IV. Quán tưởng về thọ vật dụng giới (paccayasannissitasīla).

Giới nương theo 4 vật dụng là nói về tư cách dùng 4 món ấy được trong sạch, nhờ phép quán tưởng.

Tiếng “vật dụng” là nói về vật phải dùng mới có thể sống được. Vật dụng ấy có 4 loại là: civara: vật để mặc, đắp, trùm cho kín thân thể; piṇdapāta: vật để duy trì thân thể; senāsana: chỗ ngồi, chỗ nằm để cho thân thể an nghỉ; gilānabhesajja: thuốc chữa bịnh để hộ thân thể.

Tất cả chúng sanh trong thế gian đều phải dùng 4 vật ấy dầu thế nào cũng phải nhờ 1 trong 4 món ấy mới có thể sống còn được, nên gọi là vật dụng.

1.      Cách thức quán tưởng

Về Dhātupaccavekkhana phải quán tưởng chung với thân thể của mình cho thấy chỉ là nguyên chất “dhātu”, để dứt bỏ sự cố chấp là “ta” hay là “của ta”.

Về patikūlapaccavekkhana phải quán tưởng chung với thân thể của mình cho thấy là vật không sạch, đáng nhờm gớm, để dứt bỏ sự phân biện sai lầm, cho là đẹp là sạch. Nếu trong piṇḍapātapaccaya thì kể vào trong phép thiền định aharapatikūla manasikāra.

Về taṃkhaṇikapaccavekkhana phải quán tưởng trong khi dùng.

Còn về atītapaccavekkhaṇa thì phải quán tưởng thêm khi đã dùng rồi, nội ngày ấy để ngừa, e quên không được quán tưởng trong khi dùng, hầu ngăn lắp lòng ái dục không cho tâm khắn khít trong vật dụng, nhất là để phá huỷ tình dục, sân hận, si mê và ngã chấp không cho phát sanh vì sự thọ dụng ấy.

Nếu tỳ khưu dùng vật dụng mà không quán tưởng, thì sự thọ dụng đó nó chỉ đem lại những thống khổ trong đường dữ, như có Phật ngôn rằng: Ayasāva malaṃ samutthāyataddutthāya, tamava khādati evaṃ atidhonacārinaṃ sānikammāni nayanti duggatiṃ. Nghĩa là: Vật đó sanh từ nơi sắt[14], ra từ nơi sắt, trở lại ăn sắt thế nào, thì các điều tạo tác phát khởi trong tâm, hằng dắt dẫn người làm sái, không cho quán tưởng vật dụng rồi dùng, nên phải chịu sa vào cảnh khổ, cũng như thế ấy.

2.      Giải về 4 phần thọ dụng

Sự dùng vật dụng chia ra có 4 phần: 1) dùng như kẻ trộm (theyyaparibhoga): là sự dùng của tỳ khưu phá giới; 2) dùng như kẻ mắc nợ (inaparibhoga): là sự dùng của tỳ khưu có giới nhưng không được quán tưởng; 3) dùng như của di sản phải được (dāyajjaparibhoga): là sự dùng của bậc hữu học[15]; 4) dùng như của người chủ (sāmiparibhoga): là sự dùng của hàng vô học (A-la-hán).

Trong sự dùng thứ nhất theyyaparibhoga giải rằng: tỳ khưu phá giới, rồi ẩn mình núp lén thọ vật dụng của thí chủ chung với tăng gọi là trộm vật dụng của thí chủ đem dùng, vì thí chủ chỉ tìm dâng cúng đến tỳ khưu có giới để mong hưởng được nhiều quả phước. Chẳng phải họ tìm dâng đến tỳ khưu phá giới đâu, tỳ khưu phá giới cố ý che mắt người, thọ lãnh và dùng vật dụng, cho nên gọi là trộm của thí chủ. Chẳng những chỉ thế thôi cũng còn gọi là cướp của các tỳ khưu có giới trong sạch nữa. Vì các vật họ dâng cho sự tín ngưỡng ấy, đức Thế Tôn chỉ cho phép các bậc tỳ khưu có giới được thọ hưởng, mà tỳ khưu phá giới lại ẩn mình, che mắt thí chủ, nhận lãnh để dùng. Cho nên gọi là cướp đoạt vật dụng của tỳ khưu có giới.

Trong inaparibhoga giải rằng: tỳ khưu có giới trong sạch, nhưng dùng vật mà không được quán tưởng trong 3 thời, theo 1 trong 4 phép quán tưởng, như thế gọi là dùng vật như kẻ mắc nợ. Tỳ khưu mắc nợ của thí chủ không có thể vẫy vùng cho khỏi khổ sanh tử được, ví như người thiếu nợ không sao đi đến xứ nào theo sở thích được. Bởi cớ ấy, tỳ khưu có giới trong sạch nên quán tưởng trong ý mỗi lần mặc, trong mỗi miếng cơm, trong mỗi chỗ ở, mỗi khi đi vào ngủ. Lúc dùng thuốc, phải quán tưởng luôn trong khi thọ lãnh và trong khi uống.

Trong dāyajjaparibhoga giải rằng: Bậc thánh nhơn hữu học như con của đức Thế Tôn đều được phép thọ lãnh di sản của Ngài. Bốn món vật dụng mà thí chủ hằng bố thí bằng đức tin, ví như di sản của Ngài để lại cho các con. Bởi cớ ấy, sự dùng 4 món vật dụng của bậc hữu học, gọi là dùng di sản mà các bậc hữu học có quyền phải được. Sự dùng của tỳ khưu có giới và được quán tưởng gọi là không mắc nợ (ānanaparibhoga). Như thế cũng được, vì trái hẳn với inaparibhoga hoặc gọi là dāyajjaparibhoga cũng được, vì tỳ khưu có giới ví cũng như bậc hữu học vậy.

Trong sāmiparibhoga giải rằng: Các bậc vô học đã thoát khỏi vòng nô lệ của sự ham muốn. Các ngài được danh hiệu là chủ của vật dụng, vì các ngài dùng vật của người nào, hằng làm cho người ấy được mãn nguyện.

Trong 4 phần thọ dụng ấy có sāmiparibhoga là cao thượng hơn tất cả, dāyajjaparibhoga cao thượng bực trung, còn theyyaparibhoga và inaparibhoga thì không gọi là cao thượng được.

Trong 4 món vật dụng và 4 phép quán tưởng, nếu tỳ khưu không được quán tưởng đều đủ cả vật dụng, đều đủ các phép quán tưởng, chỉ được quán tưởng 1 vật dụng và 1 phép nào trong ngày 1 đêm, vậy paccayasannitasīla của tỳ khưu ấy có hư hoại không, có phạm tội không, do cớ nào? Như thế, paccayasannissitasīla, chưa hư hoại vì giới ấy trong sạch do sự quán tưởng. Miễn là được quán tưởng rồi, dầu chỉ quán tưởng 1 phép trong vật dụng nào 1 lần, hoặc 2 lần cũng được gọi là chưa hư hoại. Trừ ra đến mặt trời mọc lên mà không được quán tưởng lần nào, mới gọi là hư hoại, và tỳ khưu ấy phải bị ở trong vòng inaparibhoga nữa. Ấy là nói về 3 vật dụng trên. Còn về thuốc men, phải quán tưởng trong khi thọ và khi dùng mới nên, nếu không được quán tưởng trong khi thọ, chỉ phải quán tưởng trong khi dùng cũng được. Nếu không được quán tưởng khi dùng, dầu có quán tưởng trong khi thọ cũng phạm tác ác, pātimokkhasamvarasīla cũng hư hoại nữa, nhưng paccayasannissitasīla chưa sao, chỉ khi giới hạn của atītapaccavekkhaṇa đã qua rồi mới hư hoại vì tamkhanikapaccavekkhaṇa trong gilānapaccava gìn giữ được cả pātimokkhasamvarasīla và paccayasannissitasīla, còn atītapaccavekkhaṇa chỉ gìn giữ được paccayasannissitasīla thôi, nghĩa là nếu chỉ được quán tưởng tamkhanikapaccavekkhaṇa rồi atītapaccavekkhaṇa không cần quán tưởng cũng được. Cả 2 giới cũng không hư hoại, nếu không được quán tưởng tamkhanikapaccavekkhaṇa, dầu có quán tưởng atītapaccavekkhaṇa, thì chỉ được có paccayasannissitasīla, còn pātimokkhasamvarasīla phải hư hoại vì tỳ khưu ấy đã phạm tác ác rồi.

3.      Kết luận trong thọ vật dụng giới (avasāna kathā paccayasannissita sīla)

Thật vậy, thọ vật dụng giới này, hành giả được kết quả nhờ thế lực của trí tuệ, nghĩa là trí tuệ là pháp hỗ trợ cho được kết quả. Giới ấy chỉ có người trí tuệ thấy rõ tội và phước trong cách thọ 4 vật dụng, mới có thể thành tựu được.

Bởi cớ ấy, hành giả nên dứt sự sa mê theo 4 vật dụng và nên dùng trí tuệ để quán tưởng theo cách thức như đã giải trước, rồi mới nên dùng.

Có lời khen rằng: nếu tỳ khưu hành theo cách thức như thế, tỳ khưu ấy đuợc gọi là người vừa theo lời nguyện đầu tiên[16] của mình đúng theo kệ ngôn như vầy:

Piṇḍaṃ vihāraṃ sayanāsanañca

Āpañca saṅghātirajūpavāhanaṃ

Sutvāna dhammaṃ sugatenadesitaṃ

Sankhāya seve varapaññāsāvako

Tasmāhi piṇḍe sayanāsane ca

Āpe ca saṅghātirajūpavāhane

Etesu dhammesu anūpalitto

Bhikkhu yathā pokkhare vārivindu

Kālena laddhā parato anuggahā

Khajjesu bhojjesu ca sāyanesu ca

Mattaṃ sojañña satataṃ upaṭṭhito

Vaṇassa ālepanarūhane yathā

Kantāre puttamaṃsamva akkhassabbhañjanaṃ yathā.

Evaṃ āhati āhāraṃ yāpanāya amucchito.

Nghĩa là: Hàng thinh văn, người có trí tuệ thanh cao, khi được nghe pháp mà bậc Thiện Thệ đã giảng giải rồi, cần phải quán tưởng trước rồi mới nên dùng: vật ăn, chỗ ngồi, chỗ nằm, thuốc chữa bịnh, nước để giặt, y 2 lớp. Bởi cớ ấy, tỳ khưu không nên say mê trong vật thực, chỗ ngồi, chỗ nằm, thuốc chữa bịnh, nước để giặt, y 2 lớp ấy đâu, phải có tư cách trơn tru không dính mắc, như giọt mưa rớt trên lá sen vậy. Tỳ khưu là người có trí nhớ luôn luôn, cần phải tiết độ trong vật ngọt, vật mặn và các vật thực mà mình đã được theo thời, để tiếp độ thí chủ cũng như dè dặt trong sự rờ rẫm mụt ghẻ do sự thoa thuốc vậy.

Người đi đường xa, cực chẳng đã phải ăn thịt con để gìn giữ sinh mạng trong khoảng đường nguy hiểm, người xa phu bất đắc dĩ mới ăn dầu thoa ốc xe thế nào, thì hành giả buộc lòng thọ thực để duy trì sanh mạng của mình cũng như thế ấy, chẳng nên vì lẽ gì, mà say mê trong vật thực.

4.      Phép quán tưởng (Paccayavekkhaṇa)

Những người xuất gia tu Phật phải biết phép quán tưởng ầy hằng ngày, phải học nó cho thông thuộc nằm lòng, cả tiếng Phạn và nghĩa lý.

Các phép quán tưởng ấy có 4 là: y phục để cho người xuất gia dùng nhất là y ca-sa; vật thực để cho người xuất gia được phép ăn từ mặt trời mọc đến đứng bóng, nhất là cơm và bánh; chỗ ngụ để cho người xuất gia an nghỉ; Thuốc để cho người xuất gia dùng ngừa bịnh.

Trong mỗi phép ấy đều có cách quán tưởng khác nhau là: quán tưởng về nguyên chất y phục, quán tưởng về nguyên chất vật thực, quán tưởng về nguyên chất chỗ ở, quán tưởng về nguyên chất thuốc men.

  1. Phép quán tưởng về nguyên chất y phục (dhātupaccavekkhaṇa)

Phép quán tưởng này dạy phải thẩm xét trong khi thọ lãnh 4 món vật dùng ấy cho thấy rõ nguyên chất của nó.

Khi thọ lãnh y phục phải quán tưởng bằng cách này: Yathāpaccayaṃpavattamānaṃ dhātumattamevetaṃ yadidaṃ civaraṃ tadupabhuñjakocapuggalo dhātumattakonisattonijjīvosuñño ‒ Y phục này hẳn thật là 1 nguyên chất, chỉ làm ra để dùng. Dầu ta là người dùng nó chẳng hạn, nó cũng là 1 nguyên chất thôi chẳng phải là thú, chẳng phải là ta, cũng chẳng phải là vật chi chi cả.

Khi thọ lãnh món ăn phải quán tưởng bằng các này: Yathāpaccayaṃpavattamānaṃ dhātumattamevetaṃ yadidaṃ pindapāto tadupabhuñjakocapuggalo dhātumattakonisattonijjīvosuñño ‒ Món ăn này hẳn thật là 1 nguyên chất, chỉ làm ra để dùng. Dầu ta là người dùng nó chẳng hạn, nó cũng là 1 nguyên chất thôi chẳng phải là thú, chẳng phải là ta, cũng chẳng phải là vật chi chi cả.

Khi thọ lãnh chỗ ở phải quán tưởng bằng các này: Yathāpaccayaṃpavattamānaṃ dhātumattamevetaṃ yadidaṃ senāsanam tadupabhuñjakocapuggalo dhātumattakonisattonijjīvosuñño Chỗ ở này hẳn thật là 1 nguyên chất, chỉ làm ra để dùng. Dầu ta là người dùng nó chẳng hạn, nó cũng là 1 nguyên chất thôi chẳng phải là thú, chẳng phải là ta, cũng chẳng phải là vật chi chi cả.

Khi thọ lãnh thuốc men phải quán tưởng bằng các này: Yathāpaccayaṃpavattamānaṃ dhātumattamevetaṃ yadidaṃ gilānappaccaya bhesajja parikkhāro tadupabhuñjakoca puggalo dhātumattakonisattonijjīvosuñño Thuốc men để cho người bịnh dùng đây hẳn thật là 1 nguyên chất, chỉ làm ra để dùng. Dầu ta là người dùng nó chẳng hạn, nó cũng là 1 nguyên chất thôi chẳng phải là thú, chẳng phải là ta, cũng chẳng phải là vật chi chi cả.

  1. Phép quán tưởng về vật đáng ghê gớm (patikūlapaccavekkhaṇa)

Phép này dạy phải quán tưởng trong khi sắp dùng 4 vật dụng ấy cho thấy rõ là vật đáng nhờm gớm.

Khi sắp mặc y phục, phải quán tưởng bằng cách này: Sabbānipanimānicīvarāni ajigucchanīyāni imampūtikāyaṃ patvā ativiyajiguc chanīyānijāyanti ‒ Những y phục này, vốn chẳng phải là vật đáng nhờm gớm. Nhưng đến khi đụng vào mình hôi thối này giờ nào rồi thì liền trở nên vật đáng nhờm gớm lắm.

Khi sắp dùng vật thực, phải quán tưởng bằng cách này: Sabbopanāyaṃ piṇḍapāto ajigucchanīyo imaṃpūtikāyaṃ patvā ativiyajigucchanīyojāyanti ‒ Những món ăn này, vốn chẳng phải là vật đáng nhờm gớm. Nhưng đến khi đụng vào mình hôi thối này giờ nào rồi, thì liền trở nên vật đáng nhờm gớm lắm.

Khi sắp vào chỗ ở, phải quán tưởng bằng cách này: Sabbānipanimānisenāni ajigucchanīyāni imaṃpūtikāyaṃ patvā ativiyajigucchanīyānijāyanti ‒ Những chỗ ở này, vốn chẳng phải là vật đáng nhờm gớm. Nhưng đến khi đụng vào mình hôi thối này giờ nào rồi, thì liền trở nên vật đáng nhờm gớm lắm.

Khi sắp dùng thuốc men, phải quán tưởng bằng cách này: Sabbopanāyaṃ gilānappacceyabhesajjaparikkhāro ajigucchaniyo imaṃpūtikāyaṃ patvā ativiyajigucchanīyojāyanti ‒ Những vật để bảo dưỡng thân thể tức là thuốc men dành riêng cho người bịnh dùng, vốn chẳng phải là vật đáng nhờm gớm. Nhưng đến khi đụng vào mình hôi thối này giờ nào rồi, thì liền trở nên vật đáng nhờm gớm lắm.

  1. Phép quán tưởng trong khi dùng các vật dụng (taṃkhaṇikapaccavekkhaṇa)

Phép này dạy phải quán tưởng trong khi dùng 4 vật dụng:

Khi mặc y phục phải quán tưởng bằng các này: Paṭisaṃkhāyoniso civaraṃpatisevāmi yāvadevasītassapatighātāya unhassapatighātāya ḍaṃsamakasavātātapasirimsapa sam phassānaṃpatighātāya yāvadevāhirikopinappaticchādanatthaṃ ‒ Người xuất gia phải quán tưởng rằng: Ta mặc y phục đây để ngừa sự lạnh, nóng, muỗi mòng, nắng, gió, rắn nhỏ, rắn lớn và để che thân thể cho khỏi hổ thẹn (lõa thể) vậy thôi.

Khi ăn phải quán tưởng bằng các này: Paṭisaṃkhāyoniso piṇḍāpataṃpaṭisevāmi nevadavāyana madāya namandaṇāyanavibhūsanāya yāvadeya imassa kāyassathitiyā yāpanāyavihiṃsu paratiyā brahmacariyānuggahāya itipurānañcavedanaṃ paṭihaṃkhāmi navañcavedanaṃnauppādessāmi yātrācamebhavissati anavajjatācaphāsuvi hārocāti ‒ Người xuất gia phải quán tưởng rằng: Ta thọ thực đây chẳng phải để chơi như trẻ con ở thế, cũng chẳng phải để dưỡng sức cho mạnh, say mê như kẻ đánh lộn, chẳng phải để trau dồi sắc thân như phụ nữ, chẳng phải để điểm trang nhan sắc như kẻ chơi bời đàng điếm. Ta thọ thực chỉ để cho thân tâm được mạnh khỏe, đặng chánh sự khó nhọc, hầu tu hành theo đạo cao thượng, cho ta diệt trừ cái khổ đã qua là sự đói khát và ngừa sự ăn quá độ. Cách hành động trong 4 oai nghi, sự vô tội nhất là thân tâm không biếng nhác và sự an lạc trong 4 oai nghi sẽ phát sanh đến cho ta nhờ sự thọ thực này.

Khi vào chỗ cư ngụ, trong thất, nhà, phải quán tưởng bằng các này: Paṭisaṃkhāyoniso senāsanaṃpaṭi sevāmiyāvadevasītassapati ghātāya unhassapatighātāyaḍam samakasavātātapasiriṃ sapasaṃphassānaṃ patighātāya yāvadeva utuparissayavinodanaṃ paṭisallānārāmatthaṃ ‒ Người xuất gia phải quán tưởng rằng: Ta dùng chỗ ở đây để tránh sự lạnh, nóng, muỗi, mòng, gió, nắng, rắn nhỏ, rắn lớn, tránh sự khó chịu bởi thời tiết và được nơi thanh vắng để tham thiền nhập định.

Khi dùng thuốc để ngừa bịnh, phải quán tưởng bằng các này: Paṭisaṃkhāyoniso gilānappaccayabhesajjaparikkhāraṃpatise vāmi yāva deva uppannānaṃ veyyābādhikānaṃ vedanānaṃ paṭighātāya abyāpajjhaparamatāyāti ‒ Người xuất gia phải quán tưởng rằng: Ta dùng thuốc để dưỡng thân đây là thuốc mà người bịnh dùng để ngừa những bịnh hoạn đã phát khởi lên rồi, cho đặng tránh khỏi sự khổ não, nặng nề thường có.

  1. Phép quán tưởng các vật dụng đã dùng rồi (atītapaccavekkhaṇa)

Phép này dạy phải quán tưởng 4 vật dụng khi đã dùng rồi trong ngày ấy, nghĩa là vật dụng khi đã dùng qua 1 ngày, 1 đêm, phải hồi tưởng trước khi mặt trời mọc. Trong mỗi món dùng phải quán tưởng 1 hoặc 2 lần, 3 lần cũng được.

Khi quán tưởng y phục phải quán tưởng bằng cách này: Ajjamayā apaccavekkhitvāyaṃ civaraṃ paribhuttaṃ taṃyāvadevasītassapaṭighātāya unhassapaṭighātāya ḍaṃsamakassavātā tapasirimsappasaṃphassānaṃpaṭighātāya yāvadevahirikopinappaṭicchādanatthaṃ ‒ Y phục nào mà ta chưa quán tưởng mà ta mặc trong ngày nay rồi, y phục ấy ta mặc để ngừa sự lạnh, sự nóng, muỗi, mòng, nắng, gió, rắn nhỏ, rắn lớn, cho đặng che thân thể và tránh điều hổ thẹn (lõa thể).

Khi quán tưởng vật thực phải quán tưởng bằng cách này: Ajjamayā appaccavekkhitvāyo piṇḍapāto paribhutto sonevadavāyanamadāyananam danāya navibhū sanāya yāvadeva imassakāyassathitiyā yāpanāyavihimsuparatiyābrahmacariyā nuggahāya itipūrānañcavedanaṃpatihamkhāmi navañcavedanaṃna uppādessāmi yātrācamebhavissatiana vajjatāca phāsuvihārocāti ‒ Vật thực nào ta chưa quán tưởng mà ta dùng trong ngày nay rồi, vật thực ấy chẳng phải để chơi như trẻ con ở thế, chẳng phải để dưỡng sức cho mạnh, say mê như kẻ đánh lộn, chẳng phải để trau dồi sắc thân như phụ nữ, chẳng phải để điểm trang nhan sắc như kẻ chơi bời đàng điếm. Ta thọ thực chỉ để cho thân tâm mạnh khỏe, đặng tránh sự khó nhọc cho đặng tu hành theo đạo cao thượng, để trừ cái khổ đã qua là sự đói khát và ngừa sự ăn quá độ. Cách hành động trong 4 oai nghi, sự vô tội nhất là thân tâm không biếng nhác và sự an lạc trong 4 oai nghi, chỗ phát sanh đến ta là do nhờ sự thọ thực này.

Khi quán tưởng chỗ ở phải quán tưởng bằng cách này: Ajjamayā apaccavekkhitvāyaṃ senāsanaṃ paribhuttaṃ taṃyāvedevasītassapatighāhātāya unhassapaṭighātāya ḍaṃsamakasavātāta pasiriṃsapasamphasānaṃ paṭighātāya yāvadeva utuparissayavino danaṃ paṭisāllānārāmatthaṃ ‒ Chỗ ở nào ta chưa quán tưởng mà ta đã vào cư ngụ trong ngày nay rồi, là để tránh sự lạnh, nóng, muỗi, mòng, gió, nắng, rắn nhỏ, rắn lớn tránh sự khó chịu bởi thời tiết và được nơi thanh vắng để tham thiền nhập định.

Khi quán tưởng thuốc uống phải quán tưởng bằng cách này: Ajjamayā appaccavekkhitvāyo gilānappaccayabhesajjaparikkhāro paribhutto soyāvadeva uppannānaṃ veyyābādhikānaṃ vedanānampaṭighātāya abyāpajjhaparamatāyāti ‒ Thuốc uống để dưỡng thân là thuốc để cho người bịnh dùng, ta đã dùng rồi trong ngày nay mà ta chưa được quán tưởng. Thuốc ấy ta dùng để trừ khước những bịnh hoạn đã phát khởi lên rồi và cho đặng tránh khỏi sự khổ não, nặng nề thường có.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app