HƯỚNG DẪN HÀNH HƯƠNG VỀ XỨ PHẬT
PHẦN I: Ý NGHĨA, LỊCH SỬ VÀ CON NGƯỜI
1. Lumbini, nơi Đức Phật Đản Sinh
1.1 Cách Để Đi Đến Nơi:
Lumbini nằm thuộc bên nước Nepal, bên rìa phía Tây miền Trung của Nepal, gần sát bên thị trấn biên giới Sonauli của Ấn Độ. Việc đi đến nơi này cũng không hiện đại hay quá dễ dàng. Nơi di tích này cũng không thể tiếp nhận quá nhiều khách tham quan cùng một lúc. Hầu hết những người hành hương là người từ các nước Đông Nam Á, Nhật Bản và Tây Tạng, những người khách tham quan phương Tây cũng đến đây khá đều đặn.
Lumbini có một phi trường nhỏ mang tên Đức Phật Cồ-Đàm, là ‘Phi Trường Gautama Buddha’. Hãng hàng không ở đây cũng mang tên Đức Phật là ‘Buddha Air’ có nhiều chuyến bay trong ngày đi thủ đô Kathmandu và 9 tỉnh thành của Nepal, và 1 chuyến bay quốc tế từ Lumbini đến Lucknow, thành phố thủ đô của bang Uttar Pradesh của Ấn Độ.
Từ Việt Nam chúng ta cũng có thể đáp chuyến bay qua phi trường Tribhuvan Airport, thủ đô Kathmandu, Nepal và sau đó nối chuyến bay quốc nội từ Kathmandu đến Lumbini, dành cho những người hành hương muốn bắt đầu chuyến hành hương đến Lumbini rồi sau đó mới đi qua những thánh địa còn lại của Ấn Độ và như vậy chỉ cần xin Visa 1 lần vào Nepal và Ấn Độ, thay vì phải xin Visa 2 lần vào Ấn Độ nếu đi từ Ấn Độ qua Lumbini và quay về Ấn Độ nhập cảnh lần thứ hai. Nếu đi bằng máy bay vào Nepal, chúng ta có thể xin cấp Visa tại phi trường Nepal.
Ngày nay, đa số các đoàn hành hương đều đi Lumbini từ Ấn Độ. Chúng ta có thể xin cấp Visa ở cửa khẩu Sonauli, Ấn Độ & Lumbini, Nepal. Từ biên giới, có một con đường tốt chạy đến Lumbini khoảng 20 KM.
(Tuy nhiên, theo thỏa thuận giữa 2 nước Ấn Độ và Nepal, nếu bạn đã có visa vào Ấn Độ, khi thăm viếng Ấn Độ xong, bạn có thể từ Ấn Độ sang thăm Lumbini, Nepal trong vòng 3 ngày mà không cần phải xin visa Nepal. Do vậy, rất nhiều đoàn khách hành hương những vùng đất Phật thường khởi hành viếng những vùng đất ở Ấn Độ trước, rồi mới đến viếng Lumbini trong vài ngày – ND).
Có khoảng 15 khách sạn tiêu chuẩn tốt và nhà khách yên tĩnh ở Lumbini xung quanh những di tích.
1.2 Ý Nghĩa Tôn Giáo (2), (25), (26)
Sau khi đã tu tập chứng đắc 10 Pháp Hoàn Thiện (Paramis), tức 10 Ba-la-mật, trong bốn a-tăng-kỳ (asankheyya) và một trăm ngàn đại kiếp (kappa), vị Bồ-tát, hay Đức Phật Cồ-Đàm sau này, “thọ thai” vào bụng của Maya Devi, hoàng hậu của vua Suddhodana (Tịnh Phạn), người đứng đầu vương quốc cộng hòa Thích Ca (Sakyan), nằm ngang biên giới của Ấn Độ-Nepal ngày nay. Vào ngày Trăng Tròn của tháng Năm, năm 623 trước CN, Hoàng hậu Maya Devi đang trên đường từ kinh đô Kapilavatthu (thành Ca-tỳ-la-vệ) để đến Devadaha, quê cha mẹ của bà, để hạ sinh đứa con, theo phong tục truyền thống của xứ này. Dọc đường, khi đi ngang qua Vườn Lumbini, một khu rừng Sala (Long Thọ) đang nở rộ những bông hoa. Đang chiêm ngưỡng phong cảnh cây, hoa tươi đẹp huy hoàng, hoàng hậu cảm thấy chuyển dạ rất nhanh để sinh thái tử. Hoàng hậu gọi những người hầu nữ che màn xung quanh. Một tay hoàng hậu nắm lấy cành cây Sala, bà hạ sinh thái tử trong tư thế đang đứng. Theo Majjhima Sutta No. 123 (Trung Bộ Kinh, kinh số 123), ngay sau khi Bồ-tát được sinh ra, Người bước 7 bước về hướng Bắc và tuyên bố về vị trí của mình trên thế gian như sau:
Aggo’ ham asmi lokassa – Ta là người đứng đầu trên thế gian. Jetto’ ham asmi lokassa – Ta là người thượng đẳng nhất thế gian. Setto’ ham asmi lokassa –Ta là người cao quý nhất thế gian. Ayam antima jati – Đây là lần tái sinh cuối cùng. Natthi dani punabbhavo – Bây giờ không còn tái sinh nữa đối với ta!.Ngay khi Bồ-tát được sinh ra, một luồng đại hào quang tỏa sáng bao trùm lên tất cả những hào quang của những vị trời, thần vừa xuất hiện, luồng hào quang chiếu sáng khắp nơi, kể cả những nơi tăm tối mà ánh sáng mặt trời, mặt trăng không thể chiếu sáng đến được. Mười ngàn thế giới rung chuyển và ầm vang và rồi một luồng hào quang lớn chiếu sáng như để báo tin về sự đản sinh của Bồ-tát, vị Phật tương lai.
1.3 Bối Cảnh Lịch Sử (5), (27)
Năm 249 trước CN, vị hoàng đế vĩ đại A-dục (Asoka) của triều đại Maurya, người đang trị vì gần hết bán đảo Ấn Độ từ năm 273-236 trước CN, đã đến thăm Lumbini, là một phần trong chuyến hành hương chiêm bái tất cả những thánh địa, và đích thân cúng lễ tôn nghiêm nơi Đức Phật đã đản sinh. Để ghi nhớ chuyến viếng thăm của mình, nhà vua đã cho xây một trụ đá, khắc chữ Brami cho thế hệ con cháu mai sau được biết đến. Chữ khắc trên trụ đá gồm có 5 dòng như sau (bản dịch tiếng Anh hiện được đặt tại nơi này cho khách hành hương đọc):
Tiếng Brahmi:
Devannapiyena piyadasina lajina-visativasabhisitena. Atana-agacha mahiyite Hida Budhe-jate sakyamuniti. Silavigadabhicha kalapita silathabhe-cha usapapite. Hida Bhagavam jateti Lumbinigame ubalike kate, Athabhagiye ca.Dịch nghĩa tiếng Việt:
“Quốc vương Devànampiya Piyadasi (A-Dục), người con yêu dấu của các vị Trời, hai mươi năm sau khi lên ngôi, đã đích thân ngự viếng và lễ cúng nơi này, vì Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, đã đản sanh ở đây. Nhà vua ban lệnh khắc một tượng con ngựa trên đầu một trụ đá và dựng trụ đá lên. Bởi vì Đức Thế Tôn (Bhagavan) được sinh ra ở nơi đây, làng Lumbini được giảm thuế canh tác và chỉ còn đóng 1/8 so với mức thuế thường”.
* Lưu ý: Lễ đăng quang ngôi Hoàng Đế của vua Asoka là vào năm 269 trước CN, 4 năm sau khi ông đã nắm quyền triều chính.
Sau cuộc chinh phạt của người Hồi Giáo ở miền bắc Ấn Độ vào thế kỷ 12-13 sau CN dẫn đến việc cướp bóc và tàn phá những tu viện và đền thờ Phật Giáo, Lumbini đã bị bỏ hoang và cuối cùng bị rừng tarai bao phủ. Năm 1896, nhà khảo cổ người Đức, Tiến Sĩ. Alois A. Fuhrer, trong khi đang đi tìm nơi Phật tích trong khu rừng tarai ở Nepal, đã vô tình tìm thấy một cột đá và đã chắc chắn rằng chính nơi này là nơi Đức Phật đản sinh. Cột Đá Lumbini (hay còn gọi là Cột Đá Rummindei) vẫn kỳ diệu đứng vững cho đến ngày nay để làm chứng tích cho nơi Đức Phật được sinh ra.
1.4 Những Điểm Cần Thăm Viếng:
1) Trụ Đá Asoka
Sau khi bước vào Vườn Lumbini, dấu hiệu nổi bật đập ngay vào mắt là một trụ đá cao được bao bọc xung quanh bằng hàng rào sắt. Đây là ‘Trụ Đá Lumbini’ nổi tiếng được dựng lên bởi vua Asoka vào năm 249 trước CN. Nguyên thủy trên đầu trụ đá này tượng hình một con ngựa, nhưng sau đó đầu hình con ngựa bị sét đánh gãy, chỉ còn lại thân trụ đá cao 6.7m. Đây là trụ đá có khắc dòng chữ xác nhận khu vực nơi sinh của Đức Phật. (Hình 1&2)
2) Nơi Thiêng Liêng Nhất Của Thánh Địa (sanctum sanctorum)
Khu vực bên trước Trụ Đá Asoka trước đây là nơi Đền Thờ Hoàng Hậu Maya Devi, đã bị đập ra năm 1995 để tiến hành khảo cổ. Vào ngày 4 tháng Hai, 1996, một đoàn khảo cổ do Liên Hiệp Quốc tài trợ đã tuyên bố là đã tìm thấy chính xác chỗ (điểm) Đức Phật được sinh ra nằm ngay bên dưới móng của đền thờ. Những nhà khảo cổ đã đào 15 hầm có chiều sâu khoảng 5m, và tìm thấy được một tảng đá nằm ngay trên nền được xây bằng 7 lớp gạch của ngôi đền, xác định rõ chỗ (hay chính điểm) chính xác Đức Phật được sinh ra. (Hình 4, 5). Đây là một tin vui cho Phật Tử khắp nơi trên thế giới. Chúng ta có thể đọc lại một bài đăng tin trên tạp chí Asia Week năm 2011 mới đây như sau:
“23 Tháng 5 / 2011 (Theo Asia Week):
Hàng thế kỷ qua, những người hành hương từ các nơi trên thế giới đã lùng sục khắp các chân đồi của dãy Hy Mã Lạp Sơn với hy vọng tìm ra vị trí chính xác nơi sinh của đức Phật. Và lòng kiên nhẫn của họ đã được đền bù. Ngày 4 tháng 2 năm 1996 vừa qua, một đội các nhà khảo cổ quốc tế cho biết họ đã tìm được bằng chứng cuối cùng cho thấy đức Phật được sinh ra tại Lumbini thuộc miền Tây Nam nước Nepal.
Hoang tàn và đổ nát, ngôi đền Maya Devi ở Lumbini – được xây dựng cách nay gần 2600 năm, cách Kathmandu thủ đô vương quốc Nepal khoảng 240 Km – là cái nôi của Phật giáo. Hầu hết các Phật tử từ lâu đã tin rằng đây là nơi đức Phật ra đời. Ngày nay các nhà khảo cổ đã khẳng định điều này và nói rằng họ đã phát hiện một mảnh chứng cớ còn thiếu, nhưng cực kỳ quan trọng – một “tảng đá hoàn hảo” được đặt trên nền của ngôi đền Maya Devi và năm 249 trước Công nguyên, để đánh dấu vị trí chính xác nơi đức Phật được sinh ra. Tảng đá này, cỡ 45 cm x 15 cm, được tìm thấy sâu bên dưới, cách bề mặt đống đổ nát gần 5m.
Trên đây là khám phá của nhà khảo cổ Babu Khrisna Rijal của Nepal và Satoru Uessaka của Nhật Bản vào ngày 18-2-1995. Tuy nhiên mãi cho đến gần một năm sau đó, họ mới công bố nó – sau khi các chuyên gia Ấn Độ, Pakistan và Sri Lanka đã xác nhận những vật này. Mặc dù các học giả Ấn Độ vẫn cho rằng đức Phật không phải được sinh ra ở Nepal mà là quận Gorakhpur thuộc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ ngày nay, tuy nhiên, một tuần sau công bố trên, vẫn không có phản ứng chính thức nào.
Theo các kinh sách của Phật giáo, vào năm 623 trước Công nguyên, thân mẫu của đức Phật, Hoàng hậu Maya Devi, đã ghé qua Lumbini (Lâm Tỳ Ni) trên đường về nhà cha mẹ tại Rangram. Bà đã tắm trong một cái ao linh thiêng, và sau đó đi 25 bước đến một khu rừng nhỏ để sinh con. Nhiều Phật tử tin rằng đứa bé này, Hoàng tử Siddhartha, đã nhỏm dậy và bước đi bảy bước.
Gần 400 năm sau đó, Hoàng đế Ashoka (vua A Dục) – người được cho rằng đã truyền bá Phật giáo khắp Đông Á – đã làm một chuyến hành hương đến nơi này và đặt một tảng đá lên vị trí chính xác của nơi sinh đức Phật. Ông còn cho dựng một cây trụ đá cao lớn gần đó, trên trụ đá có khắc chữ nói về tảng đá này.
Một số ngôi đền đã được xây dựng ngay trên vị trí này. Nhưng hàng nghìn năm sau đó, Lumbini đã suy tàn đến nỗi vị trí của nó đã bị xóa đi trong hàng trăm năm. Sau nhiều cuộc tìm kiếm của các Phật tử, vào năm 1895, cây trụ đá Ashoka đã được tìm thấy. Mãi đến năm 1993, công việc khai quật mới bắt đầu được tiến hành với 200 công nhân. Họ đã khám phá một cấu trúc bao gồm 15 phòng. Tại trung tâm cấu trúc này, họ đã mở được một căn hầm, bên trong là tảng đá mà người ta tin là do Ashoka đặt. Các quan chức Nepal khẳng định rằng nó cách cái ao mà Hoàng hậu đã tắm đúng 25 bước chân.
Việc phát hiện chính xác nơi sinh của đức Phật có một tầm quan trọng to lớn đối với khoảng 350 triệu Phật tử trên khắp thế giới.
Hai ngày sau lịnh công bố trên, đức Vua Birenda của Nepal cùng Hoàng hậu Aishwarya và Thủ tướng Sher Bahadur Deuba đã đến Lumbini để xem tảng đá và trụ đá lớn Ashoka. Rijal và Satoru đã giải thích với nhà Vua rằng đây là một tảng đá khối không có ở vùng này. Nó đã được mang đến đây và đặt vào trung tâm của ngôi đền. Và họ tiếp tục khẳng định đây chính là tảng đá được nhắc đến trong pháp dụ khắc ghi trên Trụ đá Ashoka lớn. (Theo Asia Week)”
3) Đền Thờ Hoàng Hậu Maya Devi (mới)
Gần bên Đền Thờ Hoàng Hậu Maya Devi mới là một kiến trúc giống như ngôi chùa, bên trong đặt một tượng đá khắc nói về sự Đản Sinh của Đức Phật. Tượng đá khắc cũng có bức phù điêu khắc hình hoàng hậu Maya Devi, mẹ của Đức Phật, đang nắm lấy cành cây Sala với một em bé mới sinh ra đứng trên cánh hoa sen. Tượng đá khắc này trước đây đặt ở Đền Thờ cũ. (Hình 1, 2, 3).
4) Ao Nước Thiêng Puskarni
Phía Nam của trụ đá Asoka là ao nước thiêng nổi tiếng –Ao Puskarni, được tin rằng là chính cái ao nguyên thủy nơi hoàng hậu đã tắm trước khi hạ sinh vị Bồ-tát. (Hình 1, 2, 3).
5) Chùa Miến Điện, Chùa Nepal, Chùa Tây Tạng và Trung Tâm Thiền Học
Chùa Nepal được xây bên trong Vườn Lumbini. Đó là một tu viện Phật giáo Nguyên Thủy Theravada do một Tỳ kheo người Nepal trông coi. Các chùa Miến Điện và chùa Tây Tạng và Trung Tâm Thiền Học Panditarama thì được xây ở xa hơn, bên ngoài khuôn viên Vườn Lumbini. Những người hành hương nên thăm viếng những nơi này để tỏ lòng tôn kính đối với những Tăng Ni đang tu học và phụng sự ở đây. Sự có mặt và phụng sự của các tăng ni đã tạo không khí tôn nghiêm, sống động của những nơi này.
6) Kapilavatthu, Kinh đô của Vương quốc Thích Ca (Sakya)
Cách 27 km về phía Tây của Lumbini, là tàn tích của kinh thành cổ Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) của vương quốc dòng họ Thích Ca. Di tích này được xác định bằng khu đất Tilaura Kot (cung điện, nội cung). Việc khai quật khu tàn tích được tiến hành bởi Cục Khảo Cổ Nepal đã cho thấy những chỗ có những tháp cổ và tu viện, được xây bằng gạch nung và vữa bằng đất sét. Tàn tích thành cổ được bao bọc xung quanh bởi những hào nước và những bức tường làm bằng gạch. (Hình 7). Khu vực cấm thành có chiều dài là 518m chạy từ Nam đến Bắc, và rộng 396m chạy từ Đông sang Tây, khoảng 20.5 hec-ta. Dựa vào cơ sở khảo cổ, ngoài thành nơi dân chúng cư ngụ thì rất rộng lớn và rất ăn khớp với những ghi chép trong ký sự Tây Vực Ký của Huyền Trang. Chúng ta có thể tham khảo thêm một bài báo mới vừa được đăng bởi Quỹ Phát Triển Lumbini như sau:
“Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã quyết định tiến hành một cuộc khai quật khảo cổ mới tại Hoàng cung Ca-tỳ-la-vệ, Tilaurakot, nơi Thái tử Tất-đạt-đa đã sống 29 năm đầu đời mình.
Cuộc khai quật sẽ được tiến hành bởi Tổ chức Lumbini Development Trust và Cục Khảo cổ Nepal tại các khu vực chính của phần phía Tây hoàng cung từ tháng 7-2011 cho đến tháng 5-2015.
Giáo sư Ravines Cunningham của Đại học Durhan đồng thời là đại diện của UNESCO tin chắc rằng cuộc khai quật lần này sẽ làm mọi người chú ý đến cung điện của dòng họ Shakya (Thích-ca): “Cho đến nay, Tilaurakot, nơi tọa lạc cung điện của vua Suddhodhana (vua Tịnh-phạn) vẫn chưa được rõ ràng. Cuộc khai quật này sẽ làm nó nổi tiếng không kém gì vườn Lâm-tỳ-ni”.
Cổng phía Tây và Đông của Hoàng cung đã được khai quật nhưng cung điện chính của vua Tịnh-phạn vẫn chưa được khảo sát kỹ lưỡng. Thông tin về những phần chưa khám phá của cung điện và những bí ẩn của nó sẽ được công bố rộng rãi sau khi khai quật. Các cổ vật tìm thấy sẽ được bảo quản một cách khoa học tại Bảo tàng Ca-tỳ-la-vệ nhằm thu hút khách hành hương và du lịch.
Cuộc khai quật lần này sẽ giúp xác nhận tầm quan trọng trong lịch sử của thành Ca-tỳ-la-vệ như là một di sản của nhân loại.
(Theo Lumbini Development Trust, Nepal)
Những người hành hương nên dành thêm 1 ngày nữa để tham quan khu vực thành nội Tilaura Kot để có thể thấy di tích Cổng Phía Đông, được gọi là ‘Mahabhinikkhamanam Dvara’ (Cổng của Cuộc Từ Bỏ Vĩ Đại), Đức Phật đã đi ra bằng cổng này trong đêm xuất gia, để tìm sự Giác Ngộ, vào đêm Trăng Tròn của tháng Asalha (tháng Bảy) năm 594 trước CN, khi Người 29 tuổi.
Xung quanh khu vực Tilaura Kot còn có một số di tích ý nghĩa cũng đáng tham quan đối với những người hành hương, nổi bật là:
7) Niglihawa, Nơi Sinh Của Vị Phật Kanakamuni Buddha
Niglihawa, cách Tilaura Kot 3 km về hướng Đông Bắc, được tin là nơi là thị trấn cổ Sobhavati, nơi sinh của vị Phật Kanakamuni Buddha. Vào lúc Người được sinh ra, một trận mưa lớn bằng vàng đã trút xuống toàn khu vực Jambudipa. Được xem như là điềm lành, nên Người được đặt tên là Kanakagamana (kanaka = vàng, agamana = đến). Qua thời gian, cái tên Kanakagamana được rút ngắn là: Konagamana, (âm Hán Việt: Phật Câu–Na-Hàm). Hoàng đế Asoka đã viếng thăm nơi này vào năm 249 trước CN, trong chuyến hành hương của ông và đã dựng một Trụ Đá để tưởng niệm. Ngày nay, Trụ Đá Asoka vẫn còn được thấy, bị gãy thành 2 khúc. Khúc trên dài 4.6m. Khúc gốc cao 1.5m còn đứng nguyên, hơi bị nghiêng một chút. Những chữ khắc bằng mẫu tự Brahmi đọc như sau:
“Vua A-dục, Người Con Yêu Dấu của các vị Trời, đã lên ngôi hoàng đế 14 năm, đã gia tăng kích thước bảo tháp Phật Kanakamuni gấp hai lần so với kích thước ban đầu. Hai mươi năm sau khi đăng quang, nhà vua đã đích thân ngự viếng và lễ bái nơi này”.
8) Gotihawa, Nơi Sinh Của Phật Kakusandha Buddha
Gotihawa, địa danh Tilaura Kot 7km về hướng Tây Nam, được tin là nơi thành cổ Khemavati, nơi sinh của vị Phật Kakusandha Buddha, (âm Hán Việt: Phật Câu-lưu-tôn). Hoàng Đế Asoka cũng đã viếng thăm nơi này cùng những thánh tích ở trên trong một chuyến đi và đã cho dựng Trụ Đá để ghi nhớ chuyến viếng thăm. Trụ Đá đã bị gãy và chỉ còn phần gốc khoảng 3m vẫn còn đứng nguyên, nhưng thấp hơn mặt đất ngày nay.
Cả 2 Trụ Đá Asoka mô tả đều được ghi chép lại trong Tây Vực Ký của Huyền Trang khi Ngài viếng thăm Kapilavatthu vào năm 637 sau CN. Vào thời đó, cả hai trụ đá đều có hình đầu sư tử ở trên đầu của mỗi trụ.
9) Kudan, Khu Di Tích Rừng Cây Banyan (Nigrodharama)
Kudan là một khu di tích mà các học giả tin rằng đó chính là Khu Vườn Cây Banyan (Nigrodharama), do Vua cha Tịnh Phạn (Suddhodana) cúng dường cho Đức Phật khi Người về thăm Kapilavastu. Chính tại nơi này, ngài Rahula, con trai của Đức Phật, (lúc còn là Thái tử Siddhattha chưa đắc đạo), đã được thọ giới vào tăng đoàn. Tàn tích của móng vách bằng gạch của tu viện cổ, được tin là xây vào thời Đức Phật tại thế, vẫn còn đúng. (Hình 8).
10) Sagarhawa, Di tích nơi dòng họ Thích Ca bị tàn sát
Sagarhawa, nằm gần Niglihawa được tin là nơi mà Vidudabha đã tiến hành cuộc tàn sát dòng họ Thích Ca. (Chú giải 10). Những người địa phương gọi nơi này là Lambu Sagar, có nghĩa là Ao Nước Dài bởi vì nơi đây có một ao nước rất lớn hình chữ nhật. Từ Niglihawa, chúng ta có thể đi đến Sagarhawa bằng cách đi xuyên qua ngôi làng Niglihawa và một cây cầu bắt qua một con kênh đào.
Chú giải 10:
Cuộc tấn công của Vidudabha để tàn sát dòng họ Thích Ca xảy ra khoảng một năm trước khi Phật Bát-Niết-Bàn. Toàn bộ câu chuyện về cuộc thảm sát này được ghi lại trong Luận Giảng Kinh Pháp Cú (Dhammapada Commentary iv. 3, 29, 30).
Vua Pasenadi của nước Kosala là một người rất mến phục Đức Phật. Người tướng thủ lĩnh quân đội của nhà vua là Dighakarayana, cũng là cháu của một nguyên soái quân đội của nhà vua trước đó. Vị nguyên soái này đã bị chính nhà vua phản bội và giết chết. Vì vậy, Dighakarayana đã âm thầm mang lòng hận thù nhà vua Pasenadi vì đã gây ra cái chết cho chú của mình. Một ngày nọ, vua Pasenadi đang đến thăm Đức Phật ở ngôi làng Ulumpa của dòng họ Thích Ca, ông trao bảo ấn cho tướng Dighakarayana để giữ. Thay vì giữ nó, Dighakarayana đi trao nó cho con trai của vua Pasenadi là thái tử Vidudabha, lập tức Vidudabha soán ngôi vua cha và lên làm vua nước Kosala. Khi vua Pasenadi quay trở về, thì mới hay rằng mình đã bị lật đổ, ông bèn đi đến nước Magadha (Ma-kiệt-đà) để cầu cứu cháu mình là vua Ajatasattu (A-xà-thế). Sau một cuộc hành trình dài đến Rajagaha (thành Vương-xá), ông ngã bệnh và chết trước cổng thành. Khi vua Ajatasattu hay được cái chết của chú mình, ông đã cho tiến hành chôn cất theo nghi lễ hoàng gia dành cho một vị vua. Sau đó, ông cho lệnh tấn công nước Kosala của người anh em họ Vidudabha, nhưng sau đó các quan lại khuyên can, vì có một vị vua trong họ mới chết, nếu tấn công thì cả hai bên đều không tốt.
Vidudabha là kết quả của cuộc hôn nhân của vua cha Pasenadi và Vasabhakhattiya, con gái của một người nữ hầu và người đứng đầu của dòng họ Thích Ca (Sakya) là vua Mahanama. Trước đây, vua cha Pasenadi, vì mong muốn cưới được một người vợ thuộc dòng họ Thích Ca để trở thành người họ hàng với Đức Phật, nên đã cử sứ giả đến thành Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) để cầu hôn với công chúa dòng họ Thích Ca. Mặc dù những người dòng họ Thích Ca không hài lòng, nhưng họ cũng không muốn làm phật lòng vua Kosala. Nên thay vì gả công chúa, họ gửi cô con gái xinh đẹp của vua Mahanama và người hầu nữ. Vua Pasenadi đã phong cô gái làm hoàng hậu chính phi và sau đó phong Vidudabha làm thái tử. Khi Vidudabha 16 tuổi, ông quyết định qua thăm ông ngoại ở Kapilavatthu. Nghe tin ông sẽ qua, dòng họ Thích Ca đã gửi tất cả những hoàng tử nhỏ tuổi hơn ông qua một ngôi làng khác và những người ở dòng họ Thích Ca cũng tiếp đón ông đàng hoàng.
Sau khi ở lại vài ngày ở thành, Vidudabha và đoàn tùy tùng lên đường quay về Kosala. Một người hầu đã dùng sữa để lau chùi chỗ ngồi của Vidudabha trong khu phòng dành cho khách. Trong khi lau chùi, vừa nói một cách khinh thường ông: “Đây là chỗ ngồi của một đứa con của con nô lệ Vasabhakhattiya.”
Khi một người hầu cận của ông quay lại để lấy thanh gươm của ông đã bỏ quên, và vô tình nghe được câu nói này và tò mò tìm hiểu. Sau khi người hầu cận biết ‘hoàng hậu’ Vasabhakhattiya là con gái của một nô lệ và vua Mahanama, ông ta đã tung tin đồn trong quân lính Kosala. Sự việc đến tai Vidudabha, ông ta trở nên căm phẫn và thề sẽ giết sạch dòng họ Thích Ca khi ông lên làm vua. Khi đoàn về đến kinh đô Savatthi (Xá-vệ), các quan lại báo với vua Pasenadi về sự việc đã xảy ra. Nhà vua cũng rất tức giận vì mình đã bị lừa bởi dòng họ Thích Ca, ông ra lệnh truất phế ngôi hoàng hậu và những tước hoàng gia đã phong cho Vasabhakhattiya và con trai Vidudabha, và giáng họ xuống giai cấp nô lệ. Vì thế, Vidudabha càng thêm hận thù những người Thích Ca.
Khi Đức Phật hay được tin này, Phật đã giảng giải cho vua Pasenadi rằng Vasabhakhattiya là con của một nhà vua, Mahanama. Mặc dù mẹ bà là một nô lệ, nhưng điều đó không quan trọng, vì giai cấp của bà ta được quyết định theo giai cấp của người cha, chứ không phải theo giai cấp của người mẹ. Vì thế, vua Pasennadi đã quay lại khôi phục lại tước vị và giai cấp cho mẹ con bà như trước đây.
Khi Vidudabha lên làm vua, như đã nói trên, ông vẫn không quên điều mà ông lấy làm xấu hổ đó và ông đã đem quân đi tấn công vương quốc Thích Ca. Mặc dù Đức Phật đã can gián ba lần, nhưng Người vẫn không ngăn nổi thảm họa. Đức Phật cũng nhận ra rằng, những người bà con dòng họ Thích Ca của người phải đối mặt với quả báo cho nghiệp ác mà họ đã gây ra trước kia bằng việc bỏ thuốc độc xuống sông để giết hại những người bộ tộc sống dưới hạ lưu. Cuối cùng, Vidudabha đã tấn công và giết hết những người dòng họ Thích Ca, ngoại trừ một số người hậu duệ của vua Mahanama và những người khác đã kịp trốn thoát. Ngay sau đó, có nguồn nói là ngay trong đêm đó, Vidudabha cùng với quân lính của ông cũng bị lũ cuốn chết sau khi san bằng xong thành Kapilavathu. Sau này, vua Ajatasattu (A-xà-thế) xâm lược và chiếm nước Kosala vào khoảng mùa mưa kiết Hạ (Vassa) thứ 44 của Đức Phật. Sau đó không lâu, những người dòng họ Thích Ca (có thể là những hậu duệ của vua Mahanama đã may mắn thoát khỏi tay Vidudabha và những người sống sót khác) đã tiếp tục quay về ở Kapilavatthu, điều này dựa vào sự kiện vào khoảng 1 năm sau đó, khi Đức Phật Bát-Niết-Bàn ở Kushinagar, những người dòng họ Thích Ca cũng đã kéo quân lính đến để tham gia chia phần xá lợi Phật và mang về nước thờ trong một tháp tưởng niệm stupa.
1.6 Ramagama & Devadaha, Kinh Đô Của Vương Quốc Koliyas
1.6.1 Cách Để Đi Đến Nơi
Ramagama nằm cách 4km về phía Nam của thị trấn Parasi ở quận Nawalparasi, khoảng 20 km từ Bhairawa. Chuyến đi từ Bhairawa vượt qua con sông cảnh quan Rohini River làm biên giới thiên nhiên chia hai vương quốc dòng họ Thích Ca và Koliyas. Hai dòng họ này gần như sắp đánh nhau trên sông này, nhưng Đức Phật đã khuyên ngăn và cuộc chiến đã không xảy ra. Nếu đi từ Parasi, có con đường trầy trật đi đến Ramagama, hầu như là đường đất chưa bao giờ được lát trải, nhưng bù lại được đi ngang qua những ngôi làng xinh đẹp.
1.6.2 Ý Nghĩa Tôn Giáo
Đức Phật đã nhập diệt Đại Bát-Niết-Bàn (Mahaparinibbana) ở Kusinara vào Ngày Trăng Tròn tháng Wesak năm 543 trước CN. Sau khi nhục thân Phật được hỏa táng, xá lợi được chia đều thành tám phần bằng nhau bởi Bà-la-môn tên là Dona. Ông này đã phát cho tám bộ tộc của tám nước (xứ): Vua Ajatasattu (A-xà-thế) của nước Magadha (Ma-kiệt-đà), Bộ tộc Licchavi (Bạt-kỳ) của Vesali (Tỳ-xá-lỵ), Bộ tộc Sakya (Thích Ca) ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), Bộ tộc Bulias của nước Allakappa, Bộ tộc Koliyans của nước Ramagama, Bà-la-môn ở Vethadipa, Bộ tộc người Malla ở Pava và Bộ tộc người Malla ở Kushinagar.
Như đã nói chi tiết ở Phần 2, Mục 4. Kunshinagar, 4.2, bản thân ông Dona giữ bình đựng hài cốt đã hỏa táng dùng để phân chia xá lợi. Khi những người bộ tộc Moriya của xứ Pipphalavana đến thì đã muộn, bởi vì tất cả những xá lợi đều đã được chia, vì vậy họ chỉ lấy phần tro. Sau khi trở về quê hương, những người được chia xây những bảo Tháp stupas để tôn thờ. Vì vậy, lúc đó có tất cả 8 Tháp thờ xá lợi, 1 Tháp để đặt bình đựng hài cốt đã hỏa táng trước khi chia và 1 Tháp để thờ xá lợi tro.
Theo quyển “Sử Liệu về Bảo Tháp Xá-lợi Phật” (Thupavamsa) được viết vào thế kỷ 12 sau CN, thì ngài Mahakassapa (Đại Ca-Diếp) đã nhận ra rủi ro thất lạc trong việc cất giữ xá lợi xương Phật ở những nơi khác nhau, nên ngài đã góp ý cho Vua Ajatasattu (A-xà-thế) cất giữ những xá lợi ở một nơi an toàn nhất. Nghe theo lời ngài, nhà Vua đã lấy lại tất cả những xá lợi từ 7 bảo tháp stupas, chỉ chừa lại mỗi tháp một ít để thờ. Còn tất cả những xá lợi thu gom đó được đem về thành Vương-Xá (Rajagaha) và chôn dưới đất, ở nơi chôn đó cũng được xây một Tháp tưởng niệm để đánh dấu.
Trong suốt thế kỷ thứ 3 trước CN, Hoàng Đế Asoka lại lấy ra một phần của tất cả những xá lợi còn được thờ trong tất cả những Tháp xá lợi stupas và lại chia ra thờ trong 84.000 Tháp xá lợi mới mà ngài đã cho xây trên khắp đế chế của mình. Khi Vua Asoka đến Ramagama để lấy xá lợi, theo truyền thuyết, con rồng (Naga) từ dưới hồ nước gần đó cho rằng đó là sự xúc phạm Phật tích và đã hóa thân thành một Bà-la-môn và đến yêu cầu vua Asoka đừng lấy xá lợi vì ông ta (rồng) muốn thờ cúng xá lợi đó. Vì vậy Vua Asoka đã đi về tay không.
Nhà hành hương Huyền Trang đã đến thăm Ramagama (còn gọi là Lan-Mo) vào năm 636-637 sau CN. Lúc này, phong cảnh thật sự hoang vu và buồn tẻ. Ở đó có một cái hồ lớn, một bảo tháp stupa và một tu viện với chỉ một Sa-di (samanera) cũng chính là người trụ trì. Sau Bát-Niết-Bàn của Như Lai (Tathagata), vua của nước này đã được chia một phần xá lợi xương Phật và đã xây bảo tháp này để thờ xá lợi. Bảo Tháp xá lợi này luôn luôn phát ra ánh sáng. Bên cạnh Tháp là hồ nước của con rồng (naga). Con rồng lâu lâu một lần xuất hiện dưới hồ và đi lên, hóa dạng bề ngoài của một con rắn và đi xung quanh bảo Tháp theo một nghi thức tôn kính. Những con voi rừng tụ tập thành bầy cũng mang những cành hoa đem đến để xung quanh tháp. Cảm kích trước những điều kỳ diệu này, một nhà sư hành hương đến đây đã ở lại phía sau để chăm nom bảo Tháp. Ông ta từ bỏ đời một tu sĩ để trở thành một Sa-di (samanera) như chưa thọ giới, ông xây một ngôi nhà, cây cối đất đai xung quanh để trồng hoa và cây trái. Những Phật tử ở những nước láng giềng nghe được chuyện này đã đến cúng dường tiền để xây một ngôi tu viện và mời ông ta làm trụ trì, chăm nom. Và từ đó trở về sau, không ai đến để thay đổi truyền thống này, và một Sa-di (samanera) đã luôn luôn làm trụ trì ngôi chùa này, chứ không phải một cao tăng.
1.6.3 Bảo Tháp Ramagama Stupa
Tàn tích của một bảo Tháp này và ngôi tu viện đó nằm bên bờ sông Jahari gần ngôi làng Kerwani. Một mô đất cao của Tháp cao khoảng 9m và có đường kính mặt đáy 21m. Trong Kinh điển Phật giáo, bộ tộc Koliyas của xứ Ramagama này là một trong tám bộ tộc khác nhận được phân chia xá lợi nhục thân của Đức Phật ở Kusinara.
Bảo tháp Ramagama (Hình 6) được tin là tháp nguyên thủy (thuật ngữ Phật học còn gọi là một ‘tháp xứ’ (dhatu stupa) duy nhất chưa bị ai đụng đến, ngay cả là Vua Asoka, vẫn còn đứng nguyên vẹn và còn chứa thờ những xá lợi Phật bên trong. Một cuộc thăm dò mới đây được thực hiện bởi Cục Khảo Cổ Nepal (Nepal Department of Archaeology) cho thấy có nhiều hiện vật và cổ vật khác nhau được tìm thấy xung quanh bảo Tháp. Một Phật tử người Nhật Bản đã mới cúng dường tiền để xây một công trình tưởng niệm ngay bên phía Tây hồ nước và một tu viện cũng đang được thiết kế tại đây.
1.6.4 Devadaha, Quê Nhà Của Hoàng Hậu Maya Devi, Mẹ Của Đức Phật
Devadaha, thủ đô của nước cộng hòa Koliyas, là ngôi làng quê nhà của Hoàng Hậu Maya Devi, mẹ của Thái Tử Siddhattha, cũng là quê nhà của dì mẫu (cũng là dì ruột) Maha Pajapati của Người. Nó nằm cách Lumbini khoảng 35 km về phía Đông và gần ngay chân núi Chure, ngay chân phía Nam của dãy đại sơn Himalaya (Hy-mã-lạp-sơn). Theo Kinh Điển, nơi này được ghi chép trong các Kinh Devadaha Sutta, Majjhima Nikaya (Trung Bộ Kinh), là nơi Đức Phật đã phê bình những môn đồ của phái ẩn sĩ lõa thể Nigantha (Ni-kiền-tử) về những quan điểm sai lệch của họ.
Năm 2003, Cục Khảo Cổ Nepal (Nepal Archaeology Department) đã thông báo đã phát hiện ra di tích địa danh Devdaha ở Panditpur, làng Baljiria thuộc quận Nawalparasi sau khi đã tiến hành khai quật 5 năm trời. Trong quá trình khai quật, những nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật và cổ vật thuộc những triều đại Maurya (Asoka), Kushan và Gupta, vốn là những triều đại trị vì hết những lãnh thổ hai bên bờ Sông Rohini là biên giới thiên nhiên của hai vương quốc Thích Ca và vương quốc cộng hòa Koliyas. Việc phát hiện một bức tượng có chu vi 500m và một con kênh để dẫn nước từ Sông Rohini đã xác lập sự thật rằng nơi đây chính là kinh đô cổ của nước cộng hòa Koliyas.
Tuy nhiên, một tổ chức được gọi tên là Viện Bảo Tồn Devadaha (Devadaha Conservation Academy) lại khẳng định vị trí của Devadaha nằm ở Bhabanipur, cách Barimai và Kanyamai, về phía Nam, trong khu rừng tarai nằm ở phía Đông của quận Rupandehi. Việc tuyên bố này lại được củng cố bằng bằng chứng Trụ Đá Asoka (đã bị gãy) bên cạnh một tượng đá Thần Mặt Trời.
Như vậy, có vẻ như toàn khu vực kinh đô Devadaha là rất lớn, kéo dài bao phủ cả hai quận là Nawal Parasi và quận Rupandehi, như các báo cáo đưa ra vừa nói trên. Từ sau năm 2007, nền chính trị của Nepal đã trở nên lắng dịu và ngày nay, mọi người đều có thể đến thăm viếng kinh đô cổ Devadaha sau khi đã đến thăm Bảo Tháp Ramagama Stupa ở quận Nawal Parasi.