Tóm tắt quan điểm của những vị A-xà-lê

(i)   Các vị thầy Eke cho rằng bốn Trụ xứ được thành tựu viên mãn trong trường hợp đầu tiên khi sự thọ sanh vào lòng mẹ xảy ra trong kiếp chót.

(ii)  Các vị thầy Keci cho rằng bốn Trụ xứ được thành tựu viên mãn trong trường hợp thứ hai khi thành đạo.

(iii)   Các vị thầy Aññe cho rằng bốn Trụ xứ được thành tựu viên mãn trong trường hợp thứ ba khi bài kinh Chuyển pháp luân được thuyết giảng.

(iv)   Các vị thầy Apare cho rằng bốn Trụ xứ được thành tựu viên mãn trong trường hợp thứ tư khi Đức Phật viên tịch Đại bát Niết bàn.

Tuân theo truyền thống của các tác giả là nói lên quan điểm của mình ở cuốí tác Phẩm, đại đức Mahā Dhammapāla nêu ra quan điểm cuối cùng, là apare vāda, vì vị ấy tán đồng quan điểm ấy và chấp nhận nó bằng lời nhận xét bổ túc như sau: “Bốn Trụ xứ được thành tựu viên mãn chỉ trong trường hợp thứ tư khi Đức Phật viên tịch Đại-bát-Niết- bàn đúng như lời giải thích của các vị thầy Apare. Tuy nhiên, điều đặc biệt  rõ  ràng  là  Saccādhiṭṭhā  được  thành  tựu  viên  mãn  ở  trưởng  hợp thứ  nhất;  Paññādhiṭṭhāna  ở  trường  hợp  thứ  hai;  Cāgādhiṭṭhāna  ở trường hợp thứ ba; Và Upasamādhiṭṭhāna  ở trường hợp thứ tư.”

Những lợi ích của các Trụ xứ

Qua Saccādiṭṭhāna thì giới thanh tịnh, qua Cagādiṭṭhāna thì sự nuôi mạng được thanh tịnh, qua Upasamādiṭṭhāna thì tâm thanh tịnh, qua Paññādiṭṭhāna thì trí tuệ thanh tịnh.

Hơn nữa, qua Saccādiṭṭhāna (vì không đi lệch khỏi pháp chân thật), Ngài không theo cách hành xử sai lệch của sân. Qua Cagādiṭṭhāna (vì không bị tham luyến vào các vật dục), Ngài không theo cách hành xử sai trái của tham. Qua Upasamādiṭṭhāna (vì hoàn thiện) và vì không có gì để sợ hãi nên Ngài không theo cách hành xử sai lầm của sợ hãi; và  qua  Paññādiṭṭhāna  (vì  thấy các  pháp  như  thật),  Ngài  không  theo cách hành xử sai lầm của si mê.

Thêm nữa, qua Saccādiṭṭhāna, Ngài có thể  chịu đựng không chút nóng giận với các điều phiền toái do lạnh, nóng, đói khát gây ra; do tiếp xúc với ruồi muỗi, gió nắng, các loài bò sát; những lời mắng chửi, càu nhàu của kẻ khác và những chứng bịnh đau đớn. Qua Cagādiṭṭhāna,  Ngài  sử  dụng  bốn  món  vật  dụng  là  y phục,  vật  thực, chỗ ngụ và thuốc men mà không có sự chấp thủ sanh khởi do tham. Qua  Upasamādiṭṭhāna,  Ngài  tránh  được  các  nguy  hiểm  do  voi  dữ, ngựa hoang, chó dữ và thú hoang gây ra nhờ giữ tâm vắng lặng tuyệt đối. Qua Paññādiṭṭhāna, Ngài sáng suốt loại trừ những ý nghĩ tà vạy về dục lạc, sân, hại cũng như những yếu tố bất thiện.

Qua Saccādiṭṭhāna, Ngài đạt được hạnh phúc của sự xuất gia. Qua Cagādiṭṭhāna, Ngài hưởng được hạnh phúc của đời sống độc cư. Qua Upasamādiṭṭhāna, Ngài hưởng được sự an lạc và qua Paññādiṭṭhāna, Ngài hưởng được hạnh phúc kết hợp với bốn phần trí tuệ về Đạo.

Qua  Saccādiṭṭhāna,  Ngài  đạt  được  hạnh  phúc  của  sơ  thiền.  Qua Cagādiṭṭhāna,   Ngài   đạt   được   hạnh   phúc   của   nhị   thiền.   Qua Upasamādiṭṭhāna,  Ngài  đạt  được  hạnh  phúc  của  tam  thiền  và  qua Paññādiṭṭhāna, Ngài đạt được hạnh phúc của tứ thiền.

Các pháp Pāramī rút gọn còn hai pháp

Cũng như tất cả các pháp pāramī đều được bao gồm trong bốn Trụ xứ, chúng cũng được xem là hai pháp: Từ bi (Karunā) và Trí tuệ (Paññā). Thực tế thì chỉ phẩm hạnh như dāna, v.v… được thành lập dựa trên nền tảng là karunā paññā, là hai pháp cần thiết cho sự giác ngộ Chánh đẳng giác, dẫn đến kết quả là Nhất thiết trí.

Những điểm đã được trình bày trong chương này là:

Sự rút gọn 30 pháp Pāramī thành 10. Sự rút gọn 10 Pāramī thành 6: Dāna, Sīla, Khantī, Viriya, Jhanā và Paññā. Rồi sự rút gọn 6 Pāramī thành 4 Trụ xứ – Adhiṭṭhāna và cuối cùng tất cả Pāramī được cô đọng trong hai pháp: Karunā và Paññā.

13. Những yếu tố nào làm thành tựu các pháp Pāramī ?

 Với câu hỏi: “Những yếu tố nào làm thành tựu các pháp pāramī?” Câu trả lời: Những yếu tố nấy là:

(1)          Tu tập bốn loại bhāvanā,

(2)          Quán tưởng những pháp đối nghịch với Pāramī và loại trừ chúng,

(3)          Hiến dâng thân mạng của mình đến Đức Phật.

Tóm lại, phương tiện làm thành tựu các pháp pāramī là (a) diệt tắt tự ái và (b) phát triển tình thương đối với tất cả chúng sanh.

Giải rõ:

(1)   Bốn phương tiện tốt để làm thành tựu các pháp pāramī là sự tu tập và tích lũy tất cả những pháp cần thiết như Ba-la-mật (paramī), xả ly (cāga), hạnh (cariya), không bỏ sót một pháp nào với mục đích duy nhất là chứng đạt Nhất thiết trí (Sabbasambhāra-bhāvanā); với sự tôn kính hết mức (Sakkacca-bhāvanā); kiếp này qua kiếp khác không có sự gián đoạn (Nirantara-bhāvanā); trải qua thời gian dài mà không có sự giải đãi trước khi thành Phật (Cirakāla- bhāvanā).

(2)   Vị Bồ tát trước hết phải xả ly tất cả sở hữu riêng tư của mình, ngay trước khi những người khất thực đến đứng trước cửa nhà, với quyết định: “Ta sẽ bố thí mạng sống cũng như tài sản của cải mà ta sở hữu nếu có người đến xin chúng. Sau khi đã cho đi, Ta sẽ dùng cái gì còn lại.”

Bằng cách này, Ngài đã quyết định trước để xả ly mọi tài sản của cải mà Ngài sở hữu. Nhưng có bốn yếu tố gây chướng ngại cho sự bố thí của Ngài (dāna vinibandha – bố thí phược): 

(a)           Không quen thực hành bố thí trong quá khứ.

(b)          Không có đầy đủ vật sở hữu.

(c)           Tài sản sở hữu quá quí giá không thể cho đi được.

(d)          Lo sợ tiền bạc của cải bị cạn kiệt.

 

(a)    Khi Bồ tát có những thứ để cho và những người hành khất đã đứng trước cửa nhà nhưng tâm của Bồ tát không có khuynh hướng muốn cho, Ngài nhận ra rằng: “Quả thật ta đã không có thói quen bố thí trong quá khứ cho nên giờ đây ước muốn bố thí không sanh khởi trong những hoàn cảnh như vậy.” Rồi Ngài quán xét:

“Dầu ước muốn bố thí không sanh khởi trong ta, ta cũng bố thí để tạo ra thói quen và vui thích với nó. Từ nay trở đi ta sẽ bố thí rộng rãi. Không phải rằng ta đã phát nguyện bố thí rồi đó sao?”

Sau khi quán xét như vậy, Ngài bố thí rất rộng rãi, đầy hoan hỷ. Bằng những sự bố thí như vậy, vị Bồ tát đoạn trừ chướng ngại thứ nhất – “Không có thói quen thực hành bố thí trong quá khứ.”

(b)   Khi không có đủ tiền bạc, của cải, vị Bồ tát suy xét như vầy: “Vì trong kiếp trước ta không thực hành bố thí nên kiếp này ta bị thiếu thốn của cải. Do đó, ta nên bố thí bất cứ cái gì mà ta có, dầu ít ỏi hoặc thấp hèn, cho dù làm như vậy sẽ làm cho đời sống của ta khó khăn hơn. Bằng sự bố thí như vậy, chắc chắn tương lai ta sẽ đạt đến đỉnh cao của Bố thí Ba-la-mật.”

Sau khi đã quán xét như vậy, Ngài bố thí một cách rộng rãi, đầy hoan hỷ bất cứ thứ gì mà Ngài có. Qua những sự bố thí như vậy, Bồ tát đoạn trừ chướng ngại thứ hai – “thiếu thốn tiền bạc và của cải.”

(a)    Khi không có khuynh hướng muốn bố thí vì phẩm chất của các vật sở hữu quí giá, Bồ tát suy xét như vầy: “Này thiện nhân, há không phải rằng ngươi đã phát nguyện cầu sự Giác ngộ tối thượng, cao quí nhất và tuyệt hảo nhất đó sao? Muốn đạt được sự giác ngộ tối thượng, cao quí nhất và tuyệt hảo nhất, điều thích hợp duy nhất là ngươi phải bố thí những thứ quý báu nhất và tuyệt hảo nhất.”

Sau khi quán xét như vậy, Bồ tát bố thí những vật thí quý báu nhất và tuyệt hảo nhất. Khi thực hành như thế, Bồ tát đã loại bỏ chướng ngại thứ ba – “tài sản sở hữu quý giá không thể cho đi được.”

(b)   Khi Bồ tát nhận thấy tiền bạc, của cải sẽ bị cạn kiệt nếu bố thí chúng đi, Ngài suy xét như vầy: “Bị tiêu họai và mất mát là bản chất tài sản và các vật sở hữu. Chính vì ta đã không làm các việc phước về bố thí trong quá khứ nên bây giờ ta mới chịu thiếu thốn về các vật thí, mà chính quả phước của bố thí sẽ cho tài sản và các vật sở hữu không bao giờ cạn kiệt. Ta sẽ bố thí bất cứ vật gì ta có được dù ít hoặc nhiều. Bằng những sự bố thí như vậy, trong tương lai ta sẽ đạt đến đỉnh cao về Bố thí Ba-la-mật.”

Sau khi đã suy xét như vậy, Bồ tát cho đi bất cứ thứ gì Ngài có được một cách rộng rãi và đầy hoan hỷ. Qua những sự bố thí như vậy, Bồ tát đoạn trừ chướng ngại thứ tư – “lo sợ cạn kiệt các vật sở hữu của mình.”

Đoạn trừ các chướng ngại của sự bố thí bằng cách quán xét về chúng với bất cứ phương cách nào thích hợp sẽ hình thành phương tiện chánh đáng để thành tựu Bố thí Ba-la-mật. Phương pháp này cũng áp dụng cho các Ba-la-mật khác như trì giới, v.v….

(1)   Hơn nữa, trước hết Bồ tát tự dâng hiến thân mạng của mình đến Đức Phật với câu nói: “Con xin dâng hiến thân mạng này của con đến Đức Phật (imāhaṃ attabhāvaṃ. Buddhānaṃ niyyādemi)”. Sự hiến dâng thân mạng này được thực hiện đến Đức Phật là phương pháp tốt để thực hành viên mãn Ba-la-mật.

Thực ra, Bồ tát đã hiến dâng thân mạng của Ngài đến Đức Phật rồi, Ngài quán xét: “Ta đã dâng hiến chính thân mạng này của ta đến Đức Phật rồi nên có điều gì xảy ra cũng vậy thôi.” Khi đối diện với các nghịch cảnh có thể làm nguy hiểm đến thân và mạng sống của Ngài hoặc khó chịu đựng, hoặc khi Ngài đang bị thương tích đau đớn do chúng sanh gây ra, có thể tước mất mạng sống của Ngài trong khi thực hành các pháp Ba-la-mật trải qua nhiều kiếp. Sau khi đã quán xét như vậy, Ngài giữ tâm bất động tuyệt đối, không bị lay chuyển khi đối  diện với các nghịch cảnh có thể làm hại đến cả mạng sống của Ngài và kiên quyết tích lũy các việc phước về Ba-la-mật.

Bằng cách này, sự hiến dâng thân mạng của chính mình đến Đức Phật trước tiên là phương tiện tốt để thực hành viên mãn tất cả các pháp Ba-la-mật.

Nói tóm lại, các phương tiện để làm thành tựu các pháp Ba-la-mật là: (a) diệt tự ái và (b) phát triển từ bi đối với tất cả chúng sanh.

Giải rõ:

Nhờ hiểu biết đầy đủ bản chất chân thật của các Pháp, vị Bồ tát – người có chí nguyện thành đạt Nhất thiết trí giữ tâm không bị ô nhiễm bởi ái dục, ngã mạn và tà kiến. Nhờ thấy thân của mình chỉ là khối uẩn của hiện tượng tự nhiên nên sự tự tôn, tự đại càng ngày càng giảm thiểu và diệt tắt.

Do thường xuyên tu tập pháp Đại bi, Ngài xem tất cả chúng sanh như con ruột của chính mình. Tâm từ ái và bi mẫn của Ngài đối với họ càng ngày càng sâu rộng.

Bồ tát – người đã diệt trừ tánh bỏn xẻn, v.v… là những pháp đối nghịch với các pháp Ba-la-mật. Sau khi tạm thời thoát khỏi tham, sân, si liên quan đến chính mình và những kẻ khác, đã cứu độ chúng sanh bằng Bốn nhiếp pháp (saṅgaha vatthu): bố thí (dāna), ái ngữ (piyavācā), lợi hành (atthacariya) và đồng sự (samānattata). Bốn pháp này luôn luôn đi chung với bốn Trụ xứ. Rồi Ngài giúp đỡ chúng sanh bằng ba thừa hành (sīla, samādhi, paññā) là những cỗ xe dẫn họ đi đến ba chỗ Giác ngộ, đối với những người chưa vào ba cỗ xe ấy thì đưa họ vào, còn những người đã vào rồi thì giúp họ đạt đến chỗ thành thục.

Thực ra, từ bi và trí tuệ của Bồ tát được tô điểm bởi hành động bố thí, một trong bốn Nhiếp pháp (từ bi và trí tuệ không bao giờ tự hiện khởi mà không có bố thí, cả hai cùng hiện khởi khi các hành động bố thí xảy ra). Bố thí được tô điểm bởi ái ngữ, vì Bồ tát không bao giờ nói lời trách móc hoặc lớn tiếng trong khi bố thí cho những người đến xin vật thí và cho người hầu kẻ hạ, chỉ nói những lời chan chứa từ ái mà thôi. Lời nói từ ái được tô điểm bởi lợi hành, vì Bồ tát nói lời từ ái không chỉ đem lại sự hài lòng mà nói với lòng chân thành, thiện ý là đem lại lợi ích cho kẻ khác (vì sự thực hành các pháp cần thiết cho sự giác ngộ, là những pháp như pāramī, cāga, cariya, có nghĩa là sự thực hành đem lại lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh. Do đó, sự thực hành ấy được gọi là lợi hành, một trong bốn nhiếp pháp). Lợi hành được tô điểm bởi đồng sự, vì trong sự thực hành các pháp cần thiết cho sự giác ngộ, Bồ tát đối xử với tất cả chúng sanh với tâm bình đẳng, xem họ như người ngang hàng với chính Ngài bất chấp mọi hoàn cảnh vui vẻ hay khổ đau.

Khi Ngài thành Phật, phận sự hóa độ và thuyết pháp của Ngài được thành tựu bằng cách sử dụng bốn nhiếp pháp để đem lại lợi ích cho chúng sanh. Bốn nhiếp pháp này được tu tập viên thành nhờ sự thành tựu viên mãn bốn Trụ xứ. 

Giải rõ

Đối với Đức Phật, hành động bố thí được viên thành nhờ Cāgādhiṭṭhāna, ái ngữ được viên thành nhờ Saccadhiṭṭhāna, lợi hành được viên thành nhờ Paññādhiṭṭhāna, và đồng sự được viên thành nhờ Upasamādhiṭṭhāna.

Liên quan đến bốn adhiṭṭhāna và bốn Nhiếp pháp, Chú giải bộ Hạnh  Tạng  (Cariyā  Piṭaka)  có  nêu  ra  bốn  câu  kệ  tán  dương  các  ân Đức Phật. 

1) Sacco cāgī upasanto

paññavā anukampako

sambhatasabbasambhāro

kaṃ nāmatthaṃ na sādhaye.

Đức Phật, Bậc đã đạt đến đỉnh cao của sự thành tựu bốn loại Đế trụ xứ – Saccadhiṭṭhāna, Bậc đã thành tựu hoàn toàn các Xả đoạn trụ xứ – Saccadhiṭṭhāna, Bậc đã dập tắt các ngọn lửa phiền não. Bậc thành đạt Nhất thiết trí và Bậc chăm sóc chúng sanh bằng tâm đại bi, có đầy đủ tất cả các pháp cần thiết về pāramī, có điều gì mà Ngài không thể đạt được?

2)  Mahākāruniko satthā

hitesī ca upekkhako

nirapekkha ca sabbattha

aho acchariyi jino.

Đức Phật, là thầy của chư thiên và nhân loại, bậc có tâm đại bi, tầm cầu lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh cho đến khi họ giác ngộ Niết bàn. Ngài giữ tâm bình thản trước các pháp thăng trầm của cuộc sống. Thoát khỏi ái dục đối với mọi pháp trong thân và ngoài thân. Kỳ diệu thay Đức Phật! Bậc Thắng phục ngũ ma (marā).

[Ngũ ma: 5 loại chướng ngại – (1) Thiên ma (devaputta māra), chư thiên chiến đấu với Đức Phật về chỗ ngồi trí tuệ, vây quanh Ngài là những đoàn binh ma. (2) Phiền não ma (kilesa māra), các loại phiền não trong tâm. (3) Hành tác ma (abhisaṅkhāra māra) các hành vi tạo nghiệp dẫn đến sự tái sanh. (4) Ấm ma (khandha māra), các danh sắc uẩn xuất hiện trong tất cả các kiếp sống trước khi chứng đắc Niết bàn. (5) Tử ma (maccu māra)].

3)   Virato sabbadhammesu

sattesu ca upekkhako

sadā sattahite yutto

aho acchariyo jino.

Tuy đã ly ái tất cả các pháp và tâm đã bình thản trước tất cả chúng sanh, Ngài vẫn chuyên tâm ngày đêm đem lại hạnh phúc cho chúng sanh. Ôi, kỳ diệu thay Đức Phật, Bậc Thắng phục ngũ ma!

4)   Sabbadā sabbasattānaṃ

hitāya ca sukhāya ca

uyyutto akitāsū ca

aho acchariya jino.

Luôn đem lại lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh – nhân loại, chư thiên, Phạm thiên – và chăm lo năm phận sự của vị Phật ngày đêm không ngừng nghỉ. Thế mà Ngài vẫn không có dấu hiệu tỏ ra mệt mỏi. Ôi, kỳ diệu thay Đức Phật, Bậc Thắng phục ngũ ma!

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app