CHƯƠNG 7 – NHỮNG ĐIỂM CHÚ THÍCH VỀ CÁC PHÁP BA-LA-MẬT NHẰM ĐEM LẠI LỢI ÍCH CHO NHỮNG NGƯỜI CÓ CHÍ NGUYỆN THÀNH PHẬT

Chúng tôi xin kết thúc câu chuyện về đạo sĩ Sumedha ở đây để trình bày những chú thích cặn kẻ về mười pháp Ba-la-mật (như đã nêu ra trong chú giải của bộ Cariyā Piṭaka), nhằm mục đích đem lại lợi ích cho những ai có chí nguyện thành đạt mục tiêu tối thượng là Chánh Đẳng Giác (Nhất thiết trí) và giúp họ có thể có được sự thiện xảo trong hiểu biết thực hành và tích lũy những pháp cần thiết cho sự giác ngộ.

Ở chương này, những điểm sau đây sẽ được bàn đến:

  1. Thế nào là các pháp Pāramī (Ba-la-mật)?
  2. Tại sao chúng được gọi là Pāramī?
  3. Có bao nhiêu pháp Pāramī?
  4. Các pháp Pāramī được sắp xếp như thế nào?
  5. Thế nào là tướng trạng, phận sự, thành quả và nhân cần thiết của các pháp Pāramī?
  6. Những điều kiện cơ bản của các pháp Pāramī là gì?
  7. Các yếu tố nào làm ô nhiễm các pháp Pāramī?
  8. Các nhân tố làm trong sạch các pháp Pāramī là gì?
  9. Những pháp đối nghịch với các pháp Pāramī là gì?
  10. Phương pháp thực hành chi tiết của các pháp Pāramī là gì?
  11. Sự phân tích đầy đủ các pháp Pāramī như thế nào?
  12. Sự tóm tắt các pháp Pāramī như thế nào?
  13. Các yếu tố làm thành tựu các pháp Pāramī là gì?
  14. Thời gian cần thiết để thành tựu các pháp Pāramī là bao lâu?
  15. Những lợi ích phát sanh từ các pháp Pāramī là gì?
  16. Quả của các pháp Pāramī là gì?

 1.  Thế nào là các pháp Pāramī ?

Câu trả lời là: Những đức tánh như bố thí, trì giới, v.v… mà không bị hư hoại bởi ái dục, ngã mạn hoặc tà kiến, được thành lập dựa vào tâm Đại bi và Trí tuệ thiện xảo trong việc tầm cầu các phước lành thì được gọi là Pāramī.

 Giải thích thêm: Ái dục làm lấm nhơ sự bố thí do ý nghĩ: “Đây là  sự bố thí của ta.” Do ngã mạn: “Sự bố thí này do ta làm.” Do tà kiến: “Sự bố thí này là tự ngã của ta.” Sự bố thí như vậy được xem là đã bị lấm nhơ do ái dục, ngã mạn và tà kiến. Chỉ loại bố thí nào không bị lấm nhơ bởi ba pháp trên mới được xem là Pāramī. (Cách giải thích này áp dụng cho sự thọ trì giới và những pháp còn lại khác).

 Để được xem là Pāramī, những hành động tạo phước như dāna, sīla, v.v… không chỉ thoát khỏi sự nhiễm ô của ái dục, ngã mạn và tà kiến, mà còn phải dựa trên đức Đại bi (Mahā-karunā) và phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla-ñāṇa).

Đại bi – Mahā karunā

Vị Bồ tát nên đem hết khả năng của mình để khởi sanh tâm bi mẫn đối với tất cả chúng sanh, ở gần hoặc ở xa, tựa như tất cả họ đều là con ruột của vị ấy. Không phân biệt thân hay thù, vị ấy nên xem tất cả chúng sanh là những kẻ khổ đau tội nghiệp trong luân hồi, nơi đó họ ngày đêm bị thiêu đốt bởi các ngọn lửa tham, sân và si. Bởi các ngọn lửa sanh, lão, tử, sầu, bi, khổ và ưu. Quán như vậy, vị ấy nên khởi tâm bi mẫn mãnh liệt đối với họ. Tâm bi mẫn của vị ấy phải rộng lớn bao la để cứu vớt chúng sanh ra khỏi luân hồi, ngay cả hy sinh mạng sống của mình. Tâm bi mẫn như vậy được gọi là tâm đại bi, Mahā-karunā – nền tảng của tất cả các pháp pāramī.

Trong kiếp sanh làm đạo sĩ Sumedha, lúc gặp Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṅkāra), Bồ tát đã chứng đắc bát thiền và ngũ thông, và có thể chứng đắc đạo quả A-la-hán nếu Ngài muốn. Nhưng là một đại sĩ có lòng bi mẫn cao cả, Ngài chấp nhận chịu khổ trong luân hồi suốt bốn A-tăng-kỳ (asaṅkhyeyya) và một trăm ngàn đại kiếp thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, ngõ hầu giải thoát chúng sanh khỏi khổ đau. 

Phương tiện thiện xảo trí – Upāya-kosalla-ñāṇa

Đó là trí tuệ tinh thông trong sự thực hành các việc phước như dāna, sīla, v.v… nên nó trở thành phương tiện cơ bản và sự hỗ trợ để thành đạt Nhất thiết trí. Vị thiện nam tử có chí nguyện thành Phật nên chuyên tâm vào các việc phước như dāna, sīla, v.v… với mục tiêu duy nhất là chứng đắc Nhất thiết trí (người ấy không nên mong mỏi những điều mà dẫn đến đau khổ trong luân hồi). Trí tuệ giúp người ấy có thể hướng đến và khởi chí nguyện thành đạt Nhất thiết trí như là quả duy nhất của những việc phước của vị ấy thì được gọi là phương tiện thiện xảo trí, Upāya-kosalla-ñāṇa.

Đại bi (Mahā-karunā) và Phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla- ñāṇa) là hai pháp cơ bản cho sự chứng đắc đạo quả Phật và cho sự thực hành các pháp ba-la-mật. Người có chí nguyện thành Phật, điều đầu tiên là phải cố gắng để thành đạt hai pháp cơ bản này.

Chỉ những đức tánh như dāna, sīla, v.v… được tu tập dựa trên hai pháp cơ bản này mới là Ba-la-mật thực sự.

2.   Tại sao được gọi là Pāramī?

Người ta có lẽ hỏi rằng tại sao mười đức pháp như  dāna, sīla, v.v… được gọi là Pāramī.

Câu trả lời là: Tiếng Pāḷi ‘pāramī’ là sự kết hợp của ‘parama’ và ‘ī’. ‘Parama’ nghĩa là ‘tối cao’ và được dùng ở đây để nói đến chư Bồ tát, vì các Ngài là những chúng sanh cao thượng nhất, có những đức tánh siêu việt như dāna, sīla, v.v…

Vì các Ngài thực hành viên mãn và bảo vệ những đức pháp đặc biệt như dāna, sīla, v.v… vì sự xử sự của các Ngài thu hút và chiêu gọi chúng sanh đến bằng những đức pháp như dāna, sīla, v.v… vì các Ngài làm thanh tịnh cho người bằng cách đoạn trừ những pháp ô nhiễm của họ với tấm lòng tận tụy hết mình; vì các Ngài đặc biệt tiến đến Niết bàn tối thượng; vì do biết rõ kiếp hiện tại nên các Ngài biết được kiếp sau của chính mình; vì các Ngài thực hành các pháp như dāna, sīla, v.v… một cách siêu việt, tựa như chúng đã thấm sâu trong dòng tâm thức của các Ngài; vì các Ngài đã loại trừ và tiêu diệt đạo binh phiền não luôn đe dọa các Ngài. Thế nên các vị Bồ tát được gọi là ‘Parama’.

Không thể so sánh được với Bồ tát vì Ngài có những ân đức đặc biệt như dāna, sīla, v.v… Đây là lý do có những câu nói rằng: “Người này là vị Bồ tát; vị ấy là ‘bậc Parama’, một con người siêu việt.” Như vậy những đức pháp đặc biệt như danā, sīla v.v…, được gọi là ‘Parama’.

Lại nữa, chỉ có những vị Bồ tát mới có thể thực hiện các phước  lành như dāna, sīla, v.v… một cách phi thường. Cho nên những phước lành này được gọi là Ba-la-mật (Pāramī), nghĩa là những phận sự của các vị Bồ tát (Paramānaṃ kammaṃ Paramī) hay tài sản của các vị Bồ tát (Paramānaṃ ayaṃ Pāramī).

3.   Có bao nhiêu pháp Pāramī?

Theo đúng với giáo pháp thì: 

Dānaṃ sīlañ ca nekkhammaṃ, Paññā viriyena pañcamaṃ, Khantī saccaṃ’adhiṭṭhānaṃ, Mett’upekkhā ti te dasa. 

Có mười pháp Pāramī đó là: Bố thí, Giới, Xuất gia, Trí tuệ, Tinh tấn, Nhẫn nại, Chân thật, Chí nguyện, Tâm từ và Hành xả.

4.   Các pháp Pāramī được sắp xếp như thế nào?

Có năm cách sắp xếp theo thứ tự liên tiếp:

(1) Pavattikkama (Chuyển khởi thuận thứ)

(2) Pahānakkama (Xả đoạn thuận thứ)

(3) Paṭipattikkama (Hành đạo thuận thứ)

(4) Bhūmikkama (Địa thuận thứ)

(5) Desanākkama (Thuyết thị thuận thứ)

(1)   Pavattikkama: Liên quan đến thứ tự về các sự kiện đang xảy ra. Ví dụ: nói về sự thụ thai, kinh sách nói rõ rằng: “Paṭhāmaṃ kalalaṃ hoti, Kalalā hoti abbudaṃ,” v.v… Đối với các loại thai sanh thì thời kỳ thứ nhất là giai đoạn chất lỏng kalala tồn tại trong bảy ngày, thời kỳ thứ hai là giai đoạn chất bọt abbuda trong bảy ngày kế tiếp, thời kỳ thứ ba là giai đoạn pesi dưới dạng cục thịt, v.v… Đây là cách sắp xếp theo thứ tự các sự kiện thực sự xảy ra gọi là Chuyển khởi thuận thứ.

(2)   Pahānakkama: Liên quan đến thứ tự của sự đoạn trừ. Ví dụ: Nói về các phiền não, kinh sách giải rằng: “Dassanena pahātabbā dhammā, bhāvanāya pahātabbā dhammā,” v.v… Có những pháp phải được đoạn trừ bởi giai đoạn thứ nhất của con đường Đạo, có những pháp cần được đoạn trừ qua ba giai đoạn cao hơn của con đường Đạo. Hình thức thuyết giảng theo thứ tự, của những bước đoạn trừ được gọi là Xả đạo thuận thứ.

(3)  Paṭipattikkama: Liên quan đến sự hành đạo. Ví dụ: Bảy giai đoạn thanh tịnh gồm có giới thanh tịnh, tâm thanh tịnh, kiến thanh tịnh, v.v… Giai đoạn thứ nhất của pháp hành là làm thanh tịnh giới. Tiếp theo là sự thực hành để làm cho tâm thanh tịnh. Bằng cách này, những giai đoạn thanh tịnh phải tiến triển theo đúng thứ tự của chúng. Sự thuyết giảng theo thứ tự của pháp hành được gọi là Hành đạo thuận thứ.

(4)    Bhūmikkama: Liên quan đến thứ tự về các cõi. Thứ tự đầu tiên của pháp thuyết giảng là dục giới (kāmāvacara), tiếp theo là sắc giới (rūpāvacara), rồi đến vô sắc giới (arūpāvacara). Sự sắp xếp trong giáo pháp như vậy được gọi là Địa thuận thứ.

(5)    Desanākkama: Thêm vào bốn cách sắp xếp giáo pháp kể trên, còn có cách thứ năm mà trong đó các pháp như sắc uẩn (rūpakkhandha), thọ uẩn (vedanākkhandha), tưởng uần (saññākkhandha), v.v… được thuyết giảng theo thứ tự riêng vì lý do đặc biệt. Sự sắp xếp giáo pháp như vậy, được gọi là thứ  tự thuyết giảng của Đức Phật – Thuyết thị thuận thứ.

Trong bốn cách sắp xếp đầu, mỗi cách đều có lý do riêng của nó để đi theo một thứ tự đặc biệt, vì những giai đoạn hình thành thai nhi  thực sự xảy ra trong trình tự đó; vì những phiền não thực sự được đoạn trừ trong trình tự đó; vì những hành động làm thanh tịnh được thực hiện trong trình tự đó; hoặc vì các cõi thực sự ở trong thứ tự đó. Nhưng phương pháp thuyết giảng thứ năm, Thuyết thị thuận thứ (Desanākkama), Đức Phật có lý do đặc biệt, để áp dụng cách sắp xếp trong sự thuyết giảng mỗi nhóm pháp như năm uẩn (khandha), mười hai xứ (āyatana) v.v…

Trong chương về Pāramī, các pháp Ba-la-mật không được sắp xếp theo thứ tự của sự kiện xảy ra, theo sự đoạn trừ, sự hành đạo hoặc các cõi như trong bốn cách đầu tiên mà chúng được sắp xếp theo phương pháp thứ năm này, Thuyết thị thuận thứ (Desanākkama) do Đức Phật thuyết giảng vì lý do đặc biệt.

Có thể hỏi rằng: Tại sao Đức Phật sử dụng cách sắp xếp đặc biệt này, tức là bố thí, trì giới, xuất gia, v.v… mà không dùng cách sắp xếp nào khác trong việc thuyết giảng mười pháp Ba-la-mật?

Câu trả lời là: Khi Bồ tát, tức đạo sĩ Sumedha, lần đầu tiên suy xét về các pháp Pāramī cần được thực hành sau khi nhận được sự thọ ký, Ngài khám phá ra chúng trong một trình tự đặc biệt. Do đó, Ngài đã thực hành chúng theo trình tự ấy và sau khi chứng đắc thành Phật, Ngài thuyết giảng các pháp Pāramī cũng theo thứ tự mà Ngài đã từng thực hành.

Giải rõ hơn: Trong mười pháp Pāramī. Bố thí giúp phát triển Giới theo cách đặc biệt, ngay cả người không có giới (làm thí chủ trong trường hợp xuất gia sa-di của con trai ông ta) cũng có thể thọ trì giới mà không khó khăn gì và dễ thực hành bố thí hơn (dầu sự trì giới có thể khó thực hành đối với một người nào đó, nhưng sự bố thí thì không khó). Thế nên Bố thí Ba-la-mật (Dāna Pāramī) được nêu ra trước hết.

Chỉ có Bố thí dựa vào Giới mới có lợi ích nhiều nhất. Bởi vậy theo sau Giới là Bố thí.

Chỉ có Giới dựa vào sự Xuất ly mới có lợi ích nhiều nhất. Bởi vậy sự Xuất ly được thuyết giảng ngay sau Giới.

Tương tự, Xuất ly dựa vào Trí tuệ – Trí tuệ dựa vào Tinh tấn – Tinh tấn được dựa vào Nhẫn nại – Nhẫn nại dựa vào Chân thật – Chân thật dựa vào Chí nguyện – Chí nguyện dựa vào Bác ái – Bác ái dựa vào Hành xả mới có lợi ích nhiều nhất. Như vậy Hành xả được thuyết giảng sau Bác ái.

Hành xả có lợi ích chỉ khi nào nó dựa vào đức Bi mẫn. Các vị Bồ tát là những bậc đại sĩ, tất cả các Ngài đều có đức tánh cơ bản là tâm Đại bi.

Có thể đặt câu hỏi ở đây như thế này: Là những bậc có tâm đại bi, làm sao các vị Bồ tát có thể nhìn chúng sanh bằng tâm xả? (Một số vị A-xà-lê nói rằng: “Không phải trong tất cả mọi trường hợp và mọi lúc mà các vị Bồ tát sử dụng tâm xả đối với chúng sanh. Các Ngài làm như vậy chỉ khi nào cần thiết.”)

(Một số A-xà-lê khác thì nói rằng: “Các Ngài không tỏ thái độ xả đối với chúng sanh mà chỉ đối với những hành động xúc phạm của chúng sanh mà thôi). Như vậy đức Đại bi và Xả Ba-la-mật không đối nghịch nhau.

Một cách giải thích khác về thứ tự của các pháp Ba-la-mật

(1)   Dāna Pāramī – Bố thí được giảng dạy đầu tiên (a) vì nó có thể xảy ra trong nhiều người nên nó thuộc về tất cả chúng sanh; (b) vì nó không có nhiều quả như giới, v.v… và (c) vì nó dễ thực hành.

(2)    Sīla Pāramī – Giới được nêu ra ngay sau bố thí (a) vì giới làm thanh tịnh cho người bố thí và người thọ vật thí, (b) vì sau khi thuyết giảng, pháp đem lại lợi ích cho kẻ khác (như bố thí vật thực), Đức Phật dạy kiên tránh không làm khổ kẻ khác như sát sanh; (c) vì bố thí bao gồm hành động tích cực trong khi giới bao gồm sự thực hành kiên tránh, và Đức Phật muốn dạy sự kiên tránh sau khi dạy hành động tích cực (tức là bố thí); (d) vì bố thí dẫn đến sự thành đạt về của cải, còn giới dẫn đến tái sanh vào các cõi chư thiên và nhân lọai; (e) vì Ngài muốn giảng dạy về sự thành tựu ở cõi người và cõi trời sau khi dạy về sự thành đạt của cải.

(3)      Nekkhamma Pāramī – Xuất ly được đề cập ngay sau trì giới (a)    vì qua sự xuất ly, giới mới được thọ trì hoàn hảo; (b) vì Đức Phật muốn giảng dạy thiện hạnh của ý (qua sự xuất ly – sự xuất ly ở đây không những chỉ về sự từ bỏ của cải mà còn chỉ về sự đoạn trừ các phiền não trong tâm) ngay sau khi giảng dạy các thiện hạnh về thân và khẩu (qua giới); (c) vì sự chứng đạt thiền định (xuất ly) dễ dàng đến với người có giới thanh tịnh; (d) tội khởi sanh từ những hành động bất thiện (kamma-paradha) được đoạn trừ qua sự thọ trì giới. Nhờ vậy, sự thanh tịnh của thân và khẩu (payoga-suddhi) được thành tựu. Các phiền não trong tâm (kilesa-paradha) được đoạn trừ qua sự xuất ly. Nhờ vậy, thường kiến (sassata-ditthi) và đoạn kiến (uccheda-ditthi) được đoạn diệt và thiên hướng thanh tịnh (āsaya-suddhi) liên quan  đến Quán trí (Vipassanā-ñāṇa) và Nghiệp tác trí (Kammassakata- ñāṇa: trí thấy các hành động tạo nghiệp là tài sản của riêng mình) được thành tựu. Vì vậy Đức Phật muốn giảng dạy về sự thanh tịnh của trí do sự xuất ly, theo sau sự thanh tịnh của Giới (payoga-suddhi) (e) vì Đức Phật muốn dạy rằng sự đoạn trừ các phiền não trong tâm ở giai đoạn triền (pariyutthana) do sự xuất ly có thể chỉ xảy ra sau khi đoạn trừ các phiền não trong tâm ở giai đoạn vi phạm (vītikkama) do giới.

 –   Có ba giai đoạn trong việc sanh khởi của phiền não (i) giai đoạn ngủ ngầm (anusaya), (ii) giai đoạn triền (pariyutthana), phiền não hiển lộ ở cửa tâm, (iii) giai đoạn vi phạm (vītikkama) ở giai đoạn này, phiền não trở nên dữ dội và không thể kiểm soát được, chúng thể hiện qua hành động bất thiện về thân và lời nói.

 –    Sự thọ trì giới ngăn chặn không cho phiền não biến thành hành động bất thiện qua thân và khẩu. Đây là sự đoạn trừ tạm thời các phiền não (tadaṅga-pahana).

 –   Sự thực hành thiền định (samathabhāvana) đặc biệt ở giai đoạn đắc định, ngăn chặn sự sanh khởi của phiền não ở cửa tâm (giai đoạn triền). Đây là sự trấn phục xả đoạn (vikkhambhana-pahana).

    Phiền não hoàn toàn bị đoạn tận do đạo Tuệ. Ở giai đoạn này phiền não ngủ ngầm bị đoạn diệt hoàn toàn. Đây là sự xả đoạn khiến phiền não bị dập tắt vĩnh viễn (samuccheda-pahana).

(4)    Paññā Pāramī – Trí tuệ được nêu ra ngay sau pháp xuất ly (a) do trí tuệ nên sự xuất ly được hoàn hảo và thanh tịnh; (b) vì Đức Phật muốn dạy rằng không có trí tuệ nếu không có thiền jhāna (bao gồm sự xuất ly); (e) vì Ngài muốn dạy trí tuệ là nguyên nhân cần thiết của xả, ngay sau khi giảng dạy sự xuất ly là nguyên nhân cần thiết của sự định tâm; và (d) vì Ngài muốn dạy rằng chỉ sự xuất ly với mục đích đem lại phúc lạc cho chúng sanh mới có thể khởi sanh phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla-ñāṅa) để làm lợi chúng sanh .

(5)    Viriya Pāramī – Tinh tấn được nói đến ngay sau trí tuệ (a) vì trí tuệ được thành tựu do có tinh tấn (b) vì Đức Phật muốn dạy những điều kỳ diệu của tinh tấn vì lợi ích của chúng sanh sau khi dạy về trí tuệ là trí thông hiểu bản chất của thực tại là vô ngã (c) vì Ngài muốn dạy rằng nguyên nhân để thành đạt tinh cần ngay sau nguyên nhân xả, và (d) vì Ngài muốn dạy rằng những lợi ích đặc biệt chỉ phát sanh từ sự cố gắng tinh cần sau khi đã suy xét cẩn thận.

(6)    Khanti Pāramī – Nhẫn nại được đề cập ngay sau tinh tấn (a) vì nhẫn nại được thành tựu nhờ tinh tấn (vì chỉ có người tinh tấn mới có thể chịu đựng tất cả đau khổ mà vị ấy gặp phải); (b) vì Đức Phật muốn dạy rằng tinh tấn là vật trang sức của nhẫn nại (sự nhẫn nại của kẻ lười biếng không đáng được khen ngợi, anh ta làm như vậy vì anh ta không thể chiến thắng; ngược lại sự nhẫn nại của người tinh tấn thì đáng được khen ngợi dù anh ta đang ở địa vị của kẻ chiến thắng; (c) vì Ngài muốn giảng dạy nguyên nhân của định ngay sau khi giảng dạy nguyên nhân của tinh tấn (phóng dật do tinh tấn quá mức chỉ được đoạn trừ nhờ thông hiểu pháp qua sự quán xét về nó (dhammanijjhanakkhanti – pháp tự nhẫn); (d) vì Ngài muốn dạy rằng chỉ có người tinh tấn mới thường xuyên nỗ lực cố gắng (vì chỉ có người nhiều nhẫn nại mới không phóng dật và có thể thường xuyên làm các việc phước); (e) vì Ngài muốn dạy rằng khi có chánh niệm thì sự khao khát quả phước không khởi sanh trong lúc siêng năng làm việc phước lợi cho kẻ khác (khi quán về pháp để làm những công việc lợi sanh thì không thể có tham ái), và (f) vì Ngài muốn dạy rằng vị Bồ tát kham nhẫn chịu đựng nỗi khổ do kẻ khác gây ra, khi vị ấy không siêng năng làm việc phúc lợi cho kẻ khác (hãy đọc bằng chứng từ truyện bổn sanh Cūla Dhammapāla, v.v…)

(7)     Sacca Pāramī – Chân thật được nêu ra ngay sau nhẫn nại (a) nhờ pháp chân thật thì nhẫn nại mới duy trì được lâu dài, nghĩa là nhẫn nại chỉ tồn tại khi nào người ta có pháp chân thật; (b) vì sau khi nêu ra sự nhẫn nại đối với những điều sai trái kẻ khác gây ra, Đức Phật muốn dạy tiếp theo sau là cách mà vị Bồ tát giữ pháp chân thật với quyết định là cứu độ ngay cả những người đã vô ơn phản bội lại Bồ tát. (Vào lúc được thọ ký, Bồ tát khi phát nguyện thành Phật, Ngài nguyện cứu độ tất cả chúng sanh. Trung thành với chí nguyện bất di bất dịch của mình, Ngài cứu độ cho cả những kẻ đã làm khổ Ngài). Để chứng minh, trong bổn sanh Mahākāpi, câu chuyện thứ sáu của chương Timsa Nipāta. Câu chuyện kể về Bồ tát lúc Ngài sanh làm khỉ chúa, đã cứu một vị Bà-la-môn bị rơi xuống khe núi. Bị kiệt sức vì đã cật lực cố gắng cứu người đàn ông thoát khỏi nguy hiểm, Bồ tát tin tưởng người mà Ngài đã cứu, bèn gối đầu lên bụng của ông ta mà ngủ thiếp đi. Ác tâm sanh khởi (muốn ăn thịt kẻ đã cứu giúp mình), tên Bà-la-môn độc ác bèn lấy cục đá đập vào đầu của Bồ tát. Bồ tát không hề khởi chút sân hận mà nhẫn nại chịu đựng cơn đau do thương tích ở đầu và tiếp tục cố gắng giúp người đàn ông thoát khỏi hiểm nguy của thú rừng. Ngài dẫn người đàn ông ra khỏi rừng bằng cách chuyền từ cành cây này sang cành cây khác, để lại những giọt máu trên đất cho người đàn ông lần theo đó mà ra khỏi khu rừng (c) vì Ngài muốn cho thấy rằng vị Bồ tát vốn sẵn có lòng độ lượng bao dung sẽ không bao giờ từ bỏ pháp chân thật dù bị kẻ khác đối xử tệ hại hay xúc phạm, và

(d) vì sau khi dạy pháp thiền quán để tỏ ngộ lý vô ngã, Đức Phật muốn cho thấy trí tuệ về sự chân thật được tu tập qua quá trình suy quán ấy (dhammanijjhānakkhantī).

(8)    Adiṭṭhāna Pāramī – Chí nguyện được nêu ra ngay sau chân thật: (a) chân thật được thành tựu nhờ chí nguyện, nghĩa là sự từ bỏ gian dối được trọn vẹn khi người có chí nguyện quyết tâm nói lời chân thật trước sau như một, cho dù hy sinh cả sanh mạng của mình; (b) vì sau khi giảng dạy về sự chân thật, Ngài muốn dạy về sự trung thành tuyệt đối của vị Bồ tát đối với sự thật mà không chút dao động; và (c) vì sau khi dạy rằng chỉ những người có trí tuệ thấy rõ sự thật của các pháp, mới có thể nguyện thực hành các pháp Ba-la-mật đến chỗ viên thành. Ngài muốn dạy rằng những pháp cần thiết của Ba-la-mật có thể được tu tập viên thành nhờ trí tuệ thấy rõ chân lý.

(9)    Mettā Pāramī – Từ ái được nêu ra ngay sau chí nguyện: (a) vì sự tu tập từ ái giúp thành tựu chí nguyện độ sanh; (b) vì sau khi dạy về chí nguyện, Đức Phật muốn dạy pháp đem đến lợi ích cho chúng sanh theo đúng với chí nguyện của Ngài (vì vị Bồ tát trên bước đường thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, Ngài thường trú ở trong pháp bác ái); (c) vì khi người ta đã an trú vững chắc trong chí nguyện độ sanh, người ta có thể thực hiện chí nguyện ấy bằng pháp bác ái.

(10)    Upekkhā Pāramī – Hành xả được nêu ra ngay sau bác ái: (a) vì hành xả làm cho pháp bác ái trở nên thuần khiết (nếu người ta tu tập pháp bác ái mà không có hành xả, người ấy có thể bị dối gạt bởi tình thương thiên vị mang mặt nạ của bác ái). Chỉ khi nào người ta có tu pháp xả, khi ấy họ mới gạt bỏ được cái mặt nạ tham ái ấy; (b) vì sau khi giảng dạy cách đem lại phúc lợi cho chúng sanh bằng pháp bác ái, Đức Phật muốn dạy rằng hành xả phải được duy trì đối với những điều sai trái do chúng sanh đáp trả (vị Bồ tát làm công việc phúc lợi cho chúng sanh bằng pháp bác ái. Ngài giữ tâm bình thản, khoan dung, tha thứ cho tất cả chúng sanh khi họ xúc phạm, ngược đãi Ngài); (c) vì sau khi dạy pháp tu bác ái, Đức Phật muốn dạy về những lợi ích của nó. Vì chỉ sau khi tu tập bác ái, hành xả mới có thể tu tập thành công; (d) Đức Phật muốn dạy ân đức kỳ diệu của vị Bồ tát là vị ấy có thể giữ tâm bình thản ngay cả đối với những người tỏ thiện ý đến Ngài.

Như vậy bậc Đạo sư của chúng ta, Đấng giáo chủ của cõi Sa-bà, đã dạy pháp Ba-la-mật theo đúng trình tự của chúng, như đã mô tả ở trên được sắp xếp đúng nguyên tắc, không ra ngoài nguyên tắc hoặc tự tiện.

 5.  Thế nào là tướng trạng, phận sự, sự hiện khởi, và nhân cần thiết của các pháp Pāramī ?

Chúng ta sẽ bắt đầu phần này bằng những bài giải thích về tướng trạng, phận sự, thành quả và nhân cần thiết. Tiếp theo, chúng tôi sẽ bàn về định nghĩa và ý nghĩa chính của các pháp Ba-la-mật cùng với tướng trạng, phận sự, sự hiện khởi và nhân cần thiết chung và riêng của chúng.

Trí tuệ phá ngã kiến (atta-diṭṭhi) chỉ xảy ra nhờ sự thông đạt những thực tại cùng tột của danh (nāma) và sắc (rūpa) qua pháp quán mỗi thực tại về tướng trạng, phận sự, sự hiện khởi và nhân cần thiết của  nó. Tương tự, chỉ khi nào người ta biết được tướng trạng, phận sự, sự hiện khởi và nhân cần thiết chung và riêng của các pháp Ba-la-mật, khi đó người ta mới hiểu biết rõ ràng về chúng. Do đó, các bộ kinh thường mô tả bốn cách định nghĩa về các pháp Ba-la-mật.

Lakkhaṇa – Tướng trạng: Chú giải định nghĩa rằng: Sāmaññaṃ vā sabhāvo vā, dhāmmānaṃ lakkhanaṃ mataṃ – Tướng trạng có hai phương diện: (1) tướng chung (sāmañña) và (2) tướng riêng (sabhāva) (ví  dụ:  địa  đại  (paṭhavī)  có  hai  loại  đặc  tánh,  đó  là  (a)  thay đổi,  vô thường, bất toại nguyện, không chịu sự kiểm soát và (b) tánh cứng. Những đặc tánh trong phần (a) là chung đối với những đại khác, trong khi đó tánh cứng (b) là đặc tánh riêng của địa đại, những đại khác không có đặc tánh này).

Rasa – Phận sự: Chú giải định nghĩa rằng: Kiccaṃ vā tassa sampatti, rasati paridīpaye. Phận sự được giải thích cũng bằng hai cách: kicca sampatti. (1) Kicca rasa: phận sự cần phải làm, và (2) Sampatti rasa: phận sự thành tựu.

Paccupaṭṭhāna – Sự hiện khởi: Chú giải định nghĩa rằng: Phalaṃ va paccupaṭṭhānaṃ  upaṭṭhānākāropi  vā.  Bất  cứ  khi  nào  người  ta  quán xét sâu sắc về một đối tượng nào đó của tâm, điều gì thường xuất hiện trong tâm của người ấy liên quan đến bản chất của cảnh pháp (đối tượng của tâm) đang được suy xét, liên quan đến phận sự, nguyên nhân và kết quả của nó. Như vậy, bất cứ ai xuất hiện trong tâm của một người liên quan tới cảnh pháp anh ta đang nghĩ đến, được gọi thành quả hay sự hiện khởi.

Chú thích: Sự hiện khởi nên được hiểu là phala và upaṭṭhānākāra.

(a) phala: quả, là kết quả của các thực tại cùng tột và (b) upaṭṭhānākāra: sự vận hành hiện khởi trong tâm của hành giả (yogī). Bất cứ khi nào vị hành giả quán xét sâu sắc về một thực tại cùng tột nào đó, pháp liên quan đến bản chất, phận sự, nguyên nhân hoặc kết quả của thực tại ấy sẽ xuất hiện trong tâm. Như vậy sự liên hệ đến một trong bốn điều này và xuất hiện trong tâm của hành giả thì được gọi là hiện khởi.

Padaṭṭhāna   –   Nguyên   nhân   gần:   Chú   giải   định   nghĩa   rằng: Asannakāranam yaṁ tu, padaṭṭhānanti tam matam – nhân tố phụ trợ cấp thiết cho sự sanh khởi một thực tại cùng tột (pháp Chân đế) được gọi là nguyên nhân gần.

Như vậy bốn điểm chính của các pháp Ba-la-mật là gì? Câu trả lời là: Trước hết bàn đến những điểm chung cho cả mười pháp Ba-la-mật, (1)    chúng có đặc tánh là phục vụ lợi ích cho người khác (2) chúng có phận sự (kicca rasa) là giúp đỡ kẻ khác, hoặc thực hiện  ngay (sampatti rasa), (3) sự hiện khởi của chúng là sự xuất hiện trong tâm của vị hành giả sự hiểu biết rằng chúng có bản tánh mong mỏi phúc lợi cho kẻ khác hay kết quả được thành Phật; (4) nguyên nhân gần của chúng là tâm Đại bi (Mahā-karunā) và Phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla- ñāṇa).

Bốn nét đặc thù của mỗi pháp Ba-la-mật là: Ý chí được thành lập dựa trên Mahā-karunā và Upāya-kosalla-ñāṇa để buông bỏ, bố thí, đem tài sản của mình cho kẻ khác thì được gọi là Bố thí Ba-la-mật (Dāna)

(a)   Dāna có đặc tánh buông bỏ; (b) Phận sự của Dāna là tiêu diệt sự tham luyến đối với những vật chất cho đi. (c) Sự hiện khởi của Dāna là trạng thái vô tham xuất hiện trong tâm của hành giả (bản chất của Dāna) hoặc sự giàu sang, thịnh vượng và kiếp sống hạnh phúc (kết quả của Dāna) (d) Nguyên nhân gần là vật cho đi, vì sự bố thí chỉ xảy ra khi nào có vật thí.

  1.   Bố thí Ba-la-mật (Dāna Paramī) được hiểu rõ chỉ khi nào nó được nghiên cứu rành mạch qua bốn khía cạnh này. Khi đã nghiên cứu như vậy, nó trở nên rõ ràng và hiểu rằng bố thí là hành động có đặc tính là dứt bỏ. Đồng thời nó tiêu diệt sự tham luyến đối với vật cho. Trong tâm của vị hành giả mà suy xét sâu sắc và cẩn trọng, sẽ xuất hiện trạng thái vô tham đối với những vật bố thí cúng dường hoặc sẽ xuất hiện loại nghiệp mà có thể đem lại một kiếp sống giàu sang và thịnh vượng. Bố thí chỉ xảy ra chỉ khi nào người ta có một cái gì đó để cho đi.

(Sự suy xét như vậy cũng được áp dụng cho tất cả những pháp Ba- la-mật còn lại).

  1. Hành động thiện về thân và lời nói dựa trên Mahā-karunā và Upāya-kosalla-ñāṇa thì được gọi là Giới Ba-la-mật (Sīla Paramī). Theo tạng Abhidhamma, Giới có nghĩa là kiên tránh những hành động sái quấy không được vi phạm (tức là những Sở hữu giới phần – virati cetasika) và tác ý (cetanā) để làm các phận sự cần phải làm.

(a) Giới có đặc tánh không cho phép những hành động về thân và lời nói sai trái, mà giữ chúng ở trong con đường thiện. Nó cũng có đặc tánh là làm nền tảng cho tất cả mọi hành động thiện lành. (b) Phận sự của giới là ngăn cản người ta làm những việc đi ngược với đạo đức – tức là ba ác nghiệp về thân và bốn ác nghiệp về khẩu. Hoặc nó giúp người ta đạt đến tình trạng có giới đức với các hành động về thân và lời nói vô tội và trong sạch. (d) Nguyên nhân gần của nó là hổ thẹn (hirī) và ghê sợ tội lỗi (ottapa).=

  1. Dựa trên Mahā-karunā và Upāya-kosalla-ñāṇa, nhóm tâm và các sở hữu tâm mong muốn thoát ly các kiếp sống dục trần, sau khi nhận rõ những tội lỗi của vật dục (vatthu kāma), phiền não dục và các kiếp sống khác nhau thì được gọi là Xuất gia Ba-la-mật (Nekhamma Paramī).

(a) Xuất gia Ba-la-mật có đặc tánh thoát ly khỏi các dục và cõi dục.

(b) Phận sự của nó là làm rõ nét những tội lỗi của các dục và cõi dục.

(c)    Sự hiện khởi của nó là sự giác ngộ của hành giả, thấy rằng đang từ bỏ, xa lánh những trạng thái này của cõi dục. (d) Nguyên nhân gần  của nó là yểm ly trí (saṃvega-ñāṇa). (Saṃvega-ñāṇa – Yểm ly trí là trí được hình thành do sự ghê sợ (ottappa) các khổ nạn như sanh, già, bịnh, chết và các khổ cảnh)

  1.   Dựa trên Mahā-karunā và Upāya-kosalla-ñāṇa, sở hữu trí tuệ thông đạt các đặc tánh chung và riêng của các pháp là Trí tuệ Ba-la- mật (Paññā Paramī).

(a) Trí tuệ Ba-la-mật có đặc tánh thông đạt bản chất thật của các pháp; hoặc nhận biết chính xác các đặc tánh chung và riêng của các đối tượng qua sự suy quán, giống như người bắn cung thiện xảo bắn tên trúng vào mắt của con bò. (b) Phận sự của nó là soi sáng đối tượng giống như ngọn đèn (tiêu diệt bóng tối của vô minh (moha) che dấu bản chất của các đối tượng). (c) Sự hiện khởi của nó (về bản chất) là trạng thái không lẫn lộn trong tâm của hành giả, liên quan đến các đối tượng suy quán, như người hướng đạo chỉ đường cho khách bộ hành bị lạc trong rừng. Hoặc về kết quả, nó có kết quả lợi ích là thoát khỏi sự si mê đối với các đối tượng suy quán. (d) Nguyên nhân gần là định (samādhi) hoặc Tứ Thánh đế.

  1.   Dựa trên Mahā-karunā và Upāya-kosalla-ñāṇa những cố gắng về thân và tâm vì phúc lợi của người khác thì được gọi là Tinh tấn Ba-la- mật (Viriya Paramī).

(a) Tinh tấn Ba-la-mật có đặc tánh là nỗ lực (rất cố gắng). (b) Phận sự của nó là hỗ trợ và làm các yếu tố sanh chung với nó tăng lên sức mạnh để chúng không lơi lỏng trong sự thực hành các việc phước thiện. (c) Sự hiện khởi của nó là tánh kiên trì trong tâm của hành giả, có tánh chất đối nghịch với sự dể duôi khi thực hành các việc phước thiện. (d) Nguyên nhân của nó là yểm ly trí (saṃvega-ñāṇa) hoặc tám nhân tố khơi dậy sự tinh tấn (viriyārambha-vatthu).

Viriyārambha-vatthu: Đại đức Mahā Visuddhārama Sayadaw trong bộ sách Paramattha-sarūpa Bhedani của Ngài, ở phần nói về thiền quán, đã mô tả tám yếu tố khơi dậy tinh tấn (viriyārambha vatthu):hai yếu tố liên quan đến sự sửa sang và duy trì tinh tấn, hai yếu tố liên quan đến cuộc lữ hành, hai yếu tố liên quan đến sức khỏe; và hai yếu tố liên quan đến sự thọ thực. 

Hai yếu tố liên quan đến sự sửa sang và duy trì tinh tấn

(i)    Vị tỳ khưu suy nghĩ như vầy: “Ta phải sửa y áo, v.v… Khi bận rộn như vậy, ta sẽ không dễ dàng chuyên tâm vào giáo pháp của Đức Thế Tôn. Ta sẽ cố gắng chuyên tâm học giáo pháp trước khi bắt đầu công việc sửa y áo.”

(ii)    Sau khi hoàn thành việc sửa y áo, vị ấy lại suy nghĩ: “Ta đã làm xong công việc. Trong khi làm việc ấy, ta không thể chú tâm vào giáo pháp của Đức Phật. Bây giờ ta phải siêng năng thực hành giáo pháp để bù vào thời gian phí phạm ấy.”

Hai yếu tố liên quan đến cuộc lữ hành

(i)    Vị ấy suy xét như vầy: “Ta phải đi xa. Trong khi đi xa, ta khó chuyên tâm vào giáo pháp của Đức Phật. Ta sẽ cố gắng thực hành giáo pháp trước khi đi xa.”

(ii)     Sau khi đến nơi rồi, vị ấy suy xét: “Ta đã trải qua một chuyến lữ hành. Trong khi thực hiện chuyến đi, ta không thể chuyên tâm vào giáo pháp của Đức Phật. Bây giờ ta phải siêng năng thực hành giáo pháp để bù lại thời gian bỏ phí ấy.”

Hai yếu tố liên quan đến sức khỏe

 (i)     Lúc bắt đầu bịnh nhẹ, vị ấy suy xét như vầy: “Ta mới bị bịnh nhẹ; bịnh có thể nặng hơn. Vậy trong lúc này ta phải tranh thủ hành đạo trước khi bịnh trở nên nặng hơn.”

(ii)     Khi đang bình phục, vị ấy suy xét như vầy: “Ta vừa mới khỏi bịnh; nó có thể tái phát bất cứ lúc nào. Ta sẽ tinh tấn hành đạo trước khi bịnh cũ tái phát.”

Hai yếu tố liên quan đến thọ thực

(i)    Khi vật thực đi bát ít ỏi, vị ấy suy xét như vầy: “Ta chỉ nhận được chút ít vật thực sau khi đi bát về. Bữa ăn ít ỏi sẽ làm cho thân ta được nhẹ nhàng, linh hoạt, không lười biếng giải đãi. Ta phải cố gắng hành đạo ngay.”

(ii)     Khi kiếm được đầy đủ vật thực, vị ấy suy xét như vầy: “Ta đi bát về với đầy đủ vật thực. Nó sẽ giúp ta mạnh khỏe để tinh tấn hành đạo. Ta phải cố gắng hành đạo ngay.”

Đây là tám yếu tố để tăng cường tinh tấn (viriyārambha-vatthu). Trái ngược với tám yếu tố này, có tám yếu tố khác làm khởi dậy giải đãi (kusīta-vatthu).

Khi phải làm công việc may vá nào đó, vị tỳ khưu trì hoãn viện cớ rằng: “Làm việc này rất mệt, ta sẽ ngủ một giấc cho khỏe rồi làm.” Khi phải đi xa, vị ấy cũng viện cớ như vậy.

Khi bắt đầu cảm thấy không khỏe, vị tỳ khưu than phiền về tình trạng khó ở của mình và đi ngủ. Khi vị ấy đã có đủ vật thực, vị ấy cũng nằm ngủ vì nặng bụng. Khi may vá xong, hoặc đi xa về, hoặc vừa mới khỏi bịnh, hoặc có ít vật thực, vị ấy cũng than phiền: “Mệt quá! Ta sẽ nghỉ một lát.” Bằng cách này, vị tỳ khưu đã viện đủ lý do một cách ngớ ngẩn để không cố gắng tu tập các phước lành.

Tám viriyārambha-vatthu và tám kusīta-vatthu được giải rõ ở bài kinh 10-Saṅgīti, Pāthika Vagga của Trường bộ kinh

  1. Dựa trên tâm Đại bi (mahā-karuṇā) và Phương tiện thiện xảo trí (upāya-kosalla-ñāṇa) nhẫn nại chịu đựng những hành động sai trái của kẻ khác (hoặc theo tạng Abhidhamma, nhóm tâm và những sở hữu khởi sanh trong cách nhẫn nại như vậy, dẫn đầu là sở hữu vô sân (adosa) là Kham nhẫn Ba-la-mật (Khanti Paramī).

(a) Kham nhẫn Ba-la-mật có đặc tánh là chịu đựng bằng sự nhẫn nại; (b) Phận sự của nó là vượt qua cả những cảnh đáng yêu và đáng ghét. (Người không có pháp nhẫn nại thường khởi tâm tham khi gặp cảnh khả ái; và nổi sân khi gặp cảnh trái ý, nghịch lòng. Người như vậy được xem là kẻ bị cuốn theo cảnh. Người có pháp nhẫn nại thường vững vàng, kiểm soát được cả tham lẫn sân. Sự nhẫn nại như vậy được xem là chiến thắng tất cả mọi cảnh dù thuận hay nghịch). (c) Sự hiện khởi của nó trong tâm hành giả là sự nhẫn nại, chịu đựng đối với cả cảnh thuận lẫn cảnh nghịch; (d) Nguyên nhân gần của nó là thấy rõ thật tánh của các pháp.

  1.   Dựa trên Mahā-karunā Upāya-kosalla-ñāṇa, việc nói lời chân thật và giữ lời hứa là Chân thật Ba-la-mật (Sacca Paramī). (Theo tạng Abhidhamma, nó là sở hữu giới phần (viratī cetasika) đồng sanh với sở hữu tư (cetanā cetasika) hoặc sở hữu trí tuệ (paññā cetasika) tùy thuộc vào hoàn cảnh).

 (a) Chân thật Ba-la-mật có đặc tánh chân thật. (b) Phận sự của nó là làm sáng tỏ đúng sự thật. (c) Sự hiện khởi của nó trong tâm hành giả là tánh cao quý, ngọt ngào và dễ chịu. (d) Nguyên nhân gần của nó là sự trong sạch trong hành vi, lời nói và ý nghĩ.

  1.   Dựa vào Mahā-karunā Upāya-kosalla-ñāṇa, quyết tâm bất di bất dịch theo đuổi các việc phước là Chí nguyện Ba-la-mật (Adhiṭṭhāna Paramī). (Theo tạng Abhidhamma, đó là nhóm tâm và sở hữu đồng sanh khởi sanh trong hành động quyết định như vậy).

(a)   Chí nguyện Ba-la-mật có đặc tánh là sự quyết tâm bất di bất dịch trong việc thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, sự hy sinh, và thực hành giới như là những tư lương cho sự giác ngộ. (b) Phận sự  của nó là vượt qua những bất thiện pháp đối nghịch với những pháp dẫn đến sự giác ngộ. (c) Sự hiện khởi của nó trong tâm hành giả là tánh kiên định trong việc thực hành viên mãn các pháp dẫn đến giác ngộ. (d) Nguyên nhân gần của nó là những pháp dẫn đến giác ngộ. 

  1.   Dựa trên Mahā-karunā và Upāya-kosalla-ñāṇa, phục vụ cho lợi ích và hạnh phúc của thế gian là Tâm từ Ba-la-mật (Mettā Paramī). Nó là sở hữu vô sân theo định nghĩa của tạng Abhidhamma. (a) Tâm từ Ba-la-mật có đặc tánh là mong ước sự thịnh vượng đến chúng sanh. (b)    Phận sự của nó là làm các việc lợi sanh để hoàn thành mong ước ấy (hoặc) phận sự của nó là đoạn trừ chín nguyên nhân của sự oán giận (xem ở chương Nhẫn nại Ba-la-mật, cuốn I phần I, Anudīpanī). (c) Sự hiện khởi của nó trong tâm của hành giả là trạng thái khinh an. (d) Nguyên nhân gần của nó là nhìn tất cả chúng sanh đều đáng thương (sự tu tập tâm từ không thể có kết quả nếu người ta nhìn chúng sanh bằng cặp mắt không thân thiện).
  1. Dựa trên tâm Mahā-karunā và Upāya-kosalla-ñāṇa, thái độ vô tư, không thiên vị đối với những chúng sanh đáng mến và đáng ghét, do đã loại trừ thương và ghét là Hành xả Ba-la-mật (Upekkha Paramī). (Theo tạng Abhidhamma, đó là Sở hữu Hành xả (tatramajjhattatā) sanh lên trong những cách ấy) (a) Hành xả Ba-la- mật có đặc tánh là giữ tâm ở vị trí giữa thương và ghét. (b) Phận sự của nó là có cái nhìn vô tư. (c) Sự hiện khởi của nó trong tâm của  hành giả là sự vắng lặng của thương lẫn ghét. (d) Nguyên nhân gần của nó là sự quán xét rằng tất cả chúng sanh đều có nghiệp (kamma) là tài sản riêng của họ.

Mỗi bài mô tả trên về các pháp Ba-la-mật bắt đầu bằng nhóm chữ chỉ điều kiện phải có: “Dựa trên tâm Đại bi (Mahā-karuṇa) và phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla-ñāṇa)”. Hai thuộc tánh này hình thành những đức tính cơ bản luôn hiện diện trong dòng tâm của chư vị Bồ tát và chỉ khi nào những hành động như dāna, sīla, v.v… được thực hành dựa trên hai đức này, khi ấy chúng mới được gọi là Pāramī.

 

—————————–

Bài viết được trích từ cuốn Đại Phật Sử 1B, tác giả Tỳ Khưu Mingun Sayadaw

Link  cuốn Đại Phật Sử 1B
Link  tải sách ebook Đại Phật Sử 1B
Link  video cuốn Đại Phật Sử 1B
Link  audio cuốn Đại Phật Sử 1B
Link  thư mục tác giả Tỳ Khưu Mingun Sayadaw
Link  thư mục ebook tác giả Tỳ Khưu Mingun Sayadaw
Link  giới thiệu tác giả Tỳ Khưu Mingun Sayadaw
Link  tải app mobile Phật Giáo Theravāda

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app