GIẢI VỀ KAṬHINA (Kaṭhina Kathā).

Vấn: Tiếng gọi kaṭhina nghĩa như thế nào? Đáp: Tiếng kaṭhina là 1 tiếng trong Phật giáo phát sanh theo lời chuẩn hành của đức Thế Tôn, để buộc chặt 5 quả báo cho thành tựu đến tỳ khưu, người thọ và người anumodanā, cho đến hạn kỳ quả báo ấy.

5 quả báo (ānisansa)

Tỳ khưu thọ kaṭhina rồi được hưởng 5 quả báo là: 1) nếu kaṭhina chưa xả, tỳ khưu không từ giả vị trong nhóm, rồi đi cũng được, nghĩa là không phạm tội trong điều học cāritta; 2) tỳ khưu không đem tam y theo mình rồi đi cũng được, không phạm tội trong điều học asamādānacāro; 3) tỳ khưu thọ thực chung nhiều vị cũng được, không phạm tội trong điều học ganabhojana; 4) cất giữ y, dầu không ādhitthāna không gởi cũng được, không phạm tội trong điều học pathamakaṭhina; 5) y của tỳ khưu hoặc sa di tịch hoặc y họ dâng đến tăng, y phát sanh do tài sản của tăng thì tỳ khưu đã thọ kaṭhina được phép lãnh dùng. Tóm lại tỳ khưu đã thọ kaṭhina được hưởng 5 quả báo ấy.

Cách thức thọ kaṭhina (kaṭhinatthāna vidhānakathā).

Vấn: Người hạng nào mới thọ kaṭhina được. Người hạng nào thọ kaṭhina không được? Đáp: Nếu nói về số người phải có ít lắm là 5 vị trở lên[59] mới thọ kaṭhina được, ít hơn 5 vị không phép thọ kaṭhina.

Còn nói về nhập hạ, tỳ khưu nhập hạ trước (purimikavassā) pavāraṇā trong ngày pavāraṇā trước (là pavāraṇā trong ngày rằm tháng 9 Việt Nam) mới thọ kaṭhina được. Tỳ khưu đứt hạ hoặc nhập hạ sau (nhập hạ ngày 16 tháng 6 sau, năm nhuần) và tỳ khưu nhập hạ chùa khác, thọ kaṭhina không được.

Vấn: Người hạng nào mới nên dâng kaṭhina? Đáp: Một trong mấy hạng người sau này là: chư thiên, người thiện tín, tỳ khưu, sa di đều dâng được cả. Thí chủ phải vào dâng trong hắc, tăng ngồi hoặc đứng trong chùa nhập hạ rồi dâng, nói như vầy: Chúng tôi xin dâng y kaṭhina (Kaṭhina cīvaraṃdema).

Vấn: Khi thí chủ dâng y kaṭhina, tăng phải thọ bằng cách nào? Đáp: Không nên thọ bằng thân hoặc khẩu, phải cần thọ bằng tâm của tăng, là phải thọ bằng cách làm thinh.

Vấn: Tỳ khưu nào đáng thọ kaṭhina? Đáp: Tăng giao y kaṭhina cho tỳ khưu nào, tỳ khưu ấy phải thọ.

Vấn: Tăng phải giao y kaṭhina cho tỳ khưu nào? Đáp: Tỳ khưu nào có y cũ, tăng nên giao cho tỳ khưu ấy. Nếu nhiều vị có y cũ, tăng phải giao cho vị cao hạ hơn và thông rõ 8 pháp, có thể làm phép thọ cho kịp trong ngày ấy. Nếu tỳ khưu cao hạ không thông thì giao cho tỳ khưu thấp hạ thông hiểu phép thọ. Nhưng tăng nên bàn tính trước với vị trưởng lão, cầu ngài thọ rằng: bạch ngài, xin ngài thọ đi, rồi chúng tôi giúp làm với ngài. Khi tăng được y kaṭhina rồi, hội họp nhau ngồi (trong hắc) trong sīmā, chỉ định 2 vị để tuyên ngôn trình cho tăng rõ.

Vị thứ nhất Hỏi: Bạch đại đức tăng, y kaṭhina đã phát sanh đến tăng rồi, tăng nên giao kaṭhina này cho tỳ khưu nào thọ kaṭhina? Vị thứ hai đáp: tỳ khưu nào có y cũ, tăng nên giao cho vị ấy.

Vị thứ nhất nói: Tỳ khưu có cīvaraṃ cũ, có nhiều vị, hoặc nói trong nơi đây không có vị nào có y cũ cả. Vị thứ hai nói: tăng nên giao kaṭhina cho vị trưởng lão.

Vị thứ nhất nói: Trong nơi đây, tỳ khưu nào cao hạ? Vị thứ hai đáp: tỳ khưu (… để pháp danh tỳ khưu thọ vào đây …).

Vị thứ nhất nói: Vị trưởng lão ấy có thể làm y được và thọ kịp trong ngày nay chăng? Vị thứ hai đáp: Ngài làm được; hoặc nói: Tăng nên tiếp độ đến vị trưởng lão.

Vị thứ nhất hỏi lại nữa rằng: Vậy ngài trưởng lão ấy có đủ 8 chi chăng? Vị thứ hai đáp: Ngài trưởng lão có đủ 8 chi rồi.

Nếu vị thứ nhất bằng lòng thì nói: Sādhu, đúng rồi. Tăng nên giao cho ngài trưởng lão ấy. Phải cho tỳ khưu thông hiểu trình cho tăng hay.

Vấn: Tăng hội cần giao kaṭhina cho tỳ khưu, người thọ bằng cách thức như thế nào? Đáp: Tăng phải giao bằng cách tụng tuyên ngôn 2 bận (ñattidutiyakammavācā). Cách thức để tụng tuyên ngôn 2 bận để giao y ấy, theo lời Phật chuẩn hành[60] (buddhānuññātta) trong phẩm Mahāvagga rằng: Phải cho tỳ khưu thông hiểu trình đến tăng biết như vầy: Sunātu me bhante saṅgho, idaṃ saṅghassa kaṭhinadussam uppannam, yadi saṅghassa pattakallaṃ, saṅgho imaṃ kaṭhinadussaṃ (itthannāmassa)[61] bhikkhuno dadeyya kaṭhinaṃ attharituṃ, esāñatti.

Sunātu me bhante saṅgho, idaṃ saṅghassa kaṭhinadussam uppannaṃ, saṅgho imam kaṭhinadussaṃ (itthannāmassa) bhikkhuno deti kaṭhinamattharituṃ, yassāyasmato khaman amassa kaṭhina dussassa (itthannāmassa) bhikkhuno dānam kaṭhinaṃ attharituṃ, so tuṇhassa yassa nakkhamati, so bhāseyya, dinnaṃ idaṃ saṅghena kaṭhinadussaṃ (itthannāmassa) bhikkhuno kaṭhinaṃ attharituṃ, khamati saṅghassa, tasmā tunhi evametaṃ dhārayāmi.

Nghĩa là: Bạch hoá đại đức tăng, xin tăng nghe tôi trình y kaṭhina này đã phát sanh đến tăng rồi, nếu (giờ này) vừa đến tăng rồi, nên giao y kaṭhina ấy đến cho tỳ khưu (…) để thọ kaṭhina, ấy là lời trình.

Bạch hoá đại đức tăng, xin tăng nghe tôi trình, y kaṭhina này đã phát sanh đến tăng rồi (nay) tăng giao y kaṭhina ấy đến cho tỳ khưu (…) để thọ kaṭhina, sự giao y kaṭhina cho tỳ khưu (…) để thọ kaṭhina vừa đến ngài nào, ngài ấy nên làm thinh, không vừa đến ngài nào, ngài ấy phải nói lên. Y kaṭhina ấy, tăng đã giao cho tỳ khưu (…) rồi để thọ kaṭhina (sự này) vừa đến tăng rồi, vì lẽ ấy, tăng nên làm thinh, tôi ghi nhớ sự này do trạng thái làm thinh ấy.

Vấn: Nếu tăng giao y kaṭhina như thế rồi, tỳ khưu thọ kaṭhina phải làm như thế nào? Đáp: Tỳ khưu thọ kaṭhina ấy phải giặt, vò, phơi, đo, cắt, may, nhuộm, làm dấu cho xong trong ngày ấy rồi thọ kaṭhina. Nếu thí chủ đã cắt may sẵn, tỳ khưu thọ chỉ phải nhuộm hoặc làm dấu (kappabindu) thôi, rồi thọ kaṭhina.

Nếu muốn thọ y 2 lớp (sanghati) phải (paccuddhāra) xả y 2 lớp cũ, adhiṭṭhāna y 2 lớp mới rồi đọc làm lễ thọ (hoặc muốn thọ y vai trái (uttārāsānga), hoặc y nội (antaravāsaka) cũng nên làm như nhau.

Vấn: Tỳ khưu phải thọ kaṭhina bằng thế nào? Đáp: trong phẩm parivāna có nói rằng: nếu tỳ khưu muốn thọ y 2 lớp (saṅghāti) cần (paccuddhāra) xả y 2 lớp cũ của mình, rồi adhiṭṭhāna y 2 lớp mới, rồi đọc ra tiếng cho tăng nghe rõ rằng: “Imāya saṅghātiya kaṭhinaṃ atthārāmi” (tôi thọ kaṭhina bằng y 2 lớp này).

Nếu thọ y bằng y vai trái uttarāsanga, phải (paccuddhāra) xả y vai trái cũ của mình adhiṭṭhāna y vai trái mới, rồi đọc ra tiếng cho tăng nghe rõ rằng: “Iminā uttarāsangena kaṭhinaṃ attharāmi” (tôi thọ kaṭhina bằng y vai trái này).

Nếu thọ y antaravāsaka, phải paccuddhāra xả y nội cũ của mình, adhiṭṭhāna y mới, rồi đọc ra tiếng cho tăng nghe rõ rằng: “Iminā antaravāsakena kaṭhinaṃ attharāmi” (tôi thọ kaṭhina bằng y nội này).

Khi tỳ khưu đã thọ kaṭhina theo cách thức ấy rồi[62], vào gần tăng hoặc gana hoặc pugala, mặc y vai trái chừa một bên, ngồi chồm hổm chấp 2 tay đọc cho các vị ấy (anumodanā) rằng: “Atthataṃ bhante[63] saṅghassa kaṭhinaṃ dhammiko kaṭhinatthāro anumodanā[64]” (Bạch các đại đức, kaṭhina của tăng tôi đã thọ rồi, sự thọ kaṭhina ấy đúng theo pháp, xin các đại đức anumodanā đi).

Về phần tỳ khưu anumodanā, phải mặc y vai trái chừa một bên, ngồi chồm hổm chấp hai tay đọc anumodanā rằng: Atthataṃ āvuso[65] saṅghassa kaṭhinaṃ dhammiko kaṭhinatthāro anumodanā[66] (Bạch các đại đức, kaṭhina của tăng ngài đã thọ rồi, sự thọ kaṭhina (ấy) đúng theo pháp, chúng tôi xin anumodanā).

Trong kinh chú giải: Evaṃ sabbesaṃ atthataṃ hoti kaṭhinaṃ (nếu một vị thì đọc kaṭhina, các vị khác anumodanā như thế gọi là kaṭhina đủ cả các vị).

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app