3- Vô-nhân duy-tác-tâm (Ahetukakriyacitta)
Vô-nhân duy-tác-tâm là tâm phát sinh làm phận sự không hợp với nhân.
Vô-nhân duy-tác-tâm chỉ phát sinh làm phận sự, không phải là thiện-tâm, cũng không phải là bất-thiện-tâm, cũng không phải là quả-tâm của tâm nào cả.
Ahetukakriyacitta: Vô-nhân duy-tác-tâm có 3 tâm:
1- Upekkhāsahagataṃpañcadvāravajjanacittam:
Ngũ-môn-hướng-tâm đồng sinh với thọ xả, suy xét 5 đối-tượng trong ngũ môn.
2- Upekkhāsahagataṃ manodvāravajjanacittam:
Ý-môn-hướng-tâm đồng sinh với thọ xả, suy xét 6 đối-tượng trong ý môn, hoặc quyết định 5 đối-tượng trong ngũ-môn-lộ-trình-tâm.
3- Somanassasahagataṃ hasituppādacittaṃ: Tâm mỉm cười của bậc Thánh A-ra-hán đồng sinh với thọ hỷ phát sinh trong 6 môn (Không phát sinh đối với các chúng-sinh khác).
Giảng giải 3 vô-nhân duy-tác-tâm
1- Pañcadvārāvajjanacitta: Ngũ-môn hướng-tâm đồng sinh với thọ xả làm phận sự tiếp nhận 5 đối-tượng mới (sắc, thanh, hương, vị, xúc) xấu hoặc tốt tiếp xúc tương xứng với môn (dvāra), mở cửa cho ngũ-môn-lộ-trình-tâm (pañcadvāravīthicitta) tương xứng phát sinh.
Ví dụ: * Ngũ-môn hướng-tâm làm phận sự tiếp nhận đối-tượng sắc mới xấu hoặc tốt tiếp xúc tương xứng với nhãn-môn, mở cửa cho nhãn-môn-lộ-trình-tâm phát sinh.
* Ngũ-môn-hướng-tâm làm phận sự tiếp nhận đối-tượng âm-thanh mới xấu hoặc tốt tiếp xúc tương xứng với nhĩ-môn, mở cửa cho nhĩ-môn-lộ-trình-tâm phát sinh.
* Ngũ-môn hướng-tâm làm phận sự tiếp nhận đối-tượng hương mới xấu hoặc tốt tiếp xúc tương xứng với tỷ-môn, mở cửa cho tỷ-môn-lộ-trình-tâm phát sinh.
* Ngũ-môn hướng-tâm làm phận sự tiếp nhận đối-tượng vị mới xấu hoặc tốt tiếp xúc tương xứng với thiệt-môn, mở cửa cho thiệt-môn-lộ-trình-tâm phát sinh.
* Ngũ-môn hướng-tâm làm phận sự tiếp nhận đối-tượng xúc mới xấu hoặc tốt tiếp xúc tương xứng với thân-môn, mở cửa cho thân-môn-lộ-trình-tâm phát sinh.
2- Manodvārāvajjanacitta: Ý-môn hướng-tâm đồng sinh với thọ xả làm phận sự tiếp nhận 1 trong 6 đối-tượng mới (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) xấu hoặc tốt tiếp xúc với ý-môn (manodvāra) mở cửa cho ý-môn-lộ-trình-tâm phát sinh.
* Ý-môn hướng-tâm đồng sinh với thọ xả còn làm phận sự quyết định (voṭṭhabbanakicca) đối-tượng xấu hoặc tốt cho ngũ-môn-lộ-trình-tâm.
3- Hasituppādacitta: Tâm mỉm cười của bậc Thánh A-ra-hán đồng sinh với thọ hỷ phát sinh trong 6 môn (Không phát sinh đối với các chúng-sinh khác).
Bậc Thánh A-ra-hán có thiên-nhãn-thông (dibbacakkhu-abhiññā) nhìn thấy loài ngạ-quỷ có thân hình kỳ dị với duy-tác thần-thông-tâm 1 sát-na-tâm, tiếp theo suy xét với đại-duy-tác-tâm hợp với trí-tuệ rằng: “Ta đã thoát khỏi kiếp loài ngạ-quỷ này rồi.”
Sau khi suy xét như vậy, tâm mỉm cười của bậc Thánh A-ra-hán (hasituppādacitta) phát sinh.
Bậc Thánh A-ra-hán đã chứng đắc tiền-kiếp-thông (pubbenivāsānusatiñāṇa), thiên-nhãn-thông dibbacakkhuñāṇa) dễ dàng có hasituppādacitta: tâm mỉm cười của bậc Thánh-A-ra-hán phát sinh.
Mỉm cười và cười
Mỉm cười và cười có 6 loại:
1- Sita: Tâm mỉm cười trên mặt không lộ hàm răng, đó là sự mỉm cười của Đức-Phật.
2- Hasita: Tâm mỉm cười lộ chút ít hàm răng, đó là sự mỉm cười của bậc Thánh-A-ra-hán. Ngoài bậc Thánh A-ra-hán ra, tâm mỉm cười của bậc Thánh Bất-lai, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Nhập-lưu, hoặc hạng thiện-trí phàm-nhân đều hợp với thiện-nhân (vô-tham, vô-sân, vô-si).
3- Vihasita: Tâm cười ra tiếng nho-nhỏ phát sinh đối với 3 bậc Thánh-nhân: bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai, hạng thiện-trí phàm-nhân, đó là đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ hỷ hợp với thiện-nhân (vô-tham, vô-sân, vô-si).
4- Atihasita: Tâm cười ra tiếng lớn phát sinh đối với 2 bậc Thánh-nhân: bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, hạng thiện-trí phàm-nhân đó là đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ hỷ hợp với thiện-nhân (vô-tham, vô-sân, vô-si).
5- Apahasita: Tâm cười làm cho thân mình nghiêng ngả chỉ phát sinh đối với hạng phàm-nhân mà thôi.
6- Upahasita: Tâm cười làm trào ra nước mắt chỉ phát sinh đối với hạng phàm-nhân mà thôi.
Trong 6 loại cười này có hai loại cười chỉ có đối với Đức-Phật và bậc Thánh A-ra-hán mà thôi.
* Tâm mỉm cười trên mặt không lộ hàm răng gọi là sita, đối với Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.
* Tâm mỉm cười lộ chút ít hàm răng gọi là hasita, đối với chư bậc Thánh A-ra-hán.
Hai loại tâm mỉm cười này phát sinh làm phận sự, mà không quan tâm nơi đối-tượng, nên tâm này có năng lực yếu đặc biệt phát sinh không hợp với nhân (hetu), gọi là hasituppādacitta, thuộc về loại vô-nhân-tâm.
* Bốn loại tâm cười còn lại, tâm có năng lực mạnh, chấp-thủ nơi đối-tượng, nên tâm này phát sinh hợp với nhân gọi là sahetukacitta: tâm có nhân.
Saṅkhāra trong ahetukacitta
Trong bộ Abhidhammatthasaṅgaha, Ngài Đại-Trưởng-lão Anuruddha trình bày trong phần ahetukacitta: vô-nhân-tâm có 18 tâm, không trình bày thuộc về loại asaṅkhārikacitta: tâm cần tác-động hoặc sasaṅkhārikacitta: tâm không cần tác-động nào cả.
Theo các bộ khác có ý kiến khác nhau về saṅkhārikacitta trong ahetukacitta được tóm lược theo 3 cách như sau:
* Trong bộ Mūlaṭīkā và bộ Abhidhammattha-vibhāvinīṭīkā có ý kiến rằng: “Ahetukacitta: vô-nhân-tâm có 18 tâm đều là saṅkhāravimutti, 18 vô-nhân-tâm đều là không có saṅkhāra nào cả”, bởi vì trong bộ Abhidhammatthasaṅgaha không trình bày asaṅkhārikacitta và sasaṅkhārikacitta nào cả.
* Trong bộ Paramatthadīpanīṭīkā có ý kiến rằng: “Ahetukacitta: vô-nhân-tâm có 18 tâm có asaṅkhārikacitta hoặc sasaṅkhārikacitta.”
* Bậc Tiền-bối có ý kiến rằng: “Ahetukacitta: vô-nhân-tâm có 18 tâm thuộc về asaṅkhārika-citta”, bởi vì nhãn-thức-tâm tự nhìn thấy đối-tượng sắc, nhĩ-thức-tâm tự nghe đối-tượng thanh, tỷ-thức-tâm tự ngửi đối-tượng hương, thiệt-thức-tâm tự nếm đối-tượng vị, thân-thức-tâm tự xúc-giác đối-tượng xúc, v.v… do nương nhờ upattihetu: nhân-duyên, khiến cho tâm ấy phát sinh, cho nên 18 vô-nhân-tâm này thuộc về asaṅkhārikacitta: không cần tác-động.
Ahetukacitta: Vô-nhân-tâm là tâm không có 6 nhân (hetu): 3 bất-thiện-nhân: nhân tham, nhân sân, nhân si, và 3 thiện-nhân: nhân vô-tham, nhân vô-sân, nhân vô-si (trí-tuệ). 6 nhân này gọi là sampayuttahetu: nhân hợp với tâm.
Nếu tâm nào có bất-thiện-nhân (akusalahetu) hoặc thiện-nhân (kusalahetu) hợp với tâm ấy thì tâm ấy gọi là sahetukacitta: hữu-nhân-tâm.
Ahetukacitta: Vô-nhân-tâm là tâm không hợp với sampayuttahetu: nhân hợp với tâm, nhưng tất cả các pháp đều phát sinh từ nhân (hetup-pabhava), nhân này không phải là sampayutta-hetu (sáu nhân hợp với tâm), nhưng có nhân-duyên khiến cho tâm phát sinh gọi là upattihetu.
Cho nên, 18 ahetukacitta: Vô-nhân-tâm phát sinh đều do nương nhờ upattihetu: nhân-duyên, khiến cho mỗi tâm phát sinh.
Upattihetu của 18 ahetukacitta
Mỗi vô-nhân-tâm phát sinh cần phải hội đủ nhân-duyên của mỗi tâm, nếu trường-hợp thiếu một nhân-duyên nào thì vô-nhân-tâm ấy không thể phát sinh được.
Theo bộ Abhidhammatthasaṅgaha: Vi-diệu-pháp yếu-nghĩa giảng giải rằng:
* Nhân duyên phát sinh 2 nhãn-thức-tâm
– Cakkhuviññāṇa: Nhãn-thức-tâm có 2 tâm phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:
1- Cakkhupasāda: Nhãn-tịnh-sắc tốt (mắt không bị bệnh).
2- Rūpārammaṇa: Đối-tượng sắc rõ ràng tiếp xúc với nhãn-tịnh-sắc (mắt).
3- Āloka: Ánh sáng rõ ràng.
4- Manasikāra: Chú tâm đó là ngũ-môn hướng-tâm tiếp nhận đối-tượng sắc ấy.
Nếu khi hội đủ 4 nhân-duyên này thì nhãn-thức-tâm hợp với 7 tâm-sở phát sinh làm phận sự nhìn thấy đối-tượng sắc ấy.
* Nhãn-thức-tâm có 2 tâm:
– Nhãn-thức-tâm là quả-tâm của bất-thiện-nghiệp nhìn thấy đối-tượng sắc xấu, không đáng hài lòng.
– Nhãn-thức-tâm là quả-tâm của đại-thiện-nghiệp nhìn thấy đối-tượng sắc tốt, đáng hài lòng.
* Nhân duyên phát sinh 2 nhĩ-thức-tâm
– Sotaviññāṇa: Nhĩ-thức-tâm có 2 tâm phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:
1- Sotapasāda: Nhĩ-tịnh-sắc tốt (tai không bị điếc).
2- Saddārammaṇa: Đối-tượng âm-thanh rõ ràng tiếp xúc với nhĩ-tịnh-sắc (lỗ tai).
3- Vivarākāsa: Khoảng trống không gian không có vật cản.
4- Manasikāra: Chú tâm đó là ngũ-môn hướng-tâm đến đối-tượng âm-thanh ấy.
Nếu khi hội đủ 4 nhân-duyên này thì nhĩ-thức-tâm hợp với 7 tâm-sở phát sinh làm phận sự nghe đối-tượng âm-thanh ấy.
* Nhĩ-thức-tâm có 2 tâm:
– Nhĩ-thức-tâm là quả-tâm của bất-thiện-nghiệp nghe đối-tượng âm-thanh dở, không đáng hài lòng.
– Nhĩ-thức-tâm là quả-tâm của đại-thiện-nghiệp nghe đối-tượng âm-thanh hay, đáng hài lòng.
* Nhân duyên phát sinh 2 tỷ-thức-tâm
Ghānaviññāṇa: Tỷ-thức-tâm có 2 tâm phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:
1- Ghānapasāda: Tỷ-tịnh-sắc tốt (mũi không bị bệnh).
2- Gandhārammaṇa: Đối-tượng hương rõ ràng tiếp xúc với tỷ-tịnh-sắc (lỗ mũi).
3- Vāyodhātu: Phong-đại (gió) thổi đưa mùi hương đến mũi.
4- Manasikāra: Chú tâm đó là ngũ-môn hướng-tâm đến đối-tượng hương ấy.
Nếu khi hội đủ 4 nhân-duyên này thì tỷ-thức-tâm hợp với 7 tâm-sở phát sinh làm phận sự ngửi đối-tượng hương ấy.
* Tỷ-thức-tâm có 2 tâm:
– Tỷ-thức-tâm là quả-tâm của bất-thiện-nghiệp ngửi đối-tượng mùi hôi, không đáng hài lòng.
– Tỷ-thức-tâm là quả-tâm của đại-thiện-nghiệp ngửi đối-tượng hương thơm tốt, đáng hài lòng.
* Nhân duyên phát sinh 2 thiệt-thức-tâm
Jivhāviññāṇa: Thiệt-thức-tâm có 2 tâm phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:
1- Jivhāpasāda: Thiệt-tịnh-sắc tốt (lưỡi không bị bệnh).
2- Rasārammaṇa: Đối-tượng vị rõ ràng tiếp xúc với thiệt-tịnh-sắc (lưỡi).
3- Āpodhātu: Thủy-đại (nước miếng trong miệng).
4- Manasikāra: Chú tâm đó là ngũ-môn hướng-tâm đến đối-tượng vị ấy.
Nếu khi hội đủ 4 nhân-duyên này thì thiệt-thức tâm hợp với 7 tâm-sở phát sinh làm phận sự nếm đối-tượng vị ấy.
* Thiệt-thức-tâm có 2 tâm:
– Thiệt-thức-tâm là quả-tâm của bất-thiện-nghiệp nếm đối-tượng vị dở, không đáng hài lòng.
– Thiệt-thức-tâm là quả-tâm của đại-thiện-nghiệp nếm đối-tượng vị ngon, đáng hài lòng.
* Nhân duyên phát sinh 2 thân-thức-tâm
Kāyaviññāṇa: Thân-thức-tâm có 2 tâm phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:
1- Kāyapasāda: Thân-tịnh-sắc tốt (thân khoẻ mạnh không bị bại liệt).
2- Phoṭṭhabbārammaṇa: Đối-tượng xúc (cứng, mềm, nóng, lạnh, căng, phồng) rõ ràng tiếp xúc với thân-tịnh-sắc (thân).
3- Thaddhapaṭhavīdhātu: Địa-đại cứng, …
4- Manasikāra: Chú tâm đó là ngũ-môn hướng-tâm đến đối-tượng xúc ấy.
Nếu khi hội đủ 4 nhân-duyên này thì thân-thức-tâm với 7 tâm-sở phát sinh làm phận sự xúc-giác đối-tượng xúc ấy.
* Thân-thức-tâm có 2 tâm:
– Thân-thức-tâm là quả-tâm của bất-thiện-nghiệp xúc-giác đối-tượng xúc xấu, không đáng hài lòng.
– Thân-thức-tâm là quả-tâm của đại-thiện-nghiệp xúc-giác đối-tượng xúc tốt, đáng hài lòng.
* Nhân duyên phát sinh 3 ý-tự-tánh
Manodhātu: Ý-tự-tánh-tâm gồm có 3 tâm:
– Pañcadvārāvajjanacitta: Ngũ-môn hướng-tâm.
– Sampaṭicchanacitta: Tiếp-nhận-tâm có 2 tâm. Ba tâm này phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:
1- Pañcadvāra: 5 môn đó là nhãn-môn, nhĩ-môn, tỷ-môn, thiệt-môn, thân-môn tốt.
2- Pañcārammaṇa: 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc).
3- Hadayavatthu: Sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâm.
4- Manasikāra: Chú tâm đến đối-tượng ấy.
Nếu hội đủ 4 nhân-duyên này thì manodhātu có 3 tâm, mỗi tâm phát sinh tùy theo nhân-duyên, làm phận sự của mình đối với đối-tượng ấy.
* Manodhātu có 3 tâm:
– Ngũ-môn hướng-tâm phát sinh làm phận sự tiếp nhận 1 trong 5 đối-tượng mới (sắc, thanh, hương, vị, xúc) xấu hoặc tốt tiếp xúc tương xứng với môn (dvāra), mở cửa cho ngũ-môn-lộ-trình-tâm (pañcadvāravīthicitta) tương xứng phát sinh.
– Tiếp-nhận-tâm là quả-tâm của bất-thiện-nghiệp tiếp nhận đối-tượng xấu, không đáng hài lòng.
– Tiếp-nhận-tâm là quả-tâm của đại-thiện-nghiệp tiếp nhận đối-tượng tốt, đáng hài lòng.
* Nhân duyên phát sinh 5 ý-thức-tự-tánh
Manoviññāṇadhātu: Ý-thức-tự-tánh gồm có 5 tâm trong 18 vô-nhân-tâm là:
– Manodvāravajjanacitta: Ý-môn hướng-tâm.
– Santīraṇacitta: Suy-xét-tâm gồm có 3 tâm.
– Hasituppādacitta: Tâm mỉm cười của bậc Thánh A-ra-hán. 5 tâm này phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:
1- Dvāra: 6 môn đó là nhãn-môn, nhĩ-môn, tỷ-môn, thiệt-môn, thân-môn, ý-môn.
2- Ārammaṇa: 6 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).
3- Hadayavatthu: Sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâm.
4- Manasikāra: Chú tâm đến đối-tượng ấy.
Nếu khi hội đủ 4 nhân-duyên này thì mano-viññāṇadhātu có 5 tâm, mỗi tâm phát sinh tùy theo nhân-duyên làm phận sự của mình.
Cho nên, 18 vô-nhân-tâm là tâm không hợp với sampayuttahetu (u nhân hợp với tâm), nhưng mỗi vô-nhân-tâm phát sinh đều do nhân-duyên gọi là upattihetu: nhân-duyên phát sinh.
Như vậy, cakkhuviññāṇa: Nhãn-thức-tâm phát sinh làm phận sự nhìn thấy đối-tượng sắc, hình dáng là do hội đủ 4 nhân-duyên của nhãn-thức-tâm, nếu trường-hợp thiếu nhân-duyên nào thì nhãn-thức-tâm không thể phát sinh được.
Cũng như vậy, mỗi tâm với tâm-sở phát sinh đều do hội đủ nhân-duyên của tâm ấy.
Tất cả các pháp-hữu-vi phát sinh đều do từ nhân-duyên, cho nên, tất cả các pháp-hữu-vi đều là pháp-vô-ngã (anattā), không phải là ta, không phải là người, không phải là đàn ông, không phải là đàn bà, không phải là chúng-sinh nào cả, thật-tánh của tất cả các pháp-hữu-vi chỉ là sắc-pháp hoặc danh-pháp mà thôi.
Sở dĩ các hàng phàm-nhân thấy sai chấp lầm nơi sắc-pháp hoặc nơi danh-pháp cho là ta, là người, là đàn ông, là đàn bà, là chúng-sinh, v.v… là vì do vô-minh (avijjā) che phủ thật-tánh của sắc-pháp hoặc danh-pháp, do tà-kiến (diṭṭhi) thấy sai chấp lầm nơi sắc-pháp hoặc nơi danh-pháp cho là ta, là người, là đàn ông, là đàn bà, là chúng-sinh, v.v…
Như vậy, ta hoặc ngã không có thật, nên không có phương pháp diệt ngã.
Tà-kiến (diṭṭhi) là một loại phiền-não có thật, nên có phương pháp diệt tà-kiến.
Thật vậy, hành-giả là hạng người tam-nhân có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn làm nơi nương nhờ thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp danh-pháp, trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh sự diệt của sắc-pháp danh-pháp tam-giới, trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp danh-pháp tam-giới, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được hai loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi) và hoài-nghi (vicikicchā) không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
Bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không còn có tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi sắc-pháp, nơi danh-pháp cho là ta, là ngã, là người, là đàn ông, là đàn bà, là chúng-sinh nào nữa.
Bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không còn tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới, mà chỉ còn tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới là cõi người và cõi trời dục-giới nhiều nhất 7 kiếp nữa mà thôi.
Đến kiếp thứ 7, bậc Thánh Nhập-lưu chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.