F.   Mười lăm Hạnh (Carana) và năm Thắng trí (Abhiññā) cùng với những chi pháp của chúng

Cũng như Quán sát trí, mười lăm loại Hạnh và năm Thắng trí cùng với những chi pháp của chúng hình thành nền tảng của các pháp pāramī.

Mười lăm Hạnh (carana) là:

(1)   Sīla saṁvara – Giới thu thúc

(2)  Indriyesu guttadvarata – Sự đóng kỹ các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) bằng chánh niệm để bọn cướp dưới dạng những hành động ác không thể đột nhập vào tâm.

(3)   Bhojanamattaññuta – Tiết độ trong thọ thực

(4)   Jagariyānuyoga – Trong sáu phần thời gian của ngày và đêm: sáng, trưa, chiều, canh một, canh hai và canh cuối của đêm, chỉ ngủ trong canh hai, còn năm canh còn lại thì hành thiền với hai oai nghi là ngồi và đi kinh hành.

(5-11) Bảy đức tánh: tín, tấn, niệm, tuệ, văn, tàm và quý.

(12-15) Bốn thiền (sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền).

Trong mười lăm carana, các thành phần của bốn hạnh đầu tiên là mười ba pháp đầu đà (dhutaṅga) và những đức tánh như tri túc, thiểu dục, v.v….

Trong bảy đức tánh:

a)    Các yếu tố hình thành đức tin là:

(i)   Buddhānussati – Niệm Phật.

(ii)   Dhammānussati – Niệm Pháp.

(iii)   Saṅghānussati – Niệm Tăng.

(iv)   Sīlānussati – Niệm giới.

(v)    Cāgānussati – Niệm xả ly.

(vi)    Devatānussati – Niệm chư thiên.

(vii)    Upasamānussati – Niệm tịch tịnh.

(viii)   Lukhapuggala parivajjana – Không thân cận với người thô lỗ, người không có đức tin.

(ix)   Siniddha-puggala – Thân cận với những người hòa nhã, có đức tin.

(x)   Pasādanīya dhamma paccavekkhanā – Quán các pháp làm khởi dậy niềm tịnh tín.

(xi)     Tadadhimuttatā – Có khuynh hướng khởi dậy niềm tin trong mọi oai nghi. 

b)        Các yếu tố hình thành chánh niệm:

 (i)      Chánh niệm và giác tỉnh trong bảy tư thế như đi tới, đi lui, v.v….

(ii)      Không thân cận với những người chểnh mảng, thiếu thận trọng.

(iii)     Thân cận với những người có chánh niệm.

(iv)     Có khuynh hướng khởi lên chánh niệm trong mọi oai nghi.

c-d) Các thành tố của tàm và quý:

(i)      Quán về khổ nạn do ác nghiệp gây nên.

(ii)      Quán về những thân phận khốn khổ trong bốn khổ cảnh.

(iii)      Quán về đặc tánh nâng đỡ của phước.

(iv)   Không thân cận với những người không có tàm quý.

(v)       Thân cận với những người có tàm quý.

(vi)   Có khuynh hướng tu tập về tàm và quý.

e)   Các yếu tố tạo nên sự đa văn là:

(i)       Kiếp trước thường cố gắng học hỏi.

(ii)      Thường hay tìm tòi học hỏi.

(iii)      Thân cận với người thực hành thiện pháp.

(iv)  Tầm cầu kiến thức chánh đáng.

(v)       Có sự chín chắn về các quyền như tín quyền, v.v….

(vi)      Tránh xa phiền não.

(vii)   Không thân cận với những kẻ ngu dốt.

(viii) Thân cận với những bậc đa văn; và

(ix)   Có khuynh hướng mở rộng kiến thức trong tất cả mọi oai nghi.

f)   Các yếu tố làm khởi sanh tinh tấn:

 (i)      Quán về những khổ nạn trong bốn khổ cảnh.

(ii)      Quán về những lợi ích của sự nỗ lực tinh tấn.

(iii)     Quán về tánh chất khả ái của con đường mà các bậc giới đức như Đức Phật, v.v… đã đi qua.

(iv)     Tôn kính vật thí bằng cách siêng năng thực hành chánh pháp.

(v)      Quán về di sản cao quý của chánh pháp .

(vi)     Quán Đức Phật là bậc Tối thượng sư.

(vii)    Quán rằng ta là người thuộc dòng dõi của Đức Phật.

(viii)    Quán những đức tánh cao quý trong Pháp bảo.

(ix)      Không thân cận những kẻ lười biếng.

(x)       Thân cận những bậc chuyên cần, tinh tấn và

(xi)      Có khuynh hướng phát triển tinh tấn trong mọi oai nghi.

g) Các thành tố của trí tuệ:

(i)    Suy đi xét lại về các uẩn (khandha), các xứ (āyatana), các giới (dhatu), v.v… của chính mình;

(ii)     Giữ trong sạch các vật trong thân và ngoài thân;

(iii)    Giữ quân bình giữa tín và tuệ, giữa tấn và định đúng như câu nói:

“Đức tin thái quá dẫn đến ngoan đạo thái quá.

Trí tuệ thái quá dẫn đến xảo biện.

Tinh tấn thái quá dẫn đến phóng dật.

Định thái quá dẫn đến hôn muội.

Không bao giờ có niệm thái quá.”

(iv)    Không thân cận với những kẻ ngu si;

(v)     Thân cận với các bậc trí tuệ;

(vi)    Quán về tánh đa dạng của trí tuệ thâm sâu liên quan đến các pháp vi diệu như uẩn, v.v… và

(vii)      Có khuynh hướng phát triển trí tuệ trong mọi oai nghi.

h)    Các yếu tố để thành tựu bốn tầng thiền:

(i)              Bốn hạnh đầu tiên bắt đầu bằng sự trì giới.

(ii)            Phần đầu của thiền chỉ và

(iii)         Năm pháp tự tại (vasibhava)

Qua các hạnh (carana) và các thắng trí (abhiññā), người ta có thể đạt được sự nỗ lực thanh tịnh (payoga-suddhi) và thiên hướng thanh tịnh (āsaya-suddhi). Qua sự nỗ lực thanh tịnh, người ta có thể thực hiện vô úy thí (abhaya-dāna) đến chúng sanh. Qua thiên hướng thanh tịnh, người ta có thể thực hiện tài thí (āmisa dāna), và qua sự thanh tịnh của cả hai, Pháp thí (dhamma-dāna) có thể xảy ra.

Bằng cách này, người ta có thể hiểu cách mà các Hạnh và các Thắng trí hình thành những pháp cần thiết để thành tựu các pháp pāramī.

7.  Những yếu tố nào làm ô nhiễm các pháp Pāramī?

Về câu hỏi: “Những yếu tố nào làm ô nhiểm các pháp pāramī?” Câu trả lời chung chung là: Cho rằng các pháp pāramī là “ta”, “của ta” và “tự ngã của ta” do ái dục, ngã mạn và tà kiến, là nguyên nhân làm ô nhiễm các pháp pāramī.

Tuy nhiên, câu trả lời chính xác theo từng trường hợp đặc biệt là:

(i)     Tâm phân biệt vật thí này với vật thí kia, người thọ thí này với người thọ thí kia, là nguyên nhân làm ô nhiễm Bố thí Ba-la-mật. (Vị Bồ tát trong khi thực hành Bố thí Ba-la-mật không nên có sự phân biệt các loại vật thí mà vị ấy có và cũng không nên phân biệt người thọ thí thuộc đối tượng nào. Vị ấy không nên nghĩ về phẩm chất của vật thí, vật thí này quá thấp hèn; vật thí này quá cao sang. Vị ấy cũng không nên nghĩ về người thọ thí như: “Người này không có giới, ta không thể cho họ.” )

Những ý nghĩ phân biệt như vậy sẽ làm cho Bố thí Ba-la-mật trở nên bất tịnh.

(ii)    Tâm phân biệt giữa các loại chúng sanh và giữa các trường hợp gây nên sự ô nhiễm cho Giới Ba-la-mật (Giới Ba-la-mật nên được thực hành bất chấp các loại chúng sanh và trường hợp nào, khi nghĩ rằng: “Ta chỉ kiên tránh sát sanh loại chúng sanh đó mà không kiên tránh sát sanh đối với những loại chúng sanh khác. Ta sẽ thọ trì các điều học chỉ trong trường hợp đó, các trường hợp khác thì không.” Suy nghĩ phân biệt như vậy sẽ làm ô nhiễm Giới Ba-la-mật).

(iii)    Nghĩ rằng hai loại dục (vật dục – vatthu-kāma và phiền não dục – kilesa-kāna) và tam giới (dục giới, sắc giới và vô sắc giới) là khả ái, khả lạc. Sự chấm dứt dục lạc và sanh hữu là không khả ái, không khả lạc. Ý nghĩ như vậy là nguyên nhân làm ô nhiễm Xuất gia Ba-la-mật.

(iv)    Ý nghĩ sai lầm về ‘ta’ và ‘cái của ta’ là nguyên nhân ô nhiễm Trí tuệ Ba-la-mật.

(v)   Những ý nghĩ lười biếng làm khởi sanh hôn trầm, thụy miên và trạo hối là nguyên nhân ô nhiễm Tinh tấn Ba-la-mật.

(vi)    Những ý nghĩ phân biệt mình và kẻ khác (như những người của ta và những người của họ) là nguyên nhân ô nhiễm Nhẫn nại Ba- la-mật.

(vii)   Những điều chưa thấy, chưa nghe, chưa xúc chạm và chưa biết mà nói rằng đã thấy, đã nghe, đã xúc chạm và đã biết. Những điều đã thấy, đã nghe, đã xúc chạm và đã biết mà nói rằng chưa thấy, chưa nghe, chưa xúc chạm và chưa biết là nguyên nhân ô nhiễm Chân thật Ba-la-mật.

(viii)   Nghĩ rằng các pháp cần thiết cho sự giác ngộ, các pháp Ba-la- mật và các hạnh là không lợi ích và những pháp đối nghịch với chúng là có lợi ích. Ý nghĩ như vậy là nguyên nhân ô nhiễm Chí nguyện Ba-la-mật.

(ix)         Nghĩ về người hộ độ của ta và người không hộ độ ta (người thân quen hoặc không thân quen) là nguyên nhân ô nhiễm Từ ái Ba- la-mật.

(x)         Tâm phân biệt các cảnh khả ái với các cảnh không khả ái mà người ta trải qua là nguyên nhân ô nhiễm Xả Ba-la-mật.

8.   Những yếu tố nào làm thanh tịnh các pháp Pāramī ?

Đối với câu hỏi ‘Những yếu tố nào làm thanh tịnh các pháp Ba-la- mật?’ Câu trả lời là: “Không bị hủy hoại, lấm nhơ bởi ái dục, ngã mạn và tà kiến, và (như đã trình bày ở trên) không có những ý nghĩ phân biệt giữa các vật thí và giữa những người thọ lãnh, hình thành nguyên nhân làm thanh tịnh các pháp Ba-la-mật.

Thực tế thì các pháp Ba-la-mật được thanh tịnh chỉ khi nào chúng không bị ô nhiễm bởi các phiền não như ái dục, ngã mạn, tà kiến, v.v… và không có những ý nghĩ phân biệt về các loại vật thí và các đối tượng thọ nhận.

9.    Những yếu tố nào đối nghịch với các pháp Pāramī ?

Đối với câu hỏi: “Những yếu tố nào đối nghịch với các pháp Ba-la- mật?” Câu trả lời là: “Xét chung thì tất cả những yếu tố gây ô nhiễm và tất cả những pháp bất thiện là những pháp đối nghịch với các pháp Ba-la-mật.”

Xét chi tiết thì ái đối với vật thí và tánh keo kiệt là pháp đối nghịch với Bố thí Ba-la-mật. Những hành động bất thiện về thân, ngữ và ý là pháp đối nghịch với Trì giới Ba-la-mật. Tâm vui thích trong các cảnh dục, các phiền não dục và các sanh hữu là pháp đối nghịch với Xuất gia Ba-la-mật. Si mê quá độ là pháp đối nghịch với Trí tuệ Ba-la-mật. Tám trường hợp lười biếng đã được kể ra ở trước là những pháp đối nghịch với Tinh tấn Ba-la-mật. Tâm cố chấp do tham muốn các cảnh vừa lòng hoặc giận ghét các cảnh trái ý là pháp đối nghịch với Nhẫn nại Ba-la-mật. Không nói lời chân thật là pháp đối nghịch với Chân thật Ba-la-mật. Không có khả năng thắng phục các pháp đối nghịch với các pháp Ba-la-mật (không thực hành chúng một cách thành công) là pháp đối nghịch với Chí nguyện Ba-la-mật. Chín hình thức làm sanh khởi hận thù là pháp đối nghịch với Bác ái Ba-la-mật. Không có cái nhìn bình thản trước các cảnh vừa lòng và Phật ý là pháp đối nghịch với Xả Ba-la-mật.

Chi tiết hơn:

(i)       Luyến ái các vật thực cho đi (lobha – tham), không có thiện cảm với những người thọ nhận (dosa – sân) và không hiểu biết về bố thí và những quả phước của nó (moha – si mê) là những pháp đối nghịch với pháp Bố thí. Chỉ khi nào vắng mặt những trạng thái tham, sân và si như vậy thì sự bố thí mới được thành tựu mỹ mãn.

(ii)      Thập ác nghiệp là những pháp đối nghịch với Giới Ba-la-mật vì sự thọ trì giới được thành tựu chỉ khi nào người ta thoát khỏi những điều ác về thân, ngữ và ý.

(iii)     Sự xuất gia là hành động cao quý, từ bỏ: các dục lạc, ngược đãi kẻ khác và tự làm khổ mình. Đắm chìm trong dục lạc (lobha), ngược đãi kẻ khác (dosa) và làm khổ mình (moha) là những pháp đối nghịch với Xuất gia Ba-la-mật.

(iv)    Trí tuệ đem lại ánh sáng cho những chúng sanh bị mù quáng bởi tham ái, sân hận và si mê. Do đó, ba yếu tố bất thiện này đối nghịch với Trí tuệ Ba-la-mật.

(v)      Qua tham ái, người ta lưỡng lự trước các việc phước. Qua sân hận người ta không thể an trú trong các phước thiện và qua si  mê, người ta không thể phấn đấu trong con đường chánh. Nhờ tinh tấn mà người ta làm các việc phước không chùn bước, an trú trong chúng và tiến bộ theo phương hướng đúng đắn. Do đó, ba yếu tố bất thiện này đối nghịch với Tinh tấn Ba-la-mật.

(vi)     Chỉ do nhẫn nại, người ta khiến tham ái vắng mặt đối với những cảnh vừa lòng và khiến sân hận bị loại trừ đối với những cảnh trái ý. Nhờ vậy, người ta có thể nhận biết tánh vô ngã và trống rỗng của các hiện tượng tự nhiên. Như vậy tham, sân và si không thể nhận biết bản chất không của các hiện tượng pháp, nên chúng là những pháp đối nghịch với Nhẫn nại Ba-la-mật.

(vii)     Không có chân thật, người ta có thể thiên vị do luyến ái đối với những người tốt với mình, hoặc giận ghét vì họ đã làm hại mình. Trong những hoàn cảnh như vậy, chân thật không thể hiện hữu một cách mạnh mẽ. Chỉ bằng pháp chân thật, người ta mới có thể thoát khỏi sự thiên vị do tham, sân hoặc si, là những pháp ngăn chặn sự hiện khởi của pháp Chân thật. Như vậy ba yếu tố bất thiện này là những pháp đối nghịch với pháp Chân thật.

(viii)    Bằng chí nguyện, người ta có thể vượt qua những pháp thăng trầm của cuộc sống và giữ tâm kiên cố trong việc thực hành pháp Ba-la-mật. Do đó, tham, sân và si mê – là những pháp lụy đắm theo những thăng trầm của cuộc sống, là những pháp đối nghịch với Chí nguyện Ba-la-mật.

(ix)     Sự phát triển tâm từ có thể loại trừ những chướng ngại của con đường tiến bộ tâm linh. Do đó, ba yếu tố bất thiện này, tạo nên những chướng ngại, là những pháp đối nghịch với Bác ái Ba- la-mật.

(x)      Không có xả thì tham đối với những cảnh khả ái, và sân hận đối với những cảnh trái ý mà không thể loại trừ, ngăn chặn. Người ta cũng không thể nhìn đối cảnh với tâm bình thản. Chỉ khi có pháp Xả người ta mới nhìn đối cảnh với tâm bình thản được. Do đó, ba yếu tố bất thiện này là những pháp đối nghịch với Xả Ba-la-mật.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app