6. Những điều kiện cơ bản của các pháp Pāramī?

 Nói tóm tắt, đó là:

(a)  Abhinihāra – Đại nguyện

(b)  Mahā-karuṇa & Upāya-kosalla-ñāṇa – Tâm Đại bi và phương tiện thiện xảo trí

(c)  Buddhabhūmi – Bốn Phật địa

(d)  Ajjhāsaya – Mười sáu thiên hướng

(e)  Paccavekkhana ñāṇa – Quán sát trí là trí suy xét về những tai hại của việc không bố thí, v.v…và những lợi ích của việc bố thí v.v…

(f)  Carana  –  Mười  lăm   loại  hạnh  và năm loại thắng trí – Abhiñña, cùng với những nguyên nhân phụ của chúng.

Giải rộng:

 A.    Abhinihāra – Đại nguyện

(abhi nghĩa là hướng về Nhất thiết trí; nihāra nghĩa là ‘hướng tâm’ hay ‘chuyên tâm’; nghĩa là sự phát nguyện thành đạt quả vị Chánh đẳng giác).

Ở đây, tám yếu tố cần thiết để được thọ ký thành Phật được mô tả trong Chương nói về ‘Sự xuất hiện hy hữu của một vị Phật’, cuốn I, phần I.

Trong kiếp sống mà có đầy đủ tám yếu tố (như kiếp của Sumedha), những ý nghĩ sau đây thường xuất hiện trong tâm của chư vị Bồ tát (như bậc trí tuệ Sumedha) mà không khởi dậy trong tâm của bất cứ ai, ngoại trừ những bậc đã có đủ tám yếu tố ấy.

“Sau khi vượt qua đại dương sanh tử luân hồi bằng chính sự cố gắng của ta, ta cũng sẽ cứu độ chúng sanh. Sau khi đã tự mình thoát khỏi mọi xiềng xích của luân hồi, ta cũng sẽ giải thoát cho chúng sanh. Sau khi ta nhiếp phục các căn, ta cũng sẽ dạy cho chúng sanh cách nhiếp phục các căn; sau khi đã dập tắt các ngọn lửa của phiền não trong chính ta, ta sẽ giúp chúng sanh dập tắt các ngọn lửa trong tâm của họ; sau khi đã đạt được sự an lạc tối thượng của Niết bàn, ta sẽ giúp chúng sanh hưởng sự an lạc ấy; sau khi đã dập tắt trong chính ta những ngọn lửa của ba luân (phiền não luân, nghiệp luân và dị thục luân), ta sẽ dập tắt những ngọn lửa ấy đang rực cháy trong chúng sanh. Sau khi đã tự mình thanh lọc những nhiễm ô của phiền não bằng sự cố gắng của chính mình, ta sẽ đem đến sự thanh tịnh cho chúng sanh; sau khi đã đạt được trí tuệ về Tứ Thánh đế, ta sẽ dạy Tứ Thánh đế ấy đến chúng sanh (tóm lại, ta sẽ cố gắng trở thành Phật và độ thoát chúng sanh).”

Như vậy ước nguyện đắc thành Phật quả khởi sanh mãnh liệt, liên tục, là tâm đại thiện (mahā-kusala citta) cùng với những sở hữu đồng sanh của nó; những tâm đại thiện và những sở hữu đồng sanh ấy hướng về Phật quả được gọi là Đại nguyện (abhinihāra), là điều kiện cơ bản của tất cả mười pháp Ba-la-mật.

Quả thật vậy, chính do sự khởi phát của đại nguyện này mà chư vị Bồ tát mới được thọ ký thành Phật. Sau khi được thọ ký rồi, khởi sanh liên tục sự suy xét về các pháp Ba-la-mật; sự quyết tâm thực hành chúng và những sự thực hành cần thiết để đưa vị ấy đến đỉnh cao của sự thành tựu.

Đại nguyện này có đặc tánh là sự hướng tâm đến Nhất thiết trí. Phận sự của nó là tha thiết cầu Phật quả và sau khi ước nguyện ấy được xác chứng, hành giả lại mong cầu khả năng đem lại lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh cho đến khi họ chứng đắc Niết bàn. Sự  hiện khởi của nó trong tâm của hành giả làm nhân cơ bản cho các pháp dẫn đến giác ngộ. Nguyên nhân gần của nó là tâm Đại bi. 

Đại nguyện này có cảnh của nó là lãnh vực không thể biết được dành cho chư Phật và phúc lợi của vô lượng chúng sanh trong hết thảy thế gian vô tận. Như vậy nó đáng được xem là nền tảng cho các hạnh nghiệp như các pháp Ba-la-mật, các pháp hành và các việc thiện đáng tôn kính nhất có năng lực vô song.

Năng lực vô song này được giải tóm tắt như sau:

Ngay sau khi đại nguyện phát khởi, vị Bồ tát sẵn sàng đi vào lãnh vực thực hành để chứng đạt Nhất thiết trí (Mahābodhiyāna paṭipatti). Khi ấy vị Bồ tát quyết định thành Phật. Sự kiên định này trở nên bất thối sau khi đại nguyện đã phát khởi trong tâm vị ấy và nhờ vậy trở thành vị Bồ tát thực thụ. (Một người xứng đáng được danh hiệu ‘Bồ tát’ chỉ khi nào có được đại nguyện này).

Từ lúc ấy trở đi, vị Bồ tát hoàn toàn có khuynh hướng nghiêng về Nhất thiết trí và năng lực thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, sự dứt bỏ (cāga), các công hạnh (cariya). Như vậy, các pháp dẫn đến giác ngộ đã an trú trong tâm vị Bồ tát.

Vì đã có đại nguyện này nên đạo sĩ Sumedha đã tra xét đúng đắn các pháp Ba-la-mật bằng Ba-la-mật Tư trạch trí (Pāramī-pavicaya- ñāṇa). Loại trí này còn được gọi là Vô sư trí, chính vị ấy có được mà không cần sự giúp đỡ của người thầy; nó cũng được gọi là Tự tồn trí (Sayambhū-ñāṇa), là trí dẫn đường đến quả vị Chánh đẳng giác. Sau khi nghĩ suy và quán xét đến các pháp Ba-la-mật một cách rõ ràng và chính xác, vị ấy tinh tấn thực hành viên mãn chúng trong thời gian dài bốn A-tăng-kỳ (asaṅkhyeyya) và một trăm ngàn đại kiếp.

Đại nguyện này có:

  1. Paccaya – Bốn duyên
  2. Hetu – Bốn nhân
  3. Bala – Bốn lực

(a)   Paccaya – Bốn duyên

(i)   Khi vị Đại sĩ phát nguyện thành Phật, trông thấy Đức Phật đang thị hiện song thông, vị ấy suy nghĩ: “Nhất thiết trí có năng lực thật là vĩ đại. Nhờ có được Nhất thiết trí mà Đức Phật đạt được bản tánh kỳ diệu, cao siêu và có được năng lực bất khả tư nghì như vậy.” Sau khi chứng kiến những uy lực của Đức Phật, vị ấy khởi tâm phát nguyện thành Phật.

(ii)   Dù tự mình không tận mắt trông thấy oai lực vĩ đại của Đức Thế Tôn, nhưng vị ấy nghe người khác nói: “Đức Thế Tôn có những năng lực như vậy, như vậy.” Sau khi nghe thế, vị ấy khởi tâm phát nguyện thành Phật.

(iii)  Dù vị ấy không chứng kiến, cũng không nghe nói về những oai lực vĩ đại của Đức Thế Tôn, nhưng vị ấy học hỏi được từ những bài pháp nói về oai lực của Đức Phật. Nhờ học hỏi như vậy, vị ấy khởi tâm phát nguyện thành Phật.

 Dù vị ấy không chứng kiến, không nghe người khác nói cũng không nghe thuyết pháp về những oai lực của Đức Thế Tôn, nhưng vốn có thiên hướng cao quý, vị ấy suy nghĩ rằng: “Ta sẽ bảo vệ di sản, dòng dõi, truyền thống và luật lệ của chư Phật.” Do sự tôn kính tột bậc này đối với Pháp (Dhammagaru), vị ấy khởi tâm phát nguyện thành Phật.

(b)   Hetu – Bốn nhân

(i)     Vị đại sĩ có pháp nương tựa gần nhất – cận y (upanissaya) là đã từng thực hiện những phước lành đặc biệt của chư Phật quá khứ (phước đặc biệt – adhikāra).

(ii)   Vị ấy vốn có thiên chất thương xót chúng sanh và sẵn sàng làm vơi dịu khổ đau cho chúng sanh dù phải hy sinh cả tánh mạng.

(iii)   Vị ấy có tinh tấn và sức mạnh để phấn đấu trường kỳ cho đến khi thành đạt mục tiêu tối thượng là Phật quả; không nản chí trước những đau đớn và sầu khổ trong luân hồi hoặc những khó khăn vất vả trong khi làm việc lợi sanh.

(iv)   Vị ấy hằng vui thích thân giao với bạn tốt, những người bạn này sẽ khuyên ngăn vị ấy không làm điều ác mà nhắc nhở, khuyến khích vị ấy làm các điều thiện.

Trong bốn nhân này, có pháp nương tựa gần nhất (upanissaya sampadā), nghĩa là do đại sĩ đã nguyện trong tâm hoặc nói ra lời trước sự hiện diện của chư Phật quá khứ (kinh sách không nói bao nhiêu vị) vì Phật quả, vị ấy luôn luôn có chí hướng về thành đạt Nhất thiết trí; vị ấy cũng luôn luôn có khuynh hướng làm việc lợi sanh.

Nhờ có pháp nương tựa gần nhất như vậy mà vị ấy có thể phân biệt rất chính xác những ai sẽ trở thành Phật Độc giác (Paccekabuddha) hoặc Thinh văn giác (Bích chi Bồ tát hoặc Thanh văn Bồ tát – Sāvaka- bodhisatta) qua (a) các quyền (indriya), (b) các pháp hành đem lại lợi lạc cho chúng sanh, (c) sự thiện xảo trong việc phục vụ lợi ích đến kẻ khác và biết phân biệt thiện ác (Xứ phi xứ thiện xảo trí – thānāthāna- kosalla-ñāṇa). (Từ ba đặc tánh này, có thể kết luận rằng chư Bồ tát đã từng làm những phước lành đặc biệt của chư Phật quá khứ).

Nói về sự thân cận bạn tốt, bạn tốt ở đây có nghĩa là những người có tám đức tánh: đức tin, giới, nghe nhiều học rộng, dứt bỏ, tinh tấn, chánh niệm, định và tuệ.

Với đức tin, người bạn tốt có niềm tin vào Nhất thiết trí của Đức Thế Tôn, tin tưởng vào nghiệp của chính mình và quả của nghiệp. Do có đức tin như vậy, vị ấy không từ bỏ ước nguyện vì phúc lợi của chúng sanh. Ước nguyện này là nguyên nhân cơ bản để thành đạt sự Giác ngộ tối cao.

Là người có giới, vị ấy thân ái với chúng sanh hằng kính trọng vị ấy. Nghe nhiều học rộng, trước hội chúng vị ấy thuyết những bài pháp cao siêu đem lại lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh. Thành tựu pháp dứt bỏ, vị ấy thiểu dục, dễ nuôi, không luyến ái theo dục trần, tâm xả ly đối với chúng.

Nhờ tinh tấn, vị ấy luôn cố gắng làm tăng trưởng phúc lợi cho chúng sanh. Là người có chánh niệm, vị ấy không bao giờ bỏ qua những việc phước. Nhờ thành tựu về định, vị ấy là người có tâm tập trung, không tán loạn. Nhờ có trí tuệ, vị ấy hiểu các pháp như thật.

Qua chánh niệm, người bạn tốt xem xét kết quả của những việc phước và những điều tội. Qua trí tuệ, vị ấy hiểu đúng điều gì có lợi hoặc có hại đến chúng sanh. Qua định, vị ấy giữ tâm kiên cố, và qua tinh tấn, vị ấy tránh không làm những điều có hại đến chúng sanh và hướng dẫn họ luôn luôn nhiệt tâm cố gắng làm các điều thiện vì sự an lạc của họ.

Nhờ thân cận và nương tựa bạn tốt, là bậc có tám đức tánh như vậy, vị Bồ tát cố gắng tăng cường sự thành tựu của chính mình về pháp nương tựa (upanissaya-sampatti). Bằng trí tuệ trong sáng và sự thanh tịnh tột bậc của hành vi, lời nói được thành tựu qua những cố gắng kiên trì, vị ấy đắc thành bốn đại lực. Chẳng bao lâu, vị ấy sẽ có đủ tám yếu tố cần thiết cho việc thọ ký. Bồ tát cho thấy khát vọng về đại nguyện (Mahābhinihāra) và an trú vững chắc là một vị Bồ tát thực thụ. Từ đó trở đi, vị ấy không còn nguyện vọng nào khác ngoài sự Giác ngộ tối thượng. Vị ấy trở thành con người cao quý với quyết tâm không thay đổi là trở thành vị Chánh biến tri.

(c) Bala – Bốn đại lực

(i)    Ajjhattikabala – Nội lực: (Chí hướng vô bờ bến cầu Nhất thiết trí hoặc Chánh đẳng giác dựa vào khả năng về thể chất của chính mình, với sự tôn kính Pháp (Dhamma gārava), duyên thứ tư trong bốn duyên đã nêu ra ở trên). Khi vận dụng năng lực này, có sự tự lực và tâm hỗ thẹn tội lỗi, vị Bồ tát phát nguyện cầu Phật quả, thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật và chứng ngộ Tối thượng giác.

(ii)   Bāhirabala – Ngoại lực: (Chí hướng vô bờ bến cầu Nhất thiết trí dựa vào ngoại lực, là ba duyên đầu tiên trong bốn duyên đã mô tả ở trên). Khi sử dụng năng lực này, dựa vào thế giới bên ngoài, được hỗ trợ bởi sự tự tin và lòng tự hào rằng: “Ta là người có đủ các năng lực để chứng đắc Phật quả,” vị Bồ tát phát nguyện cầu Phật quả thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật và chứng ngộ Tối thượng giác.

(iii)    Upanissaya-bala – Trợ duyên lực: (Chí hướng dũng mãnh cầu Nhất thiết trí dựa vào duyên đầu tiên trong bốn duyên). Khi sử dụng năng lực này, nhờ có các quyền nhạy bén và sự thanh tịnh tự nhiên, được hỗ trợ bởi chánh niệm, vị Bồ tát phát nguyện cầu Phật quả, thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật và chứng ngộ Tối thượng giác.

(iv)  Payoga-bala – Tinh tấn lực (Có sự tinh tấn đầy đủ và thích hợp để chứng đạt Nhất thiết trí, sự theo đuổi tận lực và kiên trì của các duyên hỗ trợ và các việc phước). Khi sử dụng năng lực này với sự thanh tịnh của hành vi và lời nói, thường xuyên chuyên tâm vào các việc phước, vị Bồ tát phát nguyện cầu Phật quả, thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật và chứng đạt Nhất thiết trí.

 Sau khi đã có đủ bốn duyên, bốn nhân và bốn lực, đến thời kỳ mà vị Bồ tát đạt đến giai đoạn phát triển như trong kiếp của bậc trí tuệ Sumedha, vị ấy có được tám yếu tố để được thọ ký thành Phật. Được thúc đẩy bởi sự thành tựu tám yếu tố này, đại nguyện phát khởi: “Ta sẽ nhiệt tâm phấn đấu không ngừng nghỉ để đắc thành Phật quả và tiếp độ chúng sanh.” Đại nguyện (abhinihara) này hình thành điều kiện cơ bản cho tất cả các pháp Ba-la-mật.

Những đức tánh kỳ diệu

Khi đại nguyện (abhinihara) này đã khởi phát, những đức tánh kỳ diệu sau đây cũng thường trụ trong tâm Bồ tát: (i) vị ấy hằng thương mến tất cả chúng sanh như con ruột của mình; (ii) tâm của vị ấy không bị các pháp bất thiện làm nhiễm ô; (iii) tất cả mọi ý định, hành vi và lời nói của vị ấy đều hướng về lợi ích và hạnh phúc của chúng sanh; và (iv) viên mãn các pháp pāramī, và thực hành pháp xả ly (caga) và các thiện hạnh (cariya). Thay vì bị suy giảm, các pháp ngày càng thuần thục và mạnh mẽ. Nhờ sự sanh khởi của bốn đức tánh kỳ diệu này, vị Bồ tát trở thành người có ‘nguồn’ thiện pháp và độ lượng cao cả nhất. Kết quả là Ngài trở thành Bậc xứng đáng thọ lãnh những vật thí quý trọng, đáng là ruộng phước điền vô thượng để chúng sanh gieo hạt giống phước bằng sự cúng dường và kính trọng tột bậc.

B.  Mahā-karunā & Upāya-kosalla-ñāṇa (Tâm Đại bi & Phương tiện thiện xảo trí)

Tương tự như đại nguyện (abhinihāra), tâm đại bi (mahā-karuna) và phương tiện thiện xảo trí (upāya-kosalla-ñāṇa) cũng hình thành những điều kiện cơ bản cho các pháp Ba-la-mật (hai điều kiện này đã được bàn kỹ ở trên). Qua hai pháp này, chư vị Bồ tát có thể liên tục làm gia tăng lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh, không quan tâm đến lợi ích của riêng mình. Dù sự thực hành các phận sự của chư Bồ tát vượt xa khả năng của con người bình thường, các Ngài cũng không hề thối chí.

Do tâm đại bi và phương tiện thiện xảo trí luôn hiện hữu trong tâm chư Bồ tát, nên những người đặt niềm tin nơi các Ngài, có sự tôn kính các Ngài, được gặp các Ngài thường xuyên hoặc luôn tưởng nhớ những ân đức của các Ngài thì lợi ích và hạnh phúc sẽ phát sanh đến họ.

Giải thêm: Về từ bi và trí tuệ, chính do trí tuệ mà Bồ tát chứng đắc Nhất thiết trí, chính do từ bi mà Ngài thực hành các phận sự của một vị Phật. Nhờ trí tuệ, Ngài có thể vượt qua đại dương luân hồi. Do lòng bi mẫn, Ngài cứu độ chúng sanh. Do trí tuệ, Ngài thông suốt nỗi đau khổ của chúng sanh. Do bi mẫn, Ngài cố gắng làm vơi dịu đau khổ của họ. Do trí tuệ, Ngài chán khổ đau. Do bi mẫn, Ngài chấp nhận đau khổ buồn chán đó như là hạnh phúc để thực hành các công hạnh, ngõ hầu giải thoát chúng sanh. Qua trí tuệ, Ngài ước nguyện Niết bàn. Qua từ bi, Ngài tiếp tục luân chuyển trong luân hồi.

Như vậy, từ bi và trí tuệ lợi ích về nhiều mặt. Hai pháp này không chỉ làm nền tảng cho các pháp Ba-la-mật, chúng còn là điều kiện cơ bản cho đại nguyện cầu Phật quả.

C.  Buddhabūmi (Bốn Phật địa)

Tương tự như đại nguyện, từ bi và trí tuệ, bốn Phật địa sau đây làm điều kiện cơ bản cho các pháp Pāramī.

(a)    Ussāha: dũng mãnh là sự nỗ lực để thành tựu các pháp Ba-la-mật, sự xả ly (cāga) và các thiện hạnh (cariya).

(b)      Ummaṅga: Thượng trí là phương tiện thiện xảo trí (upāya kosalla-ñāṇa)

(c)     Avaṭṭhāna: Kiên trụ là quyết định kiên cố trong các pháp hành dẫn đến Phật quả.

(d)      Hita cariya: Lợi hành là sự tu tập tâm từ và tâm bi.

Bốn yếu tố này được gọi là Phật địa vì chúng dẫn đến sự sanh khởi của Nhất thiết trí.

D.  Ajjhāsaya (16 Thiên hướng)

(Thiên hướng có nghĩa là khuynh hướng hay tính khí ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của con người. Về cơ bản, thiên hướng có hai loại: tốt và xấu). Có mười sáu thiên hướng tốt. Đó là thiên hướng về xuất gia – xuất gia ý lạc (nekkhammajjhāsaya), thiên hướng viễn ly – viễn ly ý lạc (pavivekajjhāsaya), thiên hướng vô tham – vô tham ý lạc (alobhajjhāsaya), thiên hướng vô sân – vô sân ý lạc (adosajjhāsaya), thiên hướng vô si – vô si ý lạc (amohajjhāsaya); thiên hướng xuất ly – xuất ly ý lạc (nissaranajjhāsaya), và thiên hướng về mười Pāramī (dānajjhāsaya, sīlajjhāsaya v.v…)

Do có thiên hướng xuất gia mạnh mẽ, các vị Bồ tát thấy sự hiểm nguy trong các dục lạc và đời sống gia đình. Do có thiên hướng viễn ly mạnh mẽ, các Ngài thấy sự hiểm nguy trong đoàn thể và đời sống xã hội. Do có thiên hướng mạnh mẽ về vô tham, vô sân và vô si, các Ngài thấy sự hiểm nguy trong tham, sân và si. Do có thiên hướng xuất ly mạnh mẽ, các Ngài thấy sự hiểm nguy trong các cõi. Các pháp Ba- la-mật không sanh khởi trong người mà không nhìn thấy sự hiểm nguy của tham, sân, v.v… Do đó sáu thiên hướng về vô tham, vô sân, v.v… cũng là những điều kiện của các pháp pāramī.

Cũng vậy, mười thiên hướng về bố thí (dānajjhāsaya) v.v… hình thành những điều kiện của các pháp pāramī. Bố thí ý lạc nghĩa là thiên hướng thường xuyên bố thí qua sức mạnh của vô tham, nhờ thấy sự hiểm nguy trong các pháp đối nghịch của nó.

Do thiên hướng mạnh mẽ về vô tham, chư Bồ tát thấy sự hiểm nguy trong các pháp đối nghịch của nó như bỏn xẻn, vì thế dẫn đến sự thực hành viên mãn Bố thí Ba-la-mật. Do thiên hướng mạnh mẽ về Giới, các Ngài thấy sự hiểm nguy trong việc suy đồi đạo đức, và vì thế mà thực hành viên mãn Giới Ba-la-mật. Cách suy xét như vậy áp dụng  các pháp Ba-la-mật còn lại.

Nên đặc biệt lưu ý rằng những pháp đối nghịch với thiên hướng xuất gia là dục lạc và đời sống gia đình; đối nghịch với trí tuệ là si mê (moha) và hoài nghi (vicikicchā); đối nghịch với tinh tấn là lười biếng (kosajja), giải đãi; đối nghịch với nhẫn nại là không kham nhẫn, oán giận (akkhanti, dosa); đối nghịch với chân thật là nói dối; đối nghịch với chí nguyện là sự không quyết tâm (không vững vàng trên con đường hành thiện); đối nghịch với từ ái là ác ý; đối nghịch với hành xả là sự dính mắc theo những pháp thăng trầm của thế gian.

Do thiên hướng mạnh mẽ về Hành xả, chư Bồ tát thấy mối nguy hiểm trong các pháp đối nghịch với nó, đó là sự cột trói theo các pháp thăng trầm của thế gian, nên các Ngài thực hành viên mãn Hành xả Ba-la-mật. Bằng cách này, mười thiên hướng về các pháp Ba-la-mật cũng hình thành điều kiện của các pháp pāramī.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app