Cuộc họp hàng năm tại Dhamma Giri, Ấn Độ,

Ngày 2 tháng 2, 1985 – Diễn văn bế mạc.

Vì lợi lạc của nhiều người

Các con trai và con gái Dhamma thân mến của thầy,

Thời điểm lại đến để nhiều người học được Dhamma. Như Sayagyi U Ba Khin thường nói, “Đồng hồ Vipassana đã điểm.” Chúng ta rất may mắn có cơ hội để phát triển Parami của mình bằng cách giúp Dhamma được lan truyền. Dhamma sẽ lan truyền bởi vì chắc chắn sẽ như thế chứ không phải do một nỗ lực của một cá nhân hay nhóm người nào đó. Chúng ta là những phương tiện của Dhamma. Mọi việc đã tiến triển nhanh chóng chừng nào và tất cả là do Dhamma! Dhamma thật vĩ đại, thật hùng mạnh! Dhamma có thể khơi dậy mọi khả năng bên trong con người, từ những người tự ti nhất cho đến những người thiếu năng lực nhất.

Dhamma tìm ra cách để giúp những người mà thời gian đã đủ chín mùi để đạt được giải thoát. Vì thế trong mười lăm năm qua đã có rất nhiều người đã nhận lấy gánh nặng của việc phục vụ người khác bằng cách truyền bá Dhamma. Thật ra, đây không phải là gánh nặng mà là điều may mắn. Theo cách này Dhamma đã được truyền bá vượt qua tất cả sự mong đợi, không chỉ riêng ở Ấn Độ mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Dù chỉ là bước khởi đầu, nhưng là một bước khởi đầu khả quan và đầy khích lệ.

Nhiều lúc có người nói với thầy, “Thật khó có thể tin được rằng chỉ một mình thầy đã làm được nhiều việc như thế trong một thời gian ngắn.” Thầy nói, “Không có gì làm được bởi một người.” Thầy nhớ khóa thiền đầu tiên thầy hướng dẫn như thế nào, người ta đến và tự nguyện để tổ chức, để điều hành và dàn xếp mọi thứ cần thiết. Hết khóa này tới khóa khác, nhiều thiền sinh đã phục vụ một cách vô vị lợi. Mặc dù có nhiều trách nhiệm trong cuộc sống trần tục, họ đã dành thì giờ để phục vụ vì lợi ích của người khác.

Ban quản trị và thiền sư giống như hai bánh của một chiếc xe, như hai cánh của một con chim. Hiển nhiên, nếu không có thiền sư, ban quản trị không thể truyền bá Dhamma được. Ngay cả thiền sư cũng không thể làm việc truyền bá Dhamma nếu không có sự hỗ trợ của những người phục vụ Dhamma. Thầy cảm thấy biết ơn tất cả những thiền sinh nhiệt tâm, những người đã giúp trong khả năng của họ. Không có gì do một người làm, nó được hoàn thành bởi vì có sự phục vụ hết lòng của một số lớn thiền sinh. Thầy rất vui lòng vì thiền sư phụ tá cũng nhận được những sự hợp tác tương tự từ những người phục vụ Dhamma trên khắp thế giới.

Thiền sư và người phục vụ đều quan trọng như nhau. Không ai nên cho rằng họ có vai trò quan trọng hơn. Dĩ nhiên, khi một thiền sư phụ tá ngồi trên ghế Dhamma, những người cùng phục vụ tôn kính họ. Bằng cách làm như thế, họ phát triển phẩm chất tốt lành trong việc kính trọng Dhamma chứ không phải kính trọng người ấy. Bất cứ ai ngồi trên ghế Dhamma, đại diện cho Dhamma, cho Đức Phật, cho Sangha – Tăng, những người đã duy trì phương pháp suốt hai mươi lăm thế kỉ trong sự thuần khiết tinh nguyên. Do đó những người phục vụ tôn kính với ý thức về cảm giác và hiểu được anicca, dukkha, anatta – vô thường, khổ, vô ngã. Hãy tôn kính với nền tảng đó, và hãy ghi nhớ trong lòng là công việc của các con là hợp tác để trách nhiệm trao cho thiền sư phụ tá mang lại những thành quả tốt đẹp.

Một mặt khác, những người ngồi trên chỗ của Dhamma nên luôn luôn khiêm tốn, hiểu rằng sự kính trọng không phải dành cho họ mà là cho Dhamma, họ chỉ là những người đại diện cho Dhamma. Cho dù là người phục vụ hay thiền sư, sự phục vụ của chúng ta luôn luôn là để truyền bá Dhamma.

Cả thiền sư phụ tá lẫn người phục vụ Dhamma phải phục vụ một cách vô vị lợi, không trông mong được đền đáp. Như Đức Phật đã nói: “Hãy đi theo con đường của các con vì sự tốt lành của nhiều người, vì lợi lạc của nhiều người, vì lòng từ bi đối với thế giới.” Với bất kì chức vụ nào, trách nhiệm nào được giao phó, không có gì khác biệt cả. Mọi trách nhiệm đều quan trọng ngang nhau, mọi đường lối để đóng góp đều rất quý giá nếu chủ ý chỉ đơn giản là để phục vụ, để giúp có thêm nhiều người nhận được lợi lạc từ Dhamma.

Thay vào đó, những người phục vụ sẽ nhận được những gì? Tại sao họ rời khỏi nhà và phục vụ trong các khóa thiền? Họ không được đền đáp, họ tiêu tiền riêng để di chuyển và cho những chi phí khác. Họ làm việc không trông đợi điều gì, thậm chí là sự kính trọng đối với họ. Sự phục vụ của họ hoàn toàn vô vị lợi.

Tương tự như thế, thiền sư phụ tá sẽ được những gì? Ngay như sự kính trọng đối với họ thực ra là sự kính trọng Dhamma. Hiểu được điều này thiền sư phụ tá sẽ làm việc mà không đòi hỏi bất cứ cái gì. Theo đường lối này, bánh xe Dhamma sẽ tiếp tục luân chuyển trong sự thuần khiết.

Đức Phật nói: “Phân phát Dhamma bằng cách làm gương tốt trong lối sống thanh tịnh của các con.” Chỉ nói về đường lối đúng đắn mà không thực hành là vô nghĩa. Thiền sư phụ tá và người phục vụ Dhamma phải hiểu sự quan trọng trong việc sống một cuộc sống tốt đẹp và làm gương tốt cho người khác. Luôn luôn nhớ điều này trong tâm, trong bất cứ cương vị nào mà các con đang thi hành nhiệm vụ. Hãy cẩn thận trong tất cả việc làm và lời nói. Hãy sống cuộc sống thanh tịnh, vì sự tốt lành cho chính các con và sự tốt lành của những người khác. Nếu các con làm như thế, thì sự tin tưởng vào Dhamma sẽ nảy sinh trong những người chưa có lòng tin và sẽ làm gia tăng sự tin tưởng trong những người đã có. Bằng cách này các con sẽ thu hút thêm nhiều người tới với Dhamma, vì lợi lạc của chính họ.

Chừng nào nền tảng Dhamma được vững mạnh, sự phục vụ của các con sẽ luôn có kết quả, cho dù các con phục vụ trong cương vị thiền sư phụ tá hay bất cứ cương vị nào khác. Hãy giữ cho Dhamma được vững mạnh trong chính các con bằng cách thực hành Dhamma hàng ngày và thường xuyên. Bằng cách làm như thế, các con sẽ giúp Dhamma được truyền bá một cách hữu hiệu, vì lợi ích của nhiều người.

Có quá nhiều đau khổ ở khắp nơi. Nếu chúng ta có thể lau nước mắt cho chỉ một vài người đang đau khổ, chúng ta đã đền đáp được phần nào, dù chút ít, món nợ về sự biết ơn đối với Đức Phật và đối với Tăng đoàn, một dòng những thiền sư đã duy trì truyền thống từ thuở xa xưa.

Nguyện cho tất cả các con phát triển sức mạnh của Dhamma. Nguyện cho các con không ngừng tăng trưởng trong Dhamma và giúp những người khác tăng trưởng trong Dhamma. Nguyện cho càng ngày càng nhiều người được lợi ích vì sự phục vụ của các con.

Nguyện cho bánh xe Dhamma tiếp tục luân chuyển. Nguyện cho ánh sáng Dhamma tỏa sáng khắp thế giới. Nguyện cho bóng tối của vô minh được đẩy lui. Nguyện cho càng ngày càng nhiều người thoát khỏi khổ đau. Nguyện cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc, được bình an, được giải thoát!

Bhavatu sabba manggalam

Bài viết được trích từ cuốn Vì Lợi Ích Của Nhiều Người – Thiền Sư S.N. Goenka. Quý vị có thể tải cuốn sách PDF bản tiếng Việt tại đây, và PDF bản tiếng Anh tại đây.

AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN VÌ LỢI ÍCH CỦA NHIỀU NGƯỜI

* Các Bài Viết Này Được Trích Từ Cuốn Vì Lợi Ích Của Nhiều Người - Thiền Sư S.N. Goenka. Phương Pháp Thiền Vipassana Này Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app