NHỮNG ĐIỀU CẤM RỜI RẠC

Những tỳ khưu vô bịnh không nên đi xe, nếu có bịnh được phép đi xe bò, ngựa (đực), xa phu dầu là nam hoặc nữ cũng được.

Khi vô bịnh không nên mang dép vào xóm.

Không nên ngồi, nằm trên các thứ da: khỉ (matadho), sư tử (kalasīho)… (sarabho), bò, ngựa, trâu và các thú dữ, trừ ra của giáo hội thì không cấm hoặc dùng để làm dép đi cũng được.

Không nên mang dép toàn màu đỏ, xanh, vàng, vàng lợt (như màu rơm), đen, đen sậm (như lưng rít), đỏ như màu lá cây chín, như màu hoa sen. Nếu được những vật như thế, nên làm cho ra khác màu đã cấm, thì dùng được.

Lại nữa, không nên mang guốc, các thứ dép giống như của kẻ thế, dép bít mắt cá, bít lưng chân, có dây buộc đến mắt cá, gót có dồn bông gòn, dép thêu, có dây buộc treo thắt kết, mũi quớt lên như đuôi con bò cạp, như đuôi con công.

Tỳ khưu cao hơn 5 hạ, đáng làm ācāriya đi chơn không, vị nhỏ hạ mang dép, phạm tác ác.

Không nên thọ và ăn thịt, cá sống. Người xuất gia được kẻ thí chủ sát sanh cầm thú dâng cho, cũng chẳng nên ăn. Thí chủ sát sanh dâng đến tỳ khưu, tỳ khưu ấy không dùng, đem cho vị khác, vị này không biết và không nghi, dùng thịt ấy, cả 2 đều không phạm tội (vị trước biết người sát sanh cho mình, không dám dùng, vị sau không hay biết người sát sanh cho tỳ khưu rồi dùng, sau rồi, dầu biết cũng vô tội). 

Không biết rồi dùng thịt thú mà đức Phật cấm (akappiyamaṃsa) cũng phạm tội. Sau khi ăn, nếu rõ là thịt (akappiya) thì phải sám hối. Như thế tỳ khưu cần xem xét hỏi lại cho rõ rồi mới nên dùng. Vì khó phân biệt thịt cấm (thịt gấu giống thịt heo, thịt beo, cọp giống thịt thú rừng có 4 chân).

Nếu có mặt vị trưởng lão, thiện tín thỉnh vị nhỏ hạ thuyết pháp, tụng kinh, nên chờ lịnh của vị cả hoặc bạch cho vị cả hay. Nếu vị cả nín thinh thì thuyết pháp, tụng kinh, không lỗi. Bằng vị cả không cho, không nên cãi. Nếu đã lên pháp tọa rồi, vị cả mới đến thì không chờ lịnh.

Không có vải lọt nước, chẳng nên đi đường xa.

Thực phẩm anāmaṭṭha piṇdapatra nên cho đến cha mẹ, người hộ cha mẹ, hộ tăng và giới tử sắp xuất gia (trong khi đang nhuộm y, đốt bát). Với giới tử, dầu dùng đồ đựng của mình đem cho, cũng vô tội. Với cha mẹ, thiện tín thì không nên.

Nên cho anāmaṭṭha piṇdapatra đến kẻ cướp và các quan đến chùa (vì e có sự hại đến Phật giáo và mình). Có người đi lỡ đường đến nhà chùa nên tuỳ tiện cho cơm, cháo, cho nước uống, chỗ nghỉ, song đừng mong được lễ vật, được trả ơn). Với kẻ cướp, dầu là tài sản thuộc của tăng cũng nên cho để ngừa tai hại.

Đem tin cho cha, mẹ người sắp xuất gia, không phạm tội. Hỏi thăm tin, mình nói cũng vô tội. Đem tin cho kẻ khác phạm tác ác.

Cho bông đến cha mẹ và thiện tín để cúng Tam bảo không phạm tội.

Trồng cây để dùng bông trái, bóng mát, hoặc tưới nước bằng lời kappiyavohāra vô tội.

Nhuộm y không nên ngồi quỳ 2 đầu gối xuống đất.

Không dùng tăm xỉa răng có 5 tội: mất sự lợi ích cho mắt; miệng hôi; bộ thần kinh thọ chất bỗ dưỡng không sạch sẽ; mật và đàm hằng bao trùm thực phẩm; thọ thực không biết ngon.

Người, trước khi tu đã có làm thợ cạo, hớt tóc, xin xuất gia không nên đem dao cạo theo.

Không nên nhổ tóc bạc, song, nếu có lông mọc trên mày, mí mắt, làm cho khó chịu, nhổ vô tội.

Không nên hớt tóc, nếu có ghẻ trên đầu, hớt tóc thoa thuốc cũng được. Không nên chải tóc, xức dầu, đánh sáp, vuốt tóc, trừ ra tóc có bụi vuốt cũng được.

Không bịnh chẳng nên che dù đi vào xóm. Có bịnh là: chóng mặt, nhức đầu, choá mắt hoặc có bịnh cần phải che dù, thì không cấm. Nếu có mưa sợ ước y, hoặc sợ kẻ dữ mà che dù, thì không tội, dù bằng lá cây che nơi nào cũng được, nếu muốn khỏi tội, chỉ được phép che dù trong chùa, trong đất chùa mà thôi.

Không nên vẽ, hoặc bảo kẻ khác vẽ hình người và thú để chơi. Nếu vẽ làm cho sanh lòng chán nản, thì vô tội (như vẽ các tích đức Bồ tát).

Không nên máng, treo bát trong nơi nào cả. Để bát trên chỗ bén, cứng (đá, sắt…) cũng phạm tội. Không nên để dành đồ ăn trong bát, rửa tay trong bát và dùng bát đựng đồ dơ (lá, vỏ rác…) đem đi đổ. Dùng tay dơ cầm bát không nên, vật thực ăn vào miệng rồi nhả ra để trong bát không nên. Chẳng nên ăn vật chi mà không có kẻ dâng. Những vật dính trong tử thi chưa rã là da thịt còn nguyên chưa bị thú ăn, không được phép lấy mà dùng. Bát còn ướt không nên đem phơi hoặc cất.

Không nên ngồi và nằm chung chỗ với phụ nữ, bộ nắp và người có cả 2 bộ sanh thực khí.

Không nên ngồi và nằm trên chỗ họ trải lót mà mình chưa xem xét trước (phải lấy tay rờ, lật qua lại). Khi họ trải mình thấy, hoặc lót bằng vải mỏng thì không cần phải xem xét. Chẳng nên ngồi nằm trên chỗ có rải bông, hoặc vật thơm.

Không nên dùng gối thêu, gối dài quá nửa thân mình, gối may 2 mặt bằng vải đỏ sậm, đỏ lợt.

Những vật chi để cho giáo hội dùng trong 1 nơi nào, không nên lấy đem dùng riêng cho mình.

Nếu thí chủ thỉnh đi thọ thực, họ chưa mời, không nên ngồi, phải đứng xa nơi ấy chờ họ thỉnh sẽ ngồi.

Tỳ khưu không nuôi bịnh cho nhau, dầu vị cả không nuôi cũng phạm tác ác. Nếu chia phiên nuôi bịnh thì vô tội. Đức Phật cho phép người nuôi bịnh, nếu người bịnh chết được thọ lãnh phần y bát, ngoài ra vật trong garubhanda thì nhập vào của tăng dùng chung, không được phép chia. Những vật tầm thường thì phải chia với nhau, cho tất cả người xuất gia có mặt trong chùa (tỳ khưu, sa di).

Không nên rờ đụng hình tượng phụ nữ và 7 thứ lúa, dầu lúa trồng ngoài ruộng cũng vậy. Nếu không có đường đi thì nguyện là “đường đi” rồi mới đi, không phạm, nhưng không nên đạp nhằm lúa. Nếu thí chủ thỉnh ăn tại trên đống lúa, gạo, thì không được phép ngồi, phải nói với họ trải trong nơi khác. Nếu không có nơi nào trống thì vô tội.

Không nên rờ đụng trái cây chưa dâng, trái cây rụng trong rừng. Nếu tính lượm về cho anupasampanna thì được phép. Không nên đụng nhằm 10 thứ ngọc thạch và vàng bạc. Ngọc Mutta nếu chưa giồi, đụng không sao. Ngoài ra, đều là vật anāmāsa cũng chẳng nên thọ. Nếu thọ lễ làm thuốc chữa bịnh thì vô tội.

Các thứ khí giới đều là vật không nên rờ, đụng nhằm. Khí giới bỏ nơi chiến trường, bỏ cán ra, lấy lưỡi về làm vật dụng không tội.

Nếu có bụi bay vào bát cơm nên bảo anupasampanna (sa di hoặc cư sĩ) dâng lại, hoặc rửa cho sạch mới nên dùng.

Không nên có ý hát múa, bảo kẻ khác hát múa, hoặc nghe đờn kèn trong chùa. Trong nhà ăn, có bọn hát múa, đờn kèn đến cũng không tội. Nếu cố ý dòm, xem, nghe thì phạm.

Không nên nằm chung trên giường, chiếu đã trải lót, đắp, mùng. Nếu nằm chung trên đồ trải lót, lấy vật chi (y, gậy…) để ngăn ở giữa không phạm.

Không nên ăn chung đồ đựng, uống chung đồ múc nước. Nếu đồ khô để trong 1 dĩa, tô, 1 vị lấy ra ăn, vị khác dùng vật còn lại trong dĩa, tô ấy cũng khỏi phạm tội.

Xin thực phẩm và y bằng miệng không nên. Xin chỗ ở bằng cách nói rằng: Trong lúc này, cất tịnh thất được chăng? Hoặc hỏi cư sĩ rằng: Ông ở đâu? Đáp: Tôi ở trong dinh. Hoặc hỏi tỳ khưu có thể trong dinh được chăng? Xin như thế vô tội.

Đức Phật giải rằng: “Này các tỳ khưu! Có đường đi không có lương thực, ít nước, ít thực phẩm, nếu không dự trữ đồ ăn thì khó đi được. Như Lai cho phép kiếm, trữ lương thực đi đường, được phép xin gạo, đường, muối, khô. Cần dùng vật chi, xin vật ấy”.

Này các tỳ khưu! Có người tín ngưỡng bố thí nói với kẻ hộ tùng rằng: “Nếu đại đức dùng vật chi, người nên dâng vật ấy, Như Lai cho phép dùng vật do vàng bạc mà phát sanh, các ngươi nên ưa thích vật ấy”.

Như Lai không nói rằng: “Nên ưa thích vàng bạc trong nơi nào cả. Chẳng nên tìm vàng bạc đâu. Cần xin lương thực cho vừa để đi đường. Đến nơi rồi, nếu còn dư, phải đem cho kẻ khác.”

Trái cây có người trồng giữ, họ hứa sẽ dâng cúng, chờ họ dâng cúng mới nên thọ. Họ hứa dâng trái cây để sắm 4 vật dụng, nếu tỳ khưu ăn lén, phải xử theo giá trái cây; nhằm cơn đói kém đem ra đổi mua thực phẩm cũng được. Gặp mùa không sao kiếm thực phẩm được, nếu có thể, nên bán, đổi chỗ ở cũ, hư của giáo hội, để nuôi sanh mạng, song phải nên tu bổ mấy chỗ còn chắc.

Nếu có kẻ đến trộm, cướp vật chi của chùa, tỳ khưu phải cho quan hay để tìm vật ấy lại. Nếu quan toà hỏi ai trộm cướp? Dầu tỳ khưu biết cũng chẳng nên nói tên kẻ ác ấy. Cần nói như vầy: Ông nên biết lấy, tôi chỉ xin tìm các vật ấy lại thôi. Nếu thưa kiện, quan xử phạt đến 0$60, tỳ khưu phạm tội bất cộng trụ. Bằng chẳng thưa kiện, không chỉ tên kẻ dữ, dầu quan toà có xử phạt cũng vô tội.

Nếu chân không rửa hoặc đã rửa mà còn ướt, hoặc mang dép đạp lên chỗ ngồi, nằm (giường, chõng, hoặc chỗ có sơn phết), phạm tác ác. Không nên dựa vào chỗ có sơn phết (vách cột, cánh cửa). Nếu để giường, chõng trên chỗ ấy phải lấy đổ lót, kê chân giường, chõng. Nếu vị cả không kê chân giường, mình để vậy cũng vô tội.

Không nên liệng hoặc bảo kẻ khác liệng đồ dơ (phẩn, nước tiểu, đồ ăn dư, rác) ngoài vách tường, ngoài hàng rào. Dầu liệng bỏ vật ấy, và cây tăm (xỉa răng) trên ruộng rẫy của người cũng phạm tội. Liệng trong ruộng rẫy chưa gieo trồng chi hết thì không sao.

Chẳng nên ngủ ngày không đóng cửa. Nếu không đóng cửa mà tin rằng có người vào sau họ đóng hoặc có vị khác coi chừng giùm thì ngủ không phạm. Ngủ đến mặt trời mọc thức dậy cửa không đóng, không phạm. Nhưng đã thức dậy mà không đóng cửa mà ngủ lại nữa thì phạm tội.

Không nên mướn ai làm công việc hoặc xin tài chánh để mướn người làm công việc cho mình, được phép xin họ làm thí công. Nếu họ không rảnh và nói: “Ngài kiếm người làm rồi tôi trả tiền”, thì vô tội.

Muốn cần dùng vật chi chẳng nên xin ngay bằng lời nói. Ví dụ như đốt bát mà không có đồ thoa bát, khi đi khất thực thí chủ đem cơm dâng, lấy tay đậy bát lại, họ hỏi tại sao? Nên đáp: “Đốt bát rồi không có dầu thoa”. Họ xin bát đem thoa rồi để vật thực trong bát, mang đến dâng cúng được.

Nếu đi đường hoặc đi bát mệt, họ trải chiếu hoặc đem ghế cho ngồi, khi đi phải cho chủ hay, bằng không mất đồ phải thường.

Không nên dùng gối dài nửa thân mình, gối may 2 mặt đỏ để trên 2 đầu giường, (phía đầu và phía chân) và gối thêu, trừ ra gối vừa kê đầu thì không cấm.

Tỳ khưu cao hoặc thấp hơn 2 hạ chỉ được phép ngồi chung 2 vị trên giường hoặc chõng vừa ngồi được 3 người.

Được phép ngồi trên ghế của cư sĩ có dồn bông gòn mà không nên nằm. Nếu nệm không dính với ghế thì không nên.

Chẳng nên ngồi, nằm trên chỗ cao quá hơn 8 ngón tay của đức Phật, trên chỗ cao quí (ghế có chạm trổ) và có chạm trổ hình thú dữ.

Không nên nằm trên chỗ có sơn hình thú dữ, trên đồ trải bằng lông dài hơn 4 ngón tay, đồ trải bằng tơ, thêu hình thú dữ, đồ trải trắng làm bằng lông thú, đồ trải làm bằng lông có chùm, đồ trải có dồn gòn, đồ trải có vẻ hình thú dữ, đồ trải có làm lông dựng lên 2 bên, đồ trải có làm lông dựng lên 1 bên, đồ trải có chạy kim tuyến, bằng tơ, hoặc đương bằng đồ quý, đồ trải bằng lông thú vừa cho 16 người khiêu vũ nhảy múa, đồ trải trên lưng voi, ngựa xe, bằng da cọp, đồ ngủ có trần đỏ lên trên lưng, gối có 2 mặt đồ phết và lót, đồ sạch sẽ của tăng. Nếu chưa lót ngọa cụ của mình hoặc đã trải rồi mà ngủ quên, đồ trải cuống vào, thân thể đụng nhằm nơi ấy phạm tội. Lông chạm nhằm nơi nào, phạm tội, đếm theo số lông. Bàn tay và đụng nhằm vô tội.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app