Nội Dung Chính
Sáu loại bố thí theo tạng Abhidhamma
Rūpa dāna – Sắc thí
Trong sáu loại vật thí theo tạng Abhidhamma, sự bố thí sắc nên được hiểu như vầy: Sau khi kiếm được những vật thí như hoa, y phục, những khoáng chất có màu xanh, vàng, đỏ, trắng, v.v… người ta xem chúng chỉ là màu sắc và nghĩ rằng: “Ta sẽ bố thí màu sắc. Đây là sự bố thí của ta về màu sắc.” Những vật thí được cho với ý nghĩ như vậy được gọi là sắc thí (rūpa dāna).
Không thể nào xảy ra nếu người ta muốn bố thí riêng một màu nào đó bằng cách tách rời nó ra khỏi vật thí mang màu sắc ấy. Muốn bố thí màu sắc, người ta có thể bố thí hoa, y phục hoặc khoáng chất có màu sắc mà đã chọn với ý nghĩ rằng. Đây là cách bố thí sắc (rūpa dāna).
Sadda dāna – Thinh thí
Bố thí âm thanh như âm thanh của trống, v.v… Khi bố thí như vậy, người ta không thể nào cho âm thanh giống như cho ngó sen và củ sen sau khi nhổ chúng lên hoặc bó hoa sen bằng cách đặt nó trong tay người thọ thí. Người ta bố thí âm thanh bằng cách cho những vật phát ra âm thanh như chuông hoặc trống với ý nghĩ rằng: “Ta sẽ bố thí âm thanh.” Vị ấy làm lễ Tam bảo bằng cách tự mình chơi một trong những nhạc cụ này hoặc bảo người khác làm như thế hoặc nghĩ rằng: “Đây là sự bố thí của ta về âm thanh,” người bố thí đặt cái chuông, cái trống đồng trên một cái giá đã định sẵn trong chùa hoặc bảo người khác làm như vậy. Hoặc bằng cách cúng dường đến người thuyết pháp những thứ bồi bổ giọng nói của các Ngài như mật ong, mật đường, v.v… Bằng sự thông báo và mời mọi người đến nghe pháp hoặc bằng cách thuyết pháp, luận đạo với những người đã đến với mình. Hoặc bày tỏ sự hoan hỷ những việc phước như cúng dường vật thực đến vị tỳ khưu hoặc xây dựng tịnh xá hoặc khuyến khích người khác làm như vậy. Sự bố thí như vậy được gọi là Thinh thí – Sadda dāna.
Gandha dāna – Hương thí
Cũng vậy, sự bố thí hương thơm được thực hiện sau khi đã kiếm được những vật thơm khả ái dưới dạng củ, nhánh hoặc bột, xem nó là hương thơm và nghĩ rằng: “Ta sẽ bố thí hương thơm. Đây là sự bố thí của ta về hương thơm,” vị ấy cúng dường nó đến Tam bảo. Sự bố thí như vậy được gọi là Hương thí – Gandha dāna
Rasa dāna – Vị thí
Tương tự, sự bố thí vị được thực hiện sau khi kiếm được những thứ có vị ngon như hạt, củ, trái cây, v.v… xem nó chỉ là vị và nghĩ rằng: “Ta sẽ bố thí vị. Đây là sự bố thí của ta về vị.” Người bố thí dâng cúng nó đến người thọ thí. Hoặc bố thí vật thực, có vị ngon như cơm, bắp, đậu, sữa, v.v… Sự bố thí như vậy được goị là Vị thí – Rasa dāna
Phoṭṭhabba dāna – Xúc thí
Đó là sự bố thí những vật xúc chạm như giường, ghế, nệm, võng, v.v… và các loại đồ trải như mùng, mền, chiếu, gối, v.v…. Sau khi kiếm được những vật xúc chạm mềm mại, khả ái như ghế, khăn trải giường, chăn v.v… xem chúng chỉ là vật xúc chạm và nghĩ rằng: “Ta sẽ bố thí vật xúc chạm. Đây là sự bố thí của ta về vật xúc chạm,” Sự bố thí như vậy được gọi là Xúc thí – Phoṭṭhabba dāna
Dhamma dāna – Pháp thí
Pháp thí ở đây ám chỉ sự bố thí cảnh pháp (dhamma rammana), một trong sáu cảnh trần. Theo đúng với câu châm ngôn: “Dưỡng chất (oja), ẩm chất (pāna), sanh mạng (jīvita) được xem là Pháp thí.
Giải thích thêm:
Sau khi kiếm được vật thí nào đó như bơ, sữa, v.v… giàu chất dinh dưỡng (oja), xem chúng chỉ là chất dinh dưỡng. Thực sự là cảnh pháp, và nghĩ rằng: “Ta sẽ bố thí cảnh pháp. Đây là sự bố thí của ta về cảnh pháp,” vị ấy bố thí bơ, sữa, v.v… hoặc bố thí tám loại thuốc uống (pāna) được sửa soạn từ trái cây, hoặc các loại củ, hoặc nghĩ rằng “Đây là sự bố thí sanh mạng,” vị ấy bố thí những thứ đem lại sự trường thọ như vật thực bằng phiếu thực phẩm v.v… hoặc mời thầy thuốc về nhà chạy chữa cho người bịnh; hoặc hủy bỏ những chiếc bẫy thú, những lưới cá, những lồng chim; hoặc phóng thích, giải thoát cho những người bị tù đày; hoặc sai người đánh cồng chiêng loan báo “Cấm giết thú và đánh cá để bán thịt.” Rồi tự mình thi hành hoặc bảo kẻ khác làm như vậy để bảo vệ sanh mạng của chúng sanh. Sự bố thí như vậy được gọi là Pháp thí – dhamma-dāna
Chú thích:
- Dhammārammaṇa: Theo cuốn sách về Abhidhamma do trưởng lão Narada biên soạn thì “Dhammārammana (Cảnh pháp) bao gồm tất cả những đối tượng của tâm ý. Pháp gồm cả những hiện tượng tâm lý và vật lý. Bộ sách triết học khái lược của U-shwe-Zan – Aung mô tả cảnh của ý thức là “cảnh của các căn hoặc cảnh của tâm.” Bộ sách còn giải thích thêm rằng “cảnh của tâm cũng bao gồm năm loại tâm phụ: (i) tâm (citta),(ii) sở hữu tâm (cetasika); (iii) sắc thần kinh (pasāda rūpa) và sắc vi tế (sukhuma rūpa), (iv)khái niệm (paññatti: tên gọi, ý niệm, quan niệm, khuynh hướng); và (v) Niết bàn.
- Tám loại thức uống (pāna): Nước xoài, nước táo, nước chuối, nước trái chuối lá, nước trái cây mật ong, nước nho, nước củ sen hay súng, nước trái pharusaka.
- Sự bố thí vật thực bằng phiếu thực phẩm, salāka bhatta, xem trang 94, cuốn 1, phần 1.
Vị Bồ tát cống hiến tất cả những thành quả của sự bố thí kể trên cho lợi ích và hạnh phúc của chúng sanh trong khắp thế gian cho đến khi họ chứng đắc Niết bàn. Ngài làm như vậy để tạo ra những pháp cần thiết cho sự chứng đắc pháp giác ngộ tối thượng, cho ý chí không thối chuyển (chanda), sự tinh tấn (vīriya), định (samādhi), tuệ (pañña) và giải thoát (vimutti) của Ngài qua A-la-hán quả.
Trong việc thực hành Bố thí Ba-la-mật, Bồ tát tu tập tưởng vô thường liên quan đến mạng sống của Ngài và liên quan đến những vật sở hữu của Ngài. Ngài xem những vật sở hữu này thuộc về người khác. Ngài luôn phát triển tâm đại bi đến chúng sanh. Trong việc tăng trưởng tâm đại bi như vậy, Bồ tát tích lũy công đức được rút ra từ tài sản giá trị của Ngài. Như một người có căn nhà đang cháy bèn tự thoát thân và mang theo tất cả những của cải có giá trị nhất đến chỗ an toàn. Bồ tát tự cứu mình và đem những tài sản có giá trị của mình ra khỏi ngôi nhà lớn của ba cõi (dục giới, sắc giới và vô sắc giới), ngôi nhà đang bị đốt cháy bởi 11 loại lửa (lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa già, lửa chết, lửa sầu, lửa bi, lửa đau đớn, lửa ưu và lửa tuyệt vọng, v.v…) bằng cách cho đi tất cả tài sản ấy không giữ lại dù một chút. Ngài bố thí mà không quan tâm, không phân biệt cái nào đem cho và cái nào để dùng.