Cuộc họp hàng năm tại: Dhamma Giri – Ấn Độ Diễn văn khai mạc ngày 1 tháng 3 năm 1989 |
Con thuyền Dhamma
Những sứ giả và người phục vụ Dhamma thân mến,
Các con đã tề tựu nơi đây từ khắp nơi trên thế giới để hiểu thấu đáo hơn cách làm thế nào để truyền bá Dhamma, để càng ngày càng có nhiều người được tiếp xúc Dhamma và hưởng được lợi lạc. Những gì các con sẽ thảo luận và hoạch định trong những ngày sắp tới, hãy luôn luôn nhớ trong tâm thông điệp căn bản của một sứ giả Dhamma vĩ đại nhất từ 25 thế kỷ trước. Thông điệp không những chỉ giải thích Dhamma là gì, mà còn về cách Dhamma phải được trao truyền như thế nào. Từng chữ của thông điệp này rất quý giá để ghi nhớ, đó là một thông điệp liên quan tới tất cả các sứ giả Dhamma trong mọi thế hệ.
Chủ ý tối hậu của sự truyền bá Dhamma là gì? Mục đích sâu xa là gì? Có phải là mong muốn cải đạo người khác sang Phật giáo hay không? Và sứ giả vĩ đại đã nói rất rõ ràng các chủ ý nào phải cần tới. Dhamma phải được truyền bá bahujana-hitāya, bahujana-sukhāya vì sự tốt lành và lợi lạc của nhiều người – càng nhiều người càng tốt trong các khả năng phục vụ.
Và sự phục vụ này được bắt đầu như thế nào? Một lần nữa, cùng một thông điệp sẽ cho ta câu trả lời: Với lòng trắc ẩn cho người khác, với tình thương vô vị lợi và thiện ý ở trong tâm. Tất cả những người tôi tớ và sứ giả của Dhamma nên không ngừng tự xét mình để xem sự phục vụ có theo đúng điều này không, bởi vì ngã mạn có thể nảy sinh trong bất cứ ai, trong bất cứ lúc nào. Khi ngã mạn nảy sinh, tiếng tăm mà người ta có được và sự quan trọng mà người ta nhận được có vẻ quan trọng hơn sự phục mà người ta đang làm. Thái độ này không là gì cả ngoài sự điên rồ, bởi vì nó có thể rất vi tế nên ta phải không ngừng cảnh giác trong khi phục vụ Dhamma.
Dĩ nhiên việc nhận được những lợi lạc về tiền tài không cần phải nói tới, nhưng chắc chắn những hình thức phục vụ Dhamma nào đó đôi lúc đưa tới danh vọng và tiếng tăm. Hãy hết sức cẩn thận đừng để bị lôi cuốn – các con hãy phục vụ mà không đòi hỏi được đền đáp với lòng trắc ẩn cho người mà các con phục vụ. Họ là những người quan trọng nhất chứ không phải là những người phục vụ. Ngã mạn của các con càng ít chừng nào thì thiện ý của các con càng nhiều chừng ấy, càng xứng đáng hơn để phục vụ.
Một cách chính xác, sự phục vụ mà các con muốn làm là gì? Một lần nữa, vị thầy đã giải thích: Hãy trao cho người khác không gì ngoài Dhamma, không phải Dhamma của bất cứ tổ chức nào, cho dù đó là Phật giáo, Đạo Hinhdu, đạo Cơ Đốc, đạo Jain, nhưng luật phổ quát áp dụng cho từng người và mọi người.
Một đặc tính của Dhamma đích thực là những ai thực hành Dhamma sẽ có được lợi lạc ở mọi giai đoạn. Như vị thầy đã nói: ādikalyāṇaṃ, majjhekalyāṇaṃ, pariyosana-kalyāṇaṃ – sẽ có lợi ở giai đoạn đầu, ở giai đoạn giữa, ở giai đoạn cuối. Những bước đầu tiên trên con đường đem lại những kết quả tốt lành ngay lập tức và nó sẽ gia tăng khi ta đi xa hơn. Khi mục tiêu cuối cùng đã đạt được thì lợi ích là vô lượng. Do đó mọi bước trên con đường thực hành mang lại kết quả tốt – đây là một khía cạnh quan trọng để nhận ra Dhamma đích thực là gì.
Một đặc tính khác của Dhamma là trọn vẹn, không có gì cần thêm vào hay bớt đi để được hữu hiệu. Dhamma giống như một con thuyền đầy ắp không có gì cần thêm vào. Thêm bất cứ cái gì vào sẽ quảng đi những gì con thuyền đã có.
Thông thường, mọi thứ thêm vào đều với ý tốt để làm cho Dhamma hấp dẫn hơn đối với người từ các giai cấp khác nhau. Nhưng hãy hiểu rằng, sẽ có hại khi thêm vào những thứ mới, Dhamma sẽ dần dần bị đẩy lui vào hậu trường và bị lãng quên – bỏ quên mục đích của Dhamma là để thoát khỏi khổ đau. Một số điều có thể vô hại nhưng nó trở nên rất nguy hiểm nếu nó làm cho chúng ta đánh mất mục tiêu. Một lần nữa, những chủ ý, những ý định có thể là tốt để tránh không làm mất lòng những người có thể tìm thấy vài khía cạnh của giáo huấn không thể chấp nhận được.
Chúng ta phải nhớ lại rằng Dhamma không phải được giảng dạy hay hình thành để phù hợp hay làm vừa lòng một quan điểm đặc biệt nào đó – đó là luật tự nhiên được vị thầy vĩ đại tái khám phá 2500 năm trước đây. Mọi phần của sự giảng dạy đều cần thiết, đưa ta đến mục tiêu cuối cùng. Bỏ qua những khía cạnh như Sīla, Samādhi hay Paññā có thể là cách để làm gia tăng hương vị, nhưng không còn giá trị nào nữa khi sự hữu hiệu của giáo huấn đã mất đi. Chúng ta tìm kiếm không phải là sự phổ thông mà là sự giải thoát cho chính mình và người khác.
Khi được trao tặng một chén mật, có người sẽ la lên, “Nó chua quá!” nhưng cũng có người nói rằng, “Sẽ ngọt hơn nếu thêm vào một chút đường.” Làm như thế sẽ không có hại gì cả, nhưng sau đó đường được thêm vào ngày càng nhiều, rồi vị ngọt của mật sẽ mất đi. Người ta sẽ trộn lẫn nước với đường và uống cái thứ được cho là mật ngọt, rồi cứ tự hỏi tại sao không hết khát. Vì thế, hãy giữ Dhamma trong trạng thái tinh khiết để có một hương vị thực sự và hưởng được lạc lạc từ Dhamma.
Lời nói chỉ là lời nói; để lôi cuốn người ta đến với Dhamma, tấm gương các con hành xử trong cuộc sống hàng ngày sẽ hữu hiệu hơn nhiều.
Giả thử các con chỉ ngón tay vào một hướng nào đó và nóí, “Đây là con đường đúng đắn mà tất cả cần phải theo để được giải thoát. Đây là đường lối trực tiếp đưa đến hạnh phúc.” Trước khi nhìn tới con đường thì người ta sẽ nhìn vào ngón tay của các con. Nếu ngón tay bị dính đất và máu thì làm sao họ tin tưởng được? Hãy phát triển sự thanh tịnh cho chính mình, nếu các con muốn khuyến khích người khác đi theo con đường thanh lọc.
Giáo huấn vô cùng đặc biệt ở sự giản dị: một nguyên nhân nào đó sẽ đưa tới một kết quả nào đó; để diệt trừ kết quả hãy diệt trừ nguyên nhân. Phản ứng thèm muốn đối với cảm giác dễ chịu hay chán ghét đối với cảm giác khó chịu sẽ lập tức đưa tới đau khổ. Thay vì phản ứng, ta tươi cười quan sát và hiểu được sự vô thường của những trải nghiệm thì sẽ không có đau khổ nào nảy sinh. Đây là Dhamma – luật phổ quát áp dụng cho mọi người thuộc bất cứ tôn giáo, giới tính, xã hội và quốc gia nào. Đây là tinh túy của Dhamma mà chúng ta tìm kiếm để trao cho người khác trong sự tinh khiết nguyên thủy.
Hãy giữ những nguyên tắc căn bản này về Dhamma rồi thì tất cả những chi tiết làm sao để truyền bá Dhamma sẽ trở nên rõ ràng một cách tự nhiên.
Bởi tình thương và lòng trắc ẩn, thương xót là căn bản đích đáng để truyền bá Dhamma, chúng phải được sử dụng làm nền tảng cho mọi sự thảo luận trong cuộc họp này. Khi đưa ra một đề nghị, hãy cẩn thận để trình bày một cách khiêm tốn và không có sự ràng buộc vào quan điểm của mình. Hãy chắc rằng các con nói bằng tất cả sự khôn ngoan mà các con có. Các con có thể đưa ra những đề nghị tới ba lần, nhưng nếu người khác không thể chấp nhận, thì hãy tươi cười và bỏ qua. Nên biết rằng Dhamma sẽ tự lo liệu một cách tốt nhất, không nhất thiết phải là cách của các con dựa trên sự hiểu biết hạn hẹn của mình.
Hãy nhớ rằng một con thuyền trống rỗng không có gì để cống hiến. Do đó hãy đổ đầy Dhamma cho chính mình. Hãy khám phá sự bình an và hài hòa thực sực trong nội tâm – và đương nhiên những điều này sẽ tràn đầy để làm người khác được lợi lạc.
Nguyện cho các con tiếp tục bước trên con đường vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì sự giải thoát của nhiều người. Nguyện cho các con thành công trong nỗ lực truyền bá Dhamma, truyền bá sự bình yên và hạnh phúc
Bhavatu sabba maṅgalaṃ.
Bài viết được trích từ cuốn Vì Lợi Ích Của Nhiều Người – Thiền Sư S.N. Goenka. Quý vị có thể tải cuốn sách PDF bản tiếng Việt tại đây, và PDF bản tiếng Anh tại đây.
AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN VÌ LỢI ÍCH CỦA NHIỀU NGƯỜI