Câu hỏi: Con là một sinh viên, con tới đây để học thiền Vipassana. Khi trở về, thầy giáo của con nói, “Con còn quá trẻ để thiền.” Con phải làm gì trong hoàn cảnh này?

Trả lời: Không phải lỗi của con. Thầy giáo của con đã không hiểu. Có một nhận định sai lầm ở quốc gia này là những việc như hành thiền nên được làm vào phần thứ tư hay cuối cuộc đời. Đây là điều sai lầm. Lúc đó cơ thể trở nên yếu đuối, tâm trí cũng trở nên yếu đuối, khó mà thực tập được đúng đắn. Thực ra, tuổi của con tập thiền là tốt nhất, vì nó là một nghệ thuật sống. Rồi suốt cả cuộc đời, sự hành thiền này sẽ trở nên hữu ích. Vậy cứ tiếp tục hành thiền bất kể những gì mà thầy giáo của con nói, đừng lo lắng.

Câu hỏi: Nhiều khi cần thiết phải có những hành động mạnh. Nhưng như thầy đã nói, điều này phải được làm với mettā và lòng từ bi. Trong những trường hợp như thế nếu mettā và lòng từ bi không có thì ta có nên hành động không? Nếu không, những người sai quấy sẽ được khuyến khích. Phải nên làm gì trong trường hợp này?

Trả lời: Không bao giờ nên khuyến khích những bất công. Ta nên chống lại bất công, nhưng với nền tảng của mettā và kuruņā (từ tâm). Nếu các con chống lại một người nào đó mà không dựa trên nền tảng này, đừng biện hộ. Hãy hiểu rằng, đây là khuyết điểm của các con. Và lần tới những điều như vậy xảy ra, các con nên cố tạo mettā và kuruņā, và chống lại sự bất công với nền tảng này. Nếu các con tiếp tục tự bào chữa những lỗi lầm của mình, các con khó mà sửa sai được.

Câu hỏi: Định nghĩa của tội lỗi là gì?

Trả lời: Những gì làm ô uế tâm các con là tội lỗi. Một hành động, lời nói, việc làm quấy rầy sự bình an và hài hòa của người khác, làm hại người khác thì sẽ làm ô uế tâm mình trước. Rồi thì sau đó, ta mới có những hành động bất thiện. Tất cả những điều này là hành động tội lỗi.

Câu hỏi: Hầu hết những tài liệu Dhamma do Viện nghiên cứu Vipassana xuất bản đều bằng tiếng Anh. Xin thầy vui lòng chú trọng tới tiếng Ấn. Đức Phật đã giảng giáo huấn của ngài bằng tiếng địa phương. Quan điểm của con là tất cả những tài liệu phải được in bằng tiếng Ấn. Chính sách của thầy là như thế nào?

Câu hỏi: Nếu tiếng Ấn là ngôn ngữ của toàn thế giới thì đúng như vậy, chúng ta nên làm việc chỉ với tiếng Ấn. Nhưng đây không phải như vậy. Có rất nhiều người trên thế giới nói tiếng Anh. Đối với họ, các hướng dẫn về hành thiền phải là tiếng Anh. Phân phát tài liệu bằng tiếng Anh không đi ngược lại giáo huấn của Đức Phật. Điều đúng là chúng ta đang làm việc tại quốc gia này, nơi tiếng Ấn là quốc ngữ và có khá nhiều những tài liệu đã được phát hành bằng tiếng Ấn. Chắc chắn là chúng ta mong muốn càng ngày có càng nhiều những học giả Ấn Độ dịch tài liệu đã được phát hành sang tiếng Anh, cũng như viết những thứ căn bản dựa trên giáo huấn của Đức Phật.

Câu hỏi: Đôi lúc, có người muốn hiến tặng đất để làm trung tâm nhưng lại muốn giữ một phần để dùng riêng cho họ. Trong trường hợp đó thì chính sách của chúng ta như thế nào?

Trả lời: Chấp nhận việc thí chủ hiến tặng một phần đất của họ để thành lập trung tâm thiền mà vẫn sống cạnh đó là điều không bao giờ được làm trong tương lai. Chúng ta đã mắc lỗi đó ba lần, và như thế là quá đủ. Mỗi khi có ai đó hiến tặng đất ở cạnh nhà của họ, thì ở tại tầng lớp vô thức sẽ có một ý nghĩ rằng: “Đây là đất mà tôi đã hiến tặng.” Và khi trung tâm phát triển, một khuynh hướng kiểm soát sẽ nảy sinh, điều này đã gây ra nhiều khó khăn. Trong tương lai, dù thầy có ở đây hay không thì những sự hiến tặng như thế sẽ không bao giờ được chấp nhận.

Câu hỏi: Những phẩm chất nào mà thầy cần xét tới trong việc bổ nhiệm một thiền sư phụ tá, một thành viên ban điều hành hay là tín viên?

Trả lời: Đó một danh sách những phẩm chất dài và được thầy giữ bí mật. Tuy nhiên, thầy muốn nói vài điều về những gì sẽ ngăn cản một người trở thành thiền sư phụ tá hay tín viên. Nếu có ai đó nôn nóng để trở thành một thiền sư, một tín viên, một thư ký, tổng thư ký hay một quản lý, nôn nóng để có một chức vụ, địa vị, quyền lực thì một lằn đỏ sẽ được gạch dưới tên của người này. Một người như thế không xứng đáng được phục vụ trong lãnh vực của Dhamma. Nếu ai đó có chủ ý: “Con muốn phục vụ, con sẵn sàng phục vụ trong bất cứ chức vụ nào, nếu con được yêu cầu làm người gác cổng, con sẽ gác cổng. Nếu thầy yêu cầu con chùi bồn cầu, con sẽ chùi bồn cầu.” Nếu người đó làm thế, người đó xứng đáng. Một ngày nào đó người đó sẽ phát triển những phẩm chất khác, một người như thế có thể sẽ đạt tới chức vụ cao nhất. Sự phục vụ Dhamma không phải để phát triển bản ngã, phục vụ là để làm tiêu tan bản ngã.

Câu hỏi: Một số những thiền sư Vipassana ở Phương Tây trong truyền thống khác, cũng như một số nhà tâm lý học Phương Tây nói rằng Vipassana không đủ để đối phó với các khó khăn của cuộc đời và điều trị tâm lý là cần thiết vì nó dạy cho ta cách đối phó với những xúc động đau đớn, giúp có được kinh nghiệm về thiền.

Trả lời: Đây là những gì các thiền sư Vipassana khác nói, đó là vấn đề của họ chứ không phải của chúng ta. Không có một sự so sánh nào giữa cả hai. Vipassana đưa các con tới một tầng lớp sâu như thế, nhân loại đã không có được một nhà điều trị tâm lý nào có thể sánh với Đức Phật. Ngài đã khám phá ra phương pháp đưa ta tới một chiều rất sâu, khiến cho tâm được thanh lọc ở tầng lớp sâu thẳm nhất. Cố gắng thêm điều gì đó vào thường được thực hiện bởi những người không hiểu Vipassana, bởi những người đã không thực hành Vipassana một cách đúng đắn. Vipassana là Dhamma, là kevalam paripuņņam, là hoàn toàn đầy đủ, không có gì phải thêm vào. Nó cũng là kevalam parisuddam, là cực kỳ tinh khiết, không có gì phải lấy ra. Bất cứ sự trộn lẫn nào sẽ rất tai hại.

Câu hỏi: Những gì thực sự xảy ra khi chúng ta thực hành Vipassana và chú tâm tới những bàn tay hay bàn chân, có cái gì đó ra khỏi cơ thể, hay đây chỉ là một ảo tưởng? Tại sao lại dùng bàn tay hay bàn chân trong trường hợp đặc biệt này?

Trả lời: Những bất tịnh sẽ ra khỏi cơ thể, nhưng không phải bởi vì khi các con đi tới bàn tay bàn chân. Chúng ra đi vì sự bình tâm của các con. Các con có các cảm giác và các con có sự bình tâm. Lý do chúng ta yêu cầu mọi người chuyển sự chú tâm tới bàn chân, bàn tay là vì thông thường ở lòng bàn chân, bàn tay ta không cảm thấy cảm giác khó chịu hoặc làm ta mất cân bằng tâm trí. Ở những nơi khác có thể có những loại cảm giác khác nhau, làm cho người nào đó mất thăng bằng tâm trí. Nhưng ở lòng bàn tay, bàn chân, thì chúng ta sẽ cảm thấy hoặc là những cảm giác trung tính, hoặc những cảm giác dễ chịu. Các con thấy đó, khi tâm mỗi lúc một thăng bằng hơn, bởi vì tâm đang ý thức được cảm giác, sự thanh lọc có thể xảy ra. Đây là tất cả những Logic và khoa học ở điểm này.

Câu hỏi: Đối với một người hành thiền Vipassana nghiêm túc, việc sử dụng hình ảnh của Đức Phật sẽ có ảnh hưởng gì? Những chứng cứ khảo cổ cho thấy rằng không có tượng của Đức Phật cho tới khi vài trăm năm sau khi ngài qua đời. Dù như vậy, những truyền thống không có tông phái nhất, đều có dính dáng tới tượng Phật, có những ý nghĩa gì không trong một vài những nghi thức mà các Phật tử cử hành hàng năm bằng cách cúng dường thực phẩm cho những chúng sinh vô hình?

Trả lời: Chúng ta không yêu cầu các con hiến tặng thực phẩm cho chúng sinh vô hình, hay cử hành bất cứ một nghi thức hay nghi lễ trước một tượng Phật. Nhưng tại sao lại có suy nghĩ tiêu cực đối với những người làm như vậy? Hãy để cho họ làm như thế, không có gì sai trái cả. Nếu có ai đảnh lễ tượng Phật, và hiểu rằng họ đang đảnh lễ những phẩm chất của Đức Phật, và cảm hứng để phát triển những phẩm chất này, thì không có gì sai trái cả. Nhưng những điều này không phải là một phần của Vipassana, chúng ta không có điều này trong sự giảng dạy của chúng ta. Do đó, không nên lo lắng.

Câu hỏi: Khi có thiền sinh rung lắc, cử động cơ thể khi hành thiền, những thiền sư phụ thường nói họ chấm dứt việc này. Các thiền sinh thường nêu ra rằng thầy Sayagyi nghĩ là không sao khi một trong những thiền sinh của ngài chồng cây chuối trong thiền thất và lắc mạnh v.v… có thể chấp nhận việc rung lắc cơ thể trong thiền thất nếu họ làm phiền người khác hay là nên bảo họ dừng lại, giống như trong thiền đường?

Trả lời: Nếu ngài Sayagyi nói tiếp tục, thì tiếp tục. Nó phụ thuộc vào thiền sư, nếu vị đó hiểu rằng một thiền sinh nào đó có một khuyết điểm, có một quá khứ nào đó tạo ra những phản ứng dữ dội, nó không đưa người này tới con đường sai lầm, thì vị ấy sẽ đưa ra sự hướng dẫn như thế.

Hãy hiểu rằng, đây là một việc tế nhị. Chỉ một thiền sư rất kinh nghiệm mới có thể có quyết định như thế. Thông thường con đường của Đức Phật là con đường bình an, nếu các con có phản ứng dữ dội ở trong thân mà các con trông đợi đạt được giai đoạn hoàn toàn bình an, điều này làm sao có thể xảy ra được? Như vậy, hãy hạn chế những phản ứng mạnh mẽ này, đó là điều thích hợp để làm. Khi các con đạt tới giai đoạn của Sayagyi U Ba Khin thì các con có thể chọn một thiền sinh và nói, “Được rồi, hãy đứng bằng vai và tiếp tục rung lắc,” còn không thì đừng làm điều gì khác.

Câu hỏi: Vipassana và tâm lý học Phương Tây đều quan tâm tới việc nghiên cứu về tâm và bản tính của con người, những truyền thống này có thể được dùng như là hình thức hỗ trợ khám phá bản thân không?

Trả lời: Hỗ trợ ở một giai đoạn khởi đầu; nhưng khi các con tiến triển, Vipassana sẽ đưa các con tới bề sâu của tâm. Thầy không ở đây để lên án những gì các con đã đạt được ở phương Tây, nhưng riêng đối với tâm lý và tâm lý trị liệu của phương Tây, chúng vẫn là một lớp hời hợt bên ngoài. Ở tầng lớp sâu hơn, bất cứ sự phối hợp nào của chúng đối với Vipassana sẽ tai hại.

Câu hỏi: Khi người nào đó đang trong tình trạng hôn mê bất tỉnh. Những giây phút tâm thanh tịnh có thể nảy sinh không? Hay trong lúc đó tâm hoàn toàn vô minh? Có phải là tất cả mọi người chết sẽ đương nhiên sinh ra ở một cảnh giới thấp hơn không?

Đáp : Thầy không thể trả lời với kinh nghiệm của mình. Nhưng chắc chắn khi có ai đang hôn mê bất tỉnh, các con không thể trông đợi bất cứ một chủ ý thiện lành nào khởi sinh ở trong tâm. Nó ở trong một trạng thái, một giai đoạn vô minh, moha, nhiều hơn. Nhưng điều này không đúng trong mọi trường hợp. Chỉ hai ngày trước đây thầy có tiếp xúc với một trường hợp là một người bị tai biến rất nặng, trong tình trạng hôn mê ở phòng cấp cứu. Người đó có hành thiền Vipassana. Khi mettā được trao truyền cho người ấy đang bất tỉnh, một rung động mạnh đi qua khắp thân người đó, điều đó có nghĩa rằng người đó đã nhận được mettā, sự rung động có ở đó rất mạnh. Ngày hôm sau, khi mettā được trao truyền, người đó thoát khỏi hôn mê và trở nên bán tỉnh thức. Rồi mettā lại được trao truyền, và người đó tương đối thoát ra khỏi tình trạng ấy. Và khi được hỏi: “Hôm qua, khi mettā được trao truyền, bạn có cảm thấy không?” Người đó trả lời: “Không.”

Trong tình trạng hôn mê, có một rào cản giữa một phần của tâm đối với phần kia. Người này đã cảm thấy mettā một cách vô ý thức, vì cơ thể của họ phản ứng đối với những sự rung động. Có một chứng cứ rõ ràng về điều này là người đó bắt đầu phục hồi. Tuy nhiên, khi được hỏi người đó nói rằng người đó không biết gì cả. Bây giờ người đó đã thoát khỏi hôn mê, và có thể cảm thấy mọi thứ, điều này cho thấy rằng bên trong người đó đã có sẵn hạt giống Dhamma, và chúng phản ứng với các rung động Dhamma tốt lành truyền tới.

Chúng ta không thể nói rằng điều này xảy ra trong mọi trường hợp, nhưng có thể có những trường hợp khi người ta hành thiền thuần thục và có thể tiếp nhận hay tạo ra những rung động tốt ở một tầng lớp rất sâu của tâm mặc dù ở bề ngoài, người đó có vẻ như hoàn toàn bất tỉnh. Điều này chắc chắn có thể xảy ra, nhưng đối với thầy nó có vẻ là rất hiếm. Do đó, chúng ta nên cố tránh chết trong hôn mê, bất tỉnh.

Câu hỏi: Xin thầy cho một chỉ định rõ ràng liên quan tới những vấn đề của chim, chó, mèo và chuột ở trung tâm. Hiện nay các thiền sinh đang vuốt ve, cho chúng ăn và đặt tên cho động vật.

Trả lời: Không. Trung tâm Vipassana tuyệt đối không phải nơi để nuôi các chúng sinh này. Không. Chắc chắn chúng ta không muốn ai giết chúng, các con phải có mettā và lòng từ bi với chúng. Nhưng cố gắng đưa chúng ra ngoài. Giữ chúng, cho chúng ăn sẽ đi ngược lại Dhamma. Nó sẽ tạo ra một sự không ổn, tạo ra sự quấy phá.

Câu hỏi: Thầy có thể nói về phương cách để truyền đạt công đức? Nếu một người nhận được công đức mà không có chủ ý làm việc thiện, họ có nhận được công đức không?

Trả lời: Nếu có ai đang khát, các con cho họ nước nhưng người này không đưa tay lên hứng nước, mà cứ để tay lỏng và nước rớt hết thì có thể làm gì được? Phải có chủ ý của người đó để san sẻ công đức. Nếu có người không chấp nhận những công đức này, thì nó là vô nghĩa. Hãy hình dung các con giống như đài phát thanh, và các con ban phát mettā cho ai đó mà đài nhận của người đó không được tốt để nhận, thì tất cả đều hoang phí. Cho dù thế, thì những người ở đài phát hãy cứ phát. Nếu người nhận không nhận được, hoặc không có khả năng nhận, thì đây là vấn đề của họ. Nhưng nếu ai đó có khả năng nhận được thì san sẻ công đức là điều tốt.

Hỏi đáp với Thiền Sư S.N. Goenka – Trích từ cuốn Vì Lợi Ích Cho Nhiều Người

Bài viết được trích từ cuốn Vì Lợi Ích Của Nhiều Người – Thiền Sư S.N. Goenka. Quý vị có thể tải cuốn sách PDF bản tiếng Việt tại đây, và PDF bản tiếng Anh tại đây.

AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN VÌ LỢI ÍCH CỦA NHIỀU NGƯỜI

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

* Các Bài Viết Này Được Trích Từ Cuốn Vì Lợi Ích Của Nhiều Người - Thiền Sư S.N. Goenka. Phương Pháp Thiền Vipassana Này Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app