Nội Dung Chính
14. Thời gian cần thiết để thành tựu các pháp Pāramī là bao lâu?
Với câu hỏi: “Thời gian cần thiết để thành tựu các pháp pāramī là bao lâu?” Câu trả lời là:
Thời gian tối thiểu cần thiết cho sự thành tựu viên mãn các pháp Ba-la-mật là bốn A-tăng-kỳ (asankheyya) và một trăm ngàn đại kiếp. Thời gian trung bình là tám A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, và thời gian lâu nhất là mười sáu A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp sau khi được thọ ký thành Phật (Chỉ sau khi thành tựu viên mãn các pháp pāramī trong những chuỗi dài thời gian như vậy, người ta mới có thể thành Phật).
Ba chuỗi thời gian khác nhau này liên quan đến ba loại Đương lai Phật, đó là Paññādhika Đương lai Phật (Trí tuệ Đương lai Phật) , Saddhādhika Đương lai Phật (Đức tin Đương lai Phật) và Viriyādhika Đương lai Phật (Tinh tấn Đương lai Phật) (vị Paññādhika Đương lai Phật phải trải qua 4 A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp; vị Saddhādhika Đương lai Phật phải trải qua 8 A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, và vị Viriyādhika Đương lai Phật phải trải qua 16 A- tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp để thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật.
Với câu hỏi: “Tất cả ba loại Bồ tát này đều là những vị Đương lai Phật, tại sao lại có ba chuỗi thời gian khác nhau để thực hành viên mãn các pháp pāramī?” Câu trả lời là:
Vị Paññādhika Đương lai Phật yếu về đức tin nhưng mạnh về trí tuệ. Vị Saddhadhika Đương lai Phật mạnh về đức tin nhưng trung bình về trí tuệ. Vị Viriyādhika Đương lai Phật yếu về trí tuệ nhưng mạnh về tinh tấn. Chỉ qua sức mạnh về trí tuệ, người ta mới chứng đạt Nhất thiết trí. Trí tuệ mạnh thì thời gian chứng đạt Nhất thiết trí sẽ nhanh. Trí tuệ yếu thì thời gian chứng đạt Nhất thiết trí sẽ chậm. Sự khác nhau về mức độ sức mạnh của trí tuệ giải thích lý do về những chuỗi thời gian khác nhau để thực hành viên mãn các pháp pāramī. (câu trả lời này được trích ra từ Chú giải).
Các vị thầy Apare cho rằng sự khác biệt giữa ba thời gian căn cứ vào ba mức độ của sự tinh tấn : mạnh, trung bình và yếu.
Lại nữa, các vị A-xà-lê khác thì nói rằng chính do sự khác biệt về các mức độ mạnh, yếu và trung bình của sự thành thục các pháp pāramī dẫn đến giải thoát.
Trong ba quan điểm này, quan điểm của nhà Chú giải tỏ ra thích hợp nhất khi chúng ta xét sự phân chia các vị Bồ tát thành ba loại như sau:
Ba dạng Bồ tát
Giải rõ:
Ngay vào lúc được thọ ký như trong trường hợp của đạo sĩ Sumedha, các vị Bồ tát có ba dạng: (1) Lược khai trí Bồ tát (Ugghaṭitaññā Bodhisatta), (2) Quảng viễn trí Bồ tát (Vipañcitaññā Bodhisatta) và (3) Sở dẫn đạo Bồ tát (Neyya Bodhisatta).
Ugghaṭitaññā Bodhisatta – Lược khai trí Bồ tát là những bậc nếu muốn chứng đắc pháp giác ngộ của vị Thinh văn (Sāvaka Bodhi) trong chính kiếp sống mà họ được thọ ký, sẽ có phước hỗ trợ đặc biệt để chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với sáu Thắng trí (Abhiññā) và bốn Tuệ phân tích (Paṭisambhidā ñāṇa), ngay trước khi kết thúc câu kệ thứ ba của bài kệ gồm bốn câu do Đức Phật thuyết. Lược khai trí Bồ tát này cũng được gọi là Paññādhika Bồ tát. Dạng Bồ tát này có trí tuệ mạnh nhất.
Vipañcitaññā Bodhisatta – Quãng viễn trí Bồ tát là những vị mà nếu muốn chứng đắc sự giác ngộ của vị Thinh văn trong chính kiếp sống mà họ được thọ ký, thì sẽ có phước hỗ trợ đặc biệt để chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với Lục thông và bốn loại Tuệ phân tích, trước khi kết thúc câu kệ thứ tư của bài kệ gồm bốn câu do Đức Phật thuyết. Dạng Bồ tát này cũng được gọi là Saddhādhika – có trí tuệ trung bình.
Neyya Bodhisatta – Sở dẫn đạo Bồ tát là những vị mà nếu muốn chứng đạt sự giác ngộ của vị Thinh văn trong chính kiếp sống mà họ được thọ ký, sẽ có phước hỗ trợ đặc biệt để chứng đắc đạo quả A-la- hán cùng với Lục thông và bốn loại Tuệ phân tích, vào lúc kết thúc cả bài kệ gồm bốn câu do Đức Phật thuyết. Dạng Bồ tát này cũng được gọi là Viriyādhika Bồ tát – có trí tuệ yếu nhất.
Cả ba dạng Bồ tát đều đã phát nguyện thành Phật trong vô số đại kiếp, trước khi được Đức Phật thọ ký. Tuy nhiên, sau khi được thọ ký rồi, họ thực hành các pháp pāramī trải qua đúng thời gian đã được giải rõ ở trên và chứng đạt Nhất thiết trí.
Chứng đắc Phật quả sớm hơn là điều không thể được
Lúa ra hoa, đậu ra hạt và chín chỉ sau một thời gian nhất định. Ngay cả khi có sự chăm sóc hết mức như tưới nước nhiều, v.v… cũng không thể cho quả sớm hơn thời gian tự nhiên được. Tương tự vậy, tất cả các dạng Bồ tát không cách nào chứng đạt đạo quả Phật trước khi thực hành viên mãn các pháp pāramī trong thời gian nhất định, dù hằng ngày họ thể hiện sự tinh tấn nhiều hơn trong sự thực hành các pháp
Ba-la-mật, sự xả ly và các hạnh, vì trí tuệ của các vị chưa đạt đến chỗ thành thục và sự tích lũy các nhân tố thành Phật chưa được viên mãn.
Do đó, nên hiểu rằng các pháp pāramī được thành tựu viên mãn đúng với thời gian đã được nêu trên.
15. Những lợi ích nào phát sanh từ các pháp Pāramī ?
Với câu hỏi: “Những lợi ích nào phát sanh từ các pháp pāramī?” Câu trả lời tóm tắt là:
Những lợi ích phát sanh từ các pháp pāramī là không tái sanh vào A-tỳ-địa ngục, v.v…
Giải thích chi tiết:
Những lợi ích phát sanh từ các pháp pāramī là: không tái sanh trong mười tám loại kiếp sống bất hạnh (abhabbaṭṭhāna) như A-tỳ-địa ngục (Avīci), v.v… (sẽ được bàn đến ở cuối tập phẩm này); khả năng thực hành các pháp lợi sanh; hai mươi điều kỳ diệu (như đã được mô tả trong bài kinh Acchariya Abbhuta, của phẩm Suññata Vagga, Uparipaṇṇāsa, trong Majjhima Nikāya); sự thành tựu ước nguyện của vị Bồ tát; và tất cả những lợi ích khác như sự thành thạo trong nghệ thuật và các nghề thủ công, v.v… mà chúng ta thường thấy trong các bài kinh Bổn sanh (Jataka), các Phật sử (Buddhavaṁsa), v.v….
(Những lợi ích liên quan đến 15 cặp Pāramī được nêu ra ở mục số 12. Bài “Các pháp pāramī được rút gọn như thế nào?” cũng được xem là những lợi ích phát sanh từ các pháp pāramī).
Hơn nữa, những điều sau đây cũng là những lợi ích do các pāramī đem lại – Từ khi phát nguyện thành Phật, Bồ tát với lòng mong ước hạnh phúc cho chúng sanh đã trở thành giống như người cha của họ. Có những đức tánh siêu việt, Ngài xứng đáng thọ lãnh những vật cúng dường, đáng được tôn kính. Ngài giống như mảnh ruộng phì nhiêu để gieo vào những hạt giống phước. Ngài được chư thiên và nhân loại thương mến. Tâm của Ngài chan chứa từ bi nên Ngài không thể bị hại bởi các loài thú dữ như cọp, báo, sư tử, v.v. Là người có phước phi thường ở bất cứ nơi nào Ngài sanh ra, Ngài vượt trội những kẻ khác về sắc đẹp, danh vọng, hạnh phúc, sức mạnh và quyền lực. Ngài thoát khỏi các chứng bịnh. Ngài có niềm tin rất thanh tịnh, sự tinh tấn, chánh niệm, định và trí tuệ. Ngài có ít phiền não, kết quả Ngài trở thành người dễ chịu. Ngài nhẫn nại và vui thích trong các việc thiện. Ngài không tỏ thái độ nóng giận hay thù hằn, cũng không gièm pha kẻ khác. Ngài không có tánh thù địch, đố kỵ, xảo quyệt, đạo đức giả. Ngài không tự cao hay ngạo mạn. Ngài vắng lặng, thanh tịnh. Ngài luôn lưu tâm đến việc phước, nhẫn nại chịu đựng sự hành hạ của kẻ khác. Ngài không gây đau khổ cho họ. Dù ở bất cứ nơi nào, thị trấn, làng mạc hay các vùng, nơi Ngài ở đều thoát khỏi mọi nguy hiểm, tai họa. Bất cứ nơi nào Ngài sanh vào (ví dụ như trong kiếp trước khi Ngài sanh làm hoàng tử Temi) dù ở trong các cõi khổ như địa ngục Ussada (Đột khởi địa ngục) không giống như những tội đồ khác, Ngài không tỏ thái độ đau đớn trước những cực hình khủng khiếp, mà phát triển kinh cảm trí mỗi lúc một mạnh hơn.
Hơn nữa, sự thành tựu về thọ mạng (āyu-sampadā), sự thành tựu về sắc thân (rūpa-sampadā), sự thành tựu về quyến thuộc (kula- sampada), sự thành tựu về chủ quyền (issariya-sampadā), tánh khả nhận của lời nói (adeyya-vacanatā), tánh vĩ đại của oai lực (mahānubhāvatā) cũng là lợi ích của các pháp pāramī.
Sự thành tựu về āyu-sampadā – thọ mạng là sự trường thọ trong bất cứ kiếp sống nào Ngài sanh ra. Với sự thành tựu này, Bồ tát làm được nhiều việc phước càng ngày càng to lớn hơn.
Sự thành tựu về rūpa-sampadā – sắc thân là sắc đẹp của thân. Với sự thành tựu này, Bồ tát khiến cho chúng sanh ngưỡng mộ và coi trọng vẻ đẹp của thân có niềm tin và sự kính trọng đối với Ngài.
Sự thành tựu về kula-sampada – quyến thuộc là sự tái sanh vào gia đình thuộc giai cấp cao. Với sự thành tựu này, ngay cả những người say mê, chấp thủ địa vị cũng đến với Ngài. Do đó, Ngài có thể tế độ họ, giúp họ tẩy trừ tánh ngã mạn của họ.
Sự thành tựu về issariya-sampadā – chủ quyền là tài sản to lớn, quyền lực to lớn và tùy tùng đông đảo. Do sự thành tựu này, Bồ tát có thể ban những lợi ích đến những người xứng đáng qua tứ nhiếp pháp của Ngài và dẫn dắt những người cần được điều phục vào con đường chân chánh.
Adeyya-vacanatā – tánh khả nhận của lời nói là làm người có lời nói đáng tin cậy. Với sự thành tựu này, Bồ tát được mọi người tin cậy như tin vào sự công bằng của chiếc cân.
Mahānubhāvatā – tánh vĩ đại của oai lực là sự tỏa sáng của oai lực. Bằng sự thành tựu này, Ngài không bị đánh bại trong khi Ngài nhiếp phục người khác theo chánh pháp.
Chính những sự thành tựu này là nguyên nhân cho sự trưởng thành của vô số pháp cần thiết về phước và là phương tiện mà nhờ đó chúng sanh bước vào ba cỗ xe, và cũng nhờ đó mà những người đã bước vào ba cỗ xe ấy đạt đến chỗ thành thục.
16. Quả của các pháp Pāramī là gì?
Đối với câu hỏi: “Quả của các pháp pāramī là gì?” Câu trả lời tóm tắt là:
Quả của các pháp pāramī là vô số ân đức của Đức Phật dẫn đầu bởi A-la-hán đạo trí (Arahattamagga) và Nhất thiết trí là sự Giác ngộ tối thượng. Nghĩa là sự chứng đắc đạo quả Phật là quả của những pháp pāramī.
Giải rõ:
Đó là sự hoạch đắc về sắc thân (rūpa-kāya) được tô điểm bởi nhiều đặc điểm như 32 hảo tướng của bậc đại trượng phu, tám mươi tướng phụ (sẽ được nói rõ trong bài lịch sử của Đức Phật Gotama). Hào quang từ thân của Ngài tỏa rộng tám mươi hắc tay ngay cả trong bốn điều kiện tối tăm (4 điều kiện tối tăm là – nửa đêm, tối ba mươi, trong khu rừng rậm và dưới bầu trời dày đặc mây đen không có ánh sáng), sự hoạch đắc pháp thân (dhamma kāya) được thành lập dựa vào sắc thân và rực rỡ với vô số ân đức như Mười lực (Dasabala ñāṇa); Tứ tín tuệ (Catu vesārajja ñāṇa); Lục bất cộng trí (Cha-asādhārana ñāṇa); và Thập bát bất cộng pháp (Āvenika dhamma).
[Thập bát bất cộng pháp (Āvenika-dhamma):(i) Quá khứ vô chướng trí; (ii) Hiện tại vô chướng trí; (iii) Tương lai vô chướng trí; (iv) Trí tuệ dẫn đầu trong tất cả mọi hành vi của thân; (v) Trí tuệ đứng đầu trong tất cả mọi hành vi của lời nói; (vi) Trí tuệ đứng đầu trong tất cả mọi hành vi của ý; (vii) Không có sự thối giảm trong quyết định; (viii) Không có sự thối giảm trong tinh tấn; (ix) Không có sự thối giảm trong định; (x) Không có sự thối giảm trong trí tuệ; (xi) Không có sự thối giảm trong việc thuyết pháp; (xii) Không có sự thối giảm trong giải thoát; (xiii) Không say mê trong vui đùa; (xiv) Không tạo ra những lỗi lầm ngốc nghếch; (xv) Mọi việc đều có thể phán đoán bằng trí tuệ; (xvi) Không có điều gì cần phải vội vã; (xvii) Không bao giờ chểnh mãng, dễ duôi; (xviii) Làm tất cả mọi việc phải suy xét đúng đắn.]
Hơn nữa, các nhà Chú giải đã trích dẫn câu kệ sau đây để tóm tắt tất cả ân đức của một vị Phật:
Buddhopi buddhassa bhaṇeyya vaṇṇaṃ
kappaṃ pice aññaṃ abhasamāno
khiyetha kappo cira dīghaṃ antare
vaṇṇo na khiyetha tathāgatassa.
“Những ân đức của một vị Phật rất nhiều đến nỗi ngay cả một vị Phật khác bỏ hết cả thời gian chẳng làm gì ngoài việc trú trong những ân đức của vị Phật ấy suốt cuộc đời, cũng không thể kể ra hết tất cả những ân đức ấy. Tất cả những ân đức như vậy của một vị Phật là Quả của các pháp pāramī.
Vào lúc này, để khơi dậy niềm tịnh tín và kính ngưỡng đến vô lượng ân đức của Đức Phật, để giúp người đọc tác phẩm này tăng trưởng phước báu dẫn đến trí tuệ, tôi sẽ kết luận tập phẩm này bằng cách nhắc lại ba bài kệ của đạo sĩ Suruci, tiền thân của đại đức Sāriputta, tán dương Đức Phật Anomadassī:
(i) Sakkā samudde udakaṃ.
pametum āḷhakena vā
na tveva tava sabbaññū
ñānaṃ sakkā pametave.
Bằng cách nào đó người ta có thể đo được lượng nước mênh mông của đại dương. Tuy nhiên, không một ai dù là người hay chư thiên mà có thể dò được trí tuệ của Đấng Tối Tôn – Đức Phật Chánh biến tri,
(ii) Dhāretuṃ pathaviṃ sakkā
thapetvā tulamandale
na tveva tava sabbaññū
ñāṇaṃ sakkā dharetave
Bằng cách nào đó, người ta có thể cân được toàn bộ khối lượng của đại địa này. Tuy nhiên, không ai dù là người hay chư thiên mà có thể dò được trí tuệ sâu rộng của Đấng Tối Tôn – Đức Phật Chánh biến tri.
(iii) Ākāso minitum sakkā
rajjuyā angulena vā
na tveva tava sabbaññū
ñāṇaṃ sakkā pametave.
Bằng bàn tay hay thước dây, người ta có thể tính được khoảng rộng của hư không. Tuy nhiên, không ai dù là người hay chư thiên mà có thể dò được trí tuệ sâu rộng của Đấng Tối Tôn – Đức Phật Chánh biến tri.