Sự thành tựu bốn Trụ xứ xảy ra trong kiếp chót của Bồ tát khi Ngài thành một vị Phật như thế nào

GHI CHÚ MỞ ĐẦU:

Trong việc giải thích các quan điểm khác nhau của các vị A-xà-lê trong các luận thuyết, chúng được gọi là Eke vāda hay Aññe vāda khi các vị A-xà-lê này có những khả năng chuyên môn xứng đáng làm thầy của tác giả. Khi họ có những khả năng chuyên môn bằng với tác giả, thì tác giả gọi những quan điểm của họ là Apare vādä Nếu họ kém hơn tác giả thì tác giả gọi quan điểm của họ là Keci vāda.

Phương pháp ghi chép theo truyền thống này được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Eke hay aññe có nghĩa là những người xứng đáng làm thầy của tác giả. Apare nghĩa là những người có khả năng chuyên môn bằng với tác giả, và Keci ám chỉ những người kém hơn tác giả.

Eke vāda

Nói về sự thành tựu của bốn Trụ xứ (Adiṭṭhāna) xảy ra trong kiếp chót của Bồ tát, các vị A-xà-lê bậc thầy cho rằng bốn Trụ xứ đã được thành tựu viên mãn vào lúc Bồ tát nhập thai (sự nhập thai của Bồ tát trong kiếp chót của Ngài chỉ xảy ra khi các pháp Ba-la-mật đã được thành tựu viên mãn, cũng vậy nó chỉ xảy ra khi nào bốn Trụ xứ đạt đến chỗ thành tựu viên mãn).

Lời giải thích của các vị a-xà-lê bậc thầy này là – Sau khi đã thành tựu viên mãn Trí tuệ trụ xứ (Paññādhiṭṭhāna) vào lúc giáng sanh vào lòng mẹ, trong khi nằm mười tháng trong bào thai và khi ra khỏi bào thai, Bồ tát luôn luôn có chánh niệm và giác tỉnh. Những kẻ phàm phu không biết họ đang tái sanh vào lòng mẹ, họ cũng không biết mình đang ở trong bào thai mẹ và lúc được sanh ra. Tám mươi vị Thinh văn tương lai cũng biết rõ sự kiện sanh vào lòng mẹ của họ, nhưng họ không biết thời gian ở trong bào thai và lúc ra khỏi bào thai. Hai vị Đại đệ tử tương lai và chư Phật Độc giác tương lai biết rõ lúc họ tái sanh vào lòng mẹ và trong khi ở trong bào thai, nhưng không biết rõ lúc ra khỏi bào thai. Thực tế thì những Đại đệ tử đương lai và chư đương lai Phật độc giác, khi gần tới thời kỳ sanh nở, bị sức ép bên trong bào thai đẩy ra cửa mình của người mẹ, bị nhào lộn tựa như đang chìm xuống vực sâu; rồi họ phải chịu đau đớn cùng cực khi đang ra khỏi cửa mình của người mẹ, giống như con voi lớn ra khỏi cái hang có cửa hẹp. Những vị Đại đệ tử đương lai và chư đương lai Phật Độc giác không biết rằng họ đang ra khỏi bào thai của mẹ. Bằng cách này, ta nên có sự kinh cảm sâu sắc bằng cách quán sự khổ cùng cực của sự sanh như sau: “Ngay cả những nhân vật đã thành tựu các pháp Pāramī cũng phải chịu đau đớn mãnh liệt trong trường hợp như vậy!”

Tuy nhiên đối với chư vị Bồ tát sẽ thành Phật trong kiếp chót, các Ngài biết rõ ba sự kiện liên quan đến sự thọ sanh vào lòng mẹ, lúc ở trong bào thai và lúc đản sanh. Sức ép bên trong bào thai không đủ khả năng làm đảo lộn thân xác của các Ngài. Vào lúc sanh, các Ngài luôn ra khỏi lòng mẹ với hai tay duỗi thẳng, mắt mở và đứng thẳng vững chắc. Ngoài chư Phật đương lai, không một ai có chánh niệm về ba biến cố này. Do đó, vào lúc thọ sanh vào lòng mẹ và lúc đản sanh, mười ngàn luân vi thế giới đều chấn động dữ dội (Chú giải bộ Dīgha Nikāya, cuốn 3).

Sau khi đã thành tựu viên mãn Saccādiṭṭhāna – Đế trụ xứ, vừa sanh ra, Bồ tát đi bảy bước về hướng bắc, và sau khi dò xét tất cả các hướng một cách dũng cảm, Ngài ba lần phát chơn ngôn uy dũng như tiếng gầm của chúa tể sơn lâm: “Ta là bậc Tối thượng trong thế gian (aggo’haṃ asmi lokassa). Ta là bậc Tối thắng trong thế gian (jettho’haṃ asmi lokassa). Ta là bậc Tối thượng tôn trong thế gian

(settho’haṃ asmi lokassa).”

Sau khi thành tựu viên mãn Upassamādiṭṭhāna – Tịch tịnh trụ xứ, khi Ngài thấy bốn điềm tướng, người già, người bịnh, người chết, và người xuất gia thì tánh ngã mạn do tuổi trẻ, sức mạnh, sự trường thọ và phú quý diệt ngay trong dòng tâm của Bồ tát vì Ngài có sự hiểu biết sâu sắc về bốn phần Giáo pháp (Dhammuddesa) – là sự đau khổ của thân do bởi tuổi già, bịnh tật, sự chết, và cách thoát khỏi tình trạng nô lệ do lòng tham đối với các dục lạc và tài sản, không thể có được cách thoát nếu không có sự xả ly hoàn toàn lòng tham ấy (được đưa ra trong Ratthapāla Sutta).

Sau khi đã thành tựu viên mãn Cāgādiṭṭhāna – Xả đoạn trụ xứ, Bồ tát bỏ lại tất cả thân thích và quyến thuộc trong hoàng cung không chút quan tâm. Ngài từ bỏ vương quyền mà Ngài đang thọ hưởng và quyền bá chủ của vị Chuyển luân vương sắp đến với Ngài.

Đây là phần trình bày của các vị A-xà-lê bậc thầy. Nhà Chú giải Mahā Dhammapāla không bình luận gì về Eke vāda này.

Keci vāda

Theo các vị A-xà-lê, bốn Trụ xứ (Adiṭṭhāna) được thành tựu viên mãn chỉ khi nào chứng đắc Phật quả. Các vị giải thích là: Khi Ngài thành Phật (sự chứng đắc A-la-hán đạo tuệ và Nhất thiết trí) do nhờ sự tích lũy Saccādiṭṭhāna – Đế trụ xứ trong quá khứ đúng với lời nguyện của Ngài, Ngài thông đạt Tứ thánh đế, Saccādiṭṭhāna được thành tựu viên mãn vào lúc ấy. Do nhờ Xả đoạn trụ xứ, Cāgādiṭṭhāna được được tích lũy trong quá khứ nên Ngài đoạn tận tất cả phiền não, cho nên Xả đoạn trụ xứ được thành tựu viên mãn vào lúc ấy. Do nhờ Tịch tịnh trụ xứ, Upassamādiṭṭhāna đã tích lũy trong quá khứ, Ngài đạt được sự an lạc siêu phàm nhất của Niết bàn khi thành Phật, cho nên Tịch tịnh trụ xứ được thành tựu viên mãn vào lúc ấy. Do nhờ Trí tuệ trụ xứ, Paññādhiṭṭhāna  đã  được  tích  lũy  trong  quá  khứ,  Ngài  đạt  được  Vô chướng trí (anāvaraṇa ñāṇa) biết rõ tất cả những gì cần biết, cho nên Trí tuệ trụ xứ, Paññādhiṭṭhāna được thành tựu viên mãn vào lúc ấy.

Nhà chú giải Mahā Dhammapāla có nhận xét về bài giải thích này như sau: “Lời giải thích của họ không được hoàn hảo bởi vì Chánh đẳng giác (Abhisambodhi), tức A-la-hán đạo tuệ hay Nhất thiết trí, là thực tại tuyệt đối. Vì Tịch tịnh trụ xứ, Upassamādiṭṭhāna có nghĩa là sự diệt tắt hoàn toàn do khổ luân hồi không còn sanh khởi hay do sự an lạc hoàn toàn và vì điều này có thể đạt được chỉ vào lúc tịch diệt (parinibbāna).”

Aññe vāda

Tuy nhiên  các  vị  thầy  Aññe  thì  cho  rằng  bốn  Trụ  xứ  (Adiṭṭhāna) được thành tựu viên mãn trong trường hợp bài kinh Chuyển pháp luân được thuyết giảng (khi Đức Phật vận dụng Thuyết thị trí – Desanā ñāṇa).

Đây là bài giải thích của các vị thầy Aññe: “Saccādiṭṭhāna – Đế trụ xứ mà Đức Phật đã tích lũy trong quá khứ được thành tựu trong luồng tâm thức của Ngài qua sự thuyết giảng Tứ Thánh đế theo ba cách là saccañāṇa (trí biết về chân đế), kiccañāṇa (trí biết về việc phải làm) và katañāṇa (trí biết về việc đã làm) đối với mỗi đế trong Tứ thánh đế. Cāgādiṭṭhāna – Xả đoạn trụ xứ mà Đức Phật đã tích lũy trong quá khứ được thành tựu viên mãn trong luồng tâm thức của Ngài qua sự bố thí vĩ đại về chánh pháp.  Upassamādiṭṭhāna –  Tịch tịnh  trụ xứ  mà  Đức Phật tích lũy trong quá khứ được thành tựu viên mãn trong luồng tâm thức của Ngài sau khi tự mình chứng đạt sự an lạc của giải thoát tất cả phiền não và giúp những kẻ khác cũng đạt được như thế. Paññādhiṭṭhāna  –  Trí  tuệ  trụ  xứ  mà  Đức  Phật  đã  tích  lũy trong  quá khứ được thành tựu viên mãn trong luồng tâm thức của Ngài qua sự thấy biết đầy đủ tất cả thiên hướng của chúng sanh.

Nhà Chú giải Mahā Dhammapāla có nhận xét về bài giải thích quan điểm của các vị thầy aññe như sau: “Lời giải thích của các vị thầy aññe cũng không hoàn hảo vì bốn Trụ xứ được thành tựu viên mãn chỉ khi nào các phận sự của một vị Phật đã xong. Qua sự thuyết giảng bài kinh Chuyển pháp luân, Đức Phật chỉ mới bắt đầu làm các phận sự  của Ngài, Ngài chưa làm xong các phận sự ấy. Cho nên lời giải thích của các vị thầy aññe vẫn chưa đầy đủ.

Apare vāda

Các vị thầy Apare cho rằng bốn Trụ xứ được thành tựu viên mãn vào lúc Đức Phật tịch diệt (parinibbāna).

Đây là lời giải thích của các vị thầy apare: “Trong bốn phương diện Đế  trụ  xứ  thì  Niết  bàn,  tức  Paramattha  Saccādhiṭṭhāna,  là  đệ  nhất, phận sự của nó chưa hoàn thành do chỉ chứng đắc A-la-hán đạo qua sự diệt tắt các phiền não (kilesa parinibbāna).

Phận sự của nó được hoàn thành chỉ khi nào kiếp sống chấm dứt bằng sự diệt tắt các uẩn (khandha parinibbāna). Chỉ khi ấy Saccādhiṭṭhāna – Đế trụ xứ mới được viên thành. Vào lúc ấy, tất  cả bốn uẩn, là dục uẩn (kāmupadhi), thân uẩn (khandhupadhi), phiền não uẩn (kilesupadhi) và hành uẩn (abhisaṅkhārupadhi) đều bị loại bỏ nên Cāgādiṭṭhāna – Xả đoạn trụ xứ được viên thành. Khi ấy vì tất cả các hành  đều  diệt  nên  Upassamādiṭṭhāna  –  Tịch  tịnh  trụ  xứ  được  viên thành. Cũng vào thời điểm đó, tất cả mục đích của trí tuệ đều đạt được nên  Paññādhiṭṭhāna  –  Trí  tuệ  trụ  xứ  được  viên  thành”.  Đây là  quan điểm của các vị thầy apare. Nhà chú giải Mahā Dhammapāla không có lời bình luận nào về quan điểm của họ nhưng đưa ra lời giải thích riêng của mình để bổ túc vào đó: (a) Sự thành tựu viên mãn Saccādhiṭṭhāna  đặc  biệt  rõ  ràng  vào  lúc  đản  sanh;  (b)  Sự  thành  tựu viên mãn Paññādhiṭṭhāna đặc biệt rõ ràng vào lúc Ngài thành đạo; (c) Sự thành tựu viên mãn Cāgādiṭṭhāna đặc biệt rõ ràng khi Ngài thực hiện sự bố thí vĩ đại về Pháp qua sự thuyết giảng bài kinh Chuyển pháp luân, (d) Sự thành tựu viên mãn Upassamādiṭṭhāna đặc biệt rõ ràng khi Ngài giác ngộ Niết bàn .

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app