Aniyatayogīcetasika: Bất-định tâm-sở

52 tâm-sở đồng sinh với tâm có 2 loại:

1- Niyatayogīcetasika: Cố-định tâm-sở có 41 tâm-sở chắc chắn đồng sinh với các tâm.

2- Aniyatayogīcetasika: Bất-định tâm-sở có 11 tâm-sở không chắc chắn, khi thì đồng sinh với tâm, khi thì không đồng sinh với tâm.

Bất-định tâm-sở có 11 tâm-sở:

– Mānacetasika: Ngã-mạn tâm-sở.

– Issācetasika: Ganh-tỵ tâm-sở.

– Macchariyacetasika: Keo-kiệt tâm-sở.

– Kukkuccacetasika: Hối-hận tâm-sở.

– Thīnacetasika: Buồn-chán tâm-sở.

– Middhacetasika: Buồn-ngủ tâm-sở.

– Sammāvācācetasika: Chánh-ngữ tâm-sở.

– Sammākammantacetasika: Chánh-nghiệp tâm-sở.

– Sammā-ājīvacetasika: Chánh-mạng tâm-sở.

– Karuṇācetasika: Bi tâm-sở.

– Muditācetasika: Hỷ tâm-sở.

11 bất-định tâm-sở này không chắc chắn khi thì đồng sinh với tâm, khi thì không đồng sinh với tâm, chia ra làm 3 loại:

1- Nānākadācicetasika: Tâm-sở sinh riêng rẽ khi thì đồng sinh với tâm, khi thì không đồng sinh với tâm, có 8 bất-định tâm-sở là:

1- Issācetasika: Ganh-tỵ tâm-sở.

2- Macchariyacetasika: Keo-kiệt tâm-sở.

3- Kukkuccacetasika: Hối-hận tâm-sở.

4- Sammāvācācetasika: Chánh-ngữ tâm-sở.

5- Sammākammantacetasika: Chánh-nghiệp tâm-sở.

6- Sammā-ājīvacetasika: Chánh-mạng tâm-sở.

7- Karuṇācetasika: Bi tâm-sở.

8- Muditācetasika: Hỷ tâm-sở.

Tám bất-định tâm-sở này, mỗi tâm-sở có mỗi đối-tượng khác nhau, cho nên mỗi tâm-sở sinh riêng rẽ, không chắc chắn, khi thì đồng sinh với tâm tương xứng, khi thì không đồng sinh với tâm tương xứng, nên gọi là nānākadācicetasika.

* Ganh-tỵ tâm-sở, keo-kiệt tâm-sở, hối-hận tâm-sở (trong nhóm sân có 4 tâm-sở) mỗi bất-định tâm-sở này có mỗi đối-tượng khác nhau, nên sinh riêng rẽ, không chắc chắn, khi đồng sinh với 2 sân-tâm, khi không đồng sinh với 2 sân-tâm.

* Viraticetasika: Chế ngự tâm-sở có 3 tâm-sở là chánh-ngữ tâm-sở, chánh-nghiệp tâm-sở, chánh-mạng tâm-sở đồng sinh với 16 hoặc 48 tâm. 

– Nếu 3 chế ngự tâm-sở thuộc về lokiyavirati-cetasika: tam-giới chế ngự tâm-sở là aniyata-yogīcetasika: bất-định tâm-sở thuộc về loại nānākadācicetasika thì mỗi bất-định tâm-sở riêng rẽ đồng sinh trong 8 đại-thiện-tâm.

– Nếu 3 chế ngự tâm-sở thuộc về lokuttara-viraticetasika: siêu-tam-giới chế ngự tâm-sở thuộc về loại niyata-ekatocetasika: chế ngự tâm-sở cố định thì 3 chế ngự tâm-sở này chắc chắn cùng đồng sinh với nhau trong 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm cùng có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

* Bi tâm-sở và hỷ tâm-sở thuộc về vô-lượng tâm-sở (appamaññācetasika), mà mỗi bất-định tâm-sở có mỗi đối-tượng chúng-sinh khác nhau, nên mỗi tâm-sở riêng rẽ không chắc chắn khi thì không đồng sinh, khi thì đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, 3 đệ-nhất-thiền sắc-giới-tâm, 3 đệ-nhị-thiền sắc-giới-tâm, 3 đệ-tam-thiền sắc-giới-tâm, 3 đệ-tứ-thiền sắc-giới-tâm, nên gọi là nānākadācicetasika.

2- Kadācicetasika: Bất-định tâm-sở khi có, khi không, không chắc chắn chỉ có 1 bất-định tâm-sở là ngã-mạn tâm-sở (trong nhóm tham có 3 tâm-sở), khi thì đồng sinh với 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến, khi thì không đồng sinh với 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến nên gọi là kadācicetasika. 

3- Sahakadācicetasika: Bất-định tâm-sở khi cùng có, khi cùng không, không chắc chắn có 2 tâm-sở là buồn-chán tâm-sở (thinacetasika) và buồn-ngủ tâm-sở (middhacetasika) khi thì cả 2 tâm-sở này cùng đồng sinh với 5 bất-thiện-tâm cần tác-động (4 tham-tâm cần tác-động và 1 sân-tâm cần tác-động) nên gọi là sahakadāci-cetasika, khi thì cả 2 tâm-sở này không đồng sinh với 5 bất-thiện-tâm cần tác-động.

Giảng giải bất-định tâm-sở

* Ngã-mạn-tâm-sở (mānacetasika) là bất-định tâm-sở không chắc chắn, khi thì đồng sinh với 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến, khi thì không đồng sinh với 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến.

Khi tham-tâm không hợp với tà-kiến phát sinh nếu có ngã-mạn chấp ngã tự sánh mình với người thì ngã-mạn tâm-sở đồng sinh với tham-tâm không hợp với tà-kiến ấy; nhưng nếu không có ngã-mạn chấp ngã tự sánh mình với người thì ngã-mạn tâm-sở không đồng sinh với 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến ấy.

Vì vậy, mānacetasika gọi là kadācicetasika.

* 3 bất-định tâm-sở là ganh-tỵ tâm-sở (issā-cetasika), keo-kiệt tâm-sở (macchariyacetasika), hối-hận tâm-sở (kukkuccacetasika) (trong nhóm sân có 4 tâm-sở), mỗi tâm-sở có mỗi đối-tượng khác nhau, nên mỗi tâm-sở riêng rẽ đồng sinh với sân-tâm, không chắc chắn, khi thì đồng sinh với 2 sân-tâm, khi thì không đồng sinh với 2 sân-tâm.

– Nếu khi nào sân-tâm phát sinh mà không có ganh-tỵ, cũng không có keo-kiệt, cũng không có hối-hận mà có đối-tượng khác thì cả 3 tâm-sở ganh-tỵ, keo-kiệt, hối-hận không có tâm-sở nào đồng sinh với sân-tâm ấy.

– Nếu khi nào sân-tâm phát sinh có ganh-tỵ thì khi ấy ganh-tỵ tâm-sở đồng sinh với sân-tâm ấy mà không có 2 tâm-sở keo-kiệt, hối-hận.

– Nếu khi nào sân-tâm phát sinh có keo-kiệt thì khi ấy keo-kiệt tâm-sở đồng sinh với sân-tâm ấy mà không có 2 tâm-sở ganh-tỵ, hối-hận.

– Nếu khi nào sân-tâm phát sinh có hối-hận thì khi ấy hối-hận tâm-sở đồng sinh với sân-tâm ấy mà không có 2 tâm-sở ganh-tỵ, keo-kiệt.

Vì vậy, 3 bất-định tâm-sở là issācetasika, macchariyacetasika, kukkuccacetasika gọi là nānākadācicetasika.

* Buồn-chán tâm-sở (thīnacetasika) và buồn-ngủ tâm-sở (middhacetasika) là 2 tâm-sở cùng đồng sinh với 5 bất-thiện-tâm cần tác-động (bốn tham-tâm cần tác-động và 1 sân-tâm cần tác-động) không chắc chắn, bởi vì:

– Nếu khi nào bất-thiện-tâm cần tác-động nào phát sinh, nhưng bất-thiện-tâm ấy vẫn có năng lực biết đối-tượng, không chán nản, không buông bỏ đối-tượng thì khi ấy buồn-chán tâm-sở và buồn-ngủ tâm-sở không đồng sinh với bất-thiện-tâm cần tác-động ấy.

– Nếu khi nào bất-thiện-tâm cần tác-động nào phát sinh, nhưng bất-thiện-tâm ấy không còn có năng lực biết đối-tượng, chán nản, buông bỏ đối-tượng thì khi ấy buồn-chán tâm-sở và buồn-ngủ tâm-sở đều đồng sinh với bất-thiện-tâm cần tác-động ấy.

Vì vậy, 2 bất-định tâm-sở thinacetasika, middhacetasika gọi là sahakadācicetasika.

* Chế ngự-tâm-sở có 3 tâm-sở là chánh-ngữ tâm-sở (sammāvācā), chánh-nghiệp tâm-sở (sam-mākammanta), chánh-mạng tâm-sở (sammā-ājīva-cetasika) đồng sinh với 16 hoặc 48 tịnh-hảo-tâm.

* Nếu 3 chế ngự tâm-sở thuộc về lokiyavirati-cetasika: tam-giới chế ngự tâm-sở thuộc về aniyatayogīcetasika: bất-định tâm-sở loại nānā-kadācicetasika thì mỗi bất-định tâm-sở riêng rẽ đồng sinh trong 8 đại-thiện-tâm, bởi vì:

– Nếu khi nào đại-thiện-tâm phát sinh do đức-tin, trí-tuệ, v.v…không liên quan đến tránh xa 3 thân hành-ác, không liên quan đến tránh xa 4 khẩu hành-ác, không liên quan đến sự nuôi-mạng thì khi ấy 3 chế ngự-tâm-sở không có tâm-sở nào đồng sinh với đại-thiện-tâm ấy.

– Nếu khi nào đại-thiện-tâm phát sinh để tránh xa 4 khẩu hành-ác, không liên quan đến sự nuôi-mạng thì khi ấy chỉ có chánh-ngữ tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm ấy mà thôi, còn chánh-nghiệp và chánh-mạng không đồng sinh với đại-thiện-tâm ấy.

– Nếu khi nào đại-thiện-tâm phát sinh để tránh xa 3 thân hành-ác, không liên quan đến sự nuôi-mạng thì khi ấy chỉ có chánh-nghiệp tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm ấy mà thôi, còn chánh-ngữ và chánh-mạng không đồng sinh với đại-thiện-tâm ấy.

– Nếu khi nào đại-thiện-tâm phát sinh nuôi mạng chân chánh không liên quan đến khẩu hành-ác và thân hành-ác thì khi ấy chỉ có chánh-mạng tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm ấy mà thôi, còn chánh-ngữ và chánh-nghiệp không đồng sinh với đại-thiện-tâm ấy.

– Nếu khi nào đại-thiện-tâm phát sinh để tránh xa khẩu hành-ác liên quan đến sự nuôi-mạng thì khi ấy có chánh-ngữ tâm-sở và chánh-mạng tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm ấy. 

– Nếu khi nào đại-thiện-tâm phát sinh để tránh xa thân hành-ác liên quan đến sự nuôi-mạng thì khi ấy có chánh-nghiệp tâm-sở và chánh-mạng tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm ấy.

Vì vậy, 3 tâm-sở sammāvācācetasika, sammā-kammantacetasika, sammā-ājīvacetasika gọi là nānākadācicetasika.

* Nếu 3 chế ngự tâm-sở thuộc về lokuttara-viraticetasika loại niyata-ekatocetasika thì 3 chế ngự tâm-sở này chắc chắn cùng đồng sinh với nhau trong 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm.

– Khi chế ngự tâm-sở có 3 tâm là chánh-ngữ tâm-sở, chánh-nghiệp tâm-sở, chánh-mạng tâm-sở thuộc về lokuttaraviraticetasika: siêu-tam-giới chế ngự tâm-sở chắc chắn đồng sinh với 4 hoặc 20 Thánh-đạo-tâm và 4 hoặc 20 Thánh-quả-tâm có cùng đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

Bởi vì trong Thánh-đạo-tâm và Thánh-quả-tâm có đầy đủ 8 chánh: chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới, cho nên chánh-ngữ tâm-sở, chánh-nghiệp tâm-sở, chánh-mạng tâm-sở là 3 chế ngự tâm-sở gọi là niyata-ekato-cetasika cùng đồng sinh với 4 hoặc 20 Thánh-đạo-tâm và 4 hoặc 20 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới. 

* Appamaññācetasika: Vô-lượng tâm-sở có 2 tâm-sở là bi tâm-sở (karuṇācetasika) và hỷ tâm-sở (muditācetasika), là 2 bất-định tâm-sở không chắc chắn, khi đồng sinh, khi không đồng sinh với 28 tịnh-hảo-tâm.

– Nếu khi nào đại-thiện-tâm phát sinh do đức-tin, trí-tuệ, chánh-ngữ, v.v… không liên quan đến sự thương xót chúng-sinh đang khổ (dukkhita-sattapaññatti), hoặc hoan-hỷ đối với chúng-sinh đang hưởng sự an-lạc (sukhitasattapaññatti) thì khi ấy 2 vô-lượng tâm-sở không phát sinh.

– Nếu khi nào hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định kasiṇa dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới-tâm, không phải là đề-mục thiền-định sattapaññatti: chúng-sinh chế-định thì khi ấy 2 vô-lượng tâm-sở không đồng sinh với các tâm ấy.

– Nhưng nếu khi nào hành-giả có đại-thiện-tâm, đại-duy-tác-tâm, sắc-giới-thiền thiện-tâm phát sinh do đề-mục niệm rải tâm bi đến dukkhita-sattapaññatti: chúng-sinh đang khổ thì khi ấy bi tâm-sở đồng sinh với 28 tịnh-hảo-tâm đó là 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, 12 sắc-giới thiền-tâm (trừ 3 đệ-ngũ-thiền sắc-giới thiền-tâm), còn hỷ tâm-sở không đồng sinh với 28 tâm ấy.

– Nếu khi nào hành-giả có đại-thiện-tâm, đại-duy-tác-tâm, sắc-giới thiền-tâm phát sinh do đề-mục niệm rải tâm-hỷ đến sukhitasattapaññatti: chúng-sinh đang hưởng an-lạc thì khi ấy hỷ tâm-sở đồng sinh với 28 tịnh-hảo-tâm đó là 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, 12 sắc-giới thiền-tâm (trừ 3 đệ-ngũ-thiền sắc-giới thiền-tâm), còn bi tâm-sở không đồng sinh với 28 tâm ấy.

Vì vậy, 2 bất-định tâm-sở karuṇācetasika và muditācetasika gọi là nānākadācicetasika.

Niyatayogīcetasika: Cố-định tâm-sở là tâm-sở chắc chắn đồng sinh với tâm, có 41 tâm sở:

– Sabbacittasādhāraṇacetasika có 7 tâm-sở.

– Pakiṇṇakacetasika có 6 tâm-sở.

– Mocatukacetasika có 4 tâm-sở.

– Lobhacetasika có 1 tâm-sở.

– Diṭṭhicetasika có 1 tâm-sở.

– Dosacetasika có 1 tâm-sở.

– Vicikicchācetasika có 1 tâm-sở.

– Sobhaṇasādhāraṇacetasika có 19 tâm-sở.

– Paññindriyacetasika có 1 tâm-sở.

Gồm có 41 tâm-sở đồng sinh với tâm liên quan cố-định.

– Sabbacittasādhāraṇacetasika có 7 tâm-sở chắc chắn đồng sinh với 89 hoặc 121 tâm.

– Pakiṇṇakacetasika có 6 tâm-sở đồng sinh rải rác với các tâm thích hợp theo tuần tự 55 tâm, 66 tâm, 78 hoặc 110 tâm, 73 hoặc 105 tâm, 51 tâm, 69 hoặc 101 tâm.

– Mocatukacetasika có 4 tâm-sở là moha-cetasika, ahirikacetasika, anottappacetasika, uddhaccacetasika chắc chắn chỉ đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm mà thôi.

– Lobhacetasika chắc chắn chỉ đồng sinh với 8 tham-tâm mà thôi.

– Diṭṭhicetasika chắc chắn chỉ đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến mà thôi.

– Dosacetasika chắc chắn chỉ đồng sinh với 2 sân-tâm mà thôi.

– Vicikicchācetasika chắc chắn chỉ đồng sinh với si-tâm hợp với hoài-nghi mà thôi.

– Sobhaṇasādhāraṇacetasika có 19 tâm-sở chắc chắn chỉ đồng sinh với 59 hoặc 91 tịnh-hảo-tâm mà thôi.

– Paññindriyacetasika chắc chắn chỉ đồng sinh với 47 hoặc 79 tịnh-hảo-tâm hợp với trí-tuệ mà thôi.

Vì vậy, 41 tâm-sở này gọi là niyatayogī-cetasika là những tâm-sở chắc chắn đồng sinh với các tâm liên quan ấy.

(Xong phần 52 tâm-sở)

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app