Hướng Dẫn Hành Hương Về Xứ Phật – Phần Iv: Tháp Ananda Stupa Ở Hajipur

HƯỚNG DẪN HÀNH HƯƠNG VỀ XỨ PHẬT

PHẦN IV: NHỮNG THÁP TƯỞNG NIỆM ĐÁNG GHI NHỚ TRÊN ĐƯỜNG HÀNH HƯƠNG

4. Tháp Ananda stupa ở Hajipur

4.1 Cách Để Đi Đến Nơi

Hajipur nằm ở bờ Bắc của Sông Hằng, cách Patna (Hoa Thị Thành) 10 km. Tháp Ananda hiện tại tọa lạc ngay vành đai phía Tây của Hajipur ở nơi được gọi là Ramchaura Mandir, cách Masjid Chowk chỉ 1 km về phía Nam.

4.2 Ý Nghĩa Tôn Giáo

Vào thời cổ, sau khi vượt qua sông Hằng ở Patna, đến ngôi làng đầu tiên bên kia sông tên là Ukkacala, ngày nay gọi là Hajipur. Đức Phật đã từng thuyết giảng tại đây, Kinh Cula Goplalaka Sutta trong Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya).

Theo Luận Giảng Kinh Pháp Cú (Dhammapada), khi ngài Ananda được 120 tuổi, ngài biết được kiếp sống của mình sẽ kết thúc trong vòng 7 ngày sắp tới. Vì vậy, ngài bắt đầu hành trình từ thành Rajagaha (Vương xá) đến Vaishali, theo hành trình mà Đức Phật cũng đã đi trước kia. Vua Ajatasattu (A-xà-thế) nghe tin liền đi theo cùng với đoàn tùy tùng để thỉnh cầu ngài Ananda ở lại. Trong khi đó, những người ở thành Vaishali nghe tin ngài đang đến lãnh thổ của họ, họ kéo nhau ra bờ sông Hằng để nghinh đón ngài.

Khi vua Ajatasattu theo kịp ngài Ananda vào ngày thứ 7, thuyền của ông ta đã qua đến giữa sông Hằng. Đám đông ở 2 bên bờ sông đều hô to để xin ngài đi về phía của họ để họ được đảnh lễVì vậy, để không làm thất vọng những người 2 bên bờ sông, ngài Ananda đã phi thân lên không trung và nhập diệt Bát-Niết-Bàn bằng nhập định vào giới lửa và thân thể tự phát hỏa thành tro, tro rơi xuống 2 bên của bờ sông Hằng. Một nửa tro rơi bên mỗi bờ sông. Những người ở 2 bên kinh thành mang xá lợi tro trở về và xây tháp xá lợi để thờ.

Tháp xá lợi Ananda bên bờ phía Nam của sông Hằng từ lâu đã bị cuốn trôi bởi dòng chảy luôn luôn thay đổi của sông Hằng. Tháp xá lợi Ananda bên bờ Bắc, Hajipur, thì vẫn còn, nằm trong khu mô đất cao đầy cỏ mọc và người Hindu đã xây một đền thờ ở trên nền tháp đó. Những lần khai quật khảo cổ xung quanh khu vực tháp vào năm 1994-1997 đã làm lộ ra một giếng nước bằng gạch, vách giếng hai lớp được xây từ thời kỳ triều đại Kushan.

4.3 Hiện Trạng Tháp Ananda Stupa

Khi tác giả đến viếng thăm khu di tích này vào Tháng 10, 2008, toàn bộ khu di tích đang ở trong tình trạng rất xấu và tan thương (Hình 48). Có một đền thờ Hindu, đã bị đổ nát, được xây trên đỉnh của khu bảo Tháp Ananda. Bò được thả vào ăn cỏ xung quanh và người ta thậm chí dùng triền dốc của Tháp để phơi phân bò. Nhìn thấy cảnh một bảo tháp nổi tiếng của một Bậc Đại Sư Hộ Pháp* trong tình trạng hoang phế cho đến hôm nay thì thật là đau lòng và làm khởi sinh những cảm giác và sự thấm nhuần thật sự về sự hủy hoại của thời gian và quy luật vô thường, thúc giục những người hành hương mau tinh tiến trong việc thực hành giáo pháp của Đức Phật một cách miên mật nhất.

▪ Ghi Chú: Ngài Ananda thường được gọi với cái tên “Người Hộ Pháp”, Dhamma Bhandagarika, tức là người tinh thông, thuộc lòng và giúp đọc tụng lại tất cả giáo pháp của Đức Phật trong Hội Đồng Tập Kết Kinh Điển lần thứ nhất. Trong Hội Đồng Tập Kết Kinh Điển lần thứ nhất được tổ chức sau 3 tháng kể từ Bát-Niết-Bàn của Đức Phật ở thành Rajagaha (Vương-xá), ngài Ananda được các vị A-la-hán chọn để đọc tụng lại tất cả Kinh mặc dù lúc ấy ngài chỉ là một người chứng quả Nhập Lưu tức Tu-đà-hoàn (Sotapanna). Lý do là ngài là người thị giả kề cận bên Đức Phật và đã nghe những bài thuyết giảng từ chính miệng Đức Phật nói ra. Và sự thật là Đức Phật cũng từng tuyên bố là ngài là người có trí nhớ tốt nhất.

Theo ghi chép trong Luật tạng, vào đêm trước ngày khai mạc Hội Đồng Kết Tập, ngài Ananda đã chứng đắc quả A-la-hán. Tại Hội đồng kết tập, ngài Ananda đã tụng đọc lại Kinh Tạng, bắt đầu bằng nơi chốn và đối tượng nghe Đức Phật thuyết giảng và luôn luôn bắt đầu bằng câu quen thuộc: ‘Evam me sutam’ – ‘Tôi đã nghe như vầy’.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app