Giảng giải 52 tâm-sở
Tâm-sở gồm có 52 tâm-sở chia 3 nhóm:
– Aññasamānacetasika: Đồng-sinh toàn-tâm, tuỳ-tâm tâm-sở gồm có 13 tâm-sở.
– Akusalacetasika: Bất-thiện tâm-sở gồm có 14 tâm-sở.
– Sobhaṇacetasika: Tịnh-hảo tâm-sở gồm có 25 tâm-sở.
I-Aññasamānacetasika gồm có 13 tâm-sở này đồng sinh cùng với cả akusalacetasika lẫn sobhaṇacetasika.
Còn akusalacetasika không đồng sinh cùng với sobhaṇacetasika và sobhaṇacetasika cũng không đồng sinh cùng với akusalacetasika.
Aññasamānacetasika gồm có 13 tâm-sở này chia ra 2 loại:
– Sabbacittasādhāraṇacetasika: Đồng-sinh-toàn-tâm tâm-sở có 7 tâm-sở.
– Pakiṇṇakacetasika: Đồng-sinh-tuỳ-tâm tâm-sở có 6 tâm-sở.
I.1- Sabbacittasādhāraṇacetasika
Sabbacittasādhāraṇacetasika: Đồng-sinh-toàn-tâm tâm-sở có 7 tâm-sở đồng sinh với tất cả 89 hoặc 121 tâm. 7 tâm-sở là:
I.1.1- Phassacetasika: Xúc tâm-sở là tâm-sở tiếp xúc với đối-tượng.
Trạng-thái riêng biệt của phassacetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:
1- Phussanalakkhaṇo: Sự tiếp xúc với đối-tượng là trạng-thái của xúc tâm-sở.
2- Saṅghaṭṭanaraso: Sự liên kết ba pháp là đối-tượng, môn, thức-tâm lại với nhau là phận sự của xúc tâm-sở.
3- Sannipātapaccupaṭṭhāno: Sự tụ hội lại với nhau là quả hiện hữu của xúc tâm-sở.
4- Āpātagatavisayapadaṭṭhāno: Sự tiếp cận trực tiếp với đối-tượng là nguyên-nhân gần phát sinh phassacetasika.
Phassacetasika: Xúc tâm-sở có trạng-thái tiếp xúc với đối-tượng. Xúc tâm-sở thuộc về danh-pháp có phận sự liên kết đối-tượng với môn, để thức-tâm phát sinh. Liên kết như sau:
– Đối-tượng sắc tiếp xúc với nhãn-tịnh-sắc để nhãn-thức-tâm phát sinh nhìn thấy đối-tượng sắc.
– Đối-tượng âm-thanh tiếp xúc với nhĩ-tịnh-sắc để nhĩ-thức-tâm phát sinh nghe đối-tượng âm-thanh, v.v…
Cho nên, phassa có 6 loại:
1- Cakkhusamphassa: Nhãn-xúc.
2- Sotasamphassa: Nhĩ-xúc.
3- Ghānasamsamphassa: Tỷ-xúc.
4- Jivhāsamphassa: Thiệt-xúc.
5- Kāyasamphassa: Thân-xúc.
6- Manosamphassa: Ý-xúc.
* Xúc tâm-sở đồng sinh với 89 hoặc 121 tâm.
I.1.2- Vedanācetasika: Thọ tâm-sở là tâm-sở cảm thọ trong đối-tượng.
Trạng-thái riêng biệt của vedanācetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:
1- Anubhavanalakkhaṇā: Sự cảm thọ đối-tượng là trạng-thái của thọ tâm-sở.
2- Visayarasasambhogarasā: Sự hưởng vị của đối-tượng là phận sự của thọ tâm-sở.
3- Sukhadukkhapaccupaṭṭhānā: Sự cảm thọ lạc hoặc khổ là quả hiện hữu của thọ tâm-sở.
4- Phassapadaṭṭhānā: Có phassa là nguyên-nhân gần phát sinh vedanācetasika.
Vedanācetasika: Thọ tâm-sở nhận biết hoặc cảm thọ trong đối-tượng, nếu phân loại theo cảm thọ trong đối-tượng tốt, đối-tượng xấu, đối-tượng trung bình, không tốt không xấu thì có 3 loại thọ:
1- Cảm thọ an-lạc trong đối-tượng tốt gọi là sukhavedanā: thọ lạc.
2- Cảm thọ khổ trong đối-tượng xấu gọi là dukkhavedanā: thọ khổ.
3- Cảm thọ không lạc không khổ trong đối-tượng trung bình gọi là adukkhamasukha-vedanā: thọ không khổ không lạc.
Phân loại thọ có 3 loại theo đối-tượng gọi là ārammaṇānubhavanalakkhaṇanaya.
Nhưng nếu phân loại theo thân và tâm cảm thọ trong đối-tượng thì có 5 loại thọ:
* Thân có 2 loại thọ:
– Thân an-lạc gọi là sukhavedanā: thọ lạc.
– Thân đau khổ gọi là dukkhavedanā: thọ khổ.
* Tâm có 3 loại thọ:
– Tâm an-lạc gọi là somanassavedanā: thọ hỷ.
– Tâm đau khổ gọi là domanassavedanā: thọ ưu.
– Tâm không khổ không lạc gọi là upekkhā-vedanā: thọ xả, thọ không khổ không lạc.
Phân loại thọ có 5 loại theo thân và tâm làm chủ gọi là Indriyabhedanaya: phân loại theo thân và tâm chủ.
Vedanā có 6 loại:
1-Cakkhusamphassajāvedanā: Nhãn-xúc sinh thọ.
2- Sotasamphassajāvedanā: Nhĩ-xúc sinh thọ.
3- Ghānasamphassajāvedanā: Tỷ-xúc sinh thọ.
4- Jivhāsamphassajāvedanā: Thiệt-xúc sinh thọ.
5- Kāyasamphassajāvedanā: Thân-xúc sinh thọ.
6- Manosamphassajāvedanā: Ý-xúc sinh thọ.
* Vedanācetasika: Thọ tâm-sở là 1 uẩn gọi là vedanākkhandha: thọ-uẩn.
* Thọ tâm-sở đồng sinh với 89 hoặc 121 tâm.
I.1.3- Saññācetasika: Tưởng tâm-sở là tâm-sở tưởng nhớ trong đối-tượng.
Trạng-thái riêng biệt của saññācetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:
1- Sañjānanalakkhaṇā: Sự tưởng nhớ đối-tượng là trạng-thái của tưởng tâm-sở.
2- Punasañjānanapaccayanimittakaraṇarasā: Sự làm dấu tích để về sau ghi nhớ lại là phận-sự của tưởng tâm-sở.
3- Yathāgahita nimittavasenābhinivesakaraṇa-paccupaṭṭhānā: Sự tưởng nhớ lại được dấu tích đã có từ trước như vậy là quả hiện hữu của tưởng tâm-sở.
4- Yathā upaṭṭhitavisayapadaṭṭhānā: Đối-tượng hiện hữu đúng như vậy là nguyên-nhân gần phát sinh saññācetasika.
Saññācetasika: Tưởng tâm-sở ghi nhớ lại 6 đối-tượng:
1- Rūpasaññā: Sắc-tưởng.
2- Saddasaññā: Thanh-tưởng.
3- Gandhasaññā: Hương-tưởng.
4- Rasasaññā: Vị-tưởng.
5- Phoṭṭhabbasaññā: Xúc-tưởng.
6- Dhammasaññā: Pháp-tưởng.
* Saññācetasika: Tưởng tâm-sở là 1 uẩn gọi là saññākkhandha: tưởng-uẩn.
* Tưởng tâm-sở đồng sinh với 89 hoặc 121 tâm.
I.1.4- Cetanācetasika: Tác-ý tâm-sở là tâm-sở tác động tâm với tâm-sở đồng sinh tạo tác theo ý định.
Trạng-thái riêng biệt của cetanācetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:
1- Cetanābhāvalakkhaṇā: Tính chất cố ý là trạng-thái của tác-ý tâm-sở.
2- Āyūhanarasā: Sự cố gắng tinh-tấn tạo tác là phận sự của tác-ý tâm-sở.
3- Saṃvidhānapaccupaṭṭhānā: Sự sắp đặt điều hành là quả hiện hữu của tác-ý tâm-sở.
4- Sesakhandhattayapadaṭṭhānā: Có 3 uẩn còn lại (thọ-uẩn, tưởng-uẩn, thức-uẩn) là nguyên-nhân gần phát sinh cetanācetasika.
Cetanācetasika: Tác-ý tâm-sở có trạng-thái tác-động tâm với tâm-sở đồng sinh tạo tác theo ý định.
Cetanācetasika tác-ý tâm-sở thuộc về hành-uẩn (saṅkhārakkhandha), khi hành-uẩn phát sinh thì có 3 uẩn còn lại (thọ-uẩn, tưởng-uẩn, thức-uẩn) đồng sinh với nhau.
Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 89 hoặc 121 tâm.
* Nếu khi cetanācetasika: Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm thì tạo 12 bất-thiện-nghiệp.
* Nếu tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 dục-giới thiện-tâm, 5 sắc-giới thiện-tâm, 4 vô-sắc-giới thiện-tâm, 4 hoặc 20 siêu-tam-giới thiện-tâm thì tạo thiện-nghiệp tuỳ theo mỗi loại tâm.
Như Đức-Phật dạy:
“Cetanā’haṃ bhikkhave, kammaṃ vadāmi, cetayitvā kammaṃ karoti kāyena vācāya manasā.
– Này chư tỳ-khưu! Sau khi đã có tác-ý rồi tạo nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.
Vì vậy, Như-lai dạy: “Tác-ý gọi là nghiệp.”
I.1.5- Ekaggatācetasika: Nhất-tâm tâm-sở là tâm-sở định-tâm trong đối-tượng.
Trạng-thái riêng biệt của ekaggatācetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:
1- Avikkhepalakkhaṇā: Sự định-tâm trong đối-tượng là trạng-thái của nhất-tâm tâm-sở.
2- Sahajātānaṃ sampiṇḍanarasā: Sự tổng hợp các tâm-sở đồng sinh là phận-sự của nhất-tâm tâm-sở.
3- Upasamapaccupaṭṭhānā: Sự an tịnh là quả hiện hữu của nhất-tâm tâm-sở.
4- Sukhapadaṭṭhānā: Thọ lạc là nguyên-nhân gần phát sinh ekaggatācetasika.
Ekaggatācetasika: Nhất-tâm tâm-sở đồng sinh với dục-giới-tâm thì định-tâm trong 6 đối-tượng.
* Nếu khi nhất-tâm tâm-sở đồng sinh với sắc-giới-tâm, vô-sắc-giới-tâm thì chỉ có 1 đối-tượng thiền-định duy nhất mà thôi.
* Khi nhất-tâm tâm-sở đồng sinh với siêu-tam-giới-tâm thì chỉ có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới mà thôi.
* Nhất-tâm tâm-sở đồng sinh với 89 hoặc121 tâm
I.1.6- Jīvitindriyacetasika: Danh-mạng-chủ tâm-sở là tâm-sở giữ gìn, bảo hộ tâm với tâm-sở đồng sinh được duy trì mãi mãi.
Trạng-thái riêng biệt của jīvitindriyacetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:
1- Sahajātānaṃ anupālanalakkhaṇaṃ: Sự giữ gìn, bảo hộ các pháp đồng sinh là trạng-thái của danh-mạng-chủ tâm-sở.
2- Tesaṃ pavattanarasaṃ: Sự phát triển của các pháp đồng sinh là phận-sự của danh-mạng-chủ tâm-sở.
3- Tesaññe thapanapaccupaṭṭhānaṃ: Sự bảo tồn được các pháp đồng sinh là quả hiện hữu của danh-mạng-chủ tâm-sở.
4- Sesakhandhattayapadaṭṭhānaṃ: Có 3 uẩn còn lại (thọ-uẩn, tưởng-uẩn, thức-uẩn) là nguyên-nhân gần phát sinh jīvitindriyacetasika.
Jīvitindriyacetasika: Danh-mạng-chủ tâm-sở có phận sự giữ gìn, bảo hộ các tâm với tâm-sở đồng sinh được duy trì mãi.
* Danh-mạng-chủ tâm-sở đồng sinh với 89 hoặc 121 tâm.
I.1.7- Manasikāracetasika: Chú-ý tâm-sở là tâm-sở liên kết tâm và tâm-sở với đối-tượng. Ví như khi đối-tượng sắc tiếp xúc với nhãn-tịnh-sắc, nên cakkhuviññāṇa: nhãn-thức-tâm phát sinh có chú-ý tâm-sở đồng sinh với nhãn-thức-tâm ấy, v.v…
Trạng-thái riêng biệt của manasikāracetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:
1- Sāraṇalakkhaṇo: Làm cho tâm với tâm-sở đồng sinh chú ý đến đối-tượng là trạng-thái của chú-ý tâm-sở.
2- Sampayuttānaṃ aramaṇe saṃyojanaraso: Liên kết tâm và tâm-sở đồng sinh với đối-tượng là phận sự của chú-ý tâm-sở.
3- Ārammaṇābhimukhībhāvapaccupaṭṭhāno: Làm cho tâm và tâm-sở đồng sinh luôn luôn hướng trực tiếp đến đối-tượng là quả hiện hữu của chú-ý tâm-sở.
4- Ārammaṇapadaṭṭhāno: Có các đối-tượng quá-khứ, hiện-tại, vị-lai và ngoài 3 thời là nguyên-nhân gần phát sinh manasikāracetasika.
* Chú-ý tâm-sở đồng sinh với 89 hoặc 121 tâm.
Như vậy, 7 tâm-sở này đều đồng sinh với tất cả hoặc 121 tâm cả thảy, không ngoại trừ tâm nào.
1.2- Pakiṇṇakacetasika
Pakiṇṇakacetasika: Đồng-sinh-tuỳ-tâm tâm-sở có 6 tâm-sở. Tâm-sở này đồng sinh với tâm thích hợp và không đồng sinh với tâm không thích hợp rải rác trong bất-thiện-tâm, thiện-tâm, quả-tâm, duy-tác-tâm, bất-tịnh-hảo-tâm, tịnh-hảo-tâm, tam-giới-tâm, siêu-tam-giới-tâm.
Pakiṇṇakacetasika đồng-sinh-tuỳ-tâm tâm-sở không phải đồng sinh toàn tâm như sabbacitta-sādhāraṇacetasika.
Pakiṇṇakacetasika: Đồng-sinh-tuỳ-tâm tâm-sở có 6 tâm-sở như sau:
I.2.1- Vitakkacetasika: Hướng-tâm tâm-sở là tâm-sở hướng-tâm đến đối-tượng, nghĩa là tâm-sở này cùng với tâm và các tâm-sở khác suy tưởng trong đối-tượng.
Trạng-thái riêng biệt của vitakkacetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:
1- Ārammaṇe cittassa abhiniropanalakkhaṇo: Hướng tâm đến đối-tượng là trạng-thái của hướng-tâm tâm-sở.
2- Āhanapariyāhanaraso: Làm cho tâm luôn luôn tiếp xúc với đối-tượng là phận-sự của hướng-tâm tâm-sở.
3- Ārammaṇe cittassa ānayanapaccupaṭṭhāno: Hướng tâm đến với đối-tượng là quả hiện hữu của hướng-tâm tâm-sở.
4- Sesakhandhattayapadaṭṭhāno: Có 3 uẩn còn lại (thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn) là nguyên-nhân gần phát sinh vitakkacetasika.
* Vitakkacetasika: Hướng-tâm tâm-sở có trạng-thái hướng tâm đến 6 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).
Vitakka có trong các pháp
* Vitakka có trong 3 tà-tư-duy:
– Kāmavitakka: Tư-duy trong ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục).
– Byāpādavitakka: Tư-duy làm khổ người.
– Vihiṃsavitakka: Tư-duy làm hại người.
* Vitakka có trong 3 chánh-tư-duy:
– Nekkhammavitakka: Tư-duy thoát ra khỏi ngũ-dục.
– Abyāpādavitakka: Tư-duy không làm khổ người.
– Avihiṃsavitakka: Tư-duy không làm hại người.
* Vitakkacetasika: Hướng-tâm tâm-sở là 1 trong 5 chi-thiền (jhānaṅga) của đệ-nhất-thiền sắc-giới-tâm, có đối-tượng thiền-định.
* Vitakkacetasika: Hướng-tâm tâm-sở đồng sinh với 55 tâm:
– 12 bất-thiện-tâm.
– 8 vô-nhân-tâm (trừ 10 thức-tâm).
– 24 dục-giới tịnh-hảo-tâm.
– 3 đệ-nhất-thiền sắc-giới-tâm.
– 8 đệ-nhất-thiền siêu-tam-giới-tâm.
Gồm có 55 tâm.
* Vitakkacetasika: Hướng-tâm tâm-sở không sinh trong 66 tâm:
– 10 thức-tâm thuộc về vô-nhân-tâm, bởi vì đối-tượng rõ ràng.
– 3 đệ-nhị-thiền, 3 đệ-tam-thiền, 3 đệ-tứ-thiền, 3 đệ-ngũ-thiền sắc-giới-tâm, bởi vì vitakka là chi-thiền thô.
– 12 vô-sắc-giới-tâm.
– 8 đệ-nhị-thiền, 8 đệ-tam-thiền, 8 đệ-tứ-thiền, 8 đệ-ngũ-thiền siêu-tam-giới-tâm.
I.2.2- Vicāracetasika: Quan-sát tâm-sở là tâm-sở quan-sát nơi đối-tượng, nghĩa là tâm-sở này cùng với tâm và tâm-sở đồng sinh quan-sát nơi đối-tượng.
Trạng-thái riêng biệt của vicāracetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:
1- Ārammaṇānumujjanalakkhaṇo: Quan sát đến đối-tượng là trạng-thái của quan-sát tâm-sở.
2- Sahajātānuyojanaraso: Làm cho các pháp đồng sinh cùng hợp nơi đối-tượng là phận sự của quan-sát tâm-sở.
3- Anuppabandhapaccupaṭṭhāno: Gắn bó tâm với tâm-sở nơi đối-tượng là quả hiện hữu của quan-sát tâm-sở.
4- Sesakhandhattayapadaṭṭhāno: Có 3 uẩn còn lại (thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn) là nguyên-nhân gần phát sinh vicāracetasika.
* Vicāracetasika: Quan-sát tâm-sở có trạng-thái quan-sát nơi 6 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).
* Vicāracetasika: Quan-sát tâm-sở là 1 trong 5 chi-thiền (jhānaṅga) của đệ-nhất và đệ-nhị-thiền sắc-giới-tâm, có đối-tượng thiền-định.
* Vicāracetasika: Quan-sát tâm-sở đồng sinh với 66 tâm:
– 12 bất-thiện-tâm.
– 8 vô-nhân-tâm (trừ 10 thức-tâm).
– 24 dục-giới tịnh-hảo-tâm.
– 3 đệ-nhất-thiền, 3 đệ-nhị-thiền sắc-giới-tâm.
– 8 đệ-nhất-thiền, 8 đệ-nhị-thiền siêu-tam-giới-tâm, gồm có 66 tâm.
* Vicāracetasika: Quan-sát tâm-sở không sinh trong 55 tâm:
– 10 thức-tâm thuộc về vô-nhân-tâm.
– 3 đệ-tam-thiền, 3 đệ-tứ-thiền, 3 đệ-ngũ-thiền sắc-giới-tâm, bởi vì vicāra là chi-thiền thô.
– 12 vô-sắc-giới-tâm.
– 8 đệ-tam-thiền, 8 đệ-tứ-thiền, 8 đệ-ngũ-thiền siêu-tam-giới-tâm.
* Vitakka và vicāra là 2 chi-thiền, mỗi chi-thiền có tính chất thô và vi-tế được ví dụ như sau:
Đánh chuông phát ra tiếng chuông đầu tiên thô, ví như vitakka, tiếp theo tiếng chuông ngân vi-tế, ví như vicāra.
I.2.3- Adhimokkhacetasika: Quyết-định tâm-sở là tâm-sở không hoài-nghi, quyết-định tuyệt đối trong đối-tượng, dù đối-tượng tốt hoặc xấu, hành ác hoặc hành thiện, cũng quyết-định được do năng lực của adhimokkhacetasika.
Trạng-thái riêng biệt của adhimokkhacetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:
1- Sanniṭṭhānalakkhaṇo: Quyết định trong đối-tượng là trạng-thái của quyết-định tâm-sở.
2- Asaṃsappanaraso: Quyết tâm trong đối-tượng là phận sự của quyết-định tâm-sở.
3- Vinicchayapaccupaṭṭhāno: Sự quyết-định là quả hiện hữu của quyết-định tâm-sở.
4- Sanniṭṭheyyadhammapadaṭṭhāno: Có pháp (đối-tượng) cần quyết định là nguyên-nhân gần phát sinh adhimokkhacetasika.
Trong bộ Visuddhimagga, adhimokkha nghĩa là quyết tâm tin tưởng. Adhimokkha này ngược lại với hoài-nghi, bởi vì vicikicchā có trạng-thái nghi ngờ trong đối-tượng, còn adhimokkha quyết tâm tin tưởng trong đối-tượng.
* Adhimokkhacetasika: Quyết-định tâm-sở đồng sinh với 78 hoặc 110 tâm:
– 11 bất-thiện-tâm (trừ si-tâm hợp với hoài-nghi).
– 8 vô-nhân-tâm (trừ 10 thức-tâm).
– 24 dục-giới tịnh-hảo-tâm.
– 15 sắc-giới-tâm.
– 12 vô-sắc-giới-tâm.
– 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm, gồm có 78 hoặc 110 tâm.
* Adhimokkhacetasika: Quyết-định tâm-sở không đồng sinh với 11 tâm:
– 1 si-tâm hợp với hoài-nghi.
– 10 thức-tâm thuộc về vô-nhân-tâm.
I.2.4- Vīriyacetasika: Tinh-tấn tâm-sở là tâm-sở cố gắng tinh-tấn không ngừng theo đối-tượng, nghĩa là kiên trì chịu đựng mọi sự khó khăn, không thoái chí nản lòng trong công việc thiện hoặc bất thiện.
Trạng-thái riêng biệt của vīriyacetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:
1- Ussāhanalakkhaṇaṃ: Kiên trì chịu đựng mọi khó khăn là trạng-thái của tinh-tấn tâm-sở.
2- Sahajātānaṃ upatthambhanarasaṃ: Hỗ-trợ các tâm với tâm-sở đồng sinh với tinh-tấn không thoái chí là phận sự của tinh-tấn tâm-sở.
3- Asaṃsīdanapaccupaṭṭhānaṃ: Không thoái chí nản lòng là quả hiện hữu của tinh-tấn tâm-sở.
4- Saṃvegavatthupadaṭṭhānaṃ: Động tâm do 8 pháp khổ là sinh, lão, bệnh, tử, ác-đạo, kiếp quá-khứ, kiếp vị-lai, sống kiếp hiện-tại, nên cố gắng tinh-tấn giải thoát khổ là nguyên-nhân gần phát sinh vīriyacetasika.
* Vīriyacetasika: Tinh-tấn tâm-sở đồng sinh với 73 hoặc 105 tâm:
– 12 bất-thiện-tâm.
– Ý-môn-hướng-tâm.
– Tâm mỉm cười của bậc Thánh A-ra-hán.
– 24 dục-giới tịnh-hảo-tâm.
– 15 sắc-giới-tâm.
– 12 vô-sắc-giới-tâm.
– 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm, gồm có 73 hoặc 105 tâm.
* Vīriyacetasika: Tinh-tấn tâm-sở không đồng sinh với 16 tâm:
– 16 vô-nhân-tâm (trừ ý-môn-hướng-tâm và tâm mỉm cười của bậc Thánh A-ra-hán).
I.2.5- Pīticetasika: Hỷ tâm-sở là tâm-sở hoan-hỷ trong đối-tượng.
Trạng-thái riêng biệt của pīticetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:
1- Sampiyāyanalakkhaṇā: Hoan-hỷ trong đối-tượng là trạng-thái của hỷ tâm-sở.
2- Kāyacittapīnanarasā: Làm cho thân và tâm an-lạc sung sướng là phận sự của hỷ tâm-sở.
3- Odagyapaccupaṭṭhānā: Cảm giác vui mừng khôn xiết là quả hiện hữu của hỷ tâm-sở.
4- Sesakhandhattayapadaṭṭhāno: Có 3 uẩn còn lại (thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn) là nguyên-nhân gần phát sinh pīticetasika.
Người nào khi pīti hỷ phát sinh, người ấy có cảm giác vui mừng, mặt mày hớn hở, thân và tâm an-lạc, không cảm giác mệt mỏi, đó là trạng-thái của pīti hỷ. Cho nên, pīticetasika phát sinh cần phải nương nhờ thọ-uẩn, tưởng-uẩn, thức-uẩn là nguyên-nhân gần.
Pīticetasika phát sinh chỉ nương nhờ sukha-vedanā: thọ lạc mà thôi, cho nên pīti và sukha có trạng-thái khác nhau. Tuy nhiên pīti phát sinh nơi nào, sukha cũng phát sinh nơi ấy, nhưng sukha phát sinh nơi nào, pīti có thể không phát sinh nơi ấy. Pīticetasika có trạng-thái tương tự như somanassavedanā (thọ hỷ), nhưng pīti-cetasika không giống somanassavedanā, bởi vì pīticetasika thuộc về hành-uẩn, còn somanassa-vedanā thuộc về thọ-uẩn.
Pīticetasika có 5 loại:
1- Khuddakāpīti: Hỷ chút ít cảm giác nổi da gà.
2- Khaṇikāpīti: Hỷ mỗi sát-na cảm nhận như tia chớp.
3- Okkantikāpīti: Hỷ có trạng-thái rung người qua lại như ngồi trên thuyền có sóng nhấp nhô.
4- Ubbegāpīti: Hỷ có trạng-thái làm cho thân tâm nhẹ nhàng bay bổng lên.
5- Pharaṇāpīti: Hỷ có trạng-thái tỏa khắp toàn thân, tâm an-lạc trong thời gian lâu.
* Pīti là 1 chi-thiền sắc-giới-tâm.
* Pīticetasika: Hỷ tâm-sở đồng sinh với 51 tâm.
– 4 tham-tâm đồng sinh với hỷ.
– 1 suy-xét-tâm đồng sinh với hỷ.
– 1 tâm mỉm cười của bậc Thánh A-ra-hán.
– 12 dục-giới tịnh-hảo-tâm đồng sinh với hỷ.
– 3 đệ-nhất-thiền, 3 đệ-nhị-thiền, 3 đệ-tam-thiền sắc-giới-tâm.
– 8 đệ-nhất-thiền, 8 đệ-nhị-thiền, 8 đệ-tam-thiền siêu-tam-giới-tâm. Gồm có 51 tâm.
* Pīticetasika: Hỷ tâm-sở không đồng sinh với 70 tâm:
– 4 tham-tâm đồng sinh với xả.
– 2 sân-tâm.
– 2 si-tâm.
– 14 vô-nhân-tâm đồng sinh với xả.
– 2 thân-thức-tâm.
– 12 dục-giới tịnh-hảo-tâm đồng sinh với xả.
– 3 đệ-tứ-thiền, 3 đệ-ngũ-thiền sắc-giới-tâm.
– 12 vô-sắc-giới-tâm.
– 8 đệ-tứ-thiền, 8 đệ-ngũ-thiền siêu-tam-giới-tâm.
I.2.6- Chandacetasika: Nguyện-vọng tâm-sở là tâm-sở mong muốn tha thiết trong đối-tượng.
Trạng-thái riêng biệt của chandacetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:
1- Kattukamyatālakkhaṇo: Mong ước để đạt đến là trạng-thái của nguyện-vọng tâm-sở.
2- Ārammaṇapariyesanaraso: Tìm kiếm đối-tượng là phận sự của nguyện-vọng tâm-sở.
3- Ārammaṇena atthikatā paccupaṭṭhāno: Mong ước nơi đối-tượng nào là quả hiện hữu của nguyện-vọng tâm-sở.
4- Ārammaṇapadaṭṭhāno: Có đối-tượng là nguyên-nhân gần phát sinh chandacetasika.
Chandacetasika: Nguyện-vọng tâm-sở, có trạng-thái mong ước để biết đối-tượng. Ví như:
– Mong ước có đối-tượng sắc để thấy.
– Mong ước có đối-tượng âm-thanh để nghe.
– Mong ước có đối-tượng hương để ngửi.
– Mong ước có đối-tượng vị để nếm, v.v…
Nếu mong ước đối-tượng nào thì tìm kiếm đối-tượng ấy, để thưởng thức đối-tượng theo tâm mong ước của mình.
Chandacetasika: Nguyện-vọng tâm-sở với lobhacetasika: tham tâm-sở có trạng-thái mong ước nơi đối-tượng gần tương tự nhau, nhưng sự mong ước đối-tượng của chandacetasika khác với sự mong ước đối-tượng của lobhacetasika.
Sự mong ước của chandacetasika không chấp-thủ trong đối-tượng, còn sự mong ước của lobhacetasika chấp-thủ trong đối-tượng.
Ví dụ: Một người mong ước dùng món ăn ngon với lobhacetasika, dùng xong phát sinh tham-tâm chấp-thủ trong vị ngon.
Một người mong ước dùng món thuốc trị bệnh với chandacetasika, khi hết bệnh, không phát sinh tâm chấp-thủ trong món thuốc ấy nữa.
* Chandacetasika: Nguyện-vọng tâm-sở đồng sinh với 69 hoặc 101 tâm:
– 10 bất-thiện-tâm (trừ 2 si-tâm).
– 24 dục-giới tịnh-hảo-tâm.
– 15 sắc-giới-tâm.
– 12 vô-sắc-giới-tâm.
– 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm, gồm có 69 hoặc 101 tâm.
* Chandacetasika: Nguyện-vọng tâm-sở không đồng sinh với 20 tâm:
– 2 si-tâm.
– 18 vô-nhân-tâm.
* Pakiṇṇakacetasika: Đồng-sinh-tuỳ-tâm tâm-sở có 6 tâm-sở: vitakkacetasika, vicāracetasika, adhimokkhacetasika, vīriyacetasika, pīticetasika, chandacetasika là tâm-sở đồng sinh rải rác tuỳ tâm nào thích hợp, không đồng sinh với tâm không thích hợp.