*. Bất-thiện-nghiệp (Akusalakamma)

Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm tạo 10 bất-thiện-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

12 bất-thiện-tâm (ác-tâm) đó là 8 tham-tâm + 2 sân-tâm + 2 si-tâm như sau:

Tham-tâm có 8 tâm:

1- Tham-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà-kiến, không cần tác-động.

2- Tham-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà-kiến, cần tác-động.

3- Tham-tâm thứ ba đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với tà-kiến, không cần tác-động.

4- Tham-tâm thứ tư đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với tà-kiến, cần tác-động.

5- Tham-tâm thứ năm đồng sinh với thọ xả, hợp với tà-kiến, không cần tác-động. 

6- Tham-tâm thứ sáu đồng sinh với thọ xả, hợp với tà-kiến, cần tác-động.

7- Tham-tâm thứ bảy đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, không cần tác-động.

8- Tham-tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, cần tác-động.

Sân-tâm có 2 tâm:

1- Sân-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, không cần tác-động.

2- Sân-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, cần tác-động.

Si-tâm có 2 tâm:

1- Si-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ xả, hợp với hoài-nghi.

2- Si-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ xả, hợp với phóng-tâm.

Người ác không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, không biết tự trọng, có tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 ác-tâm tạo 10 ác-nghiệp là 3 thân ác-nghiệp, 4 khẩu ác-nghiệp, 3 ý ác-nghiệp.

Quả của 10 ác-nghiệp

Ác-nghiệp trong 12 bất-thiện-tâm (12 ác-tâm) cho quả trong hai thời-kỳ:

– Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla). 

– Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla) kiếp hiện-tại.

a-Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (Paṭisandhikāla)

Người ác nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, không biết tự trọng, nên phạm điều-giới nào, tạo ác-nghiệp ấy.

– Sau khi người ác ấy chết, nếu ác-nghiệp ấy trong 11 ác-tâm (trừ si-tâm hợp với phóng-tâm) có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có một quả-tâm là suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là ác-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh).

– Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong tham-tâm có nhiều năng lực làm phận sự tái-sinh kiếp sau thì hóa-sinh làm loài ngạ-quỷ hoặc loài a-su-ra thường có tham-tâm thèm khát, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.

– Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong sân-tâm có nhiều năng lực làm phận sự tái-sinh kiếp sau thì hóa-sinh làm chúng-sinh trong cõi địa-ngục, thường bị thiêu đốt, hành hạ, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.

– Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong si-tâm có nhiều năng lực làm phận sự tái-sinh kiếp sau thì sinh làm loài súc-sinh có tính si-mê, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.

b-Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (Pavattikāla) kiếp hiện-tại

Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, làm chúng-sinh nào trong cõi địa-ngục, hoặc cõi a-su-ra, loài ngạ-quỷ, hoặc loài súc-sinh với suy-xét-tâm nào gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau 1 sát-na-tâm xong, liền tiếp theo trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, chính suy-xét-tâm ấy trở thành hộ-kiếp-tâm (bhavaṅga-citta) làm phận sự hộ kiếp, bảo hộ, giữ gìn kiếp chúng-sinh ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, và cuối cùng cũng chính suy-xét-tâm ấy trở thành tử-tâm (cuticitta) làm phận sự chuyển kiếp (chết) kết thúc kiếp chúng-sinh ấy trong cõi ác-giới ấy.

Trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavatti-kāla), kiếp hiện-tại, của chúng-sinh trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), ác-nghiệp trong 12 ác-tâm có cơ hội cho quả có 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm tiếp xúc với các đối-tượng xấu trong cuộc sống hằng ngày đêm.

Bất-thiện-quả vô-nhân-tâm có 7 tâm:

1- Nhãn-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp thấy đối-tượng sắc xấu.

2- Nhĩ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp nghe đối-tượng âm-thanh dở.

3- Tỷ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp ngửi đối-tượng hương hôi thối.

4- Thiệt-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp nếm đối-tượng vị dở. 5-Thân-thức-tâm đồng sinh với thọ khổ là quả của ác-nghiệp xúc-giác đối-tượng xúc thô cứng.

6- Tiếp-nhận-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp tiếp nhận 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc xấu.

7- Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp suy xét 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc xấu.

Đó là 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm là quả-tâm của ác-nghiệp trong 12 ác-tâm tiếp xúc biết các đối-tượng xấu.

Paṭisandhicitta, bhavaṅgacitta, cuticitta

Trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi-kāla) suy-xét-tâm nào đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp nào gọi là tái-sinh-tâm (paṭi-sandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm loại chúng-sinh nào trong cõi ác-giới chỉ có một sát-na-tâm, liền tiếp theo sau trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, chính suy-xét-tâm ấy trở thành hộ-kiếp-tâm (bhavaṅga-citta) làm phận sự hộ kiếp, giữ gìn bảo hộ kiếp chúng-sinh ấy cho đến mãn kiếp, rồi cũng chính suy-xét-tâm ấy trở thành tử-tâm (cuticitta) làm phận sự chuyển kiếp (chết) kết thúc kiếp hiện-tại của chúng-sinh ấy. 

Như vậy, mỗi kiếp chúng-sinh có tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta), hộ-kiếp-tâm (bhavaṅgacitta), và tử-tâm (cuticitta) cùng một loại quả-tâm giống nhau, nhưng chỉ có khác nhau trải qua ba giai đoạn thời gian mà thôi. 

Tuy nhiên, tử-tâm (cuticitta) kiếp hiện-tại với tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) kiếp sau là 2 quả-tâm hoàn toàn khác nhau, bởi vì hai kiếp chúng-sinh khác nhau.

Tóm lại, trong cuộc sống của mỗi người trong đời có điều cần thiết nên biết đó là biết ác-nghiệp và quả của ác-nghiệp, để biết ghê-sợ tội-lỗi nên không dám tạo ác-nghiệp nào dù nhẹ; và điều cần thiết nên tin, đó là tin nghiệp và quả của nghiệp, để biết hổ-thẹn tội-lỗi nên không dám tạo ác-nghiệp nào dù nhẹ, bởi vì ác-nghiệp ấy là của riêng mình. 

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app