17. Tissa Buddhavaṁsa (Lịch sử Đức Phật Tissa) 

Khi đại kiếp mà Đức Phật Siddhatha xuất hiện kết thúc, tiếp theo là Không kiếp – kiếp không có chư Phật xuất hiện. Khi Không kiếp ấy đã trôi qua và cách đây chín mươi hai đại kiếp có hai vị Phật, Đức Phật Tissa và Đức Phật Phussa xuất hiện (đó là Manda kappa)

Lịch sử của Đức Phật Tissa-diễn ra như sau: Cách đây chín mươi hai đại kiếp, thọ mạng của loài người giảm từ A-tăng-kỳ tuổi xuống còn một trăm tuổi, khi ấy Bồ tát Tissa tái sanh vào cung trời Đâu suất đà sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên để thành Phật, Ngài xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của bà Padumā, chánh hậu của vua Janasandha, ở kinh đô Khemaka. Mười tháng trôi qua, Bồ tát đản sanh ở vườn Anoma.

Vào ngày đặt tên, các nhà tướng số thông thái và quyến thuộc đặt tên cho Ngài là Tissa (có hai loại tên: anvattha và rulhi. Tên được đặt dựa vào một biến cố đặc biệt hay một ý nghĩa đặc biệt là anvattha. Tên được đặt không dựa vào biến cố đặc biệt hoặc ý nghĩa đặc biệt mà được đặt cho thuận tiện thì gọi là rulhi. Ở đây tên Tissa được đặt cho Bồ tát thuộc loại rulhi).

Đời sống ở vương cung

Khi Bồ tát đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong ba cung điện Guhasela, Narisaya và Nisabha, được chăm sóc hầu hạ bởi ba mươi ngàn cung nữ, dẫn đầu là công chúa Subhaddā và sống cuộc đời đế vương giống như ở cõi chư thiên trong bảy ngàn năm.

Sự xuất gia

Khi Bồ tát trông thấy bốn điềm tướng và sau khi công chúa Subhaddā đã hạ sanh một hoàng nam đặt tên là Ānanda, Ngài bèn đi xuất gia cỡi trên tuấn mã Sonuttara và trở thành Sa-môn. Mười triệu người đã noi theo gương của Ngài cũng xuất gia Sa-môn.

Sự thành đạo

Cùng với mười triệu vị Sa-môn này, Bồ tát Tissa thực hành khổ hạnh trong tám tháng. Vào ngày rằm tháng tư, ngày thành đạo của Ngài, Ngài độ món cơm sữa do Virā dâng cúng, con gái của vị trưởng giả ở thị trấn Vīra, và trải qua suốt ngày trong rừng cây sala của địa phương. Đến chiều, Ngài một mình đi đến cây đại bồ đề. Trên đường đi, Ngài nhận tám nắm cỏ do người giữ ruộng lúa, tên Vijisaṅgāmaka dâng cúng. Khi Bồ tát Tissa vừa rải mớ cỏ xuống cội cây bồ đề Asana thì Vô địch bảo tọa, cao bốn mươi hắc tay xuất hiện. Ngồi kiết già trên bảo tọa, Ngài chứng đắc Phật quả giống như các chư Phật trong quá khứ.

Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Tissa (Dhammābhisamaya)

Sau khi thành đạo, Đức Phật Tissa trú ở gần cây Đại bồ đề trong bốn mươi chín ngày. Nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên để thuyết pháp tế độ chúng sanh, Ngài quán xem nên thuyết pháp tiếp độ ai trước và trông thấy hai vị Thượng thủ Thinh văn tương lai – hoàng tử Brahmadeva và hoàng tử Udaya, đang sống ở Yasavatī, hai người này cùng với tùy tùng đều có phước trong quá khứ dẫn đến Đạo Quả. Ngài vận dụng thần thông bay xuyên qua hư không và đáp xuống ở khu rừng Nai gần Yasavatī, rồi bảo người giữ vườn đi gọi hai vị hoàng tử. Khi hai vị hoàng từ cùng tùy tùng đến, theo thông lệ của chư Phật quá khứ, Đức Phật Tissa thuyết bài kinh Chuyển pháp luân đến nhân loại và chư thiên đã theo hai vị hoàng từ đến thính pháp. Đức Phật đã chuyển giáo pháp đi khắp mười ngàn thế giới bằng giọng nói như Đại phạm thiên – trong suốt, dịu dàng và vang xa. Khi ấy có một trăm  ngàn chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên chứng đắc Đạo Quả giải thoát.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)

Một dịp khác, khi mười triệu vị Sa-môn, là những người cùng xuất gia với Ngài, nghe tin Ngài đã thuyết bài kinh Chuyển pháp luân, bèn đi đến vườn Nai gần Yasavatī. Đến nơi, họ đảnh lễ Đức Phật và ngồi xuống ở quanh Ngài. Khi Đức Phật thuyết pháp đến những vị Sa-môn này và những chúng sanh khác đến để thính pháp, có chín trăm triệu chúng sanh, dẫn đầu là mười triệu vị này, tất cả đều chứng đắc Đạo Quả giải thoát.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)

Lại một dịp khác, khi nhân loại và chư thiên tranh luận về những điều hạnh phúc (maṅgala) dẫn đến sự hưng thịnh trong thế gian, nhưng không thể có câu trả lời thỏa đáng cho tất cả. Họ nêu ra câu hỏi này đến Đức Phật, Ngài bèn thuyết đến họ bài kinh Hạnh phúc. Cuối thời pháp có sáu trăm triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả giải thoát.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba).

Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

Có ba kỳ đại hội chư Thánh Tăng, đệ tử của Đức Phật Tissa – kỳ  đại hội thứ nhất diễn ra tại Yasavatī, ở đó Đức Phật cùng với một trăm ngàn vị A-la-hán, những vị đã xuất gia tỳ khưu lúc bắt đầu mùa an cư và chứng đắc đạo quả A-la-hán trong mùa an cư, đã làm lễ tự tứ Visuddhi Pavarana vào ngày rằm tháng Assayuja.

(Đây là Sannipāta lần thứ nhất)

Một dịp khác, khi Đức Phật đang trên đường du hành đã đến tại kinh đô Narivahana, thái tử Narivahana, con trai của vua Sujata ở tại kinh đô cùng với tùy tùng, đã đón tiếp Đức Phật rồi tổ chức Vô song thí cúng dường vật thực đến Đức Phật và chúng Tăng trong bảy ngày. Sau khi trao vương quốc cho con trai, vị ấy cùng tùy tùng xin Đức Phật truyền phép xuất gia. Đức Phật Tissa gọi họ: “Hãy đến, này các tỳ khưu”. Và tất cả họ đều trở thành những vị Thiện lai tỳ khưu. Khi tin tức về sự xuất gia của vua Narivahana được truyền đi, dân chúng từ khắp bốn phương đi đến và cũng theo gương vị ấy. Rồi giữa hội chúng tỳ khưu gồm chín triệu vị, Đức Phật Tissa tụng Ovāda Pātimokkha.

(Đây là Sannipāta lần thứ hai) 

Lại một dịp khác tại kinh đô Khemavatī, giữa hội chúng quyến thuộc của Đức Phật, sau khi nghe Đức Phật Tissa kể về lịch sử của chư Phật, tám triệu người đã trở thành Thiện lai tỳ khưu trước sự chứng minh của Đức Phật và chứng đắc đạo quả A-la-hán. Giữa hội chúng những vị tỳ khưu này, Đức Phật Tissa tụng Ovāda Pātimokkha.

(Đây là Sannipāta lần thứ ba) 

Bồ tát Gotama của chúng ta là ẩn sĩ Sujata và được Đức Phật Tissa thọ ký

Lúc bấy giờ Bồ tát của chúng ta là vua Sujāta ở kinh đô Yasavatī, kinh đô của vị ấy rất thịnh vượng, tài sản của vua trị giá nhiều chục triệu đồng tiền vàng và tùy tùng thì luôn luôn tình nguyện phục vụ vị ấy. Thế mà đức vua đã buông bỏ không chút luyến ái, xem chúng như lau sậy. Với tâm ghê sợ cái khổ của tái sanh, v.v… nên đức vua đã từ bỏ thế gian và trở thành ẩn sĩ (ngay trước khi Đức Phật Tissa xuất hiện) và đạt được đại thần thông lực cùng danh tiếng. Nghe tin “Đức Phật đã xuất hiện,” toàn thân của vị ấy tràn ngập năm loại phỷ lạc với tâm đầy kính ngưỡng, vị ấy đi đến Đức Phật và đảnh lễ Ngài, nghĩ rằng: “Ta sẽ tôn vinh Đức Phật bằng những loại hoa như salala, paricchattaka và những loại hoa khác.” Vị ấy vận dụng thần thông đi đến cõi chư thiên và đi vào vườn Cittalata, ở đó người ấy bỏ đầy cái giỏ lớn một gāvuta những loại thiên hoa ấy và đem nó bay xuyên qua bầu trời, rồi đem cúng dường Đức Phật những loài hoa cực kỳ thơm ngát.

Ngoài ra, giữa hội chúng gồm bốn hạng người, Bồ tát đứng che Đức Phật bằng cái lọng Paduma, đó là cái lọng bằng những phấn hoa kết lại thơm ngát, cán lọng bằng hồng ngọc. Vị ấy đã tôn vinh Đức Phật như thế. Rồi Đức Phật Tissa công bố lời tiên tri đến Bồ tát, đạo sĩ Sujāta: “Sau chín mươi hai đại kiếp kể từ nay, vị đạo sĩ Sujāta này sẽ trở thành một vị Phật, danh hiệu là Gotama.”

Được nghe lời tiên tri của Đức Phật, Bồ tát Sujāta rất tin tưởng và vô cùng vui sướng, nguyện thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật tinh tấn hơn.

Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Tissa

Nơi sanh của Đức Phật Tissa là kinh đô Khemaka; phụ vương là vua Janasandha và mẫu hậu là hoàng hậu Padumā.

Ngài trị vì vương quốc trong bảy ngàn năm. Ba cung điện của Ngài là Guhāsela, Nārisaya và Nisabha.

Chánh hậu là Subhaddā, có ba mươi ngàn cung nữ hầu hạ. Con trai là hoàng tử Ānanda.

Sau khi trông thấy bốn điềm tướng, Ngài đi xuất gia cỡi trên tuấn mã Sonuttara. Ngài thực hành khổ hạnh trong tám tháng.

Hai vị Thượng thủ Thinh văn là trưởng lão Brahmadeva và trưởng lão Udaya. Thị giả là trưởng lão Samanga.

Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Phussā và trưởng lão ni Sudattā. Cây giác ngộ là cây Asana.

Hai cận sự nam bậc thánh là hai vị trưởng giả Sambala và Sirimā. Hai cận sự nữ bậc thánh là Ưu-bà-di Kisā Gotamī và Ưu-bà-di Upasena.

Đức Phật Tissa cao mười hắc tay, Ngài xuất hiện trước mọi người như ngọn núi ở dãy Hy-mã-lạp-sơn.

Đức Phật Tissa, bậc có thần thông lực vô song, có thọ mạng không quá ngắn cũng không quá dài. Đức Phật Tissa, bậc có ngũ nhãn, sống trong thế gian thọ một trăm ngàn tuổi.

Kinh cảm quán

Đức Phật Tissa, bậc đã xua tan bóng tối của vô minh, sau khi thành đạt danh tiếng lớn vượt trội danh tiếng của những bậc cao nhân, đã viên tịch đại Niết bàn cùng với chúng Thanh văn đệ tử A-la-hán của Ngài như khối lửa lớn đã tắt lịm sau khi đã cháy sáng rực rỡ.

Bảo tháp

Như vậy, Đức Phật Tissa, bậc chiến thắng Ngũ ma, đã viên tịch đại Niết bàn ở vườn Nanda, gần thành phố Sunandavatī. Tại khu vườn này, một bảo tháp cao ba do tuần được xây dựng để tôn thờ Xá-lợi của Đức Phật tissa.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app