* Hiện-tượng của chư-thiên trước khi chết
Mỗi vị thiên-nam, vị thiên-nữ sắp hết tuổi thọ tại cõi trời dục-giới ấy, thường có pubbanimitta 5 hiện-tượng báo trước phát sinh là:
1- Mālā milāyanti: Những vòng hoa héo.
2- Vatthāni kilissanti: Những y phục phai màu.
3- Kacchehi sedā muccanti: Mồ hôi chảy ra từ 2 bên nách.
4- Kāye dubbaṇṇiyaṃ okkamati: Sắc thân không còn xinh đẹp.
5- Devo devāsane nābhiramati: Chư-thiên không còn hài lòng cõi trời dục-giới đang sống.
Vị thiên-nam, vị thiên-nữ nào nếu có 5 triệu-chứng báo trước phát sinh thì vị thiên-nam, vị thiên-nữ sắp hết tuổi thọ tại cõi trời ấy, phải cuti: chuyển kiếp (chết), rồi sẽ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi) trong cõi-giới khác, tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ ấy.
– Nếu đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả thì tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trong cõi trời dục-giới cao hơn hoặc cõi trời dục-giới thấp hơn hoặc cõi trời dục-giới ngang bằng với kiếp trước.
– Nếu ác-nghiệp có cơ hội cho quả thì tái-sinh kiếp sau trong cõi cõi ác-giới: cõi địa-ngục, cõi a-su-ra, cõi ngạ-quỷ, loài súc-sinh, tùy theo năng lực của quả ác-nghiệp ấy.
Lựa chọn sinh trong 6 cõi trời dục-giới
Đối với hạng người nào đến lúc lâm chung có khả năng lựa chọn tái-sinh cõi trời dục-giới nào trong 6 cõi trời dục-giới đúng theo ý muốn lựa chọn của mình được?
Sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới ấy.
Trong Chú-giải bài kinh Sakkapañhāsutta, có đoạn đề cập đến người có giới, người giữ gìn các điều-giới của mình trong sạch và trọn vẹn rằng:
“Parisuddhasīlā nāma chasu devalokesu yatthicchanti, tattha nibbattanti.”
Những người thiện nào giữ gìn các điều-giới của mình trong sạch trọn vẹn, đến lúc lâm chung có đại-thiện-tâm tỉnh táo sáng suốt, muốn lựa chọn cõi trời dục-giới nào trong 6 cõi trời dục-giới, rồi sau khi người thiện ấy chết, đại-thiện-nghiệp giữ-giới ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới ấy đúng theo ý muốn lựa chọn của mình, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời dục-giới ấy cho đến khi hết tuổi thọ tại cõi trời dục-giới ấy.
Thật vậy, Đức-Phật dạy có 5 quả-báu của người thiện có giới, người thiện giữ gìn các điều-giới của mình trong sạch và trọn vẹn, có quả-báu thứ tư và quả-báu thứ năm rằng:
– Này các người tại gia! Người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn lúc lâm chung có đại-thiện-tâm tỉnh táo sáng suốt.
Đó là quả-báu thứ tư của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn.
– Này các người tại gia! Sau khi người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn chết, đại-thiện-nghiệp giữ giới cho quả tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện-dục-giới (cõi người, hoặc 6 cõi trời dục giới), hưởng mọi sự an-lạc trong cõi ấy.
Đó là quả-báu thứ năm của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn.
Như vậy, người thiện nào biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, biết tự trọng, tin nghiệp và quả của nghiệp, biết giữ gìn các điều-giới của mình trong sạch trọn vẹn, đến lúc lâm chung, người thiện ấy có đại-thiện-tâm giữ-giới tỉnh táo sáng suốt, có khả năng lựa chọn cõi trời dục-giới nào trong 6 cõi trời dục-giới. Sau khi người thiện ấy chết, đại-thiện-nghiệp giữ-giới trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới ấy theo ý muốn lựa chọn của mình, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời dục-giới ấy, cho đến khi hết tuổi thọ tại cõi trời dục-giới ấy.
Tích Dhammika upāsakavatthu được tóm lược như sau:
Một thuở nọ Đức-Thế-Tôn ngư tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthī, đề cập đến cận-sự-nam Dhammika.
Cận-sự-nam Dhammika đang lâm bệnh nặng đến lúc lâm chung, khi ấy, có 6 chiếc xe trời được trang hoàng lộng lẫy với 1.000 con ngựa báu từ 6 cõi trời dục-giới hiện xuống đều thỉnh mời cận-sự-nam Dhammika tái-sinh kiếp sau hóa-sinh trên cõi trời dục-giới của mình.
Khi ấy, cận-sự-nam Dhammika suy xét nên lựa chọn tái-sinh kiếp sau hóa-sinh lên cõi trời nào trong 6 cõi trời dục-giới. Sau khi suy xét xong, cận-sự-nam Dhammika lựa chọn cõi trời Tusita: cõi trời Đâu-suất-đà thiên. Sau khi cận-sự-nam Dhammika chết, đại-thiện-nghiệp trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời Đâu-suất-đà thiên đúng theo ý lựa chọn của mình.
Quả-báu của phước-thiện giữ-giới là như vậy, còn phước-thiện bố-thí như thế nào?
Đối với người thí-chủ nào đã tạo nhiều phước thiện đại-bố-thí, người thí-chủ ấy đến lúc lâm chung có khả năng lựa chọn cõi trời dục-giới nào trong 6 cõi trời dục-giới theo ý muốn của mình được hay không?
Sau khi người thí-chủ ấy chết, đại-thiện-nghiệp bố-thí trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi-kāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭi-sandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới ấy theo ý muốn lựa chọn của mình được hay không?
Nên tìm hiểu bài kinh Dānūpapattisutta, có một đoạn Đức-Phật dạy như sau:
“- Này chư tỳ-khưu! Có số thí-chủ trong đời này tạo phước-thiện bố-thí như cơm, nước, vải, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn, … đến Sa-môn, bà-la-môn.
Thí-chủ tạo phước-thiện bố-thí rồi cầu mong quả-báu của phước-thiện bố-thí ấy.
Thí-chủ nghe nói rằng:
Chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên có tuổi thọ sống lâu (1.000 năm cõi trời, nếu so với số năm cõi người thì bằng 36 triệu năm, bởi vì một ngày một đêm trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên bằng 100 năm cõi người), có sắc đẹp tuyệt vời, sự an-lạc vi-tế,… nên thí-chủ cầu mong rằng:
“Quý hóa biết dường nào! Sau khi tôi chết, cầu mong phước-thiện bố-thí này cho quả tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam (vị thiên-nữ) trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên ấy.”
Sau khi thí-chủ chết, đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam (vị thiên-nữ) trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên ấy.
Như-lai dạy rằng: Kiếp sau của thí-chủ được Thành tựu như ý, thì thí-chủ phải là người có các điều-giới của mình trong sạch trọn vẹn, thí-chủ không phải là người phạm điều-giới, không có giới (tañca kho sīlavato vadāmi, no dussīlassa).
– Này chư tỳ-khưu! Người thí-chủ có các điều-giới trong sạch trọn vẹn thì cầu mong được thành tựu như ý, nhờ đại-thiện-tâm trong sạch thanh-tịnh.” (Ijjhati bhikkhave! Sīlavato ceto-paṇidhi visuddhatā.)
Như vậy, dù thí-chủ nào có tạo phước-thiện đại-bố-thí nhiều bao nhiêu đi nữa, nhưng nếu thí-chủ phạm điều-giới nào, tạo ác-nghiệp điều-giới ấy. Sau khi thí-chủ ấy chết thì không thể ngăn cản được ác-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh).
Thật vậy, Đức-Phật dạy có 5 quả xấu, quả khổ của người phạm điều-giới, và 5 quả-báu của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn như sau:
* Quả khổ của người phạm giới (Dussīla ādīnava)
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn đang ngự tại ngôi làng Pāṭaligāma, dân làng Pāṭali đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Đức-Thế-Tôn truyền dạy dân làng Pāṭali rằng:
– Này các người tại gia! Có 5 quả xấu, quả khổ của người phạm giới, người không có giới. 5 quả xấu, quả khổ ấy là:
– Này các người tại gia! Trong đời này, người phạm giới, người không có giới làm tiêu hao của cải tài sản lớn lao, do nhân dể duôi.
Đó là quả xấu thứ nhất của người phạm giới, người không có giới.
– Này các người tại gia! Người phạm giới, người không có giới có tiếng xấu bị lan truyền khắp mọi nơi.
Đó là quả xấu thứ nhì của người phạm giới, người không có giới.
– Này các người tại gia! Người phạm giới, người không có giới có bất-thiện-tâm e ngại, sợ sệt khi đi vào nơi hội đoàn hoàng gia, hội đoàn gia chủ, hội đoàn Sa-môn, hội đoàn Bà-la-môn…
Đó là quả xấu thứ ba của người phạm giới, người không có giới.
– Này các người tại gia! Người phạm giới, người không có giới có ác-tâm mê muội lúc lâm chung.
Đó là quả xấu thứ tư của người phạm giới, người không có giới.
– Này các người tại gia! Sau khi người phạm giới, người không có giới chết, ác-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy.
Đó là quả xấu, quả khổ thứ năm của người phạm giới, người không có giới.
– Này các người tại gia! Đó là 5 quả xấu, quả khổ của người phạm giới, người không có giới.
* Quả báu của người có giới (Sīlavanta ānisaṃsa)
– Này các người tại gia! Có 5 quả-báu của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn. 5 quả-báu ấy là:
1- Này các người tại gia! Trong đời này, người có giới, người giữ gìn giới được trong sạch và trọn vẹn có nhiều của cải lớn lao, do nhờ nhân không dể duôi (có trí-nhớ biết mình).
Đó là quả-báu thứ nhất của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn.
2- Này các người tại gia! Người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn có danh thơm tiếng tốt được lan truyền khắp mọi nơi.
Đó là quả-báu thứ nhì của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn.
3- Này các người tại gia! Người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn có đại-thiện-tâm dũng cảm, không rụt rè e thẹn khi đi vào nơi hội đoàn hoàng gia, hội đoàn gia chủ, hội đoàn Sa-môn, hội đoàn Bà-la-môn…
Đó là quả-báu thứ ba của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn.
4- Này các người tại gia! Người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn có đại-thiện-tâm tỉnh táo sáng suốt lúc lâm chung.
Đó là quả-báu thứ tư của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn.
5- Này các người tại gia! Sau khi người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn chết, đại-thiện-nghiệp giữ giới cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới (cõi người, hoặc 6 cõi trời dục-giới).
Đó là quả-báu thứ năm của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn.
– Này các người tại gia! Đó là 5 quả-báu của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn như vậy.
Như vậy, đối với người phạm điều-giới, người không có giới, có quả xấu thứ tư là có ác-tâm mê muội lúc lâm chung và quả xấu thứ năm, sau khi người phạm giới, người không có giới chết, ác-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy.
Còn đối với người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn có quả-báu thứ tư là có đại-thiện-tâm tỉnh táo sáng suốt lúc lâm chung và quả-báu thứ năm, sau khi người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn chết, đại-thiện-nghiệp giữ giới cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới (cõi người, hoặc 6 cõi trời dục-giới).
Thật vậy, Chú-giải bài kinh Sakkapañhasutta, những người có giới trong sạch có thể lựa chọn cõi-giới tái-sinh kiếp sau một trong 6 cõi trời dục-giới theo ý muốn của mình như sau:
“Parisuddhasīlā nāma chasu devalokesu yatthicchanti, tattha nibbattanti.”
Những người nào có giới trong sạch trọn vẹn, lúc lâm chung có đại-thiện-tâm tỉnh táo sáng suốt muốn tái-sinh trên cõi trời nào trong 6 cõi trời dục-giới, thì sau khi những người ấy chết, dục-giới thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh trong cõi trời dục-giới ấy theo ý muốn của mình, và hưởng được mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.
Như Đức-Phât dạy về 5 quả-báu của người thiện giữ gìn giới của mình trong sạch và trọn vẹn. Trong quả báu thứ tư lúc lâm chung có đại-thiện-tâm tỉnh táo chọn lựa được cõi trời dục-giới nào mình muốn tái-sinh, và quả báu thứ năm, sau khi chết được tái-sinh cõi trời mình đã chọn.