Thiền Sư Goenka (1924-2013): Sự Nghiệp Và Tiểu Sử

Tiểu sử Thiền Sư Goenka

Sự cải biến trong thiền Vipassana là cải biến từ khổ đau thành hạnh phúc, từ vòng lệ thuộc thành sự giải thoát. – S. N. Goenka

Thiền sư Satya Narayan Goenka (1924-2013)
Thiền sư Satya Narayan Goenka (1924-2013)

Thiền sư Satya Narayan Goenka (1924-2013) là Thiền sư chính dạy thiền Vipassana – một phương pháp hội tụ những nét tinh túy thực tiễn nhất trong giáo huấn của Đức Phật. Là một nhà công nghiệp hàng đầu ở Miến Điện sau Thế chiến thứ hai, Goenkaji (cách gọi trìu mến mà những người sống bên ngoài nước Ấn Độ dành cho ông) là bằng chứng sống cho thấy việc rèn luyện tâm qua việc thực hành thiền là điều cần thiết cho một cuộc sống lành mạnh và có ích. Được biết đến bởi đức khiêm tốn, lòng từ bi bao la và sự điềm tĩnh không chút tạp niệm, sự nhấn mạnh của thiền sư Goenka vào nỗ lực bản thân, tính phi tôn giáo, và bản chất hướng đến kết quả của thiền Vipassana đã hấp dẫn sự chú ý của thế giới nơi nhiều người đang tìm kiếm một con đường thực tế để thoát khỏi sự căng thẳng và khổ đau.

Thiền sư GoenkaĐược xem là một người hướng dẫn giáo huấn mang đậm tính khoa học của Đức Phật mà ngày càng được nhiều người công nhận khắp nơi trên thế giới, thiền sư Goenka đã được mời đến diễn thuyết tại nhiều tổ chức khác nhau, như Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Nghị viện quốc hội Ấn Độ, Câu lạc bộ Kinh doanh của Đại học Harvard, Đại học Tăng già Pháp Cổ Sơn (của Thiền sư Sheng Yen) tại Đài Loan, Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Điển, Viện Smithsonian, Học viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT), Hiệp hội Chuyên gia Ấn Độ tại Thung lũng Silicon.

Thiền sư Goenka thành công trong việc giảng dạy phương pháp thiền này vì chính bản thân ông là một tấm gương truyền cảm hứng, là một lý tưởng, và ông thực hiện chính những điều ông yêu cầu các thiền sinh của mình thực hành. “Hãy phát triển sự thanh tịnh ngay trong bản thân quý vị nếu quý vị muốn khuyến khích người khác đi theo con đường thanh tịnh,” – ông đã nói như vậy trong một cuộc họp hàng năm tại trung tâm thiền Dhamma Giri (Igatpuri) vào ngày mồng 1 tháng 3 năm 1989 – “Hãy khám phá sự bình yên và hòa hợp thực sự trong chính bản thân mình, rồi theo một cách tự nhiên những điều ấy sẽ lan toả và có ảnh hưởng tốt đẹp đến người khác”.

Thiền sư Goenka là một người làm việc không biết mệt mỏi. Năm 2002, ở tuổi 78, ông đã thực hiện một chuyến đi phi thường đến các nước phương Tây để giới thiệu và trao đổi về Dhamma. Cùng vợ là bà Illaichidevi Goenka, một số thiền sư cấp cao và các thiền sinh, thiền sư Goenka đã đi trong 128 ngày qua các nước châu Âu và Bắc Mỹ, hoan hỉ chia sẻ món quà Vipassana vô giá. Phần thứ hai của chuyến đi là một cuộc hành trình đường bộ kéo dài 20.921 km bằng đoàn xe lưu động xuyên suốt Mỹ và Canada.

Thiền sư Goenka thời đó đã đạt được những thành công vượt bậc nhưng không có được sự an lạc bên trong

Vào ngày thứ 62 của hành trình Dhamma này – ngày 10 tháng 6 năm 2002 – thiền sư Goenka nói với đám đông tập trung tại đại học Sonoma State, Santa Rosa, California:
“Trong suốt cuộc đời, mỗi người đều sẽ gặp phải nhiều điều mình không thích, và phải rời xa điều mà mình yêu thích. Đức Phật đi vào tận gốc rễ của vấn đề này và tìm ra giải pháp (là thiền Vipassana) giúp ta thoát khỏi mọi khổ đau. Đức Phật nhận ra chúng ta luôn phản ứng lại với những cảm giác dễ chịu hay khó chịu mà chúng ta cảm thấy trên thân bằng tâm ham muốn hoặc tâm ghét bỏ. Do những bất tịnh tinh thần hay các khuôn mẫu thói quen này, chúng ta luôn ở trong tình trạng dễ bị kích động và đau khổ.

Với phương pháp thiền Vipassana, thiền sư Goenka đã tìm ra con đường thoát khỏi những phiền não mà ông đã trải qua khi còn trẻ. Sinh ra tại Mandalay, Miến Điện, trong một gia đình doanh nhân gốc Ấn Độ, ông đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo kinh doanh hàng đầu tại Miến Điện với các văn phòng đại diện tại nhiều nước. Ở tuổi 30, ông đã được bầu làm chủ tịch Phòng Thương mại Yangon (trước đây là Rangoon), và đứng đầu nhiều tổ chức xã hội, giáo dục và văn hóa khác nhau.

Thiền sư Goenka thời đó đã đạt được những thành công vượt bậc nhưng không có được sự an lạc bên trong. Ngược lại, sự căng thẳng đã gây ra chứng đau đầu migraine mãn tính mà các bác sĩ hàng đầu thế giới không có cách nào để chữa trị ngoại trừ những loại thuốc gây nghiện và làm suy nhược cơ thể. Ngoài ra, Goenka còn cho biết ông đã từng là một người rất nóng tính, ích kỷ, và điều đó đã khiến cho bản thân ông và những người xung quanh đều khổ sở.

thiền sư s.n. goenka

Chính tại thời điểm đó, vào thời hậu chiến của Miến Điện thiền sư Goenka được gặp và nhận được nguồn cảm hứng từ một người có nhân cách đặc biệt – Ngài Sayagyi U Ba Khin, Bộ trưởng bộ Kế toán đầu tiên của nước Miến Điện độc lập. Ngài U Ba Khin cũng giảng dạy thiền Vipassana và cố gắng truyền bá phương pháp này trong quần chúng.

Mặc dù thiền Vipassana vốn xuất phát từ giáo lý thực sự của Đức Phật nhưng thiền sư Goenka nhấn mạnh rằng phương pháp này không phải là một tôn giáo, không liên quan đến bất kỳ giáo điều, nghi lễ, nghi thức hay sự cải đạo nào. Ngài đã nói với đám đông vỗ tay tán thưởng tại Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Thế giới của Liên hiệp quốc, tổ chức tại New York năm 2000 như sau: “Sự cải biến duy nhất trong thiền Vipassana là cải biến từ khổ đau thành hạnh phúc, từ vòng lệ thuộc thành sự giải thoát”.

Hàng ngàn cha xứ Công Giáo, tăng ni Phật giáo, người tu dòng Kỳ na giáo và đạo Hindu đã đến tham gia các khóa thiền Vipassana cùng những người lãnh tụ tôn giáo khác. Vipassana là tinh hoa mang tính thực tế của tất cả các tôn giáo, có mục đích giúp con người phát triển trí tuệ thực chứng để sống một cuộc sống hạnh phúc và hiệu quả. Theo lời ngài U Ba Khin thì thiền Vipassana đem đến các kết quả “tốt, cụ thể, rõ ràng, mang tính cá nhân, và ngay tức thời”.

Vào năm 1969, Ngài U Ba Khin đã chính thức cho phép thiền sư Goenka đến Ấn Độ và truyền dạy thiền Vipassana như một đại diện của mình. Kể từ đó, dòng sông Hằng của Dhama một lần nữa bắt đầu tuôn chảy ở mảnh đất nơi nó sinh ra. Từ Ấn Độ, thiền Vipassana bắt đầu lan truyền ra khắp thế giới, trong đó có Mỹ, Châu Âu, Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc, Nga, Châu Mỹ Latin, các quốc gia Đông Âu và hiện tại có thêm Châu Phi.

khóa thiền Vipassana

Từ năm 1989, thiền sư Goenka và vợ đã tổ chức các khóa thiền Vipassana. Bà Goenka, được biết dưới cái tên trìu mến là “Mataji” (nghĩa là “người mẹ đáng kính”) cũng là một Thiền sư chính và là một học trò xuất sắc của Ngài Sayagyi U Ba Khin. Bà thầm lặng hỗ trợ và phục vụ vô vị lợi cùng chồng trong sứ mệnh mà người thầy đáng kính của họ, Sayagyi U Ba Khin, đã giao phó, đó là làm sao để phục vụ ngày càng nhiều người hơn để họ được lợi lạc trên con đường giải thoát nhờ thực hành thiền Vipassana.

Sau khi trở về Ấn Độ, thiền sư Goenka sớm từ bỏ công việc kinh doanh đang phát đạt của mình và cống hiến toàn bộ thời gian cho việc truyền dạy thiền Vipassana. Ngoài việc là một gia trưởng hiền lành trong một đại gia đình gồm sáu con trai và các cháu, ông còn là một người dẫn dắt nhân từ của một tổ chức ngày càng lớn mạnh, có tính chủ quyền địa phương và kỷ luật cao.

Để đáp ứng nhu cầu học thiền ngày càng cao, hiện có hơn 800 thiền sư phụ tá đang thay mặt thiền sư Goenka hướng dẫn các khóa thiền, sử dụng các băng ghi âm và ghi hình các lời hướng dẫn, với sự hỗ trợ của hàng ngàn tình nguyện viên. Các khóa thiền không thu bất kỳ khoản lệ phí nào. Cả thiền sư Goenka lẫn các thiền sư phụ tá đều không nhận bất kỳ khoản tiền tài hay vật chất nào từ những khóa thiền.

Thiền sư Goenka nói rõ thêm trong một buổi nói chuyện tại trung tâm Dhamma Nasika, thành phố Nashik, gần Igatpuri, Ấn Độ vào ngày 3 tháng 5 năm 2005: “Dhamma là vô giá. Ngay sau khi người ta thu một khoản lệ phí cho khóa thiền thì Dhamma sẽ trở thành Dhamma của người giàu. Những người có tiền sẽ gắng đạt được sự an lạc bằng cách trả mức giá cao nhất. Nhưng họ không thể có được an lạc, vì khi Dhamma trở thành một món hàng thương mại thì nó sẽ không bao giờ có thể đem đến sự an lạc. Bây giờ cũng như sau này, chúng ta cần tránh sai lầm là biến một trung tâm thiền Vipassana thành một tổ chức thương mại”.

Là một nhà văn, nhà thơ luôn miệt mài sáng tác, thiền sư Goenka có thể viết bằng tiếng Anh, tiếng Ấn và tiếng Rajasthani. Ông trích dẫn lời của Đức Phật: “Những người có tinh thần tri ân mạnh mẽ, muốn phục vụ người khác mà không mong đợi điều gì cả, là những người thật sự rất hiếm.” Với hơn 50 năm tận tụy phục vụ Dhamma, thiền sư Goenka đã thuộc vào nhóm người rất hiếm này.


Thiền sư Goenka là một Thiền sư cư sĩ Vipassana

Thiền sư Goenka là một Thiền sư cư sĩ Vipassana theo truyền thống của Đại thiền sư quá cố Sayagyi U Ba Khin, người Miến điện (Mayamar).

Mặc dù gốc là người Ấn độ, Ông Goenka sinh trưởng và lớn lên tại Miến điện. Trong thời gian cư ngụ tại Miến điện, Ông đã may mắn được gặp U ba Khin và được truyền dạy phương pháp Thiền Vipassana. Sau khi thụ huấn với sư phụ đuợc mười bốn năm, Ông Goenka về cư ngụ tại Ấn độ và bắt đầu giảng dạy Vipassana vào năm 1969. Trong một quốc gia còn nhiều chia rẽ bởi những giai cấp và tôn giáo khác nhau, những khoá thiền do Ông Goenka hướng dẫn đã thu hút hàng ngàn người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Thêm vào đó, nhiều người từ những quốc gia trên khắp thế giới đã tới tham dự những khoá Thiền Vipassana.

Ông Goenka đã giảng dạy cho hàng chục ngàn người trong hơn 300 khóa thiền tại Ấn độ và những nước khác

Ông Goenka đã giảng dạy cho hàng chục ngàn người trong hơn 300 khóa thiền tại Ấn độ và những nước khác, cả Đông phương lẫn Tây phương. Năm 1982, Ông bắt đầu bổ nhiệm những Thiền sư phụ tá để giúp thỏa mãn nhu cầu về thiền càng ngày càng gia tăng. Những Trung tâm Thiền đã được thành lập tại Ấn độ, Gia nã đại, Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Pháp, Anh, Nhật, Tích lan, Thái, Miến điện, Nepal, và những nước khác.

Phương pháp mà Thiền sư S.N. Goenka giảng dạy tiêu biểu cho một truyền thống có từ thời của Đức Phật. Đức Phật không hề giảng dạy một giáo phái nào; Ngài giảng dạy Dhamma (Pháp) — con đường giải thoát — là đường lối phổ quát. Cùng một truyền thống đó, đường lối của Ông Goenka cũng hoàn toàn không tông phái. Vì lý do này, sự giảng dạy của Ông thu hút mạnh mẽ mọi người thuộc mọi giai cấp, mọi tôn giáo hoặc không theo tôn giáo nào, và từ khắp nơi trên thế giới.


Hội nghị Thượng định về Hoà bình tại Liên Hiệp Quốc

S.N. Goenka đọc diễn văn tại Hội Nghị Thượng đỉnh Hòa bìnhHội nghị Thượng đỉnh về Hòa bình tại Liên Hiệp Quốc

Vào mùa hè năm 2000, Ông Goenka, vị thiền sư chính của Thiền Vipassana viếng thăm Mỹ quốc và cùng với những nhà lãnh đạo tinh thần khác trên thế giới, diễn thuyết tại “Hội nghị Thượng Đỉnh Thiên niên về Hòa Bình Thế Giới” ở Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York.

S.N. Goenka đọc diễn văn tại Hội Nghị Thượng đỉnh Hòa bình

Bill Higgins
Ngày: 29 tháng 8 năm 2000

New York — Hôm nay Thiền sư Vipassana S.N. Goenka nói chuyện với những phái đoàn tham dự Hội nghị Thượng Đỉnh Thiên niên về Hòa Bình Thế giới tại Đại sảnh đường Liên Hiệp Quốc – lần đầu tiên có sự hiện diện của những nhà lãnh đạo tôn giáo và tinh thần tại Liên Hiệp Quốc.

Bài diễn văn của Ông Goenka, trong phiên họp về Chuyển Hóa Xung Đột, chú trọng vào chủ trương hòa hợp tôn giáo, khoan dung và chung sống hoà bình.

“Thay vì hoán chuyển con người từ một tổ chức tôn giáo này sang một tổ chức tôn giáo khác” Ông Goenka nói, “chúng ta nên chuyển hóa con người từ đau khổ sang hạnh phúc, từ ràng buộc sang giải thoát và từ tàn ác sang bác ái.”

Ông Goenka đọc diễn văn trong phiên họp buổi chiều cho một phái đoàn khoảng 2000 người tham dự và quan sát viên. Ông Goenka nói chuyện sau bài diễn văn của Ông Ted Turner, sáng lập viên của đài CNN. Ông Turner là người tài trợ cho Hội nghị Thượng Đỉnh.

Để phù hợp với chiều hướng tìm kiếm hòa bình thế giới, Ông Goenka nhấn mạnh rằng hòa bình trên thế giới không thể đạt được trừ khi có an lạc trong từng cá nhân. “Không thể có hòa bình trên thế giới khi trong tâm người ta còn giận dữ, thù hận. Chỉ với tấm lòng đầy tình thương và bác ái mới có thể có hòa bình thế giới.”

Một khía cạnh đặc biệt của Hội nghị Thượng đỉnh là nỗ lực giảm thiểu xung khắc và căng thẳng về tông phái. Về điểm này Ông Goenka nói, “Khi trong lòng có nóng giận và thù hận, ta trở nên khổ sở cho dù ta là người theo Thiên chúa giáo, Ấn độ giáo hay Hồi giáo.”

Ông nói tiếp với sự tán thưởng nồng nhiệt của cử tọa, “Người có tình thương và lòng bác ái bằng một tấm lòng thánh thiện hưởng được Vương quốc Thiên đàng nội tâm. Đây là Luật Tự Nhiên, hay nếu ta muốn, ý muốn của Thượng đế.”

Phù hợp cho một cử tọa gồm những nhà lãnh đạo tinh thần chính trên thế giới, Ông nói, “Chúng ta hãy chú trọng đến những sự tương đồng của mọi tôn giáo, về cốt tủy bên trong của mọi tôn giáo là sự thánh thiện của tâm hồn. Tất cả chúng ta nên chú trọng đến khía cạnh này của tôn giáo và tránh xung khắc về vỏ bên ngoài của các tôn giáo là những nghi thức, nghi lễ, hội hè, giáo lý khác nhau.”

Để tóm tắt, Ông Goenka trích lại lời của Hoàng đế Asoka khắc trên những bia đá, “Ta không nên chỉ tôn vinh tôn giáo của ta và lên án những tôn giáo khác. Trái lại, ta nên tôn vinh các tôn giáo khác vì nhiều lý do khác nhau. Làm như thế ta giúp tôn giáo của ta lớn mạnh đồng thời cũng giúp ích cho tôn giáo của người khác. Nếu làm ngược lại, ta tự đào hố chôn tôn giáo của mình và đồng thời cũng làm hại những tôn giáo khác. Những ai tôn vinh tôn giáo của mình và lên án những tôn giáo khác có thể vì sự tôn sùng tôn giáo của mình, nghĩ là, ‘Tôi làm cho tôn giáo của tôi được vinh quang!’ Nhưng hành động này làm tổn thương trầm trọng đến tôn giáo của họ. Đồng thuận bao giờ cũng tốt. Tất cả hãy lắng nghe và sẵn lòng lắng nghe những giáo lý của người khác.”

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan nói Hội nghị Thượng đỉnh là “một sự quy tụ những nhà lãnh đạo tôn giáo và tinh thần lớn trên thế giới đồng thanh kêu gọi hòa bình với hy vọng là sẽ củng cố triển vọng về hòa bình khi chúng ta đi vào thiên niên mới.”

Những nhà lãnh đạo tinh thần được mời tham dự cuộc họp chưa từng có này của Liên Hiệp Quốc gồm có Pramukh của Phong trào Swami Naryana, Swami Dayananda Saraswati, Swami Agniwesh, Mata Amritanandamayi Devi và Dada Wasvani cũng như những nhà bác học uyên bác như Dr Karan Singh và L.M. Singhvi.

Đề cập tới sự khác biệt về tôn giáo và văn hóa của những người tham dự, Ông Annan nói rằng, “Liên Hiệp Quốc là tấm thảm không những dệt bằng âu phục, sari nhưng còn dệt bằng áo dòng, áo bà sơ, y của lama; mũ, khăn choàng, găng tay.”

Mặc dù Ông Annan bị chất vấn liên tục về sự vắng mặt của những nhà lãnh đạo Tây tạng, Ông cố xoay câu hỏi trở về mục tiêu của Hội nghị Thượng đỉnh và nói rằng “để đưa tôn giáo về vai trò đúng đắn là tạo ra hòa bình và bình yên — vấn đề của những xung đột không bao giờ là Thánh kinh hoặc kinh Torah (Do thái giáo) hoặc kinh Koran (Hồi giáo). Thật ra, rắc rối không bao giờ là tín ngưỡng — nó là do những tín đồ và cách chúng ta đối xử với nhau. Quý vị phải, một lần nữa, chỉ dạy tín đồ của Quý vị đường lối hòa bình và đường lối dung thứ.”

Người lãnh đạo Liên Hiệp Quốc hy vọng rằng vì 83% dân số trên thế giới theo một tôn giáo chính thức hoặc hệ thống đức tin về tâm linh, những nhà lãnh đạo tôn giáo này có thể gây ảnh hưởng cho tín đồ của họ về hòa bình.

Liên hiệp Quốc hy vọng rằng hội nghị sẽ đưa cộng đồng trên thế giới, theo một tài liệu, “để xác nhận sự quan trọng của tâm linh và công nhận rằng chúng ta có quyền lực diệt trừ hình thức tàn ác nhất đối với con người — chiến tranh — cũng như nguyên nhân gốc rễ của chiến tranh — nghèo đói. Thời gian đã chín mùi để những nhà lãnh đạo tinh thần trên thế giới làm việc mật thiết với Liên Hiệp Quốc trong nỗ lực công nhận nhu cầu cấp bách của nhân loại.”

Hội nghị Thượng đỉnh sẽ kết thúc vào Thứ năm ngày 31 tháng 8 khi những người tham dự ký vào Bản Tuyên Ngôn về Hòa bình Thế giới và thành lập một Hội đồng Cố vấn Quốc tế cho những nhà Lãnh đạo Tôn giáo và Tinh thần. Hội đồng sẽ làm việc với Liên Hiệp Quốc và Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc trong nỗ lực tạo ra hòa bình và duy trì hòa bình.

Tổng thư ký Hội nghị Thượng đỉnh, Ông Bawa Jain nói, “Mục tiêu của Hội đồng Cố vấn Quốc tế cho những nhà Lãnh đạo Tôn giáo và Tinh thần là để củng cố việc làm của Liên Hiệp Quốc. Hy vọng chân thành nhất của chúng ta là khi có xung đột, những nhà lãnh đạo tôn giáo và tinh thần vĩ đại nhất thế giới được thả dù vào những chỗ này để tìm ra một giải pháp bất bạo động cho những cuộc xung đột.”

thiền sư s.n. goenka 3

 

 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app