Hướng Dẫn Hành Hương Về Xứ Phật – Phần Iv: Đại Bảo Tháp Sanchi Stupas Ở Sanchi

HƯỚNG DẪN HÀNH HƯƠNG VỀ XỨ PHẬT

PHẦN IV: NHỮNG THÁP TƯỞNG NIỆM ĐÁNG GHI NHỚ TRÊN ĐƯỜNG HÀNH HƯƠNG

7. Đại Bảo Tháp Sanchi Stupas ở Sanchi (27), (40)

7.1 Cách Để Đi Đến Nơi

Sanchi cách khoảng 50 km bằng đường bộ từ Bhopal, thủ phủ của bang Madhya Pradesh. Đối với những người hành hương vừa hoàn thành chuyến đi tại Varanasi, cách tốt nhất để thăm viếng Sanchi là đi bằng tàu lửa từ Varanasi đến Bhopal. Sau khi đến Sanchi và những nơi xung quanh Bhopal, chúng ta có thể đón tàu lửa quay về thẳng Dehli và từ đó bay về nước.

7.2 Bối Cảnh Lịch Sử

Mặc dù Sanchi không phải là một nơi thiêng liêng được Đức Phật ghé qua trong thời Người còn tại thế, nhưng Vua Asoka đã xây một Tháp tưởng niệm bằng gạch và một trụ đá Asoka ở trên đỉnh đồi Vedisagiri để cho những Phật tử địa phương thờ cúng. Đây là công trình ghi nhớ đến Vedisanơi sinh của Devi, người vợ đầu tiên của ngài khi ngài còn là phó vương xứ Ujjayini (Ujjain). Hoàng hậu nay là một Phật tử mộ đạo và là người của dòng họ Thích Ca, những người đã di cư đến đây sau khi thành Kapilavatthu của vương quốc Thích Ca bị đạo quân của Vidudabha tàn phá. (Xem thêm Chú giải 10). Và cũng Hoàng hậu Devi đã sinh ra hoàng tử Mahinda và công chúa Sanghamitta. Devi đã không theo vua Asoka về kinh đô Pataliputta (Hoa Thị Thành) mà ở lại chốn quê Vedisa. Bà đã cho xây một tu viện trên Đồi Vidisagiri, thông thường được gọi là Đồi Sanchi. Theo ghi chép của Đại Sử Tích Lan (Mahavamsa), A-la-hán Mahinda đã đến thăm mẹ ở Vedisa, và mẹ của ngài đã dẫn ngài đến Tu Viện Vedisagiri xinh đẹp, và ngài đã ở lại đó một tháng trước khi lên đường trong sứ mạng truyền đạo ở Tích Lan.

Bảo Tháp Sanchi nguyên thủy có đường kính 60 feet (18.2m) ở mặt đáy và có hình bán cầu với mái vòm bao bọc từ dưới chân (giống như nữa trái banh nằm úp) và một cột tháp nhọn. Tháp bị tàn phá nặng nề bởi những kẻ thù của Phật giáo sau khi Đế Chế Maurya bị sụp đổ vào năm 185 trước CN, nhưng sau đó đã được xây lại bởi những Phật tử mộ đạo ở Vidisa và từ nơi khác. Khi xây dựng lại, Tháp được mở rộng gấp đôi so với kích thước nguyên thủy. Bốn cổng chào (torana) được điêu khắc một cách nghệ thuật được cúng dường bởi người thợ cả của vua Satahavana vào thế kỷ 1 trước CN. Sự xây thêm một Đại Bảo Tháp được thực hiện vào thời (năm 450 sau CN), khi đó bốn tượng Phật cũng được gắn vào trên tường của bảo tháp, quay mặt về bốn cổng chào. Xung quanh Đại Bảo Tháp là một cụm những tháp tưởng niệm stupas, đền thờ, trụ đá và những tu viện có mặt hơn 1.500 năm từ thế kỷ 3 trước CN cho đến thế kỷ 12 sau CN.

Sau cuộc xâm lược của quân Hồi giáo ở miền Bắc Ấn Độ, Sanchi cũng trở thành hoang tàn và chìm vào quên lãng từ thế kỷ 13. Sau đó, cây rừng mọc bao phủ xung quanh mãi cho đến khi toàn khu vực được phát hiện bởi Tướng Taylor vào năm 1818. Sau đó, khu di tích còn bị tàn phá thêm bởi những nhà khảo cổ, những kẻ săn lùng kho báu và những kẻ phá hoại tôn giáo ở địa phương. Ngay cả trụ đá Asoka cũng bị đập vỡ ra thành từng mảnh bởi một địa chủ ở đây, dùng để làm trục ép mía làm đường mía. Năm 1881, Thiếu tá Cole bắt đầu thực hiện việc tu sửa, nhưng sau đó phần lớn công việc trùng tu được thực hiện bởi Ngài Sir John Marshal, Giám đốc của Ban Khảo Cổ Ấn Độ (ASI) từ năm 1912-1919.

7.3 Những Nơi Cần Thăm Viếng

1) Đại Bảo Tháp Stupa

 

hinh hanh huong28 1

Kích thước hiện tại của Đại Bảo Tháp là 120 feet (36.5m) đường kính mặt đáy và cao 50 feet (15.2m). Nó bao gồm một mái vòm hình bán cầu, trên đỉnh có cột tháp với 3 mái dù nằm trong một lan can rào hình vuông 4 cạnh trên đỉnh tháp. Bảo tháp có thể được đi vào bằng 4 cổng vào có bốn cổng chào được điêu khắc rất tinh xảo, được dựng lên vào thế kỷ 1 trước CN. Mọi cổng chào gồm có 2 cột vuông, trên đầu 2 cột vuông được điêu khắc hình những con voi, sư tử…đang nâng đỡ phần kiến trúc bên trên là 3 thanh rường bắt ngang, mỗi thanh đều được boa tròn hai đầu. Toàn bộ cổng chào cao 28 feet (8.53m, chưa tính phần điêu khắc trên cùng). Những thanh rường ngang được chia ra và nâng đỡ bởi 4 khối hình lập phương và 6 cột đá nhỏ để chống đỡ và kết chặt các thanh ngang ở giữa. Tất cả đều được điêu khắc với nhiều hình tinh xảo. Trên đỉnh của cổng chào là biểu tượng của Giáo Pháp: Bánh Xe Pháp (Dhammacakka) đặt trên lưng voi, đứng kèm 2 bên là một Dạ-xoa hộ vệ (yakkha) và 2 biểu tượng Tam Bảo (Tiratanas), đại diện cho Phật, Pháp &Tăng. (Hình 50).

Toàn bộ mặt điêu khắc phù điêu của cổng chào được phân thành 5 nhóm sau đây nội dung và ý nghĩa sau:

• Những cảnh về cuộc đời Đức Phật,

• Cảnh trong tiền kiếp của Đức Phật,

• Những sự kiện lịch sử, như là việc phân chia lại xá lợi Phậtbảo tháp Ramagama và vua Asoka đến thăm Cây Bồ Đề,

• Phật Manushi và những vị Phật trước đó, và

• Những cảnh và trang trí khác nhau

2) Tháp Stupas 2 & 3

Bên cạnh Đại Bảo Tháp Stupa, còn có những tháp nổi tiếng khác, như Tháp Stupa 2 và Stupa 3. Stupa 3 được xây vào thế kỷ 2 trước CN và được làm giống kiểu mẫu của Stupa 1 là Tháp Chính, và được dựng lên bên cạnh Tháp Chính. Trong Tháp Stupa 3 có lưu giữ một hộp đá có chứa xá lợi nhục thân của hai vị Đại Đệ Tử của Đức Phật là Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên.

Tháp Stupa 2, nằm thấp hơn, có rất nhiều điêu khắc, phù điêu. Tháp này có lưu giữ 4 hộp đựng xá lợi, là tro hỏa thiêu của 10 vị thánh nhân của Phật giáo: (1) Kasapagota, (2) Majjhima, (3) Haritiputa, (4) Vachhiya-Suvijayata, (5) Mahavanaya, (6) Apagira, (7) Kodiniputa, (8) Kosikiputa, (9) Gotiputa,(10) Mogaliputa. Những vị đạo sư này không phải đều là những người cùng thời hay cùng một thế hệ. Chẳng hạn như ngài Mogaliputa thì được ghi rõ trong phần thờ xá lợi ở tháp Stupa 2 ở Andher và ở Sonari (xem bên dưới) là một học trò của ngài Gotiputa, mà ngài Gotiputa là một thế hệ sau những người thầy là Kasapagota và Majjhima. Vì vậy trong tháp Stupa 2 đang thờ những xá lợi của những người Thầy Phật giáo của ít nhất 3 thế hệ khác nhau.

3) Tu Viện Chetiyagiri Vihara Mới

Một tu viện mới được xây bên trái của Đồi Sanchi bởi Hội Đại Bồ-Đề Ấn Độ vào năm 1952. Bên trong ngôi tu viện có thờ và chứa xá lợi của hai vị Đại Đệ Tử của Phật là Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên, được phát hiện trong bảo Tháp Stupa 3 bởi ngài Sir Cunningham năm 1851, mang về London để cất giữ và đã trao trả lại cho Ấn Độ năm 1949 theo yêu cầu của Hội Đại Bồ-ĐềXá lợi của 10 vị đạo sư cũng được khôi phục từ Tháp Stupa 2 và được lưu giữ trong Viện Bảo Tàng British Museum và cũng được trao trả lại cho Ấn Độ vào năm 1956. Trong số này, hộp thứ nhất chứa xá lợi tro của những A-la-hán Mogaliputa, Kosikiputa và Gotiputa, đã được gửi tặng qua Tích Lan, trong khi xá lợi tro của các vị khác thì vẫn được giữ thờ trong tu viện này.

4) Những Tháp Stupas Gần Sanchi

Xá lợi của những vị Đại Đệ Tử cũng được tìm thấy trong Tháp Stupa 2 cùng thời ở Satdhara, khoảng 11 km về hướng Tây Nam của Sanchi. Thật ra, toàn khu vực quanh Sanchi được xây đầy những tháp thờ xá lợi, như ở Sonari, 10 km về hướng Tây Nam của Sanchi, ở Satdhara, như đã nói trên và ở Andher, 15 km về hướng đông Bắc của Vidisa, ở đó những phần xá lợi khác của 10 vị A-la-hán có xá lợi được thờ trong Tháp Stupa 2 ở Sanchi, cũng được thờ ở đây. Những bằng chứng này cho chúng ta thấy rõ là ngay trước thế kỷ 2 trước CN đã diễn ra việc phân chia lại các xá lợi của Phật và các Đại Đệ Tử cho những bậc cao tăng trong Tăng đoàn ở nhiều nơi sau này, để họ tiếp tục phân ra và thờ trong những tháp stupa được xây nhiều thêm về sau.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app