12. Sujāta Buddhavaṁsa (Lịch sử Đức Phật Sujatā)

Sau khi Đức Phật Sumedha viên tịch, thọ mạng của loài người dần dần giảm từ chín chục ngàn tuổi xuống còn mười tuổi, rồi lại tăng dần lên đến A-tăng-kỳ tuổi. Khi thọ mạng của loài người giảm xuống đến chín chục ngàn tuổi thì Bồ tát Sujāta đã thực hành viên mãn các pháp ba-la-mật và tái sanh ở cung trời Đâu-suất-đà theo truyền thống của chư vị Bồ tát. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên để  thành Phật tế độ chúng sanh, Ngài giáng sanh xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng bà Pabhavatī, hoàng hậu của vua Uggaha, tại kinh đô Sumaṅgala. Sau mười tháng Bồ tát đản sanh.

Vào ngày đặt tên của thái tử, vì lúc thái tử ra đời, tất cả mọi người đều được an lạc cả thân lẫn tâm nên các bậc trí tuệ đặt tên cho Ngài là Sujāta (Thiện Sanh).

Đời sống ở vương cung

Đến tuổi trưởng thành, thái tử sống trong ba cung điện là Siri, Upasiri và Nanda, được hầu cận chăm sóc bởi công chúa Sirinandā và hai mươi ba ngàn cung nữ của nàng trong chín chục ngàn năm.

Sự xuất gia

Sau khi Bồ tát trông thấy bốn điềm tướng và khi công chúa Sirinandā đã hạ sanh một hoàng nam tên là Upasena, Ngài đi xuất gia cỡi trên con tuấn mã Haṃsavāha và trở thành vị Sa-môn. Mười triệu người noi theo gương của Ngài cũng trở thành những vị Sa-môn.

Sự thành đạo

Bồ tát Sujāta cùng với mười triệu vị Sa-môn ấy thực hành pháp khổ hạnh trong chín tháng. Vào ngày rằm tháng tư, ngày Thành đạo của Ngài, Bồ tát độ món cơm sữa do con gái của vị trưởng giả Sirinandana, ở thành phố Sirinanda dâng cúng và trải qua suốt ngày trong rừng cây sala ở gần đó. Buổi chiều Ngài một mình đi đến đại thọ bồ đề. Trên đường đi, Ngài nhận tám nắm cỏ do một người dị giáo tên Sunanda dâng cúng. Khi Ngài vừa rải mớ cỏ xuống cội cây bồ đề, tức cây Mahā Veḷu, thì Vô địch bảo tọa cao ba mươi ba hắc tay xuất hiện. Ngồi kiết già trên bảo tọa, Ngài thể hiện bốn mức độ tinh tấn, chiến thắng Ma vương và chứng đắc Phật quả, thành bậc Chánh biến tri, Thế Tôn của ba cõi.

Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Sumedha (Dhammābhisamaya)

Sau khi thành đạo, Đức Phật trải qua bốn mươi chín ngày ở bảy chỗ gần cây Bồ-đề. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên, Ngài xem xét nên thuyết pháp tế độ ai trước và thấy người em trai khác mẹ là hoàng tử Sudassana và chàng thanh niên Sudeva – đứa con trai của vị quốc sư. Hai chàng trai này đã gieo tạo nhiều phước đức trong quá khứ dẫn đến chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn. Đức Phật vận dụng thần thông bay đến vườn Sumaṅgala, gần thành phố Sumaṅgala, bảo người giữ vườn đi gọi hoàng tử Sudassana và thanh niên Sudeva. Trước hội chúng gồm chư thiên và nhân loại do hai vị hoàng tử dẫn đầu, Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân đúng với thông lệ của chư Phật quá khứ. Lúc bấy giờ có tám trăm triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc giải thoát.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)

Một dịp khác, Đức Phật Sujāta đánh bại các ngoại đạo sư bằng cách thị hiện Song thông gồm nước và lửa gần cây Sala, sát với cổng của vườn thượng uyển Sudassana. Khi an cư kiết hạ, ngồi trên tảng đá bằng ngọc lục bảo dưới cội cây Pāricchattaka, chỗ ngụ của Đế thích thuộc cõi Đao lợi thiên, Đức Phật thuyết Tạng A-tỳ-đàm. Trong dịp ấy có ba triệu bảy trăm ngàn chư thiên và Phạm thiên chứng đắc đạo quả giải thoát.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)

Lại một dịp khác, Đức Phật Sujāta về thăm phụ vương ở kinh đô Sumaṅgala. Khi ấy có sáu triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả giải thoát.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

Có ba kỳ Đại hội Thánh Tăng đệ tử Đức Phật Sujāta. Kỳ thứ nhất diễn ra ở Sudhamma, gần thành phố Sudhammavatī. Nơi đây, Đức Phật dạy Pháp cho những người đến yết kiến Ngài, thâu nhận sáu triệu người vào Tăng chúng bằng cách truyền phép xuất gia ‘Thiện lai tỳ khưu’ đến họ, rồi Đức Phật tụng Ovāda Pātimokkha giữa hội chúng tỳ khưu ấy.

(Đây là Sannipāta lần thứ nhất)

Một dịp khác khi Đức Phật đi xuống từ cung trời Đao lợi (Tavatiṃsa), một đại hội gồm năm triệu vị tỳ khưu diễn ra.

(Đây là Sannipāta lần thứ hai)

Lại một dịp khác nữa, khi đại đệ tử cánh tay phải của Đức Phật, trưởng lão Sudassana, dẫn bốn trăm ngàn người đến yết kiến Đức Phật, những người này đã quyết định với nhau là sẽ xuất gia khi nghe tin người em của Đức Phật, hoàng tử Sudassana, đã trở thành vị tỳ khưu trước Đức Phật và đã chứng đắc Đạo Quả A-la-hán. Đức Phật ban lời giáo huấn đến họ, tế độ họ thành những vị Thiện lai tỳ khưu và tụng Ovāda Pātimokkha giữa hội chúng có bốn đặc tánh ấy.

(Đây là Sannipāta lần thứ ba)

Bồ tát Gotama là vị Chuyển luân vương và được Đức Phật Sujāta thọ ký

Lúc bấy giờ Bồ tát của chúng ta là vị Chuyển luân vương, nghe tin Đức Phật đã xuất hiện trong thế gian, vị ấy đi đến Đức Phật, nghe pháp, dâng hiến vương quyền cùng với bảy loại vật báu đến chúng Tăng có Đức Phật chủ tọa, rồi trở thành vị Sa-môn. Dân cư xứ Diêm phù đề tự nguyện làm người hộ độ chúng Tăng, thâu thuế và lấy đó để phục vụ Đức Phật và chúng Tăng qua hình thức bốn món vật dụng:  vật thực, y phục, chỗ ngụ và thuốc men.

Rồi Đức Phật Sujāta công bố lời tiên tri: “Trong tương lai người này sẽ thành một vị Phật, danh hiệu là Gotama.”

Khi được Đức Phật thọ ký, Bồ tát vô cùng vui sướng và quyết tâm thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật càng tinh tấn hơn.

Bồ tát đã gia nhập vào Tăng chúng và thành tựu các lãnh vực trong giáo pháp của Đức Phật gồm Kinh và Luật. Như vậy Bồ tát đã đóng góp vào việc hoằng dương giáo pháp của Đức Phật Sujāta.

Sau khi tu tập pháp thiền Tứ vô lượng tâm, pháp thiền dẫn đến tái sanh ở cõi Phạm thiên, luôn chánh niệm trong ba oai nghi đi, đứng và ngồi (không nằm), Bồ tát đạt đến đỉnh cao của pháp hành là Bát thiền và Ngũ thông. Vì vậy sau khi thân hoại mạng chung, Bồ tát tái sanh về Phạm thiên giới.

Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Sujāta

Nơi sanh của Đức Phật Sujāta là kinh đô Sumaṅgala, phụ vương là vua Uggata và mẫu hậu là hoàng hậu Pabhāvatī.

Ngài trị vì vương quốc trong chín ngàn năm. Ba cung điện của Ngài là Sirī, Upasirī và Nanda.

Chánh hậu Sirinandā, nàng có hai mươi ba ngàn cung nữ hầu hạ. Con trai là hoàng tử Upasena.

Ngài đi xuất gia cỡi trên con tuấn mã và hành khổ hạnh trong chín tháng.

Hai vị Thượng thủ Thinh văn của Ngài là trưởng lão Sudassana và trưởng lão Sudeva; thị giả của Ngài là trưởng lão Nārada.

Hai đại đệ tử nữ của Ngài là trưởng lão ni Nāgā và trưởng lão ni Nāgasamālā. Cây bồ-đề là cây Mahāvelu (cây tre lớn)

(Cây tre có thân to lớn, cành lá xum xuê và rợp bóng đến nỗi không có kẽ hở nào để ánh nắng mặt trời chiếu qua. Cây rất đẹp, thẳng tắp và hấp dẫn. Thân tre chỉ có một đốt và từ đốt này những nhánh lá mọc ra rất xinh đẹp như lông đuôi của con chim công và thân hoàn toàn không có gai, các nhánh chỉa ra bốn hướng, che phủ dày đặc)

Hai cận sự nam bậc thánh là trưởng giả Sudatta và trưởng giả Citta. Hai cận sự nữ bậc thánh là Ưu-bà-di Subhaddā và Ưu-bà-di Padumā.

Đức Phật Sujāta cao năm mươi hắc tay. Ngài có tất cả những hảo tướng của một vị Phật.

Hào quang từ thân Ngài chiếu sáng khắp phương, xa bao nhiêu tùy ý . Không có loại ánh sáng nào có thể sánh bằng hào quang của Ngài.

Thọ mạng trong thời kỳ của Đức Phật Sujāta là chín chục ngàn năm và trải qua bốn phần năm của thọ mạng, Đức Phật đã cứu vớt cho vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên thoát khỏi đại dương luân hồi và đặt họ bên kia bờ Niết bàn.

Như những con sóng trong đại dương trông thật kỳ diệu, như các vì sao và các hành tinh lấp lánh, chiếu sáng trong bầu trời thật kỳ ảo, giáo pháp của Đức Phật Sujāta cũng chiếu sáng một cách kỳ diệu bởi những vị A-la-hán.

Kinh cảm quán

Đức Phật Sujāta ấy giống như chư Phật vô thượng trong quá khứ và những ân đức của Đức Phật Sujāta ấy tất cả đều đã biến mất. Tất cả các pháp hữu vi quả thật vô ích và không thực chất!

Bảo tháp

Như vậy Đức Phật Sujāta, bậc chiến thắng Ngũ ma, đã viên tịch đại Niết bàn tại vườn Sīlarāma. Tại khu vườn này, một bảo tháp cao ba gāvuta được xây dựng để cúng dường Đức Phật.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app