Lịch sử Phật giáo Tích Lan

Tích Lan là một nước vừa được độc lập, dân số chừng 8 triệu người gồm lại có nhiều sắc: Tamil, Anh, Ấn, Hòa Lan, Sihala v.v… Kinh thành Colombo cũng khá to, được xây dọc theo bờ biển dài lối 20 cây số nên khí hậu rất mát mẻ.

Phật giáo Tích Lan chia ra 3 phái: phái Siam Nikaya lâu đời nhứt từ nước Xiêm-la truyền sang trên 200 năm và chư tăng đông hơn hết có trên 15 ngàn vị, phái này có bổn phận gìn giữ và phụng thờ răng nhọn của Đức Phật tại tỉnh Kandy; phái Ramañña Nikaya từ Miến Điện truyền sang cách đây 150 năm và có chừng 3 ngàn vị sư; phái Amarapura Nikaya cũng từ Miến Điện truyền sang và cũng lâu như phái Ramañña Nikaya, số tăng có chừng 2 ngàn vị. Tổng cộng lại xứ Tích Lan có lối 20 ngàn chư tăng đều thuộc về Phật giáo Nam Tông, có nhiều vị sư xuất thân từ các trường cao đẳng hoặc trung học thông suốt 6 thứ tiếng nói trên. Về tôn chỉ thì 3 phái ấy đều giống nhau, nhưng sự thực hành có khác nhau đôi chút, như tỳ khưu, sa di trong phái Siam Nikaya thì cạo lông mi, còn hai phái kia thì để tự nhiên. Phái Ramañña thì không dùng dù mà chỉ lấy lá buôn xòe lớn ra như cây quạt để che nắng, còn phái Amarapura thì đi đầu trần, phái sau này thực hành Kinh Luật đúng đắn hơn mấy phái khác, Đại đức Narada cũng thuộc về phái ấy.

Chùa chiền.

Tại Colombo có ngôi chùa tên là A Dục tự (Asokārāma) kiến trúc cực kỳ xinh đẹp, tốn hơn 1 triệu rupies, bên trong lót toàn bằng đá cẩm thạch, có kim thân của 28 vị Phật tổ quá khứ và hình các Chư Thiên, Phạm Thiên, đục nổi trên mặt tường trông rất mỹ thuật.

Theo cổ truyền sau khi Phật tịch diệt được 218 năm, vua A Dục có cho hai người con là đức Mahinda và công nương Sanghamitta đem Phật giáo qua truyền bá trong đảo Tích Lan. Từ Ấn Độ hai vị ấy có mang theo một nhánh cây Bồ đề được trồng lần đầu tiên tại Anuradhapura mà hiện nay vẫn còn tàng lá sum suê. Về các ngọc Xá lợi thì được chia sớt trong khắp xứ Tích Lan cho dân chúng tạo bảo tháp thờ phụng, hiện nay còn có nhiều bảo tháp ấy, có cái bị sụp đổ vì lâu đời, có cái được tu bổ nên còn nguyên vẹn.

Tại tỉnh Anuradhapura có tháp Maha Cetiya cao đến 60 thước tây, chu vi chừng 300 thước được vô số người tới chiêm bái ngày đêm không ngớt, nhiều nhứt là mấy hôm rằm hoặc 30.

Tại Seruvela thuộc tỉnh Tricomale có một bảo tháp thờ xương trán Đức Thế Tôn rất nguy nga đồ sộ.

Tại Mahintale cũng có nhiều bảo tháp và trái núi mà trước kia đức Mahinda đã bay đến phóng hào quang ra sáng lòa trong xứ, cái động đá của Ngài ngự tham thiền hiện nay vẫn còn.

Trong tỉnh Hatton có trái núi Siri Pada cao hơn 2.000 thước, sử truyền rằng khi Đức Phật Thích Ca bay qua Tích Lan lần thứ nhì, Ngài có để lại trên chót núi ấy một cái dấu chơn mà hiện nay người bổn xứ hay tới chiêm bái, núi này cao nhứt trong đảo Tích Lan. Lúc Đức Phật qua Tích Lan đầu tiên tại xứ Mahinyangama có cho đức vua mấy sợi tóc để tạo tháp phụng thờ, bây giờ tháp ấy đã hư sụp và chính phủ Tích Lan đang định tu bổ lại.

Cách tỉnh thành Kandy độ 15 cây số có trái núi Aloka Vihara rất đẹp đẽ và là chỗ Đại đức Buddhagosā đã hội tất cả chư tăng trong đảo Tích Lan để kết tập Tam Tạng lần thứ tư theo yêu cầu của vua Devanampa Tissa, chính trong kỳ này Kinh Luật Pāli được chép ra bằng chữ Tích Lan lần thứ nhứt sau khi Phật nhập diệt hơn 900 năm. Tại Kandy ở giữa xứ Tích Lan có đền thờ răng nhọn của Đức Phật tổ, đền thờ ấy trước kia là một đền vua được dâng vào Tam bảo sau lúc ngài thăng hà. Mỗi năm tới tháng 7 thì có cử hành cuộc lễ Perahara, kiệu răng nhọn ra khỏi đền cho người chiêm bái. Cuộc lễ vô cùng long trọng có cả 60 thớt voi mang đồ trang sức quý giá, sau mỗi cặp voi có 10 người đánh trống, thổi kèn và cầm đuốc đi theo, con tượng sau cùng mang một cái bành đặc biệt hơn các con khác, trên bành có để tháp đựng răng nhọn. Cuộc lễ dàn ra hơn một cây số rưỡi, hàng vạn người từ các nơi hội đến nghinh lễ, mỗi người đều cầm hoa đi theo hàng ngũ một cách cung kính.

Đền thờ Xá lợi.

Đền này ở trong đền thành vua trước kia, cất làm hai tầng. Tầng trên là chỗ thờ Xá lợi, mỗi ngày chia ra làm 4 thời cho dân chúng vào chiêm bái bảo tháp chớ không được xem Xá lợi, vì phải có nhiều chìa khóa mới mở tới bên trong. Sớm mai từ 5 tới 6 giờ, trưa từ 10 tới 11 giờ, chiều từ 2 tới 3 giờ và tối từ 7 tới 8 giờ. Người đi lễ mang theo bông hoa khi vào trước điện thì quỳ xuống dâng bông cho vị thượng tọa rồi đảnh lễ lui ra một phía nhường chỗ cho vô số người khác vào chiêm bái, trong lúc hành lễ đều có kèn trống giúp thêm vẻ trang nghiêm long trọng.

Đức Xá lợi được giữ rất cẩn thận và cơ hội để cho người xem không có nhứt định trước, trong một hoặc hai năm không chừng, chỉ khi nào có các thương khách ngoại quốc hoặc do lời yêu cầu của quần chúng thì mới có lịnh mở tháp cho xem. Tin khai tháp được loan trên mặt báo 3 ngày trước, rồi mỗi ngày Xá lợi được thỉnh ra giữa giảng đường cho người xem. Phải có 90 cái chìa khóa do nhiều vị Đại đức giữ, khi hội đủ các ngài mới có thể mở tới Xá lợi để trong nhiều ngăn nắp rất kiên cố. Đầu tiên phải mở 3 vòng cửa mới tới chỗ để tháp Xá lợi, tháp cao độ 1 thước rưỡi Tây an vị trong cái cũi bằng đồng. Muốn mở cũi phải cần đến 2 cái chìa khóa thật to do 2 vị bác sĩ cất giữ, kế đó một vị thượng tọa đem lại một cái chìa khác đặng mở nắp tháp. Tháp làm bằng đồng pha vàng màu lóng lánh vô cùng đẹp đẽ, bên trong có vô số bửu vật do tín đồ thập phương cúng dường Xá lợi. Xong lại có hai vị thượng tọa khác đem chìa đến mở thêm hai ngăn tháp nữa cũng chứa đầy ngọc ngà châu báu, sau rốt một vị thượng tọa khác đến mở nắp tháp cuối cùng mới tới đức Xá lợi. Răng nhọn dài độ ba phân rưỡi hoặc bốn phân tây hơi cong một chút, to bằng cỡ ngón tay út màu lóng lánh như vàng hoặc như ngà voi đã lên nước, vì tôi là nhà sư ngoại quốc nên được hân hạnh đứng gần xem rõ.

Khi mở ngăn tháp sau cùng thì chư tăng và những người có phận sự đều đứng cung kính yên lặng chiêm ngưỡng về ấn đức của Phật, công chúng không được đến gần. Xong việc vị thượng tọa cao hạ nhứt mới thỉnh Xá lợi để qua một tháp nhỏ lộng kiếng rồi mới để ra giữa giảng đường cho ai nấy cùng xem, mỗi lần xem có hàng vạn người nên Chánh phủ phải phái cảnh sát đến giữ trật tự. Mỗi nhóm người vào chiêm bái chỉ được vài phút rồi phải lui ra nhường chỗ cho nhóm khác, nhiều lúc hết giờ mà người xem còn sót lại rất đông nên phải hoãn lại 4, 5 hôm đặng làm vừa lòng hàng tứ chúng.

Cách tỉnh thành Kandy chừng hai cây số có một tịnh thất của hai nhà sư người Đức ở tu pháp thiền định. Một ngài lấy danh hiệu là Ñānnatiloka tu đã lâu năm và có nhiều thanh danh trên thế giới, nhiều tác phẩm về Phật giáo Nam Tông do ngài soạn ra bằng tiếng Đức và được phiên dịch ra tiếng Anh và Pháp.

Tại Dodanduvva thuộc tỉnh Galles, Đại đức Ñānnatiloka có sáng tạo một chỗ tham thiền trên cù lao rất thanh tịnh dành riêng cho các nhà sư ngoại quốc đến hành đạo, hiện đã có một vị người Hòa Lan, một vị người Tiệp Khắc và một vị người Anh.

Đi vòng quanh Tích Lan.

Lúc nghỉ học và nhân dịp có phái đoàn chư tăng đi chiêm bái các nơi Phật tích trong toàn xứ Tích Lan, tôi cũng xin nhập đoàn đặng đi xem xét khảo cứu tường tận những cổ tích. Cuộc hành trình phải cần lối 20 ngày và tốn phí ngót 100 rupies (chừng 500 đồng bạc ta).

Theo phong tục người bổn xứ sự đi chiêm bái các thánh địa đem lại rất nhiều hạnh phúc, vì đó hễ lúc nào đường giao thông thuận tiện thì họ họp lại từng đoàn mướn xe, sắp đặt vật thực, lũ lượt kéo nhau lên đường. Đi tới chỗ nào có suối nước bóng cây thì họ mới dừng lại nấu nướng ăn uống rồi tiếp tục đi nữa cho tới khi viếng đủ các nơi Phật tích.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app