Cuộc họp hàng năm tại Dhamma Giri, Ấn Độ

Diễn văn khai mạc, ngày 2 tháng 3, 1990

Dâng Hiến Dhamma

Những người hành thiền Dhamma trên thế giới,

Một lần nữa các con lại tề tựu nơi đây để xem xét làm thế nào để các con có thể giúp Dhamma được lan truyền, làm thế nào các con có thể giúp những người khổ đau trên khắp thế giới được tiếp xúc với Dhamma, để họ có thể thoát khỏi khổ đau. Đây là một chủ ý Dhamma tuyệt vời.

Bất cứ ai đã thực sự nếm được hương vị Dhamma biết rằng hương vị này rất tuyệt vời. thế giới bên ngoài, khi con nếm được những gì ngon, các con cảm thấy muốn san sẻ với bạn bè và gia đình. Đây là điều tự nhiên. Nhưng không có gì hơn được hương vị Dhamma – Dhammarasam sabbarasam jināti – và một ai đã thực sự nếm được hương vị Dhamma sẽ bắt đầu cảm thấy ehi-passiko. Ồ nó thật tuyệt vời! Mọi người phải nếm được hương vị này! Cho dù cảm nghĩ về ehi-passiko có bắt đầu phát triển trong tâm hay không, nó cũng là thước đo để đo sự tiến bộ trong Dhamma.

Giả sử cảm nghĩ này xuất hiện và ta muốn càng ngày càng có nhiều người nếm được Dhamma, nhưng nếu ta không phát triển một cách đúng đắn trong Dhamma, rất có thể ta sẽ vấp phải lỗi lầm. Ta có thể nghĩ, “Tôi mong muốn có thêm nhiều nguời đến với con đường Dhamma, chắc chắn là như vậy, nhưng chức vụ của tôi là gì?” Hoặc là một người thật sự không đúng đắn có thể bắt đầu tính xem mình sẽ nhận được bao nhiêu tiền, “Chắn chắn tôi sẽ giúp mọi người thực hành Dhamma, nhưng tôi phải nhận được bao nhiêu tiền vì tôi đã hiến tặng thì giờ và cuộc đời của tôi.” hay người nào đó có thể không tìm kiếm chức vụ hay tiền bạc nhưng trong thâm tâm có nhiều thèm muốn rằng nguời khác phải biết ơn sự phục vụ của mình, “Họ phải biết ơn tôi, cúi lạy tôi và tôn kính tôi.” Những người này đã không hiểu Dhamma. Họ không xứng đáng để phục vụ người khác bởi vì trong thâm tâm, mục đích của họ chỉ để phục vụ chính họ.

Thầy nhớ một trong những người bạn Dhamma theo đạo Hồi tại trung tâm của Sayagyi. Ông ta là phó giáo sư hay giáo sư tại trường Đại học Rangoon. Sau khi đã ngồi vài khóa, một chủ ý nảy sinh, “Tôi phải phục vụ. Nhưng tôi nên phục vụ như thế nào để bản ngã của tôi không thể hiện, nếu bản ngã của tôi tăng trưởng, sự phục vụ sẽ không phải là phục vụ nữa.” Trong nhiều ngày chúng tôi mới biết là ông ta đã làm gì. Ông ta tới khóa thiền buổi chiều – ông ta không tham dự khóa thiền – và khi thiền sinh đi ngủ, ông ta cũng ngủ ở đâu đó. Và rồi khoảng 22h30, ông ta thức dậy, lấy một xô nước và một cái chổi, đi tới toilet và cọ rửa khoảng một hay hai giờ. Sau đó ông ta đi ngủ. Ông không muốn ai biết sự phục vụ của mình.

Đây là những việc mà người khác không thích làm, nhưng Sayagi không cho phép những người không hành thiền đến làm các việc đó. Và vị giáo sư cảm thấy rằng, “Tôi là người thích hợp, tôi nên làm điều đó.” Đây là tinh thần phục vụ, ông ta không trông đợi được đền đáp cho dù chỉ muốn người khác biết ơn sự phục vụ của mình. Đây là sự tinh khiết của việc phục vụ Dhamma. Mỗi người phải tự xem xét mình, “Khi sự nhiệt tình phục vụ nảy sinh trong tâm, nó có bị nhuốm màu bởi sự ích kỉ không? Tôi có muốn điều gì không?” Khi điều này mất đi, các con có thể phục vụ ở bất cứ nơi nào đang cần. Nếu tôi được yêu cầu chùi nhà vệ sinh, tôi sẽ làm điều đó. Nếu tôi được yêu cầu đứng ở cổng để gác cổng, tôi sẽ là người gác cổng. Nếu ngày mai tôi được yêu cầu ngồi trên ghế Dhamma và dạy Dhamma, tôi sẽ làm điều đó. Tôi ở đây chỉ để phục vụ, nếu đó là ý nghĩ của các con, các con xứng đáng để phục vụ.

Đối với sư phụ của thầy, thỉnh thoảng có người hiến tặng một cách hào phóng, “Thưa ngài, con sẽ xây một căn nhà ở đây để mọi người có thể ở một cách thoải mái. Đây là sự hiến tặng của con cho trung tâm. Hãy để những người khác đến và dùng nó, nhưng bất cứ khi nào con hay người trong gia đình con tới, nó phải được dành riêng cho chúng con.” Và Sayagyi là Sayagyi, ngài quát lên, “Đồ khùng, hãy học Dhamma! Chúng tôi không nhận sự hiến tặng của những người chưa biết Dhamma. Ta không muốn nhận sự hiến tặng của những người học Dhamma mà không hiểu Dhamma.”

Đây là một truyền thống lành mạnh và tinh khiết. Chỉ riêng sự tinh khiết này sẽ giúp Dhamma có nhiều sức mạnh, và Dhamma tinh khiết này sẽ phục vụ mọi người một cách đúng đắn. Nếu Dhamma trở nên suy đồi và một người giàu có muốn mua và chi phối Dhamma, nó sẽ trở thành một món hàng như ở chợ. Làm sao Dhamma có thể giúp người ta được? Do đó mọi người, bây giờ và trong tương lai, những người có trách nhiệm điều hành những trung tâm Dhamma, ở đây cũng như ở khắp thế giới, hãy luôn nhớ tới sự tinh khiết của Dhamma. Hãy cam kết rằng các con không cho phép sự tinh khiết của Dhamma bị ô nhiễm hay hư hỏng.

Nếu những phòng ốc không được rộng rãi, cũng không thành vấn đề. Nếu ít người tới những trung tâm Dhamma như thế, Dhamma sẽ được trao truyền một cách đúng đắn. Nếu có ai nghĩ rằng “Bằng Dana của tôi những người khác sẽ nhận được lợi lạc,” người dó cảm thấy vui mừng khi thấy người khác vui mừng. Đây là phần thưởng lớn nhất mà ta có thể nhận được từ sự hiến tặng và phục vụ. Nếu có người không hiểu Dhamma theo cách này thì tốt hơn không nên nhận sự hiến tặng của người này mặc dù người đó đã ngồi nhiều khóa thiền. Điều lệ này không những chỉ dành cho ban quản trị hiện tại, thiền sư phụ tá hiện tại, mà còn cho các thế hệ mai sau.

Vì khùng điên có người sẽ nói, “Được, Vipassana thật tuyệt vời. Nhưng sự thực tập này cũng tốt tại sao không thêm nó vào?” Hoặc có người sẽ nói, “Ồ cái này thật tuyệt vời! Nhưng sao không thêm một chút về tín ngưỡng của chúng tôi? Thêm điều này vào và quý vị sẽ thấy một số đông người từ cộng đồng của tôi sẽ tới.” Không được! Nếu Dhamma trở thành ô nhiễm, nó sẽ không giúp được mọi người. Thêm bất cứ cái gì vào chắc chắn phương pháp sẽ bị ô nhiễm. Sayagyi thường nói rằng nếu các con bắt đầu bất cứ một hoạt động nào khác tại một trung tâm Dhamma, Mara rất là quỷ quyệt và bắt đầu vỗ tay, “Chà, tuyệt quá! Điều này rất tốt! Hãy xem, cũng cần phải thêm yoga asanas vào đây, tuyệt vời! Và cũng nên thêm vào cách chữa trị thiên nhiên, ồ tuyệt vời!” Mara sẽ lôi cuốn tất cả sự chú tâm vào các hoạt động phụ này và Vipassana sẽ đi vào hậu trường. Điều này chắc chắn sẽ xảy ra.

Quốc gia này, nơi phương pháp tuyệt vời này khởi nguồn, đã đánh mất nó trong vòng năm trăm năm bởi vì những người khùng điên bắt đầu thêm nhiều thứ khác vào đó. Nó trở nên ô nhiễm, bất tịnh, và sự hữu hiệu của nó bị suy giảm và dần dần nó biến mất. Nó cũng mất đi theo cùng một kiểu cách tại những quốc gia khác.

Chúng ta rất may mắn, một nước láng giềng đã bảo tồn nó trong sự tinh nguyên từ thế hệ này sang thế hệ khác; đó là lí do tại sao chúng ta nhận được nó. Chúng ta có trách nhiệm để bảo đảm nó sẽ được duy trì cho thế hệ mai sau trong cùng một sự tinh khiết như vậy. Mọi người nên nghĩ, “Tôi nhận được nó trong sự tinh nguyên, và tôi sẽ trao truyền nó cho thế hệ kế tiếp trong sự tinh nguyên ấy.” Bằng cách này, nó sẽ tiếp tục giúp người khác thoát khỏi khổ đau ít ra là trong vài thế kỷ.

Ta cũng nên tự xem xét mình: “Có phải địa vị trong quá khứ vẫn còn rất quan trọng hay không? Bạn muốn phục vụ Dhamma và vẫn nói, “Tôi thuộc về truyền thống đặc biệt này và truyền thống này là nhất”; Nếu như thế các con đã không tuân phục Dhamma, trái lại suy nghĩ phải nên là ekāyano maggo, “Tôi tin tưởng rằng đây là con đường duy nhất để loại trừ những bất tịnh nằm sâu trong tâm, Trừ khi những phức cảm và những sự bất tịnh tiềm ẩn này được loại khỏi tâm, tôi sẽ không bao giờ được giải thoát. Không ai có thể giải thoát được. Đây là con đường và là con đường duy nhất.” Chỉ khi nào các con có sự tin tưởng này, các con mới nên tình nguyện để phục vụ Dhamma trong bất cứ vị trí nào.

Các con là người tốt nhất để tự xét mình. Nếu các con đã có ước nguyện rằng Dhamma phải được lan truyền, rằng càng ngày càng có nhiều người đau khổ sẽ có lợi lạc từ Dhamma, hãy giữ chủ ý này. Nhưng không nên nhận một chức vụ quan trọng nào nếu các con vẫn bị ràng buộc vào những truyền thống cũ hay đức tin hay giáo điều. Đừng nhận bất cứ trách nhiệm nào, hãy đợi một thời gian.

Thầy biết rất nhiều người trong các con đã có chủ ý đó. Các con có thể có công đức trong việc phục vụ những người đau khổ khắp thể giới bằng nhiều cách khác nhau. Đối với những người có chủ ý như thế nhưng chưa được vững mạnh lắm, hãy làm cho các con vững mạnh trong Dhamma. Khi các con tự làm chính mình vững mạnh trong Dhamma, các con đang làm điều đó cho chính mình, chứ không phải cho Thầy, cho Đức Phật hay cho bất kì ai khác. Đó là bởi vì sự lợi lạc của chính mình và sự tốt lành của chính mình.

Sayagyi thường nói với những thiền sinh của ngài, những người có thể nhập niết bàn bất cứ lúc nào: “Các con đã có sự hiến tặng lớn nhất cho trung tâm này, những rung động tuyệt vời liên quan đến những trải nghiệm về niết bàn.” Bởi vậy, nếu các con phục vụ không ở trong bất cứ một chức vụ nào, và chỉ là một thiền sinh, thì nên chỉ hành thiền. Dù các con có đạt tới giai đoạn niết bàn hay không cũng không thành vấn đề. Bất cứ sự tinh khiết nào các con tạo ra sẽ lan truyền và bầu không khí sẽ tràn đầy những rung động tinh khiết. Điều đó sẽ là sự hiến tặng lớn nhất. Một người có thể hiến tặng hàng triệu đồng nhưng không tạo ra những rung động tốt lành và một người khác có thể tạo ra rung động tốt nhưng không hiến tặng tài vật; sự hiến tặng những rung động tốt lành quan trọng hơn rất nhiều.

Và rồi các con có thể phục vụ trong bất cứ chức vụ nào, không cần thiết phải trở thành một thiền sư, một thiền sư phụ tá, một thủ quỹ, một chủ tịch, một tổng thư kí, một thành viên ban điều hành – hãy hành thiền. Hãy hành thiền vì sự tốt lành của chính các con và vì sự tốt lành của người khác. Hãy tạo ra những rung động tốt vì sự tốt lành cho chính mình và cho những người khác.

Nguyện cho tất cả các con, từ bất cứ quốc gia nào, cộng đồng nào, giai cấp nào, phát triển trong Dhamma. Các con có một cơ hội tuyệt vời bây giờ vì các con đã tiếp xúc với Dhamma. Hãy phát triển trong Dhamma! Thoát khỏi khổ đau và là một gương sáng cho người khác để họ được tiếp xúc với Dhamma, để thoát khỏi khổ đau và ràng buộc.

Nguyện cho tất cả các con được hạnh phúc thật sự. Nguyện cho tất cả những người khác cũng được hạnh phúc thật sự. Nguyện cho tất cả các con được bình yên thật sự. Nguyện cho tất cả những người khác được bình yên thật sự. Nguyện cho các con được giải thoát. Nguyện cho tất cả những người khác cũng được giải thoát.

Bhavatu sabba mangalam.

Bài viết được trích từ cuốn Vì Lợi Ích Của Nhiều NgườiThiền Sư S.N. Goenka. Quý vị có thể tải cuốn sách PDF bản tiếng Việt tại đây, và PDF bản tiếng Anh tại đây.

AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN VÌ LỢI ÍCH CỦA NHIỀU NGƯỜI

* Các Bài Viết Này Được Trích Từ Cuốn Vì Lợi Ích Của Nhiều Người - Thiền Sư S.N. Goenka. Phương Pháp Thiền Vipassana Này Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app