GIẢI VỀ PHÉP ĐẦU ĐÀ (DHUTANGAKATHĀ)

Tiếng đầu đà – dhutangakatha nghĩa là: Chi[26] của người dứt phiền não, hoặc tư cách có trí tuệ để dứt trừ phiền não, là điều kiện và là sự tu hành để phá huỷ nghịch pháp. Nói tóm tắt là tác ý để thọ trì chi ấy.

Đầu đà có 13 phép: 1) pamsukūkanga: chi của tỳ khưu là người có phẩm cách, thường mặc y ca-sa có trạng thái đáng gớm như phẩn đất; 2) tecīvarikanga: chi của tỳ khưu là người chỉ thường mặc tam y (y 2 lớp, y vai trái và y nội); 3) pindapātikanga: chi của tỳ khưu là người có phẩm cách thường đi để khất thực; 4) sapadānacārikanga: chi của tỳ khưu là người có phẩm cách để đi khất thực theo mỗi nhà; 5) ekāsanikanga: chi của tỳ khưu là người có phẩm cách chỉ thường dùng vật thực trong 1 chỗ ngồi; 6) pattapiṇḍikanga: chi của tỳ khưu là người có phẩm cách chỉ thường dùng vật thực trong 1 bát; 7) khalupacchābhattikanga: chi của tỳ khưu là người có phẩm cách không dùng vật thực mà mình đã ngăn, sau rồi mới được lại; 8) āraññikanga: chi của tỳ khưu là người có phẩm cách thường trú ngụ trong rừng; 9) rukkhamūlikanga: chi của tỳ khưu là người có phẩm cách trú ngụ gần cội cây; 10) abbhokāsikanga: chi của tỳ khưu là người có phẩm cách thường trú ngụ trong nơi khoảng trống; 11) sosānikanga: chi của tỳ khưu là người có phẩm cách thường trú ngụ trong rừng mộ địa; 12)yathāsanthatikanga: chi của tỳ khưu là người có phẩm cách chỉ ngụ trong chỗ mà tăng đã cho đầu tiên, không dời đổi; 13) nesajjikanga: chi của tỳ khưu là người thường có phẩm cách ngăn oai nghi nằm, chỉ đứng và ngồi.

Giải về cách thọ trì đầu đà (dhutangasamādāna vidhānādikathā).

Khi đức Thế Tôn còn tại thế, phải đối với Ngài mà thọ phép đầu đà. Sau khi Ngài nhập Niết-bàn rồi phải thọ với chư đại Thinh văn. Sau khi không còn chư đại Thinh văn, nên xin giữ với bậc A-la-hán, A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Tu-đà-huờn, với bậc thông hiểu Tam tạng hoặc 2 tăng, hoặc 1 tăng. Sau nữa nên xin với bậc đã hành phép đầu đà trước. Nếu không có, nên quét dọn tháp, chùa cho sạch, hết lòng thành kính lễ bái cúng dường như thuở đức Chánh Biến Tri còn tại tiền, rồi ngồi chồm hổm chắp tay xin thọ, bằng không thì thọ nơi mình cũng được.

1.      Cách thọ trì trong đầu đà thường mặc y ca-sa đáng gớm như phẩn đất (pamsukūlikanga).

Có 2 cách thọ: tôi xin ngăn[27] y ca-sa mà thí chủ dâng cúng (gahapatidānacivaraṃ patikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu, là người có phẩm cách thường mặc y ca-sa đáng gớm như phẩn đất (pamsukūlikāngam samādiyāmi). Trong 2 cách ấy muốn thọ theo cách nào tuỳ ý.

Hành giả khi đã thọ trì đầu đà này rồi, phải tìm 1 trong 23 thứ vải, kể dưới đây, kiếm thứ nào còn chắc, đem vá cắt, may làm ca-sa, rồi đổi bộ y mà thí chủ đã dâng cho mình đang dùng, mặc y đáng gớm ấy.

23 thứ vải đáng gớm ấy là: vải bỏ nơi mồ mả (sosānika); vải bỏ nơi quán hàng chợ (āpanika); vải dơ mà kẻ tín thí muốn bố thí đem bỏ giữa đường đi (rathiyacola); vải dơ bỏ nơi đống rác (sankāracola); vải chùi mình dơ rồi bỏ (sotthiya); vải dơ mà người bịnh mặc để cho thầy làm phép tắm rồi bỏ (nānacola); vải bỏ tại bến nước (titthacola); vải dơ bó tử thi rồi bỏ (gatapaccāgata); vải đã bị cháy 1, 2 chỗ rồi bỏ (aggidaḍḍha); vải bị bò xé rồi bỏ (gokhāyita); vải bị mối ăn rồi bỏ (upacikākhāyita); vải bị chuột cắn rồi bỏ (undīrakhāyita); vải rách bìa rồi bỏ (antacchinna); vải rách biên rồi bỏ (dasacchinna); vải làm cờ và phướng rồi bỏ (dhajāhata); vải rịt ghẻ rồi bỏ (thūpacivara); vải mà sa-môn bỏ (samanacivara); vải dùng trong việc tôn vương rồi bỏ (ābhisokika); vải của tỳ khưu ehibhikkhu[28] cho (iddhimaya); vải rơi rớt giữa đường đi (panthika)[29]; vải bị gió thổi bay, chủ bỏ (vātāhata); vải chư thiên đem bố thí, bỏ 1 nơi nào (devadattiya); vải bị sóng biển đáng tắp vào bờ (sāmuddiya).

Trong 23 thứ vải đã kể trên, khi tỳ khưu đã nguyện giữ đầu đà rồi, kiếm được và may đủ, thì phải bỏ y cũ (y đã mặc lúc còn ở chùa là của thí chủ dâng cúng). Không phép dùng y của thí chủ dâng đến tay, nếu tỳ khưu với nhau cho thì mặc được.

Tỳ khưu giữ đầu đà này có 3 bực. Bực thượng: Chỉ mặc tam y làm bằng vải dơ lượm nơi mộ địa. Bực trung: Làm bằng vải dơ của người bỏ. Bực hạ: Mặc tam y làm bằng vải dơ của thí cố ý làm phước, đem gần bỏ gần bên chân. Ba bậc tỳ khưu này nếu thọ lãnh y nơi tay thí chủ dâng cúng, gọi là phá phép đầu đà mà mình đã nguyện giữ.

Cho nên chẳng phải chỉ có đầu đà này đâu, đầu đà là 12 đầu đà sẽ giải ra phía sau, nếu tỳ khưu đã nguyện giữ rồi mà phá hư, nhưng cố ý hành nữa cần phải thọ mới lại.

Đầu đà này có 12 quả báu. 1) Nissayānurūpapatipattisabbhāvo: người có tư cách hành vừa theo phép nương[30] mà vị hoà thượng dạy bảo khi mới thọ cụ túc giới. 2) Pathame ariyavaṃse patiṭṭhānam: tư cách ở trong vòng thánh thứ nhất.[31] 3) Ārakkhadukkhābhāvo: không có khổ vì sự gìn giữ y. 4) Aparāvattavuttitā: không có sự quyến luyến vì kẻ khác. 5) Corabhayena abhayatā: không lo sợ vì kẻ cướp. 6) Paribhogataṇhāya abhāvo: không ham muốn trong sự thọ dụng. 7) Samanasārupparikkhāratā: người có vật phụ tùng vừa theo phận Sa-môn. 8) Bhagavata saṃvaṇṇitapaccayatā: người có vật dùng mà đức Thế Tôn khen ngợi. 9) Pāsādikatā: người đem đức tin đến kẻ khác. 10) Appicchatā dīnaṃ phalanipphatti: tư cách thành tựu các thứ quả, nhất là không tham hoặc ít tham. 11) Sammāpaṭipattiyā anubrūhanaṃ: tư cách làm cho chánh đạo được tăng trưởng. 12) Pacchimāya janatāya ditthānuggati āpādanam: tư cách làm mô phạm cho kẻ hậu lai. Ấy là 12 quả báo trong đầu đà mặc tam y đáng gớm mà tỳ khưu được gìn giữ chín chắn.

Kết luận trong đầu đà mặc tam y đáng gớm: Mārasenam vighātāya pamsukūladharo yati sannaddhakavaco yuddhekhattiyo viya sobhati pahāya kāsikādini varavatthāni dhāritam yaṃ lokagarunā ko tam pamsukūlaṃ na dhāraye tasmā hi attano bhikkhu patiññaṃ samanussaraṃ yogācārānukūlamhi pamsukūle rato siyā. Nghĩa là: “Bậc đế vương mang thiết giáp bền chắc trong nơi chiến trường thế nào, hành giả là người hành đầu đà mặc tam y đáng gớm, bền chắc trong tư cách sát hại quân ma cũng như thế ấy”.

Đức Thế Tôn là tổ sư của chúng sanh trong tam giới mà Ngài cũng bỏ các y quí giá, nhứt là y được ở xứ Kāsi, trở lại mặc y ca sa đáng nhờm gớm. Vậy tỳ khưu nào lại dám không mặc y ca sa đáng gớm ấy được. Cho nên hành giả khi đã nhớ đến lời nguyện của mình nên ưa thích trong y ca sa đáng gớm, vừa theo sự tinh tấn.

2.      Cách thọ trì trong đầu đà chỉ mặc tam y (tecīvarikanga).

Trong đầu đà này cũng có 2 cách thọ: tôi xin ngăn y thứ 4 (catutthakacīvaraṃpatikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu, người chỉ dùng tam y (tecīvarikangam samādiyāmi).

Trong 2 cách ấy muốn thọ theo cách nào tùy ý. Tỳ khưu hành đầu đà này, khi đã thọ trì nếu được vải để làm y (ngoài tam y cũ) mà chưa làm xong hoặc còn thiếu vải, thiếu kim, chỉ, được phép cất giữ vải ấy không có tội trong sự ưa thích y thứ tư, vì nguyện nhận cất giữ vải ấy. Nhưng khi đã nhuộm rồi, không nên để dành. Nếu còn tích trữ, gọi là kẻ cướp lớn về phần đầu đà.

Tỳ khưu giữa đầu đà này có 3 bậc. Bậc thượng: trong khi nhuộm y, nếu nhuộm y nội trước thì mặc y vai trái, y nội khô, lấy mặc vào rồi nhuộm y khác; muốn nhuộm y nội và y vai trái một lượt cũng được, nhưng phải ngồi gần chỗ phơi y, như có kẻ ngoài đi đến, nên lấy mặc vào, chẳng nên để thân trần truồng và mặc y 2 lớp. Bậc trung: nếu muốn nhuộm y 1 lượt thì được phép mặc đỡ y để nơi nhà nhuộm. Bậc hạ: trong khi nhuộm y được phép mặc đỡ y của vị khác (trong bọn) hoặc dùng ngoạ y cũng được. Ba bậc tỳ khưu này, nếu dùng đến tứ y, gọi là phá phép đầu đà mà mình đã nguyện giữ[32].

Phép đầu đà này có 11 quả báo: 1) Santuttho: được gọi là người có tri túc trong số y vừa đủ mặc; 2)Samādāyevagamanam: tư cách chỉ có tam y thôi, dường như loài chim[33] (bay đến nơi nào chỉ có cặp cánh); 3) Appasamārambhatā: người ít bận việc gì khỏi lo hong phơi hoặc xếp cất các y dư; 4)Vatthasannidhiparivajjanam: tư cách tu hành, không có sự gom thu để dành y; 5) Sallahuka vuttitā: người hành vi nhẹ nhàng mau mắn; 6) Atirekacivaralolupappahānam: tư cách dứt bỏ sự dứt bỏ sự ham muốn xấu sa thái quá trong y dư; 7) Kappiyemattakāritā: trạng thái có tiếp độ trong y vừa (đủ dùng)[34]; 8) Sallekhavuttitā: người tu hành làm cho phiền não trở nên nhẹ nhàng; 9)Appicchapādīnam phaḷanipphatti: tư cách thành tựu các thứ quả, nhất là không tham hoặc ít tham; 10) Sammāpatipattiyā anubrūhanam: tư cách làm cho chánh đạo được tăng trưởng; 11) Pacchimāya janatāya ditthanugati āpādanam: tư cách làm mô phạm cho kẻ hậu lai. Ấy là 11 quả báo trong đầu đà chỉ mặc tam y mà tỳ khưu đã được thọ trì chín chắn.

Kết luận trong đầu đà chỉ mặc tam y: Atirekavatthatanhaṃ pahāya sannidhivivajjito dhīro santosa sukharasaññu ticivaradharo bhavati yogī tasmā sapattacararano pakhīva sacīvarova yogivaro sukkha manuvicaritukāmo civaraniyam ratim kayirā. Nghĩa là: Hành giả là người có trí tuệ, biết lương vị của điều an vui phát sanh do sự tri túc, hằng dứt bỏ lòng ham muốn trong y dư quá số, các ngài năng lánh xa tư cách gom thu y dư để dành, chỉ dùng tam y thôi. Cho nên hành giả cao thượng (trong Phật pháp này), khi muốn đi đâu được an vui, chỉ nên có 3 manh y dính theo mình, dường như loài chim bay, chỉ có cặp cánh dính theo mình mà thôi. Phải nên vui thích trong y có hạn định ấy.

3.      Cách thọ trì đầu đà thường đi để khuất thực (pindapātikānga)

Trong đầu đà này cũng có 2 cách thọ: tôi xin ngăn lễ vật ngoài thực phẩm mà tôi đi xin được[35](atirekalābham patikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu là người có phẩm cách đi để khất thực (pindapātikangam samādiyāmi). Trong 2 cách ấy muốn thọ theo cách nào cũng được.

Hành giả đã nguyện thọ phép đầu đà này rồi không nên ưa thích trong 14 thực phẩm dư nữa (atirekalābha). 14 thực phẩm dư là: 1) sanghabhatta: thực phẩm mà thí chủ dâng đến tất cả chư tăng; 2) uddesabhatta: thực phẩm mà họ dâng đến 1 hoặc 2 vị tỳ khưu thế mặt cho tăng; 3)nimantanabhatta: thực phẩm họ thỉnh tỳ khưu đến rồi dâng; 4) salākabhatta: thực phẩm họ dâng theo cách rút thăm; 5) pakkhikabhatta: thực phẩm họ dâng trong 1 tuần, hoặc mỗi tháng chỉ có 1 ngày; 6) uposathikabhatta: thực phẩm họ dâng trong mỗi ngày lễ bát quan trai; 7) pātipadikabhatta: thực phẩm họ chỉ dâng trong ngày mùng 1 hoặc 16; 8) āgantukabhatta: thực phẩm họ dâng đến tỳ khưu ở xa mới đến; 9) gamikabhatta: thực phẩm họ dâng đến tỳ khưu sắp ra đi đường xa; 10) gilānabhatta: thực phẩm họ dâng đến tỳ khưu bịnh; 11) gilānupatthākabhatta: thực phẩm họ dâng đến tỳ khưu nuôi bịnh; 12) vihārabhatta: thực phẩm họ dâng đến chùa, đến thất; 13) dhurabhatta: thực phẩm họ để dành trong nhà có việc, rồi họ dâng;[36] 14) varabhatta: thực phẩm họ chia phần nhau dâng.

Trong cả 14 thực phẩm ấy, tỳ khưu hành đầu đà đi khất thực không nên thọ. Nhưng nếu thí chủ thông hiểu, không thỉnh rằng: “Ngài thọ trai tăng”, mà nói: “Xin đại đức tăng thọ thực trong nhà chúng tôi, ngài cũng vậy.” Như thế, tỳ khưu ấy thọ được, hoặc họ rút thăm để dâng các món thuốc không phải là vật ăn buổi sáng để phát sanh đến tăng, hoặc vật thọ thực nấu trong chùa, tỳ khưu ấy thọ cũng được.

Tỳ khưu hành đầu đà này có 3 bậc. Bậc thượng: Trong khi khất thực, nếu có tín thí do phía trước, hay là phía sau mà đến, hoặc lúc trở về thí chủ đem vật thực dâng cúng, thì được phép lãnh, trừ ra ngồi xuống rồi thì không được phép thọ. Bậc trung: Dầu ngồi xuống rồi cũng còn thọ lãnh được. Bậc hạ: Nếu có thiện tín thỉnh trước để dâng cơm cũng được. Ba bậc tỳ khưu này, nếu thọ lãnh 14 thứ vật thực đã kể trên, gọi là phá phép đẩu đà mà mình đã nguyện giữ.

Đầu đà này có 15 quả báo: 1) nissayānurūpapatipattisabbhāvo: người hành vừa theo phép nương[37]; 2) dutiye ariyavamse patitthānam: tư cách ở trong vòng thánh thứ nhì[38]; 3)apparāyattāvuttitā: người có sự không dính dấp vì nuôi kẻ khác; 4) bhagavatā samvannita paccayatā: người có vật dụng mà đức Thế Tôn hằng ngợi khen; 5) kosajjanimmathanatā: người có sự dứt bỏ tánh lười biếng; 6) parisuddhājivitā: người có sự tinh tấn trong cách nuôi mạng trong sạch; 7) sekhiyapatipattipūranam: phương pháp tư tập phép ưng học pháp; 8) aparapositā: người không cần phải nuôi kẻ khác vì biết tiết độ trong sự thọ lãnh;[39] 9) pāranuggahakiriyā: phương pháp tiếp độ kẻ khác vì sự thọ lãnh mỗi nhà mỗi chút; 10) mānappahānam: phương pháp dứt trừ tâm kiêu hãnh nghĩa là không chọn lựa vì trông cậy có vật thực khác; 11) rasatanhāya nivāranam: phương pháp ngăn sự mong mỏi trong vị ngon của vật thực khác; 12) ganabhojanaparamparabho janacāritta sikkhapadehi anāpattitā: người không phạm tội vì thọ ganabhojana, parampabhojana và cāritta[40] do không chịu mời thọ thực; 13) appicchatādīnam anulomavuttitā: người có tư cách hành vừa theo các đức tánh, nhất là không hoặc ít tham (appicchatā); 14) sammāpatipattibrūhanam: phương pháp làm cho chánh đạo được tăng trưởng; 15) pacchimājanatānukampanam: phương pháp tiếp độ kẻ hậu lai. Ấy là 15 quả báo trong đầu đà để đi khất thực mà tỳ khưu hành được chơn chánh.

Kết luận trong đầu đà đi để khất thực: Pindiyālopasantuttho aparāyattajīviko pahīnāhārololuppo hoticātuddiso yati vinodayati kosajjam ājīvassa visujjhati tasmā hinātimaññeyya bhikkhācāram sumedhaso. Nghĩa là: hành giả có sự vui thích bình đẳng trong hột cơm mà người cho từ vá, có tư cách không nuôi kẻ khác, đã dứt bỏ lòng ham muốn xấu xa trong vật thực, là người có thể đi đến bốn phương được dễ dàng, dứt trừ sự lười biếng, cách nuôi mạng của tỳ khưu ấy được trong sạch.

Cho nên người có trí tuệ cao thượng không nên khinh rẻ sự khất thực ấy. Thật vậy, tỳ khưu hành đầu đà “đi để khất thực” là người chỉ nuôi một thân mạng không phải nuôi kẻ khác. Như thế Chư thiên hằng yêu mến, trọng đãi và hộ trì, vì sự không mong được lễ vật và lời ngợi khen.

4.      Cách thọ trì trong đầu đà thường đi khất thực theo mỗi nhà (sapadānacārikanga)

Trong đầu đà này cũng có 2 cách thọ: tôi xin ngăn tư cách đi để khất thực theo ý muốn (loluppacārampatikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu là người có phẩm cách thường đi khất thực theo mỗi nhà (sapadānacārikangamsamādiyāmi). Trong 2 cách ấy muốn thọ theo cách nào tùy ý.

Tỳ khưu thọ phép đầu đà này, khi vào đến xóm nên đứng xem, e có điều rủi ro[41], nếu có sự biến cố nào, nên bỏ qua, đi đến nhà khác cũng được. Nơi nào quen chừng không được vật chi chút ít cả, nên cho rằng không phải là nhà thí rồi đi đến xóm khác. Song nếu được chút ít trong nơi nào, không nên bỏ qua và càn phải khất thực cho sớm, đặng phòng ngừa sự bỏ qua những nơi có điều rủi ro, để đi đến nơi khác không cho quá giờ, nếu có người bố thí trong chùa, hoặc gặp giữa đường, họ xin bát để vật thực đem đến dâng cũng được.

Tỳ khưu hành đầu đà này, trong lúc đi theo đường, nếu đến buổi ăn, không nên đi trớt, dầu không được vật thực hoặc được chút ít, cũng phải đi khất thực mỗi nhà.

Tỳ khưu hành đầu đà này có 3 bậc. Bậc thượng: Nếu có thí chủ đến do phía trước hoặc phía sau, hoặc lúc trở về, họ đem vật thực dâng cúng thì chẳng nên thọ, chỉ được phép lãnh khi đứng trước nhà. Bậc trung: được phép thọ, trừ ra khi đã ngồi xuống. Bậc hạ: ngồi xuống rồi cũng còn lãnh được. Ba bậc này, nếu đi khất thực theo ý muốn gọi là phá phép đầu đà mà mình đã nguyện giữ

Đầu đà này có 8 quả báo: 1) kulesu niccanavakatā: người thường đi xin trong các khoảng nhà; 2)cantupamatā: người lành ví như mặt trăng, vì không dính dấp trong nhà nào cả; 3)kulamaccherappahānam: tư cách dứt bỏ sự bón rít trong các nhà; 4) samānukampitā: người có sự tiếp độ bình đẳng đủ cả nhà; 5) kulupākīdenavābhāvo: người không có tội trong sự đi vào xóm; 6) avhananabhinandana: tư cách không vui thích lời họ kêu gọi thỉnh mời; 7) abhihārena anatthikatā: người không có sự cần dùng vật thực mà họ đem đến dâng; 8) appicchatādīnam anulomavuttitā: người có sự hành vừa theo các đức tánh, nhất là không tham hay ít tham. Ấy là 8 quả báo trong sự thọ đầu đà đi khất thực theo mỗi nhà mà tỳ khưu được thọ trì được chín chắn.

Kết luận trong đầu đà đi khất thực theo mỗi nhà: Candūpamo niccanavo kulesu amaccharī sabbasamānukampo kulūpakādīnavavippamutto hotīdhabhikkhu sapadānacārī loluppacāram pajahāya tasmā okkhittacakkhu yugamattadassī ākankhamāno bhuvisericāram careyya dhīro sapadānacāram. Nghĩa là: tỳ khưu hành đầu đà đi khất thực theo mỗi nhà, trong Phật pháp này, là người lành ví như mặt trăng, là người thường đi xin ăn, là người không bón rít trong các nhà, có sự tiếp độ bình đẳng đủ cả nhà, là người đã thoát khỏi tội, phát sanh do sự đi vào xóm.

Cho nên bậc trí tuệ, nếu muốn đi trên mặt đất theo sở thích, cũng phải dứt bỏ cách đi khất thực theo ý muốn, phải có cặp mắt ngó xuống, chỉ nên liếc xem ra 1 ách (2 sải) rồi nên hành đầu đà đi khất thực theo mỗi nhà.

5.      Cách thọ trì trong đầu đà thường ngồi ăn trong một chỗ (ekāsanikanga)

Trong đầu đà này cũng có 2 cách thọ: tôi xin ngăn tư cách ngồi ăn trong nhiều chỗ (nāsāsanabhojanam patikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu là người có phẩm cách chỉ ngồi ăn trong 1 chỗ (akāsanikangam samādiyāmi). Trong 2 cách ấy muốn thọ cách nào tuỳ ý.

Tỳ khưu thọ phép đầu đà này, trong nhà ăn, không nên ngồi trên chỗ của vị trưởng lão. Phải phân biện trước chỗ ngồi vừa theo địa vị mình, rồi mới nên ngồi. Khi đương ăn, nếu có ông thầy dạy đạo, hoặc vị hoà thượng đi đến nên đứng dậy làm lễ, nhưng không được trở lại ăn nữa.

Tỳ khưu hành đầu đà này có 3 bậc. Bậc thượng: dầu có vật thực nhiều hay ít, nếu có thò tay vào thì chẳng nên ăn vật nào khác thêm nữa. Bậc trung: nếu vật thực trong bát còn được phép thọ thêm. Bậc hạ: nếu chưa ra khỏi chỗ ngồi ăn, được phép lãnh thêm. Ba bậc này nếu ngồi ăn nhiều chỗ gọi là phá phép đầu đà mà mình đã nguyện giữ.

Đầu đà này có 8 quả báo: 1) appābādhatā: trạng thái người ít có bịnh; 2) appātankatā: trạng thái người sống không khổ, là khỏi bị khổ trong thân thể; 3) lahutthānam: cách trỗi dậy lẹ làng; 4)balam: có thân thể khỏe mạnh; 5) phasuvihāro: cách ở được an vui; 6) anatirittapaccayā anāpatti: không phạm tội vì thọ vật thực anatirittabhojana[42]; 7) rasatanhāyavinodanam: cách không mong được vị ngon; 8) appicchatādīnam anulomavuttitā: trạng thái người có sự hành vừa theo các đức tánh, nhất là không tham hay ít tham. Ấy là 8 quả báo trong đầu đà ăn trong 1 chỗ ngồi mà tỳ khưu thọ trì được chín chắn.

Kết luận trong đầu đà ăn trong một chỗ ngồi: Ekāsanabhojane rataṃ nayatim bhojanapaccayā rujā visahantirase aloluppo parihāpeti na kammamattano iti phāsuvihāra kārane suvisallekharatupasevite janaye thavisuddhamānaso ratimekāsanabhojaneyati. Nghĩa là: các thứ bịnh phát sanh do dùng vật thực, hằng không làm hại đến hành giả vui thích trong cách thường thọ thực trong 1 chỗ ngồi. Sự chẳng lựa chọn vị ngon hằng không làm cho tiêu hoại nghiệp tinh tấn của hành giả.

Cho nên, tỳ khưu là người có tâm trong sạch nên làm cho sự vui thích phát sanh trong đầu đà, chỉ nên ngồi ăn trong 1 chỗ là nguyên nhân làm cho cách ở được an vui.

6.      Cách thọ trì trong đầu đà thường ăn trong một bát (pattapindikānga)

Trong đầu đà này cũng có 2 cách thọ: tôi xin ngăn đồ đựng thứ nhì (dutiyabhājanam patikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu, là người có phẩm cách chỉ thường thọ thực trong 1 bát[43](pattapindikāngam samādiyāmi). Trong 1 cách ấy muốn thọ theo cách nào tuỳ ý.

Tỳ khưu thọ phép đầu đà này, khi dùng cháo phải để cháo trong đồ đựng, nếu được đồ an khô (khô, mắm) nên ăn đồ khô trước cũng được, húp cháo trước cũng được, để đồ ăn khô trong cháo e có mùi hôi tanh, ăn rồi mửa ra, nhưng nếu ăn được cũng tốt. Về mật ong, hoặc đường thì phải để chung vào ăn với cháo. Các vật ấy, tỳ khưu phải thọ cho có tiết độ. Trong khi ăn, nếu có nước chấm và củ, trái, rau, phải cầm ăn không tiện phải nên để vào bát.

Tỳ khưu hành đầu đà này có 3 bậc. Bậc thượng: ăn vào miệng rồi dầu gặp xương, gặp rác cũng chẳng nên nhả ra (trừ ra ăn mía được phép nhả xác). Bậc trung: ăn nhằm xương hoặc rác được phép nhả bỏ, nhưng không nên bóp, trộn vật thực trong bát rồi mới ăn. Bậc hạ: dầu trộn vật thực trong bát rồi mới ăn cũng được. Ba bậc này, nếu ăn ngoài bát thì gọi là phá phép đầu đà mà mình đã nguyện giữ.

Đầu đà này có 6 quả báo: 1) nānārasatanhāvinodanam: cách dứt bỏ sự mong mỏi trong vật thực có vị ngon; 2) atricchatayapahānam: cách dứt bỏ trạng thái người có sự ham muốn trong món ăn; 3)āhārepayojanamatta dassitā: trạng thái người thấy điều hữu ích về sự tiết độ trong vật thực; 4)thālakādipariharanakhedābhāvo: không có sự cực nhọc nhất là cất giữ vật thực; 5) avikkhittabhojitā: trạng thái người không có tâm thay đổi vật thực khác; 6) appicchatādinam anulomavuttitā: trạng thái người có cách hành vừa theo các đức tánh, nhất là không tham hay ít tham. Ấy là 6 quả báo trong đầu đà chỉ thường ăn trong một bát mà tỳ khưu thọ trì được chín chắn.

Kết luận trong đầu đà thường ăn trong một bát: Nānābhājanavikkhepam hitvā okkhittalocano khananto viya mūlāni rasatanhāya subbato sarūpam viya santutthim dhārayanto sumānaso paribhuñjeyya āhāram ko añño pattapindiko. Nghĩa là: hành giả là người dứt sự thay đổi trong nhiều món ăn khác, có cặp mắt ngó xuống, có hành vi chơn chánh, để đào bứng gốc rễ của lòng tham muốn, là người có thiện tâm hành phép tri túc, như người gìn giữ thân thể mình thế nào, thì tỳ khưu hành đầu đà chỉ thường ăn trong một bát, lẽ nào lại thọ thực (trong đồ đựng bát khác được).

7.      Cách thọ trì trong đầu đà ngăn atirittabhojana (khaluppacchābhattikanga)

Khi tỳ khưu đương ăn có thí chủ đem vật thực đến dâng trong hắc mà không lãnh gọi là “ngăn vật thực”. Đến khi đứng dậy khỏi chỗ ấy rồi mà dùng vật thực ấy hoặc vật thực khác, phải cho người làm theo luật (vinayakamma) mới ăn được. Không làm thì phạm ưng đối trị. Vật thực nhờ người làm vinayakamma được cho phép ăn nữa ấy gọi là atiritabhojana.

Trong đầu đà này có 2 cách thọ: tôi xin ngăn cách dùng (atirittabhojanam patikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu là người có phẩm cách không dùng vật thực đã ngăn rồi, mà sau lại được (khalupacchābhattikangam samādiyāmi). Trong 2 cách này muốn thọ theo cách nào tuỳ ý.

Tỳ khưu thọ đầu đà này, khi đã ngăn vật thực rồi không nên nhờ người làm cho vật thực dùng được đâu. Đầu đà này có nghĩa giống nhau với điều học (pathama pavāraṇā) nhưng đây cao thượng hơn.

Nên biết đầu đà này có nghĩa cao thượng hơn điều học pathama pavāraṇā như thế nào? Trong điều học pathama pavāraṇā nói: tỳ khưu đã ngăn vật thực rồi, khi đã đứng dậy khỏi chỗ ngồi, nếu nhờ người làm vinayakamma rồi thì ăn vật thực ấy được. Trong đầu đà này không phải như thế, dầu có là người làm vinayakamma cho thành vật ăn được, cũng không nên ăn, ấy là chỗ cao thượng hơn, đối với điều học pathama pavāraṇā.

Tỳ khưu hành đầu đà này có 3 bậc. Bậc thượng: khi đang cầm vật thực ăn mà ngăn vật thực của người dâng cúng thì chẳng được phép thọ thực phẩm còn lại trong bát. Bậc trung: đang ăn vật thực nào chỉ được phép ăn món ấy. Bậc hạ: được phép ăn cho đến khi đứng dậy. Ba bậc này, nếu đã ngăn vật thực rồi mà còn ăn nữa gọi là phá pháp đầu đà mà mình đã nguyện giữ.

Đầu đà này có 5 quả báu: 1) anatirittabho janāpattiyā durībhāvo: trạng thái người lánh xa khỏi sự phạm tội vì cách dùng vật thực anatirittabhojana[44]; 2) odarikattābhavo: không có cử chỉ người ăn quá no; 3) niramisasannidhita: trạng thái người không gom thu để dành vật thực; 4) punapariye sanāya abbāvo: không có cách tìm kiếm thêm nữa
5) appicchatādīnam anulomavuttitā: trạng thái người có cách hành vừa theo các đức, nhất là không tham hay ít tham. Ấy là 5 quả báo trong đầu đà này, mà tỳ khưu đã thọ trì chín chắn.

Kết luận trong đầu đà ngăn vật thực: Pariyesanāya khedaṃ na yāti na karoti sannidhiṃ dhiro odarikattaṃ pajahati khahipacchabhattiko yogītasmā sugatappasatthaṃ santosagunādivuḍḍhi sañjananaṃ dose vidhu nitukāmo bhajeyya yogīdhutangamidaṃ. Nghĩa là: Hành giả là người có trí tuệ, là người thọ trì chi của tỳ khưu có phẩm cách không dùng vật thực mà mình đã ngăn rồi sau khi được lại, là người không có sự khổ cực vì cách tìm vật dụng, không chất chứa vật thực, là người bỏ tư cách thọ thực quá no.

Cho nên, hành giả là người có trí tuệ, muốn dứt bỏ điều khổ não, nên hành đầu đà này mà đức Thiện Thệ hằng ngợi khen và đó là phương pháp làm cho tăng trưởng các đức tánh, nhất là đức tri túc.

8.      Cách thọ trì trong đầu đà thường nương ngụ trong rừng (araññikanga)

Trong đầu đà này cũng có 2 cách thọ: tôi xin ngăn cách ngụ nơi khoảng nhà trước khi mặt trời mọc (gāmantase nāsanaṃ patikkhi pāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu, là người có phẩm cách thường nương ngụ trong rừng (araññikangaṃ samādiyāmi). Trong 2 cách ấy muốn thọ theo cách nào tuỳ ý.

Tỳ khưu hành đầu đà này, khi đã thọ trì rồi, không nên ở trong khoảng nhà trước khi mặt trời mọc. Cần phải ngụ nơi rừng trước khi mặt trời mọc. Chỗ ở nơi khoảng nhà là nói về chỗ ở trong xóm.[45]Còn gọi là rừng ấy là chỉ về chỗ ngoài xóm và ngoài chỗ gần xóm. Chỗ nói xóm là: dầu xóm nào chỉ có 1 hoặc nhiều nhà có hàng rào hoặc vách tường, có tường xung quanh hoặc không có, có người ở hoặc không có, chỗ nào có bọn buôn bán đến trú ngụ trong nơi ấy hơn 4 tháng cũng đều gọi là xóm cả. Chỗ ở trong rừng nên đo từ ranh xóm (chỗ có nhà chòi, trạm nghỉ) cho xa được 1000 thước. Nếu không có ranh xóm, chòi, trạm nên đo từ chỗ cục đất mà người trai có sức lực bực trung liệng rớt ấy. Nếu gần xóm nghe tiếng người mà bị khuất núi, hoặc có sông ngăn, không có thể đi ngay tới được, nên đo theo đường mà họ thường đi tới lui. Nhưng không nên rào ngăn đường đi tắt gần của họ (nếu làm như thế gọi là “kẻ cướp lớn” về phần đầu đà này.

Đầu đà này có 8 quả báo: 1) bhabbo aladdhaṃ vā samādhiṃ paṭi laddhuṃ: người đáng đắc thiền định chưa đắc; 2) laddhaṃ vā rakkhituṃ: người có thể gìn giữ thiền định đã đắc; 3) satthāpissa attamano: đức Thiên Nhơn Sư hằng vừa lòng đối với tỳ khưu ấy; 4) asappāyarūpādayo cittaṃ na vikkhipanti: nhất là sắc trần là điều không vừa lòng, không sao quấy rối tâm tỳ khưu ấy được; 5)vigatasantāso: xa lánh khỏi sự kinh sợ; 6) jīvitanikantiṃ pajahati: có thể dứt bỏ sự vui thích trong sanh mạng được; 7) pavivekasukharasaṃ assādeti: được nếm mùi vị của sự an vui nơi thanh vắng; 8) paṃsukūlikādibhāvo: người có thể thọ trì đầu đà mặc y ca-sa đáng gớm dễ dàng được. Ấy là 8 quả báo đầu đà thường ngụ trong rừng.

Kết luận trong đầu đà thường ngụ trong rừng: Pavivitto asaṃsaṭṭo pantasenāsane rato ārādhayanto nāthassa vanavāsena mānasaṃ eko araññe nivasaṃ yaṃ sukhaṃ labhate yati rasaṃ tassana vindanti api devā sandakā. Paṃsukūlañca esovakavacaṃ viya dhārayaṃ araññasangā magato avasesadhutāyudho samattho nacirasseva jetuṃ māraṃ sabāhanaṃ tasmā araññavā samhi ratiṃ kayirātha paṇdito. Nghĩa là: Hành giả có tâm yên lặng, không lẫn lộn vì phe đảng, hằng vui thích trong nơi thanh vắng, là người có thể làm cho đức Phật được vừa lòng và khen rằng: Hành giả là người nương ngụ trong rừng một mình, hằng được an vui cho đến nỗi tất cả Chư thiên và Thiên đế cũng chẳng đặng nếm hương vị của sự an vui ấy. Như thế, nếu hành giả được hành thêm đầu đà mặc y đáng gớm làm thiết giáp rồi, xông vào chiến trường tức là rừng, dùng 11 pháp dhuta làm quân binh, thì có thể chiến thắng Ma vương cùng bọn quân ma được dễ dàng không lâu.

Cho nên, bậc trí tuệ cần phải vui thích trong phương pháp nương ngụ trong rừng.

9.      Cách thọ trì trong đầu đà thường nương ngụ gần cội cây (rukkhamūlikanga)

Trong đầu đà này cũng có 2 cách thọ: tôi xin ngăn chỗ ở có che lợp (channaṃ patikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu là người có phẩm cách thường nương ngụ gần cội cây (rukkhamūlikangam samādiyāmi). Trong 2 cách ấy, muốn thọ theo cách nào tuỳ ý.

Tỳ khưu hành đầu đà này, khi đã thọ rồi nên tìm nương ngụ gần cội cây, cây nào ở xa chùa, nhà, trừ ra cây chỗ ranh xóm, cây mà họ hay đến cúng vái, cây có dầu, cây có trái, có bông mà họ cần dùng, có dơi chim, cò ở.

Tỳ khưu hành đầu đà này có 3 bậc. Bậc thượng: chẳng nên lựa bóng cây theo ý mình, phải tránh các thứ cây đã kể trên, lấy chân đùa lá cây, để làm chỗ ở. Bậc trung: nếu có người nào ở gần, nhờ họ quét giùm cũng được. Bậc hạ: được phép cậy người ở chùa quét giùm và làm hàng rào cho. Bữa nào có nhiều người hội hiệp nơi ấy, phải tìm nơi khuất tịch khác. Ba bậc này, nếu vào ở nơi nào có che lợp đến mặt trời mọc gọi là phá phép đầu đà mà mình đã nguyện giữ.

Đầu đà này có 6 quả báo: 1) nissayānurūpapatipattisabbhāvo: người tu hành vừa theo phép nương mà vị hoà thượng đã dạy khi mới thọ cụ túc giới rằng: người xuất gia nên nương ngụ gần cội cây; 2)bhagavatā saṃvaṇṇitapaccayatā: người có vật dụng mà đức Thế Tôn hằng ngợi khen là vật dụng ít, dễ kiếm và không tội; 3) aniccasaññāsamuṭṭhapanatā: trạng thái có thể làm cho phép vô thường tưởng (aniccasaññā) phát sanh vì được thấy thường thường cái hiện tượng[46] của cây và lá; 4)senāsanamaccherakammārāmatānaṃ abhāvo: không bón rít trong chỗ ở và là người vui thích trong phận sự mình; 5) devatāhi sahavāsitā: trạng thái người được ở chung cùng với Chư thiên; 6) appicchatādīnaṃ anulomavuttitā: trạng thái người có phẩm cách tu hành vừa theo các đức tánh, nhất là không tham hay ít tham. Ấy là 6 quả báo trong đầu đà này mà tỳ khưu đã thọ trì được chín chắn.

Kết luận trong đầu đà thường nương ngụ gần cội cây: Vaṇṇito buddhaseṭṭhena nissayoti ca bhāsito nivāso pavivittassa rukkhamūlasamo kuto āvāsamaccheraharedevatā paripālite pavivitte vasanto hi rukkhamūlamhi subbato abhirattāni nīlāni paṇḍūni patitāni ca passanto tarupannāni niccasaññaṃ panūdati tasmā hi buddhadāyajjaṃ bhāvanābhiratālayaṃ vivittaṃ nātimaññeyyā rukkhamūlaṃ vicakkhaṇo. Nghĩa là: chỗ ở của tỳ khưu, là người có tâm yên lặng mà đức Phật hằng ngợi khen và giảng rằng: Chỗ ở trong rừng là nơi nương náu của bậc xuất gia, chẳng có chi sánh bằng. Tỳ khưu ngụ trong rừng là nơi thanh vắng, có thể dứt bỏ được sự bón rít trong thất, có Chư thiên nương theo rừng hộ trì nữa. Chẳng phải có thế thôi, tỳ khưu là người ở gần cội cây, khi thấy lá mới trổ tươi xanh hoặc lá cây chín có màu vàng đã rụng, có thể dứt trừ phép thường tưởng[47] (niccasaññā).

Bởi cớ ấy, bậc có trí tuệ không nên khinh rẻ chỗ yên lặng gần cội cây, là chỗ của đức Chánh Biến Tri đã ngự, là nơi cư trú của các hành giả ưa thích trong phép thiền định.

10. Cách thọ trì trong đầu đà thường ngụ trong khoảng trống (abbhokasikanga).

Trong đầu đà này cũng có 2 cách thọ: tôi xin ngăn chỗ ở che lợp và chỗ ở gần cội cây (channanca rukkhamūlanca patikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu là người có tư cách thường nương ngụ trong khoảng trống (abbhokāsikangam samādiyāmi). Trong 2 cách ấy muốn thọ theo cách nào tuỳ ý.

Tỳ khưu hành đầu đà này, nếu vào tịnh xá để nghe pháp, hoặc làm lễ uposatha mà có mưa, không nên vội ra đi, chờ cho mưa tạnh sẽ đi, hoặc đã vào nhà ăn, nhà khói đã làm phận sự (giúp việc cho vị trưởng lão, cho tăng cũng nên). Nếu đi theo đường có cầm vật phụ tùng của vị trưởng lão mà mắc mưa nên vào đụt mưa trong các phước xá (nhà trạm) cất giữa đường cũng được, dầu không có cầm vật chi của vị trưởng lão, vào nơi ấy đụt mưa cũng nên, song phải đi chậm rãi, hoặc không nên tính ở nghỉ trong phước xá ấy.

Tỳ khưu hành đầu đà này có ba bậc. Bậc thượng: Chẳng nên ở dưới bóng cây, trong núi, nhà mát. Bậc trung: Nếu có việc phải vào nhà không lỗi. Bậc hạ: Vào nghỉ các nơi ấy cũng được nhưng không nên ở đến mặt trời mọc. Ba bậc này nếu ở trong các nơi có che lợp, hoặc dưới cội cây hoặc ở chỗ che lợp đến mặt trời mọc, gọi là phá phép đầu đà mà mình đã nguyện giữ.

Quả báo trong abbhokāsikanga – đầu đà này có 5 quả báo: 1) āvāsapaliboddhupacchedo: cách dứt bỏ sự bận trong tịnh thất (chùa); 2) thīmamiddhappanīdanaṃ: cách dứt trừ sự lường biếng trong thân tâm; 3) nissangatā: trạng thái người không bận lòng vì sự lo gìn giữ chỗ ở; 4) catuddisatā: trạng thái người đi đến 4 phương được, không có sự trở ngại, vì khỏi lo sợ không có chỗ ngụ; 5)appicchatādīnaṃ anulomavuttitā: trạng thái người có sự hành vừa theo các đức tánh, nhất là không tham hay ít tham. Ấy là 5 quả báo trong đầu đà này mà tỳ khưu thọ trì được chín chắn.

Kết luận trong đầu đà ngụ trong khoảng trống: Anagāriyabhāvassa anurūpe adullabhe tārāmani vitānamhi candadi pappabhāsite abbhotāse vasaṃ bhikkhu migabhūtena cetasā thinamiddhaṃ vinodetvā bhavanārāmataṃ sito pavivekarasassādaṃ nacirasseva vidatiyasmā tasmāhisappañño obhokāse ratosiyā. Nghĩa là: Hành giả không gìn giữ chỗ ở, ví như thú rừng, hằng nương theo trạng thái vui thích trong phép thiền định, tìm kiếm chỗ ngụ trong khoảng trống, là nơi vừa cho hàng xuất gia, lấy các ngôi sao làm trần, có ẩn dạng ngọc mã não, lấy mặt trăng làm đèn để soi sáng, có thể dứt trừ sự lười biếng trong thân tâm và không bao lâu sẽ được hưởng điều vui thích trong hương vị của pháp yên lặng.

Cho nên, hành giả là người có trí tuệ nên ưa thích trong khoảng trống như thế.

11. Cách thọ trì trong đầu đà thường ngụ nơi mộ địa (sosānikanga).

Trong đầu đà này cũng có 2 cách thọ: tôi xin ngăn chỗ không có mồ mả (sasusānaṃ patikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu là người thường có phẩm cách thường nương trong nơi mộ địa (sosānikangaṃ samādiyāmi). Trong 2 cách ấy muốn thọ theo cách nào tuỳ ý.

Nơi thiêu người hoặc chôn tử thi dầu là họ còn đương thiêu hoặc chôn thường ngày hay là đã bỏ từ 12 năm rồi, cũng gọi là mộ địa. Những nơi nào họ nói là mộ địa mà chưa từng thiêu hoặc chôn tử thi, không gọi là mộ địa được. Thật vậy, tỳ khưu ngụ trong mộ địa không nên bảo người làm chỗ đi kinh hành, chỗ để giường chõng, không nên chứa nước uống, tắm, rửa hoặc dạy người học kinh luật. Vì đầu đà này trọng lắm, cần phải ngừa sự rủ ro. Phải trình cho vị trưởng lão trong chùa và các viên chức việc trong làng, tổng hay trước, rồi mới được phép vào ngụ, không nên dể duôi. Khi đi vào, phải theo đường lộ, đến khi đi kinh hành phải liếc mắt xem chỗ thiêu hoặc chôn tử thi. Ban ngày nên phân biện cho rồi chỗ có cây, đá, gốc cây; nếu có phi nhơn[48] kêu la trong ban đêm, không nên dùng vật chi để đánh đập, đuổi xô đâu. Cần đi đến mộ địa mỗi ngày, nếu đi vào nơi ấy lúc nửa đêm, khuya rồi trở về cũng được. Không nên ăn mè, bột trộn, với đậu rājamāsa, cá, thịt, hoặc bánh trộn với sữa tươi, dầu và đường mía, là vật vừa miệng của hành phi nhơn. Chẳng nên đi vào đình, miếu cất trong nơi ấy.

Tỳ khưu hành đầu đà này có 3 bậc. Bậc thượng: nên ở trong nơi nào mà họ thường chôn hoặc thiêu tử thi hoặc thường đến chôn ấy mà than khóc. Bậc trung: nơi nào không thường chôn hoặc thiêu tử thi cũng ở được. Bậc hạ: nơi nào có chôn hoặc thiêu tử thi một đôi lần cũng ở được. Ba bậc này nếu lúc canh 5 (là canh chót, ít hơn hết) mà chẳng vào ở nơi mồ mả gọi là phá phép đầu đà mà mình đã nguyện giữ.

10 quả báo trong sosānikanga: 1) maranassaṭipatilābho: phương pháp đắc phép niệm sự chết do được thường thấy tử thi; 2) appamādavihāratā: trạng thái người không dể duôi, nhờ cách đắc phép niệm về sự chết; 3) asubhanimittādhigamo: phương pháp tham thiền thấy cảnh tử thi, do được xem tử thi bỏ trong mộ địa; 4) kāmarāgavinodanaṃ: cách dứt giảm tình dục về sự tham thiền thấy cảnh tử thi ấy; 5) abhiṇhaṃ kāyasabhāvadassanaṃ: cách thường thấy trạng thái của thân thể không sạch; 6) saṃvegabahulatā: trạng thái người có nhiều sự cảm sợ (samvega) do đắc phép niệm về sự chết; 7) ārogyamadādippahānaṃ: cách dứt bỏ sự say mê, do được thấy người bịnh trong nơi ấy; 8) bhayabheravasahanatā: trạng thái người kiên nhẫn trong điều kinh sợ đáng ghê gớm vì quen gặp cảnh đáng ghê tởm; 9) amanussānaṃ garubhāvaniyatā: trạng thái người có phẩm cách đáng cho phi nhơn tôn kính và ngợi khen; 10) appicchatādinaṃ anulomavuttitā: trạng thái người có sự hành vừa theo các đức tánh, nhất là không tham hay là ít tham. Ấy là 10 quả báu trong đầu đà này mà tỳ khưu thọ trì được chín chắn.

Kết luận trong đầu đà thường ngụ trong nơi mộ địa: Sosānikañhi maranānusa dippabhāvā niddāga tampi na phusanti pamādadosā sampassato cakunapāni bahūni tassa kāmānurāgavasagampi na hoti cittaṃ saṃ vegameti vipulaṃ na madaṃ upeti sammā atho ghataṭi nibbutimesamāno sosānikangamitineka guṇāvahattā nibbānaninnahadayena nisevitabbaṃ. Nghĩa là: tỳ khưu là người ngụ trong mộ địa, dầu muốn ngủ trong nơi ấy cũng trái lẽ, vì không bị các sự dể duôi tiếp xúc do thắng lực của phép thiền định về sự chết đã đắc trong nơi ấy. Chẳng phải có thế thôi, tâm của tỳ khưu ấy khi đã thường thấy tử thi thì không sao bị tình dục lôi cuốn mà chỉ có nhiều samvega[49]không say mê.

Cho nên, hành giả mong đạt đến Niết-bàn là nơi dứt khổ, phải tinh tấn hành đầu đà này, nhờ tâm chơn chánh xu hướng về Niết-bàn do phép đầu đà thường ngụ trong mộ địa là pháp đem đến rất nhiều đức tánh như đã có giải.

12. Cách thọ trì trong đầu đà thường ở trong chỗ tăng đã cho đầu tiên không dời đổi (yathāsanthatikanga)

Trong đầu đà này cũng có 2 cách thọ: tôi xin ngăn sự chọn lựa chỗ ở (senāsanalolupaṃ paṭikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu là người có phẩm cách thường ở trong chỗ mà tăng đã cho đầu tiên, không dời đổi (yathāsathatikangaṃ samādiyāmi). Trong 2 cách ấy muốn thọ theo cách nào tuỳ ý.

Hành giả thọ đầu đà này, nếu tỳ khưu thế mặt tăng cho chỗ ở đầu tiên thế nào, thì phải vui thích theo chỗ ở ấy thôi, không được tìm hỏi, hoặc đi lựa chỗ ở nào khác.

Tỳ khưu hành đầu đà này có 3 bậc. Bậc thượng: chẳng nên hỏi thăm chỗ ở của mình xa hay gần, hoặc có ma quỷ phá quấy hay chăng? Giáo hội định chỗ nào phảỉ ở nơi ấy. Bậc trung: được phép hỏi, nhưng chẳng nên đi xem chỗ ở theo ý mình. Bậc hạ: được phép hỏi và đi xem chỗ ở, nếu không vừa ý cũng không nên xin đổi chổ. Ba bậc này, nếu đã phát lòng tham muốn chỗ ở theo ý mình, gọi là phá phép đầu đà mà mình đã nguyện giữ.

Đầu đà này có 6 quả báo: 1) ovādakaraṇaṃ: được gọi là hành theo lời dạy của đức Thế Tôn. Ngài có giải rằng: chỗ ở mà mình đã được rồi, thì mình phải nên vui thích theo chỗ ấy, không nên dời đổi như thế; 2) sabramacārīhitesitā: trạng thái người tìm điều lợi ích cho hàng phạm hạnh cùng nhau là nhường chỗ ở khác cho các vị khác; 3) hīnapanītavikappariccāgo: cách dứt bỏ sự phân biện, thấp hèn hay là cao sang; 4) anurodhavirodhappahānaṃ: phương pháp dứt bỏ sự vừa lòng và điều trái ý được; 5) atricchatāyadvārapidahanaṃ: cách cấm ngăn sự ham muốn đã qua[50]; 6) appicchatādinaṃ anulomavuttitā: trạng thái người có cách hành vừa theo các đức tánh nhất là không tham hay là ít tham. Ấy là 6 quả báo trong đầu đà thường ở chỗ mà tăng già đã cho mà tỳ khưu thọ trì được chín chắn.

Kết luận trong đầu đà thường ngụ trong chỗ tăng đã chỉ cho đầu tiên không dời đổi: Yaṃ laddhaṃ tena santuṭṭho yathāsan thatiko yati nibbikappo sukkhaṃ seti tina santhara kesupi na so rajjāti seṭṭhamhi hīnaṃ laddhā na kuppati brahmacārinavake hitena anukampati tasmā ariyatācaṇṇaṃ munipunga vavaṇṇitaṃ anuyruñjetha medhāvī yathāsantarāmataṃ. Nghĩa là: hành giả có sự tri túc trong chỗ ở, được sao ở vậy, là người ngụ chỗ mà tăng cho, không tìm ở chỗ cao sang, thì hằng ngủ được an vui, dầu là nằm trên chiếu cỏ. Người không vui thích trong chỗ quí trọng, dầu được chỗ thấp hèn cũng chẳng bất bình hờn giận, mới đáng gọi là người tiếp độ các hàng phạm hạnh mới xuất gia cho được điều lợi ích.

Bởi cớ ấy, bậc trí tuệ nên có lòng vui thích trong chỗ ở mà tăng đã cho, là cổ lệ của hàng thánh nhơn, mà đức Phật đã thường khen ngợi.

13. Cách thọ trì trong đầu đà ngăn oai nghi nằm (nesajjikanga)

Trong đầu đà này cũng có 2 cách thọ: tôi xin ngăn oai nghi nằm (seyyaṃ paṭikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu là người có phẩm cách ngăn oai nghi nằm và thường dùng oai nghi ngồi (nesajjikangaṃ samādiyāmi). Trong 2 cách ấy muốn thọ theo cách nào tuỳ ý.

Tỳ khưu đã nguyện hành đầu đà này rồi, ban đêm, trong 3 canh đi kinh hành trọn một canh cũng được, nhưng không nên nằm.

Tỳ khưu hành đầu đà này có 3 bậc. Bậc thượng: dầu dựa mình vào đâu cũng chẳng được. Bậc trung: Được phép dựa. Bậc hạ: Nếu dùng giường ghế theo luật định cũng được (trừ ra không nên nằm). Ba bậc này nếu nằm trước mặt trời mọc, gọi là phá phép đầu đà mà mình đã nguyện giữ.

Quả báo đầu đà nesajjikanga (đầu đà ngăn oai nghi nằm) – đầu đà này có 5 quả báo: 1)cetasoviniban dhassa upacchedanaṃ: phương pháp nhất là dứt trừ cái tâm đã quen thỏa thích trong sự mê ngủ; 2) sabbakammatthānānayogasappāyatā: trạng thái của oai nghi được sự an vui đến phẩm cách tinh tấn trong cách thiền định[51]; 3) pāsadikariyāpathatā: trạng thái người có oai nghi đem sự tín ngưỡng đến nhiều người; 4) viriyārambhānukulatā: trạng thái vừa đến người có chi tinh tấn; 5) sammāpatipattiyāsamupabrūhanaṃ: phẩm cách phát sanh sự tu hành chơn chánh. Ấy là 5 quả báo trong đầu đà mà tỳ khưu đã thọ trì được chín chắn.

Kết luận trong đầu đà ngăn oai nghi nằm: ābhuyitvāna pallaṅkaṃ panidhaya ujuṃ tanuṃ nisīdānto vikampeti mārassa hādayaṃ yati seyyasukhaṃ middhasukhaṃ hitvā āraddhaviriyo nisajjā bhirato bhikkhu sobhayanto tapovanaṃ nirāmisaṃ pītisukhaṃ yasmā samodhigacchati tasmā samanuyuñjeyya dhīro nesajjikaṃ vataṃ. Nghĩa là: Hành giả ngồi bán già, thân hình cho ngay thẳng, có thể làm cho tâm của Ma Vương phải rung động; tỳ khưu là người có tâm tinh tấn dứt bỏ cách nằm và ngủ cho vui sướng, chỉ ưa thích trong oai nghi ngồi, làm cho rừng, tức là tapadhamma[52] được soi sáng rõ ràng, hằng được phỉ dạ[53] vừa lòng không có amisa[54].

Bởi cớ ấy, bậc có trí tuệ nên giữ gìn phép đầu đà nesajjika này cho được chín chắn.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app