Từ Vọng Các sang Rangoon

Cách 3 ngày sau có chuyến máy bay sang Miến Điện, đúng 10 giờ sáng thì phi cơ cất cánh và bay mãi tới 1 giờ chiều mới tới thủ đô Rangoon. Phi trường tại đây nhỏ hơn ở Vọng Các, hôm ấy trời cũng mưa dầm, phi cơ vừa đáp xuống thì đã có ông Maṅgala U Bathan chực sẵn tại phi trường để rước tôi. Ông là một thương gia rất tín thành với Phật giáo được thầy Tám X… từ Vọng Các đánh điện văn cho hay trước, ông đưa tôi về Chùa Sasanāyetha ở gần thủ đô Rangoon được sắp đặt theo những điều kiện thuận lợi cho các hành giả chuyên tu về phép thiền định. Vị Sư cả là Đại đức Bhadanta Muninda suốt thông Kinh Luật, giới hạnh trang nghiêm đã xuất gia hơn 20 hạ.

Cũng như ở Thái Lan người Miến lấy Phật giáo làm quốc đạo, phần đông người bổn xứ đều sinh hoạt theo khuôn khổ Phật giáo, ngoài ra có một số ít tín đồ Thiên Chúa giáo. Diện tích xứ Miến Điện lớn hơn xứ Thái Lan nhưng dân số cũng chừng 19 triệu, tăng chúng có lối 180.000 vị và có rất nhiều am thất dành riêng cho các tín nữ (cô diệu)2 thọ trì thập giới đến học kinh hoặc tham thiền. Tôi cũng có dịp được viếng một ngôi chùa trong ấy có đến 130 tín nữ (cô diệu) từ 10 tuổi sắp lên ở tu học. Nơi Miến Điện pháp hành được tấn triển hơn các xứ trong khối Phật giáo Nguyên Thủy, người Miến lại còn có đức tin trong sạch với ngôi Tam bảo hơn mọi nơi nên bề khất thực của các bực xuất gia rất dễ dàng. Một hôm được viếng chùa Shrewdagoon nhằm ngày bát quan trai, tôi có gặp hơn 50 tín đồ đến nghe một vị Đại đức lão thành thuyết về “minh sát huệ”. Cả thảy thính giả đều là người giữ bát quan trai giới, đến ở luôn tại giảng đường trọn ngày đêm. Hành vi cao thượng của các cư sĩ Miến Điện trong ngày lễ bát quan trai càng khêu gợi đức tin của người tìm đạo. Vì hiện nay trên thế gian khó tìm đâu ra một số người tại gia đông đúc như thế, dám bỏ phế việc đời vào chùa tham thiền, niệm Phật.

Hôm tới Miến Điện tôi nghe người ta cho biết có một vị A-la-hán vừa tịch diệt trước mấy hôm, xác còn quàn mà không hôi thúi, và có nhiều bực khác đắc từ Tu-đà-huờn cho đến A-na-hàm quả, tôi có tọc mạch hỏi thăm coi các ngài hành theo pháp nào thì nhiều người cho biết rằng hành theo pháp Tứ niệm xứ.

Chùa Shrewdagoon một bảo tháp nguy nga đồ sộ có danh tiếng trong hoàn cầu, để thờ tám sợi tóc của Đức Phật. Theo lịch sử Phật giáo sau khi Đức Thế Tôn đắc đạo dưới cội Bồ đề được 3 tuần nhựt và Ngài còn đang vui hưởng hương vị giải thoát, thì một hôm nọ có hai người lái buôn Miến Điện đi ngang qua gặp, họ liền phát tâm trong sạch dâng bánh đến Ngài và xin qui y Nhị Bảo là Phật và Pháp mà thôi, vì lúc ấy chưa có Tăng già. Cúng dường xong hai người lái buôn xin một vật di tích của Ngài để đem về xứ thờ phụng chiêm bái, Đức Phật liền nhổ tám sợi tóc trao cho họ đem về xứ tạo tháp Shrewdagoon thờ cho đến ngày nay.3

Một hôm tôi được viếng chùa Donanasari Kudi ở Hangavadi là nơi hội họp của hàng phụ nữ đến học tham thiền, chùa này có thể chứa được gần 200 tín nữ thọ thập giới hoặc bát quan trai giới, y phục của họ toàn là màu cam, dưới mặc một cái cũn, phần trên cái áo tràng chẹt tay và phía ngoài họ choàng một lá y không có may điều. Các cô đều học Pāli trong ba lớp: hạ, trung, thượng. Những giáo sư đều là người nữ trừ ra vị giám đốc là một vị Đại đức đến xét hỏi giảng dạy đôi khi, nhóm tín nữ này được hội Phật giáo Prariyati Sassana hộ độ 4 món vật dụng và 300 đồng bạc Miến mỗi tháng, tiền cung cấp dầu xăng và một chiếc xe hơi để đưa đến nhà các thí chủ lãnh gạo, củi, khô cá và phẩm vật khác đem về chùa nấu lấy mà chi độ. Khi tôi đến viếng thì có chừng 130 tín nữ đang ngụ tại chùa Donanasari Kudi, hôm sau lại được đi viếng chùa Thế Giới Hòa Bình là chỗ đang sửa soạn để kết tập Tam Tạng lần thứ 6 tại Kaba Aye.

Nói về sự thành lập xã hội Phật giáo Miến Điện.

Không ở đâu hơn xứ Miến Điện được kết quả tốt đẹp về sự thành lập một xã hội căn cứ vào Phật giáo. Mỗi người nào lần đầu tiên đến viếng xứ Miến, đi bằng đường hàng không hoặc đường thủy chẳng hạn sẽ có cảm giác là thường vì thấy những phong cảnh tô điểm với những kiểu tháp đầu nhọn khác nhau, sơn trắng hoặc thếp vàng lố nhố trong những rặng cây. Nếu du khách khi tới Rangoon sẽ thấy sự xa xăm, sự chói sáng dưới ánh thái dương của bảo tháp Shrewdagoon (tháp thờ tóc 8 sợi tóc của Đức Phật) ở trên chót đồi và lố nhố những bảo tháp thếp vàng dọc theo bờ sông Rangoon, những bảo tháp này chẳng những là một phong cảnh tuyệt vời của xứ Miến mà cũng là một biểu hiệu về Phật giáo của đời người Miến. Trong 19 triệu dân có lối 16 triệu tín đồ Phật giáo.

Phật giáo dạy chung cho tất cả thế giới một phong hóa hay là một kỷ luật hoàn toàn tốt đẹp là mỗi người Phật tử ít ra phải giữ ngũ giới hay là thập giới. Tuy nhiên, trong một nước nào hay là một tôn giáo nào cũng có kẻ tốt người xấu, cũng thế, người ta cũng thấy ít người không được tốt của xứ Miến vậy. Dầu sao, xứ Miến cũng có thể nói là một xứ chịu ảnh hưởng của Phật giáo từ nhiều thế kỷ đã qua, do nhờ phái Tăng già dắt dẫn. Nhờ sự dắt dẫn của các nhà sư mà mỗi đứa trẻ đều được xuất gia sa di hoặc tỳ khưu ít ra từ một tuần cho tới một năm. Những đứa bé ấy trước kia đều được vào học trong các chùa địa phương, bắt đầu học chữ Miến và những phép toán, văn chương đạo đức v.v…Các giáo sư đều là nhà sư dạy không cho những trẻ em ấy, nhờ đó mà 56 phần trăm người Miến đều được biết văn chương lỗi lạc. Một khi đứa trẻ đã vào xuất gia rồi thì giao phó cho ông thầy dạy dỗ và có thể tu luôn suốt đời hoặc sau một năm học tập, muốn hoàn tục ra cũng được. Sau khi ra đời tánh tình cử chỉ cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng của ông thầy đã huấn luyện. Chư tăng chẳng những phải thực hành về mặt đạo đức mà còn là một bực hướng dẫn về phần tinh thần cho dân chúng nữa.

Trong mỗi làng không có chuyện chi quan trọng mà không cần đến sự hiểu biết của chư tăng, vì vậy mà các Ngài được dân sự Miến, dầu cho trong làng thật nhỏ cũng sùng bái và dâng cúng vật thực hằng ngày. Nếu mỗi khi có cuộc lễ chi thì họ lại càng dâng cúng rất dồi dào, có cả 4 món vật dụng là: y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc men. Nếu có người nào tạo được một bảo tháp hoặc một Tăng đường để được nhiều phước báu đặng mau đến Niết-bàn, thì đối với xã hội Miến, rất được nhiều danh dự hơn người giàu có muôn hộ. Mỗi người Phật tử đều dòm thấy những vật chung quanh là vô thường, vô ngã, vì vậy mà hiện nay dân Miến ít có người giàu có danh tiếng vì họ được hấp thụ một phần ảnh hưởng lớn lao của Phật giáo.

Trên lịch sử từ trước thì người ta nhận biết rằng người Miến là một dân tộc sống về nghề canh nông, cho tới ngày nay họ cũng rất thạnh vượng trong nghề ấy. Đời giản dị trong nghề canh nông của họ lại nảy sanh ra nhiều câu ca dao đã hơn 100 năm về trước như sau:

Ca dao đời nhà nông (dịch): Khi đã đến mùa mưa tầm tã, Đôi vợ chồng ẵm cả đứa con.

Vai mang giỏ cũ đã mòn, Mình mặc rách rưới đầu tròn bịt khăn.

Đi theo bờ ruộng lăng xăng, Miệng ngậm ống điếu dài nhằn cả gang.

Kia kìa cua ở trong hang, Hoặc là ốc hến theo đàn lượm vô.

Rau lang rau dệu bắp ngô, Đem về nấu với ớt khô mắm mòi.

Với cơm đã chín xong rồi, Dọn ra hủ hỉ xúm ngồi cùng ăn.

Đứa con quá lạnh run lên, Vào ngồi lòng mẹ lấy khăn trùm mình.

Kia xong công việc gia đình, Cùng nhau bàn tính chương trình ngày mai.

Bài ca dao trên đây để tỏ cuộc đời giản dị, mộc mạc của nhà nông sống một cách thái bình vui thú. Tuy nhiên, họ cũng có một sự lo lắng là thiếu nước mưa, nếu trời mưa dồi dào thì mùa màng họ rất thạnh vượng.

Phụ nữ Miến rất cực nhọc vất vả về công việc ruộng nương gia đình, họ cũng giúp chồng cày, cấy, gặt, hái v.v… họ lại còn biết thêu dệt những mền chăn để hỗ trợ gia đình và làm ngapi (mắm) để chi dụng mãn năm. Phụ nữ Miến rất tự do và tỏ ra mình không có hấp thụ theo văn minh lố lăng của Âu châu, luôn luôn ăn mặc theo phong hóa nước nhà và theo kỷ luật của Phật giáo. Họ không bị bắt buộc gì về sự kết hôn hay ly dị đều do họ thỏa thuận, chớ không có liên quan gì đến Phật giáo, khi nào họ thôi nhau thì của cải được chia đồng, nếu chồng chết thì phần đông họ vẫn ở vậy và lo làm ăn như lúc chồng còn sống.

Phật tử người Miến vẫn khoan dung đại độ đối với tất cả những người có tôn giáo khác, họ không chấp giai cấp và dòng giống. Về mặt chính trị, kỹ nghệ, thương mãi và xã hội họ cũng đối đãi bình đẳng nhau cả, họ rất trọng quyền lợi của nhau và lòng tự ái của kẻ khác. Họ không khi nào có tên riêng (Surnom) như đạo Gia-tô, tên họ lại không liên quan đến tên của gia quyến, họ chỉ có một tên riêng biệt của mỗi người thôi.

Xứ Miến phía nam giáp ranh với Ấn Độ, phía tây với Tàu, phía bắc với Thái Lan, là xứ dẫy đầy những tháp và lọng, có nhiều sông rạch, ruộng lúa, hột saphir và nhiều thứ rubis. Nhiều dân tộc khác cho xứ Miến là xứ phụ nữ đáng yêu, ông Ptolemy một nhà địa dư học cho là một bán đảo vàng khắp mọi nơi, nếu từ tháng 5 tới tháng 10 thì toàn xứ trở nên xanh um với thửa ruộng đã cấy xong, vì lúa là một hầm vàng của xứ Miến, nên xứ Miến không có ai nạn đói bao giờ. Miến Điện mở mang một xã hội đời sống và tinh thần đều căn bản nơi Phật giáo. Hiện nay họ sống vẫn đầy đủ hạnh phúc, có thể nói họ cười, giỡn, tranh đấu và chết cũng đồng trong một lúc.

Trong trận chiến tranh thế giới thứ nhì, người ta chết hằng vạn, nhưng không làm mất sự vui thú của họ một mảy may nào đó cũng nhờ tinh thần Phật giáo, nên họ luôn luôn được vui cười, họ có thể tự hào rằng: Phật giáo và cơm nước đem lại cho họ muôn vàn hạnh phúc.

Trong 5 hôm ở Rangoon tôi được ông U Ba Than và ông chưởng lý U Tchan Htong hộ độ và mỗi bữa cho xe đến rước tôi đi chiêm bái mấy nơi Phật tích. Đến ngày thứ 6 lúc 10 giờ rưỡi tối mới có chuyến máy bay qua Calcutta.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app