Dhamma Giri, Ấn Độ, Ngày 4 tháng 3 năm 1989

Diễn văn bế mạc.

Dhamma sẽ lan truyền như thế nào?

Các con trai và con gái Dhamma thân mến của thầy,

Đã gần hai mươi năm từ khi trách nhiệm lớn lao được người cha Dhamma, Sayagyi U Ba Khin, đặt trên vai thầy. Khi xét lại công việc Dhamma-dūta (truyền bá Dhamma) Thầy rất ngạc nhiên khi nhìn thấy thành quả của Dhamma, thấy được cách Dhamma đang phát triển. Hai mươi năm trước, phương pháp này còn mới mẻ tại quốc gia này vì Thầy là một người vô danh. Hiện nay hàng ngàn người đã bắt đầu tới để tham dự những khóa thiền.

Nhưng điều tuyệt diệu lớn hơn là cách những người phục vụ Dhamma đã bắt đầu phục vụ. Họ gặp nhiều khó khăn để giúp người khác học được Vipassana. Ở những nơi không phải là trung tâm, không đầy đủ tiện nghi, những người phục vụ phải đối diện với rất nhiều điều bất tiện. Tuy vậy, họ phục vụ vô vị lợi như thế với rất nhiều tình thương và lòng trắc ẩn.

Khi những trung tâm bắt đầu được xây dựng, có vẻ như những cơ sở sẽ giúp cho việc quản lý được dễ dàng hơn, nhưng bây giờ những khó khăn lại thuộc về những lãnh vực khác. Những cơ sở mới tiếp tục mọc lên và những gì đã xây dựng cần phải được sửa chữa và bảo trì.

Cho dù là một người phục vụ Dhamma hay là một thiền sư phụ tá, tất cả đều là những người có gia đình và mỗi người đều có những trách nhiệm đối với gia đình và có nghề nghiệp mưu sinh. Tuy thế họ dành rất nhiều thì giờ và gặp rất nhiều khó khăn. Thật không thể tin được! Thậm chí không có ai nghĩ đến chuyện có được tiền tài, họ tự rèn luyện để hiểu rằng, trách nhiệm giao phó cho họ thực ra là giao phó cho Dhamma và họ đơn giản chỉ là người đại diện cho Dhamma.

Mặc cho tất cả những điều khó khăn này, những người phục vụ vẫn rất hoan hỉ, “Hãy nhìn xem, có rất nhiều người đang nhận được Dhamma!” Ngoài sự hoan hỉ, họ nhận được những gì khác? Người thầy thụ nhận được từ vị cha Dhamma một kỷ luật nghiêm ngặt và đôi khi nói nặng lời. Những người phục vụ đã phục vụ vô vị lợi và đổi lại thì họ bị khiển trách: “Các con làm như thế này à? Các con là những người vô dụng! Tại sao các con làm như thế?” Đây là những gì họ nhận được từ vị cha Dhamma và từ những người khác! Không có ai biết ơn vì sự phục vụ của họ.

Thật dễ dàng để ai đó nói rằng: “Hãy quên những điều này đi! Hãy để cho vị thầy đó làm việc một mình, tại sao ta phải phí thì giờ ở đây? Và tất cả những người vô ơn này, tại sao tôi phải phí thì giờ với họ?” Nhưng không, họ vẫn tiếp tục bất chấp mọi sự chỉ trích.

Có một lý do tốt đằng sau nó. Không biết bao nhiêu kiếp trong quá khứ chúng ta đã thực hiện những công việc đầy công đức cùng nhau. Cùng nhau gặt hái công đức sẽ mang mọi người đến với nhau trong kiếp sống tương lai, và một lần nữa cùng thực hành những công việc đầy công đức. Hoặc là, trong nhiều kiếp sống trong quá khứ chắc hẳn chúng ta đã cùng nhau hành thiền, và điều này khiến chúng ta lại gặp nhau để hành thiền chung lần nữa.

Như vậy, không phải ai đó chỉ mới nhận được Dhamma trong một khóa thiền mười ngày mà đã biết ơn Dhamma nhiều đến nỗi người này cảm thấy muốn phục vụ. Ồ, không đâu! Dĩ nhiên đó là một lý do trực tiếp, nhưng lý do lớn hơn là những công việc mà chúng ta đã làm cùng nhau trong những kiếp sống khác. Đã nếm được hương vị Dhamma bằng cách này hay cách khác trong quá khứ, người này cảm thấy, “Nguyện cho càng ngày càng có nhiều người tiếp xúc với Dhamma và thoát khỏi khổ đau.”

Trong suốt rất nhiều kiếp ta đã hiểu được rằng sabbadānam dhammadānam jināti – cống hiến Dhamma là sự cống hiến cao quý nhất – và điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn qua mỗi lần ta phục vụ. Chúng ta có thể làm việc tích cực và hiến tặng hàng triệu đồng để xây dựng những cơ sở khác nhau cho người khác, điều này tốt, bởi vì họ hưởng được lợi lạc, đừng ngưng những việc này. Nhưng khi so sánh với sự cống hiến Dhamma, ta thấy rằng không có gì sánh bằng.

Thăng trầm chắc chắn sẽ tới trong cuộc sống, và nếu ai đó có thể tươi cười đối mặt với những điều này, ồ, đó là món quà quí giá nhất mà ta có thể trao tặng cho những người khác. Món quà Dhamma này không phải chỉ có một mình thiền sư hay thiền sư phụ tá làm được mà do tất cả những người phục vụ.

Mặc dù những công việc đã thực hiện trong hai mươi năm qua làm thầy rất hài lòng nhưng vẫn còn nhiều việc khác cần được làm. Khi có quá nhiều đau khổ, Dhamma phải được nảy sinh. Khi có quá nhiều bóng tối, ánh sáng được cần tới, Dhamma được cần tới.

Thầy thấy sự sáng lạn trong tương lai. Không chỉ bởi những người trong hiện tại phục vụ một cách vô vị lợi, mà còn bởi những người với parami tốt trong quá khứ sẽ nhận lấy trách nhiệm, và bánh xe Dhamma sẽ tiếp tục luân chuyển trong nhiều thế hệ

Có một sự nguy hiểm trong việc luân chuyển bánh xe Dhamma nếu người ta biến nó thành một kế sinh nhai. Làm sao điều này có thể là Dhamma được? Các con trông đợi được đền đáp bằng cái gì đó. Sự nguy hiểm cũng hiện hữu nếu những người điên khùng phục vụ, những người chỉ thèm muốn một quyền lợi, một địa vị, một chức vụ. Và rồi Dhamma sẽ không còn là Dhamma nữa bởi vì đã không có sự tinh khiết trong đó. Một sự nguy hiểm khác là người nào đó sẽ thêm điều gì đó vào Dhamma chỉ để làm hài lòng một nhóm người hay một tông phái nào đó. Khi một người vô minh bắt đầu làm thế, nó sẽ gây ra một sự nguy hiểm lớn cho sự luân chuyển của bánh xe Dhamma. Không có gì cần thêm vào, không có gì cần lấy ra, Dhamma tuyệt đối là tinh khiết, tuyệt đối hoàn hảo – kevalam paripunnam, kevalam parisuddham.

Những người phục vụ Dhamma nên nhớ rằng, Dhamma đã được lan truyền không phải bởi vì họ, mà bởi vì thời điểm để Dhamma được lan truyền đã tới. Họ chỉ là những cỗ xe, và nên cảm thấy hài lòng được làm cỗ xe. Bởi vì nhờ sự phục vụ này họ sẽ có được những Parami tuyệt vời, panna tuyệt diệu và sẽ phát triển trong sự hành thiền của chính họ. Đây không phải là điều dễ dàng có được.

Một số lớn những người đang đau khổ có những sankhara bất thiện tích lũy trong quá khứ mang lại quá nhiều đau khổ cho họ. Nhưng cũng có những người có những sankhara thiện lành, và bây giờ thời điểm đã tới để những thành quả của những sankhara tốt lành sẽ hiện diện bằng Dhamma. Thế thì thầy và các con là ai mà cho họ Dhamma? Họ nhận được Dhamma là bởi vì những Karma tốt lành trong quá khứ. Chúng ta chỉ là những cỗ xe, chỉ vậy thôi.

Thầy luôn kể một câu chuyện về một con chó nhỏ đi dưới một cái xe bò và nghĩ rằng “Ta đang mang vác toàn bộ sức nặng của cái xe. Người chủ xe chú trọng quá nhiều đến hai con bò, nhưng chúng chỉ mang vác cái càng xe trên vai thôi. Trên vai tôi là sức nặng của toàn bộ cái xe.” Một con chó điên khùng.

Không người phục vụ Dhamma nào nên nghĩ như con chó đó. Họ nên cảm thấy rằng “Đó là Dhamma đang vận hành và ta có một chỗ nương tựa tuyệt diệu, ta đang ở trong bóng mát của Dhamma. Tốt quá!”

Hãy luôn nhớ đến một câu này của Khabi – một thánh nhân vĩ đại của quốc gia này, Khabi nói rằng: “Ta đang ở đây để kêu gọi quý vị, nhưng ta có một cái búa ở trong tay. Chỉ những người sẵn sàng chặt bỏ đầu mình, ném vào thùng rác mới xứng đáng để theo ta.” Đây là điều kiện tiên quyết: Hãy cắt bỏ đầu mình, cắt bỏ tất cả ngã mạn và tới. Tuy nhiên thật là tuyệt diệu cho các con và cho tất cả những người khác, những người đang thực hành Dhamma. Và Thầy chắc rằng không phải chỉ bây giờ mà cả những thế hệ mai sau sẽ có những người đến, những người đã chặt bỏ đầu của họ, những người sẽ phục vụ không phải vì ngã mạn. Khi đó Dhamma sẽ giữ được sự tinh khiết. Thầy chắc rằng một số lớn người sẽ hưởng được lợi lạc, những người phục vụ và những người được phục vụ. Dhamma làm việc theo hai cách: nó tốt cho các con và tốt cho những người khác, lợi lạc cho các con và lợi lạc cho người khác.

Nguyện cho Dhamma không ngừng tăng trưởng. Hưởng được Dhamma bằng cách tăng trưởng trong Dhamma, dưới sự che chở của Dhamma. Nguyện cho Dhamma tăng trưởng để càng ngày càng có nhiều người đau khổ trên thế giới được tăng trưởng dưới sự che chở của Dhamma và thoát khỏi khổ đau. Nguyện cho Dhamma được lan truyền vì lợi ích của nhiều người và vì sự giải thoát của nhiều người.

Bhavatu sabba mangalam Nguyện cho mọi người được hạnh phúc.

Bài viết được trích từ cuốn Vì Lợi Ích Của Nhiều NgườiThiền Sư S.N. Goenka. Quý vị có thể tải cuốn sách PDF bản tiếng Việt tại đây, và PDF bản tiếng Anh tại đây.

AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN VÌ LỢI ÍCH CỦA NHIỀU NGƯỜI

* Các Bài Viết Này Được Trích Từ Cuốn Vì Lợi Ích Của Nhiều Người - Thiền Sư S.N. Goenka. Phương Pháp Thiền Vipassana Này Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app