3.  Maṅgala Buddhavaṁsa (Lịch sử Đức Phật Ma-gia-la)

Khi vô số đại kiếp đã trôi qua sau đại kiếp của Đức Phật Koṇḍañña, đến một kiếp nọ có xuất hiện lần lượt bốn vị  Phật, đó là (1) Maṅgala, (2) Sumana, (3) Revata và (4) Sobhita. Vị Phật đầu tiên trong bốn vị Phật này là Đức Phật Maṅgala.

Sự thọ sanh

Sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật trong mười sáu A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, Bồ tát Maṅgala tái sanh vào cung trời Đâu suất đà (Tusitā) theo thông lệ của tất cả chư Phật đương lai.

Khi đang thọ hưởng đời sống của chư thiên, Ngài chấp nhận lời thỉnh cầu của chư thiên, giáng sanh xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của Uttarā, hoàng hậu của vua Uttara, trong kinh đô Uttara.

Thân phát sáng của người mẹ

Từ lúc Bồ tát thọ sanh, ánh sáng từ thân của hoàng hậu phát ra tám hắc tay khắp quanh, vượt trội cả ánh sáng của mặt trời và mặt trăng. Không cần đến bất cứ loại ánh sáng nào khác, hoàng hậu cùng tùy tùng di chuyển bằng chính ánh sáng của bà.

Bồ tát đản sanh

Chư thiên bảo vệ thai bào Bồ tát, khi mười tháng trôi qua, Bồ tát đản sanh trong khu vườn Uttaramadhura xinh đẹp và thù thắng.

Đời sống đế vương

Khi Bồ tát Maṅgala đến tuổi trưởng thành, Ngài bước lên ngai vàng, sống trong ba cung điện – cung điện Yasavanta nổi tiếng, cung điện Rucimanta khả ái và cung điện Sirimanta lộng lẫy – cùng với chánh hậu Yasavatī với ba mươi ngàn nữ tỳ trang điểm lộng lẫy vây quanh. Như thế, Bồ tát thọ hưởng phú quý xa hoa như những khoái lạc ở cõi chư thiên trong chín ngàn năm

Sự xuất gia

Khi hoàng hậu Yasavatī hạ sanh hoàng tử tên là Sīlava, Bồ tát thấy bốn điềm tướng: một người già, một người bịnh, một người chết và một vị Sa-môn; Ngài bèn từ bỏ thế gian, ra đi với con tuấn mã Pandara và trở thành vị Sa-môn.

Ba mươi triệu người theo gương Ngài đều xuất gia Sa-môn.

Cùng với ba chục triệu vị Sa-môn này, Bồ tát Maṅgala thực hành pháp khổ hạnh (dukkaracariyā) trong tám tháng. Vào ngày rằm tháng tư (Vesākha) khi sắp thành đạo, Ngài độ món cơm sữa do Uttarā, con gái của một vị trưởng giả ở ngôi làng Uttara dâng cúng. Sau khi trải qua suốt ngày trong rừng cây sa-la, Ngài rời bỏ chúng Sa-môn và một mình đi đến cây đại bồ đề vào lúc chiều tối. Trên đường đi Ngài nhận tám nắm cỏ do một người dị giáo tên Uttara dâng cúng.

Ngay khi vừa rải mớ cỏ dưới cội cây bồ đề tên Nāga thì Vô địch bảo tọa (Aparajita) cao năm mươi tám hắc tay hiện ra.

Sự thành đạo

Ngồi kiết già trên bảo tọa, Bồ tát thể hiện tinh tấn ở bốn mức độ và chiến thắng Ma-vương cùng đông đảo binh ma. Rồi Ngài chứng Túc mạng thông (Pubbenivasa ñāṇa) trong canh đầu và Thiên nhãn thông (Dibbacakkhu ñāṇa) trong canh giữa. Trong canh cuối Ngài quán pháp Duyên (Paticcassamuppāda) khởi theo thứ tự xuôi và ngược. Sau đó Ngài nhập vào Tứ thiền qua pháp niệm Hơi thở (Ānāpāna); xuất khỏi Tứ thiền và quán về Ngũ uẩn, Ngài nhận biết rõ năm mươi đặc tánh liên quan đến sự sanh và diệt của các uẩn và phát triển tuệ Minh sát (Vipassanā) đến Chuyển tộc tuệ (Gotrabhu ñāṇa), chứng đắc A-la-hán đạo tuệ (Arahatta-magga ñāṇa) và thông đạt tất cả mọi ân đức của một vị Phật. Ngài chứng đắc Phật quả tối thượng vào lúc mặt trời vừa mọc.

Hào quang cực kỳ sáng chói của thân

Hào quang của Đức Phật Maṇgala phát ra mạnh mẽ hơn hào quang của những vị Phật khác. Hào quang của những vị Phật khác phát ra một cách tự nhiên mà không có năng lực siêu nhiên chỉ xa khoảng tám mươi hắc tay hoặc một sãi tay. Nhưng hào quang của Đức Phật Maṅgala chiếu sáng cả đêm lẫn ngày khắp mười ngàn thế giới. Do sáng chói như vậy, không chỉ tất cả những vật chung quanh như cây cối, đất đai, rừng núi, sông biển, v.v… được chiếu sáng. Nhưng người ta nói rằng, ngay cả nồi chảo bị dính bụi và bám khói đen cũng được chiếu sáng tựa như chúng được phủ bên ngoài một lớp vàng.

Thọ mạng của dân chúng trong thời kỳ của Đức Phật Maṅgala là chín chục ngàn năm, và trong suốt thời kỳ ấy mọi thứ đều có sắc vàng như vậy. Suốt thời kỳ giáo pháp của Ngài mặt trăng, mặt trời, các tinh tú đều không có ánh sáng. Vì không có ánh sáng của mặt trời nên người ta không thể phân biệt giữa ngày và đêm. Tuy nhiên, dân chúng đi lại làm việc bằng ánh sáng tỏa ra từ Đức Phật. Người ta phân biệt ngày và đêm nhờ nghe tiếng chim hót báo hiệu một ngày mới và nhìn vào những loại hoa thường nở vào lúc chiều tối.

Câu hỏi có thể đặt ra, phải chăng những vị Phật khác không có những năng lực như vậy? Câu trả lời là: Không phải thế. Thực ra, các Ngài đều có những năng lực như vậy. Các Ngài có thể tỏa hào quang chiếu khắp mười ngàn thế giới nếu các Ngài muốn. Các vị Phật khác có hào quang tự nhiên phát ra từ thân chỉ trong một sải tay, thì hào quang từ thân của Đức Phật Maṅgala luôn tỏa ra chiếu khắp mười ngàn thế giới mà không cần phải chủ tâm tạo ra, vì đó là kết quả của ước nguyện mà Ngài đã thực hiện trong kiếp quá khứ.

Ước nguyện của Bồ tát Maṅgala trong một kiếp quá khứ

Khi Đức Phật Maṅgala còn là một vị Bồ tát trong một kiếp nọ giống như kiếp của Bồ tát Vessantara của chúng ta, Ngài sống với vợ và các con tại một nơi giống như Vaṅkapabbata.

Nghe tin Bồ tát bố thí rất rộng rãi, một vị dạ xoa nọ tên là Kharadāthika, giả dạng một Bà-la-môn đi đến xin hai đứa con trai và con gái của Ngài.

Bồ tát trao con trai và con gái của Ngài cho vị Bà-la-môn một cách hoan hỷ nhất và đại địa rộng hai trăm bốn chục ngàn gāvuta (gāvuta – league = 1 lý = 3 dặm = 4,8km) đã rùng mình rung chuyển.

Khi đang đứng tựa vào tấm ván bên con đường mòn, dạ xoa nuốt chửng hai đứa bé vào miệng và nhai chúng tựa như đang nhai những ngó sen, trong khi Bồ tát đứng nhìn chăm chú.

Khi nhìn như vậy, Ngài trông thấy máu tươi như những tia lửa phọt ra từ miệng của dạ xoa, nhưng chẳng chút sầu khổ nào khởi sanh trong Ngài. Thay vào đó, Ngài vô cùng hoan hỷ và hạnh phúc, nghĩ rằng “Đây là hành động bố thí tối thượng của ta.”

Rồi Bồ tát bày tỏ ước nguyện: “Do kết quả của hành động bố thí này, nguyện rằng trong tương lai thân của tôi sẽ phát ra những tia hào quang sáng rực như máu (từ miệng của dạ-xoa).” Cho nên ước nguyện ấy đã thành tựu vào lúc Ngài chứng đắc Phật quả, khiến hào quang sáng chói tự nhiên phát ra từ thân của Đức Phật Maṅgala chiếu khắp mười ngàn thế giới.

Ngoài ra, một ước nguyện khác được Đức Phật Maṅgala thực hiện trong một kiếp quá khứ – một thời nọ khi Ngài còn là Bồ tát, Ngài có cơ hội cúng dường đến bảo tháp của một vị Phật quá khứ. Khi nghĩ rằng: “Ta sẽ hy sinh mạng sống của ta đến Đức Phật Chánh Biến Tri.” Ngài đắp vào người mảnh vải đã được tẩm dầu. Ngài đổ đầy thục tô vào trong một cái bát bằng vàng, cái bát trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng. Trong cái bát vàng, Ngài thắp một ngàn cái tim bấc và đội bát lên đầu, Ngài đốt cháy cơ thể của mình và dành cả đêm nhiễu quanh bảo tháp thiêng liêng.

Tuy Bồ tát đảnh lễ đến rạng sáng, sức nóng không thể chạm đến ngay cả một sợi lông trên thân của Ngài, cứ như Ngài đang ngự giữa hoa sen đang nở. Quả thật vậy, bản chất của Pháp luôn hộ trì, ngăn chặn mọi nguy hiểm cho người thực hành pháp. Do đó, Đức Phật dạy rằng:

Dhammo have rakkhati dhammacārim

Dhammo suciṇṇo sukhaṃ avahati

esānisaṃsa dhamme suciṇṇe

na duggatiṃ gacchati dhammacāri.

Cũng do kết quả của việc phước này mà hào quang tự nhiên từ thân của Đức Phật Maṅgala chiếu khắp mười ngàn thế giới.

Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Maṅgala (Dhammābhisamaya)

Sau khi thành đạo, Đức Phật Maṅgala trải qua bảy chỗ, mỗi nơi bảy ngày gần cây bồ đề. Rồi Ngài nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên thuyết pháp độ sanh. Và khi quán xét xem sẽ thuyết pháp đến ai trước tiên, Ngài thấy ba chục triệu vị Sa-môn đã đắp y theo gương Ngài, các vị có nhân duyên đầy đủ (upanissaya) để chứng đắc Đạo Quả.

Khi nghĩ rằng sẽ thuyết pháp đến họ trước tiên, Đức Phật cũng xem xét về chỗ ngụ của họ và thấy rằng họ đang ngụ ở trong khu rừng Sirivana, thuộc thành phố Sirivaddhana, cách cây đại thọ bồ đề tám mươi gāvuta. Đức Phật mang y bát và vận dụng thần thông lập tức bay đến khu rừng Sirivana.

Khi nhìn thấy Đức Phật đang tiến đến, ba chục triệu vị Sa-môn với tâm tịnh tín đã ân cần đón tiếp Ngài, đỡ lấy y và bát từ tay Ngài, sữa soạn chỗ ngồi cho Ngài rồi cung kính làm lễ. Khi tất cả mọi phận sự của họ đối với Đức Phật đã được thực hiện xong, họ ngồi xuống ở nơi ngồi phải lẽ.

Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân theo đúng thông lệ của nhiều đời chư Phật. Kết quả là ba chục triệu vị tỳ khưu chứng đắc đạo quả A-la-hán. Chư thiên và nhân loại con số lên đến một trăm ngàn người được giác ngộ Tứ Diệu Đế (Họ được giải thoát)

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)

Ngay trước khi Đức Phật thuyết giảng A-tỳ-đàm, Ngài đang ngụ gần thành phố Citta, nơi Ngài đến khất thực. Như Đức Phật Gotama của chúng ta thị hiện Song thông gồm nước và lửa gần cây xoài của người làm vườn Kanda, gần cổng thành Sāvatthi, và đánh bại các ngoại đạo sư; Đức Phật Maṅgala cũng thị hiện Song thông sau khi đánh bại các ngoại đạo sư ở cổng thành Citta. Rồi Ngài đi đến cung trời Đao lợi thiên (Tāvasiṃsa), nơi đây Ngài ngồi trên tảng đá cẩm thạch paṇḍukambala, dưới cội cây Paricchattaka và thuyết Tạng A-tỳ- đàm đến chư thiên và Phạm thiên.

Lần thuyết pháp này có mười trăm ngàn triệu chư thiên và Phạm thiên giác ngộ Tứ Diệu Đế.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)

Trước khi Đức Phật Maṅgala xuất hiện, tại kinh đô Surabhi, nhà vua trị vì tên Sunanda, đã thực hiện các phận sự cần thiết để họach đắc xe báu (một trong bảy báu vật của vị Chuyển luân vương). Sau khi đã thành tựu các phận sự, thì xe báu xuất hiện đến đức vua.

Khi Đức Phật Maṅgala xuất hiện thì xe báu trượt đi khỏi chỗ của nó. Thấy vậy, vua Sunanda rất buồn phiền và hỏi các vị quan cố vấn: “Tại sao xe báu xuất hiện do năng lực phước báu của ta lại trượt khỏi chỗ của nó?”

Các vị Bà-la-môn đáp lại:

“Tâu bệ hạ, xe báu trượt đi vì mạng của vị Chuyển luân vương sắp kết thúc hoặc khi vị Chuyển luân vương trở thành vị Sa-môn, hay có Đức Phật xuất hiện.

“Chắc chắn bệ hạ không có sự kết thúc thọ mạng. Bệ hạ sẽ sống rất thọ.”

“Quả thật hiện giờ Đức Phật Maṅgala đã xuất hiện trong thế gian. Đó là lý do khiến xe báu của bệ hạ trượt đi.”

Sau khi nghe câu trả lời của các vị Bà-la-môn, Chuyển luân vương cùng với tùy tùng bày tỏ sự tôn kính đến xe báu rồi nói lời yêu cầu như vầy “Hỡi xe báu, do oai lực của Đức Phật Maṅgala, ta sẽ đến đảnh lễ Ngài. Xe báu! Hãy khoan biến mất.” Rồi xe báu trở lại chỗ cũ của nó.

Đầy vui sướng, Chuyển luân vương Sunanda cùng với số tùy tùng đông đảo chiếm đến ba mươi gāvuta (4,8km x 30 = 144km) , đi đến Đức Phật Maṅgala – Bậc đem lại hạnh phúc, may mắn cho toàn thể thế gian. Đức vua cúng dường vật thực dồi dào đến Đức Phật và chúng Tăng. Nhà vua dâng y bằng vải lụa Kāsi đến một trăm ngàn vị A-la- hán và tất cả những vật dụng cần thiết đến Đức Phật. Sau lễ bố thí,  nhà vua và hoàng tử Anurāja – con trai của Chuyển luân vương, ngồi  ở nơi phải lẽ để nghe Đức Phật thuyết pháp.

Đức Phật thuyết pháp tuần tự đến đại chúng do đức vua dẫn đầu. Sau thời pháp, đức vua và đoàn tùy tùng gồm chín trăm triệu người, tất cả chứng đắc Đạo Quả A-la-hán cùng với bốn Tuệ phân tích.

Khi xem xét những việc phước mà họ đã làm trong kiếp quá khứ, Ngài thấy những thiện nghiệp quá khứ của họ sẽ hóa ra y bát cho họ mà không cần tìm kiếm. Thế nên, Đức Phật duỗi cánh tay phải và nói rằng: “Etha Bhikkhavo – Hãy đến, này các tỳ khưu!”. Ngay tức thì tất cả hội chúng đều trở thành Sa-môn, tóc trên đầu của họ ngắn lại chỉ còn hai lóng tay, trên người có y và bát và có tướng mạo của những vị đại trưởng lão đã trải qua một trăm hạ lạp. Và cuối cùng họ vây quanh Đức Phật.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

Trong khi Đức Phật Maṅgala đang lưu trú ở thành phố Mekhala, thì hai đệ tử tương lai của Ngài – Sudeva và Dhammasena – mỗi người đều có một ngàn người bạn (theo Chú giải tiếng Sinhalese thì con số là mười ngàn), họ trở thành những vị thiện lai tỳ khưu trước Đức Phật. Khi họ chứng đắc Đạo Quả vào ngày rằm tháng giêng (Magha) thì Đức Phật ban lời chỉ giáo Ovāda Pātimokkha giữa hội chúng tỳ khưu gồm mười trăm ngàn triệu vị.

(Đây là Sannipāta lần thứ nhất)

Lại nữa, Đức Phật cũng tụng Pātimokkha trong một Đại hội Thánh Tăng khác gồm mười ngàn triệu vị, tất cả đều đã xuất gia tại đại hội quyến thuộc của Đức Phật, diễn ra ở khu vườn Uttara.

(Đây là Sannipāta lần thứ hai)

Giữa chín trăm triệu vị tỳ khưu tham dự đại hội, dẫn đầu là vị tỳ khưu trước kia là Chuyển luân vương Sunanda, Đức Phật đã tụng Pātimokkha.

(Đây là Sannipāta lần thứ ba)

Đức Phật Maṅgala thọ ký cho Bà-la-môn Suruci, tức Bồ tát Gotama

Vào thời của Đức Phật Maṅgala, Bồ tát của chúng ta là vị Bà-la- môn Suruci, ở ngôi làng Suruci. Ngài thông thạo các bộ kinh Phệ đà, bộ ngữ vựng (nighantu), tu từ học (ketubha), bộ văn phạm (akkharapabheda) và bộ sử thi (itihāsa).

Ngài rất thông thạo về nghệ thuật viết và đọc thơ (padaka) cũng như văn xuôi (veyyākarana).

Ngài thông thạo về triết học thế gian, không liên quan đến những vấn để tâm linh mà chỉ liên quan đến các công việc thế tục và cũng rành mạch khoa tướng học – biết rõ các tướng trên thân của bậc đại nhân.

Sau khi nghe bài pháp thoại của Đức Phật, Bà-la-môn Suruci khởi tâm tịnh tín và quy y Tam bảo. Rồi vị ấy thỉnh Đức Phật và chúng Tăng: “Xin thỉnh các Ngài đến nhà con thọ thực vào ngày mai.”

“Này Bà-la-môn, ngươi muốn thỉnh bao nhiêu vị tỳ khưu?” Đức Phật hỏi. “Bạch Đức Thế Tôn, có bao nhiêu vị tỳ khưu ạ?” “Có tất cả mười trăm ngàn triệu”. “Thế thì bạch Thế Tôn, con xin thỉnh tất cả. Xin hãy thọ lãnh lễ cúng dường vật thực của con.” Đức Phật im lặng nhận lời.

Sau khi thỉnh Phật và chúng Tăng, Bồ tát về nhà và suy nghĩ như vầy: “Về vật thực và y phục thì ta có thể bố thí đủ cho chừng ấy tỳ khưu. Nhưng làm sao có thể sắp xếp đủ chỗ ngồi cho các Ngài đây?”

Ý nghĩ của Bồ tát khiến chỗ ngồi của Sakka, vua của chư thiên, cao tám mươi bốn ngàn gāvuta ở trên núi Tu-di nóng lên.

Rồi Sakka suy xét: “Kẻ nào đã làm cho ta rời khỏi chỗ này?” Khi vị ấy tìm kiếm nguyên nhân thì trông thấy Bà-la-môn Suruci. Đế Thích suy nghĩ: “Vị Bồ tát này đã thỉnh chư Tăng, có Đức Phật dẫn đầu đến nhà thọ thực và đang lo lắng về chỗ ngồi và các tiện nghi khác. Ta sẽ đến đó và tham dự một phần công đức.” Đế Thích hóa thành người  thợ mộc với cây rìu trong tay và xuất hiện trước mặt Bồ tát.

Người thợ mộc, tức Sakka, dò hỏi: “Có việc gì cho tôi làm không, thưa Ngài.” Trông thấy người thợ mộc, Bồ tát hỏi: “Ông có thể làm được những gì?” “Không có việc gì mà tôi không biết làm. Nếu có ai muốn xây dựng nhà mát, cung điện hay bất cứ công trình xây dựng nào khác thì đó là công việc của tôi.” “Thế thì tôi có một số công việc dành cho ông đây.” “Việc gì thế?” “Tôi đã thỉnh mười trăm ngàn triệu vị tỳ khưu đến thọ thực vào ngày mai. Ông có thể dựng cho tôi một nhà mát để đón tiếp các Ngài.” “Được, tôi có thể, miễn sao ông trả công cho tôi.” “Này ông bạn, được thôi.” “Tốt lắm, tôi sẽ xây dựng nó đúng với tiền công mà ông trả cho tôi.” Đoạn Đế Thích nhìn quanh để tìm kiếm chỗ đất thích hợp.

Ngôi nhà châu báu mọc lên từ lòng đất

Chỗ đất rộng mười hai gāvuta mà Đế Thích đã chọn trở nên bằng phẳng như đề mục Kasina. Rồi Đế Thích nhìn quanh và ước nguyện: “Xin cho nhà đại giải ốc bằng bảy loại châu báu, tráng lệ và xinh đẹp hiện ra từ lòng đất.” Và trong khi vị ấy nhìn vào đó thì đại giả ốc bằng bảy báu từ dưới đất trồi lên. Những cột trụ bằng vàng của nó có những cái bình đựng hoa sen bằng bạc; những cột trụ bằng bạc thì có những cái bình đựng hoa sen bằng vàng; những cột trụ bằng hồng ngọc có những cái bình đựng hoa sen bằng san-hô; những cột trụ bằng san hô thì có những cái bình đựng hoa sen bằng hồng ngọc; và những cột trụ bằng bảy báu thì có những cái bình hoa sen bằng bảy báu.

Nhân đó, Đế Thích nhìn vào đại giả ốc và ước nguyện: “Xin hãy xuất hiện những dãy chuông bằng vàng treo lơ lửng giữa cột này với cột kia.” Khi vị ấy đang nhìn thì những dãy chuông bằng vàng treo lơ lửng giữa cột trụ này với cột trụ kia xuất hiện. Những làn gió nhẹ lùa qua làm những cái chuông treo làm phát ra âm thanh nhẹ nhàng như âm thanh phát ra từ năm loại nhạc cụ mà chư thiên ở cõi trời biểu diễn trong buổi hòa nhạc.

Đế Thích tiếp tục ước nguyện: “Xin cho những chuỗi vật thơm, những tràng hoa và những chuỗi lá ở cõi chư thiên hãy buông xuống.” Ngay khi ấy những chuỗi vật thơm, hoa và lá ở cõi chư thiên xuất hiện.

Lại nữa, vị ấy ước nguyện: “Xin cho những chỗ ngồi dành cho mười trăm ngàn triệu vị tỳ khưu, những tấm trải đắt giá và những cái đế để bát, hãy từ đất mà hiện lên.” Ngay tức thì những thứ ấy xuất hiện.

Đế Thích ước nguyện tiếp: “Những cái chum khổng lồ ở mỗi góc hãy hiện ra.” Ngay tức thì những cái chum đựng nước khổng lồ xuất hiện.

Khi tất cả mọi thứ đã được hình thành, Đế Thích đi đến Bồ tát và nói rằng: “Nào, thưa ông Bà-la-môn, hãy nhìn xem giả ốc và hãy trả tiền đúng mức cho tôi.” Bồ tát đi đến giả ốc và toàn thân của Ngài tràn ngập năm loại hỷ lạc khi ngắm nhìn giả ốc.

Lễ Đại thí

Khi Bồ tát ngắm nhìn đại giả ốc, Ngài chợt nghĩ: “Con người  không thể làm được đại giả ốc này. Do ước muốn thiện lành của ta là tổ chức một cuộc bố thí vĩ đại và những đức tánh của ta, chắc chắn chỗ ngồi của Đế Thích đã nóng lên. Sự nóng bức này ắt đã dẫn Đế Thích, vua của chư thiên, đến xây dựng đại giả ốc này. Có được đại giả ốc như thế này mà ta bố thí cúng dường trong một ngày thì thật không thích hợp. Ta sẽ thực hiện cuộc bố thí cúng dường to lớn trong bảy ngày.” Rồi vị ấy đón tiếp chúng Tăng có Đức Phật dẫn đầu vào đại giả ốc trong bảy ngày và cúng dường đến các Ngài món cơm sữa được nấu rất công phu.

Khi món cơm sữa được dâng cúng, vì loài người không đủ khả năng để phục vụ hết chúng Tăng. Do đó, bên cạnh mỗi người đều có một vị thiên tham dự vào công việc phục vụ. Một khu vực rộng mười hai hoặc mười ba gāvuta không đủ rộng để chứa hết tất cả các vị tỳ khưu. Do đó, các Ngài phải vận dụng thần thông để đi vào chỗ ngồi của mình.

Sự cúng dường vật thực làm thuốc chữa bệnh và tam y

Thời gian cúng dường vật thực đã qua, tất cả bình bát của các vị tỳ khưu đều được rửa sạch. Bồ tát lại cúng dường vật thực làm thuốc chữa bịnh bằng cách bỏ đầy bát của các Ngài bơ, sữa, mật ong, mật đường và cũng cúng dường những bộ tam y đến các Ngài. Những bộ tam y được dâng đến các vị tỳ khưu nhỏ hạ nhất trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng.

Đức Phật Maṅgala công bố lời tiên tri

Khi Đức Phật Maṅgala đang ban thời pháp thọai để tán dương về những vật thí được cúng được đến Ngài, bằng trí tuệ nhìn về tương lai, Đức Phật suy xét: “Người này đã thực hiện hành động bố thí vĩ đại, tương lai người ấy sẽ thành đạt quả gì?” Rồi Đức Phật thấy trước rằng, vị này nhất định sẽ thành Phật tên là Gotama trong một hiền kiếp sau hai A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp kể từ hôm nay. Đức Phật gọi Bà-la-môn Suruci và nói lời tiên tri: “Khi hai A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp đã trôi qua, ngươi nhất định sẽ thành Phật tên là Gotama.”

Nghe lời tiên tri của Đức Phật Maṅgala, Bồ tát phấn khởi và vui sướng, rồi chợt nghĩ: “Đức Phật đã tiên tri rằng ta chắc chắn sẽ thành Phật, vậy đời sống tại gia còn có ích gì đối với ta. Ta sẽ xuất gia ngay bây giờ.” Sau khi từ bỏ tài sản của một vị Bà-la-môn giàu có, tựa như nhổ nước bọt, Bồ tát xuất gia tỳ khưu dưới chân Đức Phật Maṅgala, thông thuộc Tam tạng kinh điển, chứng đắc Bát thiền và Ngũ thông. Nhờ không bị hoại thiền nên sau khi thân họai mạng chung, Bồ tát tái sanh vào cõi Phạm thiên.

Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Maṅgala

Nơi sanh của Đức Phật Maṅgala là Uttara.

Phụ vương là vua Uttara và mẹ là hoàng hậu Uttarā.

Hai đại đệ tử là Trưởng lão Sudeva và Dhammasena.

Thị giả là Trưởng lão Pālita.

Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão Ni Sivalā và trưởng lão ni Asokā.

Cây giác ngộ là cây Nāga.

Hai cận sự nam là trưởng giả Nanda và trưởng giả Visakha. Hai cận sự nữ là Anulā và Sutanā.

Đức Phật Maṅgala cao tám mươi tám hắc tay. Hào quang từ thân của Ngài luôn luôn chiếu sáng rực rỡ khắp mười ngàn thế giới, đôi khi chúng còn chiếu xa hơn mười ngàn thế giới, nghĩa là hằng trăm ngàn thế giới.

Thọ mạng của dân chúng trong thời của Ngài là chín mươi ngàn năm, và Đức Phật đã sống suốt thời gian ấy, tế độ cho vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên, đưa họ ra khỏi những cơn lũ của luân hồi và đặt họ lên miền đất Niết bàn tịch tịnh.

Khi ở thế tục, Ngài sống trong ba cung điện bằng vàng: cung điện Yasavati, cung điện Rucimanta và cung điện Sirimanta. Ngài có ba chục ngàn cung nữ, chánh hậu là Yasavatī, con trai là Sīvala. Ngài trị vì trong chín ngàn năm.

Ngài đi xuất gia bằng con tuấn mã Pandava. Ngài ngụ ở khu vườn Uttara sau khi thành đạo.

Như những con sóng đại dương không thể nào đếm được, số Thanh văn đệ tử của Đức Phật Maṅgala cũng không thể nào ước lượng.

Suốt cuộc đời và thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Maṅgala, Bậc chuyên chở cả ba loại chúng sanh đến Niết bàn, không hề có một vị Sa-môn nào chết mà vẫn còn ô nhiễm (tất cả đều là những vị A-la-hán và đã viên tịch khi hết thọ mạng).

Đức Phật Maṅgala có danh tiếng lớn và tùy tùng vô số kể, đã thắp lên ngọn đèn Chánh pháp và đã cứu độ hằng hà chúng sanh khỏi những cơn lũ của luân hồi đến bờ bên kia của Niết bàn tịch tịnh. Như một khối lửa khổng lồ rực sáng bị lịm tắt giống như mặt trời đã khuất bên kia bờ Tây – Đức Phật cũng vậy, đã viên tịch đại Niết bàn để chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên thấy rằng các pháp hữu vi là vô thường, khổ và vô ngã.

Khi Đức Phật Maṅgala vừa viên tịch, thì hào quang từ thân của Ngài cũng biến mất, và toàn thể mười ngàn thế giới trở nên tối đen. Tiếng ta thán của chúng sanh vang dội khắp các thế giới. 

Kinh cảm trí – Saṁvega

Oai lực vô song và tâm an định của Đức Phật Maṅgala, là tâm thông đạt Nhất thiết trí. Tất cả đều biến mất. Tất cả các pháp hữu vi quả thật vô dụng và không thực tánh!

Bảo tháp

Đức Phật Maṅgala, Bậc đã hoàn toàn giác ngộ Tứ Thánh đế, đã viên tịch Đại Niết bàn. Như vậy tại khu vườn Uttara (Uttara nghĩa là bậc nhất vì cây trong khu vườn ấy ra hoa và kết trái nhiều hơn các loại cây trong những khu vườn khác), một bảo tháp cao ba mươi do tuần đã được xây dựng để cúng dường Đức Phật Maṅgala.

Xá lợi bất hoại của Đức Phật, đúng với bản chất của những vị Chánh biến tri có thọ mạng lâu dài, vẫn rắn chắc như pho tượng không thể bị vỡ vụn. Những viên Xá lợi này được tôn trí trong bảo tháp và dân chúng từ khắp nơi trong xứ Diêm phù đã hoàn thành công trình xây dựng bảo tháp bằng bảy loại đá quí.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app