III.3- Appamaññācetasika: Vô-lượng tâm-sở là tịnh-hảo tâm-sở đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 3 đệ-nhất-thiền sắc-giới thiện-tâm, 3 đệ-nhị-thiền sắc-giới thiện-tâm, 3 đệ-tam-thiền sắc-giới thiện-tâm, 3 đệ-tứ-thiền sắc-giới thiện-tâm có đối-tượng chúng-sinh vô lượng.
Appamaññācetasika: Vô-lượng tâm-sở có 2 tâm-sở:
– Karuṇācetasika: Bi tâm-sở.
– Muditācetasika: Hỷ tâm-sở.
III.3.1- Karuṇācetasika: Bi tâm-sở là tâm-sở thương xót chúng-sinh đang khổ (dukkhitasatta-paññatti).
Trạng-thái riêng của karuṇācetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:
1- Dukkhāpanayanākārapavattilakkhaṇā: Muốn cứu giúp chúng-sinh khác thoát khỏi khổ là trạng-thái của bi tâm-sở.
2- Paradukkhāsahanarasā: Giúp chúng sinh khác thoát khỏi khổ là phận-sự của bi tâm-sở.
3- Avihiṃsāpaccupaṭṭhānā: Không làm hại chúng sinh là quả hiện hữu của bi tâm-sở.
4- Dukkhābhibhūtānaṃ anāthabhāvadassana-padaṭṭhānā: Thấy chúng sinh trong cảnh cô đơn đang lâm vào cảnh khổ là nguyên-nhân gần phát sinh karuṇācetasika.
Tâm bi giả là thấy cảnh khổ người khác, không chịu nổi nên phát sinh tâm sầu não.
Karuṇā: Tâm bi là một đề-mục thiền-định niệm rải tâm bi trong bốn đề-mục thiền-định tứ vô-lượng-tâm. Đề-mục thiền-định niệm rải tâm bi có đối-tượng thiền-định là dukkhitasattapañ-ñatti: chúng-sinh đang trong cảnh khổ, có khả năng chỉ chứng đắc từ đệ-nhất-thiền sắc-giới-tâm cho đến đệ-tứ-thiền sắc-giới-tâm mà thôi.
Đề-mục thiền-định niệm rải tâm bi không có khả năng chứng đắc đệ-ngũ-thiền sắc-giới-tâm, bởi vì đề-mục thiền-định này cần có chi-thiền lạc, mà đệ-ngũ-thiền sắc-giới-tâm chỉ có 2 chi-thiền xả và nhất-tâm mà thôi.
* Karuṇācetasika: Bi tâm-sở đồng sinh với 28 tịnh-hảo-tâm:
– 8 đại-thiện-tâm.
– 8 đại-duy-tác-tâm.
– 3 đệ-nhất-thiền sắc-giới-tâm, 3 đệ-nhị-thiền sắc-giới-tâm, 3 đệ-tam-thiền sắc-giới-tâm, 3 đệ-tứ-thiền sắc-giới-tâm.
* Karuṇācetasika: Bi tâm-sở không đồng sinh với 61 tâm còn lại:
– 12 bất-thiện-tâm.
– 18 vô-nhân-tâm.
– 8 đại-quả-tâm.
– 3 đệ-ngũ-thiền sắc-giới-tâm.
– 12 vô-sắc-giới-tâm.
– 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm.
III.3.2- Muditācetasika: Hỷ tâm-sở là tâm-sở hoan-hỷ với chúng-sinh đang hưởng an-lạc (sukhitasattapaññatti).
Trạng-thái riêng của muditācetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:
1- Parasampatti anupamodanalakkhaṇā: Phát sinh đại-thiện-tâm hoan-hỷ trong của cải tài-sản, danh tiếng của người khác là trạng-thái của hỷ tâm-sở.
2- Anissāyanarasā: Không có tâm ganh tỵ là phận-sự của hỷ tâm-sở.
3- Arativighātapaccupaṭṭhānā: Diệt tâm ghen ghét là quả hiện hữu của hỷ tâm-sở.
4- Sattanaṃ sampattidassanapadaṭṭhānā: Nhìn thấy của cải tài-sản, danh tiếng của tất cả chúng-sinh là nguyên-nhân gần phát sinh muditācetasika.
Tâm hỷ giả là hoan-hỷ đồng sinh với tham-tâm thấy đối-tượng tốt đáng hài lòng.
Muditā: Tâm hỷ là một đề-mục thiền-định niệm rải tâm hỷ trong 4 đề-mục thiền-định tứ vô-lượng-tâm. Đề-mục thiền-định niệm rải tâm hỷ có đối-tượng thiền-định là sukhitasattapaññatti: chúng-sinh đang hưởng sự an-lạc, có khả năng chỉ chứng đắc từ đệ-nhất-thiền sắc-giới-tâm cho đến đệ-tứ-thiền sắc-giới-tâm mà thôi.
Đề-mục thiền-định niệm rải tâm hỷ không có khả năng chứng đắc đệ-ngũ-thiền sắc-giới-tâm, bởi vì đề-mục thiền-định này cần có chi-thiền lạc, mà đệ ngũ thiền sắc-giới-tâm chỉ có 2 chi-thiền là xả và nhất-tâm mà thôi.
* Muditācetasika: Hỷ tâm-sở đồng sinh với 28 tịnh-hảo-tâm, và không đồng sinh với 61 tâm còn lại giống như karuṇācetasika: bi tâm-sở.
Vấn: Appamaññā có 4 đề-mục thiền-định tứ vô-lượng-tâm là mettā, karuṇā, muditā, upekkhā, tại sao trong phần appamaññācetasika: vô-lượng tâm-sở chỉ có 2 tâm-sở là karuṇācetasika: bi tâm-sở và muditācetasika: hỷ tâm-sở mà thôi?
Đáp: Appamaññā có 4 đề-mục thiền-định tứ vô-lượng-tâm là mettā, karuṇā, muditā, upekkhā.
* Đề-mục thiền-định niệm rải tâm từ (mettā) đến chúng-sinh vô-lượng có chi pháp là adosa-cetasika: vô-sân tâm-sở có đối-tượng thiền-định là piyamanāpasattapaññatti: chúng-sinh đáng thương đáng kính.
* Đề-mục thiền-định niệm rải tâm bi (karuṇā) đến chúng-sinh vô-lượng có chi pháp là karuṇā-cetasika: bi tâm-sở có đối-tượng thiền-định là dukkhitasattapaññatti: chúng-sinh đang khổ.
* Đề-mục thiền-định niệm rải tâm-hỷ (muditā) đến chúng-sinh vô-lượng có chi-pháp là muditā-cetasika: hỷ tâm-sở có đối-tượng thiền-định là sukhitasattapaññatti: chúng-sinh đang hưởng sự an-lạc.
* Đề-mục thiền-định niệm rải tâm-xả (upekkhā) đến chúng-sinh vô-lượng có chi-pháp là tatramajjhattatācetasika: trung-dung tâm-sở có đối-tượng thiền-định là majjhattasattapaññatti: chúng-sinh không thương không ghét.
Như vậy, 2 tâm-sở là adosacetasika và tatra-majjhattatācetasika là 2 chi-pháp của đề-mục thiền-định mettā và đề mục thiền-định upekkhā đã trình bày trong phần cetasika, nên chỉ còn karuṇācetasika và muditācetasika mà thôi.
III.4- Paññindriyacetasika có 1 tâm-sở
1- Paññindriyacetasika: Tuệ-chủ tâm-sở là trí-tuệ kammassakatāpaññā biết rõ thiện-nghiệp, bất-thiện-nghiệp nào mà ta đã tạo là của riêng, ta sẽ hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp ấy, và chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy; và là trí-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp danh-pháp; là trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh sự diệt của sắc-pháp danh-pháp; là trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp, đặc biệt nhất là trí-tuệ-thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn.
Trí-tuệ (paññā) này là chủ (indriya) có khả năng đặc biệt diệt được vô-minh (avijjā), cho nên gọi là paññindriyacetasika: tuệ-chủ tâm-sở.
Trạng-thái của paññindriyacetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:
1- Dhammasabhāvapaṭivedhalakkhaṇā: Thấy rõ, biết rõ được thật-tánh-pháp là trạng-thái của trí-tuệ tâm-sở.
2- Dhammānaṃ sabhāvapaṭichādakamohan-dhakāraviddhasanarasā: Diệt tâm tối tăm (si-mê) che phủ thật-tánh của các pháp là phận sự của trí-tuệ tâm-sở.
– (vā) tatthappakāsanarasā: Thấy rõ, biết rõ đúng theo thật-tánh của các pháp là phận sự của trí-tuệ tâm-sở.
– (vā) paramatthapakāsanarasā: Thấy rõ, biết rõ sự-thật chân-nghĩa-pháp là phận sự của trí-tuệ tâm-sở.
– (vā) catusaccavibhāvanakiccānarasā: Làm phận sự chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế là phận sự của trí-tuệ tâm-sở.
3- Asammohapaccupaṭṭhānā: Không mê muội có trí-tuệ sáng suốt là quả hiện hữu của trí-tuệ tâm-sở.
4- Samādhipadaṭṭhānā: Có định-tâm vững vàng là nguyên-nhân gần phát sinh paññindriyacetasika.
* Paññindriyacetasika: Tuệ-chủ tâm-sở chỉ đồng sinh với 47 hoặc 79 tâm như sau:
– 12 dục-giới tịnh-hảo-tâm hợp với trí-tuệ.
– 15 sắc-giới-tâm.
– 12 vô-sắc-giới-tâm.
– 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm mà thôi.
* Trí-tuệ có khả năng như sau:
– Kammassakatāpaññā: Trí-tuệ biết rõ bất-thiện-nghiệp nào, đại-thiện-nghiệp nào mà ta đã tạo rồi thuộc về của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả khổ của ác-nghiệp ấy, thừa hưởng quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy.
– Mahaggatapaññā: Trí-tuệ đồng sinh với 15 sắc-giới tâm, 12 vô-sắc-giới-tâm.
– Lokiyavipassanā: Trí-tuệ-thiền-tuệ tam-giới thấy rõ, biết rõ sự sinh sự diệt của sắc-pháp danh-pháp tam-giới; trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp danh-pháp tam-giới.
– Lokuttaravipassanā: Trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới đồng sinh với 4 hoặc 20 Thánh-đạo-tâm và 4 hoặc 20 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.
* Paññindriyacetasika: Tuệ-chủ tâm-sở không đồng sinh với 42 tâm còn lại:
– 12 bất-thiện-tâm.
– 18 vô-nhân-tâm.
– 12 tịnh-hảo-tâm không hợp với trí.