III. Chánh mạng thanh tịnh giới (ājīvapārisuddhisīla).

Cách nuôi mạng theo lẽ chánh của tỳ khưu, không phạm 6 điều học mà đức Phật đã chế định vì nguyên nhân tà mạng, hoặc chẳng phạm nhất là 5 ác pháp, như thế gọi là giới nuôi mạng trong sạch.

  1. Giải về 6 điều học

Sáu điều học này mà đức Phật đã chế định là: 1) tỳ khưu chỉ vì nguyên nhân nuôi sanh mạng, có sự tham muốn xấu xa, bị lòng tham đè nén rồi khoe pháp của bậc cao nhơn (pháp đại định hoặc là pháp thánh) mà mình chưa đắc, phạm tội bất cộng trụ; 2) tỳ khưu chỉ vì nuôi sanh mạng, làm mai dong, nói cho trai vừa lòng gái, gái đẹp lòng trai phạm tội tăng tàn; 3) tỳ khưu khoe pháp của bậc cao nhơn, nói không ngay, chỉ nói mí rằng “các ngài hãy xem tỳ khưu nào ở trong tịnh xá của các ngài, chính vị tỳ khưu ấy là bậc A-la-hán vậy”, cách khoe mình như thế chỉ vì sự nuôi sanh mạng phạm tội Trọng tội; 4) tỳ khưu vô bịnh chỉ vì sự nuôi sanh mạng xin vật cao lương để dùng, phạm ưng đối trị; 5) tỳ khưu ni vô bịnh chỉ vì sự nuôi sanh mạng xin vật thực để dùng, phạm ưng phát lộ; 6) tỳ khưu vô bịnh xin vật thực để dùng phạm tác ác.

2.      Giải về 5 ác pháp

Năm ác pháp là pháp đê hèn, tội lỗi mà bậc tu hành phải xa lánh là: kuhanā, lapanā, nemittikatā, nippesikatā, lābhenalabhaṃ nijjigimsanatā.

– Trong ác pháp thứ nhất – kuhanā giải rằng: tỳ khưu dục lợi muốn được người tôn kính và khen tặng, nói dối để khoe đạo đức cao thượng mà mình không có và tìm nói dối như mấy cách sau này:

Paccayapatisevana: Phương pháp nói dối về sự thọ lãnh vật dụng. Giải: có hạng tỳ khưu được thí chủ thỉnh đến dâng cúng 4 vật dụng, tuy tâm mong mỏi được mấy món ấy, nhưng giả bộ từ chối, làm cho người tưởng rằng mình là kẻ ít tham, không cần vật quí giá, chỉ dùng vật thấp hèn thôi (như dùng y dơ của người bỏ). Vì lẽ ấy nên thí chủ thật lòng tín ngưỡng mình. Lần sau họ đem nhiều vật đến dâng cúng mới chịu thọ lãnh và kiếm thế chữa mình rằng: “Ta chẳng phải tham dùng các món ấy, nhưng muốn cho quí ngài vui lòng được phước, nên phải buộc mình thọ lãnh”. Chẳng phải chỉ giả dối trong những nơi ấy, mà còn làm ra dáng cao thượng nữa, cho người càng thêm tôn trọng mình. Các cách hành động như thế gọi là dối trá về sự thọ lãnh vật thực.

Sāmantajappana: tỳ khưu dục lợi, muốn được người khen ngợi, giả trá bằng cách nói mí rằng: “Các ngài nên xem tỳ khưu nào mặc y như vầy, thầy tế độ và thầy giáo thọ của vị tỳ khưu ấy như vầy, tỳ khưu ở trong tịnh xá như vầy v.v… Tỳ khưu như thế là bậc Sa-môn cao thượng, bởi ngài có đạo đức thanh cao”. Hoặc nói nhiều cách khác nữa, hoặc tự khoe mình để cho người khác tán tụng. như thế gọi là sāmantajappana

Iriyapathas ghanisita: hoặc sự giả dối xấu xa bằng cách oai nghi đi đứng. Giải: Có hạng tỳ khưu dục lợi bằng cách đê hèn, muốn được danh lợi nên khoe rằng mình có đạo đức cao thượng, thu thúc oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) theo dáng bậc cao nhơn, làm cho người lầm tưởng rằng mình có đầy đủ trí tuệ, hoặc đã đắc đại định. Như thế gọi là dối trá bằng cách giả bộ thu thúc oai nghi.

– Trong ác pháp thứ nhì – lapanā giải rằng: tỳ khưu tham muốn xấu xa, mong được tài vật và danh tiếng, khi thấy người đến chùa thì niềm nở hỏi han. Nếu người nói đến thỉnh chư tăng thì tự mình đi thỉnh thế cho, hoặc tự khoe rằng: “Ta được từ vua, chí các quan lớn nhỏ đều kính mến”. Hoặc nói lời này tiếng nọ làm cho thí chủ phải dâng cúng vật dụng cho mình. Như thế gọi là lapanā.

– Trong ác pháp thứ ba – nemittikatā giải rằng: tỳ khưu tham muốn xấu xa mong được vật dụng và danh dự, hành động hoặc nói để cho người phải bố thí tài vật đến mình. Như tỳ khưu thấy, người có vật thực ngon ngọt, làm tuồng như không thấy, giả bộ hỏi thăm bằng thế này thế kia, cho người biết rằng mình cần dùng vật ấy, khiến người phải buộc lòng đem dâng cho mình. Các cử chỉ như thế gọi là nemittikatā.

– Trong ác pháp thứ tư – nippesikatā giải rằng: tỳ khưu dục lợi cách đê hèn, mong được tài vật và danh vọng, ỷ quyền chửi mắng[10] thí chủ, dùng lời này tiếng kia, trách người không biết điều, không tín ngưỡng Phật pháp; nói lén hoặc nói xấu người, hoặc đem đến chuyện xấu nhà này nói nhà kia… như thế gọi là nippesikatā.

– Trong ác pháp thứ năm – lābhenalābham nijigimsanatā giải rằng: tỳ khưu dục lợi cách đê hèn, muốn được tài vật danh tiếng, lấy vật được nơi đây đem cho nơi kia, nhà này để cho nhà nọ, mong được của cải thêm nhiều, như thế gọi là lābhenalābham nijigimsanatā.

Những lẽ giải trên đây gọi là sự tà mạng do 5 ác pháp.

3.         Giải về sự biết vô ích

Sự biết vô ích, là tư cách hiểu biết thấp hèn, không có ích lợi chi. Tư cách ấy có nhiều thể thức khác nhau, nhưng đây chỉ lược thuật 8 thể thức: 1) biết sách giải về thân thể học (āngaṃ); 2) biết sách giải về các nguyên nhân khác (nimittaṃ); 3) biết sách giải về thiên văn học (uppātaṃ); 4) biết sách giải về pháp đoán điềm mộng (supinaṃ)[11]; 5) biết sách giải về thần tướng học (lākkhanaṃ); 6) biết sách giải về y phục bị chuột cắn[12] (musikacchinnaṃ); 7) biết sách giải về sự cúng dường lửa (aggihomaṃ); 8) biết phương pháp cúng dường vá[13] (dobbihonaṃ).

Tỳ khưu thọ dụng những vật thực của thí chủ có lòng tín thành dâng cúng cho, chẳng nên học hỏi sách tướng để tìm cách nuôi mạng bằng sự biết không hữu ích như giải trên.

Tư cách của tỳ khưu, nhất là sự xa lánh 5 ác pháp và 8 điều biết không hữu ích để tìm thế nuôi mạng trong sạch gọi là hành theo chánh mạng vậy.

4.      Kết luận trong pháp chánh mạng

Tỳ khưu chánh mạng do sự tinh tấn, thu thúc theo giới luật, nghĩa là nhờ có sự cố gắng thì pháp chánh mạng mới được trong sạch. Sự trì giới này chỉ nhờ đức tinh tấn chơn chánh, hằng xa lánh các ác pháp và sự biết vô ích như đã giải trên, mới có thể tìm vật dụng một cách trong sạch được. Theo lẽ ấy, tỳ khưu mong được điều lợi ích, chẳng nên thọ lãnh vật dụng nhơ nhớp đê hèn, trái lẽ đạo.

Phải biết vật dụng thế nào là trong sạch thế nào là không trong sạch. Đối với các hạng tỳ khưu không tu hạnh đầu đà, những vật dụng của thiện tín thông luật pháp bố thí đến chư tăng hoặc đến 1, 2, 3 vị tỳ khưu, đều gọi là vật trong sạch. Tuy nhiên, vật dụng được do sự hành khuất, lượm lặt của người thí chủ có tâm thỏa thích trong pháp đầu đà dâng cúng, mới đáng gọi là vật dụng trong sạch. Hoặc vật dụng quí giá hay thấp hèn đã được trong một thời kỳ, tỳ khưu không dùng vật quí, đem dâng cho vị khác và để vật hèn lại cho mình, như thế mới đáng gọi là vật trong sạch cao thượng.

Vật dụng không trong sạch là vật dụng được do sự tà mạng như đã giải trong “Biệt biệt giải thoát thu thúc giới”, trong anācāra, trong 6 điều học, trong 5 ác pháp và trong 8 điều biết vô ích, hoặc vật dụng do sự bom dỗ, làm thầy thuốc mà có hay tự mình mua, đổi. Những vật ấy gọi là vật không trong sạch.

Có lời khen rằng: “Yỳ khưu nào, dầu có sự tai hại đến sanh mạng mình, cũng chẳng thối chuyển trong sự hành theo chánh mạng, thà chết chớ chẳng chịu dùng vật thực không trong sạch, mới đáng gọi là bậc chơn chánh”. Như đại đức Xá Lợi Phất, một thuở nọ, ngài đau bụng gió, tôn giả Mục Kiền Liên hỏi rằng: “Thường khi sư huynh mang bịnh ấy, vậy chớ sư huynh dùng thuốc chi để chuyên trị?” Đức Xá Lợi Phất đáp “Khi còn ở thế bị bịnh này, tôi dùng cơm nấu với sữa tươi không có lộn nước thì bịnh hết”. Trong lúc ấy có 1 vị tỳ khưu nghe được, bèn bảo người nấu cơm y như lời đức Xá Lợi Phất đã nói khi nảy. Ông ta đi khất thực rồi đem về dâng cho đức Xá Lợi Phất, nhưng ngài chẳng chịu dùng, vì cho rằng cơm này phát sanh do lời nói của mình. Ngài bèn thuyết rằng:

“Vacīvaññatti vipphārā

Uppannaṃ madhupāyasaṃ

Sace bhutto bhoveyyāhaṃ

Sājīvo garahito mama

Yadipi me antagunaṃ

Nikkhamitvā bahī care

Nevabhindeyyamājīvaṃ

Cajamānopi jīvitaṃ

Ārādhemi sakaṃ cittaṃ

Vivajjemi anesanaṃ

Nāhaṃ buddhapatikkuṭṭhaṃ

Kāhāmi ca annesanaṃ.”

Nghĩa là: Nếu tôi dùng cơm sữa phát sanh do lời nói của tôi, thì ắt bậc trí tuệ khinh bỉ được. Dầu ruột phải lòi ra ngoài, tôi cũng cam chịu chết, chớ không thối chuyển, để làm hư hoại pháp chánh mạng của tôi. Tôi làm cho tâm tôi phải theo tôi, tôi phải xa lánh vật thực tìm được do tà mạng và không khi nào dám phạm tà mạng mà đức Phật đã răn cấm đâu.

 

Có lời kệ rằng: Anesanāya cittampi ajanetvā vicakkhano ājīvaṃ parisodheyya saddhāpabbajito yati. Nghĩa là: Những hành giả có trí tuệ, đã xuất gia theo Phật pháp do lòng tính ngưỡng chơn chánh, phải làm cho sự nuôi mạng được trong sạch, không nên chiều theo vọng tâm, thọ lãnh vật dụng thuộc về tà mạng.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app