13. Piyadassī Buddhavaṁsa (Lịch sử Đức Phật Piyadassī)

Đại kiếp mà Đức Phật Sujāta xuất hiện đã kết thúc và cách đây một ngàn tám trăm đại kiếp, trong một đại kiếp nọ – đại kiếp Varakappa có ba vị Phật lần lượt xuất hiện: Piyadassī, Aṭṭhadassī và Dhammadassī. Câu chuyện về Đức Phật Piyadassī, vị Phật đầu tiên trong ba vị Phật như sau:

Sau khi thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, Bồ tát Piyadassī tái sanh vào cung trời Đâu suất đà. Theo truyền thống của chư vị Bồ tát nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên để thành Phật tế độ chúng sanh, Ngài xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng hoàng hậu Candā, chánh hậu của vua Sudatta trong kinh đô Sudhaññavatī. Mười tháng trôi qua, Bồ tát đản sanh ở vườn Varuna.

Bồ tát được đặt tên là Piyadassī vì những điều kỳ diệu kiết tường xảy ra trong ngày đặt tên của Ngài.

Đời sống ở vương cung

Khi Bồ tát đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong ba cung điện Sunimmala, Vimula và Giriguha, được hầu hạ chăm sóc bởi công chúa Vimalā và ba mươi ba ngàn cung nữ trong chín ngàn năm. Ngài thọ hưởng cuộc sống ở vương cung như ở cõi chư thiên.

Sự xuất gia

Nhìn thấy bốn điềm tướng và sau khi công chúa Vimalā hạ sanh một hoàng nam tên Kañcanavela. Ngài đi xuất gia bằng xe ngựa kéo. Mười triệu người khác cũng noi theo gương của Ngài mà trở thành sa- môn.

Sự thành đạo

Bồ tát Piyadassī hành pháp khổ hạnh cùng với mười triệu vị sa-môn trong sáu tháng. Vào ngày rằm tháng tư, ngày thành đạo của Bồ tát, Ngài độ món cơm sữa do con gái của vị Bà-la-môn Vasabha dâng cúng, ở ngôi làng Bà-la-môn Varuna và trải qua suốt ngày trong rừng cây sala ở gần đó. Đến chiều. Ngài một mình đi đến cây Đại bồ-đề và nhận tám nắm cỏ trên đường đi từ một người dị giáo tên Sujāta. Khi Ngài vừa trải xong mớ cỏ dưới cội cây bồ-đề, cây kakudha, thì Vô địch bảo tọa cao năm mươi ba hắc tay xuất hiện. Bồ tát ngồi kiết già trên bảo tọa này, thể hiện bốn mức độ tinh tấn, chiến thắng Ma vương và chứng đắc Phật quả, thành bậc Chánh biến tri, Thế Tôn của ba cõi.

Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Piyadassī (Dhammābhisamaya)

Sau khi thành đạo, Đức Phật Piyadassī trải qua bốn mươi chín ngày ở bảy chỗ gần cây đại Bồ-đề. Như các chư Phật đã làm, nhận lời của Phạm thiên, Ngài xét thấy mười triệu Sa-môn đã xuất gia cùng với Ngài, họ có phước quá khứ dẫn đến chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn. Rồi Ngài vận dụng thần thông lập tức xuất hiện nơi ẩn cư của họ trong vườn thượng uyển thuộc thành phố Usabhavatī. Theo đúng truyền thống của chư Phật quá khứ, giữa mười triệu vị Sa-môn, Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân. Nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đã hội họp ở đó để nghe Ngài thuyết pháp.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)

Lần thuyết pháp thứ hai của Đức Phật Piyadassī diễn ra ở trên núi Sudassana, gần thành phố Usabhavatī. Vị thiên Sudassana của ngọn núi là kẻ cố chấp tà kiến nên dân chúng sống trong xứ Diêm phù đề hằng năm đều đem lễ vật trị giá cả trăm ngàn đồng tiền vàng dâng cúng cho vị thiên này.

Lúc bấy giờ, sau khi suy nghĩ sẽ đoạn trừ tà kiến của vị thiên Sudassana, Đức Phật Piyadassī bèn đi đến cung điện của vị thiên. Lúc này vị thiên đi tham dự lễ hội các Dạ-xoa, Đức Phật ngồi trên bảo tọa lộng lẫy của vị này, phát ra hào quang sáu màu như mặt trời xuất hiện trên đỉnh núi Yugandhara trong tháng Kattikā (tháng mười âm lịch) của mùa thu. Rồi thiên chúng tùy tùng của Sudassana bèn cúng dường đến Đức Phật các loại hoa, vật thơm, v.v… và vây quanh Ngài.

Sau khi dự hội dạ-xoa về, Sudassana trông thấy hào quang sáu màu phát ra từ cung điện của mình. Vị ấy suy nghĩ: “Trước kia ta chưa bao giờ trông thấy hào quang sáu màu chiếu sáng rực rỡ như vậy. Người này là ai mà dám chiếm cứ chỗ của ta? Người hay chư thiên?” Đang dò xét như vậy, vị ấy trông thấy Đức Phật với mạng lưới hào quang sáu màu giống như mặt trời mọc lên từ ngọn núi Yugandhara. “Vị Sa- môn đầu trọc đang ngồi trên bảo tọa của ta, lại được vây quanh bởi tùy tùng của ta.” Sudassana tự nhủ với tâm đầy tức tối, “Được, ta sẽ phô diễn sức mạnh của ta đến vị Sa-môn này.” Nghĩ vậy vị ấy biến toàn thể ngọn núi thành một khối lửa khổng lồ.

Sau khi đã làm như vậy, vị ấy dò xét: “Hiện giờ vị Sa-môn đầu trọc này đã biến thành tro bụi trong ngọn lửa hay chưa?” Nhưng nhìn thấy Đức Phật với gương mặt bình lặng và kim thân của Ngài đang tỏa ra những tia sáng rực rỡ do mạng lưới hào quang tạp sắc. “Vị sa-môn  này có thể chịu được ngọn lửa thiêu đốt,” vị ấy suy nghĩ. “Được, ta sẽ nhận chìm vị ấy trong cơn đại hồng thủy.” Rồi Sudassana biến ra khối nước khổng lồ làm ngập cung điện. Tuy vậy, Đức Phật vẫn ngồi yên trong cung điện ngập nước, và ngay cả một sợi chỉ trên chiếc y của Ngài hay một sợi lông trên thân của Ngài cũng không bị ướt chút nào.

Sau đó, vua dạ-xoa Sudassana suy nghĩ cách khác để làm ngạt thở Đức Phật và giết chết Ngài. Vị ấy bao vây Đức Phật bằng khối nước lớn, Ngài vẫn rực rỡ trong khối nước màu xanh nhạt với ánh sáng phát ra từ mạng lưới hào quang của Ngài và như ánh sáng mặt trăng đêm rằm, ngồii ung dung giữa các quan thần của vua dạ-xoa Sudassana. Không thể kiềm chế được sân hận, dạ-xoa suy nghĩ: “Bằng mọi cách, ta sẽ giết chết vị đại Sa-môn này.” Bèn tạo ra cơn mưa với chín loại khí giới rơi xuống Đức Phật. Với oai lực của một vị Phật, tất cả những khí giới đều hóa thành các loại hoa xinh đẹp, thơm ngát và rơi xuống chân của Ngài.

Trông thấy hiện tượng kỳ lạ, Sudassana càng tức giận và hung hăng nhiều hơn (thay vì kính phục và tịnh tín), dạ xoa với cả hai tay nắm lấy hai chân của Đức Phật và nhấc bỗng Ngài lên. Vượt qua đại dương, hắn bay vút đến các rặng núi đánh dấu chỗ tận cùng của thế giới Sa-bà (cakkavāla) vì hắn muốn Đức Phật đi khỏi chỗ ngụ của hắn. “Vị Sa-môn này như thế nào rồi? Đã chết hay còn sống?” Suy nghĩ như vậy, hắn nhìn vào Đức Phật và (tựa như giấc mơ) thấy Ngài vẫn ngồi yên chỗ cũ trong cung điện. Dạ-xoa suy nghĩ: “Ồ, vị đại Sa-môn này rất uy lực, ta không thể kéo vị ấy ra khỏi chỗ ngụ của ta. Nếu ai đó biết được điều mà ta đang làm thì thật nhục nhã cho ta. Do đó, trước khi có ai đó trông thấy, ta sẽ trốn đi, bỏ lại vị Sa-môn lẫn cung điện này.”

Đức Phật biết được ý nghĩ của dạ-xoa Sudassana, Ngài khởi nguyện để chư thiên và nhân loại chư thiên trông thấy dạ xoa đang ôm lấy chân của Đức Phật. Đúng như ý nguyện của Ngài, Sudassana không thể rời khỏi chỗ ngụ như đã dự định và vẫn ở đó hai tay ôm lấy chân của Đức Phật.

Ngày hôm ấy là ngày một trăm lẻ một vị vua của toàn cõi Diêm phù đề đem lễ vật đến cúng nạp dạ-xoa Sudassana. Họ trông thấy Sudassana đang ôm lấy chân của Đức Phật và đầy ngạc nhiên, họ hô to: “Vua dạ-xoa của chúng ta đang thoa bóp chân vua của các vị Sa- môn. Ồ, chư Phật quả rất kỳ diệu! Ân đức của các Ngài quả thật kỳ diệu!” Với tâm đầy tịnh tín và tôn kính, họ chấp tay lên trán để tỏ thái độ tôn kính Đức Phật.

Trước đám đông ấy, Đức Phật Piyadassī ban huấn từ giáo pháp.  Khi ấy có chín trăm ngàn triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc đạo quả A-la-hán.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)

Một dịp khác, tại thành phố Kumuda rộng chín do tuần, một ác Tăng tên Sona, là kẻ đối địch với Đức Phật Piyadassī (giống như Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) trong thời kỳ Đức Phật Gotama của chúng ta), sau khi thuyết phục được con trai của đức vua – thái tử Mahāpaduma, đã xúi dục vị ấy giết phụ vương. Sau nhiều lần cố gắng để giết chết Đức Phật bị thất bại, Sona xúi dục quan quản tượng của vua với lời chỉ dẫn: “Khi Đức Phật Piyadassī vào thành phố để khất thực, hãy thả voi chúa Donamukha tấn công và giết chết vị ấy.”

Vị quan quản tượng là người thiếu trí, không phân biệt điều gì có lợi và điều không có lợi ích, ông ta suy nghĩ như vầy: “Vị Sa-môn Sona này là bạn thân của vua. Nếu vị ấy không ưa ta thì ta sẽ bị mất việc.” Bởi vậy ông ta chấp nhận lời đề nghị của Sona. Ngày hôm sau, ông ta cho voi Donamukha uống rượu đến say xỉn và thả voi tấn công Đức Phật Piyadassī khi Ngài vừa vào thành khất thực.

Vừa được thả ra, voi Donamukha điên cuồng tấn công những con voi khác, ngựa, trâu bò, đàn ông, đàn bà mà nó thấy trên đường đi, phá sập các ngôi nhà ở hai bên đường. Cuối cùng, vừa thấy Đức Phật từ xa, nó phóng nhanh đến để tấn công Ngài.

Với tâm vô cùng khiếp đảm, dân cư trong thành phố bỏ chạy tán loạn để tìm chỗ ẩn náu. Khi voi Donamukha xông đến Đức Phật Piyadassī – Đức Tượng Vương Phật, Ngài với tâm hoàn toàn thanh tịnh, phóng ra những luồng mettā (từ lực của tâm bác ái vô lượng) đến voi Donamukha. Như người đi vào hồ nước mát, như đứa bé thơ sà vào vòng tay của mẹ, voi Donamukha trở nên hiền dịu, tỉnh táo, thấy được lỗi lầm của chính mình và quá xấu hổ, nó không thể đứng bình thường mà quì mọp dưới chân Đức Phật, tựa như sắp chui xuống đất.

Trông thấy cảnh tượng kỳ diệu khác thường, dân cư của thành phố đầy hoan hỷ và cất lên tiếng tung hô vang dội như tiếng rống của con sư tử. Họ cũng tôn vinh con voi bằng nhiều cách như hoa thơm, bột thơm, đồ trang sức, v.v… Họ còn tung lên trời mũ, nón, khăn trùm đầu của họ; tiếng trống của chư thiên cũng vang dội cả không trung. 

Đức Phật xoa đầu voi đang nằm phục dưới chân Ngài và ban những lời giáo huấn thích hợp với tâm tánh của nó. Sau khi được khuyên  dạy, voi tỉnh táo lên và trở nên thuần thục, giờ đây trông nó như một đệ tử của Đức Phật dễ dạy và dễ bảo. Sau khi đã khuyên dạy voi Donamukha tuân theo Luật tạng, Đức Phật thuyết pháp đến hội chúng đang tụ họp ở đó. Vào lúc kết thúc thời pháp, có tám trăm ngàn triệu người chứng đắc Đạo Quả A-la-hán.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba).

Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

Có ba kỳ đại hội Thánh Tăng đệ tử Đức Phật. Ở kỳ thứ nhất, Đức Phật Piyadassī viếng thăm thành phố Sumaṅgala và đôi bạn – hoàng tử Pālita và chàng thanh niên con trai của vị quốc sư. Nghe tin Đức Phật đến viếng kinh thành, họ cùng với mười trăm ngàn triệu tùy tùng long trọng đón tiếp Đức Phật, nghe Ngài thuyết pháp và tổ chức bố vật thực trong bảy ngày. Vào ngày thứ bảy, Đức Phật ban pháp thoại để tán dương sự bố thí ấy. Cuối thời pháp thoại, hai người bạn cùng với  mười trăm ngàn triệu tùy tùng của họ đều trở thành Thiện lai tỳ khưu và chứng đắc Đạo Quả A-la-hán. Giữa hội chúng tỳ khưu, Đức Phật tụng Ovāda Pātimokkha.

(Đây là Sannipāta lần thứ nhất)

Một dịp khác khi Đức Phật nhiếp phục dạ xoa Sudassana, có chín trăm triệu người trở thành tỳ khưu và chứng đắc Đạo Quả A-la-hán. Giữa hội chúng chín trăm triệu tỳ khưu này, Đức Phật tụng Ovāda Pātimokkha.

(Đây là Sannipāta lần thứ hai)

Một dịp khác, khi Đức Phật nhiếp phục voi Donamukkha, có tám mươi người xuất gia và chứng đắc đạo quả A-la-hán. Giữa hội chúng tám mươi vị A-la-hán này, Đức Phật tụng Ovāda Pātimokkha.

(Đây là Sannipāta lần thứ ba)

Bồ tát của chúng ta sanh làm Bà-la-môn Kassapa và được Đức Phật Piyadassī thọ ký

Lúc bấy giờ Bồ tát của chúng ta là chàng thanh niên Bà-la-môn tên là Kassapa, đã thông suốt Tam phệ đà. Sau khi nghe Đức Phật Piyadassī thuyết pháp, đầy tịnh tín vị ấy đã xây dựng một tịnh xá to lớn trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng và dâng đến chư Tăng có Đức Phật chủ trì. Hoan hỉ với việc phước đã làm, vị ấy quy y Tam bảo và thọ trì Ngũ giới rất nghiêm ngặt, không hề dễ duôi.

Ngồi giữa chúng Tăng, Đức Phật Piyadassī công bố lời tiên tri về chàng thanh niên Kassapa: “Sau một ngàn tám trăm đại kiếp kể từ đại kiếp này, chàng thanh niên Kassapa này chắc chắn sẽ thành Phật, danh hiệu là Gotama.”

Sau khi nghe lời tiên tri của Đức Phật Piyadassī, Bồ tát vô cùng vui sướng và quyết tâm thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật.

Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Piyadassī

Nơi sanh của Đức Phật Piyadassī là thành phố Suddhaññavatī. Phụ vương là vua Sudatta và mẫu hậu là hoàng hậu Candā.

Ngài trị vì vương quốc trong chín ngàn năm. Ba cung điện của Ngài là Sunimala, Vimala và Giriguha.

Chánh hậu là Vimalā có ba mươi ba ngàn nữ hầu. Con trai là hoàng tử Kañcanavela.

Sau khi nhìn thấy 4 điềm tướng, Ngài đi xuất gia bằng xe tuấn mã. Ngài thực hành khổ hạnh (dukkaracariyā) trong sáu tháng.

Hai vị Thượng thủ Thinh văn là trưởng lão Palita Thera và trưởng lão Sabbadassi. Thị giả là trưởng lão Sobhita.

Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Sujāta và trưởng lão ni Dhammadina. Cây giác ngộ là cây Kakudha.

Hai cận sự nam bậc thánh là trưởng giả Sundaka và Dhammaka. Hai cận sự nữ bậc thánh là Ưu-bà-di Visakha và Ưu-bà-di Dhammadinna.

Đức Phật Piyadassī có vô số đệ tử và danh tiếng tốt. Ngài có ba mươi hai hảo tướng. Ngài cao tám mươi hắc tay, như cây sala vĩ đại đang nở hoa.

Không có ánh sáng ngọn đèn, ánh sáng mặt trăng hay ánh sáng mặt trời có thể vượt qua hào quang rực rỡ phát ra từ thân Ngài.

Thọ mạng trong thời của Ngài là chín mươi ngàn năm. Ngài sống bằng bốn phần năm của thọ mạng, Ngài cứu giúp chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên thoát khỏi đại dương luân hồi và đặt họ bên kia bờ Niết bàn.

Kinh cảm quán – Saṁvega

Đức Phật Piyadassī như tất cả chư Phật vô song trong quá khứ và hai vị đại đệ tử Thượng thủ Thinh văn, v.v… tất cả đã biến mất. Tất cả pháp hữu vi quả thật vô ích và không thực chất!

Bảo tháp

Thế là Đức Phật Piyadassī, bậc Đại Sa-môn đã viên tịch đại Niết bàn tại vườn cây Assattha. Tại khu vườn ấy một bảo tháp cao ba do tuần được dựng lên để cúng dường Đức Phật.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app