HƯỚNG DẪN HÀNH HƯƠNG VỀ XỨ PHẬT
PHẦN I: Ý NGHĨA, LỊCH SỬ VÀ CON NGƯỜI
8. Cuộc Phục Hưng Phật Giáo ở Ấn Độ
Những Nhà Tiên Phong Trong Cuộc Phục Hưng Phật Giáo ở Ấn Độ
Khi ngài (1) Sir Alexander Cunningham (1814-1893) đến Ấn Độ, công việc khai quật và phục hồi nhiều di tích được xúc tiến nhanh hơn. Ngài là Tổng Giám Đôc đầu tiên của Ban Khảo Cổ Ấn Độ (ASI) và tất nhiên là nhà khám phá vĩ đại nhất về những di tích Phật Giáo ở Ấn Độ. Ngài đến Ấn Độ năm 1833 và phục vụ trong quân đội và những ban, ngành của chính quyền Anh phụ trách Ấn Độ và Miến Điện lúc đó. Bản thân ông là một kỹ sư. Ông bước vào nghành khảo cổ vì say mê khám phá cổ vật và vì lòng khó chịu khi những đền, đài, thánh tích… đã bị con người tàn phá một cách dã man. Việc ông tham gia vào những công trình tưởng niệm Phật giáo bắt đầu từ lúc ông đảm nhận khai quật khảo cổ Tháp Dhamek stupa ở Sanarth vào khoảng năm 1840 khi ông chứng kiến được những phần bị hư hại của bảo tháp do sự phá phách đê tiện của Jagat Singh, một viên quan tổng quản của Benares (Ba-la-nại). (Xem thêm phần nói về Sarnath sau này).
Sau cuộc khảo cổ này và sau 28 năm làm việc hết mình, ông được phong danh hiệu Nhà Khảo Cổ Ấn Độ (Surveyor of Indian Archaeology) vào năm 1861. Cũng năm này, một học giả người Pháp M. Stanisla Julien, cũng vừa cho xuất bản bản dịch quyển ký sự của nhà hành hương nổi tiếng người Trung Hoa Huyền Trang là “Tây Vực Ký”, ghi lại những gì ngài đã chứng kiến trong cuộc hành hương những năm 629-644 sau CN.
Theo những miêu tả về những thành thị, nơi chốn, địa danh và những con đường… được ghi lại trong ký sự của ngài Pháp Hiển và ngài Huyền Trang, ngài Cunningham đã khởi xướng một chương trình khám phá khảo cổ một cách có hệ thống cho toàn bộ miền Phật giáo ở miền Bắc Ấn Độ, và đã tìm ra nhiều di tích và thánh tích ở những thánh địa Phật Giáo như: Kusinara, Sankasia, Savatthi, Nalanda, Kosambi khôi phục lại năm 1870, với ngài Cunningham là Giám Đốc, ngài đã giữ vị trí này cho đến tận năm 1885. Kể từ khi ngài nghỉ hưu ở London đến khi ngài qua đời vào ngày 28 tháng 11 năm 1893, ngài đã viết nhiều quyển sách về Phật Giáo dựa vào những điều ngài đã tìm thấy được ở Ấn Độ. Sự mở mang cũng như cống hiến to lớn của ngài Cunningham trong việc khôi phục những di sản Phật giáo là không thể so sánh được. Phật tử ở khắp mọi nơi trên thế giới sẽ luôn luôn ghi nhớ công đức của ngài.
Trong khi ngài Cunningham đã dành trọn cuộc đời mình vào việc khôi phục những thánh tích, di sản ở những thánh địa thiêng liêng của Phật giáo, thì một người khác lại dành trọn cuộc đời mình vào công việc khôi phục nền Phật giáo, đó là Ngài (2) Tỳ kheo Anagarika Dharmapala (1865-1933), người đi tiên phong trong phong trào phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ. Ông được sinh ra ở Sri Lanka, tên là David Hewavitarana, sau này lấy pháp danh là Anagarika Dharmapala, có nghĩa là “Người xuất gia bảo vệ Chánh Pháp”. Ngài Dharmapala đã đến Bodhgaya (Bồ-Đề Đạo Tràng) vào năm 1891 sau khi đọc một số bài viết của Ngài Edwin Arnold, tác giả của quyển “Light of Asia” (Ánh Sáng Châu Á), miêu tả tình trạng đáng xót xa của Tháp Đại Bồ-Đề, nơi thánh địa thiêng liêng nhất của tín đồ Phật giáo. Những gì ngài chứng kiến đã làm ngài thật sự sửng sờ và đau buồn, vì vậy ngài đã nguyện sẽ cống hiến cả đời mình: “…để làm cho nơi thiêng liêng này được chăm sóc bởi những Tỳ kheo của chúng ta”.
Nhận thấy đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, trừ khi ngài phải chuyển tải thông điệp của Đức Phật, nên ngài đã lập ra Hội Đại Bồ-Đề Ấn Độ (Maha Bodhi Society of India) để phát động phong trào. Với Hội Đại Bồ-Đề Ấn Độ được thành lập, ngài bắt đầu tiến trình phục hưng và phát triển lại Phật giáo vốn đã bị biến mất ngay trên quê hương của mình. Bắt đầu từ Bodhgaya (Bồ-Đề Đạo Tràng), nơi xảy ra cuộc tranh đấu để giành lại quyền cai quản của Tháp Đại Bồ-Đề (Mahabodhi) từ những người Hindu, Hội Đại Bồ-Đề tiếp tục mở rộng hoạt động qua Sarnath, nơi Đức Phật khai giảng Bài Thuyết Pháp đầu tiên.
Khi ngài Anagarika Dharmapala đến Ấn Độ năm 1891, Sarnath chỉ còn là một làng nhỏ bé, xung quanh là rừng già, là nơi ăn cỏ của những con heo rừng. Ngài Dharmapala quyết định khôi phục lại di tích sống này, bằng cách xây một tu viện (vihara) bên cạnh Vườn Lộc Uyển. Sau khi hoàn thành tu viện Mulagandha Kuti Vihara vào năm 1931, tiếp theo là sự ra đời của Thư Viện Hội Đại Bồ-Đề (Maha Bodhi Society Library), Bệnh Xá Miễn Phí, Trường Tiểu học và Trung Học, Trường Cao Đẳng Sư Phạm, Nhà Khách cho những người hành hương và một tịnh xá cho các tu sĩ…, Sarnath đã trở lại với nhịp sống. Sự ảnh hưởng hoạt động của Hội Đại Bồ-Đề chẳng bao lâu được biết đến khắp Ấn Độ và đưa đến những phong trào phục hưng Phật giáo ở những thành phố lớn ở Ấn Độ.
Nếu không có sự giúp đỡ về tài chánh từ những thí chủ thì Hội Đại Bồ-Đề sẽ không thể nào thực hiện những hoạt động Phục Hưng Phật Giáo của mình được. Người giúp đỡ lớn nhất là bà Mrs. Mary Elizabeth Mikahala Foster, người vợ gốc Hawai của một nhà ngân hàng giàu có người Mỹ. Ngài Anagarika Dharmapala gặp bà trên tàu hạm đội SS Oceanic ở Honolulu vào ngày 18 tháng 10 năm 1893.
Chuyện kể lại rằng, bà thường xuyên có những cơn bốc đồng mà không thể nào kiềm chế được. Ngài Anagarika Dharmapala đã giúp bà thực tập giữ sự tĩnh lặng để kiểm soát những khi mất bình tĩnh. Bà đã làm được và rất ấn tượng với việc nhà sư đã giúp bà. Bà đã quyết định dùng của cải của mình để tài trợ vào Phong Trào Phục Hưng Phật Giáo do ngài Anagarika Dharmapala khởi xướng.
Được nhắc đến như là một “Visakha” của Cuộc Phục Hưng Phật Giáo Hiện Đại (Visakha là tên của một vị nữ đại Hộ Pháp thời Đức Phật), bà đã trở thành nhà tài trợ chính của những hoạt động của Hội Đại Bồ-Đề. Một tấm bảng bằng đá cẩm thạch ngay trước cổng Tu Viện Mulagandhakuti Vihara ở Sarnath để ghi nhớ công đức của bà với những hàng chữ như sau:
Tu viện “MULAGANDHAKUTI VIHARA được xây dựng, bởi Ngài ANAGARIKA DHARMAPALA là Người Sáng Lập và Tổng Thư Ký của Hội Đại Bồ-Đề (Maha Bodhi Society) với sự giúp đỡ của bà Mrs. MARY ELIZABETH FOSTER ở Honolulu và những người khác, trên khu Di Tích nơi Đức Phật Cồ-Đàm của chúng ta đã khai giảng Diệu Pháp (Saddhamma) cách đây 2.520 năm. Nguyện cho tất cả mọi chúng sinh được phúc lành! Phật Lịch 2475. Tây Lịch 1931”
Một trong những người bạn và là người giúp đỡ khác của Hội Đại Bồ-Đề có lẽ là Ngài Sir John Marshall, Tổng Giám Đốc Ban Khảo Cổ Ấn Độ (ASI) trong thời gian 1902-1928, ông được biết đến nhiều qua cuộc khám phá ra Nền Văn Minh Thung Lũng Sông Indus ở Harappa và Mohenjodaro và những cuộc khai quật khảo cổ của ông ở vùng Taxila kéo dài đến 20 năm. Vào năm 1925, khi Chính Phủ Ấn Độ quyết định đình chỉ việc xây dựng Tu Viện Mulagandhakuti Vihara nói trên, vì xây trên nền đất quá gần với bảo Tháp Dhamek Stupa, Hội Đại Bồ-Đề đã kêu gọi ông giúp đỡ. Một cuộc họp được triệu tập ở Taxila (gần Islamabad) có ngài Sir John Marshall, Devapriya Valisinha, thư ký Hội Đại Bồ-Đề và Bác sĩ C. A. Hewavitarne, em trai của ngài Anagarika, để bàn luận về vấn đề đang xây dựng tu viện ở Sarnath. Với sự giúp đỡ của ngài Sir John Marshall, cuộc tranh chấp đã được giải quyết yên ổn vào năm 1926, chính phủ đã cấp một lô đất khác cộng với toàn bộ số tiền đền bù cho việc xây nền móng của dự án trước đây và được thêm 20 mẫu đất được cấp để làm khu vườn cây của tu viện.
Trong khi đó, những người láng giềng ở vùng Varanasi thì hoàn toàn làm ngơ đối với sự nghiệp Phật Giáo và tất nhiên không ai đóng góp một rupee nào vào việc xây tu viện này. (Theo ghi chép của Hội Đại Bồ-Đề (The Maha Bodhi), Vol. 46, tháng 10 năm 1938, trang. 433-434).
Với trụ sở chính đặt tại Calcutta, Hội Đại Bồ-Đề đã mở rộng hoạt động của mình đến nhiều thành phố lớn ở Ấn Độ cũng như nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Triều Tiên, Hồng Kông, Sri Lanka, Anh Quốc và Mỹ.
Sự ảnh hưởng của Hội Đại Bồ-Đề cũng rất thành công ở Ấn Độ, giúp hàng triệu người thuộc giai cấp hạ tiện của Ấn Độ giáo Hindu trở thành những Phật tử, nhờ sự đóng góp cả cuộc đời và tấm gương lỗi lạc của (4) Tiến Sĩ Babasaheb Ambedkar, Người Dẫn Đầu của Giai Cấp Nô Bộc Ấn Độ, và cũng là người đã chọn (3) Tỳ kheo Sayadaw U Chandramani ở Kushinagar làm người cố vấn cho buổi lễ kỷ niệm mang tính lịch sử của mình diễn ra vào tháng 10 năm 1956 ở Nagpur, Maharashtra. Sự kiện này đã mở ra cánh cửa cho đại quần chúng thuộc giai cấp bị khinh bỉ bởi những người Hindu có được cơ hội hòa nhập vào cộng đồng Phật giáo, trốn thoát được mọi phân biệt giai cấp sau hàng ngàn năm. Và sau đó, hàng năm lại có thêm nhiều người Hindu giáo thuộc giai cấp hạ tiện lại bước qua Phật giáo để tìm thấy sự nương tựa và hòa đồng. Đến nay đã có hơn 50 triệu Phật tử Ấn Độ (theo ước tính của nhiều học giả Phật giáo) đã được chuyển hóa từ những người theo đạo Hindu vốn khi xưa bị phân biệt, khinh khi. Sự kiện ở Nagpur là một Cuộc Chuyển Hóa Tôn Giáo Lớn Nhất trong lịch sử nhân loại.