III.2- Viraticetasika: Chế ngự tâm-sở
Viraticetasika: Chế ngự tâm-sở có trạng-thái tránh xa thân hành-ác (kāyaduccarita), tránh xa khẩu hành-ác (vacīduccarita), tránh xa cách sống tà-mạng (micchājīva).
Viraticetasika: Chế ngự tâm-sở có 3 loại:
– Sammāvācācetasika: Chánh-ngữ tâm-sở.
– Sammākammantacetasika: Chánh-nghiệp tâm-sở.
– Sammā ājīvacetasika: Chánh-mạng tâm-sở.
III.2.1- Sammāvācācetasika: Chánh-ngữ tâm-sở là tịnh-hảo tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hoặc siêu-tam-giới-tâm, tránh xa 4 khẩu hành-ác là tránh xa sự nói-dối, tránh xa nói lời chia rẽ, tránh xa nói lời thô tục, tránh xa nói lời vô ích, không liên quan đến sự nuôi mạng.
Trạng-thái riêng của sammāvācācetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:
1- Pariggahalakkhaṇā: Chế ngự khẩu nói ác là trạng-thái của chánh-ngữ tâm-sở.
2- Vimaṇarasā: Tránh xa 4 tà-ngữ là phận sự của chánh-ngữ tâm-sở.
3- Micchāvācāpahānapaccupadaṭṭhānā: Diệt 4 tà-ngữ là quả hiện hữu của chánh-ngữ tâm-sở.
4- Saddhāhirottappādiguṇapadaṭṭhānā: Có đức-tin, biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi là nhân-duyên gần phát sinh sammāvācācetasika.
Sammāvācā chánh-ngữ có 3 loại:
– Kathāsammāvācā: Nói lời chánh-ngữ là lời hay, thuyết pháp, giảng đạo, dạy dỗ đem lại sự lợi ích cho người nghe.
– Cetanāsammāvācā: Tác-ý chánh-ngữ là tác-ý tránh xa 4 tà-ngữ mà nói 4 chánh-ngữ:
- Tránh xa lời nói-dối, mà nói lời chân thật.
- Tránh xa nói lời chia rẽ, mà nói lời hòa hợp.
- Tránh xa nói lời thô tục, mà nói lời dịu dàng.
- Tránh xa nói lời vô ích, mà nói lời có ích.
– Viratisammāvācā: Chế ngự tà-ngữ là khi tiếp xúc trực tiếp đối diện với đối-tượng dễ phát sinh nói-dối nhưng tránh xa lời nói-dối, mà nói lời chân thật, hoặc làm thinh không nói, gọi là viratisammāvācā.
III.2.2- Sammākammantacetasika: Chánh-nghiệp tâm-sở là tịnh-hảo tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hoặc siêu-tam-giới-tâm, tránh xa 3 thân hành-ác là tránh xa sự sát-sinh, tránh xa sự trộm-cắp, tránh xa sự tà-dâm, không liên quan đến sự nuôi mạng.
Trạng-thái riêng của sammākammanta-cetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:
1- Samuṭṭhānalakkhaṇo: Chế ngự thân hành-ác là trạng-thái của chánh-nghiệp tâm-sở.
2- Viramaṇaraso: Tránh xa 3 tà-nghiệp là phận sự của chánh-nghiệp tâm-sở.
3- Micchākammantapahāṇapaccupaṭṭhāno: Diệt 3 tà-nghiệp là quả hiện hữu của chánh-nghiệp tâm-sở.
4- Saddhāhirottappādiguṇapadaṭṭhāno: Có đức-tin, biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi,… là nhân-duyên gần phát sinh sammākammantacetasika.
Sammākammanta chánh-nghiệp có 3 loại:
– Kiriyāsammākammanta: Hành chánh-nghiệp là thân hành công việc phước-thiện đem lại sự lợi ích cho mình và chúng-sinh.
– Cetanāsammākammanta: Tác-ý chánh-nghiệp là tác-ý tránh xa 3 tà-nghiệp, hành 3 chánh-nghiệp.
– Tránh xa sự sát-sinh, mà hành phóng sinh.
– Tránh xa sự trộm-cắp, mà hành phước-thiện bố-thí đến chúng-sinh.
– Tránh xa sự tà-dâm, mà thực-hành phạm hạnh cao thượng.
– Viratisammākammanta: Chế ngự tà-nghiệp, là khi tiếp xúc trực tiếp đối diện với đối-tượng dễ phát sinh trộm-cắp, nhưng tránh xa sự trộm-cắp gọi là viratisammākammanta.
III.2.3- Sammā-ājīvacetasika: Chánh-mạng tâm-sở là tịnh-hảo tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hoặc siêu-tam-giới-tâm, tránh xa 3 thân hành-ác, tránh xa 4 khẩu nói-ác liên quan đến sự nuôi mạng.
Trạng-thái riêng của sammā-ājīvacetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:
1- Vodānalakkhaṇo: Sự nuôi mạng trong sạch là trạng-thái của chánh-mạng tâm-sở.
2- Kāyajīvappavattiraso: Sự nuôi mạng do thân và khẩu trong sạch là phận sự của chánh-mạng tâm-sở.
3- Micchā ājīvapahānapaccupaṭṭhāno: Diệt tà-mạng là quả hiện hữu của chánh-mạng tâm-sở.
4- Saddhāhirottappādiguṇapadaṭṭhāno: Có đức-tin, biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, … là nhân-duyên gần phát sinh sammā-ājīvacetasika.
Sammā-ājīva chánh-mạng có 2 loại:
– Vīriyasammā ājīva: Tinh-tấn chánh-mạng là tinh-tấn làm công việc nuôi mạng hợp pháp.
– Viratisammā ājīva: Chế ngự tà-mạng là tránh xa 3 thân hành-ác, tránh xa 4 khẩu nói-ác liên quan đến sự nuôi mạng, khi tiếp xúc trực tiếp đối diện với đối-tượng gọi là viratisammā ājīva.
Viraticetasika: Chế ngự tâm-sở có 3 loại: chánh-ngữ tâm-sở, chánh-nghiệp tâm-sở, chánh-mạng tâm-sở là 3 tịnh-hảo tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hoặc siêu-tam-giới-tâm.
Trạng-thái riêng của viraticetasika có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:
1- Viratiyo duccarita avītikkamalakkhaṇā: Chế ngự tâm-sở không phạm mọi hành-ác do thân và khẩu là trạng-thái của chế ngự tâm-sở.
2- Kāyaduccaritādivatthuto tato saṅkocana-rasā: Từ bỏ 3 thân hành-ác, 4 khẩu nói-ác là phận sự của chế ngự tâm-sở.
3- Akiriyapaccupaṭṭhānā: Không tạo mọi ác-nghiệp, tránh xa mọi hành-ác do thân và khẩu là quả hiện hữu của chế ngự tâm-sở.
4- Saddhā sati hirottappa appicchatādiguṇa-padaṭṭhānā: Có đức-tin, biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, ít tham muốn, … là nhân-duyên gần phát sinh viraticetasika.
Tà-ngữ, tà-nghiệp, tà-mạng
* Nếu người nào có tác-ý tâm-sở đồng sinh với tham-tâm nói-dối lường gạt người khác, để chiếm đoạt của cải tài sản đem về nuôi mạng thì người ấy đã tạo khẩu nói-ác liên quan đến nuôi mạng, nên thuộc về tà-ngữ và tà-mạng.
* Nếu người nào có tác-ý tâm-sở đồng sinh với sân-tâm ghét người, nên nói-dối lường gạt họ, để gây thiệt hại của cải tài sản, không chiếm đoạt thì người ấy đã tạo khẩu nói-ác không liên quan đến nuôi mạng, nên chỉ thuộc về tà-ngữ mà không phải tà-mạng.
* Nếu người nào làm nghề đồ tể giết mổ gia súc bán thịt nuôi mạng thì người ấy đã tạo thân hành-ác liên quan đến nuôi mạng, nên thuộc về tà-nghiệp và tà-mạng.
* Nếu người nào thích câu cá, săn bắn thú rừng làm thú tiêu khiển, thì người ấy đã tạo thân hành-ác không liên quan đến nuôi mạng, nên thuộc về tà-nghiệp mà không phải tà-mạng.
* 3 chế ngự tâm-sở này đồng sinh với 16 hoặc 48 tịnh-hảo-tâm:
– 8 đại-thiện-tâm.
– 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm.
* 3 chế ngự tâm-sở không đồng sinh với 73 tâm còn lại:
– 12 bất-thiện-tâm.
– 18 vô-nhân-tâm.
– 8 đại-quả-tâm.
– 8 đại-duy-tác-tâm.
– 15 sắc-giới-tâm.
– 12 vô-sắc-giới-tâm.
Virati: Chế ngự có 3 loại:
1- Samādānavirati: Chế ngự do thọ trì giới.
2- Sampattivirati: Chế ngự do đối diện với đối-tượng hiện-tại.
3- Samucchedavirati: Chế ngự do Thánh-đạo-tuệ.
Năng lực của mỗi chế ngự
* Năng lực của chế ngự tâm-sở do thọ trì giới như thế nào?
Người nào trước đã thọ trì giới xong, về sau tiếp xúc trực tiếp với đối-tượng có thể phạm điều-giới, nhưng người ấy chế ngự do thọ trì giới, nên không phạm điều-giới. Ví dụ:
* Buổi sáng, một cận-sự-nam đến chùa, đảnh lễ Ngài Trưởng-lão, xin thọ phép quy-y Tam-bảo cùng với thọ-trì ngũ-giới, rồi trở về nhà dắt trâu ra đồng cày ruộng, cày xong, thả trâu đi ăn cỏ. Con trâu đi lạc, cận-sự-nam đi theo dấu chân trâu vào rừng, gặp con trăn lớn bò đến quấn chặt siết mạnh thân mình của ông, cận-sự-nam cảm giác vô cùng đau đớn, ông có mang sẵn con dao bén trong mình, cận-sự-nam có ý định rút con dao ra giết con trăn để thoát chết, chợt nhớ lại rằng: “Sáng nay, ta đã xin thọ phép quy-y Tam-bảo cùng với thọ-trì ngũ-giới nơi Ngài Trưởng-lão, có điều giới:
“Pāṇātipātā veramaṇisikkhāpadaṃ samā-diyāmi.” (Con xin thọ-trì điều giới, có tác-ý tránh xa sự sát-sinh.)
Bây giờ, muốn thoát chết, ta có ý định giết con trăn này thì phạm điều-giới sát-sinh. Đó là điều không nên đối với ta là cận-sự-nam.”
Do suy nghĩ như vậy, nên người cận-sự-nam ném con dao ra xa, quyết tâm giữ gìn ngũ-giới tránh xa sự sát-sinh.
Do năng lực của giới trong sạch của cận-sự-nam nên con trăn lớn xả ra, rồi bò đi nơi khác.
Câu chuyện này, cận-sự-nam từ khi thọ trì ngũ-giới cho đến lúc đi vào rừng tìm con trâu, chưa gọi là virati: chế ngự, khi quyết tâm giữ gìn điều-giới tránh xa sự sát-sinh, mới gọi là samādānavirati: chế ngự do thọ trì giới.
* Năng lực của chế ngự do đối diện với đối-tượng hiện-tại như thế nào?
Tích cậu Jaggana tại đảo quốc Sīhala, nay gọi là Srilanka. Tích được tóm lược như sau:
Người mẹ lâm bệnh cần món thịt thỏ nấu với thuốc, người anh bảo cậu Jaggana vào rừng bắt con thỏ. Vâng lời anh, cậu Jaggana mang bẫy vào rừng bắt được một con thỏ con, sẽ giết nó chết. Nhìn thấy thỏ con run sợ chết, cậu Jaggana phát sinh tâm bi thương xót, biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, tránh xa sự sát-sinh, nên thả con thỏ con được tự do chạy vào rừng.
Cậu Jaggana trở về nhà, đến quỳ bên giường mẹ phát nguyện rằng:
“Kính thưa mẹ, từ khi con hiểu biết cho đến nay, chưa từng có tác-ý sát-hại chúng-sinh bao giờ. Do lời chân thật này, xin cho mẹ khỏi căn bệnh này.”
Sau khi cậu Jaggana phát nguyện xong, căn bệnh của mẹ cậu được khỏi hẳn.
Tích này, trước đó cậu Jaggana không thọ trì giới, khi tiếp xúc trực tiếp đối diện hiện-tại với thỏ con, không giết nó, tránh xa sự sát-sinh, nên gọi là sampattivirati: chế ngự thân hành-ác do đối diện với đối-tượng hiện-tại.
* Năng lực của chế ngự do Thánh-đạo-tuệ như thế nào?
Hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo-tuệ đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm phát sinh có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới, nên diệt tận được 3 thân hành-ác, 4 khẩu hành-ác, nên gọi là samucchedavirati: chế ngự do Thánh-đạo-tuệ.