Nội Dung Chính
- 11. Phân loại các pháp Pāramī
- Pāramī, Upapāramī & Paramattha-pāramī
- 12. Các pháp Pāramī được rút gọn như thế nào?
- Lợi ích của 6 pháp Ba-la-mật được ghép thành từng cặp
- Lợi ích phát sanh từ những nhóm ba
- Bốn Trụ xứ (Adhiṭṭhāna)
- Sự thành tựu bốn Trụ xứ xảy ra trong dòng tâm của vị Bồ tát như thế nào
- Bốn Trụ xứ được xem là Một Trụ xứ
- Các Trụ xứ đem lại lợi ích như thế nào?
11. Phân loại các pháp Pāramī
Đối với câu hỏi, “Có bao nhiêu pháp Ba-la-mật?” Câu trả lời tóm tắt là “Có ba mươi pháp Ba-la-mật, đó là mười Ba-la-mật bậc hạ (Pāramī), mười Ba-la-mật bậc trung (Upapāramī) và mười Ba-la-mật bậc thượng (Paramattha pāramī).
(Về Bố thí Ba la mật, có ba bậc, đó là Dāna pāramī, Dāna Upapāramī và Dāna Paramattha-pāramī. Chín Ba-la-mật còn lại cũng như thế, như vậy cả thảy là ba mươi Ba-la-mật.)
Pāramī, Upapāramī & Paramattha-pāramī
Đối với câu hỏi: “Thế nào là Pāramī, Upapāramī và Paramattha- pāramī?” Câu trả lời được tìm thấy trong Chương Tạp phẩm của Chú giải bộ Cariyā Piṭaka. Trong đó, nhà Chú giải đưa ra câu trả lời rất chi tiết, nhiều cách diễn giải, nhiều quan điểm và những bài bình luận khác nhau của các vị A-xà-lê. Nếu đưa hết chúng vào trong tác phẩm này thì chỉ làm cho người đọc thêm rối rắm. Thế nên chúng tôi chỉ nêu ra quan điểm rõ ràng nhất, được chọn lọc bởi nhà Chú giải Mahā Dhammapāla Thera.
- Bố thí những vật ngoài thân như tài sản, vợ và con là Dāna- pāramī. Bố thí các phần của cơ thể như tay, chân, v.v… là Dāna Upapāramī. Bố thí sanh mạng của chính mình là Dāna Paramattha-pāramī.
- Tương tự, thọ trì giới và không vì những vật ngoài thân như vợ, con và tài sản mà phạm giới là Sīla-pāramī. Thọ trì giới và không vì các phần của thân thể mà phạm giới là Sīla Upapāramī. Thọ trì giới và không vì mạng sống của chính mình mà phạm giới là Sīla Paramattha-pāramī.
- Cắt đứt luyến ái đối với những vật ngoài thân và ra khỏi đời sống gia đình là Nekkhamma Pāramī. Cắt đứt luyến ái đối với các phần của thân thể và ra khỏi đời sống gia đình là Nekkhamma Upapāramī. Cắt đứt luyến ái đối với sanh mạng của chính mình và ra khỏi đời sống gia đình là Nekkhamma Paramattha-pāramī.
- Đoạn trừ luyến ái đối với những vật ngoài thân quyết định kỹ lưỡng điều gì có lợi cho chúng sanh và điều gì không có lợi là Paññā Pāramī. Đoạn trừ luyến ái đối với các phần của cơ thể và quyết định kỹ lưỡng điều gì có lợi ích cho chúng sanh và điều gì không có lợi ích là Paññā Upapāramī. Đoạn trừ luyến ái đối với sanh mạng của chính mình và quyết định kỹ lưỡng điều gì có lợi ích cho chúng sanh và điều gì không có lợi là Paññā Paramattha-pāramī.
- Tinh tấn thực hành viên mãn và thành tựu các pāramī kể trên và những pāramī sẽ được nêu sau là Vīriya Pāramī. Tinh tấn thực hành viên mãn và thành tựu các Upapāramī kể trên và những upapāramī sẽ được nêu ra sau là Vīriya Upapāramī. Tinh tấn thực hành viên mãn và thành tựu các paramattha-pāramī kể trên và những paramattha-pāramī sẽ được nêu ra sau là Vīriya- Paramattha-pāramī.
- Nhẫn nại chịu đựng những pháp thăng trầm gây nguy hiểm cho những vật ngoài thân của mình là Khantī Pāramī. Nhẫn nại chịu đựng những pháp thăng trầm gây nguy hiểm cho các phần của thân thể là Khantī Upa-pāramī. Nhẫn nại chịu đựng những pháp thăng trầm gây nguy hiểm cho tánh mạng của chính mình là Khantī Paramattha-pāramī.
- Không từ bỏ pháp chân thật vì những vật ngoài thân là Sacca Pāramī. Không từ bỏ pháp chân thật vì các phần thân thể như tay, chân, v.v… là Sacca Upapāramī. Không từ bỏ pháp chân thật vì sanh mạng của chính mình là Sacca Paramattha-pāramī.
- Quyết định không lay chuyễn, bất chấp sự tổn thất các vật ngoài thân với niềm tin vững chắc rằng ‘các pháp ba-la-mật như bố thí, v.v…, có thể được thực hành viên mãn chỉ nhờ quyết định bất khả hoại’ là Adhiṭṭhāna Pāramī. Qưyết định không lay chuyển, bất chấp sự tổn thương các phần của cơ thể như tay, chân, v.v… là Adhiṭṭhāna Upapāramī. Quyết định không lay chuyển dầu phải mất cả mạng sống là Adhiṭṭhāna Paramattha-pāramī.
- Không từ bỏ pháp bác ái đối với chúng sanh (liên tục rải tâm từ đến chúng sanh) dù họ đã từng gây thiệt hại đến những vật ngoài thân của mình là Mettā Pāramī. Không từ bỏ pháp bác ái đối với chúng sanh dù họ đã từng gây tổn thương đến các phần cơ thể của mình như tay, chân, v.v… là Mettā Upapāramī. Không từ bỏ pháp bác ái đối với chúng sanh dù họ đã từng gây tai hại đến sinh mạng của chính mình là Mettā Pāramattha- pāramī.
- Giữ thái độ bình thản đối với những hành vi cố ý của chúng sanh dù họ đã từng giúp đỡ hoặc làm tổn hại những vật ngoài thân của mình là Upekkhā Pāramī. Giữ tâm bình thản đối với chúng sanh và những hành vi cố ý của họ dù họ đã từng giúp đỡ hoặc làm tổn thương các phần thân thể của ta như tay, chân, v.v… là Upekkhā Upapāramī. Giữ tâm bình thản đối với chúng sanh và những hành vi cố ý của họ dù họ đã từng giúp đỡ hoặc làm hại đến tính mạng của ta là Upekkhā Paramattha-pāramī.
(Đây là cách phân loại các pháp Ba-la-mật)
12. Các pháp Pāramī được rút gọn như thế nào?
Đối với câu hỏi: “Các pháp pāramī được rút gọn như thế nào?, câu trả lời là:
Ba mươi pháp Ba-la-mật được thâu gọn lại thành mười bằng cách gom các pháp cùng đặc tánh lại thành một nhóm (tức là gom ba loại Dāna Pāramī thành một, ba loại Sīla Pāramī thành một, v.v…). Tương tự, mười pháp này có thể cô đọng lại thành sáu bằng cách gom các pháp Ba-la-mật có liên quan thành một nhóm, đó là Dāna Pāramī, Sīla Pāramī, Khantī Pāramī, Vīriya Pāramī, Jhāna Pāramī và Paññā Pāramī (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nại, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ).
Đây là cách cô đọng các pháp Ba-la-mật: Xuất gia nghĩa là sống cuộc đời Sa-môn, tu thiền định và các việc phước khác. Ở đây, xuất gia là sống cuộc đời Sa-môn, nên được xem là Sīla Pāramī vì chúng có bản chất giống nhau. Cũng vậy, xuất gia là thiền định, thoát khỏi năm triền cái, nên được xem là Jhāna Pāramī, và xuất gia là việc phước phổ biến, có mặt trong cả sáu pháp Ba-la-mật.
Chân thật có ba loại: lời nói chân thật (vacī-sacca); xa lìa sự gian dối, hư ngụy (virati-sacca), là sở hữu Chánh ngữ (Sammā-vācā) và trí tuệ chân thật (ñāṇa-sacca), là sở hữu trí tuệ (paññā). Trong ba loại này, vacī-sacca và virati-sacca liên quan đến sīla nên được xem là Sīla Pāramī; còn ñāṇa-sacca là sở hữu trí tuệ nên được xem là Paññā Pāramī.
Mettā Pāramī có bản chất tương tự với Jhāna Pāramī nên được bao gồm trong Jhāna Pāramī.
Upekkhā Pāramī bao gồm sở hữu Tatramajjhattatā và Paññā. Tatramajjhattatā nên được xem là Jhāna Pāramī vì nó có liên quan. Còn sở hữu Trí tuệ giống như Ñāṇupekkhā nên được xem là Paññā Pāramī.
Adhiṭṭhānana Pāramī nên được bao gồm trong cả 6 pháp Ba-la- mật: Dāna, Sīla, Khantī, Vīriya, Jhāna và Paññā vì trong sáu pháp Ba-la-mật này đều có Adhiṭṭhāna (Quyết định không lay chuyển).
Lợi ích của 6 pháp Ba-la-mật được ghép thành từng cặp
Trước hết 6 pháp Ba-la-mật đã được rút gọn: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nại, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ có thể được ghép thành 15 cặp như sau:
(a) Dāna & Sīla – Bố thí và Trì giới.
(b) Dāna & Khantī – Bố thí và Nhẫn nại.
(c) Dāna & Viriya – Bố thí và Tinh tấn.
(d) Dāna & Jhāna – Bố thí và Thiền định.
(e) Dāna & Paññā – Bố thí và Trí tuệ.
(f) Sīla & Khantī – Trì giới và Nhẫn nại.
(g) Sīla & Viriya – Trì giới và Tinh tấn.
(h) Sīla & Jhāna – Trì giới và Thiền định.
(i) Sīla & Paññā – Trì giới và Trí tuệ.
(j) Khanti & Viriya – Nhẫn nại và Tinh tấn.
(k) Khantī & Jhāna – Nhẫn nại và Thiền định.
(l) Khantī & Paññā – Nhẫn nại và Trí tuệ.
(m) Vīriya & Jhāna – Tinh tấn và Thiền định.
(n) Vīriya & Paññā – Tinh tấn và Trí tuệ.
(o) Jhāna & Paññā – Thiền định và Trí tuệ.
Bồ Tát thành tựu qua hai cặp:
(a) Dāna & Sīla, Bồ tát thành tựu hai điều phước là làm những việc lợi ích cho chúng sanh và xa lìa những điều có hại cho họ.
(b) Dāna & Khantī, Bồ tát thành tựu hai lợi ích là vô tham và vô sân.
(c) Dāna & Viriya, Bồ tát thành tựu hai điều phước là tánh hào phóng và đa văn.
(d) Dāna & Jhāna, Bồ tát thành tựu hai điều phước là từ bỏ dục lạc và sân hận.
(e) Dāna & Paññā, Bồ tát thành tựu hai điều phước là sự định tâm và thiền quán; và hai điều phước khác là pháp học về giáo pháp (pariyatti) và thiền quán.
(f) Sīla & Khantī, Bồ tát thành tựu hai phước báu lợi ích là thân hạnh, khẩu hạnh thanh tịnh và thiên hướng thanh tịnh.
(g) Sīla & Vīriya, Bồ tát thành tựu hai điều phước là sự định tâm và thiền quán.
(h) Sīla & Jhāna, Bồ tát thành tựu hai điều phước là đoạn trừ phiền não (vītikkama kilesa) và triền phiền não (pariyaṭṭhāna kilesa) (Sīla và Jhāna đoạn trừ triền phiền não).
(i) Sīla & Paññā, Bồ tát thành tựu hai việc phước là vô úy thí (abhaya dāna) và pháp thí (dhamma dāna); vô úy thí có thể xảy ra chỉ khi nào có Sīla; và pháp thí có thể xảy ra chỉ khi nào có Paññā.
(j) Khantī & Viriya, Bồ tát thành tựu hai đức tánh là nhẫn nại và kiên trì; (các pháp thăng trầm của đời sống chỉ có thể vượt qua bằng nhẫn nại, và chỉ khi nào có tinh tấn, các việc phước mới được làm một cách tận tâm tận ý).
(k) Khantī & Jhāna, Bồ tát thành tựu hai lợi ích là đoạn trừ thù địch khởi sanh từ sân hận và sự thiên vị khởi sanh từ tham (không có Khantī, người ta có khuynh hướng chống lại những điều không khả ái trong thế gian vì sự sanh khởi của sân hận; không có Jhāna, người ta dễ nghiêng về những cảnh khả ái trong thế gian vì sự sanh khởi của tâm tham).
(l) Khantī & Paññā, Bồ tát thành tựu hai lợi ích là thấu hiểu tánh vô ngã trong danh sắc (nāma và rūpa) và tuệ quán thông đạt Niết bàn.
(m) Viriya & Jhāna, Bồ tát thành tựu hai lợi ích là tinh cần (paggaha) và tâm bất tán loạn (avikkhepa).
(n) Vīriya & Paññā , Bồ tát thành tựu hai lợi ích là làm chỗ dựa cho chúng sanh và chỗ dựa cho chính mình (chỗ nương tựa cho chúng sanh nhờ Vīriya, chỗ nương tựa cho chính mình nhờ Paññā).
(o) Jhāna & Paññā, Bồ tát thành tựu hai lợi ích là sự định tâm và quán Tuệ.
Lợi ích phát sanh từ những nhóm ba
Bồ tát thành tựu ba lợi ích do:
(1) đoạn trừ tham, sân và si là ba căn cội của mọi điều ác, nhờ dāna, sīla và khantī.
(2) rút ra tinh hoa từ tài sản, thân sắc và mạng sống của mình (vì chúng kết hợp với năm loại kẻ thù, nên tài sản và của cải không có những giá trị nội tại, giá trị thực của chúng là cho chúng đi – dāna). Vì phải chịu nhiều loại bịnh nên thân không có thực chất mà thực chất của nó là sự thọ trì giới – sīla. Cuối cùng khi kết thúc bằng sự hoại vong, mạng sống cũng không có thực chất. Thực chất của nó là sự tu tập thiền quán – Vipassanā.
(3) các việc phước về bố thí, trì giới và tu thiền nhờ nhóm ba dāna, sīla và jhāna.
(4) tài thí, vô úy thí và pháp thí nhờ dāna, sīla và paññā.
Tương tự, các lợi ích còn lại của nhóm 3 và 4 Ba-la-mật có thể suy ra từ các nhóm hai.
Bốn Trụ xứ (Adhiṭṭhāna)
Sau khi cho thấy mười Ba-la-mật được rút gọn thành sáu bằng cách đưa các pháp tương tự về chung một mối, sáu Ba-la-mật này lại được bao gồm trong bốn Trụ xứ.
– Saccādhiṭṭhā – Đế trụ xứ
– Cāgādhiṭṭhāna – Xả đoạn trụ xứ
– Upasamādhiṭṭhāna – Tịch tịnh trụ xứ
– Paññādhiṭṭhāna – Trí tuệ trụ xứ.
(i) Saccādhiṭṭhā – Đế trụ xứ: Niết bàn là Chân lý tuyệt đối (Paramattha Sacca) cùng với những pháp hành khởi đầu dẫn đến Niết bàn (pubbabhāga paṭipadā), là ngữ đế (vacisacca); ly vọng ngữ đế (virati sacca) là sở hữu chánh ngữ (sammāvācā); và trí đế (ñāṇa sacca) là sở hữu trí tuệ (paññā). (Ngữ đế, Ly vọng ngữ đế và Trí đế tạo thành trụ xứ nâng đỡ cho Bồ tát trụ vào trong suốt những kiếp luân hồi, thực hành các pháp Ba-la-mật và trong kiếp Ngài thành Phật. Niết bàn là chân lý tuyệt đối tạo thành trụ xứ cho vị Bồ tát khi Ngài thành Phật. Do đó, chúng tạo thành Đế trụ xứ (Saccādhiṭṭhāna.)
(ii) Cāgādhiṭṭhāna – Xả đoạn trụ xứ là sự đoạn tất cả phiền não không dư sót bằng A-la-hán đạo và xả đoạn các cảnh dục và các dục ái qua sự thực hành các pháp Ba-la-mật như dāna, v.v… ở giai đoạn đầu khi Ngài là vị Bồ tát. (Bồ tát trong khi thực hành các pháp Ba-la-mật không thể đoạn tận tất cả phiền não mà không còn dư sót. Ngài chỉ có thể xả ly các cảnh dục trong khả năng của Ngài qua pháp Bố thí Ba-la-mật, v.v… và xả đoạn các phiền não dục một cách tạm thời (tadaṅga-pahāna) và xả đoạn chúng bằng sự trấn phục (vikkhambhana-pahāna), Bồ tát xây dựng trụ xứ cho mình chỉ bằng cách này. Chỉ khi Ngài chứng đắc A-la-hán quả và Nhất thiết trí trở thành một vị Phật, Ngài mới an trú vững chắc trong trụ xứ, xả đoạn hoàn toàn tất cả phiền não không còn dư sót. Do đó, sự xả đoạn toàn bộ phiền não bằng A-la-hán đạo, sự xả đoạn các cảnh dục và phiền não dục có tánh cách tạm thời và trấn phục, tất cả những sự xả đoạn này tạo thành Xả đoạn trụ xứ – Cāgādhiṭṭhāna.
(iii) Upasamādhiṭṭhāna – Tịch tịnh trụ xứ là sự vắng lặng hoàn toàn tất cả phiền não bằng A-la-hán đạo, sự lắng dịu khổ đau trong luân hồi khi giác ngộ Niết bàn, sự xả đoạn các phiền não tạm thời hoặc sự trấn phục qua việc thực hành các pháp Ba-la-mật như dāna, v.v… trong khi là Bồ tát. (Khi vị Bồ tát đang thực hành các pháp Ba-la-mật, các phiền não và khổ của luân hồi chưa thể dập tắt triệt để được. Do đó, qua các pháp Ba-la-mật như dāna, v.v… tạo thành phương tiện làm lắng dịu phiền não, vị Bồ tát chỉ xả đoạn chúng tạm thời và bằng sự trấn phục mà thôi. Bằng những pháp hành như vậy, vị Bồ tát xây dựng cho chính Ngài trụ xứ tạm thời. Đến khi chứng đắc Phật quả, Ngài mới an trú vững chắc trong trụ xứ qua việc đoạn tận hoàn toàn các phiền não và khổ luân hồi. Cho nên sự vắng lặng các phiền não và khổ luân hồi tạo thành Tịch tịnh trụ xứ – Upasamādhiṭṭhāna.
(iv) Paññādhiṭṭhāna – Trí tuệ trụ xứ là A-la-hán quả tuệ (Arahatta- phala) và Nhất thiết trí và tất cả các loại trí tuệ như phương tiện thiện xảo trí, v.v… đã khởi sanh trước kia trong dòng tâm của vị Bồ tát. (Trong những kiếp là Bồ tát, Ngài trú trong các loại trí tuệ như phương tiện thiện xảo trí, v.v… Đến khi chứng đắc đạo quả Phật, Ngài mới an trú vững chắc trong trụ xứ của A-la-hán quả tuệ và Nhất thiết trí. Do đó, tất cả các loại trí tuệ đã nêu ra ở trên tạo thành Trí tuệ trụ xứ – Paññādhiṭṭhāna).
Đối với những kẻ phàm phu thiểu trí, chỉ biết nương tựa vào các cảnh dục và phiền não dục. Những cảnh dục và phiền não dục này tạo thành chỗ nương tựa của họ. Đối với vị Bồ tát thấy rõ mối nguy hiểm trong chúng, Ngài an trú trong bốn trụ xứ của chân thật (sacca), xả đoạn (cāga), tịch tịnh (upasama) và trí tuệ (paññā). Những trụ xứ này đưa Ngài từ các cảnh dục, phiền não dục đến chỗ giải thoát, tức Niết bàn. Do đó, bốn yếu tố này tạo thành những trụ xứ dành cho vị Bồ tát.
Sự thành tựu bốn Trụ xứ xảy ra trong dòng tâm của vị Bồ tát như thế nào
Sau khi nhận được sự thọ ký thành Phật, Bồ tát suy xét các pháp Ba-la-mật bằng Ba-la-mật Tư trạch trí (Pāramī-pavicaga ñāṇa). Sau khi đã làm như vậy, Ngài phát nguyện thực hành viên mãn tất cả các pháp Ba-la-mật. Rồi Ngài tiếp tục thực hành viên mãn chúng đúng với lời nguyện này. Như vậy Đế trụ xứ (Saccādhiṭṭhā) hiện khởi trong dòng tâm của vị Bồ tát.
Trong khi các pháp Ba-la-mật đang được thực hành viên mãn thì có sự xả đoạn các phiền não đối nghịch với chúng và cũng xảy ra sự xả đoạn các cảnh dục và phiền não. Như vậy Xả đoạn trụ xứ (Cāgādhiṭṭhāna) cũng hiện khởi.
Vì có sự diệt tắt các phiền não do oai đức của các pháp Ba-la-mật nên Tịch tịnh trụ xứ (Upasamādhiṭṭhāna) cũng hiện khởi.
Qua những pháp Ba-la-mật này, Bồ tát có được Phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla ñāṇa) và Trí tuệ trụ xứ (Paññādhiṭṭhāna) cũng hiện khởi.
(Điều muốn nói ở đây là : Bất cứ khi nào vị Bồ tát thực hành 10 pháp Ba-la-mật hoặc 6 Ba-la-mật, hoặc bất cứ khi nào Ngài thực hiện các việc phước có liên quan đến các pháp Ba-la-mật thì có sự hiện khởi trong dòng tâm của vị Bồ tát: (i) Saccādhiṭṭhā – Đế trụ xứ là sự cố gắng không suy thối để thực hành lời nguyện của Ngài; (ii) Cāgādhiṭṭhāna – Xả đoạn trụ xứ là sự đoạn trừ các phiền não đối nghịch với các pháp Ba-la-mật; (iii) Upasamādhiṭṭhāna – Tịch tịnh trụ xứ là sự tắt lịm các phiền não; (iv) Paññādhiṭṭhāna – Trí tuệ trụ xứ là thiện xảo trong các phương tiện đem lại phúc lợi cho chúng sanh. Do đó, sáu pāramī được cô đọng thành bốn trụ xứ (adhiṭṭhana): chân thật (sacca), xả đoạn (cāga), tịch tịnh (upasama) và trí tuệ (paññā).
Khi một người chuyên tâm vào một công việc kinh doanh trong sạch, thấy nó có lợi như đã dự định, người ấy tiếp tục đeo đuổi công việc kinh doanh ấy với sự siêng năng và nhiều tinh tấn hơn. Ở đây lợi ích phát sanh từ công việc kinh doanh ban đầu là nguyên nhân, sự siêng năng và tinh tấn gia tăng trong việc theo đuổi công việc là kết quả của nguyên nhân ấy.
Tương tự, khi Bồ tát bắt tay thực hiện những việc phước thuộc Ba- la-mật, Ngài thọ hưởng lợi ích của những việc phước này dưới dạng Bốn trụ xứ, đó là vị ngọt của ngữ chơn thật (vacissacca); sự đoạn trừ các phiền não (cāga); sự diệt tắt ngọn lửa phiền não (upasamā); và phương tiện thiện xảo trí (upāya-kosalla ñāṇa). Ngài tiếp tục làm những việc phước về Ba-la-mật này với sự siêng năng và gia tăng sức tinh tấn từ kiếp này sang kiếp khác. Ở đây lợi ích của những việc phước này dưới dạng Bốn trụ xứ là nguyên nhân và những việc phước về Ba-la-mật được lập đi lập lại bằng sự siêng năng và sức tinh tấn gia tăng là kết quả của nguyên nhân ấy. Nên hiểu rằng sự xảy ra của những việc phước về Ba-la-mật và sự xảy ra của bốn Trụ xứ là một, chỉ khác nhau về cách gọi mà thôi.
Mô tả chi tiết hơn:
(i) Trong quá trình thực hiện các việc phước về Dāna Pāramī, Bồ tát hướng những lợi ích phát sanh từ (a) Saccādiṭṭhāna – Đế trụ xứ là sự thực hành bố thí vững chắc theo đúng ý nguyện của Ngài: “Ta sẽ bố thí khi thấy người tầm cầu vật thí”; (b) Cāgādhiṭṭhāna – Xả đoạn trụ xứ là sự đoạn tận bỏn xẻn, v.v… đối nghịch với pháp bố thí; (c) Upasamādhiṭṭhāna – Tịch tịnh trụ xứ là sự diệt tắt tâm tham đối với các vật thí, tâm sân (xảy ra đối với những người miễn cưỡng bố thí) đối với những người đến xin vật thí; tâm si về sự bố thí (trạng thái si mê thường hay xảy ra đối với người không quen bố thí) vì sợ hao tổn; (d) Paññādhiṭṭhāna – Trí tuệ trụ xứ là sự bố thí đúng lúc như đã dự định, do trí tuệ hướng đạo.
Sau khi hưởng lợi ích của Bốn trụ xứ này, vị Bồ tát tiếp tục phát triển pháp Bồ tát Ba-la-mật nhiều hơn nữa.
(ii) Tương tự, trong quá trình thực hành Sīla Pāramī, Bồ tát thọ hưởng lợi ích phát sanh từ (a) Saccādiṭṭhāna là sự không vi phạm các giới cấm đúng theo lời nguyện của Ngài; (b) Cāgādhiṭṭhāna là sự đoạn trừ bất thiện tư và các tội ác; (c) Upasamādhiṭṭhāna là sự diệt tắt điều tai hại do các bất thiện nghiệp gây ra; (d) Paññādhiṭṭhāna là trí tuệ giữ vai trò chủ chốt.
Sau khi hưởng lợi ích của Bốn trụ xứ này, vị Bồ tát càng tu tập Giới Ba-la-mật hơn nữa.
(iii) Trong quá trình thực hành pháp Khantī Pāramī, Bồ tát thọ hưởng lợi ích phát sanh từ (a) Saccādiṭṭhāna là sự thực hành pháp nhẫn nại một cách bền bỉ đúng với lời nguyện của Ngài; (b) Cāgādhiṭṭhāna là sự đoạn trừ những ý nghĩ bất thiện gây ra bởi hành vi và lời nói ác của kẻ khác; (c) Upasamādhiṭṭhāna là sự diệt tắt sân ác; (d) Paññādhiṭṭhāna là trí tuệ giữ vai trò chủ chốt.
Sau khi hưởng lợi ích của Bốn trụ xứ này, Bồ tát tiếp tục phát triển Nhẫn nại Ba-la-mật nhiều hơn nữa.
(iv) Trong quá trình thực hành pháp Viriya Pāramī, Bồ tát thọ hưởng lợi ích phát sanh từ (a) Saccādiṭṭhāna là công việc đem phúc lợi đến chúng sanh đúng với lời nguyện của Ngài; (b) Cāgādhiṭṭhāna là sự đoạn trừ tánh dễ duôi, làm việc dang dở. (c) Upasamādhiṭṭhāna là sự diệt tắt của sự tổn hại do bất thiện pháp gây ra; (d) Paññādhiṭṭhāna là trí tuệ giữ vai trò chủ chốt.
Sau khi hưởng lợi ích của Bốn trụ xứ này, vị Bồ tát tiếp tục phát triển Tinh tấn Ba-la-mật nhiều hơn nữa.
(v) rong quá trình thực hành Jhāna Pāramī, Bồ tát thọ hưởng lợi ích phát sanh từ (a) Saccādiṭṭhāna là sự suy nghĩ sâu sắc và tầm cầu phúc lợi cho toàn thể thế gian đúng với lời nguyện của Ngài; (b) Cāgādhiṭṭhāna là sự đoạn trừ các triền cái; (c) Upasamādhiṭṭhāna là sự an tịnh của tâm; (d) Paññādhiṭṭhāna là trí tuệ giữ vai trò chủ chốt.
Sau khi hưởng lợi ích của Bốn trụ xứ này, Bồ tát tiếp tục phát triển Thiền định Ba-la-mật nhiều hơn nữa.
(vi) Trong quá trình thực hành pháp Paññā Pāramī, Bồ tát thọ hưởng lợi ích phát sanh từ (a) Saccādiṭṭhāna là sự thiện xảo trong các phương tiện đem lại lợi ích cho chúng sanh đúng với lời nguyện của Ngài; (b) Cāgādhiṭṭhāna là sự đoạn trừ các tà đạo và các ác nghiệp; (c) Upasamādhiṭṭhāna là sự diệt tắt mọi hình thức lo âu, bồn chồn do vô minh gây ra, (d) Paññādhiṭṭhāna là trí tuệ đóng vai trò chủ chốt.
Sau khi hưởng lợi ích của bốn Trụ xứ (adhiṭṭhana) này, Bồ tát tiếp tục phát triển Trí tuệ Ba-la-mật (Paññā Pāramī) nhiều hơn nữa.
Như vậy trong mọi việc phước về pāramī đều có sự hiện diện của bốn Trụ xứ (adhiṭṭhana), cho nên có thể nói rằng sáu pāramī được bao gồm trong bốn Trụ xứ (adhiṭṭhana).
Bốn Trụ xứ được xem là Một Trụ xứ
Cũng như sáu pháp pāramī được bao gồm trong bốn Trụ xứ, cũng vậy mỗi trụ xứ có thể được xem là bao trùm ba trụ xứ còn lại. Sau đây là cách bao gồm mỗi trụ xứ (adhiṭṭhana).
Như Đế trụ xứ (Saccādiṭṭhāna), các trụ xứ Xả đoạn (Cāgādhiṭṭhāna), Tịch tịnh (Upasamādhiṭṭhāna) và Trí tuệ (Paññādhiṭṭhāna) có bản chất thi hành trung thực đúng với lời nguyện nên có thể được bao gồm trong Đế trụ xứ (Saccādiṭṭhāna).
Như Cāgādhiṭṭhāna, Saccādiṭṭhāna, Upasamādhiṭṭhāna và Paññādhiṭṭhāna vì có bản chất đoạn trừ các yếu tố đối nghịch và là kết quả của sự từ bỏ hoàn toàn nên có thể được bao gồm trong Cāgādhiṭṭhāna
Như Upasamādhiṭṭhāna, Saccādiṭṭhāna, Cāgādhiṭṭhāna và Paññādhiṭṭhāna vì có bản chất diệt tắt sức nóng của các ác nghiệp và phiền não gây ra, nên có thể được bao gồm trong Upasamādhiṭṭhāna.
Saccādiṭṭhāna, Cāgādhiṭṭhāna và Upasamādhiṭṭhāna đi theo kẻ hướng đạo là paññā nên có thể được bao gồm trong Paññādhiṭṭhāna.
Các Trụ xứ đem lại lợi ích như thế nào?
Như vậy tất cả các pháp pāramī đều có sự khởi đầu bằng Đế trụ xứ (Saccādiṭṭhāna) – chúng hiện khởi qua Xả đoạn trụ xứ (Cāgādhiṭṭhāna), lớn mạnh do nhờ Tịch tịnh trụ xứ (Upasamādhiṭṭhāna), xa lìa các phiền não nhờ Trí tuệ trụ xứ (Paññādhiṭṭhāna) và trở nên thanh tịnh.
Hơn nữa, trong giai đoạn đầu của các pháp pāramī, Saccādiṭṭhāna giữ vai trò chủ đạo, chỉ với Saccādiṭṭhāna, sự thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật mới có thể bắt đầu. Ở giai đoạn giữa, Cāgādhiṭṭhāna giữ vai trò chủ đạo, sau khi bắt đầu thực hành viên mãn các pháp pāramī bằng Saccādiṭṭhāna, nó được tiếp tục ở giai đoạn giữa bằng sự xả ly cả thân và mạng sống của chính mình để đem lại lợi ích cho chúng sanh bằng Cāgādhiṭṭhāna. Ở giai đoạn cuối, Upasamādhiṭṭhāna giữ vai trò chủ đạo, bằng sự diệt tắt tất cả đau khổ của luân hồi, phận sự thực hành viên mãn các pháp pāramī mới kết thúc.
Paññādhiṭṭhāna tối cao trong cả ba thời kỳ đầu, giữa và cuối. Chỉ với trí tuệ, các pháp pāramī mới có thể bắt đầu, sự xả ly toàn bộ thân thể và mạng sống của ta mới có thể thực hiện được và sự diệt tắt rốt ráo đau khổ của luân hồi mới có thể xảy ra.
Tất cả bốn trụ xứ này thường xuyên làm gia tăng lợi ích cho chính mình và mọi người, được mọi người yêu mến và kính trọng. Trong bốn trụ xứ này, qua Saccādiṭṭhāna và Cāgādhiṭṭhāna, Bồ tát khi là cư sĩ đem lại lợi ích cho chúng sanh bằng sự bố thí vật chất. Qua Upasamādhiṭṭhāna, Paññādhiṭṭhāna – khi là đạo sĩ, Bồ tát đã bố thí Pháp đến chúng sanh.