HƯỚNG DẪN HÀNH HƯƠNG VỀ XỨ PHẬT
PHẦN I: Ý NGHĨA, LỊCH SỬ VÀ CON NGƯỜI
4. Ký Sự Phật Quốc của ngài Pháp Hiển
Ngài Pháp Hiển (Fa Hsien) đã hành hương đến Ấn Độ cùng với những nhà sư là: Hui-king, Tao-ching, Hui-ying, Hui-yu và một số người khác. Mục đích của chuyến đi là sưu tầm Luật Tạng (Vinaya) hay Giới Luật Tăng Đoàn.
Ngài khởi hành từ Trường An (Xian) vào năm 339 sau CN, lúc ngài đã 65 tuổi, thật kiên cường. Cả đoàn hành hương phải đi bộ hành qua nhiều chặng đường cho đến khi họ đến được Chang-yeh, đồn trú quân lính cuối cùng ở đầu cực Tây Bắc của Vạn Lý Trường Thành, ở đó họ đã gặp đoàn nhà sư Trung Hoa khác do nhà sư Pao-yun và Sung-king dẫn đầu, cũng lên đường đi Ấn Độ. Sau khi trú chân một tháng mùa mưa ở Chang-yeh, họ lập tức lên đường đến Dunhuang (Đôn Hoàng), nơi bắt đầu vành đai sa mạc Takla Makan tử thần, và họ nghỉ lại Đôn Hoàng hơn một tháng nữa. Quan trấn thủ đã cung cấp cho họ những nhu yếu phẩm cần thiết để họ có thể vượt qua sa mạc và họ xuất phát vượt qua sa mạc Takla Makan. Sau khi đi bộ được 17 ngày được 1,500 lý, (1 lý=1/3 dặm), về hướng Tây Nam, dọc theo vành đai của sa mạc, họ đã đến một xứ sở lởm chởm, khô cằn là Shen-shen (Thiện Thiện), thuộc Loulan (Lâu Lan), phía nam của Lop Nor. Nhà vua của đất nước này cũng sùng kính đạo Phật và ở đó có khoảng 4.000 tu sĩ Phật giáo ‘Tiểu Thừa’ (Hinayana)[2].
Sau khi nghỉ ngơi ở xứ này khoảng một tháng, họ lên đường tiếp tục cuộc hành trình đi về hướng Tây Bắc trong vòng 15 ngày, có thể là đi dọc theo sông Tarim và đến nước Kara-shahr (Korla), gần Hồ Bagarach. Ở đây họ gặp lại đoàn hành hương của nhà sư Pao-yun¸ đi theo hướng Bắc đến Hami và Turfan. Trong lúc này nhóm hành hương của ngài Pháp Hiển được lưu lại ở Kara-shahr được sự bảo trợ và cung cấp nhu yếu phẩm bởi một quan chức quan trọng, nhóm của ngài Pao-yun thì không được may mắn, họ phải quay trở lại Turfan để chuẩn bị những nhu yếu phẩm cho chuyến đi tiếp. Sau khi ở lại Kara-shar 2 tháng, Pháp Hiển cùng với nhóm hành hương tiếp tục lên đường đi về hướng Tây Nam, băng qua sa mạc. Dọc đường hoàn toàn hiu quạnh, không nhà cửa và không một bóng người. Sự chịu đựng để vượt qua gian khổ của họ là ngoài sức tưởng tượng của con người. Họ la lếch tiếp tục bộ hành suốt một tháng và 5 ngày ròng rã, cuối cùng họ đến được một thị trấn ốc đảo xanh tốt là Khotan (Vu Điền). Người đứng đầu xứ sở này đã tiếp đãi nồng hậu và chu cấp những tiện nghi, chỗ ở cho các ngài trong một tu viện. Họ lưu lại đây 3 tháng.
Từ Khotan, đoàn hành hương tiếp tục đi bộ 25 ngày để đến Yarkand, và dừng chân nghỉ lại ở đây 15 ngày trước khi tiếp tục. Họ lại tiếp tục bộ hành 25 ngày để đến Kasghar (Tân Cương), nằm giữa dãy núi Thông Lĩnh (Pamirs), vào lúc chứng kiến được Lễ Pancavassika Parisa (Hội Đồng Phật Giáo họp mặt 5 năm hay 5 Hạ 1 lần) do Hoàng Đế A-dục (Asoka) đặt ra), trong buổi Lễ đó, Vua nước này đã thực hiện lễ cúng dường trang trọng cho Tăng Đoàn. Rời khỏi Kashgar, họ tiến vào đất nước Tajikistan qua dãy núi Sarykol, mất nguyên một tháng trời để vượt qua hết vùng núi non hiểm trở Pamirs, sau đó họ tiếp tục cuộc hành trình về hướng Tây Nam trong 15 ngày, vượt qua những chặng đường hiểm trở nhất, toàn là vách đá dựng đứng, gần như không thể nào vượt qua được. Ngài Pháp Hiển đã mô tả lại như sau:
“…mười lăm ngày trên một con đường gay go dốc đứng và hiểm nghèo, vì sườn núi giống như một bức tường đá với chiều cao hơn 10.000 bộ (gần bằng 3.000m). Nhìn xuống duới, cảnh vật đã mờ đi và khi muốn bước tới thì cũng không có chỗ để đặt bàn chân nữa. Bên dưới là sông Sint’u-ho (Indus). Những người đã đến đây những lần trước đã đục đá để làm đường đi và phải đặt thang vào sườn đá. Tất cả có đến 700 bậc thang, khi đã vượt qua hết những bậc thang này thì chúng tôi phải đi qua con sông bằng cầu treo dây quăng. Hai bên bờ sông cách xa nhau gần tám mươi bước…, ( tức gần 80-100m)”.
Sau khi vượt sông, họ tiếp tục đến nước Udyana, trải dài từ xứ Chitral đến xứ Swat ngày nay ở miền Bắc Pakistan. Ngày đó, Udyana là một trung tâm phát triển Phật giáo, với khoảng hơn 500 tu viện của những tu sĩ Phật Giáo Nguyên Thủy. Ba người trong đoàn là Hui-king, Tao-ching và Hui-yu tách ra để đi đến Nagarahara (Jalalabad) chiêm bái di tích ‘Bóng Phật’ in trên vách hang động của Rồng Gopala Naga2 và chiêm bái cả xá-lợi răng và xương sọ của Đức Phật tại Hadda, trong khi đó ngài Pháp Hiển và Hui ying vẫn còn ở lại Udyana để trải qua mùa Mưa Kiết Hạ. Sau khi kết thúc ở đây, tất cả đều lên đường đi Swat và tiếp tục hành trình 5 ngày xuống phía Đông để đến Gandhara (vùng đất nằm giữa Takkasila và Charsadda ngày nay). Từ đây, họ tiếp tục hành hương về Peshawar để chiêm bái bảo Tháp Kaniska stupa nổi tiếng và di vật bình bát của Phật. (Chú giải 4). Tại đây, họ gặp lại đoàn hành hương của nhà sư Pao-yun và Sung-king cũng đến chiêm bái bình bát của Phật.
Một trong những người bạn đồng hành của ngài Pháp Hiển là Hui-yu, người lần trước tách ra đi chiêm bái Bóng Phật[3] ở Nagarahara, cũng vừa đến Peshawar, và đến lúc này, ông ta quyết định quay về Trung Hoa cùng với đoàn của Pao-yun và Sung-king. Trong khi đó, một người đồng hành khác của ngài Pháp Hiển là Hui-ying, trong khi ngụ lại trong ngôi Chùa có bình bát của Phật, đã từ trần tại đó.
Bây giờ, Pháp Hiển và 2 người đồng hành cùng tiến về phía Tây đến Nagarahara. Ngài đã đến thành phố Hadda, và viếng thăm ngôi chùa có giữ Xá Lợi Xương Sọ của Phật. Tại thủ đô Nagarahara, ngài cũng đã viếng thăm những ngôi chùa có những tu sĩ mang y kép (Sanghati, Tăng-già-lê); và thăm động ‘hang rồng’ Gopala Naga để chiêm bái Bóng Phật. Ông cùng hai người đồng hành là Tao-ching và Hui-king nghỉ chân và ở lại 2 tháng mùa Đông tại thành phố này. Khi mùa Đông kết thúc, họ tiếp tục hành trình xuống phía Nam và gặp phải sự khắc nghiệt của một mùa Đông buốt giá, thời tiết lạnh như băng khi họ cố gắng vượt qua dãy núi Safed Koh. Nhà sư Hui-king, gần như không thể phục hồi từ những căn bệnh trước đây trong cuộc hành trình dài vạn dặm, và không thể nào tiếp tục cất bước nữa. Ngài kiệt sức và chết trên tay của Pháp Hiển. Điều này càng thúc giục những người còn lại phải cố gắng hết sức lực cuối cùng và vượt qua rặng núi càng nhanh càng tốt để hướng về Afghanistan. Cuối cùng, họ cũng đến được Afghanistan. Họ đã xin nghỉ lại qua mùa Mưa trong một tu viện cùng với 3.000 tăng sĩ sống ở xung quanh vùng lân cận.
Sau an cư mùa Mưa, họ lên đường băng qua vùng Punjab, đây là vùng Phật giáo đang nở hoa và họ đã ghé qua rất nhiều tu viện với vô số Tỳ kheo, và sau đó đến được nước Mathura. Pháp Hiển đã viếng thăm lần lượt những nơi Sankasia, Kanauj, Saketa, Ayodha và Savatthi (Xá-vệ), ở đó những Tỳ kheo trong tu viện Kỳ Viên Jetavana đã vô cùng ngạc nhiên khi gặp họ, bởi vì những người Ấn Độ ở đây chưa bao giờ thấy người Hán (Trung Hoa) đến tận nơi cách xa này để thỉnh giáo pháp của Phật. Xuôi về hướng Đông, đoàn hành hương đã đến thăm vương quốc dòng họ Thích Ca (Sakyan) cổ xưa, và ở đó, họ đã đi thăm nơi sinh của các vị Phật Kakusandha (âm Hán Việt: Phật Câu-lưu-tôn) và Phật Konagamana hay còn gọi là Phật Kanakamuni (âm Hán Việt: Phật Câu–Na-Hàm), và cũng đã chứng kiến những Trụ Đá Asoka được dựng lên ở đó. Lúc này, kinh thành Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) giống như một sa mạc, không một bóng người ở. Chỉ có một nhóm Tỳ kheo và khoảng 10 gia đình cư sĩ. Đường xá vắng tênh, không người qua lại, vì nỗi sợ voi dữ và sư tử.
Từ Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), những người hành hương đi Kusinara (Câu-tin-na), là thánh địa, nơi Đại Bát-Niết bàn của Đức Phật. Ở nơi này cũng vậy, cũng chỉ có một số ít của dân và những gia đình bên cạnh một vài nhóm Tỳ kheo. Sau đó họ rời đi Vesali (Tỳ-xá-ly) và Pataliputta (Hoa Thị Thành), thủ đô của nước Magadha (Ma-kiệt-đà) cổ xưa. Sau đó họ lại hành hương qua tu viện Nalanda và thành Rajagaha (Vương-xá), tại đây, Pháp Hiển đã leo lên ngọn núi Gijjhakūṭa (Linh Thứu) để dâng hoa, hương đèn và ngồi lại suốt đêm để thiền định và đọc kinh. Tiếp tục cuộc hành hương, họ lại đến Buddhagaya (Bồ-Đề Đạo Tràng), thánh địa nơi Đức Phật thành Đạo; và họ đến Vườn Nai (Lộc Uyển) ở Sarnath, nơi Đức Phật khai giảng Giáo Pháp bằng Bài Thuyết Giảng Đầu Tiên (kinh Chuyển Pháp Luân); rồi họ cũng viếng thăm Varanasi và cuối cùng Kosambi ở quận lỵ Allahabad, tại nơi này, họ cũng đến thăm nơi tàn tích của tu viện Ghositarama. Quay trở lại Pataliputta (Hoa Thị Thành), sư Tao-ching đã quyết định xin nhập tịch làm cư dân Ấn Độ, sau khi thấy những khuôn phép giới luật nghiêm trang được tuân chỉ bởi những tu sĩ Ấn Độ theo đúng như Luật Tạng, so với những nét sơ sài của những giới luật ở Trung Hoa vào thời bấy giờ.
Còn đối với nhà sư Pháp Hiển, mục đích của ngài là lưu trú tạm thời cho đến khi nào tìm được một bản sao của Luật Tạng (nhắm đến ‘Giới Luật Tăng Đoàn’) để mang về quê hương, nhưng sau bao nhiều năm hành hương, đến bây giờ vẫn chưa tìm được một văn bản viết tay nào. Tất cả những giới luật mà ngài học được trên suốt đường đi đều do truyền miệng. Ngài đã thỉnh được từ Tu Viện Kỳ Viên một văn bản về giới luật được sử dụng bởi trường phái Phật giáo Mahasanghikas (Đại Chúng Bộ). Pháp hiển phải bỏ ra 3 năm để học tiếng Phạn để sao dịch những Giới Luật đó. Lại tiếp tục hành trình, ngài đi dọc theo sông Hằng theo hướng Đông, đến thành phố hải cảng Tamralipti ở cửa sông Hằng (tức là Cảng Tamluk ngày nay ở West Bengal), nơi đây, ngài ở lại thêm 2 năm nữa để tiếp tục sao chép những kinh điển và vẽ lại những tranh ảnh tư liệu. Từ giã Ấn Độ, Pháp Hiển lên thuyền từ cảng Tamralipti đi Sri Lanka (Tích Lan) Ngài ở lại Sri Lanka thêm 2 năm nữa để thu nhập và sao chép kinh điển, bao gồm cả những giới luật tăng đoàn được ghi chép và áp dụng bởi trường phái Phật giáo Mahissaka (Hóa Địa bộ), vốn chưa từng được biết đến ở Trung Hoa.
Sư Pháp Hiển đã rời xa quê nhà đã nhiều năm trời. Trong bốn nhà sư cùng đi chung với ngài, 1 người đã quay trở lại Trung Hoa ngay sau khi chỉ đến được Peshawar (là Hui-yu), 2 người qua đời một cách đáng ghi nhớ ở Ấn Độ (là Hui-ying và Hui-king) và một người ở lại Ấn Độ (là Tao-ching). Trong tu viện Abhayagiri ở Anuradhapura, Tích Lan, nhìn thấy cảnh một thương nhân dâng tặng một cây quạt bằng lụa trắng từ Trung Hoa đã làm cho ngài chợt u buồn và cảm thấy nhớ quê hương thăm thẳm trong lòng.
Sau khi đã hoàn thành việc sao chép Giới Luật để về truyền bá ở Trung Hoa, như mục đích ban đầu trước khi hành hương, Pháp Hiển lên đường về lại cố quốc. Lần trở về này ngài đi bằng đường biển. Trong chuyến đi này, theo ghi chép, ngài cũng đã nhiều lần thoát chết trong gang tấc một cách kỳ diệu. Thuyền của ngài bị bão táp, sóng lớn đánh bị lủng và bị dạt vào đảo Yepoti, Java (tức Indonesia ngày nay) và ngài đã ở lại 5 tháng ở nơi này.
Sau đó, ngài lên thuyền khác đi về hướng Quảng Đông, nhưng sau hơn một tháng, ngài lại gặp bão, thuyền bị dạt ra xa khỏi lộ trình và cuối cùng tấp vào bờ của bán đảo Shantung (Theo tìm tòi trong nhiều tư liệu, nếu địa danh Shantung là cách phát âm của tiếng Quảng Đông về bán đảo Sơn Đông (thường viết là Shandong theo tiếng Phổ Thông, thì thuyền của ngài Pháp Hiển đã bị bão đánh dạt quá xa, cách hàng ngàn dặm về hướng đông bắc, lên tận vùng Sơn Đông ở phía Bắc Trung Quốc – ND). Tuy nhiên, sau bao nhiêu hiểm nguy, gian khổ, Pháp Hiển vẫn tìm được đường về lại quê nhà với một hành lý vô cùng quý giá, đó là những ghi chép kinh điển vẫn còn được giữ nguyên.
Sau khi nghỉ chân ở Tsing-Chow (thuộc Quảng Châu) qua một mùa hè, ngài thân hành đến Nam Kinh để trình bày những quyển kinh sách mà ngài đã kỳ công mang được về đến Trung Hoa. Đó là 14 năm của những cuộc hành trình đầy gian khổ và hiểm nguy, đi qua gần 30 nước khác nhau. Nhờ vào lòng tin và sự bảo hộ của Tam Bảo, ngài đã được an toàn trở về sau bao nhiêu khổ ải, và sau đó, với mong muốn chia sẻ lại những khoảng thời gian gian truân, sóng gió cũng như đầy hạnh phúc trong chuyến hành trình về xứ Phật, ngài đã ghi lại ký sự của những chuyến đi từ năm 399-414 sau CN.
Ngài Pháp Hiển tuổi đã khá cao khi khởi hành cuộc chiêm bái vào năm ngài 65 tuổi, và khi về nước, ngài đã 79 tuổi. Ngài mất năm 82 tuổi, sau khi đã hoàn thành toàn bộ sứ mệnh dịch thuật những kinh điển Phật giáo mà ngài đã mang về. Ngài là một nhà hành hương tận tụy và kiên trung, một học giả, một tấm gương về niềm tin và lòng mộ đạo và một nhà sư Phật giáo đáng tự hào và đáng tưởng nhớ cho đến muôn đời đối với tất cả chúng ta.