Nội Dung Chính
3. Xuất gia Ba-la-mật được thực hành viên mãn như thế nào?
Như đã giải thích ở trên, Xuất gia Ba-la-mật là nhóm tâm và sở hữu tâm muốn thoát khỏi các dục lạc và các kiếp sống, sự xuất gia ấy được thành lập dựa trên tâm Đại bi (Mahā-karunā) và phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla-ñāṇa), trước nó là trí nhờm gớm và ghê sợ các tội trong chúng. Do đó, vị Bồ tát trước hết phải thấy rõ các tội trong các dục lạc và các kiếp sống bằng trí nhờm gớm và ghê sợ (Quá hoạn trí – adīnava-ñāṇa)
Ngài suy xét về các tội ấy như vầy: “Vì đời sống gia đình là chỗ trú ngụ của tất cả các loại phiền não do những chướng ngại như vợ con, v.v… hạn chế sự thực hiện các việc phước vì người ta bận rộn với nhiều công việc như buôn bán, cấy cày, v.v… nên đó không phải là chỗ thích hợp mà sự hạnh phúc của việc xuất gia đạt được.”
Các dục lạc của loài người giống như giọt mật trên đầu lưỡi kiếm, nhiều tai họa hơn vui sướng. Sự thọ hưởng dục lạc ngắn ngủi như tia chớp chợt lóe chợt tắt. Chúng giả tạm như vật ngụy trang che giấu đống phân, như đứa bé mút hoài ngón tay mà không thỏa mãn, tai hại như người ăn nhiều vật thực gây ra rủi ro bất hạnh, như miếng mồi trên cái móc câu, gây đau khổ trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai, như sức nóng của ngọn lửa đang thiêu đốt. Chúng có tánh chất hút dính như mủ mít, là phương tiện để che dấu những vật hủy hoại như áo khoác của kẻ sát nhân. Như vậy, trước hết hãy suy xét những điều bất lợi trong các dục lạc và các kiếp sống, rồi suy xét tiếp về những lợi ích của sự thoát ly, tức là sự xuất gia, vị Bồ tát thực hành viên mãn Xuất gia Ba-la-mật.
Vì từ bỏ đời sống gia đình là nền tảng của Xuất gia Ba-la-mật vào thời kỳ không có giáo pháp của Đức Phật, và để thực hành viên mãn Ba-la-mật này, vị Bồ tát sống cuộc đời đạo sĩ, duy trì chủ thuyết về nghiệp (kamma-vādī) và quả nghiệp (kiriya-vādī). Tuy nhiên, khi Đức Phật xuất hiện trong thế gian, vị Bồ tát gia nhập vào Tăng đoàn trong giáo pháp của Đức Phật.
Sau khi đã xuất gia, Ngài thọ trì Chỉ trì giới (Vāritta sīla) và Tác trì giới (Cāritta sīla) , và để làm thanh tịnh hai loại giới này Ngài thực hành các pháp đầu đà (dhutaṅga)
Vị Bồ tát sau khi đã tẩy sạch các pháp ô nhiễm bằng nước sạch của giới, củng cố bằng các pháp đầu đà, Ngài sẽ có được thân hạnh và khẩu hạnh thanh tịnh. Ngài hài lòng với bất cứ loại y phục, vật thực và chỗ ngụ nào có được. Sau khi đã thực hành theo ba pháp đầu tiên trong bốn pháp truyền thống của bậc Thánh (ariya-vaṃsattaya), Ngài phấn đấu để đạt được pháp thứ tư, là sự vui thích trong thiền định (bhāvanārāma) bằng cách thực hành một đề mục thích hợp từ bốn mươi đề mục của thiền định, cho đến khi Ngài chứng được Cận định (Upacāra) và Nhập định (Appanā). Sự chứng đắc các tầng thiền chính là sự thực hành viên mãn Xuất gia Ba-la-mật của vị Bồ tát.
(Đây là phương pháp thực hành Xuất gia Ba-la-mật.)
4. Trí tuệ Ba-la-mật được thực hành như thế nào?
Vì ánh sáng của trí tuệ không thể ở chung với bóng tối của vô minh (moha) nên vị Bồ tát thực hành Trí tuệ Ba-la-mật tránh các nguyên nhân của si mê như ghét điều thiện (arati), lười biếng, ham ngủ, v.v…và chuyên tâm thực hành các pháp đem lại trí tuệ sâu rộng, chứng đắc các tầng thiền, v.v….
Trí tuệ có 3 loại: Văn sở thành tuệ (Sutamaya Paññā), Tư sở thành tuệ (Cintāmaya Paññā) và Tu sở thành tuệ (Bhavanāmaya Paññā).
(a) Sutamayā Paññā – Văn sở thành tuệ
Để làm cho Văn sở thành tuệ / Văn tuệ (Sutamayā paññā) hay Đa trí (bāhusacca) được lớn mạnh, trưởng thành, Bồ tát tu tập nó bằng sự nghiên cứu cẩn thận, nghe nhiều, tìm tòi học hỏi, ghi nhớ, tra hỏi bằng chánh niệm, tinh tấn và trí tuệ, đi trước là Phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla-ñāṇa). Phạm vi của Văn tuệ biết được là: (i) Ngũ uẩn, Thập nhị xứ, Thập bát giới, Tứ diệu đế, Hai mươi hai quyền, Luật duyên khởi, các phương pháp Niệm, v.v… những pháp này tạo thành các yếu tố giác ngộ, cũng như nhiều loại Pháp như thiện, bất thiện, v.v…. Và (ii) những hình thức của trí tuệ hợp thế, trong sạch làm gia tăng lợi ích và hạnh phúc của chúng sanh. Bằng cách này, vị Bồ tát tu tập Văn sở thành tuệ (Sutamayā paññā) và trở thành người có trí tuệ, tự mình tìm tòi học hỏi toàn bộ lãnh vực của nó và cũng giúp kẻ khác có được nó.
Cũng vậy, để phục vụ lợi ích của chúng sanh, vị Bồ tát tu tập trí tuệ khởi sanh ngay tại chỗ để tìm kiếm Phương tiện thích hợp (Thānuppaṭṭika paṭibhāna ñāṇa), còn được gọi là Phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla ñāṇa). Do trí này mà vị Bồ tát có thể phân biệt các yếu tố đẩy mạnh sự tăng trưởng và hưng thịnh với các yếu tố gây ra sự tiêu diệt và tàn rụi trong nhiều loại công việc của chúng sanh.
(b) Cintāmaya Paññā – Tư sở thành tuệ
Tương tự, vị Bồ tát tu tập Tư sở thành tuệ/ Tư tuệ (Cintāmaya Paññā) bằng cách quán sâu vào các pháp tự nhiên, các thực tại cùng tột như các uẩn, v.v….(Nghiên cứu cẩn thận, lắng nghe, học hỏi, ghi nhớ các pháp tự nhiên như các uẩn, v.v… là Văn sở thành tuệ – Sutamayā paññā. Trước tiên suy nghĩ rồi quán xét các pháp tự nhiên mà người ta đã nghiên cứu, học hỏi và ghi nhớ, là Tư sở thành tuệ – Cintāmaya paññā).
(c) Bhāvanāmaya paññā – Tu sở thành tuệ
Tương tự, vị Bồ tát, người đã tu tập các loại trí thuộc thế tục về các pháp tự nhiên như các uẩn, v.v… qua việc phân biệt các tướng riêng cũng như tướng chung, và thực hành viên mãn phần đầu tiên của trí tuệ qua pháp thiền quán (Bhāvanāmaya paññā), đó là chín loại Tuệ quán (vipassanā-ñāṇa) như trí thấy rõ các pháp hữu vi (sammasana- ñāṇa), tánh vô thường, khổ và vô ngã của chúng, v.v…
Nhờ thành tựu viên mãn Tuệ quán như vậy, vị Bồ tát thông hiểu đầy đủ về các đối tượng trong thân và ngoài thân chỉ là hiện tượng danh và sắc: “ Nhóm của hiện tượng chỉ là danh sắc, sanh khởi và hoại diệt tùy thuộc vào các duyên. Thực tế không có ai tạo ra chúng. Danh sắc là thực tại, sanh khởi chỉ để hoại diệt. Vì vậy nó có tánh vô thường; có tánh bất toại nguyện vì sự sanh diệt liên tục của nó; không thể kiểm soát và điều khiển nó thế nên nó vô ngã.” Nhờ thông hiểu bản chất thật của các pháp trong thân và ngoài thân không có sự khác biệt, Ngài từ bỏ luyến ái đối với chúng và giúp chúng sanh cũng được như vậy.
Suốt thời gian này trước khi chứng Phật quả, vị Bồ tát, với tâm đại bi, giúp chúng sanh bước vào ba cỗ xe đạo hành (paṭipatti) (nhờ đó mà chúng sanh có thể đạt được sự trưởng thành trong ba loại Giác ngộ) hoặc đạt đến sự trưởng thành trong pháp hành của họ nếu họ đã bước vào ba cỗ xe ấy.
Riêng về vị Bồ tát, Ngài cố gắng thành đạt năm pháp thuần thục trong thiền hợp thế và các loại thần thông, với sự hỗ trợ to lớn của Định kết hợp với các tầng thiền và thần thông, Ngài đạt đến đỉnh cao của Trí tuệ.
(Về phương pháp tu tập các tầng thiền Hợp thế, các loại thần thông và mười loại Tuệ quán, bộ Thanh tịnh đạo (Vishuddhi-magga) sẽ giải thích rõ. Điều đặc biệt nên chú ý là trong sự tu tập trí tuệ của vị Thinh văn tương lai được giải thích là lên đến giai đoạn đắc đạo. Tuy nhiên trong bộ sách Thanh tịnh đạo, tất cả những cố gắng của vị Bồ tát trong việc tu tập thiền quán, có nền tảng là tâm Đại bi (Mahā-karunā) và Phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla ñāṇa), chỉ đạt đến pháp Thanh tịnh thứ sáu (Patipadā-ñānadassana-visudhi) thì dừng lại, không tiến sâu vào Đạo Quả (Ñānadassana-visudhi). Về mười giai đoạn của Tuệ quán, sự tu tập trí tuệ chỉ được thực hiện đến phần đầu của Hành xả trí (Saṅkhārupekkhā ñāṇa) mà thôi, chỉ chú ý đến chín giai đoạn thấp hơn của Tuệ quán).
(Đây là phương pháp thực hành Trí tuệ Ba-la-mật)
5. Phương pháp tu tập viên mãn Tinh tấn Ba-la-mật
Như vị tướng soái, nhằm mục đích chiến thắng kẻ thù đã cố gắng không ngừng. Cũng vậy, vị Bồ tát tự mình tìm cách chinh phục kẻ thù phiền não và muốn những kẻ khác cũng làm những cuộc chinh phục tương tự với sự tinh tấn để thành tựu viên mãn các Pháp Ba-la-mật.
Do đó, vị Bồ tát thường xuyên chánh niệm suy xét như vầy: “Ngày hôm nay ta đã tích lũy trí tuệ nào và các việc phước nào? Ngày hôm nay ta đã làm được việc gì để đem lại phúc lợi cho mọi người.” Quán xét như vậy mỗi ngày, vị ấy tinh tấn làm việc để phục vụ chúng sanh.
Để phục vụ chúng sanh, Ngài bố thí rộng rãi tất cả những vật sở hữu của mình, kể cả tứ chi và mạng sống. Tất cả mọi hành động về thân và khẩu của Ngài đều không ngoài mục đích là chứng đạt Nhất thiết trí. Tất cả những việc phước phát sanh từ những hành động như vậy đều được Ngài cống hiến cho sự chứng đạt Giác ngộ tối thượng.
Ngài quay lưng với dục lạc bằng tâm thoát ly chúng dù chúng tốt đẹp và đáng quí đến đâu chăng nữa.
Trong mọi công việc, Ngài phát triển và ứng dụng Phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla ñāṇa)
Ngài luôn siêng năng phục vụ lợi ích cho chúng sanh.
Ngài nhẫn nại với tất cả mọi cảnh dù khả ái hay trái ý nghịch lòng.
Ngài vững vàng trong pháp chân thật, không rời khỏi nó dù phải hy sinh cả tánh mạng.
Ngài rải tâm từ đến tất cả chúng sanh không có sự phân biệt thân, thù hoặc không thân không thù. Cũng như người cha muốn lãnh lấy mọi phiền khổ của đứa con, Ngài muốn lãnh lấy tất cả mọi phiền khổ của chúng sanh.
Ngài hoan hỷ với những việc phước của tất cả chúng sanh. Ngài luôn luôn quán niệm về tánh chất vĩ đại của chư Phật và oai lực vĩ đại của các Ngài. Bất cứ hành động nào về thân hay khẩu, tâm của Ngài chỉ hướng về Giác ngộ Ba la mật.
Bằng cách này, vị Bồ tát do thường xuyên chuyên tâm vào các việc phước như bố thí, v.v… Ngày qua ngày Ngài tích lũy phước báu và trí tuệ không ngừng.
Hơn nữa, sau khi từ bỏ tứ chi và mạng sống để bảo vệ chúng sanh và cho họ tùy ý sử dụng chúng, Ngài tìm mọi phương sách để xoa dịu đau khổ của chúng sanh như đói, khát, lạnh, nóng, gió, nắng, v.v….
Bất cứ hạnh phúc nào mà Ngài có được do đoạn trừ những nỗi khổ của chúng sanh, sự an lạc của thân và tâm do kết quả của sự trú ngụ ở những khu vườn khả ái, những hồ nước trong, những chỗ ngụ trong rừng, sự an lạc trong thiền định của chư Phật, chư Phật Độc giác, chư Thinh văn đệ tử và chư vị Bồ tát sau khi xuất gia, mà Ngài đã nghe người khác nói, Ngài muốn đem tất cả hạnh phúc này đến tất cả chúng sanh không phân biệt.
Khi Ngài đã chứng đắc các tầng thiền, Ngài tinh tấn ban phát hạnh phúc của chúng như hỉ, lạc, tịnh, định, trí thông hiểu các pháp như thật cho chúng sanh để họ cũng được thọ hưởng giống như Ngài.
Hơn nữa, Ngài thấy chúng sanh bị dập vùi trong cái khổ lớn của luân hồi (saṃsāra vaṭṭa dukkha), trong nỗi khổ do phiền não gây ra (kilesa dukkha), và trong nỗi khổ do nghiệp hành gây ra (abhisaṅkhāra dukkha).
Đây là cách Ngài trông thấy chúng sanh bị đau khổ: Ngài thấy rõ chúng sanh tạo tội đang lãnh chịu đau đớn tàn khốc ở các khổ cảnh (niriya), bị đâm, chém, cắt xẻo, nghiền nát, bị thiêu đốt nóng cháy liên tục trong thời gian dài.
Ngài trông thấy chúng sanh làm súc sanh đang trải qua nỗi khổ đau do thù địch nhau, áp bức nhau, gây ra sự thương tổn, giết hại nhau – hoặc phải làm việc vất vả để phục vụ kẻ khác.
Ngài thấy rõ chúng sanh làm ngạ quỷ bị bao phủ trong những ngọn lửa hung tàn, bị thiêu đốt và héo úa bởi sự đói khát, gió nắng, v.v… sống bằng cái gì bị nôn ra, sống bằng nước dãi, đàm, mủ v.v… đang vật vã kêu gào.
Ngài trông thấy một số chúng sanh đang tầm cầu phương tiện kiếm sống gây héo tàn thân xác, bị các loại cực hình như chặt tay, chặt chân, v.v… do những tội lỗi mà họ phạm phải; trông hung tợn, xấu xí và khuyết tật; bị lún sâu trong vũng lầy đau khổ không khác gì nỗi khổ của những tội đồ trong địa ngục. Một số người bị hành hạ bởi sự đói và khát do thiếu vật thực, đang chịu khổ giống như loài ngạ quỷ. Một số chúng sanh đông đảo và nghèo hèn bị chèn ép bởi những người có thế lực hơn, bị ép phải phục dịch cho họ và phải lệ thuộc vào người chủ để kiếm miếng cơm manh áo. Ngài thấy nỗi khổ của họ không khác gì nỗi khổ của loài súc sanh.
Ngài trông thấy chư thiên của sáu cõi dục (là chúng sanh mà loài người xem là những kẻ hạnh phúc) đang đau khổ trong phóng dật vì họ đã nuốt ‘chất độc’ của dục lạc và đang bị đốt cháy bởi những ngọn lửa tham, sân và si, giống như một đống củi khô đang cháy lại bị những luồng gió mạnh thổi vào, không phút nào được an tịnh, luôn luôn chiến đấu trong tuyệt vọng và lệ thuộc những kẻ khác chỉ để tồn tại.
Ngài thấy các vị Phạm thiên ở các cõi hữu sắc và vô sắc – sau khi sống ở đó, trong thời gian tám mươi bốn ngàn đại kiếp (mahā-kappa), cũng phải chịu định luật tự nhiên của vô thường và cuối cùng cũng phải chìm vào trong vòng luân hồi khổ đau của sanh, già và chết giống như những con chim bị năng lực khổng lồ đẩy vào hư không hoặc những cây tên được người đàn ông khỏe mạnh bắn vào hư không.
Trông thấy sự đau khổ của họ một cách sống động như vậy, Bồ tát cảm thấy kinh cảm (saṃvega), và rải tâm từ của Ngài đến tất cả chúng sanh trong ba mươi mốt cõi.
Bồ tát liên tục tích lũy các pháp cần thiết cho sự Giác ngộ bằng các thiện nghiệp về thân, ngữ và ý, bằng sự cố gắng không ngừng để tất cả các pháp Ba-la-mật của Ngài đạt đến đỉnh cao của sự thành tựu viên mãn.
Lại nữa, pháp Tinh tấn có phận sự đưa Ngài đến Phật quả – nơi tích tụ những ân đức thanh tịnh, hùng mạnh vô song và bất khả tư nghì. Người bình thường chỉ nghe về sự tinh tấn này của vị Bồ tát cũng không dám, nói chi đến việc thực hành.
Giải thích thêm:
Chỉ do năng lực của sự tinh tấn này mà Bồ tát phát triển, tích lũy và viên mãn các pháp cần thiết cho sự Giác ngộ – Ba đại nguyện về đạo quả Toàn giác Phật: Chứng đắc Phật quả (Buddho bodheyyaṃ), đạt sự giải thoát (mutto moceyyam) và vượt qua đại dương luân hồi (tiṇṇo tāreyyaṃ), bốn Phật địa, Tứ nhiếp pháp, đại bi, sự quán xét về duyên vô song đối với đạo quả Phật do sự giác ngộ các Phật tánh, không bị ô nhiễm bởi ái dục, ngã mạn và tà kiến liên quan đến tất cả các pháp; xem tất cả chúng sanh như con ruột của mình; không có sự chán nản vì cái khổ của luân hồi trong khi phấn đấu cho mục tiêu đạo quả Phật. Chuyên tâm tu tập Tăng thượng giới, Tăng thượng định và Tăng thượng tuệ, không lay chuyển trong sự thực hành ba pháp học này. Đầy hạnh phúc và hoan hỷ đối với các việc phước. Có khuynh hướng nghiêng về ba pháp viễn ly (Thân viễn ly – kāya viveka: xa lìa hội chúng, phe nhóm; Tâm viễn ly – citta viveka: xa lìa những ý nghĩ về dục lạc; Ý viễn ly – upadhi viveka: xa lìa phiền não). Chuyên tâm tu tập các tầng thiền. Không hề thỏa mãn với các pháp không thể chê trách được. Thuyết pháp đến người nghe với thiện ý. Nỗ lực cố gắng nhiều đối với các việc phước để thành tựu viên mãn các pháp Ba-la- mật. Cố gắng liên tục đầy can đảm, không buồn phiền trước những lời chỉ trích và những lỗi lầm của kẻ khác. An trú vững chắc trong pháp chân thật. Thuần thục trong các tầng thiền (jhāna). Chứng đắc các pháp thần thông (abhiññā). Thông đạt ba đặc tánh (anicca, dukkha, anatta). Tích lũy những pháp cần thiết cho sự chứng đạt bốn đạo siêu thế qua sự thực hành Tứ niệm xứ (Satipatthāna), v.v…. Thành tựu chín pháp siêu thế (bốn Đạo, bốn Quả và Niết bàn). Tất cả những cố gắng trong sự tu tập, tích lũy và thành tựu các pháp cần thiết cho sự giác ngộ chỉ có thể xảy ra do năng lực của tinh tấn. Do đó, khi chứng đắc Phật quả, Bồ tát tu tập để thành tựu pháp Tinh tấn một cách đầy đủ, không ngừng nghỉ, đầy nhiệt tâm, nhờ đó Ngài có thể tiến bộ ngày một cao hơn trong các pháp ưu việc.
Khi pháp Tinh tấn Ba-la-mật đầy dũng cảm này đã được thành tựu viên mãn thì các pháp Ba-la-mật theo sau nó như Nhẫn nại, Chân thật, v.v… cũng như các pháp Ba-la-mật đi trước nó như Bố thí, Giới, v.v… tất cả được thành tựu viên mãn nhờ vào pháp Tinh tấn. Do đó, sự thành tựu viên mãn Nhẫn nại Ba-la-mật và những pháp Ba-la-mật khác nên được hiểu theo cách này.
Như vậy, dứt bỏ của cải để bố thí ngõ hầu đem lại lợi ích và hạnh phúc cho kẻ khác là sự thành tựu quả Bố thí.
Không hủy hoại mà bảo vệ mạng sống tài sản và gia đình của chúng sanh, không gây ra sự bất đồng ý kiến, nói lời thân ái, có lợi ích, v.v… là sự thành tựu của Giới.
Cũng thế, làm nhiều việc lợi ích như thọ nhận bốn món vật dụng do chúng sanh dâng cúng và bố thí pháp đến họ là sự thành tựu của pháp Xuất gia. Thiện xảo trong các phương tiện làm gia tăng phúc lợi cho chúng sanh là sự thành tựu của pháp Trí tuệ. Nhiệt tâm phấn đấu, trải qua những khó khăn và không lơi là trong việc sử dụng phương tiện thiện xảo ấy là sự thành tựu của pháp Tinh tấn. Chịu đựng tất cả những điều sai trái của chúng sanh là sự thành tựu của pháp Nhẫn nại. Không dối gạt, không phá vỡ những điều đã hứa vì lợi ích của chúng sanh là sự thành tựu pháp Chân thật. Giữ tâm không bị lay chuyển dù phải chịu thiệt thòi về quyền lợi của mình, trong khi phục vụ chúng sanh là sự thành tựu pháp Chí nguyện. Thường xuyên quán niệm về lợi ích và hạnh phúc của chúng sanh là sự thành tựu pháp Bác ái; tâm bình thản, không dao động khi được giúp đỡ hoặc bị quấy rầy bởi kẻ khác là sự thành tựu về pháp Xả.
Như vậy, Bồ tát tinh tấn tu tập để tích lũy phước và trí tuệ vô song mà người bình thường không thể làm được, vì vô lượng chúng sanh và sự thành tựu triệt để những điều kiện căn bản của các pháp Ba-la-mật như đã nêu ra ở trên – tất cả những công việc này có thể được xem là sự thực hành pháp thành tựu của các pháp Ba-la-mật.