Còn người ác phạm điều-giới nào đủ chi-pháp của điều-giới ấy, tạo ác-nghiệp điều-giới ấy, đó là việc rất khó khăn mà không phải là ai cũng có thể tạo ác-nghiệp điều-giới ấy được.

Cho nên, người thiện có đại-thiện-tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, biết tự trọng, biết giữ gìn các điều-giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn, tạo mọi đại-thiện-nghiệp giữ-giới thuộc về của riêng mình.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app