HƯỚNG DẪN HÀNH HƯƠNG VỀ XỨ PHẬT
PHẦN III: BỐN NƠI DIỄN RA ĐIỀU THẦN DIỆU
4. Vesali, Nơi Bầy Khỉ Cúng Dường Mật Ong Cho Đức Phật
4.1 Cách để Đi Đến Nơi
Vesali hay Vaishali (Tỳ-Xá-Ly) nằm xung quanh ngôi làng Basrah ở huyện Muzaffapur, bang Bihar, cách khoảng 55 km về phía Bắc của Patna qua Sông Hằng.
4.2 Ý Nghĩa Tôn Giáo
Vesali hay Vaishali, là kinh đô của bộ tộc người Licchavi hay người Vajjis (Bạt-kỳ), là thủ đô của một nền liên bang Bạt-kỳ gồm 8 bộ tộc, trong đó bộ tộc Bạt-kỳ (Licchavi) và Videhan là quan trọng nhất. Đây là một nền cộng hòa đầu tiên trên thế giới, được xây dựng theo 7 điều luật qui định cung cách ứng xử của họ (satta Aparihaniya dhamma) hay còn gọi là 7 điều kiện để dẫn đến những phúc lợi của mọi người, do Đức Phật giảng dạy khi Người lưu trú tại đền thờ Saranda ở Vaishali. Vì vậy, sau khi liên bang lại, họ trở thành rất hùng mạnh. Nên vua Ajatasattu (À-xa-thế) đã âm mưu cài một Bà-la-môn là Vassakara vào trong để tạo bất đồng trong các hoàng tử Bạt-kỳ trong vòng 3 năm, làm rối loạn sự thống nhất của họ và họ trở nên suy yếu. Lúc đó, họ không còn đoàn kết để bảo vệ liên bang, và thừa cơ đó Ajatasattu đã xâm lược và thâu tóm họ.
Đức Phật đã đến Vaishali một số lần, và Người đã ở lại đây qua 2 mùa An Cư thứ 5 và thứ 44. Nhiều nhà quý tộc người Licchavi đã trở thành những đệ tử của Phật. Khi thành Vaishali bị nạn dịch bệnh, chết đói và ma quỷ, những nhà quí tộc Licchavi đã thỉnh cầu Đức Phật đến giúp họ vượt qua cơn hoạn nạn. Đức Phật đã đến giảng bài Kinh Ratana Sutta (Kinh Ngọc Bảo) và chỉ dụ cho ngài Ananda đi khắp kinh thành tụng đọc để hộ niệm, bảo vệ cho mọi người. Sau đó, Đức Phật tụng đọc kinh này 7 ngày và tất cả dịch bệnh đã được giảm đi.
Những sự kiện lịch sử đã làm cho thành Vaishali trở thành một thánh địa quan trọng trong cuộc hành hương Phật giáo đó là sự kiện bầy khỉ cúng dường mật ong cho Đức Phật, một trong 4 điều thần diệu diễn ra trong cuộc đời của Đức Phật.
Cũng tại thành Vaishali, Đức Phật đã cho phép phụ nữ được gia nhập vào Tăng Đoàn sau khi ngài Ananda đã thành công trong việc thuyết phục Đức Phật chấp thuận việc thọ giới cho bà Maha Pajapati Gotami (là bà dì mẫu của Đức Phật lúc mới sinh ra) và những phu nhân khác của dòng họ Thích Ca. Sau đó, Đức Phật đã xác lập ra Tám Giới Cấm (Bát Kỉnh Pháp) bên cạnh Giới Luật Tỳ kheo dành cho chư Tăng, mà các Tỳ kheo Ni (bhikkhunis) phải “tôn trọng, tôn nghiêm, tuân thủ và trì giới và không bao giờ được vi phạm”. Như vậy, Tăng Đoàn Tỳ kheo Ni hay Ni Đoàn đã được thành lập ở thành Vaishali (Tỳ-xá-ly).
Một lần, Khi Đức Phật đang ở tại Vườn Xoài của nữ thí chủ Ambapali, một kỷ nữ ở thành Vaishali, người đã thỉnh mời Đức Phật đến nhà để thết đãi trai Tăng. Sau đó, những người quý tộc Licchavi muốn đền tiền cho cô, bù lại cô phải nhường buổi cúng dường trai Tăng lại cho họ, để họ được diện kiến Đức Phật. Nhưng cô đã khéo léo từ chối, bởi vì cô quan trọng buổi cúng dường trai Tăng hơn là tiền bạc, và thậm chí sau khi trai tăng, cô đã cúng dường khu vườn xoài cho Phật và Tăng Đoàn.
Đức Phật trải qua Hạ An Cư cuối cùng của cuộc đời Người tại thành Vaishali này, ở đó Đức Phật đã nói ra ý định sẽ đến sống ở đền thờ Capala.
Sau khi Đại Bát-Niết-bàn (Mahaparinibbana) của Đức Phật, những người Licchavi cũng đã đến chia phần xá lợi Phật ở Kusinara và mang về xây đại bảo tháp stupa để thờ trong thành Vaishali.
4.3 Bối Cảnh Lịch Sử (5), (27), (37), (38)
Sau Đại Bát-Niết-bàn của Đức Phật, liên bang Bạt-kỳ đã bị đánh bại và thâu tóm bởi vua Ajatasattu (À-xa-thế), và sau đó ông bị vua con của mình là Udayibhadda giết chết và dời kinh đô từ thành Vương-Xá Rajgir về Pataliputta (Hoa Thị Thành), nằm ở bên kia bờ Sông Hằng của thành Vaishali (Tỳ-Xá-Ly). Theo Đại Sử Tích Lan (Mahavamsa), triều đại Udayibhadda lại được tiếp ngôi bởi 3 thế hệ những ông vua con nghịch tử giết vua cha, đó là những vua: Anuruddha, Munda và Nagadasa, tất cả mỗi người đều giết vua cha để đoạt ngôi, theo một cách gia truyền. Vào thời đó, dân chúng không thể tiếp tục chịu đựng một triều đại của những tay vua giết cha đoạt ngôi như vậy. Nagadasa đã bị lật đổ bởi tướng Sisunaga, con của một hoàng tử người Licchavi, ở Vaishali. Sau đó, Sisunnaga được nối ngôi bởi con trai là Kalasoka, và lúc đó là đúng 100 năm kể từ khi Đại Bát-Niết-bàn của Đức Phật.
Vào thời đó, Vaishali (Tỳ-Xá-Ly), nhiều Tỳ kheo thiếu tự trọng của tộc người Vajjis (Bạt-kỳ) đã tự do thực hành 10 Điều Miễn Chấp của họ, (còn gọi là 10 Điểm Của Tu Sĩ Bạt-Kỳ), vốn không đúng với những giới luật Tỳ kheo mà Đức Phật đã lập ra. Ngài Yasa của xứ Kosambi, trong khi trú ngụ tại thành Vaishali, đã thấy được sự tha hóa này và đã lên tiếng phản đối, kết quả là ngài đã bị những tu sĩ Bạt-kỳ áp dụng hình phạt trục xuất ngài. Ngài Yasa, cùng với những Tỳ kheo khác đã đến nhờ ngài Revata của xứ Soreyya, người đứng đầu trong Tăng Đoàn để giải quyết sự việc này. Sau nhiều khúc quanh tranh chấp và bất đồng với những tu sĩ Bạt-kỳ và nhân cơ hội này, (xem thêm “Giáo Trình Phật Học”, Chương 17 – Tam Tạng Kinh Điển”), Hội Đồng Kết Tập Lần Thứ Hai đã được triệu tập tại Tu Viện Valukarama ở thành Vaishali vào thời của triều đại Vua Kalasoka và hơn 700 A-la-hán đã tham dự. Ngài Sabbakami, một trưởng lão A-la-hán cao niên nhất, được hỏi bởi ngài Revata, đã xác định 10 Điểm đó là trái luật so với Luật Tạng. Mặc dù quyết định đã được chấp nhận vô điều kiện bởi Hội Đồng, những tu sĩ Bạt-kỳ vẫn không chấp nhận phán quyết này. Điều đó đã dẫn đến sự chia rẽ trong Tăng Đoàn và những tu sĩ Bạt-kỳ đã lập ra trường phái Mahasanghika (Đại Chúng Bộ) và họ đã tổ chức một hội nghị lớn của riêng họ và gọi là Đại Hội Đồng Tăng Già (Mahasangiti), ý nói là số đông, và từ đó trường phái Đại Chúng Bộ ra đời.
Từ đó trở đi, nhiều cuộc phân ly giáo phái khác đã dẫn đến nhiều giáo phái, trường phái Phật giáo khác nhau. Và theo thời gian, 11 giáo phái đã tách ly ra từ trường phái Theravada, trong khi 7 giáo phái khác đã được phái sinh từ trường phái Mahasanghika (Đại Chúng Bộ), kết cuộc là có đến 18 trường phái trong lịch sử Phật giáo thời bấy giờ. Đó là một lịch sử dài tốn nhiều giấy mực mà nguồn gốc phân ly đầu tiên được cho là xuất phát từ xứ Vaishali của những người Bạt-kỳ này.
Vua Asoka, đã đặt kinh đô Vương Quốc Maurya ở Pataliputta (Hoa Thị Thành), gần Vaishali, đã dựng lên ở đây một bảo tháp Stupa để thờ xá lợi Phật và bên cạnh là một Trụ đá Asoka với đầu trụ hình Sư tử, khi ngài viếng thăm Vaishali, là một phần của cuộc hành hương lưu danh hậu thế từ năm 249 trước CN của nhà vua. Ngài Pháp Hiển đã đến viếng thăm Vaishali vào khoảng 400 năm sau CN và có ghi lại tháp stupas đã được dựng lên để thờ Phật. Ngài cũng thấy được một bảo tháp được dựng lên tại địa điểm của Hội Đồng Kết Tập Lần Thứ Hai, và một bảo tháp stupas được xây dựng để thờ xá lợi hơn một nửa nhục thân của ngài Ananda.
Theo truyền thuyết ghi lại, khi ngài Ananda được 120 tuổi, ngài biết được kiếp của mình đã gần kết thúc, nên ngài đã đi từ thành Rajgir (Vương-xá) đến thành Vaishali (Tỳ-xá-ly), theo dấu xưa của Đức Phật. Sau khi nghe được ý định của ngài Ananda, dân chúng của nước Magadha (Ma-kiệt-đà) và Vaishali (Tỳ-xá-ly) đã tấp nập ra hai xứ để chào từ biệt ngài. Để cho công bằng tấm lòng của dân chúng, ngài phi thân vào không trung và nhập định (Samadhi) và toàn nhục thân được đốt cháy bằng một lửa bùng nổ nhanh chóng, biến thành tro, rơi xuống hai bên xứ. Người dân bên mỗi thành nhận một nửa xá lợi của ngài đem về xây bảo tháp để đặt thờ.
Ngài Huyền Trang đến thăm năm 630 sau CN đã miêu tả thành Vaishali rộng khoảng 26-31 km2, nhưng tất cả đều đã bị tàn phá. Ngài cũng chứng kiến được bảo tháp được xây bởi những hoàng tử Licchavi để thờ xá lợi Phật mà họ mang về từ Kusinara, bảo Tháp Asoka stupa và Trụ Đá Asoka có đầu hình Sư tử và gần đó có một cái Ao Nước, theo ghi chép là do bầy khỉ (Markata-hrada) đào để cho Đức Phật dùng. Không xa về phía Nam có thêm 2 tháp stupas; một tháp là điểm di tích nơi bầy khỉ lấy bình bát của Đức Phật, leo lên cây để lấy mật ong, và tháp kia là điểm di tích nơi bầy khỉ dâng cúng mật ong cho Đức Phật.
Huyền Trang ghi lại rằng, bên trong, bên ngoài, xung quanh thành Vaishali, có rất nhiều bảo tháp, đền thờ tưởng niệm không thể nhớ hết được.
Cũng giống như những thánh địa khác, sau cuộc chiêm bái của ngài Huyền Trang, lịch sử của Vaishali chỉ là tờ giấy trắng, rơi vào quên lãng suốt 12 thế kỷ. Thành cổ Veshali nằm trên đống tàn tích, không ai biết đến và nghe đến cho đến tận cuối thế kỷ 19, khi Ngài Sir Cunningham đi khảo cổ và đã xác định được di tích nằm trong và xung quanh địa danh Basrah (vào thời Cunningham), thuộc huyện Muzaffapur, bang Bihar.
Ngày nay, đa số những di tích chính đều nằm trong ngôi làng Kolhua, các Patna khoảng 55km.
4.4 Những Điểm Cần Thăm Viếng (5), (24), (27)
1) Raj Vishal ka Garh
Basrah, cách 35 km về hương Tây Nam của Muzzaffarpur, đã được xác định là vị trí di tích thành cổ Vaishali. Khu di tích Raj Vishal ka Garh được tin là khu cấm thành hay thành nội Vaishali, nơi mà 7,707 vương tôn quý tộc đại biểu của liên bang Bạt-kỳ (Vajjis) dùng để hội họp và thảo luận những tình hình hằng ngày. Khu tàn tích bao gồm một khu lớn xây bằng gạch cao 2.5 m so với những khu vực xung quanh nó, chu vi 1,500 m và 42.7 m đường hào bao bọc xung quanh nó. Bên cạnh đó là một ao nước, được tin là nơi để cho những hoàng tử Licchavi đến tắm. Vị trí này nằm cách 3.2 km về hướng Tây Nam của Trụ Đá Asoka ở Kolhua.
2) Di Tích Bảo Tháp Của Người Licchavi
Khoảng một Km về hướng Tây Bắc của khu cấm thành, có một nơi ở có một mái vòm che lớn. Bên trong đó là di tích của một bảo tháp stupas, mà nguyên thủy nó là một câu trúc bằng đất, với những lớp bằng đất sét hình tròn, đường kính khoảng 25 feet (khoảng 7.6m). Tháp stupas bằng đất nguyên thủy rất cũ kỹ, được tin là được làm từ thời trước thời Asoka. Từ những suy luận khoa học từ những đường nét nguyên thủy, tháp này được tin là tháp do người Licchavi ở Vaishali xây dựng lên để thờ xá lợi Phật. Có vẻ nơi này cũng đã được Vua Asoka cho đào lên để lấy xá lợi Phật mà vài phần xá lợi còn sót lại trong tháp cổ nguyên thủy này, theo như ý kiến của ngài Huyền Trang. (Hình 47)
3) Trụ Đá Asoka
Tại Kolhua, cách khu cấm thành Vaishali 3.2 km về hướng Đông Bắc là công trình Trụ Đá Asoka thật ấn tượng do Asoka xây dựng lên cách đây 2,250 năm. Do hoàn toàn là một khối đá sa thạch nguyên khối được mài bóng với tượng hình sư tử gắn trên đầu. Chiều cao 6.7 m trên mặt đất, với một phần lớn của trụ đá lún xuống mặt đất sau thời gian dài. Mặc dù không có khắc ghi điều gì trên trụ đá, nhưng đây là một trong những trụ đá mà Vua Asoka đã dựng lên để tưởng niệm những thánh tích trong suốt chuyến hành hương của ông từ thủ đô Pataliputta đến Lumbini từ năm 250-249 trước CN. Xung quanh đó, còn rải rác một số tháp nhỏ bằng gạch. (Hình 46).
4) Tháp Asoka Stupa
Gần bên Trụ Đá Asoka là tàn tích của Tháp Asoka Stupa được chứng kiến bởi ngài Huyền Trang. Đó là một kiến trúc mô đất hình vòm cao 4.6 m và đường kính 20 m. Trong quá trình khai quật của ngài Cunningham, một hộp lớn bằng đá đựng xá lợi Phật đặt thờ bên dưới tháp đã được tìm thấy.
Nơi đây là một nơi rất thuận tiện để thực hành những công phu cúng đường (puja), cùng với tọa thiền hay hành thiền xung quanh bảo tháp.
5) Ao Khỉ (Markata-hrada)
Gần trụ đá là một cái ao nước nhỏ, đươc gọi là Rama-kunda, được ngài Cunningham xác định chính là cái ao nước thời cổ xưa mà bầy khỉ đào lên để cho Đức Phật dùng. (Hình 46).
4.5 Thành Patna (Hoa Thị Thành) Nơi Diễn Ra Hội Đồng Kết Tập Lần Thứ Ba (5), (38), (39)
1) Vườn Kumhrar hay Tịnh Xá Asoka- Asokarama
Khu vườn này nằm ở Patna được tin là nơi diễn ra Hội Đồng Kết Tập Lần Thứ Ba diễn ra ở Pataliputta (Hoa Thị Thành) vào năm trị vì thứ 17 của Vua Asoka, khoảng 236 năm sau Đại Bát-Niết-bàn của Đức Phật. Lúc đó có 1.000 A-la-hán tham dự và được chủ trì bởi ngài A-la-hán Moggaliputta Tissa (Mục-Kiền-Liên-Tử Đế-Tu). Tại kỳ kết tập này, bộ Kathavatthu (Những Điểm Dị Biệt, thuộc tạng Vi Diệu Pháp sau này) đã được biên tập sau khi những giáo lý dị giáo, ngoại đạo đã được xem xét và loại bỏ. Lần Kết Tập Thứ Ba này là một điểm mốc quan trọng, đánh dấu sự mở rộng của Phật giáo ra khỏi khu vực Magadha và đến những vương quốc láng giềng.
Cùng với Vua Asoka, người đang trị vì cả đế chế trải dài hết bán đảo Ấn Độ, là người bảo trợ cho Phật giáo, thời điểm mở rộng Phật giáo đã chín mùi. Sau hội đồng kết tập, Tăng đoàn đã phái nhiều A-la-hán đầy đủ tài đức đi truyền bá Phật Pháp toàn cõi Ấn Độ và những nước khác như Tích Lan về phía Nam, Kashmir, Gandhara về phía Bắc, Bengal và Miến Điện (Burma) về phía Đông và Yonaka và những nước khác về phía Tây. Như vậy, Giáo Pháp của Đức Phật đã được truyền bá đi bốn phương sau kỳ Kết Tập Lần Thứ Ba đó.
Tại Kumhrar, chúng ta có thể thấy một cái hồ lớn, nơi có 32 trụ đá cổ bằng đá sa thạch được mài bóng, một mẫu của số này được trưng bày tại khu trưng bày gần đó. Gần khu vườn là một ngôi tự viện được xây vào thời Asoka.
(a) Sự Truyền Bá của Phật Giáo ra ngoài Ấn Độ
Nhờ có được vị Vua Phật tử Asoka đang nắm quyền thống trị gần hết những xứ sở ở Ấn Độ bấy giờ làm người bảo trợ chính, thời gian đã chín mùi đề tiến hành việc mở rộng Phật giáo.
Với tinh thần đó, Ngài Moggaliputta Tissa, một vị trưởng lão lỗi lạc đứng đầu trong trường phái Theravada, đã quyết định biệt phái những A-la-hán đáng kính đi truyền bá Giáo Pháp của Đức Phật khắp Ấn Độ và mở rộng ra nước ngoài. Mỗi nhóm được dẫn đầu bởi một Trưởng Lão gồm có 5 Tỳ kheo, mục tiêu là phát triển thêm số người được thọ giới vào Tăng Đoàn ở những vùng xa xôi. Tên của những bậc Trưởng Lão và 9 nơi họ được cử đến đã được ghi chép lại trong quyển Đại Sử Tích Lan (Mahavamsa) (13).
Những bằng chứng khảo cổ học đã xác minh được tính chất lịch sử của những phái đoàn mang sứ mạng truyền giáo này. Trong Bảo Tháp Stupa số 2 ở Sanchi, gần Bhopal, người ta đã tìm thấy được 2 hộp đựng những thánh tích từ thế kỷ thứ 1 và thứ 2 trước CN, có khắc tên của nhiều Tỳ kheo và Trưởng lão truyền giáo. Nhờ vào những nỗ lực này, những Lời Dạy của Đức Phật được truyền rộng ra theo 4 hướng khác nhau sau Kỳ Kết Tập Lần Thứ Ba này.
TÊN NGƯỜI TRUYỀN GIÁO NƠI TRUYỀN GIÁO
1. TL Majjhantika Kasmira & Gandhara (1a)
2. TL Mahadeva Mahimsamandala (2a)
3. TL Rakkhita Vanavasi (3a)
4. TL Yonaka Dhammarakkhita Aparantaka (4a)
5. TL Maha Dhammarakkhita Maharattha (5a)
6. TL Maha Rakkhita Yonaka (6a)
7. TL Majjhima Himavantapadesa (7a)
8. TL Sonaka vaF TL Uttara Suvannabhumi (8a)
9.TL Mahinda, Itthiya, Uttiya, Tambapannidipa (9a)
Sambala và Bhaddasala
(1a) Gandhara bao gồm cả quận lý Peshawar & Rawalpindi của Pakistan. Kasmira chính là Kashmir ngày nay.
(2a) Mahimsamandala thường được biết đến là vùng Mysore ngày nay.
(3a) Vanavasi bao gồm cả những vùng duyên hải như Kerala và Malabar.
(4a) Aparantaka hay còn gọi là ‘ vùng viễn Tây’ bao gồm cả vùng rộng lớn Mumbai ngày nay (Bombay), vùng Gujarat, Kachchh và Sind ở phía Bắc Ấn Độ.
(5a) Mararattha chính Maharashtra ngày nay.
(6a) Yonaka (tiếng Phạn là Yavana) cùng với Kambojas là khu vực của những Họ Tộc ngoại bang ở vùng biên giới phái Tây Bắc, nhưng cũng thuộc lãnh thổ của Vương Quốc Asoka.
(7a) Himavantapadesa chính là xứ Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn)
(8a) Suvannabhumi hay ‘ vùng đất vàng’, gồm 2 huyện lỵ Bago (Pegu) và Mawlamyine (Moulmein) thuộc tiểu bang của người Môn ở Miến Điện, Myanmar (Burma).
(9b) Tambapannidipa chính là đảo quốc Tích Lan (Sri Lanka).
(b) Lời Tiên Tri Từ Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Hai
Theo ghi chép trong quyển Đại Sử (Mahavamsa), Ngài Moggaliputta Tissa, chủ tọa Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần thứ Ba, vốn là một vị thần Phạm Thiên tên là Tissa trong kiếp trước. Vào lúc Hội Đồng Kết Tập kinh điển lần thứ Hai, những vị A-la-hán đã thấy trước được nguy cơ suy thoái của chánh pháp trong tương lai, nên đã đến thỉnh cầu ngài giúp đỡ, nhân vòng đời của ngài ở cõi Trời Phạm Thiên cũng đã sắp hết. Ngài đã đồng ý được sinh vào cõi người để có cơ hội ngăn chặn sự xuống dốc Phật Pháp trong vùng lúc bấy giời. Và ngài đã chọn sinh ra là con trai của một Bà-la-môn tên là Moggali ở Pataliputta (Hoa Thị Thành). Hai vị trưởng lão là Siggava và Candavajji, đều là đệ tử của ngài Sonaka (Ngài Sonaka chính là đệ tử của trưởng lão Dasaka, người đã được thọ giáo bởi vị trưởng lão A-la-hán là ngài Upali) được giao phó để chuyển hóa ngài Moggaliputta Tissa (Mục-Kiền-Liên-Tử Đế-Tu). Từ lúc được sinh ra cho đến năm 7 tuổi, ngài Siggava hàng ngày đều đến nhà của họ Moggali (Mục Kiền Liên). Đến năm thứ 8, một ngày nọ, chàng trai trẻ Tissa, người đã thông thạo toàn bộ kinh Vệ Đà (Vedas), rất khó chịu khi thấy ngài Siggava bắt đầu nói chuyện với chàng và hỏi chàng một câu hỏi từ phẩm Song đối về Tâm (Citta Yamaka) trong tạng Vi Diệu Pháp Abhidhamma. Tissa đã không thể trả lời câu hỏi và để học được Giáo Lý của Đức Phật, Tissa đã thọ giới vào Tăng Đoàn dưới sự dẫn dắt của ngài Siggava, và rất nhanh sau đó đã chứng quả Nhập Lưu (Sotapanna). Ngài Siggava dạy Tissa Luật Tạng Vinaya và ngài Candavajji dạy về Kinh Tạng (Sutta) và Diệu Pháp Tạng (Abhidhamma). Và sau đó, ngài Moggaliputta Tissa đã chứng đạt được quả vị A-la-hán với nhiều năng lực siêu phàm và trở thành một vị lãnh đạo lỗi lạc của những Tỳ kheo ở Pataliputta (Hoa Thị Thành).
Ngài trở thành nổi tiếng là một đại trưởng lão và một bậc A-la-hán lỗi lạc, vì công đức tổ chức Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển lần thứ Ba và đã tổ chức phái cử những vị A-la-hán đi truyền đạo khắp nơi trên bán đảo Ấn Độ, Tích Lan và Miến Điện. Và nhờ đó, Phật Pháp còn được lưu giữ nguyên vẹn ở Tích Lan sau khi Phật giáo đã bị suy vong ở Ấn Độ bởi những cuộc tàn sát của những người Hồi Giáo. Những sự kiện và lịch sử trong cuộc đời của ngài có vẻ đúng như những lời tiên tri của những A-la-hán trong Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần thứ Hai.
2) Viện Bảo Tàng Patna (đóng cửa vào ngày Thứ Hai)
Tại Viện Bảo Tàng Patna, thủ phủ bang Bihar, nơi Phật Giáo khai nguồn, có lưu giữ một bộ Sưu Tập lớn nhất những cổ vật Phật giáo trên thế giới. Những tượng điêu khắc bằng đá và đồng đang được trưng bày, có thể chia theo nhiều thời kỳ như sau:
a) Điêu Khắc thời Maurya (Thế kỷ 4-3 trước CN)
Được trưng bày ở đây là những tượng điêu khắc bằng đá sa thạch được mài bóng và làm thành những hình tượng tuyệt đẹp hình sư tử, bò, voi để gắng trên đầu những Trụ Đá Asoka. Bên cạnh những nghệ mỹ thuật này, còn có dòng nghệ thuật cổ xưa dựa vào tục thờ phụng những vị thần hộ mệnh cũng được trưng bày, như tượng quỷ Dạ Xoa ở Patna- Patna yaksa (yakkha) hay yaksi (yakkha).
b) Những Tượng Phật Nghệ Thuật Gandhara và Mathura
Trước CN, Đức Phật chưa bao giờ được thể hiện với dạng hình thân người, mà chỉ bằng những biểu tượng (như bánh xe Pháp..). Nhu cầu về hình tượng Phật bắt đầu xuất hiện khi trào lưu Tín Ngưỡng, Thờ phượng (Bhakti) tăng mạnh trong giới Phật tử tại gia do ảnh hưởng của giáo lý Đại Thừa. Những hình, tượng Phật bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ 1 sau CN, khi đó có 2 trường phái nghệ thuật khác nhau xuất hiện để đáp ứng nhu cầu này là nghệ thuật Gandhara (Afghanistan) ở miền Tây Bắc Ấn Độ và nghệ thuật Mathura (Muttra) ở miền Đông Ấn Độ.
Trong nghệ thuật Gandhara, hình tượng Phật được thể hiện theo kiểu nghệ thuật Hy Lạp cổ đại (Grecian style), gần giống như những tượng thần Apollo về vẻ đẹp hình thể, và ngay cả y phục cà-sa cũng được điêu khắc thành từng lớp như trong nghệ thuật Hy Lạp-La Mã cổ đại (Greco-Roman). Những đường viền không được bo tròn lại và nhiều công phu, khổ cực để tạc tượng theo thân người để thể hiện sự hoàn hảo của thân thể bằng những đường nét sắc sảo và thanh tú.
Trong nghệ thuật Mathura, những tác phẩm tượng thì thuần túy là nghệ thuật bản xứ, thể hiện vóc dáng của những Vĩ nhân, Đại trượng phu (Mahapurisa), to lớn và tròn trịa, cân đối. Một điển hình của nghệ thuật này có lẽ là Tượng Bồ-tát của Tỳ kheo Bala được đặt ở Sarnath. Cách xử lý y cà-sa của Đức Phật là rất sơ lược và ôm chặt vào thân tượng, không thể hiện nếp gấp của y và cơ thể được lộ ra như thể là tượng khỏa thân vậy.
Ở Bảo Tàng Patna, chúng ta có thể thấy được những tác phẩm ‘mẫu’ quý hiếm của tượng Phật và Bồ-tát từ nghệ thuật Gandhara còn sống sót trong cuộc tàn phá của đội quân Hồi giáo cuồng tín khi họ xâm lược miền Bắc Ấn Độ.
c) Nghệ Thuật thời đại Gupta (Năm 300-550 sau CN)
Thời đại Gupta là thời đại hoàng kim của Nghệ Thuật Ấn Độ và những tượng Phật lớn ở Mathura, Sarnath, Ajanta và Bihar là những điển hình lộng lẫy nhất của thời kỳ này. Những tượng Phật từ thời Mathura đã được chỉnh sửa, thêm thắt theo trường phái nghệ thuật Ấn-Hy Lạp cổ (Indo-Grecian). Tại đây, có một bộ sưu tập rất lớn những tác phẩm tượng Phật của thời Gupta để khách hành hương chiêm ngắm.
d) Thời kỳ Pala (thế kỷ 9-12 sau CN)
Trong thời kỳ Pala, tượng điêu khắc bằng kim loại đã được phổ biến rộng rãi và những tương Phật bằng đồng đã được xuất xưởng tại Bihar.
Đối với những tượng bằng đá, Nalanda ở bang Bihar thì rất được nổi tiếng với những tượng Phật được làm tạo từ đá đen.
Trong Bảo Tàng Patna, có một khu trưng bày những tượng Phật bằng đá đen; và những pho tượng bằng đồng thể hiện những thần tượng thờ phượng của trường phái Mật Thừa, là cách thờ cúng mang tính suy đồi và không liên quan gì đến giáo lý nguyên thủy của Đức Phật, đã xuất hiện trong thời kỳ Pala lịch sử đó.
5. Sự Lưu Lạc Của Bình Bát Của Đức Phật (8), (16), (38), (42)
Vaishali (Tỳ-xá-ly) được tôn vinh tưởng niệm vì giữ được Bình Bát của Đức Phật, mà Người đã ban cho những người Licchavi (Bạt-kỳ) trước lúc Bát-Niết-bàn của Người. Theo truyền thuyết ghi lại bởi ngài Pháp Hiển vào thế kỷ thứ 5 sau CN, tại một nơi cách 12 yojanas (1 yojana=12.8 km, tức khoảng 153.6 km) về hướng Đông Nam của Kusinara, Đức Phật đã ban Bình Bát cho người Licchavi. Trước đó, tại thành Vaishali, Phật đã tuyên bố về cái chết sắp xảy ra đối với thân xác của Người hay Bát-Niết-bàn. Người Licchavi ở Vaishali tràn ngập niềm xúc động khi nghe tin này, và họ đã đi theo Đức Phật và không muốn rời xa Người. Đức Phật lúc đó phải tạo một ảo ảnh một dòng sông lớn và sâu hiểm trở để tách khỏi họ và ban tặng bình bát của Người để họ đem về tưởng niệm, Đức Phật đã khuyên họ là hãy quay về nhà. Kể từ đây, họ quay về và dựng một cột đá, và câu chuyện này được khắc lên đó (Phật Quốc Ký, Ch. XXIV). Một bảo tháp stupa đã được xây lên sau đó để tưởng niệm sự kiện đầy xúc động này.
Địa danh Kesariya ngày nay cách 55 km về hướng Tây Bắc của Vesali, được tin là vị trí xảy ra sự kiện chia tay đó. Ở Kesariya, Tổ chức Thăm dò Khảo Cổ Ấn Độ (the Archeological Survey of India) mới đây đã khai quật được một bảo tháp được cho là tháp tưởng niệm stupa cao nhất thế giới.
Bây giờ lại nói về vấn đề Bình Bát của Đức Phật đi về đâu sau khi Đức Phật đã ban Bình Bát cho người Licchavi ở Kesariya, 2 câu chuyện được ghi chép như sau: Đó là (1) ghi chép của những nhà hành hương Trung Hoa viếng thăm vào thế kỷ 5-7 sau CN và (2) ghi chép khác từ Đại Sử Tích Lan (Mahavamsa), một biên niên sử của Tích Lan (Ceylon) bằng tiếng Pali. Từ những truyền thuyết được ghi chép này, nhiều tên Bình Bát đã xuất hiện, như là: Bình Bát Peshawar, Bình Bát Kashgar, Bình Bát Kandahar, Bình Bát Ceylon (Tích Lan) và Bình Bát Trung Hoa. Bình Bát Trung Hoa cuối cùng này, theo Macro Polo, được cho là do Hoàng Đế nhà Nguyên Mông là Kublai Khan (Hốt Tất Liệt) chuyển về từ Ceylon (Tích Lan).
5.1 Bình Bát Peshawar và Bình Bát Kashgar
Câu chuyện được ghi chép bởi những nhà hành hương Trung Hoa về Bình Bát của Đức Phật bắt đầu từ Peshawar, khi ngài Pháp Hiển (trong Phật Quốc Ký, Ch. XII) ghi lại rằng ngài đã nhìn thấy Bình Bát khi ngài thăm viếng Gandhara khoảng vào năm 401 sau CN. Ông thuật lại rằng trước đó, vua nước Yue-chi sau khi chiếm được Gandhara đã muốn lấy lại bình bát mang đi. Ông ta đặt bình bát lên voi, nhưng voi ngã quỵ xuống vì không chịu nổi sức nặng của bình bát. Sau đó, ông ta cho làm xe kéo và nài xe vào 8 con voi để kéo, nhưng chiếc xe vẫn đứng yên. Thời gian di dời bình bát chưa đến lúc đủ duyên, nên ông vua đã thấy hối hận và cho xây một bảo tháp stupa và một ngôi chùa vihara để thờ bình bát. Ngôi chùa này có 700 tu sĩ, họ khiêng bình bát ra ngoài mỗi ngày để những thí chủ mộ đạo cúng dường. Pháp Hiển miêu tả lại là bình bát có nhiều màu sắc, nhưng màu chủ đạo là màu đen, bình bát có thể chứa những 2 peck nước (khoảng 5.7 lít). Bốn lớp thành bình bát được nhìn thấy rõ, mỗi lớp dày khoảng 1/5 inch (0.635 cm).
▪ Theo ghi chép trong Luận Tạng (Mv. Kh. I), khi 2 thương nhân Tapussa và Bhallika cúng dường bánh gạo và mật ong cho Đức Phật bên dưới cây Rajayattana vào ngày cuối cùng của tuần lễ thứ Bảy sau khi Đức Phật thành đạo, Đức Phật suy nghĩ rằng:“Bậc Thiện Thệ không nhận bằng tay. Vậy ta lấy gì để nhận bánh gạo và mật ong đây?”. Tức thì, bốn vị vua trời, Tứ Đại Thiên Vương (Catumaharajika) biết được ý nghĩ của Phật nên liền mang xuống bốn cái bát từ bốn phương khác nhau. Bốn cái bát này được lồng vào nhau, tạo nên một bình bát mới, trên vành có bốn lớp của bốn bình bát kia -ND.
Ngài Pháp Hiển đã không nói gì về bình bát sau khi thấy bình bát ở Gandhara. Nhưng một nhà lịch sử người Tây Tạng Taranatha thì quan sát và cho rằng: “Vua của bộ tộc Yueh-chih (Nhục Chi), tức đế quốc Kushana (Quế Sương), đã xâm lược Magadha (Ma-kiệt-đà) và mang bình bát và cả ông Asvaghosa đi”
Ngài Sir Cunningham là người cho rằng chính Vua Kusan là Kanishka (trị vì 78-102 sau CN) đã xâm lược Magadha và lấy bình bát mang về Peshawar khoảng thế kỷ 1-2 sau CN. Trong khi đó, ở Varanasi, nhà triết học Asvaghosa nhận thấy kinh thành đã bị chinh phục bởi Hoàng Đế Kushan là Kanish kẻ chiến thắng đã đòi những khoản đền bù chiến tranh quá lớn và vì phải làm hài lòng kẻ chiến thắng lại là một vua theo Phật giáo, nên người đứng đầu Varanasi đã trao bình bát của Phật như là một cử chỉ dâng hiến, hàng phục. Ông Asvaghosa có thể đã theo hoàng đế Kanishka về kinh thành Peshawar để làm cố vấn về tôn giáo cho nhà vua.
Những truyền thuyết ghi chép trên cho thấy vị trí của bình bát của Phật là ở Kashgar, khoảng 400 năm sau CN. Trong tiểu sử của ngài Kumarajiva (Cưu Ma La Thập) có ghi lại chuyến đi của nhà bác học Phật giáo này đến Kashgar khoản 400 năm sau CN và đặc biệt ghi rằng ngài đã đặt bình bát của Phật (Patra) lên đầu và cảm nhận được khối lượng của bình bát thay đổi nặng, nhẹ khác nhau rất thần diệu. Một nhà sư Trung Hoa khác là Chih Meng đã hành hương đến Ấn Độ qua Lop Nor và Khotan vào năm 404 sau CN, cũng đã chứng kiến sự thần diệu tương tự khi ông nâng bình bát của Phật lên tại Kashgar, và ở đó ông cũng đã thấy cái ống nhổ của Đức Phật được làm bằng đá nhiều màu (xem Tham Khảo 42 & 43).
Tuy nhiên, ngài Pháp Hiển đã thăm viếng Kashgar vào khoảng năm 400 sau CN để dự Lễ Cúng Dường tổ chức năm năm một lần ở đó đã ghi rõ là chỉ thấy cái ống nhổ nhưng không có bình bát, mà ông thấy bình bát sau này ở Peshawar. Như vậy, chúng ta thấy rõ là ghi chép của ngài Pháp Hiển về việc chứng kiến cái ống nhổ của Phật cùng một nơi là Kashgar là giống y hệt ghi chép của Chih-meng, nhưng một vấn đề được đặt ra là tại sao ngài Pháp Hiển đã không ghi chép gì về bình bát ở Kashgar mà ngài Chih-meng và Cưu Ma La Thập đã chứng kiến và đã ghi lại trong vòng vài năm sau họ đến Kashgar.
Điều này có hai khả năng:
(1) Ngài Pháp Hiển cũng đã thấy rõ bình bát ở Kashgar. Nhưng sau này ngài cũng lại thấy bình bát thiêng liêng đó ở Peshawar, mà theo khuôn mẫu, theo những truyền thuyết cổ xưa và sự lộng lẫy của bình bát trong tự viện thờ ở đó, khiến cho ngài nghĩ đó mới là bình bát thật của Đức Phật, vì thế sau này ông chọn cách im lặng và không ghi chép gì về bình bát ông thấy trước đó ở Kashgar (vì ngài cho rằng đó là đồ giả, vì có 2 bình bát đều cho rằng là di tích đích thực của Đức Phật).
(2) Khả năng thứ hai là 2 bình bát đó chỉ là một bình bát đích thực của Đức Phật, mà ngài Pháp Hiển đã thấy ở Peshawar, nhưng một vài năm sau đó được chuyển qua Kashgar, vào khoảng thời gian mà ngài Cưu Ma La Thập và ngài Chih Meng đến Kashgar. Khả năng thứ hai này có vẻ khó thuyết phục, vì hiếm có tự viện nào lại dễ dàng để người khác mang bình bát thiêng liêng đi như vậy.
Vào năm 520 sau CN, những nhà hành hương Trung Hoa là Sun Yung và Hui Seng đã đến thăm Gandhara, nhưng đã không có ghi chép gì về bình bát ở đây, có nghĩa là bình bát đã không còn ở đó trước khi họ đến thăm. Việc di dời bình bát có thể đã xảy ra trước khi cả vùng này bị rơi vào tay người Yethas (tức người Hepthalite) dưới triều đại của Vua Laelih (Kitolo) vào khoảng năm 425-450 sau CN. SunYung đã vượt qua dãy núi Pamirs ở Tashkurgan để vào Wakkhan, đã chứng kiến những người tộc Hepthalite là một cường quốc khó ai chinh phục nổi và chính thể của họ đã trải qua hai thế hệ sau Laelih, một kẻ tàn sát đạo Phật, đã được phong vua ở xứ Gandhara. Bình Bát có thể đã được mang đi bởi những người dân Gandhara, những người này đã di cư đến ở hai bên bờ sông Arghanadab của xứ Arachosia cổ đại (Afghanistan ngày nay), ở đó họ lập nên một thành phố mang một cái tên gợi nhớ cố hương Gandhara, và vẫn còn tồn tại đến ngày nay, đó là tên Kandahar.
5.2 Bình Bát Kandahar
Lại nói về bình bát của Phật vào thời ngài Huyền Trang đến viếng thăm Gandhara khoảng 640 sau CN. Ngài thấy mọi tàn tích của bảo tháp stupa thờ bình bát của Phật (patra) và ghi lại rằng: “dọc ngang qua nhiều đất nước, bình bát bấy giờ lại đến Persia”. Ngài Sir Cunningham (trong quyển “Ancient Geography of India”: Địa Lý Ấn Độ Cổ Đại, 17, ghi chú 2) đã xác định được bình bát ở Persia này chính là bình bát Kandahar. Ngài đã giải thích rằng, ghi chép của Huyền Trang là đúng với sự thật thời đó địa danh Kandahar thuộc Persia (Ba-tư).
Bình Bát Kandahar là một cổ vật di sản nổi tiếng để tôn thờ. Bình bát được tìm thấy trong những lùm cây tần bì và cây dâu ở phía Đông của thành phố cổ Kandahar trong một khu đền thờ Hồi giáo Mahammadan tăm tối. Bình bát, giống như là một chậu hoa, nằm dưới một gốc cây. Bình bát này được tin là có những phép màu. Theo ghi chép, thì thân cây này bị găm hàng trăm cây đinh sắt và những gai nhọn. Truyền thuyết ghi rằng, nhiều người đã đến đây vái lạy để hết bệnh hay hết bị đau răng. Và sau khi hết bệnh và hết đau răng, như để trả ơn cho bình bát, người ta đóng những đinh sắt hay găm những que nhọn vào thân cây để thể hiện lòng biết ơn của mình. Và điều đó cho thấy, đã có nhiều người bệnh và đau răng đã đến đây cầu nguyện.
Vào năm 1878-1880, bình bát Kandahar đã được chứng kiến và miêu tả bởi TS. Dr. Bellew và Thiếu Tá Major Le Messurier (xem “Dr. Bellew’s Indus to the Tigris”, 143; “Major Le Messurier’s Kandahar in 1879”, trang 223, 225). Theo ghi chép của họ, bình bát được làm từ một hợp chất cứng bằng porphyry (Pocfia) màu đen, khi chạm vào nghe ngân vang. Bình bát hình tròn xoay, rộng khoảng 4 feet (1,22m), sâu khoảng 2 feet (0.61m), thành dày khoản 4 inche (10.16cm). Viền miệng bình bát có 4 bốn lớp, mỗi lớp dày khoảng 7 feet (17.78cm). Bên trong, vầng ánh sáng chạy tròn từ dưới đáy bình bát lên trên vành miệng bên trong bình bát, nơi có khắc chữ Ba-tư và bên ngoài thành bình bát thì có khắc 4 dòng chữ Arập.
Dung tích chứa của bình bát là 80 gallon (302 lít) và khối lượng khoảng 250kg. Kích thước mà Thiếu tá Major LeMessurier miêu tả là: Đường kính vành ngoài 4.2feet (1.28m), đường kính vành trong 3.725 feet (1.135m) Sự khác biệt về kích thước giữa bình bát Peshawar (2.5 gals= 9.46 lít) và bình bát Kandahar (80 gals= 302 lít) có nghĩa là 2 bình bát này không phải là một.
Cả hai bình bát đều có kích thước quá lớn so với bình bát được mang dùng hàng ngày để đựng thức ăn của tu sĩ hay để có thể gọi là bình bát của Đức Phật lịch sử.
5.3 Bình Bát Tích Lan (Ceylon)
Một câu chuyện ghi chép về Bình Bát của Phật được ghi trong Đại Sử Tích Lan (Mahavamsa), một biên niên sử được ghi chép vào thế kỷ 6 sau CN, bởi ngài Mahanama. Sau khi ngài Mahinda (con của vua Asoka) đã chuyển hóa được nhà vua Tích Lan là Devanampiya Tissa theo đạo Phật, ngài đã tâu lên nhà vua ước nguyện được xây bảo tháp stupa để thờ xá lợi Phật. Theo Đại Sử Tích Lan (Mahavamsa Ch. XVII), Sa Di (Samanera) Sumana đã được phái đi về kinh đô Pataliputta (Hoa Thị Thành) ở Ấn Độ, để xin thỉnh xá lợi nhục thân và bình bát của Đức Phật từ vua Asoka. Sau đó, bình bát cùng với những xá lợi nhục thân Phật đã được mang về Tích Lan. Những xá lợi được đặt vào thờ trong những bảo tháp stupas ở Kinh đô Anuradhapura, nhưng riêng Bình Bát của Phật hay còn được gọi là Bình Bát Giới (Pātradhātu) thì được lưu giữ trong cung điện.
Vào thời triều đại Vattagami Abhaya (104-88 trước CN) một Bà-la-môn trẻ tên là Tissa bắt đầu cuộc nổi loạn. Theo đó là cuộc xâm lược của 7 thủ lĩnh quân Tamil, đã đánh bại nhà vua và cai trị đất nước 15 năm. Một trong những thủ lĩnh Tamil đã cưới công chúa Tích Lan và quay về lại xứ sở Tamil của mình. Một thủ lĩnh Tamil khác thì lấy Bình Bát ở Anuradhapura và cũng quay về Ấn Độ, “trong lòng đầy mãn nguyện”.
Số phận của Bình Bát vẫn không được ai biết đến trong 500 năm cho đến khi thời triều đại Vua Upatissa (365-406 sau CN), ông vua đã đem Bình Bát ra trưng bày trước công chúng với mục đích xua đuổi hoạn nạn đang hoành hành khắp đất nước. Theo Đại Sử Tích Lan (Mahavamsa, 19.ch. 37. v. 189-198):
“Nhà vua đã làm một tượng của Đức Phật quá cố toàn bộ bằng vàng, đặt bình bát bằng đá của đức Bổn Sư (đổ) nước vào trong chỗ trũng của hai bàn tay và đặt bức tượng lên trên một cỗ xe lớn. Ông nguyện giữ tốt bản thân và những nghĩa vụ đạo lý và làm cho mọi người cũng giữ tốt bản thân mình, ông đã thực hiện lễ cúng dường bình bát và tạo sự an sinh cho tất cả chúng sinh. Ngay lúc đó, đoàn Tỳ kheo họp mặt và tụng Kinh Ngọc Bảo (Ratana-Sutta) và đổ hết nước ra, đi hành thiền trên phố không xa cung thành, gần tường thành, đi theo vòng hướng phải xung quanh bình bát suốt ba canh đêm đó. Đến sáng rạng đông, một đám mây lớn đổ mưa xuống đất và tất cả những người bị dịch bệnh đều trở nên hồi phục và vui vẻ.”
Từ đầu thế kỷ 12 kéo dài qua thời triều đại vua Parakramabahu IV cho đến cuối thế kỷ 13 sau CN, Bình Bát luôn được tưởng niệm cùng với Xá Lợi Răng Phật, bởi vì những xá lợi đó là biểu tượng của quốc gia, việc sở hữu những xá lợi đó là điều bắt buộc phải có đối với những vị vua. Sau vua Parakramabahu IV, trị vì khoảng năm 1.300 sau CN, không còn ghi chép nào về bình bát nữa. Bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy rằng, vào cuối thế kỷ thứ 13, Bình Bát đã bị di dời từ Tích Lan qua Trung Quốc theo yêu sách của hoàng đế nhà Nguyên Mông là Hốt Tất Liệt.
5.4 Hốt Tất Liệt (Kublai Khan) & Bình Bát Trung Hoa
Theo nhà hành hương Macro Polo, vào năm 1284, Hốt Tất Liệt (Kublai Khan) đã phái một phái đoàn đến Tích Lan để thương lượng việc mua lại những Xá Lợi Răng và Bình Bát. Bởi vì những người Mông Cổ được nổi tiếng là man rợ, tàn bạo (Lúc đó, Tây Tạng đã thất thủ, Miến Điện đã bị thâu tóm đến Pagan vào đầu năm 1277), nhà Vua Tích Lan phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan, hoặc phải rời khỏi mang theo những báu vật quốc gia này hoặc không làm cho Đại Hãn nổi giận. Tương truyền rằng, để làm hài lòng hoàng đế Trung Hoa, nhà vua đã cho gửi cống triều 2 xá lợi răng giả, được Hoàng Đế nhận một cách vui vẻ và ông đem thờ cúng. Bình Bát Tích Lan đã được mang sang Trung Quốc và Macro Polo (năm 1290) đã chứng kiến bình bát ở đó và đã mô tả lại là một khối đá porphyry xanh tuyệt đẹp (đá và pha lê hợp chất), trong khi đó, một nhà viết sử Trung Quốc là Wang Ta-Yuan (năm 1349) đã ghi rằng khi chạm vào, bình bát ngân vang như thủy tinh.
Toàn bộ sự kiện này được thuật lại trong quyển “Những Cuộc Phiêu Lưu của Macro Polo” (Travels of Marco Polo, Volume 2) do chính Macro Polo và Rustichello of Pisa viết, như sau:
“Bấy giờ xảy ra một điều là Đại Hãn nghe ở trên núi cao có phần mộ của người cha đầu tiên của loài người là Adam, và một số tóc, răng và di sản của ông ta vẫn còn nguyên trên ấy. Ông nghĩ đến việc sở hữu chúng bằng mọi cách và đã cử những đại sứ tài giỏi đi để thực hiện mục đích đó, vào năm Thiên Chúa 1284. Những Đại sứ, cùng với đoàn tùy tùng hùng hậu, đã vượt đi bằng đường bộ và đường biển để đến xứ Tích Lan (Seilan=Ceylon) và đến diện kiến nhà Vua Tích Lan. Họ đã thúc ép nhà vua trong việc cưỡng đoạt 2 răng nhai (tức răng cấm-ND), và họ cũng lấy được một số tóc, và đĩa ăn làm bằng hợp chất đá porphyry màu xanh tuyệt đẹp”.(‘đĩa ăn’ là cách họ gọi để chỉ Bình Bát – ND)
Và khi Đại Sứ của Đại Hãn đã đạt được mục đích, họ hân hoan quay về gặp vương chủ của mình. Khi họ về đến thủ đô Cambaluc của Đại Hãn (Kaanbalik – tức Bắc Kinh ngày nay), gặp Đại Hãn và trình với ông là đã mang về đây những thứ mà ông ta đã phái họ đi để mang về. Nghe tin, Đại Hãn vui mừng và truyền cho tất cả giáo sĩ và mọi người tập hợp lại đi đến nơi xem những xá lợi mà ông cho là của Adam. Và tại sao tôi phải viết dài về câu chuyện này? Sự thật là mọi người ở thành Cambaluc đã đến để xem xá lợi họ mang đến cho Đại Hãn xem, Đại Hãn cầm xem với nhiều sự hoan hỉ và tôn kính. Và họ cũng đọc được dòng chữ khắc trên đĩa: nếu phần thức ăn của một người được đặt vào đĩa, thì nó sẽ biến thành đủ cho 5 người ăn, Và Đại Hãn đã quả quyết rằng ông đã chứng nhận và thấy đó là di tích thật.”
Câu chuyện của Macro Polo cung cấp nơi cuối cùng của Bình Bát được nhìn thấy. Điều này được chứng minh bằng ghi chép của người Trung Quốc trong quyển có tên ‘Tao-i-chih-lueh” (Mô tả về Đảo Babarian Islands) được viết vào năm 1349 bởi Wang Ta-Yuan, người đã viết rằng có 3 cuộc cử đại sứ triều Nguyên qua Tích Lan để thương lượng mua xá lợi Bình Bát của Phật. Tuy nhiên, sự di dời bình bát đã xảy ra 65 năm trước khi ông viết, nên sự mô tả của ông ta về bình bát có thể là dựa vào Bình Bát mà ông thấy ở Bắc Kinh, hơn là Bình Bát được thấy ở Tích Lan:
“Trước bàn thờ Phật có đặt một bình bát lớn làm bằng một chất mà không phải ngọc bích, không phải đồng cũng không phải sắt. Nó có màu đỏ gấc và lấp lánh và khi chạm vào, nghe tiếng ngân vang như thủy tinh. Vào đầu thời nhà Nguyên (Yuan), những Đại sứ đã được phái đi 3 lần khác nhau mới mang được nó về. Bình bát trước tượng Phật có chứa thức ăn và nước cúng dường. Còn những bình bát ở trước mỗi bức tượng khác thì không phải là thật.
Đến thời bây giờ, tọa lạc tại Số 171, đường Fuchengmennei Lu, quận Xicheng, Bắc Kinh, là ngôi Chùa Miaoying. Được xây dựng đầu tiên vào năm 1096 vào thời nhà Liêu, sau hôm nay được mở rộng và trùng tu lại năm 1271 vào thời nhà Mông Nguyên của Hốt Tất Liệt (1271-1368). Để tăng cường mối quan hệ với những lãnh tụ Lạt-Ma ở Tây Tạng, ông đã cho xây một Bảo Tháp Trắng kiểu Tây Tạng (White Dagoba) trên đất ngôi Chùa năm 1279. Đồng thời, ông cho trùng tu lại ngôi Chùa và đặt tên lại, có nghĩa là: “Chùa Thái Bình & Trường Thọ Của Hoàng Đế” (Dashengshou Wan’an Si). Về mặt ý nghĩa lịch sử, thời điểm của công trình này là trùng với việc lấy được những xá lợi Phật từ Tích Lan. Cho nên, rất có thể là Hốt Tất Liệt đã cho xây ngôi Chùa và Bảo Tháp này để làm đền thờ của hoàng đế dùng để thờ những xá lợi thiêng liêng đó.
Ngôi chùa bị cháy sạch vào năm 1368, năm khởi nghĩa đuổi sạch quân Mông Nguyên dưới sự lãnh đạo của Chu Nguyên Chương (Zhu Yuanzhang). Thật lạ lùng và diệu kỳ, chỉ có ngôi Bảo Tháp Trắng là vẫn còn đứng nguyên không bị cháy. Chu Nguyên Chương lập nên triều nhà Minh (1368-1644) và dời kinh đô về Nam Kinh. Năm 1420, hoàng đế thứ ba triều Minh là Yongle (Chu Đệ) dời kinh đô về lại Bắc Kinh vào năm 1457, Hoàng Đế Tianshum (Thiên Thuận Đế) đã xây lại ngôi Chùa và đặt tên lại như ngày nay là Miaoying Si (Chùa Báo Thiên Tự).
Vụ động đất Tangshan (Đường Sơn Đại Địa Chấn) vào năm 1976 đã gây ra nhiều thiệt hại cho nhiều ngôi chùa. Chóp tháp của Bảo Tháp Trắng (còn gọi là “Đền Trắng”) trong ngôi chùa, bị ngã về một bên, gạch vữa ở cổ ngọn tháp đã bung ra và cổ ngọn tháp bị gãy đỗ, thân tháp bị nứt ở nhiều chỗ. Bốn hộp đựng những xá lợi được giấu kín bên dưới mái vòm đã bị lộ ra, hiện nay những xá lợi này thì còn đang được trưng bày tại Chùa này.
(Tham khảo: Chùa Miaoying trên trang web: www.china.org.cn/english/features/Beijing).
Đáng tiếc thay không còn một manh mối nào để biết được Bình Bát của Phật và những Xá Lợi liên quan mà Đại hãn Hốt Tất Liệt đã lấy về từ Tích Lan hiện này còn mất ở đâu hay đang lưu lạc phương nào. Những di vật thiêng liêng đó có thể đã bị thất lạc hay bị tiêu hủy trong vụ hỏa hoạn vào năm 1368 trong cuộc chiến ác liệt giữa quân Nguyên Mông và quân của Chu Nguyên Chương nhà Minh.