Nội Dung Chính
10. Các pháp Pāramī được thực hành như thế nào?
Đối với câu hỏi: “Các pháp Ba-la-mật được thực hành như thế nào? Các vị Bồ tát thực hành các pháp Ba-la-mật như thế nào?” Câu trả lời là:
Xét về Dāna Pāramī
Chư Bồ tát thực hành Bố thí Ba-la-mật bằng nhiều cách như đem lại lợi ích cho chúng sanh, chăm lo phúc lợi cho họ, từ bỏ tứ chi và mạng sống, hóa giải những điều tai họa sẽ xảy đến với họ, dạy pháp cho họ, v.v….
Câu trả lời chi tiết là: Bố thí có ba loại: (a) āmisa-dāna – tài thí, (b) abhaya-dāna – vô úy thí, và (c) dhamma-dāna – pháp thí.
(a) Āmisa-dāna – Tài thí
Āmisa-dāna – Tài thí là sự bố thí vật chất, chia làm hai loại: (a) vật trong thân, (b) vật ngoài thân.
Theo Kinh, vật thí ngoài thân gồm có mười loại: thức ăn, nước uống, y phục, xe thuyền, hoa, dầu, giường chiếu, chỗ ngụ và đồ thắp sáng. Vật thí này trở nên nhiều loại chi tiết hơn khi mỗi thứ được chia ra thành nhiều loại như vật thực loại cứng, vật thực loại mềm, v.v….
Theo Abhidhamma, vật thí có 6 loại theo sáu cảnh trần, đó là vật thí về những cái thấy được, vật thí về âm thanh, v.v. Sáu loại vật thí này trở thành nhiều loại chi tiết hơn, ví dụ, những vật thấy được có thể là vật màu xanh, màu vàng, màu đỏ, v.v….
Tương tự có những vật vô tri như vàng, bạc, ngọc, ngọc trai, san hô, v.v… hoặc ruộng vườn, công viên, v.v… và cũng có những vật hữu tình như tôi trai, tớ gái, gia súc, v.v… Như vậy có rất nhiều loại vật thí ngoài thân.
Sự bố thí vật ngoài thân được thực hiện như thế nào?
Khi vị Bồ tát bố thí vật ngoài thân, Ngài cho bất cứ thứ gì mà người xin cần đến. Nếu Ngài biết nhu cầu của họ thì không cần người kia hỏi xin, Ngài cũng cho đúng món hàng ấy và còn nhiều hơn thế nếu được hỏi xin. Ngài cho đi các vật thí một cách hào phóng mà không cần bất cứ điều kiện nào.
Khi có đủ các loại vật thí, Ngài trao chúng đến người xin một cách đầy đủ, dồi dào. Khi không có đủ, Ngài chia (thành những phần bằng nhau), vật gì có thể phân chia rồi đem phân phát.
Có một điểm đặc biệt cần lưu ý, Ngài không cho những thứ gây tổn hại đến kẻ khác như khí giới, chất độc và các loại chất say. Ngài cũng không cho những thứ để vui chơi không đem lại lợi ích, chỉ đem lại sự dễ duôi, sự ham thích vui đùa.
Đối với người bịnh, Ngài không cho đồ ăn hoặc thức uống không thích hợp, Ngài chỉ cho cái gì thích hợp và đúng số lượng.
Cũng vậy, khi được hỏi xin, Ngài trao cho các gia chủ những thứ thích hợp với họ và đến các vị tỳ khưu những thứ thích hợp với các vị ấy. Ngài cho các vật thí mà không gây phiền phức cho những người thân với Ngài như mẹ, cha, quyến thuộc, bạn bè, vợ con, người hầu.
Sau khi hứa sẽ cho vật thí đắc giá, Ngài không cho vật gì ít giá trị hơn. Ngài bố thí mà không cầu danh lợi, sự tôn kính hoặc quả báu của nó. Ngài cũng không mong được tái sanh vào cõi hạnh phúc, sang giàu và thịnh vượng. Ngài chỉ có một ước nguyện duy nhất là chứng đắc Nhất thiết trí.
Ngài không bố thí với tâm coi thường người thọ thí hoặc vật thí. Ngay cả đối với những người thọ thí bất kính đối với Ngài, Ngài cũng không bố thí với tâm trạng buồn giận. Ngài luôn luôn bố thí với thái độ tôn kính, tâm thanh tịnh và lòng bi mẫn. Sự bố thí của Ngài kết hợp với niềm tin nhân quả.
Ngài bố thí mà không khiến người thọ nhận phải hạ mình hoặc tỏ thái độ tôn kính đến Ngài. Ngài không dùng những lời nói thô lỗ, cũng không tỏ thái độ buồn bực. Ngài bố thí với thái độ thân ái, kèm theo lời nói dịu dàng, khuôn mặt tươi vui và thiên hướng thanh tịnh.
Khi có sự luyến ái quá mức đối với vật nào đó do phẩm chất quí giá của nó hoặc do đã dùng nó trong thời gian dài hay do tánh ưa thích những vật quí giá, tuyệt hảo. Vị Bồ tát nhận biết tâm dính mắc nên nhanh chóng loại trừ nó và tìm kiếm người thọ nhận và cho ngay vật ấy.
Giả sử vị Bồ tát sắp thọ thực mà phần ăn chỉ đủ cho một người và có người đến trước mặt ấy xin vật thực. Trong hoàn cảnh như vậy, Ngàì sẽ cho ngay người xin phần ăn của mình một cách đầy tôn kính.
Khi ai hỏi xin vợ con, người hầu, v.v… trước hết Bồ tát giải thích cho họ hiểu hành động bố thí của mình; chỉ khi nào họ đã thông suốt và vui vẻ, Ngài mới cho họ đến người xin. Nhưng Ngài không thực hiện sự bố thí như vậy đến loài phi nhân như dạ xoa, v.v….
Cũng vậy, vị Bồ tát sẽ không cho vương quốc của mình đến những người sẽ làm hại hoặc làm khổ dân chúng, những người đi ngược với lợi ích của dân chúng. Ngài chỉ cho đến những người bảo vệ họ bằng sự cai trị đúng đắn.
Đây là cách thực hành bố thí những vật ngoài thân của vị Bồ tát.
Sự bố thí những vật trong thân được thực hiện như thế nào?
Vị Bồ tát bố thí vật trong thân theo hai cách:
(i) Cũng như một người, vì muốn có đồ ăn và y phục mà bán thân làm nô lệ cho kẻ khác. Tuy nhiên, vị Bồ tát xả thân phục vụ mọi người không mong cầu dục lạc hoặc thiện thú, chỉ cầu lợi ích và hạnh phúc cao nhất cho chúng sanh và sự viên mãn Bố thí Ba- la-mật ở mức cao nhất ví như sự bố thí toàn thân.
(ii) Ngài không do dự cũng không dao động khi cho đi tứ chi và các bộ phận trong thân thể của Ngài như tay, chân, mắt, v.v… đến bất cứ ai cần đến. Cũng như đối với những vật ngoài thân, Ngài không có sự luyến ái đối với tứ chi và các bộ phận trong thân , Ngài cũng không chút miễn cưỡng khi bố thí chúng ví như sự bố thí tứ chi và các bộ phận trong thân.
Hai mục đích của sự bố thí
Trong việc dứt bỏ tứ chi và các bộ phận hoặc cả thân, Bồ tát có hai mục đích: (i) thỏa mãn ước muốn của người thọ thí và cho họ hưởng bất cứ cái gì mà họ cần, và (ii) đạt sự thiện xảo trong việc thực hành các pháp Ba-la-mật bằng cách bố thí hào phóng mà không chút luyến ái đối với các vật thí. Vị Bồ tát bố thí những vật trong thân với niềm tin “Qua sự bố thí như vậy, chắc chắn ta sẽ chứng đắc Nhất thiết trí.”
Trong những hành động bố thí này, Ngài chỉ cho cái gì thực sự đem lại lợi ích cho người thọ thí. Đặc biệt đối với Ma vương hoặc tùy tùng của Ma vương, những kẻ muốn làm hại Bồ tát, thì Ngài sẽ không cho thân mạng và các bộ phận cơ thể của Ngài. Nhưng đối với tất cả những người khác đến xin chúng thì Ngài cho ngay, vì đó là dịp bố thí hiếm hoi.
(b) Abhaya-dāna – Vô úy thí
Vị Bồ tát bố thí sự không sợ hãi bằng cách bảo vệ chúng sanh và giải cứu cho họ dù phải hy sinh tánh mạng của Ngài. Khi họ gặp phải rủi ro và tai họa gây ra bởi vua quan, đạo tặc, lửa, nước, kẻ thù, thú dữ như sư tử, cọp, rắn, dạ xoa, v.v…
(c) Dhamma-dāna – Pháp thí
Bố thí Pháp có nghĩa là thuyết giảng chân lý một cách rõ ràng, với tâm thanh tịnh không bị ô nhiễm bởi tham, sân, v.v….
Đối với những người cần quả vị Thanh văn giác, Bồ tát thuyết pháp về Tam quy, giới thu thúc lục căn, sự tiết độ trong ăn uống, sự tỉnh giác, bảy thiện pháp, sự thực hành thiền chỉ và thiền quá, bảy bước thanh tịnh, trí tuệ về bốn Đạo (magga-ñāṇa), Tam minh (vijjā), sáu Thắng trí (abhiññā), bốn Tuệ phân tích (patisambhidhā-ñāṇa) và sự Giác ngộ của vị Thanh văn (sāvaka bodhi).
Ngài bố thí pháp bằng cách giảng giải chi tiết nội dung của những để tài kể trên, an trú trong Tam quy, giới, v.v cho những người chưa được an trú và giúp những người đã an trú rồi làm thanh tịnh những pháp hành của họ.
Cũng vậy, đối với những người có chí nguyện thành đạt quả vị Bích chi Phật (Paccekabuddha) và Toàn giác Phật (Sammāsambuddha), Bồ tát thuyết pháp bằng cách giải thích cho họ hiểu rõ các đặc tánh, các phận sự, v.v… của 10 pháp Ba-la-mật với oai lực của chư vị Bồ tát trong ba cõi – lúc thành tựu viên mãn các pháp Ba-la-mật, lúc trở thành Phật và viên mãn các phận sự của một vị Phật, an trú họ trong các pháp hành dẫn đến quả vị Độc giác và Toàn giác, và giúp làm thanh tịnh các pháp hành của những vị đã an trú trong đó.
Phân loại Thập bố thí kinh
Khi vị Bồ tát bố thí vật chất, Ngài cho vật thực với ước muốn: “Do sự bố thí này, mong rằng ta có thể giúp đỡ chúng sanh đạt được sự trường thọ, sắc đẹp, hạnh phúc, sức mạnh, trí tuệ và chứng đắc quả vị cao nhất là đạo quả A-la-hán.”
Tương tự, Ngài cho thức uống để làm vơi dịu cơn khát về phiền não dục của chúng sanh.
Ngài bố thí y để có được nước da màu vàng ròng và vật trang sức là tàm và quí; bố thí xe thuyền để được thành tựu về các loại thần thông và hạnh phúc của Niết bàn; bố thí vật thơm để tạo ra hương thơm của giới vô song; bố thí hoa và các loại dầu thơm để có được tất cả những đức tánh của một vị Phật; bố thí sàng tọa để có được bồ đoàn giác ngộ dưới cội cây bồ đề; bố thí giường ngủ để có được thế nằm của một vị Phật khi Ngài nhập tứ thiền đúng với câu nói: “Nằm nghiêng bên trái là thế nằm của người tham dục, nằm nghiêng bên phải là thế nằm của con sư tử, nằm ngửa là thế nằm của loài ngạ quỷ, nhập vào tứ thiền gọi là thế nằm của một vị Phật; bố thí chỗ ngụ như nhà nghỉ, v.v… để trở thành nơi nương tựa của chúng sanh; và bố thí đèn sáng để có được ngũ nhãn.
Các loại bố thí và mục đích của chúng
Vị Bồ tát bố thí màu sắc (rūpa-dāna) để có được hào quang thường xuyên tỏa rộng quanh vị Phật ra tám mươi hắc tay, ngay cả trong bóng tối của khu rừng rậm hoặc đêm ba mươi với mây đen dày đặc che phủ cả bầu trời. Bố thí âm thanh để có được giọng nói của Phạm thiên; bố thí các vị (nếm) trở thành người thân ái với tất cả chúng sanh; bố thí vật xúc chạm để có được tánh dịu dàng của một vị Phật; bố thí trái cây để chứng đạt Niết bàn, không già không chết; bố thí sự tự do cho những người nô lệ để thoát khỏi sự nô lệ phiền não; bố thí trò tiêu khiển trong sạch để có sự vui thích trong chánh pháp; bố thí con để khiến cho tất cả chúng sanh trở thành những đứa con bậc Thánh (bằng cách cho họ xuất gia trong Tăng chúng); bố thí vợ như hoàng hậu Maddi để trở thành chúa tể của tất cả thế gian, (trong bổn sanh Vessantara, hoàng hậu Maddi là vợ của Bồ tát Vessantara); bố thí mười loại của báu (như vàng, ngọc, san hô, v.v…) để đạt được 32 hảo tướng của bậc đại trượng phu; bố thí đồ trang sức để đạt được 80 tướng phụ của bậc đại trượng phu; bố thí tài sản trong thế gian để có được kho tàng chánh pháp; bố thí vương quốc để trở thành vị pháp vương; bố thí vườn ngoạn cảnh, hồ nước mát và rừng cây để đạt được những pháp cao siêu như các tầng thiền, đạo quả và giải thoát; bố thí chân đến bất cứ ai cần chúng để sau này Ngài có thể tự mình đi đến cội cây Bồ đề với đôi chân mang hảo tướng hình bánh xe; bố thí đôi tay của Ngài vì Ngài muốn mở rộng bàn tay chánh pháp để giúp đỡ chúng sanh vượt qua bốn trận bộc lưu (dục, hữu, tà kiến và vô minh); bố thí tai, mũi, v.v… để có được phổ nhãn của vị Phật (Samanta cakkhu) tức là Nhất thiết trí; bố thí thịt và máu với tâm mong ước rằng: “Mong rằng tấm thân của ta sẽ đem lại lợi ích và hạnh phúc cho tất cả chúng sanh trong tất cả mọi thời, ngay cả khi ta đang nhìn, đang nghe, đang hồi tưởng hoặc đang làm công việc cá nhân. Mong rằng nó sẽ là phương tiện để che chở cho toàn thể thế gian”; bố thí đầu, phần cao nhất của thân, để trở thành bậc tối thượng trên thế gian.
Trong những việc bố thí như vậy, vị Bồ tát làm không tầm cầu phương tiện bất chánh; không phải để ngược đãi kẻ khác; không phải vì sợ hãi, hoặc xấu hổ; không phải để gây phiền phức cho người thọ thí. Ngài không bố thí vật xấu và giữ lại vật tốt; Ngài cũng không khen mình và chê người; Ngài cũng không cầu mong thành quả nào khác ngoài Nhất thiết trí; Ngài không bố thí với tâm trạng ghét bỏ, khinh khi. Thực tế thì Ngài bố thí sau khi đã chuẩn bị lễ vật một cách cẩn thận bằng chính đôi tay của Ngài, hợp thời, có sự tôn kính đúng mức đối với người thọ thí, không có sự phân biệt, đầy hoan hỷ trong cả ba thời (trước khi, trong khi và sau khi bố thí).
Do đó, sau khi bố thí, Bồ tát không hề có chút hối tiếc. Ngài không kiêu ngạo hoặc có thái độ khinh khi đối với những người thọ thí mà nói với họ lời thân ái. Khi bố thí Ngài còn cho thêm vật phụ của nó cho đủ bộ.
Ví dụ: Khi Ngài muốn bố thí vật thực, Ngài nghĩ rằng: “Ta sẽ bố thí vật thực này cùng với những thứ phụ thuộc thích hợp khác và cũng bố thí thức uống, y phục, v.v…” và khi Ngài muốn bố thí y phục, Ngài nghĩ rằng: “Ta sẽ thực hiện sự bố thí y phục này với những thứ phụ thuộc thích hợp khác và cũng bố thí vật thực, v.v…” Ngài cho các loại vật thí khác cũng như thế.
Bất cứ khi nào Ngài bố thí hình sắc (rūpa dāna) Ngài cũng bố thí những thứ phụ theo nó như âm thanh (sadda dāna), v.v… Về sự bố thí âm thanh, v.v… cũng như thế.
Theo cách bố thí trong tạng Kinh, vật thí là những thứ dễ nhận biết. Nhưng cách bố thí theo tạng Abhidhamma, đó là những vật thí thuộc về đối tượng của các căn như sắc, thinh, v.v…. Người ta khó có thể biết được cái gì tạo thành sắc thí (rūpa dāna) và bằng cách nào để người ta thực hiện sự bố thí về sắc. Dưới đây là cách thực hiện cách bố thí như vậy.