HƯỚNG DẪN HÀNH HƯƠNG VỀ XỨ PHẬT
PHẦN III: BỐN NƠI DIỄN RA ĐIỀU THẦN DIỆU
1. Savatthi, Nơi Diễn Ra Hai Điều Thần Diệu
1.1 Cách Để Đi Đến Nơi
Savatthi hay Sravasti (Xá-vệ) thuộc quận Bahraich, bang Uttar Pradesh, cách Lucknow khoảng 160km về phía Đông. Khu vực này cách khoảng 21km về phía Tây của Balrampur, một ga xe lửa nằm trên chặng Gorakhpur-Gonda của tuyến đường xe lửa Bắc-Đông.
1.2 Ý Nghĩa Tôn Giáo
Sravasti (tên gọi ngày nay) là kinh đô cổ xưa của Vương Quốc Kosala được trị vì bởi Vua Pasenadi, là một Phật tử cư sĩ và là một người kính mộ Đức Phật. Sravasti đươc nổi danh là nơi có nhiều sự gắn bó lâu dài và gần gũi với Đức Phật trong suốt thời gian Đức Phật truyền dạy giáo pháp. Trong 45 năm truyền đạo, Phật đã trải qua 25 Mùa Mưa An cư, trong đó có 24 Mùa Mưa An Cư (Kiết Hạ) liên tục (từ Hạ thứ 21-44) ở Sravasti. Cũng tại nơi đây, có một đại thí chủ tên là Sudatta, thường được gọi với tên Cấp Cô Độc (Anathapindika), có nghĩa là “người chu cấp, giúp đỡ cho người nghèo”, đã cúng dường Tịnh Xá Kỳ-Đà hay Kỳ Viên (Jetavana) ở rừng Kỳ-Đà cho Đức Phật sau khi ông đã mua với một giá rất ‘đắt đỏ’, tương đương với “số tiền vàng rải kín trên cuộc đất đó”. Bởi vì Đức Phật đã dành một phần lớn thời gian truyền dạy giáo pháp ở nơi này, cho nên đa số những bài kinh trong Kinh điển Phật giáo đã được thuyết giảng khi Phật đang ở Tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana) này. Một tịnh xá nổi tiếng nữa ở Sravasti là Tịnh xá Pubbarama, được cúng dường bởi nữ thí chủ lớn của Đức Phật là bà Visakha.
Sravasti đã trở thành một nơi quan trọng trong cuộc hành hương, bởi vì tại nơi đây, Đức Phật đã dùng phép thần thông kỳ diệu nhất, gọi là Phép Nhân Đôi, để đuổi đám người ngoại đạo thách thức. Đức Phật đã hóa thành nhiều hình dạng khác nhau, đứng và ngồi trên những tòa hoa sen, tạo lửa và nước được phun ra từ thân của mình. Sự kiện thần diệu này được gọi là Thần thông ở Sravasti, là một đề tài ưa thích nhất trong những ngành nghệ thuật nghề điêu khắc Phật giáo.
1.3 Bối Cảnh Lịch Sử (5), (27)
Vua Asoka đã đến viếng thăm Sravasti vào năm 249 BC, là một phần của chuyến hành hương của ngài đến tất cả những thánh địa Phật giáo ở Ấn Độ. Ngài đã cho xây 2 trụ đá cao 70 feet (khoảng 21.35m) ở hai bên cổng phía Đông của Tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana) cũng như một số bảo tháp stupa để thờ Xá Lợi Phật. Vào thời các vua triều đại Kusana, là Kaniska và Huviska, thế kỷ 1-2 sau Công Nguyên, nhưng đền tháp mới được xây dựng để đặt thờ những hình tượng Phật, và được biết đến nhiều vào thời bấy giờ. Sau khi nhà sư Pháp Hiển đến thăm Sravasti vào năm 407 sau Công Nguyên, Phật giáo đã bị suy tàn nhưng trong Tu viện Tịnh xá Kỳ Viên vẫn còn một số tu sĩ. Ngài Pháp Hiển chứng kiến được hai Trụ Đá Asoka vẫn còn đứng nguyên, nhưng những bảo tháp stupas như Tháp Angulimala, Tháp Sudatta (Cấp Cô Độc) thì đã bị phá hủy. Cho đến thời ngài Huyền Trang đến thăm Sravasti vào năm 637 sau Công Nguyên, toàn thành quách đều bị phá hủy, hoang tàn và có vài tịnh xá là nơi ở của Tăng sĩ (sangharamas), nhưng hầu hết đã bị điêu tàn, với vài nhà sư. Tu Viện Kỳ Viên (Jetavana) cũng đổ nát và hoang vắng. Ngài cũng thấy 2 Trụ Đá Asoka, tàn tích các bảo tháp stupas, những tịnh xá, tịnh thất (sangharamas) và cái giếng nước, nơi Đức Phật kéo nước lên dùng hằng ngày.
Sau thời gian ngài Huyền Trang viếng thăm, Tu viện Kỳ Viên (Jetavana) bắt đầu có người trở lại, bằng chứng thu được là những dấu ấn và tranh tượng thờ những vị Phật, Bồ-tát của Phật Giáo Đại Thừa như Quan Thế Âm Bồ-tát (Avalokitesvara) và những chứng tích khác thuộc thế kỷ 8-9 sau Công Nguyên. Người bảo trợ sau cùng của Tu viện Kỳ Viên (Jetavana) là Vua Govindachandra và người vợ kính đạo của ông là hoàng hậu Kumaradevi của xứ Kanauj và Benares, (năm 1130 bà là công chúa Kumaradevi dòng Licchavi xứ Magadha (Ma-Kiệt-Đà)). Lịch Sử ghi nhận bà đã từng cúng dường 6 ngôi làng cho Tăng đoàn ở Tu viện Kỳ viên và điều này đã được ghi vào một bia khắc bằng đồng đã được phát hiện trong quá trình khai quật khảo cổ. Cùng với sự xuống dốc của đạo Phật vào thế kỷ thứ 13, Tu Viện Kỳ Viên, lần thứ hai, đã trở thành hoang phế và lãng quên. Vào năm 1863, ngài Sir Cunningham đã nhận dạng được một “bộ sưu tập” rất lớn về tàn tích của một di tích ‘đôi’ được gọi là Sahet-Mahet, cùng với thành cổ Sravasti. Ông đã khai quật khu Sahet bao phủ 13 hecta, nhận dạng được tịnh xá, tu viện Kỳ Viên Jetavana và cũng phát hiện ra phần tàn tích của nhiều tháp stupas, đền thờ và tu viện, bao gồm cả di tích quan trọng là Hương Thất (Gandha-kuti) và Thất Kosambi kuti, (kuti có nghĩa là nhà nhỏ, cốc, thất), cả hai nơi là nơi ở của Đức Phật. Tất cả những tàn tích của tu Viện Kỳ Viên đều cho thấy đã được xây dựng vào những năm triều đại Kusana (thế kỷ 1-2 sau Công Nguyên). Con khu di tích Mahet thì rất lớn, trải dài trên 162 hecta. Chỉ có một số thánh tích đã được khai quật và phát hiện, phần lớn của khu di tích này chưa được khám phá.
Mới gần đây, tu viện đầu tiên đã được xây là Chùa Miến Điện (Burmese Vihara) do Đại Đức Chandramani ở Kushinagar khởi xướng. Sau đó là Chùa Trung Quốc do Hòa thượng Ren Chen lập nên. Vào năm 1969, Hội Đại Bồ-Đề Ấn Độ (Maha Bodhi Society of India) bắt đầu có mặt trực tiếp tại Sravasti, với Đại Đức Sangharatana đến từ Sarnath, người đã khởi công xây dựng Tu viện Nava Jetavana Vihara (nghĩa là: Tu Viện Kỳ Viên Mới), nằm sát bên ngoài Tu Viện Kỳ Viên ngày xưa. Năm 1982, người Thái Lan cũng đã xây chùa Thái tại đây.
1.4 Những Điểm cần Thăm Viếng (5), (27)
1) Khu Vườn Kỳ Viên – Jetavana Park
Vào thời Đức Phật còn tại thế, nơi này được gọi chính xác là: Khu Vườn (cuả) Cấp Cô Độc ở Rừng Kỳ Đà (Jetavana Anathapindika Arama). Ngày nay, tất cả chỉ còn lại những tàn tích của đền thờ và những tháp stupas xây từ thời triều đại Kusana (thế kỷ 1-2 sau Công Nguyên). Những đền tháp quan trọng như sau:
2) Đền Thờ Số 2
Vị trí này đánh dấu di tích của Hương Thất Gandha-kuti được xây dựng bởi ông Cấp Cô Độc để cho Đức Phật dùng ở. Theo nhiều luận giảng, chiếc giường (hay tràng kỷ) của Đức Phật đặt trong đó là giống nhau cho tất cả các chư Phật, bất kể sự lớn hay nhỏ của Hương Thất Gandha-kuti. Hương Thất nguyên thủy được xây bằng gỗ, nhưng vào thời những nhà hành hương Trung Hoa là Pháp Hiển, Huyền trang đến viếng, thì đó là một cấu trúc 2 tầng xây bằng gạch trong tình trạng đổ nát. Hiện giờ thì dấu tích những bức tường thấp và nền móng bằng đá vẫn còn. (Hình 34).
Đây là một nơi đáng tham quan để những nhà hành hương có thể thực hành các thời công phu cúng đường (puja) và thiền quán.
3) Đền Thờ Số 3
Ở nơi thờ này được tin là vị trí của Thất Kosambi kuti nguyên thủy của Đức Phật, cũng do ông Cấp Cô Độc xây cho Đức Phật dùng làm nơi tham thiền. Ngày trước đó, có một khối hình vuông cũng được xây bằng gạch như thất, đánh dấu lối đi kinh hành nguyên thủy (cankama) mà Đức Phật dùng để đi hành thiền.
4) Tháp Stupa H
Tháp stupa này được tin là đánh dấu vị trí nơi Đức Phật thường giảng dạy giáo pháp cho các Tỳ kheo và Phật tử tại gia. Tháp này được dựng lên ngay trước Đền Thờ Hương Thất Gandha-kuti, và tháp đã được xây lại nhiều lần để khẳng định sự quan trọng của thánh tích này.
5) Cây Bồ-Đề Ananda
Cây Bồ-Đề Ananda được trồng gần cổng của Tu viện Kỳ Viên (Jetavana). Cây Bồ-Đề đã được trồng, theo thỉnh cầu của ông Cấp Cô Độc, để làm ‘biểu tượng’ thay cho Phật cho những Phật tử cư sĩ đến tưởng niệm, lễ lạy trong thời gian Đức Phật vắng mặt hay đi giảng pháp ở nơi khác sau những lần An cư mùa Mưa (vassa) ở Tu viện Kỳ Viên.
Khi ngài Annada thưa lại với Đức Phật, Đức Phật trả lời rằng, có 3 loại biểu tượng dùng làm đối tượng để tôn kính Phật, đó là : Xá Lợi từ nhục thân của Phật được đặt thờ trong một bảo Tháp stupa (nào đó) sau khi Đức Phật Bát-Niết-Bàn, một vật dụng được Đức Phật sử dụng, chẳng hạn như bình bát khất thực, vv…., và những biểu tượng nhìn thấy được, chẳng hạn như biểu tượng Bánh Xe Chuyển Pháp… Loại đầu tiên là không thể được trong khi Đức Phật vẫn còn tại thế, trong khi loại thứ ba thì không phù hợp cho những người không dễ hài lòng với một biểu tượng hay một hình ảnh đơn giản như vậy. Vì vậy, loại thứ hai có thể dùng làm biểu tượng để tôn kính Đức Phật khi không có sự hiện diện của Phật và Phật đã gợi ý là Cây Bồ-Đề (Bodhi) là biểu tượng tốt nhất để mọi người tôn kính khi không có Phật. Vì vậy, họ quyết định trong một cây Bồ-Đề con thuộc cây Bồ-Đề ở Bodhgaya (Bồ-Đề Đạo Tràng), và ngài Moggallana (Mục-kiền-liên) đệ nhất thần thông đã được đề cử nhiệm vụ đi lấy cây con về trồng. Sau khi được đem về, cây Bồ-Đề con được trồng một cách tôn nghiêm ngay cổng của Tu Viện Kỳ Viên bởi ngài Cấp Cô Độc (Anathapindika). Cây lớn lên và trở thành biểu tượng tôn kính khi không có Phật cho các Phật tử. Theo lời thỉnh cầu của ngài Ananda, Đức Phật đã ngồi tọa thiền một đêm dưới gốc cây Bồ-Đề này, làm tăng thêm tính thiêng liêng của cây Bồ-Đề. Cây Bồ-Đề hiện tại chúng ta đang chiêm bái trông có vẻ già vì nét cổ kính của Cây, nhưng hiện chưa có kết luận chắc chắn rằng đây chính là cây Bồ-Đề nguyên thủy được trồng từ tận thời Đức Phật còn tại thế hay chỉ là một cây con cháu của Cây Bồ-Đề nguyên thủy. (Hình 33).
6) Tháp Tưởng Niệm Cấp Cô Độc – Sudatta Stupa
Về phía Bắc của tu Viện Kỳ Viên Jetavana, trong khu tàn tích Mahet (thành cổ Sravasti) có một tháp tưởng niệm ngài Cấp Cô Độc, Tháp Sudatta stupa, là một công trình tưởng niệm uy nghi nhất trong vùng. Theo nhà sư Pháp Hiển, Tháp stupa này đã được xây trên nền móng ngôi nhà của ông Cấp Cô Độc. Tàn tích cho biết được Tháp này vẫn còn nguyên trong giai đoạn thế kỷ 1-2 sau CN. Từ dưới đường, chúng ta phải cố trèo lên một công trình bằng gạch gồm nhiều khối nền móng hình vuông, đứng trên đó mới có thể nhìn thấy được những nền móng đã bị chìm lún theo thời gian của 2 tháp tròn stupas. (Hình 35).
7) Tháp Angulimala Stupa
Gần Tháp Cấp Cô Độc (Sudatta stupa) là một di tích toàn bằng gạch với một đường hầm chui ở chính giữa, mà ngài Sir Cunningham đã xác định đó là Tháp Angulimala stupa đã được chứng kiến và ghi chép lại bởi những nhà hành hương Trung Hoa. Đường hầm cắt xuyên qua toàn bộ phần nền móng của khối di tích, giúp thoát nước và bảo trì được di tích. Theo Pháp Hiển, Tháp stupa này đánh dấu nơi Angulimala đã được hỏa tán. Angulimala trước kia từng là một tên tướng cướp, giết người man rợ, sau đó đã được Đức Phật giảng độ và trở thành một Tỳ kheo. Sau này bị dân chúng trả thù bằng cách đánh đập, ném đá và ngài đã chịu đựng cho đến chết để chứng minh cho sự hối hận và lòng hướng thiện của mình. (Hình 36).
8) Nơi Devadatta (Đề-Bà-Đạt-Đa) Bị Lún Chìm Xuống Đất
Theo Luận giảng kinh Pháp Cú, sau khi Devadatta (Đề-Bà-Đạt-Đa) tạo ra sự chia rẽ trong Tăng Đoàn, ông lập ra bè phái riêng của mình. Sau khi nghiệp đã đến lúc trả, ông ngã bệnh 9 tháng. Biết được mình sắp lâm chung, ông nhờ những đệ tử của mình đưa ông đến gặp Phật lần cuối. Khi nghe được điều này, Đức Phật dự đoán rằng ông Devadatta sẽ không còn kịp gặp được Phật. Devadatta được khiêng trên kiệu, và khi đi ngang hồ sen trước Tu Viên Kỳ Viên, những đệ tử của ông đặt kiệu xuống đất và xuống hồ sen để tắm. Devadatta đứng dậy khỏi kiệu và ngồi xuống đất để nghỉ chân, ông để hai chân xuống đất để ngồi nghỉ, thì hai chân bắt đầu bị lún xuống đất. Từ từ, đến ống chân, rồi đầu gối, rồi hông, đến ngực và cổ. Trước khi hoàn toàn bị lún dưới bùn, ông đã cố nói lên ý nguyện là Quy y theo Phật. Sau đó, ông đã bị tái sinh vào Địa Ngục A-tỳ để chịu những ác nghiệp do ông gây ra.
Nơi ông Devadatta bị chết chìm được tin là khu đầm lầy vẫn còn đến ngày nay, nằm ở phía sau Chùa Miến Điện (Burmese Vihara).
9) Tháp Thần Thông Stupa
Theo luận giảng, Đức Phật đã lên cõi trời Đao Lợi (Tavatimsa) để thuyết giảng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) cho mẹ của Người trong suốt mùa Mưa Kiết Hạ lần thứ 7. Trước khi lên cõi trời, Người đã biểu diễn Hai Thần Thông để khuất phục những phần tử ngoại đạo thách thức. Thần Thông thứ nhất là việc biến hóa một cây Xoài mọc lên. Sau khi mời người làm vườn tên là Ganda dâng lên cho Phật một trái xoài, sau khi dùng, Đức Phật đưa hột xoài cho Ganda và bảo ông ấy đào đất và trồng cái hột xoài ngay tại chỗ. Khi ông Ganda trồng hột xoài vừa xong, Phật dùng nước rửa tay ngay trên chỗ trồng. Tức thì một cây xoài mọc lên, một nhánh thẳng đứng ở giữa và bốn nhánh ở bốn phía, rồi trổ hoa trái đầy cành, trái chín vô cùng thơm ngon. Đức Phật bảo cho mọi người biết chiều hôm sau ngài sẽ thị hiện thần thông nơi cây này, được gọi cây xoài Ganda. Nơi này được tin là vị trí cái đồi nhỏ nằm gần Khách Sạn Nikko Lotus Hotel khi chúng ta tiến vào Sravasti. Năm 2000, một cuộc khai quật đã làm lộ ra một tháp stupa bằng gạch, được tin là do Vua Asoka đã dựng nên. Khu vực này đã được rào lại để bảo vệ di tích Thần Thông trên đồi. Tháp này được người dân địa phương gọi là ‘Orajhar’. (Hình 32).
Thần Thông thứ hai là chiều ngày hôm sau, Phật tạo một đường kinh hành bằng ngọc, cầu vòng năm màu trên không trung, từ Đông sang Tây. Phật bước lên cầu vồng, đi tới đi lui thuyết pháp, thân mình vừa phun ra lửa và nước, làm tỏa ra ánh sáng sáu màu chiếu đến cõi trời. Đồng thời, một hóa thân Phật cũng xuất hiện trên cầu vồng, hoặc đi, hoặc đứng, nằm, ngồi, khi hỏi, khi đáp, cùng với Phật vừa thể hiện thần thông vừa thuyết giảng Chánh Pháp cho công chúng nghe. Nghe xong một số đông người đắc quả Tu-đà-hoàn (Nhập Lưu). Dân chúng Sravasti được chứng kiến một cảnh tượng thần diệu không thể nghĩ bàn. Hiện nay có tháp Gandhabba Rukkamula, gần Tu Viện Kỳ Viên (Jetavana), để kỷ niệm nơi này.
10) Tu Viện (Chùa) Miến Điện & Tu Viện Tích Lan
Khách hành hương đến Sravasti nên ghé thăm cả hai ngôi tu viện để tỏ lòng thành kính đối với những tu sĩ và tìm hiểu thêm về những công trình tưởng niệm và lịch sử tại đây. Tu viện Tích Lan có tên là Nava Jetavana Vihara (có nghĩa là Tu Viện Kỳ Viên Mới), bên trong chúng ta sẽ thấy được nhiều bức tranh vẽ trên tường, miêu tả lại những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật. Tu viện này cũng đang lưu giữ một số xá lợi Phật trong một cái bát hình tháp stupa để cho những khách viếng được xem.
Tu Viện (Chùa) Miến Điện có tên đầy đủ là Chùa Phật Giáo Miến Điện (Burmese Buddhist Temple) và vị trụ trì là Hòa Thượng Sayadaw U Awbatha. Theo như vị Hòa thượng (Sayadaw) này, mặc dù ngôi chùa mới xây nằm bên ngoài Tu Viện Kỳ Viên nguyên thủy nằm phía trong hàng rào bảo tồn, nhưng cuộc đất của ngôi Chùa mới chính là một phần đất của Kỳ Viên Jetavana ngày xưa.
Chùa Miến Điện này mới đây đã được tu sửa để làm chổ ở miễn phí cho những khách hành hương đến chiêm bái Sravasti.