HƯỚNG DẪN HÀNH HƯƠNG VỀ XỨ PHẬT
PHẦN I: Ý NGHĨA, LỊCH SỬ VÀ CON NGƯỜI
4. Kusinara, Nơi Đức Phật Từ Giã Trần Gian (Bát-Niết-Bàn)
4.1 Cách để đến nơi
Kusinara hay Kushinagar nằm trong ngôi làng Kasia thuộc huyện Deoria của bang Uttar Pradesh. Đô thị gần nhất là Gorakhpur, cách 55km đường bộ. Kushinagar cách 130 km về phía Nam của Lumbini, 250 km về phía Đông của Sravasti (savatthi, Xá-vệ) và cách 250 km về phía Bắc của Patna. Tất cả những khoảng cách trên là ước lượng gần đúng.
Có 2 khách sạn tốt dành cho những người hành hương.
4.2 Ý Nghĩa Tôn Giáo (4), (3), (25)
Ba tháng trước khi Đức Phật 80 tuổi, Đức Phật đã nói ý nguyện muốn ngụ tại Đền Capala Shrine ở Vesali. Nhưng đến khi đi ngang qua Pava sau khi Người thọ thực bữa ăn cuối cùng do một người thợ rèn tên là Cunda cúng dường, Người đi đến nơi yên nghĩ cuối cùng ở cánh Rừng Sala (Long Thọ) ở Mallas bên bờ sông Hirannavati ở Kushinagar. Nơi ấy, cũng đúng vào ngày Trăng Tròn của tháng Wesak, năm 543 trước CN, Đức Phật tịch diệt Đại Bát-Niết-Bàn, không còn những yếu tố dính chấp nào khởi sinh nữa (cũng như không còn tái sinh nữa). Người cuối cùng Phật chuyển hóa (độ) là tu sĩ Subhadda và những lời cuối cuối cùng của Đức Phật nói với những Tỳ kheo là:
“Handa ‘dani bhikkhave amantayami vo: Vaya-dhamma sankhara. Appamadena sampadetha.”
“Bây giờ, này các Tỳ kheo, ta nói với các thầy: tất cả mọi pháp hữu vi đều vô thường. Hãy cố tinh tấn để đạt mục tiêu của mình”.
Đức Phật nằm giữa hai cây Sala Long Thọ, nghiêng mình về bên phải, đầu hướng về phía Bắc khi Người trút hơi thở cuối cùng tại trần gian này. Sau Đại Bát-Niết-Bàn của Người, đến ngày thứ 7, thân của Người được rước đi qua thành từ cổng phía Bắc ra cửa phía Đông đến đền thờ của người Malla tên là Đền Makutabandhana. Họ không thể nào đốt lửa trên giàn thiêu được cho đến khi Ngài Đại Ca-diếp (Maha Kassapa) vào đảnh lễ Đức Phật. Nghi lễ cuối cùng được thực hiện bởi Ngài Ca-diếp, và sau khi thiêu xác, những xá lợi được chia làm 8 phần bằng nhau, bởi Bà-la-môn tên là Dona, cho 8 bộ tộc thuộc miền Bắc Ấn Độ lúc đó là:
1) Vua Ajatasattu (A-xà-thế) của nước Magadha (Ma-kiệt-đà)
2) Bộ tộc Licchavi của Vesali (Tỳ-xá-ly)
3) Bộ tộc Sakya (Thích Ca) ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ),
4) Bộ tộc Bulias của nước Allakappa,
5) Bộ tộc Koliyans của nước Ramagama,
6) Bà-la-môn ở Vethadipa,
7) Bộ tộ người Malla ở Pava, và
8) Bộ tộc người Malla ở Kushinagar.
Bà-la-môn Dona đích thân giữ chia đều Xá Lợi, gồm có xương sọ, răng, và vải liệm bên trong và bên ngoài. Khi những người bộ tộc Moriya của xứ Pipphalavana đến thì đã muộn, bởi vì tất cả những Xá Lợi đều đã được chia, vì vậy họ chỉ lấy phần tro. Sau khi trở về quê hương, những người được chia xá lợi đã xây những bảo Tháp stupas để cất thờ Xá Lợi Phật. Vì vậy, lúc đó có tất cả 8 Tháp thờ xá lợi Phật, 1 Tháp để đặt bình đựng hài cốt đã hỏa táng trước khi chia và 1 Tháp để thờ xá lợi tro.
Chúng ta cần biết thêm rằng, mấy trăm năm sau đó, tất cả những xá lợi được phân đó đã được chia lại một lần nữa bởi Vua Asoka sau khi nhà vua quyết định xây dựng tổng cộng 84.000 đền tháp stupas để tưởng niệm những thánh tích về Phật và Phật giáo.
Và về sau này, cũng có nhiều xá lợi lại tiếp tục được chia và được đặt thờ trong những chùa tháp ở khắp các nước Phật giáo ở Châu Á.
4.3 Bối Cảnh Lịch Sử (5), (2), (7), (35)
Vào những ngày đó, Kushinagar đã được miêu tả bởi Ngài Ananda là: “Một thị xã nhà vách đất này, thị xã ở bìa rừng này, một huyện nhánh”. Sau Đại Bát-Niết-Bàn của Đức Phật, Kushinagar trở thành một trung tâm tôn giáo vào thời Phật giáo phát triển khắp Ấn Độ. Là một trong bốn Thánh Địa quan trọng nhất, Tứ Động Tâm, nơi này đã hấp dẫn nhiều Phật tử mộ đạo đến từ khắp nơi ở Ấn Độ và trên thế giới. Vua Asoka đã viếng thăm Kushinagar vào năm 249 trước CN và đã xây dựng lên nhiều bảo tháp stupas và trụ đá tưởng niệm tại nơi này.
Nhưng vào thời ngài Huyền Trang đến chiêm bái năm 637 sau CN, nơi này đã trở thành tàn tích, thị xã, làng mạc hoang vắng, tiêu điều, chỉ còn rãi rác vài cư dân. Ngài cũng đã đến và chiêm bái cây Sala Long Thọ, nơi Đức Phật đã từ giã cõi trần (Bát-Niết-Bàn), thăm viếng ngôi Chùa có tượng Phật nằm và bên cạnh chùa có một tháp stupa cao 61m do vua Asoka dựng nên, trong tình trạng đổ nát, và một Trụ Đá ở trước Chùa.
Đi dần về hướng Bắc, sau khi qua sông Hirannavati là một bảo Tháp stupa được xây lên để đánh dấu nơi hỏa thiêu nhục thân Đức Phật.
Như vậy đó, Kushinagar đã tiếp tục trở thành một thánh địa ‘sống’ của Phật giáo thời bấy giờ, cho đến thế kỷ 12 sau CN, sau khi quân Hồi giáo xâm lược và tàn phá Ấn Độ, Kushinagar lại rơi vào hoang vắng và cuối cùng là trở thành tàn tích và chìm vào lãng quên hơn 600 năm.
Năm 1861-1862, Ngài Cunningham đã đến tham quan khu tàn tích đổ nát ở Kasia và nhận dạng được đây chính là di tích nơi Đại Bát-Niết-Bàn của Đức Phật. Đến năm 1876, trợ lý của ngài là Carlleyle đã tiến hành một cuộc khai quật khảo cổ, đã làm lộ ra toàn bộ Đền Chính và ngay trước nó là bức tượng Phật nằm nổi tiếng bị chôn lấp trong đống đổ nát của khu di tích. Nhiều cuộc khảo cổ khác được tiến hành cho đến năm 1912 cho thấy được nhiều công trình tưởng niệm ở Kushinagar đã tồn tại đến thế kỷ 12.
Vào thời cận hiện đại sau này, Phật tử đầu tiên đến cư ngụ tại Kushinagar là Đại Đức Mahavira, một người Ấn Độ nhưng được thọ giáo Tăng đoàn ở Tích Lan, vào năm 1890. Ngài chịu trách nhiệm khôi phục lại Kushinagar trở lại một Thánh địa đích thực là một nơi hành hương Phật giáo thiêng liêng như ngày xưa. Ngài Mahavira đã tu sửa đền chính và cho xây một tu viện mới và một Giảng Pháp đường vào năm 1902-1903. Sau ngài là Đại Đức Chandramani đến từ huyện lỵ Akyab ở vùng Arakan, Miến Điện (Myanmar), người đã được thọ giáo vào Tăng đoàn ở Chittagong, vào năm 1903. Ngài đã nỗ lực hết mình để hoàn thành sứ mạng giống như người tiền nhiệm của mình trong việc lấy lại quyền quản lý và chăm nom Đền Đại Bát-Niết-Bàn (Mahaparinibbana Temple) hay còn có tên là Đền Niết-Bàn (Nirvana Temple); thành lập được nhiều cơ sở giáo dục cho cư dân địa phương và làm sống lại Lễ truyền thống Buddha Jayanti (tức là Lễ Phật Đản Vesak) , tổ chức lại ở Kushinagar lần đầu tiên vào năm 1924. Đại Đức Chandramani qua đời vào năm 1972 và người đệ tử của ngài là Đại Đức Gyaneshwar, một Tỳ kheo từ Miến Điện tiếp tục sự nghiệp cao cả chăm nom khu thánh tích.
▪ Ở Ấn Độ, Bangladesh và Nepal, Lễ Phật Đản (Vesak) còn được gọi là Visakah Puja (lễ hội Visakah), Buddha Purnima hay Buddha Jayanti; Thái Lan gọi là Visakha Bucha; Indonesia gọi là Waisak; Tây Tạng gọi là Saga Daw; Lào gọi là Vixakha Bouxa và Myanmar (Miến Điện) gọi là Ka-sone-la-pyae (nghĩa là Ngày rằm tháng Kasone, cũng là tháng thứ hai trong lịch Miến Điện).-ND.
4.4 Những Điểm Cần Thăm Viếng
1) Đền Đại Bát-Niết-Bàn (Mahaparinibbana Temple)
Ngôi Đền hiện tại đáng được viếng thăm được xây bởi chính phủ Ấn Độ vào năm 1956 là một phần của chương trình Tưởng Niệm 2.500 Đại Bát-Niết-Bàn của Đức Phật hay 2.500 Phật Lịch (BE/ Buddhist Era. (Hình 27).
Ngôi Đền cũ, được phục chế lại bởi ngài Carlleyle (trợ lý của ngài Cunningham), thì quá nhỏ, không đủ chỗ chứa con số khách hành hương viếng thăm ngày một đông thêm.
Bên trong Đền, chúng ta có thể nhìn thấy tượng Phật nằm nghiêng về bên phải, đầu quay về hướng Bắc. Bức tượng dài 6.1m được đặt trên một chiếc giường bằng đá dài 7.3m. Trong tượng Phật nằm có ba bức tượng điêu khắc nhỏ, bức tượng đứng gần dưới chân Phật được tin là mô tả ngài Ananda đang khóc u sầu vì biết rằng Đức Thế Tôn sắp đi xa. Tượng ở chính giữa là ngài Subhadda, người đệ tử cuối cùng được Đức Phật giảng độ. Tượng một người tóc dài đứng gần mặt Phật được tin là một người đứng đầu bộ tộc Malla đang đứng lễ viếng Đức Phật.
Ở chính giữa là một bảng chữ khắc thuộc thế kỷ thứ 6 sau CN, ghi rõ bức tượng này là “một món quà của Tỳ kheo Haribala tặng cho Đại Tu Viện Mahavira” và “tượng được tạo dáng bởi Dinma”. Bức tượng Phật nằm 1.500 tuổi được chế tác từ một tảng đá sa thạch màu đỏ được vận chuyển đến từ Mathura trong thời đại Gupta. Chính Ngài Carlleyle đã phát hiện vào năm 1876 trong tình trạng sứt gãy và đã được nối ráp lại một cách thành công cùng với những mãnh vỡ được tìm thấy rãi rác xung quanh. Bức tượng mang 32 dấu tướng tốt của một Vĩ Nhân (Mahapurisa: bậc Đại Trượng Phu) và có thể làm khởi sinh trong chúng ta những cảm giác khác nhau trong tâm, tùy thuộc vào vị trí đứng ngắm nhìn của chúng ta:
• Nếu đứng trước khuôn mặt, người xem có thể cảm nhận ngay nét mỉm cười nhẹ nhàng trên khuôn mặt. (Hình 29).
• Nếu đứng gần giữa thân, người xem có thể cảm nhận được sự khổ trên khuôn mặt.
• Nếu đứng dưới phần chân, người xem có thể cảm nhận được sự trầm mặc và tĩnh lặng trên khuôn mặt.
2) Tháp Đại Bát-Niết-Bàn (Mahaparinibbana hay Nirvana Stupa)
Tháp Đại Bát-Niết-Bàn (Mahaparinibbana stupa) nằm bên cạnh Đền Đại Bát-Niết-Bàn (Mahaparinibbana Temple), cũng được khôi phục từ Tháp Chính được phát hiện ra trong quá trình khảo cổ của ngài Carlleyle vào năm 1876.(Hình 28). Khi khảo sát ở độ sâu 4.3m, lộ ra một bia bằng đồng và những cổ vật khác của niên đại Gupta. Chữ khắc trên bảng đồng đó là chữ Phạn nói rằng những cổ vật đã được đặt vào trong Tháp Niết-Bàn (Nirvana stupa) bởi Tỳ kheo Haribala. Ngài Huyền Trang, người đến đây chiêm bái vào năm 637 sau CN, ghi lại rằng Tháp Niết-Bàn là do Vua Asoka xây dựng nên. Ngài cũng chứng kiến được bên trước Tháp là một trụ đá có ghi lại sự Bát-Niết-Bàn của Như Lai, nhưng nó không ghi rõ ngày tháng. Tháp Niết-Bàn này được tin là lần đầu tiên được dựng lên bởi người Malla để thờ xá lợi Phật và sau đó được mở rộng (nhiều lần) bởi Vua Asoka và những người đời sau nữa trong thời đại Gupta.
Có vẻ như là Tháp Niết-Bàn (Nirvana stupa) đã được dựng lên đúng nơi Phật Bát-Niết-Bàn để thờ xá lợi Phật rất lâu trước khi bức tượng được đặt vào Bát-Niết-Bàn, mặc dù có một giả thuyết khác cho rằng vị trí đặt tượng Phật nằm trong Đền Đại Bát-Niết-Bàn mới là chỗ Đức Phật Niết-Bàn.
Tháp Đại Bát-Niết-Bàn (Mahaparinibbana stupa), cao 27m, đã được trùng tu lại năm 1927 bằng tiền cúng dường từ một thí chủ người Miến Điện tên là U Po Kyo.
3) Đền Thờ Matha Kuar – Nguồn Gốc & Ý Nghĩa
Trong lần xuất bản trước, tác giả đã trình bày nơi này là nơi nghỉ chân và Đức Phật đã yêu cầu ngài Ananda đi lấy nước ở một con suối gần đó. Điều này đã là một sự nhầm lẫn và xin được đính chính lại. (Sự kiện đó diễn ra ở Pava, xem Phần IV, 2, Pava). Theo Hòa thượng Pimbure Samitha Thero ở chùa Nhật Bản – Tích Lan (Japan-Sri Lanka Buddhist Temple) ở Kushinagar, Đức Phật đã mệt và dừng lại nghỉ chân lần thứ 25 ở Đền Matha Kuar ngay trước khi Người tiếp bước đến Rừng Sala Upavattana và nhập diệt Đại Bát-Niết-Bàn. Ngay tại nơi nghỉ chân được gọi là Matha Kuar này, Đức Phật vẫn tiếp tục thuyết Pháp cho những vị đệ tử và Phật đã nói rằng Phật cũng là một con người bình thường, cũng không tránh khỏi già, bệnh, chết, nhằm nâng cao lòng thúc giục tâm linh của các vị đệ tử, để họ mau tinh tiến tu tập. Nhưng Đức Phật cũng nói rằng Người đã chứng đạt được tri kiến và trí tuệ tối thượng vượt xa tất cả chúng sinh trên thế gian này.
Nơi này được gọi là Matha Kuar và một ngôi đền thờ đã được xây lên và có đặt một tượng Phật ngồi kiết già, trong tư thế địa xúc ấn (bhumiphassa mudra), được làm bằng đá xanh lấy từ vùng Gaya, cao khoảng 3.05 mét, khoảng hơn 1.000 năm tuổi. Ngôi tháp mái, trước đây được xây để che tượng Phật, nay đã là một phần của mái che hình vuông của một đền tháp như căn nhà vuông. Theo bia khắc ghi lại, đền tháp này được xây vào thế kỷ 10 vào thời của thủ lĩnh Kalachuri ở vùng này. Năm 1927 Đại Đức U Chandramani đã xây dựng lại ngôi tháp bằng tiền cúng dường của hai thí chủ từ Miến Điện, là U Po Kyo và U Po Hlaing. Nơi này cách 0.4 km về phía Tây Nam của Tháp Đại Bát-Niết-Bàn. (Hình 31).
Về ý nghĩa của cái tên ‘Matha Kuar’ (theo tiếng người Buchanan là Matakumar), ngài Sir Cunningham có lẽ đã đúng khi dịch ra tiếng Anh là ‘Dead Prince’, có nghĩa là ‘Hoàng tử mất’ khi nói về tên của bức tượng Phật. H.B.W. Garrick, trợ lý của ngài Sir Cunningham, cũng đã đến nơi này vào năm 1880-1881 đã ghi lại như sau: “Bức tượng này được đặt lại bởi chính quyền địa phương ở vị trí cách Đền Chính (tức Đền Đại Bát-Niết-Bàn) 400 yards. Và được người dân trong làng gọi là ‘Matha Kuar’. Bây giờ, có rất nhiều người thuộc những giáo phái Hindu đến đây cúng bái, họ mang cúng bơ sữa trâu lỏng và trầu mà họ bôi lên mặt tượng và rưới nước lên thân tượng. Thỉnh thoảng cũng có người cúng vòng hoa”. Lúc nhà khảo cổ Carlleyle khai quật được thì pho tượng đã bị gãy đôi, nhưng sau đó người ta cho ráp tượng lại và đem về thờ tại tháp Matha-Kuar do Phật tử thí chủ Miến Điện U Po Kyo và U Po Hlaing tài trợ xây vào năm 1927, như đã nói trên.
4) Tháp Hỏa Táng Stupa (Makutabandhana Cetiya)
Sau khi lễ lạy nhục thân Đức Phật 6 ngày, những người bộ tộc Malla đã khiêng xác đến Makuta-bandhana, nơi thường được dùng để tổ chức tôn vinh những vị thủ lĩnh và làm lễ hỏa tán. Lễ hỏa thiêu nhục thân Đức Phật được miêu tả trong phần VI của Kinh Đại Bát-Niết-Bàn (Mahaparinibbana Sutta), cũng mô tả việc phân chia Xá Lợi phật bởi Bà-la-môn Dona. Tháp Hỏa Thiêu stupa được dựng lên bởi người Malla sau khi hỏa táng xong nhục thân Đức Phật và được tu sửa lại vào thế kỷ thứ 3 trước CN bởi vua Asoka và thế kỷ thứ 5 bởi triều đại vua Kumaragupta. Khi ngài Sir Cunningham viếng thăm di tích này vào năm 1861-1862, đó chỉ là một khối (gò) đất vun cao. Tháp được chôn kín bên dưới gò đất cao sau này được lộ ra hình trụ với đường kính 34m, được đặt trên một bệ móng có đường kính 47m. Những cuộc khai quật đã phát hiện được rất nhiều con dấu (ấn) bằng đất sét có khắc những bài kinh kệ Phật giáo xác nhận rằng chỗ này chính là chỗ giàn hỏa thiêu. Nơi đây cách khoảng 1.6 km về phía Đông của Đền Thờ ‘Matha Kuwara’ nằm dọc theo đường đi. (Hình 30).
5) Tháp tưởng niệm Đại Đức Mahavira, người khai lập ở Kushinagar
Đại Đức Mahavira là người Hindu giáo đầu tiên trở thành một tu sĩ Phật giáo. Trước đó, ngài là một võ sĩ đô vật và trong chuyến đi đến Tích Lan, ngài đã được hấp dẫn bởi đạo Phật và gia nhập tăng đoàn trở thành Tỳ kheo vào năm 1890. Năm 1891, ngài quay trở lại Ấn Độ và ở lại Kushinagar, lúc đó hoang tàn sau những cuộc khai quật của năm 1876 bởi ông Carlleyle. Ngài đã tu sửa lại Tháp Đại Bát-Niết-Bàn, vốn đã bị bỏ hoang, trở thành một thánh địa hành hương Phật giáo, đã thu hút rất nhiều những nhà hành hương hồi đó, đặc biệt là những Phật tử Miến Điện. Cùng với tài trợ từ những Phật tử Miến Điện, ngài đã mua một khu đất ở gần Đền Đại Bát-Niết-Bàn để xây nhà khách cho những người hành hương vào năm 1902 và xây thêm một tu viện vào năm 1903. Đó là một tu viện vihara được xây đầu tiên trong thời cận hiện đại ở Ấn Độ. Ngài Mahavira viên tịch nhằm vào tháng ba năm 1919 và tro hài cốt của ngài được chôn trong một bảo Tháp nhỏ bằng gạch nằm bên góc khu đất phía sau Đền Đại Bát-Niết-Bàn (Mahaparinibbana Temple).
6) Đền Thờ Tưởng Niệm Sự Chuyển Hóa Qua Đạo Phật Của TS. Ambedkar & HT. Sayadaw U Chandramani
Sự kiện đáng nhớ nhất của Phật Giáo thế giới trong thời hiện đại là việc chuyển hóa 380.000 Dalits (những người bị cho là giai cấp hạ tiện trong xã hội Ấn Độ) qua đạo Phật dưới sự dẫn dắt, tổ chức của Tiến Sĩ TS. Babasaheb Ambedkar. Sự kiện lịch sử này diễn ra vào ngày 14 tháng 10, năm 1956 tại khu đất rộng 14 mẫu gọi là khu ‘Diksha Bhumi’ ở Nagpur, bang Maharashtra. (Xem thêm Phần I, 7.,8.,9.). Người được chọn là vị tăng hướng dẫn về Pháp (Dhamma Guru) và chứng minh lễ Quy Y vĩ đại này là HT. Sayadaw U Chandramani của Kushinagar. Sự kiện chuyển hóa Nagpur là một cuộc chuyển hóa lớn nhất và hòa bình nhất trong lịch sử nhân loại bởi vì số đông người cùng tự nguyện chuyển đạo cùng một lúc, dưới sự dìu dắt của một người.
Để tưởng nhớ sự kiện lịch sử này, một ngôi Đền thờ đã được xây ngay tại Chùa Miến Điện Kushinagar (Kushinagar Burmese Temple) nơi HT. Sayadaw U Chandramani là trụ trì. Bên trong ngôi Đền, chúng ta có thể thấy một bức tượng TS. Ambedkar đặt ở trước tượng của HT. Sayadaw U Chandramani, để diễn tả sự tiên phong của người Phật tử cư sĩ này. Hai tháng sau lễ Quy Y vĩ đại đó, TS. Ambedkar qua đời ở New Delhi vào ngày 6 tháng 12, 1956 ở tuổi 65. HT. Sayadaw U Chandramani vẫn tiếp tục sự nghiệp khôi phục Phật Pháp (Buddha Sasana) ở Ấn Độ và Nepal. Hòa thượng cũng viên tịch tại Chùa Miến Điện Kushinagar vào ngày 8, tháng 5, 1972 ở tuổi 97, ngài đã sống 80 năm như một Tỳ kheo Miến Điện tại Ấn Độ.
7) Những Chùa & Tu Viện Phật Giáo ở Kushinagar
Về sau cuối này, có nhiều những công trình phát triển ở Kushinagar, một số tu viện, chùa và những cơ sở tiện nghi để phục vụ khách hành hương. Trong khi thăm viếng Kushinagar, những người hành hương nên đến thăm các chùa, tu viện đó là: Chùa Trung Hoa, Chùa Phật Giáo Nhật Bản-Sri Lanka, Tu Viện Miến Điện, Tu Viện Tây Tạng để tỏ lòng thành kính đối với những Tăng, Ni cũng như nhờ những Tăng Ni giúp đỡ trong việc tìm hiểu thêm về những thánh tích ở khu thánh địa này.