Nội Dung Chính
- 2. Giới Ba-la-mật được thực hành viên mãn như thế nào?
- Muốn giúp đỡ kẻ khác bằng tài sản vật chất, trước hết người ta phải cố gắng tích lũy của cải. Cũng vậy, muốn tô điểm lên người của chúng sanh bằng những vật trang sức của giới, vị Bồ tát phải bắt đầu làm trong sạch giới của chính mình.
- Vāritta sīla (Chỉ trì giới) & Cāritta sīla (Tác trì giới)
- Vị Bồ tát thọ trì Vāritta sīla – Chỉ trì giới như thế nào?
- Những lợi ích của việc kiên tránh các ác nghiệp
- Cāritta Sīla – Tác trì giới của vị Bồ tát
2. Giới Ba-la-mật được thực hành viên mãn như thế nào?
Muốn giúp đỡ kẻ khác bằng tài sản vật chất, trước hết người ta phải cố gắng tích lũy của cải. Cũng vậy, muốn tô điểm lên người của chúng sanh bằng những vật trang sức của giới, vị Bồ tát phải bắt đầu làm trong sạch giới của chính mình.
Ở đây, giới được làm trong sạch theo 4 cách:
– Ajjhāsaya-visuddhi – bằng thiên hướng thanh tịnh
– Samādāna – bằng sự thọ trì giới
– Avītikkamana – bằng sự không vi phạm
– Paṭipakatika-karana – bằng Xsự sám hối sau khi đã phạm giới
(i) Ajjhāsaya-visuddhi – Một người qua thiên hướng thanh tịnh của chính mình, tự nhiên ghê tởm điều ác. Người ấy có thể có giới rất thanh tịnh, trong anh ta khởi dậy cảm giác hỗ thẹn tội lỗi (hiri).
(ii) Samādāna – Người đã thọ giới từ bậc trì giới suy xét rằng: “Ta đang thọ trì giới từ vị thầy như vậy.” Và nhờ có sự kính trọng những kẻ khác, người ta có thể được thanh tịnh về giới nhờ khởi dậy cảm giác ghê sợ tội lỗi (ottappa).
(iii) Avītikkamana – Khi đã có tàm và quí rồi thì không thể có sự vi phạm giới. Nhờ không vi phạm giới, người ta được thanh tịnh.
(iv) Paṭipakatika-karana – Do thiếu cẩn trọng, đôi khi người ta cũng phạm một hoặc hai giới. Sau đó do cảm hỗ thẹn và ghê sợ tội lỗi, người ta nhanh chóng làm trong sạch chúng bằng sự sám hối.
Vāritta sīla (Chỉ trì giới) & Cāritta sīla (Tác trì giới)
Giới được thanh tịnh theo bốn cách kể trên gồm có hai loại, đó là Vāritta sīla (Chỉ trì giới) và Cāritta sīla (Tác trì giới):
(i) Vāritta sīla: Không làm điều gì do Đức Phật đã cấm qua lời dạy: “Điều này là sai. Điều này không nên làm. Nên kiên tránh việc làm như vậy.” Như vậy tránh xa mười ác nghiệp như sát sanh, v.v… được gọi là Vāritta sīla – Chỉ trì giới.
(ii) Cāritta sīla: Tôn kính những bậc đáng kính như các vị thầy của mình, cha mẹ hoặc những bạn tốt và thực hành những phục vụ hữu ích và không thể chê trách đối với những bậc đáng kính ấy thì được gọi là Cāritta sīla – Tác trì giới.
Vị Bồ tát thọ trì Vāritta sīla – Chỉ trì giới như thế nào?
(a) Vị Bồ tát có tâm từ bi rất lớn đối với tất cả chúng sanh nên Ngài không có lòng oán hận đối với bất cứ ai ngay cả trong giấc ngủ. Ngài cũng kiên tránh sự sát sanh.
(b) Vì Ngài luôn luôn tận tâm giúp đỡ kẻ khác nên thà Ngài cầm lấy con rắn độc hơn là lấy cắp tài sản của kẻ khác.
(c) Trong những kiếp mà Bồ tát làm tỳ khưu hoặc đạo sĩ, Ngài luôn luôn tránh xa việc tà hạnh. Ngoài ra, Ngài còn tránh xa bảy pháp liên quan đến dục lạc (trong Aṅguttara Nikāya) đó là:
(i) Thích được người nữ mát-xa, xoa bóp.
(ii) Thích đùa giỡn với người nữ;
(iii) Thích liếc nhìn người nữ;
(iv) Thích nghe người nữ nói, cười, hát từ bên kia vách tường;
(v) Thích tưởng lại những hành động tình dục mà mình đã trải qua.
(vi) Thích nhìn kẻ khác thọ hưởng dục lạc và mong muốn những khoái lạc như vậy; và
(vii) Sống cuộc đời phạm hạnh với mong ước được tái sanh về cõi chư thiên để hưởng dục.
Ngay cả bảy pháp liên quan đến dục lạc cũng tránh xa, nên sự phạm giới tà hạnh không thể xảy ra đối với vị Bồ tát.
Trong những kiếp sanh làm gia chủ, Bồ tát không hề có ý nghĩ về tà hạnh đối với vợ của người.
(d,e,f,g) Khi nói, Ngài tránh không phạm vào 4 loại ác ngữ và chỉ nói lời chân thật, nói những lời đem lại sự hòa hợp giữa hai bên, nói lời thân ái và có dịp Ngài chỉ nói pháp một cách vừa phải.
(h,i,j) Tâm của Ngài luôn luôn vắng mặt tham ác và sân độc, Ngài hằng có trí biết rằng mỗi người là chủ nhân các nghiệp của chính mình (kammassakata ñāṇa). Ngài luôn có niềm tin và thiện ý đối với bậc Sa-môn đang thực hành chánh hạnh.
Ngài xa lìa bất thiện nghiệp dẫn đến 4 khổ cảnh, và Ngài an trú trong thiện nghiệp dẫn đến cõi chư thiên và Niết bàn. Do sự thanh tịnh trong các thiên hướng của Ngài, và do sự thanh tịnh của thân nghiệp và khẩu nghiệp của Ngài, tất cả ước muốn của vị Bồ tát mong ước lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh đều được thành tựu nhanh chóng. Ngài đạt được thành tựu viên mãn các pháp Ba-la-mật.
Những lợi ích của việc kiên tránh các ác nghiệp
Bằng cách kiên tránh sự sát sanh (pānātipāta), vị Bồ tát bố thí sự vô hại đến tất cả chúng sanh. Ngài thành tựu trong việc phát triển tâm bác ái một cách dễ dàng và hưởng được 11 lợi ích từ sự tu tập pháp Bác ái. Cùng với những lợi ích khác như sức khỏe, trường thọ và sự an vui to lớn, Ngài có được các hảo tướng của bậc Đại nhân như ngón tay và ngón chân thon và dài. Ngài có thể đoạn trừ khuynh hướng tự nhiên về sân (dosa-vāsana).
Do sự tránh xa trộm cắp (adinnadāna), vị Bồ tát có được tài sản và của cải vững bền, không bị tàn hại bởi năm loại kẻ thù. Mọi người đều tin tưởng Ngài. Ngài hiền hòa, thân mến và đáng tin cậy. Với khuynh hướng xả ly, Ngài có thể đoạn diệt các khuynh hướng tự nhiên về tham (lobha-vāsana).
Nhờ tránh xa lối sống phi phạm hạnh (abrahmacariya), vị Bồ tát giữ tâm thanh tịnh và thân hành đứng đắn, thân ái, hài hòa với tất cả chúng sanh; Ngài nhận được tiếng tốt. Ngài không tham luyến với nữ giới. Nhờ khuynh hướng xả ly, Ngài có thể đoạn diệt các khuynh hướng về tham (lobha-vāsana).
Do tránh xa nói dối (musa-vada), vị Bồ tát rất được kính trọng, được chúng sanh tin cậy. Lời nói của Ngài được chấp nhận ngay và có ảnh hưởng lớn đến mọi người, Ngài được chư thiên yêu mến. Miệng của Ngài luôn luôn tỏa ra hương thơm. Lời nói và hành vi của Ngài được hộ phòng nghiêm ngặt. Ngài có những hảo tướng đặc biệt của bậc Đại nhân như mỗi lỗ chân lông trên thân chỉ có một sợi lông, v.v… Ngài có thể đoạn trừ các khuynh hướng tự nhiên về các phiền não (kilesa- vāsana).
Nhờ tránh xa lời nói ly gián (pisuna-vācā), vị Bồ tát có thân không thể bị hại và tùy tùng không bị chia rẻ bởi thủ đoạn của kẻ khác. Ngài có niềm tin vững chắc trong chánh pháp. Ngài là người bạn rất chung thủy, thân ái với tất cả chúng sanh, hưởng được các lợi ích là ít phiền não (kilesa).
Nhờ tránh xa lời nói thô ác (pharusa-vācā), nên vị Bồ tát thân ái với chúng sanh. Nhờ tánh vui vẻ, ôn hòa, giọng nói ngọt ngào, Ngài được chúng sanh kính trọng hết mức, Ngài có được tám đặc tánh của giọng nói(1).
Do kiên tránh lời nói phù phiếm, vô ích (samphappalāpa-vāca), vị Bồ tát thân ái và gần gũi với tất cả chúng sanh, được chúng sanh tôn kính, trọng vọng. Thận trọng trước khi nói nên lời nói của Ngài được hoan hỷ chấp nhận và có ảnh hưởng lớn đến mọi người. Ngài vận dụng ảnh hưởng và có khả năng trả lời ngay những câu hỏi của kẻ khác. Khi thành Phật, Ngài có khả năng trả lời tất cả những câu hỏi của chúng sanh bằng nhiều loại ngôn ngữ. Ngài trả lời bằng tiếng Magadhi, ngôn ngữ của các bậc Thánh (ariyavācā). (Câu trả lời bằng tiếng Magadhi khiến cho thính chúng với một trăm lẻ một ngôn ngữ khác nhau, đều hiểu được như đang nghe ngôn ngữ của chính mình).
Do kiên tránh tham dục (abhijjhā), vị Bồ tát có được bất cứ cái gì Ngài mong ước không chút khó khăn, Ngài có được những của báu thù thắng, khả ái, Ngài được các tầng lớp vua chúa, Bà-la-môn, và các gia chủ tôn trọng cùng kính nể. Ngài không bao giờ bị kẻ thù đánh bại; Ngài không bị khuyết tật về các căn như mắt, tai, mũi, v.v… và trở thành người không ai có thể sánh bằng.
Do kiên tránh sân độc (vyāpāda), vị Bồ tát trở thành người dịu dàng, dễ mến và được mọi người yêu quý nên họ tin tưởng Ngài một cách dễ dàng. Ngài không xúc phạm kẻ khác, chỉ trú trong pháp bác ái và có oai lực lớn.
Nhờ phủ nhận tà kiến và chỉ tu tập chánh kiến, vị Bồ tát có được những người bạn tốt. Ngài không phạm vào điều ác dù bị đe dọa đến tánh mạng. Với tri kiến vững chắc rằng là chủ nhân của các nghiệp của chính mình, Ngài không tin vào các điềm tướng có tính chất mê tín (diṭṭha suta mutamaṅgala: niềm tin của những kẻ thiếu học, tin vào sự may mắn hoặc rủi ro của năm cảnh khi họ thấy, nghe hoặc va chạm trong điều kiện và hoàn cảnh nào đó). Ngài có niềm tin vững chắc trong Chánh pháp và Nhất thiết trí của chư Phật (cũng như con thiên nga chúa không ưa thích phân bò). Ngài cũng không ưa thích các loại tín ngưỡng nào khác ngoài Chánh kiến (sammā-diṭṭhi). Ngài hiểu rõ ba đặc tánh vô thường, khổ và vô ngã. Trong kiếp cuối cùng khi Ngài thành Phật, Ngài đạt được Vô chướng trí (Anāvarana-ñāṇa), (biết mọi thứ mà không gặp bất cứ chướng ngại nào). Trước khi thành Phật, Ngài cũng là người đứng đầu chúng sanh trong bất cứ kiếp nào mà Ngài sanh ra và Ngài đạt được những điều may mắn cao nhất.
“Giới là nền tảng của tất cả mọi thành quả. Giới là nguồn gốc của tất cả mọi đức tánh của vị Phật, là pháp khởi đầu của tất cả các pháp Ba-la-mật.” Suy xét như vậy và rất quý trọng giới, vị Bồ tát phát triển chánh niệm và giác tỉnh trong bốn lãnh vực – kiểm soát thân nghiệp và khẩu nghiệp, thu thúc lục căn, nuôi mạng thanh tịnh, và việc sử dụng bốn món vật dụng. Ngài thực hành viên mãn sự thọ trì giới bằng sự cẩn trọng đúng mức, xem lợi lộc và danh tiếng là kẻ thù đội trong lốt của người bạn.
(Đây là cách thọ trì Chỉ trì giới – Varitta Sīla)
Cāritta Sīla – Tác trì giới của vị Bồ tát
Vị Bồ tát luôn niềm nở với những người bạn thiện lành, chắp tay tôn kính đón chào và tiếp đãi họ lịch sự. Ngài đích thân chăm sóc người bịnh và cung cấp cho họ những nhu cầu cần thiết. Sau khi nghe Pháp, Ngài bày tỏ sự hoan hỷ tán thán. Ngài nói lời tán dương các phẩm hạnh của những bậc giới đức. Ngài nhẫn nại chịu đựng những điều sai trái do kẻ khác đem đến và thường xuyên ghi nhớ những điều tốt mà họ đã làm cho Ngài. Ngài hoan hỷ trong những việc phước của người khác và cống hiến những việc phước của mình cho sự Giác ngộ tối thượng. Ngài hằng trú trong thiện pháp không một chút dễ duôi. Nếu bất cẩn phạm phải điều ác nào, Ngài thành thật nhận lỗi và sám hối với các pháp lữ. Ngài tu tập thiện pháp ngày một sâu rộng hơn và thành đạt được các pháp chứng cao hơn.
Cũng vậy, Ngài có sự thiện xảo và sốt sắng trong việc phục vụ chúng sanh về các vấn đề có lợi cho họ và đem lại sự hoan hỷ cho Ngài. Khi chúng sanh gặp khó khăn như bịnh tật, v.v… Ngài cố gắng xoa dịu họ bằng hết khả năng của Ngài. Khi có chuyện không may (vyasana) xảy đến với họ, liên quan đến quyến thuộc, tài sản, sức khỏe, giới hạnh và niềm tin, Ngài đoạn trừ sầu khổ cho họ bằng sự xoa dịu. Ngài khiển trách đúng pháp những người đáng bị khiển trách chỉ để giúp họ tránh khỏi điều ác và an trú họ trong thiện pháp. Đối với những người xứng đáng được nâng đỡ, Ngài cho họ sự giúp đỡ đúng pháp.
Khi nghe những pháp hành tối thượng của chư vị Bồ tát trong quá khứ, mà nhờ những pháp hành này làm cho các Ngài hoàn thiện các pháp Ba-la-mật, sự xả ly, các hạnh và những pháp hành khó thực hiện, có năng lực bất khả tư nghì, đem lại lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh, Bồ tát không chút sợ hãi hoặc nản lòng..
Ngài suy xét: “Tất cả các vị Bồ tát trong quá khứ giống như ta, tất cả chỉ là con người, thế mà nhờ thường xuyên tu tập về giới, định và tuệ, các vị đã chứng đạt sự Giác ngộ tối thượng. Cũng như các vị đại Bồ tát thuở xưa, ta cũng sẽ trải qua sự tu tập đầy đủ về giới, định và tuệ. Bằng cách này, sau khi thành tựu viên mãn ba pháp tu tập, cuối cùng ta cũng sẽ chứng đạt mục tiêu là Nhất thiết trí. Như vậy, với sự siêng năng không suy giảm, Ngài thực hành viên mãn các pháp tu tập về giới, v.v….
Tương tự, vị Bồ tát không khoe khoang những việc thiện của mình, thay vào đó Ngài thú nhận những lỗi lầm của Ngài không hề che giấu. Ngài có sự thiểu dục, dễ thỏa mãn, thích nơi vắng vẻ. Ngài chịu đựng mọi khó khăn vất vả, không tham muốn vật này hay vật nọ, không dao động. Ngài không tự cao, không ngã mạn, không tự phụ, không lăng mạ và không nói quá lời. Ngài sống vắng lặng, không hành động lừa đảo, gian dối để kiếm sống.
Ngài có thân hạnh và khẩu hạnh chân chánh và có những đề mục thiền quán. Ngài thấy nguy hiểm ngay cả trong lỗi lầm nhỏ nhất và thọ trì giới luật một cách cẩn trọng. Không luyến ái với tấm thân hoặc sanh mạng, Ngài chỉ hướng tâm đến sự chứng đạt Nhất thiết trí và Niết bàn, không ngừng chuyên tâm vào sự thực hành các thiện pháp. Ngài không chút luyến ái với tấm thân hay sanh mạng, thay vào đó Ngài xả bỏ chúng. Ngài cũng loại trừ các pháp làm ô nhiễm giới như sân hận, v.v…
Ngài không tự mãn với những thành quả bậc thấp, mà cố gắng đạt được những pháp chứng cao hơn. Do những nỗ lực, cố gắng như vậy, thành quả của Ngài về thiền, v.v… không bị suy giảm hoặc trì trệ, mà dần dần tăng trưởng lên những tầng bậc cao hơn,
Cũng vậy, Bồ tát giúp người mù đi đến chỗ họ muốn đến hoặc dẫn họ đi đúng đường; Ngài trao đổi, chuyện trò với người câm và người điếc bằng những cử chỉ, điệu bộ. Ngài cung cấp phương tiện đi lại đến những người què, hoặc tự Ngài cõng họ trên lưng đến bất cứ nơi nào họ muốn.
Ngài làm việc thiện rất chăm chỉ khiến những người kém đức tin, có thể phát triển đức tin, những kẻ lười biếng trở nên tinh tấn, những kẻ bất cẩn, thiếu chánh niệm có thể phát triển chánh niệm, những kẻ phóng dật, hay lo lắng có thể phát triển sự định tâm, và những kẻ ngu si, thiếu học có thể tu tập về trí tuệ. Ngài cố gắng làm cho người gặp khó khăn với những chướng ngại có thể đoạn trừ những chướng ngại ấy và những người hay khởi lên các tà tư duy về dục, sân và hại có thể đoạn trừ những tà tư duy ấy.
Đối với những người đã từng giúp đỡ Ngài, Ngài tỏ thái độ biết ơn, đón chào họ bằng những lời thân thiện, đền đáp họ bằng những lợi ích tương tự hoặc nhiều hơn những lợi ích mà họ đã cho Ngài. Trong lúc họ gặp rủi ro, Ngài giúp đỡ họ như một người bạn thân thiết.
Nhờ biết được thiên hướng tánh khí tự nhiên của chúng sanh, Ngài giúp họ thoát khỏi điều bất thiện và an trú họ trong thiện pháp. Ngài giúp đỡ họ bằng cách đáp ứng những nhu cầu và mong ước của họ. (Điều muốn nói ở đây là Ngài tìm cách kết bạn với họ để giúp họ thoát khỏi ác pháp và giúp họ an trú trong các thiện pháp bằng cách bố thí đến những người thích vật thí, nói lời từ ái với những người thích nhỏ nhẹ, chỉ ra lối sống hữu ích (atthacariyā) đến những người thích sống như vậy, đối xử công bằng (sāmanattatā) đối với những người muốn được đối xử như vậy).
Cũng vậy, với ý muốn đem lại lợi ích cho chúng sanh, Ngài không làm tổn thương hay tranh cãi với họ, không làm họ bẽ mặt, hoặc khiến họ phải ân hận. Ngài không tìm lỗi lầm của kẻ khác hay xem thường họ. Ngài khiêm cung khi tiếp xúc với những người khiêm hạ.
Ngài không hoàn toàn tách biệt với mọi người, cũng không thân thiện quá mức hoặc giao du với họ lúc phi thời. Ngài chỉ đến với những người đáng thân cận đúng lúc và đúng nơi. Ngài không nói xấu kẻ khác trước mặt bạn bè của họ, hoặc khen ngợi những người mà không có quan hệ tốt với họ. Ngài không kết thân với những bạn xấu.
Ngài không từ chối lời mời chính đáng cũng không đưa ra những yêu cầu thái quá, cũng không nhận nhiều hơn những gì Ngài cần đến. Ngài bày tỏ sự hoan hỷ và khích lệ đến những người có tín tâm bằng cách thuyết pháp đến họ về những lợi ích của đức tin. Cũng vậy, Ngài bày tỏ sự hoan hỷ, khích lệ những người có giới, bố thí, nghe nhiều học rộng và trí tuệ bằng cách thuyết giảng về những quả phước của những đức tánh này.
Ở vào kiếp mà Bồ tát xuất gia, chứng thiền và các pháp thần thông, Ngài thị hiện những pháp thần thông này làm khởi dậy sự kinh cảm trong những người cố chấp không chịu làm các việc thiện, bằng cách cho thấy những sự đau đớn kinh khủng trong các khổ cảnh. Ngài khiến những người không có đức tin và các thiện tánh khác an trú trong đức tin, v.v… và mở ra cho họ con đường tiếp cận giáo pháp của Đức Phật. Đối với những người đã có đức tin, v.v… Ngài giúp họ đạt được sự tiến bộ trong những thiện pháp ấy.
Bằng cách này, Tác trì giới của vị Bồ tát trải qua nhiều kiếp giống như “cơn lũ” càng lúc càng lớn mạnh hơn.
(Đây là phương pháp thực hành Giới ba-la-mật).