II. Lục căn thu thúc giới (indriyasamvarasīla).

Đức Thế Tôn đã tự thuyết rằng: “Tỳ khưu đã thọ trì giới bổn rồi, nếu mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi hửi mùi, lưỡi nếm vị, thân tiếp xúc, tâm biết các pháp mà chẳng cảm xúc, tinh tấn gìn giữ lục căn, không cho ác pháp (tham, sân, si) đè nén được, như thế gọi là lục căn thu thúc giới”.

1.        Giải về tiếng “chẳng cảm xúc”

Chẳng cảm xúc là chẳng vì sự tiếp xúc mà cảm động, phân biệt rằng đây là phụ nữ, đây là nam nhân, đây đẹp, đây không đẹp, đây ngon, đây không ngon, v.v… chỉ phải ở trong phạm vi thấy nghe mà thôi.

2.        Giải về tiếng “tinh tấn gìn giữ lục căn”

Phải tinh tấn cẩn thận, chăm chỉ không cho lục trần thâm nhập lục căn, ngăn ngừa không cho cảnh nghịch làm cho phát sanh sự thương ghét vào nhiễu loạn tâm linh. Nếu có cảnh nghịch tiếp xúc, phải dùng trí nhớ cản ngăn, nghĩa là, đừng hững hờ để cho tâm duyên theo hoàn cảnh. Phải tinh tấn hành theo pháp ācāra và gocāra cho đều đủ (như đã giải trong đề Biệt biệt giải thoát thu thúc giới).

Sự tinh tấn như thế chỉ để ngăn ngừa lục căn không cho ác pháp (tham, sân, si) vào làm hại thiện pháp trong tâm. Bởi vì ác pháp vào được rồi, thì nó làm tiêu hoại các điều lành trong tâm, ví như đạo tặc vào nhà vậy.

3.        Thu thúc và không thu thúc

Trong Lục căn thu thúc giới có những điều để phân biệt pháp thu thúc với pháp không thu thúc, khi những điều ấy chưa phát sanh thì không thể gọi là thu thúc hoặc không thu thúc được.

Thế nào gọi là pháp thu thúc (samvaradharma), thế nào gọi là pháp không thu thúc (asamvaradharma)? 5 pháp để phân biệt thu thúc là: sīlasaṃvara: pháp thu thúc tức là giới; satisaṃvara: pháp thu thúc tức là trí nhớ; nānasaṃvara: pháp thu thúc tức là trí tuệ; khantisaṃvara: pháp thu thúc tức là nhịn nhục; viriyasaṃvara: pháp thu thúc tức là tinh tấn. 5 pháp để phân biệt không thu thúc: dussīla: phá giới; mutthasacca: hay quên; aññāna: không trí tuệ; akkhanti: không nhịn nhục; kosajja: lười biếng.

Giải: Khi 1 trong 6 trần tiếp xúc với 1 căn nào mà có 1 trong 5 pháp thu thúc phát sanh thì phải biết rằng căn ấy tỳ khưu đã thu thúc trong sạch rồi. Trái lại, nếu có 1 trong 5 pháp không thu thúc phát sanh, thì nên biết rằng căn ấy, tỳ khưu không thu thúc. Sự thu thúc và không thu thúc chẳng phải chỉ phát sanh trong 1 căn thôi đâu (chúng nó có thể phát sanh trong tất cả lục căn).

Muốn biết những sự thu thúc và không thu thúc phát sanh, cần phải biết con đường đi từng bậc của tâm. Đây xin giải: con đường đi của tâm trong nhãn căn. Khi sắc trần tiếp xúc mắt thì những hiện tượng biết động tiếp tục phát sanh, trước hết: 1) bhavanga: tâm thường tịnh phát sanh 2 sát-na (khana), nghĩa là rung động tâm thường tịnh 2 sát-na[7] rồi diệt; 2) kiriyāmanodhātu: là cái tâm tìm kiếm sắc trần làm cho sự tìm kiếm (āvajjanakicca) sắc trần ấy phát sanh 1 sát-na rồi diệt; 3)cakkhuviññāna: nhãn thức, nghĩa là sự biết sắc trong nhãn căn làm cho sự thấy (dussanakicca) sắc trần ấy phát sanh 1 sát-na rồi diệt; 4) vipākamanodhātu: tâm dung nạp sắc trần làm cho sự dung nạp ấy phát sanh lên 1 sát-na rồi diệt; 5) vipākahetuka manoviññānadhātu: tâm xem xét chu đáo làm cho sự xem xét chu đáo (santīranakicca) ấy phát sanh 1 sát-na rồi diệt; 6) kiriyāhetuka manoviññānadhātu: tâm ghi chép sắc trần làm cho sự ghi chép (voṭṭhapanakicca) ấy phát sanh 1 sát-na rồi diệt; 7) sau rốt javana: tâm tốc lực[8] tùy theo trạng thái của cảnh giới, làm cho phát sanh pháp thu thúc hoặc không thu thúc.

Khi tâm thường tịnh (bhavanga) mới phát sanh thì chưa được gọi rằng thu thúc hoặc không thu thúc. Chỉ đến khi sát-na javana phát sanh mới có thể nhất định được. Bởi tất cả các pháp để phân biện cho biết có thu thúc cùng không thu thúc đều chỉ phát sanh trong sát-na cuối cùng là javana thôi.

Chỗ nói “phải cẩn thận trí nhớ và ráng gìn giữ 6 căn không cho các pháp là tham, sân đè nén được” là chỉ rõ rằng: khi tham, sân không đè nén được thì gọi là thu thúc. Nếu để chúng nó đè nén được thì gọi là không thu thúc. Xin ví dụ cả thân thể như nhà, 6 căn như cửa ngoài nhà, đường đi của tâm ví như buồng trong nhà, trí nhớ như người giữ cửa. Tất cả 5 pháp thu thúc ví như cửa cái, 1 trong 6 trần ví như kẻ dắt đường, tham và sân ví như kẻ cướp; cả 5 pháp không thu thúc ví như bọn tùy tùng của kẻ cướp. Khi người gác cửa tức là trí nhớ quên phận sự mình thì tất nhiên kẻ dắt đường, chính là 1 trong 6 trần, sẽ thừa dịp ấy dẫn kẻ cướp, tức là tham và sân, vào nhà. Kẻ cướp ấy tức là tham, sân, ắt đem theo bọn tùy tùng, tức là 5 pháp không thu thúc xông vào phá buồng trong nhà, tức là đường đi của tâm, để cướp lấy tài sản, tức là thiện pháp (pháp thu thúc).

Vì vậy, cho nên cần phải tinh tấn giữ gìn 6 căn cho cẩn thận, chớ nên hờ hững để cho giác quan phóng túng như mắt hay xem sắc, tai hay nghe tiếng v.v… Những lời đã giải gọi là: “Lục căn thu thúc giới”

  1. Kết luận Lục căn thu thúc giới

Nhờ có trí nhớ mà tỳ khưu gìn giữ 6 căn được thanh tịnh, làm cho các ác pháp, nhất là tham, sân không thể đè nén cái tâm trong sạch được.

Có lời khen rằng “Thu thúc lục căn giới mà được kết quả mỹ mãn rồi, có thể bảo tồn giới bổn được lâu dài, ví như cây lúa mà người gìn giữ tốt tươi, là nhờ có hàng rào kín đáo, ví như tỳ khưu không thể bị đạo tặc phá quấy, tức là các phiền não vào làm hại, hoặc giả ví như 1 xứ kia được quan quân canh giữ các cửa thành rất cẩn thận làm cho bọn giặc không sao xâm nhập được”. Hiệp theo Phật ngôn rằng: Rupesu saddesu adhorasesu gandhesu, phassesu, ca rakkhatindriyaṃ ete hi dvārā pidahitā susamvutā na haranti gāmamva parassa hārino. Nghĩa là: Con người phải gìn giữ lục căn không cho điều nguy hiểm tai hại phát sanh, vì sắc, thinh, hương, vị, xúc, bởi khi các cửa nhất là nhãn căn, mà người đã đóng khít khao rồi, thì chẳng bị cái chi là hại được, ví như trong xứ mà người đã đóng kín cửa thành chắc chắn, thì đạo tặc cũng không sao vào phá hại dân chúng được.

Lại nữa, nếu tỳ khưu nào đã thu thúc lục căn rồi, vì lòng tham dục không sao phá hại tâm của vị đó được, ví như giọt mưa không thể xoi thủng mái nhà đã lợp khít khao vậy. Đúng theo Phật ngôn rằng: Yathā agāraṃ succhannaṃ vuṭṭhi na samativījjhati evaṃ subhāvitaṃ cittaṃ rāgo na samativījjhati. Nghĩa là: Giọt mưa không thể xoi thủng mái nhà mà người đã lợp khít khao thế nào, lòng tham dục cũng không sao xâm nhập vào tâm của người đã trau dồi đúng đắn được.

Những hành giả nào khi đã thấy rõ các đức của sự thu thúc và những tội của sự không thu thúc thì chẳng nên giải đãi, phải hết lòng tinh tấn gìn giữ lục căn theo lời chú giải sau này: Makkato va yāvajivika araññamhi vane bhanto migo viya bālo viya ca uttāsito na chavelolalocano adhe khipeyya cakkhūni yugamattadasso siyā vanamakkatalolassa na cittassa vasaṃ vaje. Nghĩa là: những người nào mong được sự lợi ích, thì mắt chẳng nên láo liên như khỉ trên cây, như thú nhút nhát trong rừng[9], như trẻ con sợ hãi vì xa thân quyến. Theo giới luật thì trong khi đi đứng phải ngó xuống, xem chung quanh mình lối 2 thước, chẳng nể chiều theo vọng tâm, xét cái này, suy cái khác như khỉ trong rừng vậy.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app